trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
30.10.2008
Phạm Hoàng Quân
Bàn tiếp về sách “Hoàng Sa – Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp quốc tế” của Nguyễn Q. Thắng
 
Bài viết đăng trên talawas hôm 23-9-2008 nhằm gợi ý để tác giả Hoàng Sa – Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam nhìn từ Công pháp quốc tế tự kiểm; tuy nhiên, động thái phản hồi cho thấy ông Nguyễn Q. Thắng không có thiện chí như chúng tôi đã nghĩ, nên, để các vấn đề được bạn đọc tham khảo rộng rãi hơn, chúng tôi có bài “Bàn tiếp…” này.


A. Về tư cách và ý thức của người làm sách

1. Trong sách của mình, ông Nguyễn Q. Thắng cho in ở phần phụ lục (từ trang 295 đến trang 343) bài tham luận của tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu [bài tham luận có tiêu đề “Chủ quyền trên hai quần đảo – thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc” này sau khi công bố vào tháng 8 năm 1998 đã được đăng tải ở nhiều nơi, báo điện tử, sách/ báo in trong và ngoài Việt Nam]. Bài tham luận này khi vào sách của Nguyễn Q. Thắng đã bị cắt 8 đoạn (ở các trang 296, 298, 299, 300, 301, 319, 331), chúng tôi không rõ thủ thuật cắt xén này được áp dụng theo tiêu chí/ quan điểm của người biên soạn hay của nhà xuất bản.

Các đoạn cắt làm ảnh hưởng đến văn mạch và cấu trúc tổng thể có thể nêu ra như sau: Trong phần 1.1 của tham luận có tiêu đề “Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ theo luật quốc tế”, Từ Đặng Minh Thu nêu lên ba điều kiện cần phải hội đủ, nhưng khi đưa vào sách của mình, ông Nguyễn Q. Thắng đã cắt mất điều kiện thứ 3 (tại trang 299).

Trong phần 1.3.2 của tham luận: “Hành xử chủ quyền”, tiểu mục “Thanh tra và viễn chinh” được chia làm 2 phần “Trước nhà Nguyên” và “Từ thời nhà Nguyên đến nay” bị cắt mất đoạn “Từ thời nhà Nguyên đến nay” kể cả tên của tiểu đề mục (trang 319). Các đoạn tham luận mang tính pháp lý này tự nhiên lâm vào tình trạng “nói có đầu không có đuôi”, đọc tham luận của Từ Đặng Minh Thu trong sách của Nguyễn Q. Thắng - nói theo ngôn ngữ @ - “hiểu chết liền”!

2. Phàm, người biên soạn chỉ nên đề tên sách của mình và tên mình trên đầu mỗi trang ở những phần do tự mình biên soạn, các phụ lục và trích văn của tác giả khác hoặc trích lục văn bản các loại thì hoàn toàn không nên. Từ trang 240 đến trang 388, tên Nguyễn Q. Thắng nghiễm nhiên tọa vị trên luận văn của Lãng Hồ, Từ Đặng Minh Thu, Lê Quý Đôn… Chướng mắt nhất là ở trang 383, tên Nguyễn Q. Thắng nằm trên tên Võ Long Tê trong bức ảnh bìa sách của Võ Long Tê.

3. Ngôn ngữ khoa trương của ông Nguyễn Q. Thắng ở nhiều câu, nhiều đoạn khiến người đọc không khỏi cười buồn, chọn 2 thí dụ bất kỳ như sau: 1/ (nguyên văn): “Các năm sau, nhất là năm 1836 vua Minh Mạng ra lệnh cho Đô đốc thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa một đội thuyền ra các đảo”, “Phạm Hữu Nhật, Đội trưởng đội Hoàng Sa của lực lượng hải quân Hoàng gia triều Nguyễn”, “một thời gian ông được thăng chức Đội trưởng hải quân Hoàng gia triều Nguyễn”. Ba đoạn trích trên nằm cùng 1 trang sách (trang 200), sự “nhiệt tình” của ông Nguyễn Q. Thắng đã làm sai sự thật về hành trạng của nhân vật lịch sử Phạm Hữu Nhật, các chức vụ xa lạ ở đâu được Nguyễn Q. Thắng “tấn phong” một cách rất vô tư [theo sự tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, chức vụ cao nhất của Phạm Hữu Nhật lúc tại ngũ là Thủy quân đội trưởng suất đội (theo Đại Nam điển lệ, phẩm hàm trong khoảng Tòng ngũ phẩm, Chánh lục phẩm, Tòng lục phẩm), chức vụ này chỉ tương đương với thượng úy trong quân đội ngày nay]. 2/ Cùng trang 200, “ông cùng các chiến binh lo công tác đo đạc thủy trình, cắm mốc lãnh hải quốc gia trong năm 1836”. Từ sự kiện Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa để đo thủy trình và Cắm cọc trên đảo để làm dấu tích, Nguyễn Q. Thắng suy diễn thành Cắm mốc lãnh hải quốc gia, [theo sự tưởng tượng của chúng tôi thì việc cắm mốc lãnh hải khó làm lắm]. Sự không phân biệt được hòn đảolãnh hải của ông Nguyễn Q. Thắng khiến chúng tôi e ngại các trang viết khác trong sách này, vốn rất nhiều thuật ngữ chuyên môn về Công pháp quốc tế.

4. Về bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được nhân bản bằng kỹ thuật ảnh ấn bản (in chụp) không rõ xuất xứ mà ông Nguyễn Q. Thắng đã cho vào phần phụ trương (trang 362) với lời chú thích “Bức thư này do các cửa hàng tạp hóa Quận 5 – TP. HCM (Chợ Lớn) dùng làm giấy gói hàng vào các năm 1996-2000) chủ các sạp hàng phát cho khách hàng)” (sic).

Theo suy nghĩ của chúng tôi, phụ trương này không nhất thiết phải có (với hình thức ảnh ấn bản) vì toàn văn bức thư này đã được công khai từ lâu, ít nhất là vào năm 1998 trong bài tham luận của Từ Đặng Minh Thu (mà ngay trong sách này của ông Thắng đã có in lại), và gần đây, trên tạp chí Xưa & Nay số 315 – tháng 9-2008 trong bài viết của tác giả Lưu Văn Lợi. Điều không nhất thiết phải có mà chúng tôi nêu, vì hai lẽ: 1/ Bức thư ảnh ấn bản này (trên lý thuyết) không rõ nơi in, 2/ Loại văn bản gốc (nếu phải) này chỉ trưng ra trong trường hợp bản văn công khai (đã chuyển đổi hình thức) bị nghi ngờ hoặc phủ nhận về tính xác thực.

Mặt khác, trên tinh thần “nhiễu điều… giá gương”, ông Thắng cần phải cân nhắc rất cẩn thận, để không phải đưa ra lời chú thích mang tính chất chợ búa và vô ý (thức) đối với bức thư này.


B. Bàn về kiến thức cơ bản

1. Vấn đề sử dụng Trịnh Hòa hàng hải đồ

Vấn đề Trịnh Hòa hàng hải đồ nêu ra ở đây khác với sử sự “Trịnh Hòa thất thứ hạ Tây dương”. Địa đồ hàng hải đang nêu diễn tả các chuyến đi của Trịnh Hòa vốn ra đời muộn hơn gần 200 năm so với sự kiện mà địa đồ đề cập. Việc hư thực của bức địa đồ này là vấn đề khác, trên góc độ thừa nhận giá trị lịch sử của Hải đồ (viết tắt của Trịnh Hòa hàng hải đồ), chúng tôi nêu vấn đề sau đây.

Để tiện theo dõi vấn đề, chúng tôi trích lục hai đoạn văn có liên quan của tác giả khác và một chú thích của ông Thắng trong sách đang bàn.

a. “Trên bản đồ đó [tức Trịnh Hòa hàng hải đồ - người viết], duy chỉ thấy những danh xưng Thạch Đường石 塘, Vạn Sinh Thạch Đường Dư 萬 生 石 塘 嶼 , và Thạch Tinh Thạch Đường 石 星 石 塘. Theo sự giải thích khá tin cậy của Mills, thời Thạch Đường tức là ám tiêu quần đảo Paracels (Paracels Reefs), Vạn Sinh Thạch Đường Dư tức là quần đảo Paracels (Paracels Islands), còn Thạch Tinh Thạch Đường tức là danh xưng của Macclesfied Bank [Trung Sa quần đảo – người viết] trên bản đồ của Mao Khôn. Như vậy trong bản đồ trên, không thấy có danh xưng Vạn Lý Thạch Đường, mà ông Tề Tân đã cho là tương đương với Nam Sa quần đảo”.

(Lãng Hồ - “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”, Sử Địa số 29 – tr. 63, và in lại ở phần Tư liệu trong sách của Nguyễn Q. Thắng – tr. 251 – đoạn văn này sẽ gọi tắt là Thuyết A)

b.Trịnh Hòa hàng hải đồ vẽ liên tục trên mấy trăm trang giấy bản rất công phu. Chúng tôi xin trích dẫn sơ đồ vẽ bờ biển và các hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, khi ấy ghi là Giao Chỉ quốc và Biển Đông ghi là Giao Chỉ dương. Sơ đồ này vẽ khá rõ từ biên giới Việt Trung qua cửa khẩu sông Hồng, xuôi bờ biển miền Trung tới cửa khẩu Quy Nhơn, Trịnh Hòa ghi là Tân Châu cảng. Trịnh Hòa mặc nhiên thừa nhận Giao Chỉ dương tức là Biển Đông và các quần đảo nằm trong đó đều thuộc chủ quyền Giao Chỉ quốc, tức nước Đại Việt ta”.

Lời chú kèm theo trích dẫn địa đồ: “Trích sưu tập Trịnh Hòa hàng hải đồ, 2 trang 11b và 12a, vẽ Biển Đông từ biên giới hải phận Việt Trung tới cửa khẩu Quy Nhơn.

(Nguyễn Đình Đầu – “Hoàng Sa Trường Sa đích thực là của Việt Nam” – tạp chí Xưa & Nay, số 298, tháng 12-2007; và in lại trong Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam – tủ sách Kiến Thức, Saigon Times Foundation – NXB Trẻ - 2008, tr. 27. Đoạn văn này sẽ gọi là Thuyết B.)

c. “Trịnh Hòa hàng hải đồ (trang 11b và 12a, vẽ Biển Đông từ biên giới hải phận Việt - Trung tới cửa khẩu Quy Nhơn, không có quần đảo Hoàng Sa, tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ở Sài Gòn)”.

(Nguyễn Q. Thắng - Chú thích địa đồ, trang 355. Để tiện cho văn cú, sẽ tạm gọi là Thuyết C.)

Sau đây, chúng tôi nói rõ mục đích sử dụng địa đồ của ba tác giả của ba thuyết.

Thuyết A đề cập đến Hải đồ nhân trong lúc tranh luận với Tề Tân, vì thấy Tề Tân đã sử dụng sai pháp “cổ kim địa danh đối chiếu” đối với Nam Sa quần đảo (tức Trường Sa). Tác giả Thuyết A không tìm thấy địa điểm được tiêu danh Vạn Lý Thạch Đường trong Hải đồ [và sự tra cứu này của Lãng Hồ là chính xác], trong khi Tề Tân viết rằng, trong Hải đồ, Nam Sa được biểu thị bằng tên Vạn Lý Thạch Đường. Kết quả là, Thuyết A nêu ra điểm khống chỉ của Tề Tân. Trong quá trình tranh luận, Thuyết A tỏ quan điểm tán đồng với cách kiến giải của Mills [J. V. G. Mills, tác giả Ma-Huan, Ying-Yai Shenglan The Overall Survey of the Ocean’s Shores 1433. Cambridge. Published for the Halkuyt Society, At the University Press – 1970], về sự đối chiếu tên gọi cũ - mới đối với các ám tiêu và quần đảo khác, trong đó có Vạn Sinh Thạch Đường Dư, tức là Paracels Ilands [Hoàng Sa ↔ Tây Sa]. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Thuyết A chỉ sử dụng Hải đồ với mục đích nghiên cứu địa danh, không chủ trương thừa nhận Hải đồ mang tính chất bản đồ hành chính/ chính trị.

Thuyết B mang nội hàm thừa nhận Hải đồ với tính chất bản đồ hành chính/ chính trị, được thể hiện bằng cụm từ “Trịnh Hòa mặc nhiên thừa nhận Giao Chỉ dương tức là Biển Đông và các quần đảo nằm trong đó đều thuộc chủ quyền Giao Chỉ quốc, tức nước Đại Việt ta”.

Thuyết C đồng quan điểm với thuyết B, nghĩa là thừa nhận tính chất hành chính/ chính trị của Hải đồ.

Điều nguy hiểm là, khi kết hợp Thuyết BThuyết C, thông qua Trịnh Hòa hàng hải đồ, người đọc sẽ nhận thấy Hoàng Sa [với tên là Vạn Sinh Thạch Đường Dư] không nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tại sao vậy? Vì ông Nguyễn Đình Đầu thì khẳng định: “các quần đảo nằm trong đó (biển Đông của Việt Nam) đều thuộc chủ quyền Giao Chỉ quốc, tức nước Đại Việt ta”, còn ông Nguyễn Q. Thắng (cũng căn cứ trên cùng 2 trang bản đồ ông Nguyễn Đình Đầu đã nêu) lại thông tin là “không có quần đảo Hoàng Sa” trong vùng biển của Việt Nam như ông Nguyễn Đình Đầu đã nói.

Như vậy, đối với Hải đồ, tác giả Thuyết BThuyết C cần thiết phải hội ý với nhau để thống nhất cách sử dụng và khai thác tài liệu nhằm tránh suy diễn phiến diện tạo thành mâu thuẫn không đáng có.

Mở rộng

Trịnh Hòa hàng hải đồ (Hải đồ) trong Võ bị chí được vẽ trên những trang sách liên hoàn, nếu được tiếp hợp, sẽ thành hình thước thẳng (chữ Nhất), nội dung gồm 24 trang đôi, trong đó 1 trang lời tựa, 1 trang trắng, 2 trang “Quá dương khiên tinh đồ” (bốn đồ hình về phương vị các chòm sao cần quan sát khi đi biển), 20 trang hải đồ [không phải “vẽ liên tục trên mấy trăm trang giấy bản” như Thuyết B nêu]. Trang 11a, tức trang tiếp hợp với phần địa đồ mà Thuyết B Thuyết C dẫn, thể hiện nhóm ba quần đảo, đảo ứng với các tên gọi Thạch Đường石 塘, Vạn Sinh Thạch Đường Dư 萬 生 石 塘 嶼 , và Thạch Tinh Thạch Đường 石 星 石 塘 mà Thuyết A đã nêu. Về vị trí, nhóm ba quần đảo nằm phía tay phải (hướng Đông Bắc) của dòng chữ “Giao Chỉ dương”. Việc trích dẫn không đầy đủ các trang bản đồ cần thiết [ở đây là trường hợp trích dẫn thiếu trang 11a của Hải đồ] đã khiến ông Nguyễn Đình Đầu không chỉ ra cụ thể quần đảo Hoàng Sa (Thạch Đường) có hiện diện trong Hải đồ. Ông Nguyễn Q. Thắng, từ chỗ thiếu sót này của ông Nguyễn Đình Đầu, đã kết luận “không có quần đảo Hoàng Sa” trong vùng biển của Việt Nam là đã đẩy vấn đề đi quá xa và rơi vào các ngụy định của học giới Trung Quốc.


Mở rộng hơn

Học giới Trung Quốc cho rằng vì bị giới hạn bởi không gian Đông, Tây theo thể thức bố cục của Hải đồ nên các thực thể địa lý được tiêu danh Thạch Đường石 塘, Vạn Sinh Thạch Đường Dư 萬 生 石 塘 嶼 , và Thạch Tinh Thạch Đường 石 星 石 塘 có xu hướng chếch về hướng Bắc, không thể phù hợp với vĩ độ địa lý khi chiếu vào lục địa. Như vậy, ngoài việc học giới Trung Quốc cố sức hợp thức hóa tính chất bản đồ hành chính chính trị cho Trịnh Hòa hàng hải đồ, họ cũng đưa ra những lý giải “khoa học” về tọa độ kinh vĩ cho các đảo danh đã được sử dụng phương pháp “cổ kim đối chiếu”. Tiêu biểu cho trường hợp này có thể dẫn Tân biên Trịnh Hòa hàng hải đồ tập [Sở nghiên cứu trắc hội Hải dương Hải quân Trung Quốc phối hợp với Phòng nghiên cứu lịch sử hàng hải (thuộc) Học viện Hải vận Đại Liên – Chu Giám Thu, Lý Vạn Quyền chủ biên – Nhân giao thông xuất bản xã - Bắc Kinh - 1988]. Trong công trình này, các trích đoạn cổ địa đồ Trịnh Hòa hàng hải đồ được chuyển định theo phép chiếu hình trụ [Mercator chart] cho kết quả như sau:

Cổ địa đồ
Mercator chart
Thạch Đường
Tây Sa quần đảo
Thạch Tinh Thạch Đường
Đông Sa quần đảo
Vạn Sinh Thạch Đường Dư
Trung Sa quần đảo

[Tương ứng biểu này chúng tôi lập theo trang 41 sách đã dẫn].

Theo như các đảo danh trong bảng biểu nêu trên, chúng ta thấy không có Nam Sa quần đảo, tuy nhiên, ở trang 46 sách này lại tiêu danh Nam Sa quần đảo[ không có cổ địa danh tương ứng]. Ở trang 43, mục “Địa danh khảo thích” lại ghi nhận:

“Thạch Tinh Thạch Đường tức Đông Sa quần đảo và Trung Sa quần đảo;
Thạch Đường tức Tây Sa quần đảo;
Vạn Sinh Thạch Đường Dư tức Nam Sa quần đảo”.

Mặc dù sách này có vài mâu thuẫn như nêu trên, chung quy nhóm tác giả vẫn trên quan điểm là Trịnh Hòa hàng hải đồ mang tính chất hành chính/ chính trị, và cố sức chứng minh các quần đảo trên thuộc vùng biển Trung Quốc.


Trở lại

Việc xác định sai tính chất và sử dụng sai mục đích Hải đồ sẽ dẫn đến nhiều biện giải phức tạp không đáng có, Thuyết BThuyết C vì quan sát phiến diện đã vô tình rơi vào đường lối của nhóm nghiên cứu đang dùng Hải đồ này làm căn cứ để ngụy biện về các vấn đề đảo danh và chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa. Về việc này, tác giả hai Thuyết B, C nên tham khảo lại tham luận của Từ Đặng Minh Thu (xin dẫn một đoạn để tiện cho độc giả): “Những chuyến đi này [của Trịnh Hòa] không phải là viễn chinh để chiếm hữu đất mà nhằm thám hiểm biển để biết địa hải, tìm mối giao thương và phô trương lực lượng với các quốc gia trong vùng”.

Qua khảo sát bản tiếp hợp 20 trang cổ hải đồ này, chúng tôi thấy rằng những đối tượng địa lý mà hải đồ miêu hội, tiêu danh, ký chú hoàn toàn không mang tính chất bản đồ hành chính/ chính trị. Để phủ nhận tính chất hành chính/ chính trị của Hải đồ có thể dựa vào hai đặc trưng như sau:

Một là, Hải đồ này chỉ ghi nhận các thực thể địa lý có liên quan đến hải trình, hoặc tác động đến tầm mắt các thành viên trong hải đoàn như: cảng khẩu, thành trấn diên ngạn, núi cao diên ngạn, chùa tháp diên ngạn, các hải đảo, đảo quốc…

Hai là, Hải đồ không thể hiện hoàn chỉnh cương vực các quốc gia lục địa như Trung Hoa, Giao Chỉ, Chiêm Thành, Xiêm La… Và không tiêu danh các đơn vị hành chính quan trọng kể cả thủ đô.

Cùng với các bức Viên Đồ trong Hải quốc đồ chí (1841-1850) của Ngụy Nguyên, Tứ hải tổng đồ trong Hải quốc văn kiến lục (1730) của Trần Luân Quýnh, Trịnh Hòa hàng hải đồ (1621) là 1 trong 3 địa đồ cổ đã lưu hành phổ biến và được học giới Trung Quốc dẫn dụng với tần suất cao nhất trong các luận văn, các công trình nghiên cứu về lịch sử chủ quyền Nam Hải chư đảo. Việc nghiên cứu các cổ địa đồ này ở góc độ khoa học, định tính chất xác thực của chúng để biện ngụy là việc làm cần thiết, trước khi dùng chúng để gia cố chứng lý cho chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử.


2. Vấn đề sử dụng địa danh ngoại lai

Nguyễn Q. Thắng viết: “Ngược dòng lịch sử từ thế kỷ XII, Triệu Nhữ Quát khi viết sách Chư Phiên chí đã dùng những từ “Thiên lý trường sa” (cát dài ngàn dặm), “Vạn lý thạch sàng” (giường đá muôn dặm) để chỉ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở Biển Đông gần với bờ biển Việt Nam nhất” (trang 17, 18); Và tiếp đó là căn cứ vào câu cách ngôn của người Trung Hoa “Thượng phạ Thất Châu, hạ phạ Côn Lôn. Châm mê đà thất, nhân thuyền mạc tồn” [Trên sợ Thất Châu, dưới sợ Côn Lôn. La bàn lạc, bánh lái mất, người và thuyền chẳng còn], để viết tiếp: “Vùng biển Hoàng Sa thời ấy gồm có bảy đảo nổi trên mặt nước, gọi là Thất Châu Dương, các đảo nhỏ hơn còn chìm dưới nước” (trang 18).

Ở đây chúng tôi không bàn về kiến thức địa lý phổ thông của ông Nguyễn Q. Thắng [qua câu “Gần với bờ biển Việt Nam nhất”], mà chỉ lưu ý ở phương diện địa danh. Các danh xưng: Thiên lý trường sa, Vạn lý thạch sàng, Thất Châu dương chưa từng xuất hiện trong sử thư Việt Nam khi đề cập đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay, mà những tên gọi này cùng với nhiều tên gọi khác nữa trong cổ thư Trung Hoa luôn được học giới (nhóm sử nô) nước này gắn vào các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để đi đến các kết luận đại ý rằng: từ xa xưa, các quần đảo ở Nam Hải đã được người Trung Hoa biết đến, tuy bằng những tên gọi khác nhau nhưng đều là để ám chỉ Tây Sa và Nam Sa, những phát hiện, ghi chép về các quần đảo này là bằng chứng chủ quyền trong lịch sử…”

Học giới Trung Quốc bất chấp phương hướng, hải trình và tọa độ khi gắn cổ địa danh vào thực thể địa lý hiện tại, thí dụ: ngay trong sách Chư Phiên chí của Triệu Nhữ Quát [mà Nguyễn Q. Thắng dựa vào] đoạn văn có liên quan địa danh Thiên lý trường saVạn lý thạch sàng có nguyên văn như sau:

“Hải Nam Hán Chu Nhai Đam Nhĩ dã… Nam đối Chiêm Thành, Tây vọng Chân Lạp, Đông tắc Thiên Lý Trường Sa, Vạn lý thạch sàng, diểu mang vô tế, thiên thủy nhất sắc…” [“Hải Nam tức là Chu Nhai, Đam Nhĩ hồi đời Hán (lược 1 đoạn về sự thay đổi tên gọi và dựng đặt hành chính Quỳnh Châu/ Hải Nam), phía nam đối diện Chiêm Thành, phía Tây nhìn sang Chân Lạp, phía Đông là Thiên lý trường sa, Vạn lý thạch sàng, mênh mông vô bờ, trời nước một màu…”].

(Chư Phiên chí hiệu chú – Phùng Thừa Quân – Đài Loan Thương vụ ấn thư quán – 1962 – tr.146)

Đoạn văn trên cho thấy Thiên lý trường sa Vạn lý thạch sàng được Triệu Nhữ Quát ghi rõ ở phía Đông đảo Hải Nam tức nếu gần là Thất Châu liệt đảo (Taya Islands) hoặc xa là Đông Sa quần đảo (Pratas Islands).

Thất Châu dương lại cũng không phải là tên xưa của Hoàng Sa (như Nguyễn Q. Thắng viết) và Tây Sa như học giới Trung Quốc ngụy định. Hải danh Thất Châu dương được ghi chép trong các sách Mộng Lương lục của Ngô Tự Mục đời Nam Tống, Nguyên Sử - Sử Bật truyện, Chân Lạp phong thổ ký của Châu Đạt Quan (Nguyên), Đảo di chí lược của Uông Đại Uyên (Nguyên), Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp (Minh), Tinh sai thắng lãm của Phí Tín (Minh), Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật (Nguyễn – Đại Việt)… Thất Châu dương trong các sách nêu trên mô tả ứng với tên gọi Thất châu liệt đảo trên bản đồ Trung Quốc hiện nay. Chân lạp phong thổ ký có đoạn viết:

“Tự Ôn Châu khai dương hành đinh vị châm, lịch Mân, Quảng hải ngoại chư châu cảng khẩu quá Thất Châu dương, kinh Giao Chỉ dương đáo Chiêm Thành…” [Rời bến Ôn Châu (Triết Giang) đi theo hướng Nam – Tây nam, qua các cảng khẩu, ngoài biển Phúc Kiến, Quảng Đông, vượt qua Thất Châu dương, đi suốt biển Giao Chỉ thì đến Chiêm Thành].

Hải trình Châu Đạt Quan cho thấy rõ phải qua Thất Châu dương mới đến biển Giao Chỉ. Sách Đông Tây dương khảo còn cho biết thêm Thất Châu dương ở phía Đông huyện Văn Xương, cách huyện trị 100 lý (50 km). Vùng biển Thất Châu nổi tiếng nguy hiểm, thường có sóng to gió lớn nên mới có câu “trên sợ Thất Châu..” (trong đoạn cách ngôn mà Nguyễn Q. Thắng đã dẫn). Nỗi sợ hãi khi qua Thất Châu dương chúng ta có thể chia sẻ với tác giả Vãng Tân nhật ký. Ngày 22 tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (30-1-1883) nhật ký đi Thiên Tân của Nguyễn Thuật chép:

“5 giờ thuyền khởi hành [từ cảng Hải Khẩu, Quỳnh Châu] qua Thất Châu dương, gió ngược sóng to, thuyền chồm lên hạ xuống như hất nia, nhiều người ói mửa, đầu tôi quay tít không thể ngước lên được, phải nằm để ăn, nhưng lại nghẹn cổ không nuốt được…”. (Bản dịch tạm trích đoạn Vãng Tân nhật ký – Hương Cảng - 1980)

Khảo về vấn đề các địa danh nêu trên sẽ tường tận hơn ở bài viết khác. Trên đây chỉ nêu tổng quát để thấy sự sai lầm nguy hiểm của ông Nguyễn Q. Thắng, từ một đoạn văn của tác giả Lam Giang (Sử Địa – số 29 – tr. 51-52) ông Nguyễn Q. Thắng đã biến chuyển thành văn riêng của mình, và vì không nhận ra chỗ sai lầm của ông Lam Giang [lược thuật cổ thư nhưng có xu hướng thiên về chú giải mới] nên ông Thắng đưa vấn đề đến chỗ xác quyết. Lẽ ra, khi tham khảo sách, Hoàng Sa - quần đảo Việt Nam của Văn Trọng (NXB Khoa học Xã hội – 1979) [như thư mục tham khảo của ông Nguyễn Q. Thắng đã liệt nhập], ông Thắng phải chú ý đến trang 47-48, ông Văn Trọng cũng lược thuật ý đồ dùng các tên Thất Châu dương, Vạn lý thạch đường… gắn cho Hoàng Sa của học giới Trung Quốc, tuy tác giả Văn Trọng chưa dùng chứng lý từ cổ thư Trung Quốc để bác bỏ các luận điểm này, nhưng đã cảnh giác rằng các luận điểm đó rất mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học. Một tài liệu khác mà có lẽ ông Thắng buộc phải lưu ý là tập tài liệu của Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam do NXB Khoa học Xã hội in năm 1984, chúng tôi muốn nói đến quyển Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa lãnh thổ Việt Nam. Trang 21 của tập tài liệu này viết: “Từ sự thật đó thấy rõ văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xuyên tạc địa danh “Thất Châu dương” thành “vùng biển quần đảo Tây Sa”, và cuộc tuần biển của Ngô Thăng chung quanh Hải Nam thành cuộc tuần biển ở “vùng biển quần đảo Tây Sa” để kết luận rằng vùng biển này lúc đó do hải quân tỉnh Quảng Đông phụ trách tuần tiễu”.

Những vấn đề trên cho thấy từ chỗ thiếu kiến thức và không đủ khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề, nhiều nhận định và lập luận của ông Thắng vô tình đã lạc vào các ngụy định và lập luận quanh co của nhóm sử nô Trung Quốc hiện đại.

Vẫn còn nhiều sai lầm nguy hiểm khác thuộc về phương pháp luận trong sách của ông Nguyễn Q. Thắng, tuy nhiên, các vấn đề ấy sẽ được phân tích tiếp theo bằng hình thức khác (không phải bàn về sách của ông Thắng nữa).

Cuối cùng, có một góp ý riêng với ông Nguyễn Q. Thắng là, nếu có dịp tái bản quyển sách này, ông nên tìm một nhan đề khác phù hợp hơn với nội dung hiện có, chẳng hạn như: Gom góp chưa xử lý một số tài liệu hỗn hợp về Hoàng Sa, Trường Sa.

© 2008 talawas