trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
25.5.2006
Trương Công Anh
Đôi điều xin thưa góp về chống tham nhũng
 
Văn hóa Nghệ An số 75 ngày 25-4-2006 mục "Diễn đàn văn hóa xứ Nghệ" đăng tải bài: “Nhân đọc bài ‘Bọn tham nhũng chống Đảng’ của Văn Như Cương” của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Rất hào hứng và cũng rất thích thú khi đọc bài này. Và ít ra cũng đã đọc đi đọc lại ba bốn lượt. Đọc kỹ, nghĩ suy rồi từ đó nẩy ra việc phải viết đôi điều xin thưa góp cùng Giáo sư.


1. Giáo sư viết: "Bệnh tham nhũng không phải là một loại bệnh mới xuất hiện... nó đã xưa như trái đất". Đúng lắm! Song nói nó đã xưa như trái đất cũng là một cách nói để mà khẳng định nó "xưa" lắm rồi. Một cách nói khác, cũng khẳng định được cái "xưa" nhưng có thể sẽ "định vị" được rõ hơn bệnh này có từ lúc nào trong xã hội loài người. Xã hội loài người xuất hiện giai cấp, xuất hiện nhà nước, xuất hiện quyền lực nhà nước là lập tức bệnh tham nhũng có điều kiện, có môi trường xã hội để xuất hiện. Và, bởi vậy, cho đến nay, ở bất cứ quốc gia nào, chế độ xã hội nào cũng đều phải đối phó với căn bệnh xã hội cực kỳ nguy hiểm này. "Bệnh" này "xưa" bao nhiêu thì việc phòng và chữa trị nó cũng "xưa" bấy nhiêu. Tiếc rằng, trên tất cả thế gian này, từ cổ chí kim chưa ở đâu và lúc nào chữa trị "bệnh" này một cách tiệt nọc cả.


2. Giáo sư lại viết rằng: "... nhưng biến chứng của nó ở Việt Nam thì vô cùng nguy hiểm vì môi trường phát bệnh ở đây khác rất xa với nhiều vùng khác". Thiển nghĩ những biến chứng của "bệnh" này không riêng gì ở Việt Nam mà bất cứ ở đâu cũng đều vô cùng nguy hiểm cả. Chắc Giáo sư muốn nói rằng: ở đâu đó biến chứng chỉ gây nguy hiểm cho những cá nhân hay tập đoàn nào đó, còn ở Việt Nam ta hiện tại nó gây nguy hại cho cả dân tộc, cho cả một sự nghiệp chăng? Lại thiển nghĩ, môi trường "phát bệnh" ở Việt Nam ta có thể có khác, song chắc rằng không thể "khác rất xa". Bởi "môi trường" "gốc" để phát bệnh, để lây lan của bệnh tham nhũng là giống nhau, như nhau: Môi trường quyền lực nhà nước! Phải chăng Giáo sư muốn nói một cách ẩn ý rằng: ở "vùng khác" người ta đa đảng, nên có sự lo bị mất quyền do tham nhũng. Từ đó, "môi trường" phát bệnh được khoanh lại hẹp hơn. Còn ở Việt Nam ta do chỉ một Đảng cầm quyền nên chỉ "môi trường" ấy là rộng hơn?


3. Sau khi ghi nhận: "cho nên việc gọi tên, định bệnh, tìm cơ chế lây lan và biện pháp chữa trị như Giáo sư Văn Như Cương đã làm là một phát kiến đáng giá", Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng: "hình như việc nghiên cứu của Giáo sư Văn Như Cương chỉ mới nửa vời, nhất là phần kê đơn bốc thuốc". Lý do để Giáo sư đi đến kết luận "nửa vời" là: "Ai cũng biết bệnh ấy cơ bản là "của Đảng, do Đảng" chứ không phải của dân và do dân, thế mà còn đề xuất lấy Đảng chống tham nhũng thì chống sao được?"

Để khẳng định chính kiến của mình Giáo sư viết: "Đề xuất như thế theo tôi khác nào dùng lại những phương cách cổ lỗ, không còn mấy hiệu nghiệm giống như phương cách mà bọn thực dân trước đây đã từng dùng với dân tộc ta mà sách của Đảng vẫn dạy: "Lấy người Việt trị người Việt", rốt cuộc chúng có đạt được mục đích đâu".

Ở đây xin không bàn đến "phát kiến đáng giá" hoặc mới nửa vời về bài báo của Giáo sư Văn Như Cương như nhận định của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Chỉ xin được có đôi lời về lý lẽ của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi mà thôi!

Bệnh tham nhũng nói cho nó triệt lý thì đó là bệnh của nhà nước (bộ máy nhà nước, công chức nhà nước, thể chế nhà nước) mà Đảng ta chịu trách nhiệm hết thảy bởi Đảng ta là Đảng cầm quyền. Còn nếu nói: "Bệnh ấy cơ bản là của Đảng, do Đảng e rằng chưa thật tận cùng của lý lẽ, lý sự. Rồi từ đó mà kết luận rằng: "thế mà còn đề xuất lấy Đảng chống tham nhũng thì chống sao được?" thì thật vô cùng băn khoăn và xin lỗi: vô cùng rối trí và...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói đại ý như sau: Một Đảng chân chính là một Đảng dám nhận sai lầm, khuyết điểm, dám và biết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.

Để cho bệnh tham nhũng đến mức trầm trọng như hiện nay là khuyết điểm rất lớn, là sai lầm lớn, thậm chí có thể nói là lỗi lớn của Đảng ta trước dân tộc, trước nhân dân và cả trước chính sự nghiệp của Đảng. Điều này là khẳng định bởi Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mọi sự hư hỏng của nhà nước, Đảng đều phải chịu trách nhiệm. Song, nếu Đảng ta là một Đảng chân chính và sự thật đang là một Đảng chân chính, dẫu có một bộ phận nào đó cán bộ đảng viên của Đảng hư hỏng, thoái hóa biến chất. Vậy nếu như Giáo sư viết: "Lấy Đảng chống tham nhũng thì chống sao được?" thì hoặc là Đảng đã không còn là Đảng chân chính nữa, hoặc là phải có lực lượng khác lãnh đạo và tổ chức cuộc chiến chống tham nhũng chăng?

Đoạn cuối bài báo Giáo sư viết: "Một nguyên tắc nhất thiết phải tuân theo là phải dùng lực lượng chống dịch trong thành phần nhân dân là thành phần tuyệt đối miễn dịch đối với bệnh, nhất là thành phần không có một liên hệ máu mủ nào với nơi phát bệnh thì mới mong dập tắt được ổ bệnh hoàn toàn".

Đảng muốn làm được bất cứ điều gì - dẫu là nhỏ đều phải dựa vào lực lượng của dân. Song dân muốn làm được điều gì đó đều cần được tổ chức lại và có sự lãnh đạo của một lực lượng nào đó. Còn nếu để sức mạnh vô cùng to lớn của dân tự phát bùng lên thì tác dụng tích cực, kết quả cuối cùng sẽ không như mong muốn nếu không nói là có khi ngược lại. Bởi thế ý kiến trên của Giáo sư có phần đúng nhưng lại chưa đủ. Đúng là, dân miễn dịch và không có quan hệ máu mủ nào với nơi phát bệnh. Song, khi những ông dân, bà dân nào đó được đưa vào "các đội chống dịch" thì nghịch lý sẽ xuất hiện. Lúc này các ông dân, bà dân lại trở thành các ông quan, bà quan mất rồi, không còn dân nguyên nghĩa nữa. "Các đội chống dịch" đương nhiên phải được giao những quyền lực nhất định thì mới chống được những quyền lực "đen" của bọn tham nhũng. Và như Mác đã từng nói đại ý: Đã đến lúc phải phê phán bằng vũ khí chứ không chỉ dùng vũ khí phê phán. Vậy là các "đội chống dịch" dù được tổ chức như thế nào đi nữa thì về thực chất nó vẫn là một tổ chức quyền lực và những người ở trong tổ chức ấy là những người có quyền lực, nắm quyền lực. Do vậy họ sẽ không còn "miễn dịch hoàn toàn” như khi họ là dân nữa. Và, "quan hệ máu mủ với nơi phát bệnh" lại có thể được hình thành. Cho nên Giáo sư mới muốn có cách tổ chức "như thế nào... để khỏi chính người chống dịch lại bị bệnh dịch khống chế" (Nói đúng hơn chính người chống dịch lại mắc đúng cái bệnh ấy).

Thế là: theo Giáo sư "Lấy Đảng chống tham nhũng thì chống sao được?” Nghĩa là không chống được! Rồi lại theo cái nguyên tắc "nhất thiết phải tuân theo" như Giáo sư đề xuất lại vấp phải nghịch lý như nói ở trên. Thế thì lấy cái gì nữa, lấy ai nữa để mà chống tham nhũng, để mà đi trị bệnh cứu người đây?


*


Như trên đã nói: Đến nay, chưa có một quốc gia, một chế độ xã hội nào trị tiệt nọc được bệnh tham nhũng. Còn chúng ta đã chống, đang chống nhưng xem chừng chưa mấy kết quả. Vậy buông xuôi chăng? Không! Không thể buông xuôi! Bởi nếu không trị được bệnh này ở một mức độ nào đó thì Đảng ta sẽ không thể tiếp tục cầm quyền, chế độ ta không thể tồn tại, đất nước sẽ rơi vào thảm họa, sự nghiệp có được bởi phải hy sinh biết bao xương máu sẽ tiêu tan. Nhất thiết chúng ta phải tìm cho được những lý do vì sao chống tham nhũng chưa có kết quả? Nhất định chúng ta phải kiên trì, kiên quyết với tinh thần khoa học và cách mạng để chống tham nhũng. Làm cách này chưa được thì làm cách khác. Cách khác chưa được thì làm cách khác nữa... Chắc chắn rằng: thực tế cuộc đấu tranh một mất một còn này sẽ dạy chính chúng ta khôn lên từ dám đấu tranh đi đến biết đấu tranh cuối cùng là biết cách chiến thắng. Dĩ nhiên, chúng ta không thể ảo tưởng rằng: Chỉ cần làm một lần, chỉ cần chém một nhát là xong. Chúng ta càng không thể trông chờ vào bất kỳ một "biện pháp" thần kỳ nào để trị bệnh tham nhũng.

Song, nếu chúng ta dày công nghiên cứu về lý luận, tổng kết từ thực tiễn, có ý thức đầy đủ để học hỏi những quốc gia đã trị bệnh có kết quả nào đó, mở rộng dân chủ để tập hợp tâm huyết trí tuệ của toàn dân... nhất định chúng ta sẽ tìm được và thực hiện được những cách làm đem lại hiệu quả từ thấp đến cao, từ bộ phận đến toàn thể, từ ít đến nhiều,... đẩy lùi từng bước đi đến hạn chế đến mức thấp nhất căn bệnh này. Mỗi thành công dù nhỏ trong cuộc đấu tranh cực kỳ gay go phức tạp này càng làm chúng ta khôn lên, càng cổ vũ chúng ta tiến lên để kiên tâm, bền chí, để tiếp tục đấu tranh.

Có thể, và chắc chắn là chúng ta sẽ phải dùng nhiều loại giải pháp khác nhau, phải huy động tổng lực nhiều lực lượng chính trị - xã hội trong cuộc đấu tranh này. Song, dẫu là giải pháp gì - lực lượng nào thì cũng phải theo nguyên lý sau đây:

Đảng ta - ĐCSVN phải là người khởi xướng lãnh đạo và tổ chức. Đảng phải dựa vào sức mạnh của chính mình, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân để tiến hành cuộc đấu tranh này. Để làm được như vậy, Đảng phải thực sự vững mạnh trong sạch, Đảng phải luôn nâng cao năng lực cầm quyền; phải lấy việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng làm nhân tố quyết định để đưa đất nước vượt qua nghèo nàn lạc hậu, để chiến thắng chính mình và từ đó mà giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống bệnh tham nhũng.

Tháng 5-2006.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An số 76, ra ngày 10-5-2006