trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
2.9.2003
Hoàng Cầm
Nguyễn Đình Thi trong tôi -Nguyễn Đình Thi ngoài tôi
Hồi kí
 
Hương hồn anh Nguyễn Đình Thi linh giám

Anh Thi ơi!

Hà nội, nơi địa linh đã nuôi dưỡng và tạo nên biết bao nhiêu nhân kiệt cho dân tộc chúng ta, nơi chính anh đã để lại cho đời một khúc tráng ca duyên dáng hào hùng: "Đây Hồ Gươm... Hồng Hà...Hồ Tây..." để hôm nay anh đi vào cõi phiêu diêu những Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tôn, Nguyễn Trãi..., những Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều và lung linh những Tản Đà, Hàn Mặc Tử. Anh về cõi ấy anh sẽ đứng đâu trong cái bầu hư vô xanh xám kia, chắc hẳn con cháu chúng ta sau này rồi sẽ nhận rõ.
Nhưng có thật là duyên nợ không, hay do hai người mang hai bản chất ngược chiều nên suốt 60 năm, mặc dầu có nhiều lúc rất gần nhau mà không hiểu sao, anh và tôi vẫn cứ rượt ra khỏi cái đáng lẽ ra phải có Ngọn lửa tôi nhen lên chưa kịp ấm đã tắt. Tôi nâng tàu lá sen hứng vừa tròn một giọt sương mai, giọt sương thoắt đã bốc hơi. Như trên biển lớn, thuyền nan tôi cố bơi đến với anh, thoắt cái anh đã xa, vẫn nhìn thấy nhau mà xa, xa tít tắp. Khi viết bài này, tôi đã phải cố gắng nối lại sợi dây đứt quãng nhiều đoạn. Những trang tâm sự rất chân thực này, xin gửi với đất với trời, gửi đến hương hồn anh, hẳn anh sẽ chứng giám cho lòng thành của tôi, nếu có điều gì linh hồn anh khó chấp nhận cũng mong anh lượng thứ.


I.

Ngay khi mở đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước, người ta thấy xuất hiện một cái tên tác giả trên bìa những cuốn sách khảo cứu dày cộm: khảo cứu dịch thuật, giới thiệu đôi ba triết thuyết phương Tây. Nào Kant, Nietzche, Descartes. Một cái tên rất mới mẻ, trẻ trung và tươi tắn như đang muốn bay ra khỏi tủ kính những hiệu sách lớn ở Hà nội: Nguyễn Đình Thi.

Năm ấy tôi cũng vừa chân ướt chân ráo bén mảng vào một cái làng nghe ra có vẻ xa hoa, lại có vẻ hỗn độn kiêu kỳ mà hấp dẫn lắm: làng Văn. Một anh trai quê mãi tới năm 16 tuổi (1938) mới biết đến cái cầu Đu-me (tên ta là cầu Long Biên), đứng trước cái nguy nga tráng lệ của những lâu đài, dinh thự và cuộc sống náo động đô thành, tôi chỉ là anh học trò ngây ngô, như hình thù một chữ trong từ điển Larousse của Pháp thời bấy giờ: lơ nha quê (người nhà quê). Anh trai quê là tôi lúc ấy, lấy làm kính phục một người cầm bút chắc cũng xấp xỉ tuổi mình đã bạo gan và kiên nhẫn bỏ ra một đống thì giờ hẳn là khá lớn để giới thiệu cho độc giả Việt nam biết đến những nhà triết học đồ sộ của thế giới.
Thời gian ấy, tôi đã có cái bằng tú tài toàn phần. Mà anh Thi chắc cũng đã là cậu tú chỉ sau tôi vài năm. Tôi không chịu đi làm, hoặc thi vào một trường cao đẳng nào của xứ thuộc địa, mà chỉ mải mê chơi: chơi kịch, chăn thơ, chơi ả đào. Có lẽ vì giang hồ mê chơi" [1] như thế, nên từ năm 1940 đến 1945, tôi sống ở Hà nội luôn mà chẳng một tổ chức chính trị nào của cách mạng thèm chú ý đến một anh thi sĩ trẻ mà chăn dắt cho cậu ta hoạt động trong các đoàn thể của Việt Minh như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao... (Câu hỏi này là lời tôi tự vấn vào cuối năm 1948 khi tôi đã bước đi vững vàng trên đường kháng chiến chống Pháp). Tôi hoang mang khi tự giải đáp cho mình cái điều thắc mắc ấy, không biết nên buồn hay không buồn.

II.

Thế là ...Cách mạng tháng Tám đã thành công, lần đầu tôi gặp Nguyễn Đình Thi. Bấy giờ, tuy tôi cũng đã là anh bí thư đoàn thanh niên cứu quốc xã Lạc Thổ, làng quê gốc của tôi, những khi ra Hà nội, với lòng mong muốn thiết tha được biết mặt Cụ Hồ, tôi vẫn là anh lơ nhà quê với dáng vẻ quê mùa, trước một đại biểu Quốc dân đại hội Tân Trào, một uỷ viên trong uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, mà có mấy anh bạn thân giới thiệu tên là Nguyễn Đình Thi cái tên mới lạ tôi đã biết từ năm 1942 trên bìa mấy quyền sách triết học dày cộp ấy. Trước mặt tôi, sừng sững một anh chàng cao lớn, da ngăm ngăm đen, đôi mắt tinh anh, giọng nói uyển chuyển ấm áp. Đặc biệt là bộ âu phục sang trọng đắt tiền, màu đen óng chuốt, cái ca vát đỏ tươi màu mào gà, khiến tôi cảm thấy anh đúng là hình ảnh tiêu biểu cho khí thế cách mạng lúc mới giành được chính quyền. Đôi giày da đen đánh bóng càng làm tăng cái uy phong của một nhà cách mạng trẻ tuổi. Còn tôi chỉ như cậu bé ngu ngơ lẽo đẽo đi theo ở đằng đuôi. Nỗi mặc cảm này ngự trị trong tôi suốt từ ngày Tổng khởi nghĩa ở Hà nội cho đến khi lên Việt Bắc, tôi gia nhập Vệ quốc quân.


III.

Trước Tổng khởi nghĩa, một nhóm văn nghệ sĩ tự do chúng tôi đã thành lập một ban kịch lấy tên là Đông Phương. Theo sự chỉ đạo của cán bộ Việt Minh tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi thường lưu động diễn nhiều vở kịch ngắn ở sân đình, sân chùa các làng thuộc huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, có khi ở cả Hà nội, Hải phòng... Cách mạng có chính quyền rồi, chúng tôi càng ra sức củng cố và phát triển ban kịch với khát vọng sẽ công diễn được vở kịch thơ lịch sử quy mô là kịch thơ Kiều Loan mà tôi đã viết xong từ cuối 1943.
Theo gợi ý của các bạn mà tôi quen biết từ khi mới vào làng văn (1943) là các anh Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, tôi đã viết một lá đơn trình Hội Văn hoá cứu quốc trình kịch bản Kiều Loan cùng lời kiến nghị xin Hội trợ cấp tài chính ít nhiều, để động viên ban kịch Đông Phương chúng tôi khởi công dàn dựng Kiều Loan cho kịp ngày khai mạc Đại hội Văn hoá toàn quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ chủ toạ đại hội này). Tôi đưa đơn đến tận tay anh Nguyễn Đình Thi, lúc đó đang là Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, đơn kèm theo kịch Kiều Loan. Rồi tôi hồi hộp chờ đợi...

Với tôi hồi ấy cách mạng như một người khổng lồ mà tôi thì bé bỏng xa lạ quá. Cái uy thế của cách mạng tôi không thấy rõ lắm ở những người như các anh Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Kim Lân, Nguyên Hồng, nhưng lại thấy nổi bật hẳn lên ở anh Nguyễn Đình Thi. Ngồi trước mặt anh, bên cái bàn giấy lộng lẫy có đủ cả máy điện thoại và hai chồng sách dày, bìa cứng in nổi chữ vàng chữ bạc: Các Mác với vấn đề văn hoá, Tư bản luận, Chống Du-ring...tôi hoa cả mắt và cảm thấy mình là con chim chích vào rừng...

Không khí cuộc gặp mặt bỗng trở nên nghiêm trang và lời mở đầu câu chuyện của anh Thi lại càng làm cho nó thêm lạnh nhạt, căng thẳng:
- Tôi đã nhận được vở kịch của anh. Cả lá đơn nữa. Anh Nguyễn Huy Tưởng và anh Nguyên Hồng đã giới thiệu Kiều Loan với tôi. Tôi cũng đã đọc qua ...
Vừa nói, anh Thi vừa rút ở cái cặp da đen bóng tập bản thảo vở kịch đánh máy của tôi. Anh trao nó cho tôi với một nhếch mép cười mà cho đến nay tôi vẫn không sao hiểu được, nhất là câu nói ngay sau cái cười nửa miệng ấy:
- Rằng hay thì thật là hay!

Hai tiếng cuối câu đay xuống, tôi nghe như có vẻ vừa giễu cợt vừa hững hờ. Và anh Thi cũng chỉ nói có thế. Không hơn nửa lời. Rồi anh thu dọn sổ sách, như có ý bảo tôi "Về đi!". Cũng để cho anh lính mới làng văn biết rằng mỗi giờ mỗi phút với anh Thi là vàng ngọc đấy! Tôi thấy mình như bé quá, bất cứ lúc nào nhớ đến anh, bất cứ ở đâu, lời anh nói khi đưa trả tôi kịch bản Kiều Loan vẫn cứ day dứt trong tâm trí mình: Một lời khen ư? Không chứng minh được! Một liên hệ giữa câu Kiều ấy với thời đại ta đang sống? Cũng không đến mức to tát thế.

Hoặc giả là một ý so sánh nhân vật Kiều Loan với nhân vật Thuý Kiều!

Rằng hay thì thật là hay... Chưa đến lúc bình phẩm như vậy, vì đã nói gì với nhau đâu về cái tác phẩm kịch thơ ấy của tôi.


IV.

Dạo ấy, tôi cũng đang theo đuổi một người nữ đẹp và sắc sảo, gần một năm mà chưa nên hoa trái gì, tôi có viết mấy câu thơ, vẫn còn nhớ đến bây giờ. Tiện đây, xin được chép ra, cũng là để liên hệ đến sự giao thiệp giữa tôi và anh Thi từ năm 1945.

Có ban mai mơ hồ
Bấp bênh thuyền sóng lũ
Có mấy chiều đổ mưa
Con bướm nào đã ngủ

Có phải mũi tên thần mũi tên thần
Lao nhanh vào ánh lửa
Hay leo teo sợi cỏ
Nghiêng sang mùa du xuân?

Gió bay đi mù khơi
Phải chăng là bão tố
Phải chăng là duyên số
Mà xa nhau thật rồi.

Đầu năm 1949, anh Lê Đạt, phái viên của Tổng bí thư Trường Chinh từ ban tuyên huấn được cử sang Hội Văn nghệ làm trợ lý cho ông Tố Hữu. Vốn là một anh sinh viên rất trẻ, rất sôi nổi, vừa đặt chân đến Hội, Lê Đạt đã làm thân với các bậc cha chú như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát. Bấy giờ, Hội đã tập hợp được hầu hết những văn nghệ sĩ có tên tuổi, anh Lê Đạt thấy không khí trong cơ quan Hội có vẻ bằng phẳng trầm lặng quá, con người ưa hoạt động như anh hình như rất khó chịu. Anh bèn nghĩ ra mấy việc nhằm khuấy động cái không khí công chức ấy lên, tạo ra một không khí chiến đấu, luôn luôn sôi động, gây men sáng tạo liên tục và mạnh mẽ. Vậy thì, Lê Đạt khởi xướng ra cuộc tranh luận về một đề tài mới mẻ và có vẻ hấp dẫn lắm: Vấn đề thơ không vần của Nguyễn Đình Thi. Tôi không dự "cuộc thơ" chắc là lý thú ấy! Ít lâu sau cuộc tranh luận về thơ làm chấn động ít nhiều dư luận trong giới văn nghệ ở Việt Bắc, tình cờ, một hôm tôi gặp anh Thi trên đường Thái Nguyên - Đại Từ. Anh Thi cùng đi với Trọng Hứa và Nhị Ca. Gặp tôi, anh Thi chỉ chào hỏi qua quít rồi lại cúi xuống đọc một xấp giấy đánh máy, như là một tài liệu gì quan trọng lắm, nhân lúc nghỉ chân cần phải tranh thủ đọc lại. Tôi hơi buồn bèn quay sang tán chuyện với Nhị Ca và Trọng Hứa cũng làm việc ở văn phòng hội (bấy giờ cơ quan Hội đóng ở bản Yên Giã, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Anh Nhị Ca sôi nổi cho tôi biết về cuộc tranh luận thơ không vần từ tháng trước, giọng Nhị Ca rất vui, anh nói:
- Tiếc quá! Cậu không dự hôm ấy, giá có cậu thì có lẽ cũng góp được nhiều ý kiến bênh vực cho cái gọi là thơ không vần. Đằng này chỉ có tớ với Lê Đạt thêm một thằng Lưu Quang Thuận. Và anh Bửu Tiến. Cũng may có thêm bác Phan Khôi. Ông già này lại bênh rất hùng hồn, mày ạ. Còn một tá những ông già khác không chịu nói gì, hoặc có nói lại về hùa với ông Lành. Anh Thi đâm ra yếu thế, sau cứ đành giơ sườn ra cho các ông ấy thụi. Thành thử, cái loại thơ tự do không vần bị ăn một trận đòn đếch cãi vào đâu được.

Tôi ôn tồn nói với Nhị Ca, nhưng chính là để nói với anh Thi đang ngồi bên cạnh:
- Cái dở ngay từ đầu dẫn đến thất bại của thơ tự do hôm ấy là tại các cậu đặt vấn đề sai. Nói chuyện thơ, chẳng ai và chẳng lúc nào, chẳng chỗ nào có cái thể loại thơ không vần để đem ra làm chủ đề tranh luận cả. Chỉ có thơ và thơ. Còn về chất lượng chỉ nên bàn thế nào là thơ hay, thơ xoàng, thơ tồi. Về hình thức, có khi trong một bài có những câu dài dằng dặc đến 12, 14 chữ, như trong Tương Tiến Tửu của Lý Bạch, câu đầu 17 chữ rồi câu thứ hai cũng 17 chữ chạy liền một mạch như rượu chảy ồng ộc ở chai ra. Tất cả đều phải gọi là thể thơ tự do. Tại các cậu đưa ra thảo luận về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi làm như nó là một thể loại thơ đã định hình từ lâu, mà ở nước ta bây giờ mới có Nguyễn Đình Thi là người dám đem ra sử dụng vậy. Vấn đề các cậu đặt ra để thảo luận là thế nên ông Lành mới có cớ để phê phán và bác bỏ cái loại thơ này. Còn nếu chỉ đề ra thảo luận Về một số bài thơ gần đây của Nguyễn Đình Thi thì chẳng ai dám bảo đó là loại thơ "vô dụng, phí giấy mực" như lời ông Lành kết luận.

Tôi nói một tràng như thế, hai anh Nhị Ca và Trọng Hứa đều ngồi yên lắng nghe. Tôi thấy anh Thi có thay đổi thái độ đôi chút. Lúc đầu, anh vẫn chăm chú vào mấy trang đánh máy. Khi tôi nói đến nửa chừng, anh nhìn tôi một thoáng rồi buông tập giấy xuống bên cạnh, mắt đăm đăm nhìn ra quả đồi có vài khóm trúc trước mặt, như vẫn chăm chú nghe. Có lẽ vì những câu nói của tôi có ý bênh vực cho những bài thơ của anh bị ông Tố Hữu nặng nề phê phán chăng? Khi chia tay, tôi trở ngược, ba anh về xuôi, trong cái bắt tay tạm biệt, tôi nhìn thẳng vào mắt anh Thi. Tôi thấy, vâng, đúng thế, lần đầu tiên anh Thi hé ra một nụ cười hồn nhiên và thành thực tuy có đôi chút e dè.

Và rồi câu nói sau cùng của anh cũng như bắt đầu một hơi thở chân thực trước một người "đồng chí, đồng nghiệp, bạn chưa hẳn là bạn". "Hôm nay gặp Cầm, mình rất vui". Cái dáng vẻ lịch sự xã giao, vẻ vồn vã ân cần rất kiêu kỳ, thái độ dửng dưng từ lần đầu tiên đến hôm ấy đã gần bốn năm, tôi cảm thấy với anh thật khó gần. Về sau, thắng Điện Biên Phủ rồi, về Hà nội, có lần gặp anh Lê Đạt, tôi cũng trách anh đã đặt sai chủ đề thảo luận đến nỗi làm anh Thi cụt mất hứng làm thơ. Tài năng hình như không theo tỉ lệ thuận với tầm vóc con người và chức danh trong xã hội. Cho đến hôm ấy, dẫu là gặp nhau tình cờ, tôi vẫn chưa thấy một lần nào anh Thi sống thật như tuột nghệ sĩ, một thi sĩ đích thực.
Anh luôn có ba bốn con người đối lập cùng chung sống trong một cơ thể cường tráng, một khối óc bề bộn nhiều triết thuyết, tưởng như thông tuệ mà yếu ớt, một tâm hồn đầy đam mê mà đâm ra lúng túng, tinh tường mà lắm nỗi rối ren. Tôi có một vài kỷ niệm cũng vui và cũng hơi buồn về bản chất đam mê của anh.


V.

Năm 1954, đoàn văn công Tổng cục Chính trị được lệnh về tiếp quản thủ đô. Đoàn của chúng tôi hơn bảy chục người, được cấp trên cho kén chọn những diễn viên ưu tú nhất trong số hơn hai trăm nam nữ diễn viên và nhạc sĩ, kịch sĩ ưu tú của loàn quân. Đoàn đóng quân và làm việc ở mấy toà biệt thự đối diện nhà thờ Liễu Giai. Suốt thời gian từ ngày 10.10.1954 đến hết năm dương lịch, hầu như chúng tôi phải biểu diễn cả ngày và đêm, ở các sân khấu thủ đô, trong sân hoặc thềm nhà một số xí nghiệp, nhà máy, công sở, trường trung học, rồi đình chùa, sân phơi thóc các thôn làng ngoại thành. Thường thì đêm diễn, ngày phải ôn luyện rất nhiều tiết mục đơn ca, tốp ca, đồng ca, ngâm thơ, kịch nói, kịch dân ca, múa dân tộc, múa nước ngoài... Công việc thì bề bộn mà kỷ luật làm việc trong quân đội lại rất nghiêm, hầu như không có ngày nghỉ trong cả tuần, cả tháng.
Trong những ngày tháng tưng bừng rộn rã ấy, anh Thi còn phải nằm điều dưỡng ở Quế lâm, Trung Quốc. Đầu năm 1955, tôi mới thấy anh xuất hiện ở Hà nội. Một sớm vào khoảng 8 giờ, các diễn viên của tôi đã bắt đầu vào chương trình luyện tập. Anh Thi đi xe đạp thẳng đến cái biệt thự được chọn làm trụ sở của đoàn. Được báo tin có khách, tôi với xuống nhà, anh Thi bắt tay tôi rất ân cần và nói se sẽ nhưng khẩn khoản:
- Anh Cầm, cho phép mình gặp Th. L. một lát, chỉ dám xin anh mười phút thôi.

Trước sau, dẫu suốt 8 năm kháng chiến chống Pháp, với tôi, anh Thi rất "người dưng nước lã", nhưng tôi vẫn giữ một lòng yêu mến kính trọng anh. Thấy anh nói có vẻ khẩn khoản, lòng tôi có cảm giác của người đồng tình đồng điệu, vì con người tôi thật ra cũng thuộc về cái "nòi tình" từ cái thuở "em 12 tuổi tìm theo chị" [2] . Tôi bèn cười rất "bầu bạn" cởi mở, phá tan ngay cái không khí rụt rè, khép nép kia đi:
- Anh Thi, sao lại mười phút? Mời anh vào phòng làm việc riêng của tôi. Thi có thể chuyện trò với cô ấy ít nhất trong vòng một giờ .

Tôi dẫn anh vào phòng, anh cần vụ của đoàn mang lên một phích nước sôi, ấm chén và một gói trà loại ngon nhất. Tôi thân mật nói:
- Thi ngồi đây nhá. Mình sang chỗ phòng tập, mời Th. L. về.
Anh Thi hơi cúi đầu, vẻ mặt rạng rỡ. Tôi sang phòng tập yêu cầu nhạc sĩ Lê Đoá chuyển cái tiết mục có Th. L. tập ấy xuống dưới, cách ra độ một tiếng và dẫn Th. L. về gặp anh Thi. Thấy Th. L. hơi ngần ngại, tôi phải nói ngay:
- Ô hay! Có việc gì ghê gớm đâu mà trông em có vẻ sợ sệt thế! Chả là anh Nguyễn Đình Thi, bạn anh, là Tổng thư kí Hội Văn nghệ ấy mà, anh Thi muốn gặp em để hỏi chuyện về nghệ thuật ca múa thôi, em có đồng ý cho anh ấy gặp em không?
Cô Th. L. vẫn có vẻ e dè, tôi nói vui:
- Em thì chắc là chưa quen biết lắm. Anh Thi cũng như anh thôi mà. Anh chị em cùng một gia đình văn nghệ sĩ cả, có quan to quan bé gì đâu mà em ngại. Nào nếu em đồng ý thì đi với anh.

Tuy khép nép, Th. L. vẫn tươi tỉnh đi theo tôi. Th. L. mới 18 tuổi còn rất ngây thơ, nhưng tôi tin cuộc "tao ngộ" giũa một người lãnh đạo văn nghệ từng trải và một diễn viên múa mà tôi vui lòng thu xếp cho cuộc gặp này, dẫu chẳng đi tới chỗ tốt đẹp cho cả hai người thì cũng "vô thưởng vô phạt". Sau buổi đó, tôi nghĩ tôi với anh Thi sẽ trở thành hai người bạn thơ khăng khít, cùng đem hết khả năng để cùng làm việc cho một nền thi ca rực rỡ của dân tộc và đất nước. Vậy mà, rồi sau, có lẽ do vị trí xã hội của hai người có một khoảng cách khá xa nên không vẫn hoàn toàn không.

Trong vòng một tháng, vẫn ở chỗ ấy anh Thi còn đến thêm hai lần nữa, mỗi lần có rút ngắn thời gian lại, lần sau ngắn hơn lần trước, cho đến một hôm, sau tết âm lịch, cô Th. L. có mạnh dạn đến gặp tôi và rụt rè nói rất nhỏ:
- Anh ơi! Từ nay về sau anh đừng bắt em gặp anh Thi nữa nhé.
Tôi hơi sửng sốt và cũng thấy ngượng ngùng đành phải nói với Th. L.:
- Khổ! Có bao giờ anh "bắt" em phải gặp anh Thi đâu? Th. L. cứ nhớ xem, lần nào anh cũng hỏi lại: có đồng ý không? Em gật đâu rồi anh mới đưa em đến. Đúng không? Thôi được em không đồng ý nữa thì thôi. Đừng bao giờ nghĩ rằng anh cậy là người chỉ huy bắt buộc em phải làm việc này việc nọ nhé!
Th. L. lúc đó mới tươi tỉnh:
- Vâng, em không dám nghĩ thực. Chỉ vì em nể anh quá mà anh Thi cũng rất tốt với em. Vậy em xin lỗi. Em cảm ơn anh.

Bẵng đi đến ba tuần lễ, không thấy anh Thi đến. Một buổi tối, đoàn văn công chúng tôi đã mở màn đêm diễn trong sân nhà máy điện Yên Phụ, tiết mục đầu: Ca cảnh giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận vừa xong thì anh Thi lại đột ngột xuất hiện sau cánh gà sân khấu ngoài trời. Anh rụt rè nói với tôi vẫn cái giọng giao đãi:
- Anh Cầm ơi! Thật phiền anh quá. Vì công việc vội, xin phép anh cho mình gặp B. D. độ dăm bảy phút thôi.

Tối ấy dẫu tôi thấy cũng hơi "phiền" thật tôi vẫn bị cái thói quen "cả nể" nó lấp mất lý trí. Lại vẫn cái "nòi tình", khiến tôi thấy cảm thông ngay với người bạn-chưa-bao-giờ- thân-thiết-ấy, và tôi lại thu xếp như các lần trước. Rồi lại phải nói khó với Hồng Minh, là người chỉ huy đêm diễn:
- Cậu giúp mình, cái tiết mục có B. D. diễn ấy, nếu nó sắp tới rồi thì cậu chuyển nó xuống cuối chương trình, chỉ ra trước cái "sạp" thôi... (đêm diễn nào, điệu nhảy "sạp" cũng là tiết mục kết thúc).
Hồng Minh chẳng nghe tôi một cách dễ dàng như Lê Đoá, anh hỏi lại đoàn trưởng một cách nghiêm chỉnh:
- Vì sao thế anh? Cái tiết mục này khá dài, mà đi với cái "sạp" kết thúc thì em sợ...khán giả người ta hơi nản đấy anh ạ. Vả lại hai cái múa đi liền với nhau e rằng... Từ trước, có ai sắp xếp chương trình, tiết mục một đêm diễn như thế đâu? Có thật cần phải chuyển chương trình như thế không anh?
Khó lý giải cái "lệnh" rất vô nghĩa của mình quá, tôi đành nói thật, tuy rằng vẫn là dối trá:
- Hồng Minh à, cậu biết anh Thi rồi chứ? Bạn thân của mình đấy!
Mỗi lần nói đến anh Thi bằng hai tiếng "bạn thân" tôi cảm thấy ngường ngượng vì cứ nghĩ rằng người nghe sẽ tưởng mình "thấy người sang bắt quàng làm họ". Ai không biết anh Nguyễn Đình Thi lúc ấy có uy danh rất cao trong số văn nghệ sĩ trẻ, lãnh đạo Hội chỉ đứng sau một người (là ông Tố Hữu thôi). Còn tôi, đã không là đảng viên, lại chẳng có vai vế gì bên Hội cả, chỉ có mấy bài thơ nổi tiếng tạm thời lúc kháng chiến ban đầu như Đêm liên hoan, Tâm sự đêm giao thừa, Bên kia sông Đuống, sự nổi tiếng ấy cũng chỉ lặng lẽ, chìm lắng trong một số cán bộ dân sự và quân sự, chưa lúc nào ồn ào, phơi lên mặt báo hay trong hội nghị nào ở đâu cả.
- Bạn thân của mình đấy Minh ạ. Mai anh ấy phải sang Liên Xô từ sớm, anh Thi cần gặp một diễn viên múa ưu tú vào loại nhất, chắc là để hỏi kinh nghiệm và tài liệu để trao đổi với các bạn văn nghệ sĩ Nga hay Tiệp, hay Đức, Pháp gì gì đó nên anh ấy mới cần gặp B.D. ngay.

Tôi viện lý do bằng cách nói dối Hồng Minh như vậy. Mà cũng chỉ là chiều theo ý riêng một người tôi yêu mến, tuy bạn chẳng phải là bạn, cấp trên chẳng phải cấp trên. Vả lại, từ khi "nhập thế cục" tôi chưa bao giờ biết nịnh nọt ai, tâng bốc ai. Mà ngược lại, đôi lúc thẳng thắn phê bình ai đó lại đâm ra dại dột, chuốc lấy vạ vào thân.

Vốn là cán bộ trong quân đội đã lâu, Hồng Minh rất vui tính, hay bông đùa, rất tinh ranh khi vặn tôi thêm một câu nữa, tôi đã không trả lời được lại còn bị ngượng đến đần mặt ra trước anh cấp dưới thân thiết mà tinh quái của mình.
- Sao anh Thi không hỏi em để lấy kinh nghiệm ca múa? Em vừa là nhạc sĩ, vừa là biên đạo múa thì lại không hỏi, mà lại hỏi một cô mới nhập môn có 6 tháng. Chắc hẳn em kém cô B.D. vì trời sinh ra em lại không phải là cô gái 20 tuổi có nhan sắc. Thôi được rồi. Em xin nghe lệnh đoàn trưởng để "bạn thân" của anh có nhiều thành tích vì tình nó đang thách anh Thi ấy mà.

Nhiều lúc anh Hồng Minh này "chơi chữ rất tài tình như thế đó. Rồi cậu ta ôm lấy tôi rất thắm thiết, cười rất tế nhị rồi chạy ngay đến chỗ đội múa đã chuẩn bị để ra sân khấu trình diễn.

Đêm ấy, anh Thi được phép mời cô B.D. sang một tiệm cà phê xế cửa nhà máy đèn, chuyện trò với B.D. chừng 15 phút rồi quay lại nói cảm ơn tôi xong thì nhảy lên xe đạp phóng nhanh trên đường phố Châu Long. Hôm sau tôi có hỏi B.D. xem cô ấy có ý kiến gì về cuộc gặp không hẹn trước ấy không, liền được nghe B.D. rất phép tắc:
- Anh Cầm ơi. Vì anh nói anh Thi là bạn thân của anh, vả lại anh ấy cũng đã ngoài 30 tuổi rồi, có vợ và ba con rồi, nên em cũng coi như anh cả của em ở nhà vậy. Còn chuyện thì cũng có đôi điều thú vị đấy ạ. Hôm qua gặp anh Thi tự nhiên em đâm ra có thêm nhiều hiểu biết về các "bậc đàn anh" như các anh đấy - Cô B.D. cười hóm hỉnh, rồi hạ giọng nói tiếp - Nhưng từ nay, nếu anh Thi có đến xin phép anh cho gặp em thì anh cứ từ chối kheo khéo hộ em đi anh nhá. Đừng để em...

Cô ấy ngừng lời... Rồi B.D. [3] lại cười rất vui vẻ và...thế là hết chuyện.


VI.

Vào khoảng cuối năm 1948, đoàn văn nghệ [4] lưu động của tôi nhận được một ca khúc của Nguyễn Đình Thi - bài ca Người Hà nội, dưới bài có ghi thời gian sáng tác: xuân 1947.
Thời gian ấy trung đoàn thủ đô đã giam chân giặc Pháp trong thành phố thủ đô đến gần hai tháng, nện cho chúng những đòn ác liệt, tiêu hao khá nặng lực lượng xâm lược, làm đổ sụp cái cuồng vọng đánh nhanh thắng nhanh của chúng, buộc chúng phải chờn, phải gờm những anh vệ quốc quân và các anh sao vuông [5] của Hà nội. Tôi tin là anh Thi đã có nhiều xúc động mạnh mà cũng rất lãng mạn khi viết ca khúc này trong thời gian quân ta chiến đấu ngoan cường ở từng góc chợ, từng ngôi nhà ở Hà nội. Mà anh Thi, như hình ảnh tôi được tiếp xúc hồi Cách mạng tháng Tám, thật đúng là người Hà nội, mà tiếng Pháp thời ấy gọi là "Hà nội yêng" (Hanoiiên). Tôi triệu tập ngay Văn An, nhạc sĩ tài năng trong đơn vị văn nghệ của mình, yêu cầu anh xướng âm và hát tạm để tôi "nghe xem thế nào" (chính là vì tôi điếc nhạc). Mới đọc được các lời in dưới các nốt nhạc, tôi hình dung ra được cái hùng tráng, cái chất trữ tình sâu sắc của anh Thi. Tôi tin bài ca này khi đoàn tôi biểu diễn sẽ thu hút khán giả ghê lắm. Quả nhiên, anh Văn An mới tạm hát thôi, giá mà anh Thi có mặt ngay ở chỗ tôi lúc ấy chắc tôi sẽ lao vào ghì chặt lây anh như ôm một người tình lần đầu trao xương gửi thịt. Tôi yêu cầu anh Văn An bố trí ngay các ca sĩ của đoàn thành một dàn đồng ca gồm hai mươi diễn viên ưu tú nhất. Diễn tập trong vòng có ba ngày, bài hát ra mắt ngay trong một hội nghị quân sự liên khu. Tôi không ngạc nhiên vì sự thành công vang dội của nó vì tôi đã cảm thấy trước rồi. Từ buổi diễn ấy, bài hát được truyền ngay đến các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và cả dân quân lan sang cả các cơ quan hành chính toàn chiến khu. Suốt năm ấy đến năm 1949, đi đâu cũng nghe thấy tiếng hát Người Hà nội, do tôi phân công nhiều nhạc sĩ, biên đạo múa và diễn viên xuống dạy hát cho các đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương toàn liên khu I. Tôi càng yêu anh Thi hơn, mặc dù anh không chú ý mấy đến anh chàng có biệt danh là "Con oanh vàng đất Bắc" này (vì thời trẻ tôi cũng đã từng là một chàng ngâm thơ cổ, thơ mới, đủ các thể loại bằng một giọng ngâm tươi trong, có độ vang xa, có độ trầm lắng sâu, thấm vào lòng người nghe, nên nhiều cán bộ trong quân đội tặng tôi cái danh vị khá trân trọng "Con oanh vàng đất bắc" ngay từ những ngày đầu đánh giặc Pháp).

Từ năm 1949, đoàn văn nghệ liên khu Việt Bắc do tôi làm trưởng đoàn đến tháng 7 năm 1952, tôi được đại tướng Nguyễn Chí Thanh điều động lên làm đoàn trưởng đoàn văn công tổng cục Chính trị, tiết mục bài hát Người Hà nội mà tôi rất yêu quý, luôn có mặt trong các chương trình biểu diễn của đoàn. Đến nay, tôi càng vững tin rằng trong các tác phẩm của anh Nguyễn Đình Thi đã ra đời (nào thơ, nào tiểu thuyết dài, ngắn, nào kịch nói, nào ca khúc, nào lý luận phê bình) thì ca khúc Người Hà nội sẽ sống lâu hơn hết với tổ quốc, với nhân dân, còn "lâu" là bao lâu thì không ai dám khẳng định.

Cái "ngày mai" sau khi một nghệ sĩ tài danh qua đời hao hao giống như một màn trắng sương mù, ai dám tự khoe mình là người nhìn thấu được cái ngày mai của Nguyễn Du? Thi hào Tố Như cũng chỉ dám tự hỏi rằng ba trăm năm sau khi mình qua đời biết còn ai khóc cho cái số kiếp đau khổ của mình không? Còn theo các nhà lý số học phỏng đoán, cả nhà tiên tri lớn là cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ may ra nhìn trước được những việc lớn của nhân dân và đất nước ta trong vòng ba trăm năm là cùng. Vậy nếu tôi cứ liều anh mà nói rằng: Một trăm năm nữa nghĩa là sang đầu thế kỷ XXII, dân ta còn nhớ và hát bài Người Hà nội thì cũng chả ai tin, nhưng cũng không ai mắng tôi là nói láo vì đến hôm nay ai cũng thừa nhận đó là một bài hát hay. Triết lý dân dã Việt nam nói: "yêu nên tốt", còn một nhà triết học phương Tây cũng đã nói: "Khi yêu, người ta thường nói bốc lên đôi chút, đó là một nét tâm lý phổ quát của mọi con người trong đời sống xã hội của mọi dân tộc, mọi thời đại". Vậy thì anh Thi ơi, hôm nay anh cứ thanh thản mà yên nghỉ trong lòng mảnh đất Hà nội, rồi sang đầu thế kỷ XXII tôi sẽ cùng anh thức giấc vào nửa đêm nào đó, rồi hai đứa chúng mình sẽ cùng lắng nghe xem: đúng là có một đám thanh nữ hình như đẹp lắm và đông lắm đang hát véo von: Đây Hồ Gưom, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...


VII.

Tháng Chạp năm 1955, tôi chuyển ngành, tạm biệt đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị mà tôi làm trưởng đoàn đầu tiên, khi đoàn văn công đã vượt quá ngưỡng trưởng thành, phải phân ra làm nhiều đoàn chuyên ngành: đoàn kịch nói, đoàn chèo, đoàn quân nhạc, đoàn ca vũ, đoàn nhạc giao hưởng. Tôi được phân công làm trưởng đoàn kịch nói từ 1.1.1955. Cuối năm ấy (12.1955) vì một chuyện riêng sinh ra mâu thuẫn gay gắt giữa tôi và ông Cục phó Cục tổ chức (cũng nằm trong Tổng cục Chính trị) nên tôi đã chuyển ngành sang Hội Văn nghệ Việt nam, tạm thời làm cán bộ trong nhà xuất bản Văn nghệ, đọc và duyệt rồi đưa in những tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ sáng tác trong thời gian kháng chiến chống Pháp.

Một sáng đầu năm 1956, anh Thi đến nhà xuất bản Văn nghệ đưa cho tôi đọc tập thơ Người chiến sĩ tập hợp những bài anh sáng tác từ những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến, và anh Thi yêu cầu tôi cho ấn hành ngay, càng sớm càng tốt. Tôi đọc xong, rất thú vị vì vẫn còn nguyên những bài thơ thể tự do mà lúc bấy giờ các anh Lê Đạt, Nguyễn Đình Thi đặt thành một luận đề để tranh luận là thơ không vần rồi hứng lấy thất bại. Bấy giờ (1956) mà in được những bài thơ cách tân ấy thì thật có lợi cho phong trào thơ và chỉ ít lâu nữa là có thể sánh vai bình đẳng với nền thơ các nước phương Tây.
Sau khi để anh em ban biên tập của nhà xuất bản đọc kỹ và thẩm định, ba ngày sau, tôi ký ngay phiếu xuất bản, gửi xuống nhà in Tiến Bộ. Tôi cũng quyết định ngay số lượng in tập Người chiến sĩ của Nguyễn Đình Thi là hai mươi ngàn cuốn! (Hồi ấy, sở dĩ thơ in được nhiều thế vì cơ quan phát hành của nhà nước sẽ phân phối sách đến các nhà sách nhân dân toàn miền Bắc rồi đến các thư viện từ trung ương đến các cấp tỉnh, huyện, xã chưa kể một số lượng không nhỏ gửi sang Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa).

Tập bản thảo chép rất gọn, đẹp của anh Thi vừa đưa xuống nhà in Tiến Bộ hôm trước thì hôm sau tôi nhập được một cú điện thoại.

Chuông máy điện thoại reo, giọng nói Huế rất êm ái, rất tình cảm của ông Lành đầu dây bên kia. Tôi tiếp chuyện:
- Vâng, nhà xuất bản Văn nghệ đây. Tôi là Hoàng Cầm, thưa anh, có chuyện gì thế ạ?
- Nghe nói, nhà xuất bản Văn nghệ sắp cho in tập thơ gì đó của anh Nguyễn Đình Thi hỉ?
- Thưa anh, đúng thế ạ. Tôi đã ký phiếu in và gửi cả bản thảo xuống nhà in Tiến Bộ rồi ạ.
- Anh Hoàng Cầm hỉ! Tôi đề nghị anh hoãn lại đừng cho in vội.
Tôi hơi sửng sốt, tuy cũng cảm thấy vấn đề này có trục trặc gì đó.
- Thưa anh, vì sao thế ạ? Toàn thể anh em biên tập đã đọc và thấy tập thơ không có vấn đề gì sai trái với đường lối chính trị đâu ạ. Đó là một tập thơ tốt.
- Tốt thì có tốt, nhưng bây giờ in ngay rồi phát hành đến các tầng lớp quần chúng, nhất là công, nông, binh thì có khi lại hóa ra không tốt.
- Dạ, tôi chưa hiểu rõ ý anh về tập thơ ấy.
- Cũng đơn giản thôi, trừ một số bài, còn hầu hết là thơ không vần. Quần chúng độc giả của ta hiện nay, trình độ cảm nhận thơ còn thấp, họ mà đọc tập thơ này, tôi tin chắc rằng họ không hiểu, vì trước hết người ta khó thuộc, thơ gì mà lổn nhổn, câu ngắn, câu dài tuỳ tiện. Quần chúng đã khó hiểu, không thuộc thì in ra có ích gì cho họ? Thơ như vậy thì phục vụ ai?
- Vâng, thưa anh, thế thì hoãn đến bao giờ mới in được ạ?
- Hoãn là để anh Thi sửa lại đã, sửa cho có vần có điệu quen thuộc, người ta mới hiểu, mới thích đọc rồi mới có tác dụng tốt, để anh Thi chữa, muốn bao giờ xong thì xong. Có thể từ một đến ba tháng.
Đến đây, giọng ông Lành trong máy đột nhiên vui và rõ ràng hơn, tôi nghe cũng dễ hơn lúc trước.
- Nè, Hoàng Cầm, chừ tôi là một độc giả trình độ i tờ hỉ. Tôi thử đọc một bài không vần của anh Thi nhé. Anh nghe xem liệu độc giả là công nông binh, người ta có thích không?
Rồi ông Lành đọc luôn một bài thơ không vần và quả thật có hơi trúc trắc về âm điệu ở đôi ba chỗ. Tôi nghĩ, nếu đúng độc giả là nông dân thì cũng không thể thích được một bài thơ như thế.
Tôi lại nói như để tán thành ý kiến người lãnh đạo cao nhất trong giới văn nghệ:
- Vâng, thưa anh, đúng như anh nói. Có đôi chỗ hơi lủng củng thật. Thôi để tôi cử người xuống nhà in rút bản thảo về rồi trả lại cho anh Thi.
Lúc ấy giọng ông Lành êm dịu và ấm áp hẳn lên:
- Thế còn Hoàng Cầm có dự định in lại Bên kia sông Đuống không? Bài thơ ấy tốt đó. Nông dân, công nhân người ta sẽ dễ nhớ đó. Thôi cảm ơn Hoàng Cầm hỉ.

Sau buổi tôi nói chuyện với ông Lành, anh Thi đã đến ngay nhà xuất bản hỏi tôi để lấy lại bản thảo. Tôi làm như không có cuộc trao đổi với ông Lành về tập thơ Người chiến sĩ.
- Anh Thi ạ, tập thơ của anh, chúng tôi thấy rất "được", có lẽ chính nó sẽ mang lại một luồng gió đổi mới cho chúng ta. Tôi đã đưa xuống nhà in rồi.
Anh Thi đáp, giọng buồn rầu, nhỏ nhẹ:
- Thôi Cầm cứ cho mình xin lại bản thảo, không in vội.
- Sao thế anh Thi? Mình tưởng tập thơ thế là hoàn hảo rồi? Cứ thế mà in. Tôi sẽ cho in rất đẹp và có thể mời họa sĩ Nguyễn Sáng hay Dương Bích Liên vẽ cho một phụ bản màu.
Anh Thi nài nỉ :
- Để mình sửa chữa lại. Thú thật, anh Lành đã có đọc tập thơ này, trong khi anh Lành chưa có ý kiến gì, mình muốn đưa cho Cầm để xuất bản thật nhanh. Nhưng gần đây, khi nghe nói mình đã đưa bản thảo xuống nhà xuất bản thì anh ấy gọi mình lên và khuyên mình nên sửa một số bài mà anh ấy cho là lủng củng. Vẫn là những ý kiến của anh ấy đã phát biểu trong kháng chiến. Mình đã tranh luận với anh ấy. Cuối cùng anh Lành vẫn bảo mình nên chữa lại cho độc giả công nông dễ hiểu, dễ thuộc. Thôi thì...người ta là lãnh đạo mà.
Tôi chỉ còn một cách rất thân mật nói với anh Thi:
- Chắc anh Thi cũng thừa lý luận để hiểu rằng, không ai sửa chữa thơ mình theo ý người khác, dẫu người ấy là cấp trên. Nếu không thể cưỡng lại anh Lành thì anh cứ hoãn thật lâu, kiên quyết không sửa gì cả, đợi một lúc nào đó tình hình văn nghệ có biến chuyển tích cực, tôi sẽ lại đứng ra chịu trách nhiệm in cho anh. Đã là thi sĩ, hãy cố giữ cái bản sắc riêng, tội gì theo ý người khác để đánh mất bản ngã của mình?
Anh Thi lần ngần đứng dậy, nói bằng một giọng kiên quyết tuy hơi yếu:
- Thôi, mai nhé...Tôi sẽ đến lấy bản thảo về. Mà có lẽ mình theo ý Hoàng Cầm, chưa xuất bản vội. Còn có chữa bài nào, câu nào là theo ý mình chứ không theo ai cả.

Hơn một tháng sau, khoảng 5.1956, anh Thi lại cầm bản thảo Người chiến sĩ đến nhà xuất bản gặp tôi. Anh nói:
- Dẫu sao tôi cũng phải nhân nhượng ông Lành. Cũng không theo ý ông ấy hoàn toàn, nhưng vì tôi đã là đảng viên từ lâu, cũng không muốn tỏ ra điều gì khiến người ta có thể kết tội mình là bất tuân thượng lệnh hoặc như bây giờ người ta bảo mình là cố ý không chịu sự lãnh đạo của Đảng. Vậy mong Hoàng Cầm cho in thơ của mình theo bản thảo này.
Trong khi đưa tay vào cái túi vải đựng khá nhiều tài liệu để lấy ra cái bản thảo tập thơ mới sửa chữa, anh Thi còn nói thêm một câu khiến tôi cũng đâm ra hoang mang:
- Trí thức văn nghệ sĩ chúng mình đã đi với cách mạng vô sản thì ít nhiều cũng phải hy sinh cái bản ngã của mình dẫu là bản ngã tốt đẹp!
Thế là trong phút giây, tôi chợt nghĩ, Thi nói vậy có lẽ đúng chăng? Mà nói đến tinh thần cách mạng thì mình phải kém Thi rất nhiều chứ!

Anh Thi trao cho tôi tập bản thảo mới, giấy trắng, đánh máy đẹp, đóng bìa khá dày. Tôi cầm tập thơ, chỉ mới giở vài trang đầu, đã thấy có gì gờn gợn trong người. Hóa ra anh chữa khá nhiều. Có bài đã rất vững vàng về ý tứ, âm điệu, anh đã chữa toàn bộ thành ra đủ vần điệu kiệu cũ khiến tôi đã như bực bội. Chắc là lúc ấy, mặt tôi đỏ gay gắt và ngấm ngầm có một cái gì cứ trào lên nghén nghẹn ở cổ họng. Tôi đã muốn nói thật to một câu gì đó cho đỡ bực, nhưng may quá, tôi nén lại được. Tôi kết thúc cuộc gặp bằng giọng nói bình thản, gần như vô hồn:
- Vâng, để cả ban biên lập chúng tôi đọc lại. Ba ngày nữa, tức là sáng thứ bảy này, mời anh đến thảo luận lần nữa về việc in tập thơ này.

Dẫu không tán thành việc anh Thi chữa thơ mình theo ý cấp trên, tôi cũng không dám chủ quan, đưa luôn tập Người chiến sĩ mới sửa chữa này đến tận tay anh em biên tập viên, yêu cầu mọi người đọc kỹ lại tập thơ rồi suy nghĩ kỹ, cho ý kiến riêng của trình để chiều thứ sáu tới thì hội ý chung trong toàn ban. Hôm ấy mới là sáng thứ hai, còn những bốn ngày để ba biên tập viên và tôi xem kỹ lại bản thảo. Khi giao nó cho anh em biên tập, tôi nhấn mạnh:
- Đừng ai lặp lại ý kiến thẩm định của người khác. Độc lập suy nghĩ, hết sức khách quan trước một tập thơ "có vấn đề". Quả là có vấn đề lớn về thơ nói chung, cả về thi pháp, về trào lưu cách tân thi ca nói riêng nữa sau khi kết thúc chiến tranh, mở đầu giai đoạn xây dựng hòa bình.

Anh em biên tập đều làm việc rất có trách nhiệm. Các ý kiến nhận xét và thẩm định cũng có nhiều chỗ khác nhau. Đến chiều thứ sáu, khi hội ý chung thì trong ban biên tập và tôi (tôi thay mặt anh Tô Hoài - giám đốc bận đi công tác xa) đã có ba ý kiến thống nhất với nhau:

1. Không nên xuất bản vì xem ra nó chẳng mới mẻ gì, thi pháp đã không có sáng tạo lại thụt lùi về những nếp cũ hơn những tập thơ trong phong trào Thơ Mới. Rất nhiều câu chữ đã sáo mòn.

2. Mình đưa in theo bản thảo này thì trước hết rất có hại cho chính anh Thi là một nhà thơ trẻ đang cách tân, hai là không lợi cho trào lưu đổi mới thi ca đang lên cao ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

3. Cứ cho in ra theo bản thảo nguyên tác. Ông Lành có không ưa thì chỉ có cách là mở ra một cuộc phê bình trên các báo "đánh" vào "thơ không vần", thế thôi. Mà như thế càng tốt. Sẽ có những bài báo bênh vực sự cách tân thơ.

- Quá lên nữa thì anh Cầm bị chuyển sang công tác khác là cùng chứ gì? Nếu vậy thì anh Cầm nghĩ sao?
Tôi đáp lại cái thiện chí của anh em:
- Chả phải nghĩ gì cả. Số mệnh nó sắp đặt cho mình làm việc gì thì làm việc ấy. Miễn là đúng trách nhiệm công dân và đúng chức năng thơ mà ông trời đã đặt vào con người mình. Thậm chí ông Lành có cách chức mình thì mình cũng không sợ chết đói. Chỉ có khổ thôi (đến đây tôi cười nói bổ bã cho tan cái không khí thảo luận nghiêm trọng từ phút đầu), nhiều khi đau khổ lại sinh ra thơ hay chưa biết chừng.
Rồi tôi nói tiếp:
- Thôi kết luận về tập thơ anh Thi nhé...Cứ trùng trình vài tháng nữa rồi ta in tập Người chiến sĩ. Cứ nói với mọi người là nhà xuất bản chịu trách nhiệm. Tránh cho anh Thi đỡ phải "ăn đòn". Còn bản thảo mới thì không thể in được. Đồng ý cả chứ?
Đồng thanh đáp lại câu hỏi kết thúc cuộc hội ý chiều thứ sáu ấy:
- Đồng ý mọi vấn đề.

Sáng hôm sau, anh Thi đến. Chúng tôi mời anh ngồi vào chiếc chiếu hoa rải ngay trên sàn gác. Anh Thi hỏi ngay đến quyết định của ban biên tập. Để tránh cho anh Thi đỡ phải nghĩ rằng Hoàng Cầm quyết định theo ý riêng của cá nhân mình, tôi đã dặn anh Đỗ Quang Tiến, biên tập viên truyện ngắn và ký sự, bút ký, phát biểu trước tiên với anh Thi, sẽ không ai có thể trách ban giám đốc nhà xuất bản là thiên vị, hoặc định kiến, hẹp hòi...
- Thưa anh Nguyễn Đình Thi, ban biên tập chúng tôi đều đã đọc kỹ và cân nhắc kỹ cả hai lần bản thảo tập thơ Người chiến sĩ của anh. Chúng tôi thống nhất với nhau một ý kiến là có in thì in theo bản thảo nguyên tác anh đưa từ ba tháng trước. Nó có nhiều bài hay và thi pháp đã có nhiều đổi mới. Còn bản thảo sau, anh chữa nhiều, anh trở về với nhiều hình thức cổ và cũ kỹ nên đọc thấy mất hay mà lại chóng chán, nên chúng tôi quyết định chỉ in theo bản thảo trước.
Anh Thi nói ngay:
- Anh em hiểu cho nỗi khổ tâm của tôi, nhưng xin các anh hãy chiều theo lòng mong muốn của tác giả. Lần sửa chữa vừa rồi anh Lành rất tán thành.
Một biên tập viên khác lại nói:
- Đồng chí Tố Hữu không phải là người quyết định những chương trình và chủ trương của nhà xuất bản, trừ phi đồng chí ấy cho chúng ta một cái "lệnh" bằng văn bản hẳn hoi.
Anh Thi cố gắng bảo vệ cho cái bản thảo sau của mình:
- Tôi nghĩ nhà xuất bản cứ cho in theo bản thảo mới này. Bởi vì xét đến cùng thì tác giả nào cũng chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình trước công chúng và lịch sử.
Đến lúc ấy, mọi người đều im lặng vì hình như mấy lời vừa rồi của anh Thi nghe có vẻ có lý. Tôi đành phải lên tiếng:
- Anh Thi ạ, tác giả chịu trách nhiệm của mình trước lịch sử và công chúng thì đúng quá rồi. Nhưng còn nhà xuất bản thì sao? Một nhà xuất bản mà cho ra đời những cuốn sách dở, chắc chắn hàng vạn hàng triệu công chúng sẽ phê phán, chê trách, và lịch sử cũng sẽ đánh giá thấp cả nhà xuất bản nữa chứ?
Anh Thi hé ra một cái cười hiền lành, nhưng ý kiến biên tập viên và ý kiến tác giả cứ kéo co mãi, dằng dai đến hơn nửa giờ nữa. Sau cùng tôi đành phải quyết định:
- Tôi đề nghị chấm dứt cuộc tranh luận ở đây, xin được kết luận như thế này, nghe xong, xin mới các đồng chí giải tán và không ai nói gì thêm nữa, vì nói mãi cũng chỉ có vậy. Một là nếu anh Thi đồng ý cho nhà xuất bản chúng tôi ấn hành tập thơ Người chiến sĩ nguyên tác của anh thì chúng tôi hoan nghênh và có thể tiến hành ngay việc in ấn. Còn nếu anh cứ khăng khăng đòi in theo cái bản thảo mà anh đã sửa chữa thì nhà xuất bản kiên quyết không in. Dẫu in hay không, bất luận hậu quả thế nào, tôi xin chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước pháp luật và trước công chúng.

Anh Thi có vẻ không được hài lòng, mặt biến sắc, anh cầm lại tập bản thảo mới sửa sang, rồi bỏ ra về không bắt tay tạm biệt anh em nào cả.


Đoạn kết

Có lẽ do việc không xuất bản tập thơ Người chiến sĩ mà từ đó khoảng cách giữa tôi và anh ngày càng xa thêm, rất xa. Rồi trong thực tế, một thời gian không lâu sau cái ngày thứ bảy giằng co quyết liệt ấy, số phận lại xui khiến thế nào mà tôi mắc vào "Vụ án văn học Nhân văn giai phẩm" khiến tôi bị kỷ luật đằng đẵng 30 năm, từ năm tôi mới 37 tuổi, đến khi đầu đã bạc hết, răng đã rụng hết, Hội Nhà văn mới tổ chức để một số anh em tham gia phong trào "Nhân văn" trước kia trở lại Hội (1988) sinh hoạt và làm việc có phần tự do và khoáng đãng hơn trước nhưng khốn nỗi, già yếu cả mất rồi!

Riêng với anh Thi, tôi vẫn cứ tiếc và bâng khuâng mà luôn nghĩ đến mối quan hệ giữa người với người trong một cộng đồng, có lẽ đúng như điều mà Đức Thích Ca Mầu Ni đã đúc kết thành một sáng tạo diệu kỳ về triết học quanh số phận con người: Duyên và Số. Ví dụ như chuyện vợ chồng là do duyên số, nói cụ thể hơn theo ý Phật là duyên nợ:

Mỗi người một nợ cầm tay
đời trước nợ vợ, đời nay nợ chồng.

Thế thì bạn hữu, bạn trai, bạn gái cũng là do duyên số. Trong cõi đời chúng ta từ Tây sang Đông thiếu gì những đôi bạn trai nổi tiếng: thi sĩ Rimbaud và Verlaine ở Pháp thế kỷ XIX rồi Mallarmé với Musset, VictoR Hugo với Lanson. Ở Trung Quốc có Bá Nha- Tử Kỳ, ở Việt nam xưa có Lưu Bình-Dương Lễ. Anh Thi với tôi, gần suốt thế kỷ XX hình như vào cái thuở ban đầu, hai người cùng rất trẻ, cùng chung niềm đam mê sống và sáng tạo, qua nhiều lần gặp gỡ thân tình đều muốn thành bạn tri kỷ mà rồi cuối cùng vẫn là hai con số không to tướng đứng bên cạnh nhau. Là mệnh trời hay do tính cách? Tôi chỉ muốn nhớ lại tính cách anh, như trên đã nói, trong con người anh có đến hai ba bản chất trái ngược nhau hoà thành một. Anh sinh ra, rồi trưởng thành với nhiều ước vọng. Trước tiên, từ Hội nghị Tân Trào, đó là con người chính trị ngự trị trong tâm hồn anh. Cách mạng tháng Tám thành công, có thêm con người quan chức. Còn khi mới là cậu tú, anh sinh viên trường luật, anh đã là con người học giả. Đến khi toàn dân ta phải chiến đấu chống xâm lược, con người yêu nước nồng nàn trong anh đã biến thành con người của nghệ thuật. Cả trong lĩnh vực văn hóa anh cũng đã phân thân. Anh chưa thỏa mãn trong thơ, anh nhảy sang tiểu thuyết với tham vọng viết những roman fleuve (trường giang tiểu thuyết) tưởng chừng có thể làm chấn động dư luận từ Bắc chí Nam. Chưa thỏa mãn với tiểu thuyết, anh quay sang làm một kịch tác gia, viết liền bốn năm vở. Nhưng rồi anh vẫn không vừa ý, anh lại trở về với thơ, lại có lúc muốn làm một nhà phê bình văn học uyên bác. Lại không vừa ý, anh cứ loay hoay mãi với con đường quyền chức chính trị. Cũng không đi đến cái đích mà anh mơ ước thì tuổi già xồng xộc đến ngay trước mắt. Anh lại quay về với thơ, loanh quanh mãi, hẳn anh nhiều lần tự hỏi ta đi về đâu? Ta đã đến đâu! Ai trả lại cho anh câu hỏi lớn ấy ngoài anh ra?

Tôi biết, vào những ngày tháng cuối cùng trên cái cõi mang mang thế sự đầy bí hiểm này, anh Thi có những thời khắc suy tư đầy bi kịch. Anh vốn là một nghệ sĩ nhưng ít khi sống hết mình vì nghệ thuật. Về nhạc, anh đã sáng tác khúc ca Người Hà nội rất quyến rũ, rất tình tứ mà cũng rất hùng tráng. Đáng lẽ ra anh nên dừng ở đó mà đào sâu vào cái vỉa quặng rất phong phú là âm nhạc thì tham vọng lại dẫn anh đi vào một thế giới mà anh tưởng có thể ôm chặt lấy được là thế giới văn xuôi, thế giới đến thường tưởng rất ngon ăn mà sao tiểu thuyết Vỡ bờ gần nghìn trang của anh lại hình như thưa thớt tiếng vang? Mấy cuốn truyện của anh nữa: Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao liệu còn dư vang gì trong lòng người đọc? Anh cứ loay hoay như thế suốt hơn 60 năm cầm bút để rồi đi đến đâu!

Ở anh có hai con người luôn giằng xé nhau bất phân thắng bại. Đó là con người nghệ sĩ và con người quyền chức. Không lúc nào anh thanh thản, không lúc nào anh được an nhiên tự tại cũng chỉ vì xung đột quyết liệt một mất một còn giữa hai con người đó. Vì thế mà anh sống trong một bi kịch thường trực, nó vò xé, cắn rứt lẫn nhau, không lúc nào ngưng nghỉ (trừ đôi lúc anh để tâm hồn trôi theo nhan sắc, nhưng ngay cả nhan sắc, hay nói rộng ra là tình yêu nam nữ, đôi khi cũng tưởng chừng muốn phát điên lên vì anh luôn thay đổi).

Tuy anh cũng có một gia đình tưởng như đầm ấm nhưng tôi biết cuộc sống gia đình anh cũng chả mấy niềm vui. Ngay từ đầu đời, thơ là một trong mấy cái đích lớn mà anh say sưa hướng tới thì càng về cuối đời, thơ anh chỉ còn lẻ tẻ những bài văn xuôi ngắn ngủi, kể lể một vài điều băn khoăn, rời rã trong tâm thế thất bại pha chút cay đắng gượng gạo làm vui. Rồi tan đi tất cả, anh lại trở về gậm nhấm cô đơn, tâm hồn anh nhiều năm đã trở thành bãi chiến trường ác liệt. Mà con người của thi ca nghệ thuật đã chịu thua. Dẫu anh cố vẫy vùng thì con người của quyền chức cũng chẳng đi tới chỗ mà anh mong ước.

Vài ba năm trước khi anh qua đời, tôi thường bắt gặp nơi anh nỗi buồn bất đắc chí ấy, vì chỉ thấy anh buồn, ngay cả lúc anh nhận huân chương độc lập hạng nhất, tôi chạy lại bắt tay anh, mừng anh bằng một tấm lòng chân thành, anh cũng lại cúi đầu nói nhỏ "Có gì đâu!", nét mặt vẫn buồn rã rợi. Anh vội vàng lảng tránh, tôi càng thêm ái ngại cái nỗi riêng anh trong bấy nhiêu năm lận đận với những hào quang phụ, với những hư ảnh dối lừa, những hư vinh vô ích.

Tôi hiểu rõ anh lắm, thậm chí rất quý anh, nhưng khốn nỗi, không hiểu vì đâu mà tôi với anh lại như mặt trăng với mặt trời, như nước với lửa, như thuốc ký ninh với vi trùng sốt rét. Có lẽ từ chuyện tôi từ chối không in tập thơ Người chiến sĩ, nên hồi tôi vướng án Nhân văn, anh đã ghép thêm cho tôi cái tội là "lũng đoạn" nhà xuất bản.

Ngoài bài ca Người Hà nội mà tôi cho là một kiệt tác của anh, có lẽ sẽ sống lâu hơn cả thơ, văn, tiểu thuyết, kịch và các tiểu luận văn học mà anh đã bỏ ra nhiều công sức xây dựng, thì anh còn gì? Hạnh phúc lớn nhất cho một con người, đặc biệt là con người nghệ sĩ, lúc về già còn tình yêu trong trái tim không tuổi.

Về cuối đời, riêng tôi cũng lắm lúc tự buông thả mình vào đám bụi phố hè, ngồi say sưa với nhiều bạn trẻ, nhiều anh em thương tôi lắm nên tôi không thấy cô đơn nữa. Còn anh, tôi biết cũng cô đơn trống trải, nhưng con người quyền chức từ lâu đã không cho phép anh được chơi với tôi, và về già, được rong chơi như tôi, rong chơi hết mình với các "chú em thi sĩ", với cả nhiều "cô em thi sĩ", như tôi. Thế thì, Thi ơi, trước khi vĩnh biệt thế gian này, anh có buồn chăng, có vui chăng? Anh sẽ "ra đi" thanh thoát hay còn vướng mắc?

Thực tình, cho đến hôm nay, hai phần ba thế kỷ đã trôi hững, chảy hờ trên quan hệ giữa anh và tôi, vâng, thật thế, khi tôi viết những trang tâm sự này tôi rất thương anh và thật tiếc cho anh. Bởi lẽ, vào những ngày cuối cùng trên thế gian này, trong cõi người này, chắc hẳn anh đã tự biết rằng anh không đạt được ước vọng lớn lao của mình đâu bất kỳ ước vọng ấy nhằm về hướng nào trong tâm thức sâu kín của một con người.

Tháng 5. 2003
H.C.

© 2003 talawas


[1]Thơ Tản Đà:
"Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương"
[2]Câu thơ trong bài Qua vườn ổi (tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm)
[3]Dạo ấy B. D. đã 23 tuổi, cũng trẻ đẹp nhưng tính cách và lối sống già dặn hơn cô Th. L. rất nhiều.

[4]Từ năm 1947 đến năm 1950, trong các đơn vị công tác văn nghệ ở một số chiến khu và binh đoàn, kể cả ở Bộ Tổng tư lệnh, chưa có tên gọi văn công. Sau chiến tranh thế giới, ta mượn tên "Văn công" (Công tác đoàn của Trung quốc gọi lắt là văn công để gọi các đơn vị bộ dội chuyên biểu diễn văn nghệ trong toàn quân.

[5]Chiến sĩ tự vệ thành thường đính trên mũ ca lô đội lệch ngôi sao vàng trong vuông đỏ, trông hiên ngang mà rất tài tử.