trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
11.9.2008
 
Xét nghiệm tử thi một cuộc xung đột
(Bài viết của Marie Jégo, cùng với Alexandre Billette, Natalie Nougayrède, Sophie Shihab và Piotr Smolar)
Phạm Toàn dịch
 
Nằm trên đồi cao của “thủ đô” Tskhinvali Nam Ossetia, căn cứ đóng quân tiểu đoàn “duy trì hòa bình” Nga chỉ còn là đống hoang tàn. Những tòa nhà cho lính ở trước đây, khu y tế và văn phòng, đều thành mục tiêu của quân đội Gruzia trong cuộc tiến công của họ đêm 7 rạng ngày 8 tháng Tám.

Ai nổ súng trước? Đại úy Vladimir Ivanov, chỉ huy phó đơn vị “hòa bình” (hỗn hợp Nga và Gruzia) tuyên bố dứt khoát: "Những phát súng đầu tiên của phía Gruzia được bắn hồi 23 giờ 30 tối mồng 7. Họ bắn bằng súng hạng nặng, bằng súng phóng hoả tiễn và súng phóng lựu, họ bắn đạn 122 mm và 152 mm. Những chiếc tăng T72 nằm trên độ cao nhắm bắn vào thành phố và vào tiểu đoàn chúng tôi. Đến 6 giờ sáng, thì họ xung phong. Lính của họ tiến từ ba hướng: từ các làng (Gruzia ở Nam Ossetia) từ Tamaracheni, Ergneti và Nikosi. Đến 9 giờ sáng, có không quân Gruzia tới hỗ trợ."

Muốn hiểu được chuyện này, cần hình dung địa hình Nam Ossetia, sự xen kẽ giữa các làng Ossetia và Gruzia với nhau. Hai cộng đồng đó sống cạnh nhau nhưng nghi ngờ không tin nhau. Lời lẽ không bao giờ thay đổi: bên này bao giờ cũng đổ cho bên kia là bọn cuồng tín... Những rạn nứt tôn giáo và dân tộc, lại bị sử dụng vào các cuộc chơi của những liên minh và những siêu cường, vùng Caucase, "quả núi của mọi người", trở thành một khu vực không ổn định, ở đó những hòn than hồng của những cuộc xung đột lúc nào cũng chờ để được thổi bùng lên.

Ở cái vùng lũng sâu núi cao này, kể từ nhiều thế kỷ, chuyện kiểm soát nguồn nước, đường đi và đèo cao đã thành cơn cớ cho những cuộc chiến dữ dội giữa các nhóm sắc tộc. Ở Nam Ossetia, đã không có sự chung sống giữa các tộc người, mà còn có một chế độ phân biệt chủng tộc thế chân vào kể từ khi Liên Xô sụp đổ; trong cơn điên dân tộc chủ nghĩa, nước Gruzia đã muốn xóa hẳn thể chế tự trị cho cái tỉnh này kể từ thời còn Liên bang Xô-viết.

"Bọn người Ossetia là bọn rác rưởi mà chúng ta rồi sẽ tống khứ qua đường hầm Roki (nằm giữa Gruzia và Nga)", Tổng thống Gruzia Zviad Gamsakhourdia từng nói thế. Phải rửa nhục thôi. Được Nga ủng hộ về quân sự, sau một cuộc chiến chết chóc, Ossetia ly khai vào năm 1992. Đây là minh họa cho lựa chọn riêng rẽ đó: ở Nam Ossetia, mỗi cộng đồng có đường dẫn khí đốt riêng, có đường dẫn nước riêng, có đường đi tránh riêng; kể từ khi ly khai, những người dân các làng Gruzia ở phiá Bắc Tskhinvali có thể đi tới Gori (thuộc Gruzia) bằng cách đi tránh các làng Ossetia. Và những người dân Ossetia muốn đi từ Tskhinvali tới Djava ở phía bắc tỉnh mình, liền dùng đường quành khác để không đi ngang các làng người Gruzia. Chỉ có một trục đường chính dẫn tới đường hầm Roki, cửa ngõ duy nhất dẫn vào nước Nga. Chính theo lối đi này, một đường hầm dài 5 kilomet đục trong núi nối liền Bắc Ossetia (thuộc Nga) với miền Nam Ossetia (thuộc Gruzia) vào ngày 9 tháng Tám Moskva đã chuyển quân đoàn số 58 của họ.


Mikheïl Saakachvili, một bệnh nhân tâm thần dưới con mắt của Moskva

Alan Djoussoev, 34 tuổi, xác nhận: "Ngày 7 tháng Tám, tôi đi chơi bóng rổ. Sau đó, mọi người quyết định đi tắm sông. Rồi tôi về nhà. Chính lúc đó mọi sự bắt đầu. Tôi xuống tầng hầm và chỉ chui ra vào khoảng 4-5 giờ sau khi các trận bom đã ngừng. Sau đến lượt xe tăng tiến vào. Không ai chờ đợi bị tấn công tới mức độ đó, việc chống trả khá kém cỏi. Chúng tôi đẩy lui được hai bận, nhưng sẽ chẳng làm được một lần thứ ba nếu chiều mồng 9 tháng Tám quân Nga không tới giúp."

Người đàn anh Nga, kẻ bảo vệ cho cái dân tộc bé nhỏ hệ Ấn-Âu đó từ thế kỷ XVIII, không thể nào ngồi yên. Trước con mắt của Điện Kremlin, sự vụ là như sau: người Gruzia đã phát động mọi thứ, đã "giết 2000 dân thường" Ossetia và 18 lính Nga trong lực lượng “duy trì hoà bình".

Theo cách trình bày diễn biến cuộc xung đột của Nga thì Tổng thống Mikheïl Saakachvili đã lợi dung lúc cả thế giới chú mục vào lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 để tung ra chiến dịch đêm 7 rạng ngày 8 tháng Tám, nhằm thu hồi bằng vũ lực cái tỉnh ly khai Ossetia. Được mô tả như một “người bệnh tâm thần”, ông bị coi là phải chịu trách nhiệm về tội “diệt chủng " đối với người nam Ossetia. Một bác sĩ tâm thần Nga đã lên ti-vi phân tích trực tuyến "hội chứng" đó của Tổng thống Gruzia. Ông ta "sẽ bị đem ra xét xử", tòa án binh Nga hứa hẹn như vậy. Dư luận công chúng cũng huà theo. Trên ti-vi, trong các câu chuyện đầu Ngô mình Sở quanh tách trà trong bếp, thấy đầy những định ngữ: Saakachvili, "gián điệp Hoa Kỳ", là một "tội phạm chiến tranh", "tệ hại hơn cả Hitler".

Giữa Vladimir Putine và Mikheïl Saakachvili, sự thù nghịch cá nhân với nhau thật sâu như biển. Trong số những thứ mắm muối cho cuộc chiến tranh này, còn có cả sự thù hằn cá nhân nữa. Mọi thứ đều đối lập giữa một ông nhân viên KGB cũ với tính tình lạnh lùng, được đào tạo ở Dresden thuộc Đông Đức cũ, đầy hoài niệm quyền lực Liên Xô xưa, và một kẻ quấy rối trẻ tuổi người Gruzia được đào tạo ở Đại học Columbia, được Hoa Kỳ ủng hộ và hoan nghênh cả với tư cách kẻ tiên báo công cuộc dân chủ hóa tại Liên bang Xô-viết cũ, lẫn tư cách người ngạo nghễ tự xưng là thừa kế vua David - Nhà Xây dựng, kẻ vun quén sự đoàn kết của đất nước này hồi thế kỷ thứ XII.


Ngày 7 tháng Tám, một ngày đầy lừa bịp

Nhìn từ Tbilissi, cuộc xung đột không bắt đầu với cuộc tiến công của Gruzia ngày 7 tháng Tám, mà sớm hơn nữa. Vào tháng Bảy và tháng Tám, các làng Gruzia trong vùng đất lọt thỏm giữa Ossetia (Zemo-Nikozi, Kvemo-Nikozi, Nuli, Avnevi, Eredvi, Ergneti) nhiều lần trở thành mục tiêu bắn đạn thật của những người ly khai Ossetia. Các ngày 28 và 29 tháng Bảy, họ bắn vào nhóm lính bảo vệ hòa bình và quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hiệp tác châu Âu (OSCE) đang trên đường tới các làng Tchorbaouli và Andisi, nhưng không gây thương vong.

Ngày 1 tháng Tám, một xe thùng chở sáu cảnh sát Gruzia bị nổ tung vì bom nổ chậm, làm năm người bị thương nặng. Để trả đòn, thủ phủ Tskhinvali bị ăn đạn pháo bắn tới từ các làng Gruzia. Ngày 2 tháng Tám, những người ly khai Ossetia đánh trả lại bằng pháo hạng nặng. Khi đó, Tbilissi lên án Nga qua con đường hầm Roki đã cung cấp vũ khí đạn dược cho những người nổi dậy.

Chiến tranh nổ ra ngày 7 tháng Tám. Cái ngày đó đầy những mùi vị lừa đảo. Nhận thấy tình hình tại chỗ vô cùng đáng lo ngại, nhà thương thuyết người Gruzia Timour Iakobachvili quyết định đến Tskhinvali, khi đó dân cư đã đi sạch. Tại đây ông chờ đợi nhà ngoại giao Nga Iouri Popov. Vô vọng. Nhà ngoại giao không thể tới được vì lốp xe của ông bị nổ. Và ông ấy không có lốp sơ-cua!

Ông "tổng thống" Ossetia Edouard Kokoïty cũng không nhúc nhích đi đâu hết. Chỉ có ông Marat Koulakhmetov, vị chỉ huy của lực lượng hỗn hợp “duy trì hòa bình”, đón nhà thương thuyết người Gruzia. Trong khi trò chuyện, ông ta nói với nhà thương thuyết người Gruzia rằng ông đã phát ngấy với bọn ly khai Ossetia, chúng càng lúc càng không thể kiểm soát được nữa.

Đến hồi 19 giờ, Mikheïl Saakachvili vội vã trở về sau một cuộc chữa bệnh giảm cân ở Italia, tuyên bố phía Gruzia đơn phương ngừng bắn. Đến 22 giờ 30, hai thành viên lực lượng “duy trì hòa bình” người Gruzia bị giết và sáu người bị thương. Các làng Gruzia Tamaracheni và Kourta sau đó bị pháo binh Ossetia nện. Nhưng còn chuyện tầy đình hơn nữa. Chính vào lúc đó, và người Gruzia tin chắc là mình không nhầm, một đoàn 150 xe bọc thép Nga tiến vào đường hầm Roki. Thông tin đến với họ qua một vệ tinh Mỹ. Moskva rồi sẽ phủ nhận sạch.

Kể từ thời điểm đó, cần hành động nhanh, nếu không vào tảng sáng quân Nga sẽ tới chân cầu Kourta là cửa ngõ vào vùng xôi đỗ Nga và Ossetia. Quân đội Gruzia được lệnh tiến thẳng tới Tskhinvali, không lực được huy động, từ các làng Gruzia các cỗ phóng hỏa tiễn nhiều giàn bắt đầu hoạt động. Nhưng hỏa lực của những người ly khai cộng với thế trội không lực Nga nhanh chóng đè bẹp sức kháng cụ của phía Gruzia.


Trừng trị Gruzia

Thật uổng công khi lực lượng quân sự Gruzia được các chú lính Hoa Kỳ huấn luyện, cũng thật uổng khi trang thiết bị của họ thuộc loại xịn nhất (xe tăng có hệ thống nhìn ban đêm bằng tia hồng ngoại và định vị GPS), thế mà cũng vẫn chẳng đủ nặng ký bao nhiêu. Binh lính chuyên nghiệp có 37 000 người được gửi lên tuyến một, 100 000 quân trù bị còn lại thì được huấn luyện tồi, không đáp ứng được các sự kiện. Ưu thế của Nga về không lực là tuyệt đối. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chớp nhoáng, pháo phòng không Gruzia khoe là đã hạ 20 tầu bay Nga. Moskva bảo rằng bên kia nói điêu, tuy rằng cũng thừa nhận mất bốn chiếc trong đó có một máy bay ném bom tầm xa T22.

Ngày 8 tháng Tám, Vladimir Putine bắt đầu ra tay. Ông bác bỏ mọi lý lẽ mà Nicolas Sarkozy đưa ra với ông tại Bắc Kinh bên lề các cuộc thi thể thao Olympic. Tổng thống Pháp tìm cách thuyết phục Putin không tung quân đánh sang Gruzia: "Xin cho tôi 48 giờ ngừng bắn, tôi sẽ tìm cách để người Gruzia triệt thoái. – Niet. – Xin cho tôi 24 giờ, họ sẽ triệt thoái. – Niet. Họ sẽ bị trừng trị!"

Cuộc đánh chiếm Tskhinvali của Gruzia ngày 8 tháng Tám hồi 14 giờ 30 sẽ kéo không dài. Sau một hôm, quân đội của họ bị đánh bại, nhận được lệnh rút lui. Ngày 11 tháng Tám, vào cuối buổi chiều, từng hàng dài xe cộ tiến về thành phố Gori, nằm tại cửa ngõ vùng ly khai, bị không lực Nga săn đuổi theo. Chiến tranh chấm dứt, bắt đầu cuộc chiếm đóng của Nga. Cần phải trừng trị Gruzia, cần làm cho nước này suy yếu, đặng bóp chết luôn các tham vọng gia nhập NATO của nó.

Chuếnh choáng vì thắng lợi, người Nga sẵn sàng làm mọi điều. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergueï Lavrov tâm tình với người đồng nhiệm Hoa Kỳ Condoleezza Rice rằng nước Nga sẽ không khi nào chấp nhận thương thuyết với Mikheïl Saakachvili: ông ta phải ra đi. Dưới con mắt Moskva, cuộc "cách mạng hoa hồng " năm 2003 đưa "Micha thân yêu" lên cầm quyền chỉ là một âm mưu to lớn của Washington.


Phía Nga, cái kẹp bằng quân sự đã sẵn sàng

Cuộc chiến tranh được chuẩn bị từ hồi nào vậy? "Quân đội Nga đã biết từ trước rằng phía Gruzia chuẩn bị tấn công. Nhưng bộ tham mưu nghĩ rằng cú đầu tiên họ sẽ nhằm đánh vào Abkhazia (tỉnh ly khai khác nữa của Gruzia) theo hai ngả trên đất liền và theo đường biển. Giả thuyết này được đặt ra đã hai hoặc ba năm nay. Vài ngày trước cuộc tấn công vào Tskhinvali, quân Nga đã đưa lính không vận tới Abkhazia", chuyên gia quân sự Nga Viktor Baranets giải thích cho tờ Le Monde như thế.

Sự hiện diện của công binh Nga triển khai từ mùa Xuân tại Abkhazia để chữa đường sắt (đoạn nằm giữa Otchamtchira, cảng của Abkhazia ở đó 5 000 lính Nga đã đổ bộ ngày 10 tháng Tám, và Soukhoumi), liệu có là hệ luận từ giả thuyết đó? Câu trả lời của vị chuyên gia: "Nếu quân đội chúng tôi sửa chữa đường sắt thì bất kể một thằng ngu nào cũng biết đó là để vận chuyển quân đội! Người Gruzia không thể nào hiểu nổi chuyện đó là như thế nào. Đó là một thông điệp gửi đến người Gruzia!"

Người Nga đã chuẩn bị cái kẹp rồi sẽ siết chặt nước Gruzia. Vladimir Putine chờ một cơ hội để vớ lấy. Theo một một nguồn tin cao cấp ở Bộ Quốc phòng, những tầu chiến Nga của hạm đội Hắc Hải không thể nào trong một hạn định ngắn ngủi đến thế vài ba giờ đồng hồ mà đã kịp cập cảng của Gruzia , "trong tình trạng một hạm đội cũ nát như của họ, thì họ cần nhiều ngày để có thể sẵn sàng". Sự phối hợp tác chiến thủy quân, không quân và lục quân khi tiến vào lãnh thổ Gruzia chứng tỏ có sự chuẩn bị trước của phía Nga. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng không thể nào trong bốn mươi tám tiếng mà gửi được 20 000 quân cùng 2 000 xe tăng sang Gruzia mà lại chẳng có chút chuẩn bị gì.

Thực ra thì cuộc chiến tranh đã nung ủ từ lâu. Cú cảnh cáo đầu tiên là từ khi Kosovo tuyên bố độc lập ngày 17 tháng Hai. Vladimir Putine, khi đó vẫn còn là Tổng thống trong vài tuần nữa, cho mọi người biết là sẽ có những hệ quả của những xung đột chưa được dẹp yên tại Liên Xô cũ, có nghĩa là tại những vùng ly khai của Gruzia.

Ngày 16 tháng Tư, khi NATO họp thượng đỉnh ở Bucarest, Gruzia và Ukraina khẳng định hy vọng có ngày gia nhập khối liên minh Bắc Đại Tây Dương. Giới tinh hoa chính trị-quân sự Nga, những người chưa khi nào nguôi chuyện mất tong đế quốc, dù đó là đế quốc Nga hoàng hoặc đế quốc Xô-viết, sẵn sàng làm mọi chuyện để ngăn chặn sự bành trướng mới của Liên minh Đại Tây Dương tới sát biên giới của họ. Chế ngự không gian hậu Xô-viết, tái chiếm cái khu vực vẫn được Nga coi như là nằm trong khu vực ảnh hưởng lâu đời đó của họ: đó là một trong những mục tiêu công nhiên của Kremlin.

Hiểu rõ rằng ông ta không tài nào ngáng trở nổi những khát vọng muốn đi theo khối Đại Tây Dương của Gruzia và Ukraina, Vladimir Putine ký một sắc lệnh cho phép thiết lập quan hệ chính thức giữa Nga với các thực thế ly khai của Gruzia. Ngày 21 tháng Tư, Mikheïl Saakachvili gọi dây nói cho ông ta, đề nghị ông ta thay đổi quyết định đó. Nhà lãnh đạo Gruzia gợi chuyện phương Tây ủng hộ nước ông. Vị Tổng thống Nga đáp lại ông ta như sau: "Những tuyên bố thân phương Tây của anh, xin anh cất nó vào chỗ có cái con củ c…"


Gruzia – Hoa Kỳ, sáu năm hợp tác

Đột nhiên, tình hình ở Abkhazia xấu đi. Một máy bay không người lái của Gruzia do Israel đóng bị bắn rơi ở tỉnh ly khai này, chi tiết ấy được đưa vào báo cáo của Liên hợp quốc. Khi đó, nguy cơ tình hình xấu đi thậm tệ dường như lớn hơn ở Abkhazia, nằm trên vùng duyên hải Hắc Hải chứ không phải ở Nam Ossetia, một vùng nông nghiệp không có giá trị chiến lược gì to tát. Nam Ossetia, với những “người đeo quân hàm trên cầu vai" đã quy thuận theo Kremlin, tỏ ra khó xẩy ra mất ổn định hơn.

Khoảng giữa tháng Tư tới khi xảy ra chiến tranh vào tháng Tám, Washington không ngừng cảnh báo ban lãnh đạo Gruzia: nhất hạng là không nên đáp trả những khiêu khích của phía Nga, không được mở chiến dịch quân sự sang các vùng ly khai. Những tin tức tình báo của Mỹ theo dõi các cuộc tập trung quân đội Nga ở Bắc Caucase báo trước cho Mikheïl Saakachvili rằng nếu có chuyện gì thì phía Nga sẽ giáng trả rất mạnh, với những chiến dịch ném bom từ trên không.

Người Mỹ trực tiếp nắm bắt được những ước muốn của phía Gruzia muốn thoát ra khỏi tình trạng đó: từ nhiều năm, Mỹ đã có cố vấn quân sự trong các tổ chức an ninh và tại bộ quốc phòng ở Tbilissi. Những “quân mũ nồi xanh” đầu tiên (lực lượng đặc nhiệm) của Mỹ đã hạ cánh xuống Gruzia vào năm 2002 trong khuôn khổ trận chiến chống Al-Qaida. Vào thời đó, Vladimir Putine từng tuyên bố ông không thấy ở đó "có bất kỳ tấn bi kịch nào ". Ngày nay, ông ta kết án Hoa Kỳ đã "đặc biệt tạo ra cuộc xung đột " nhằm mục đích chính trị đối nội.

Lo lắng chuyện làm cách gì thoát ra khỏi cảnh đối đầu với ông bạn láng giếng to tướng ở miền Bắc, Mikheïl Saakachvili luôn luôn tìm sự ủng hộ từ các nước phương Tây. Nhưng ở phương Tây, người ta chẳng biết mô tê gì về những “cuộc xung đột đã đóng băng” đó, với những viên than hồng không ngừng bùng cháy lên. Khi lên cầm quyền vào năm 2004, ông Tổng thống Gruzia hứa đưa các lãnh thổ ly khai về lại vòng tay chính quyền trung ương. Ba tháng sau khi được bầu, không nổ một tiếng súng, ông đã loại bỏ được Aslan Abachidzé, ông vua nước tí hon Adjarie (phía Nam Gruzia nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ). Rất có thể, bốn năm sau, ông lại vững tin rằng có thể làm mạnh tay ở Nam Ossetia. Kết quả tồi tệ hơn nhiều, ông đã đạt được việc quốc tế hóa vấn đề những “cuộc xung đột đã đóng băng”.

Với Moskva, tình hình cũng rất cấp bách. Tháng Mười, Liên minh Đại Tây Dương sẽ xét đơn xin gia nhập của Gruzia và Ukraina. Và cộng đồng quốc tế cũng quan tâm xem xét kỹ lưỡng hơn cung cách giải quyết các cuộc xung đột. Tháng Bẩy, ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đến Soukhoumi, "thủ đô" của Abkhazia, với một kế hoạch hòa bình mà ông tin rằng cả người Abkhazia lẫn người Nga đều đồng tình. Dự định của ông bị thất bại trước hành động coi như một sự trở mặt của Moskva. "Steinmeier đã bị sập bẫy người Nga", một nguồn tin bên trong Tổ chức Liên minh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đánh giá như vậy. Kremlin chắc là đã làm ông Ngoại trưởng Đức lóa mắt vì một chuyện gì đó, trước khi làm thất bại hoàn toàn chuyến công du của ông này, để cho thấy rõ châu Âu thật là bất lực.

Nước Nga hoàn toàn không thích cộng đồng quốc tế gí mũi vào những mảnh vỡ vụn của đế quốc Xô-viết. Những “cuộc xung đột đã đóng băng” Abkhazia vàNam Ossetia ở Gruzia, vùng Transnistrie ở Moldavie thẩy đều có khả năng là những cần điều khiển làm mất ổn định ở vùng ngoại vi Nga. Những "xó xỉnh xa xôi" với đường ranh giới nhòe nhoẹt này được cai trị mù mờ bởi các quan tổng trấn tham nhũng liếm gót điện Kremlin nhưng lại có tài biết cách làm vừa lòng giới tinh hoa chính trị-quân sự Nga đầu óc lúc nào cũng chỉ ám ảnh chuyện phục hưng đế quốc xưa. "Nỗi đau ma quái mất đế quốc Xô-viết vẫn còn chưa lành, giống như một chi trên thân người bị chặt đứt song ta vẫn cảm thấy nó còn đó...", nhà xã hội học quá cố Iouri Levada (1930-2006) thường quen nói như vậy.

Trong mười bốn năm, mỗi ông trong số ba ông Tổng thống Nga đều có cuộc chiến tranh của riêng mình. Năm 1994, ông Boris Yeltsin tung chiến xa xâm chiếm xứ Chechnya; năm năm sau, ông Vladimir Putine đặt cuộc xung đột thứ hai ở xứ Chechnya thành trung tâm điểm chương trình tranh cử tổng thống. Với cuộc can thiệp vào Gruzia, nỗi ám ảnh quân sự lại ngoi lên. Cả ông Dmitri Medvedev nữa, ông này cũng cần có một cuộc chiến tranh của riêng mình.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas