Theo tôi nghĩ, hầu như mỗi ai trung thực trong nhận thức thì đều thấy rằng ở xã hội Việt Nam hiện giờ chưa có dân chủ. Tuy vậy trước câu hỏi “nước ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ hay chưa” và một loạt câu hỏi tương tự ở
bài viết của ông Bùi Tín (talawas 24/3/2007) thì tôi lại thấy cần dè dặt. Là vì những câu hỏi ấy dù sao cũng hơi biệt phái, tức là có thể được chia sẻ bởi một số người có chung một quá khứ nhất định, nhưng lại hơi xa lạ đối với phần đông người Việt ở những nhóm cộng đồng khác. Và điều đáng nói hơn chính là: việc nhắc lại, dù vô tình hay hữu ý những câu hỏi ấy, đã đánh thức cả một hệ thống những quan niệm và lý tưởng, tuy đã lu mờ trong đời thực hôm nay nhưng chưa bị thanh toán và vứt bỏ hẳn.
Cái hệ quan niệm được đánh thức trong bài của ông Bùi Tín chính là quan niệm “cách mạng không ngừng” và những hệ luận của nó.
Đối với những thế hệ người Việt từng hoạt động cách mạng bí mật thời kỳ trước 1945 hoặc trong kháng chiến 1946-75, quan niệm “cách mạng không ngừng” là một nhận thức mà đoàn thể sớm muộn gì cũng phải trang bị cho mỗi thành viên: lý tưởng của họ, nhiệm vụ của họ là phải làm cách mạng phản đế (= chống đế quốc) phản phong (= chống phong kiến), - cũng gọi là cách mạng dân tộc dân chủ, - rồi làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi tiến lên chủ nghĩa cộng sản, “thiên đường trên mặt đất”, v.v…; người ta được “giác ngộ” để không chỉ làm cách mạng trong một nước, mà còn làm cách mạng thế giới! Dù trên thực tế, “công tác cách mạng” của một thành viên cụ thể có khi suốt đời chỉ là viên chức bàn giấy, là nhân viên bảo vệ… nhưng người ta được dạy rằng đó cũng là làm cách mạng. Những hình tượng vừa của đời thực vừa của văn chương như Pavel Korchaguine, Lôi Phong, J. Fucik, v.v… không phải ngẫu nhiên đã nổi tiếng một thời trong thế giới xã hội chủ nghĩa.
Quan niệm “cách mạng không ngừng” kéo theo một hệ luận gồm ít nhất là hai quan niệm nữa: 1) quan niệm về người cách mạng với sứ mệnh đặc biệt đối với đồng loại; 2) đoàn thể cách mạng như là tổ chức, như là môi trường sống và hành động của mỗi thành viên. Và như ta đã biết, đây là những quan niệm đã hoá thân thành sự thực chứ không chỉ là ý thức lý thuyết.
“Người cách mạng” là ý niệm rộng hơn khái niệm đảng viên; người cách mạng, chủ thể của sự nghiệp “cách mạng không ngừng”, được quan niệm như loại người có sứ mệnh đặc biệt, đó là: giải phóng giai cấp vô sản khỏi áp bức, bất công, tiêu diệt đế quốc, tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản cho loài người trên toàn thế giới. Người cách mạng là người hành động theo lý tưởng, theo mệnh lệnh của tổ chức chứ không theo lương tri thông thường của nhân loại hay đạo lý của dân tộc; họ cho rằng mục tiêu chiến đấu của họ là tốt đẹp cho đồng loại và không cần biết đồng loại có bằng lòng tiếp nhận những cái họ mang đến hay không. Ý thức về “sứ mệnh” ở người cách mạng có chỗ khá gần gũi với ý thức về sứ mệnh của các sứ đồ, thừa sai xưa kia trong Ki-tô giáo. Ở Việt Nam, người cách mạng được vinh danh là “chiến sĩ”, nhưng thông thường hơn, loại người này được cụ thể hoá trong danh xưng người “cán bộ”.
Viết đến đây trong óc tôi thoáng hiện những câu trong bài “Đời cán bộ” của tác giả S. H.; bài này chưa bao giờ thấy có trong thi tập in ra của tác giả ấy; đây chỉ là bài mà tôi từng đọc lén được trong sổ tay của ba tôi, có lẽ ông đã chép được nó trong một vài lần lên họp ở Việt Bắc, thời kháng chiến, những năm 1950 (sau quãng thời gian 50 năm, tôi chỉ nhớ phảng phất không khí bài thơ; các câu nhắc lại sau đây, không dám chắc là chính xác bất cứ câu nào, vì tôi đọc chúng từ hồi 7-8 tuổi):
Chỉ vì nặng nợ non sông
Nên đời mới phải long đong tháng ngày
……………………………………………………..
Họ đã đi xa người thân mến,
Mẹ cha già vợ dại với con thơ,
Thề cùng nhau quyết giữ lấy ngọn cờ
………………………………………………………
Thiếu họ thì dễ chắc được ấm no?
Trong gia đình những công việc nhỏ to
Ai dạy dỗ chăm lo con học tập?
Thế mà họ chỉ vì nền độc lập,
Vì tự do hạnh phúc của toàn dân,
Đã quên mình dâng Tổ quốc, hiến thân,
Dâng tất cả! Mặc chuỗi ngày gian khổ!
Mặc không đủ ấm, uống ăn thì kham khổ,
Có nề chi nước độc xám màu da,
Rủi có làm sao thì vì nước vì nhà,
Chết cũng hả vì đã góp phần xương máu….
…………………………………………………………
Nhắc bài thơ này là để nói phạm trù “người cách mạng”, “người cán bộ” đã từng được chính những tác giả trong hàng ngũ họ, những thủ lĩnh của họ, không chỉ một lần, thêu dệt thành hình ảnh chiến sĩ thánh chiến khắc khổ, cao quý, và hấp dẫn đến thế nào!
Lẽ ra thì tư cách “người cách mạng” đã chấm dứt ngay khi cuộc cách mạng hoàn thành, khi nhà cách mạng trở thành nhà cầm quyền của chế độ mới; nhưng quan niệm “cách mạng không ngừng” đã tiếp tay cho người ta tiếp tục gắn tư cách nhà cách mạng cho người cầm quyền. Hơn thế, người ta còn muốn phổ biến hoá tư cách người cách mạng vào hầu khắp mọi tầng lớp người của xã hội. Hội viên nông hội, hội viên hội phụ lão, hội viên hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn,… cho đến đội viên thiếu niên, đội viên nhi đồng nữa, - tất cả đều là những cái nhãn về tư cách “người cách mạng”, về “chất cách mạng” với những “nồng độ” khác nhau, đậm hoặc nhạt. Cái chất ấy, cái nhãn ấy, người được tặng có khi thấy như phù phiếm dư thừa, nhưng đã ở xã hội này rồi thì có lúc họ sẽ phải thấy là thiết yếu, ví như một điều kiện đặt ra hồi những năm 1970-80: học sinh nào không là đoàn viên thanh niên thì không được dự kỳ thi vào đại học!
Chính nhu cầu phải kết dính mọi người với điều khá mơ hồ được gọi là “sự nghiệp cách mạng” đã đẻ ra hàng loạt đoàn thể cho mọi ngành mọi giới; nhà khoa học thì có các hội đoàn khoa học, văn nghệ sĩ thì có hội đoàn văn nghệ, thợ thuyền có công đoàn, người làm ruộng có hội nông dân, tuổi trẻ có đoàn thanh niên, đàn bà có hội phụ nữ, người già có hội phụ lão, trẻ con có đội thiếu niên, sao nhi đồng… Thiết chế đoàn thể được đan dệt chồng lên nhau, mỗi người trong xã hội này cùng lúc đứng vào vài ba đoàn thể; từ lúc cắp sách đi học cho đến trước khi nhắm mắt xuôi tay, con người đều cần phải luôn luôn đang là thành viên ít nhất của một đoàn thể! Đây được coi là những đoàn thể cách mạng, và mỗi loại giới chỉ được phép duy nhất có một đoàn thể thống nhất toàn quốc, hoạt động của các hội đoàn này được ngân sách công trang trải, những người đứng đầu các hội đoàn này nghiễm nhiên là thủ trưởng của ngành mình giới mình, là quan to như các hạng quan cách mạng khác, được hưởng tiêu chuẩn xe hơi nhà lầu, ngự trên đầu trên cổ đồng nghiệp. Nằm trong kỷ luật và nếp sống đoàn thể, những con người thành viên nếu không trở thành cuồng tín vì lý tưởng thì lại trở nên thụ động trông chờ những quyết định từ bên trên.
Cái cách đem dính dấp một chút xíu danh xưng người cách mạng cho hầu hết các lớp người, cái cách đẻ ra tràn ngập những đoàn thể kể trên, trước kia chỉ là những cái khác biệt dễ thấy nhất khi so sánh xã hội chúng ta với các xã hội “phi xã hội chủ nghĩa” bên ngoài. Chỉ khá gần lại đây, ta mới dần dần hiểu rằng đấy là một phần hữu cơ của cấu trúc toàn trị, cái cấu trúc đã lấp đầy không gian xã hội đến mức không còn chỗ cho cuộc sống dân sự của các loại hình con người riêng tư, con người thế tục, con người công dân.
Tất nhiên những điều vừa phác lại sơ qua trên đây, chỉ đặc trưng rõ rệt cho con người và xã hội ta thời bao cấp. Từ khi bước vào thời đổi mới, chất “bôn sệt” ở một số hình nhân mẫu mực đã tan dần đi; con người đã công nhiên ngả theo thực dụng. Như là để “phục thù” cho những trói buộc kiểu thanh giáo thời bao cấp, con người hậu bao cấp hướng thẳng về hưởng thụ, hướng thẳng về lợi ích riêng, lạc thú riêng, quan tâm riêng, hiện tại, trước mắt; chất lý tưởng đã mờ nhạt đáng kể. Ngày nay hình như trong các đoàn thể người ta không truyền thụ cho nhau tư tưởng “cách mạng không ngừng” nữa, tuy rằng dường như người ta mới chỉ lơ nó đi, mới chỉ tránh nhắc đến tư tưởng ấy cho khỏi ngượng, chứ vẫn chưa có ý thức từ bỏ hẳn. Chứng cớ là thỉnh thoảng vẫn có vài cuộc phát động rèn lý tưởng đạo đức cách mạng, tuy hầu như không ai tin có tác động thật. Hệ thống đoàn thể thì vẫn còn nguyên đấy, và dù nó trước sau vẫn mang tính cách công cụ, vẫn là một mắt xích của cấu trúc toàn trị, nhưng đã phân hoá: một nhóm nhỏ “trùm hội” gắn mình với giới quan chức, trong khi đó phần còn lại là một đám đông ngày càng tự biết mình chỉ có thân phận tạo ra cái nền “quần chúng”, chỉ là kẻ làm thuê, vỗ tay thuê. Liệu ai có thể nghĩ rằng những hệ thống đoàn thể như thế với những thành viên “nhạt đạo” như thế có thể làm ra được một cuộc cách mạng, nhất là cuộc cách mạng đem lại dân chủ?
Trở lên là một đôi điều mà tôi đã diễn tả hơi dài dòng, trong đó lưu ý rằng câu hỏi của ông Bùi Tín “nước ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ hay chưa?” chỉ đánh thức cái tư tưởng “cách mạng không ngừng” vốn được rao giảng một thời mà nay ở “thời hội nhập” đang bị quên dần đi, và đây lại là một sự quên lãng đáng khuyến khích, vì trạng thái quên đó kéo con người ta xa dần cái khí hậu nghẹt thở của đời sống “đoàn thể” một thời chưa xa.
Lại cũng phải nói thêm rằng cái nghĩa “dân chủ” trong khái niệm “cách mạng dân tộc dân chủ” mà ông Bùi Tín nhắc lại đó, hoàn toàn khác với những nội dung dân chủ trong vận động dân chủ ngày nay.
Về những nội dung dân chủ của xã hội hiện đại, nhiều tác giả khác đã và sẽ nói kỹ và nói hay hơn tôi. Vì thế tôi sẽ chỉ nói cho rõ: cái điều cũng gọi là “dân chủ” trong khái niệm “cách mạng dân tộc dân chủ” kia thực ra là gì?
Cách mạng dân tộc dân chủ trong cương lĩnh của những người cách mạng những năm 1930-50 cho thấy nội dung “dân tộc” là giành lấy độc lập dân tộc, đuổỉ đế quốc đi; còn nội dung “dân chủ” chỉ là đánh đổ địa chủ, đem ruộng đất về cho dân cày. Thế thôi.
(Không còn nhớ thật rõ vì đâu lại gọi nội dung ấy là “cách mạng dân tộc dân chủ”? Hình như có một lý luận cho rằng đảng của giai cấp vô sản thì lẽ ra chỉ làm cách mạng vô sản, nhưng đảng vô sản ở những nước thuộc địa thì đầu tiên lại phải làm cách mạng giành độc lập dân tộc đã, rồi sau mới làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng giải phóng dân tộc cũng được gọi là cách mạng tư sản dân quyền (dân quyền = dân chủ = démocratie); vô sản lại làm nhiệm vụ của cách mạng tư sản nên cuộc cách mạng này được gọi là “dân chủ mới”. Thời kỳ những năm 1950, cái khối bao gồm vùng Đông Âu chịu ảnh hưởng Liên Xô và bốn nước châu Á Việt-Trung-Triều-Mông được gọi là khối những nước dân chủ nhân dân, là thuộc phe dân chủ (sang những năm 1970 mới được gọi là phe xã hội chủ nghĩa), có lẽ là do chữ nghĩa của lý thuyết ấy.)
Như thế, nhắc lại chuyện “cách mạng dân tộc dân chủ” thì hoá ra là quay lại cái khuôn tư duy cũ về cách mạng, và đi chệch khỏi các yêu cầu và nội dung phát triển dân chủ hiện tại.
Còn cách mạng? Ngoài cái nghĩa sáo mòn trống rỗng do bị lạm dụng tràn lan hàng mấy chục năm mà ta đã biết, ngay đối với cách mạng trong nghĩa đen, đích thực, nhân loại cũng đã có được những nhận thức mới. Tôi nhớ, dịp kỷ niệm 200 năm Đại Cách mạng Pháp, điều có thể rút ra được từ ý kiến của không ít sử gia và trí thức lớn lại là: cách mạng bạo lực chưa chắc đã giải quyết được các vấn đề của xã hội, tuy chắc chắn gây đổ vỡ chết chóc trước mắt và chấn thương lâu dài cho con người. Cách mạng trong nhận thức khoa học, cách mạng trong các lĩnh vực công nghệ… là đáng hoan nghênh, nhưng cách mạng xã hội với bạo lực đổ máu tràn lan lại là điều không nên mong đợi. Ngay đối với dân chủ là một thứ điều kiện sống, cần xác lập cho xã hội văn minh, tôi nghĩ cũng không nên đặt vấn đề mưu cầu nó bằng bất cứ giá nào, kể cả bạo lực đổ máu! Nói như thế xem ra là ta mắc cái lỗi làm yên lòng những kẻ đã nhờ những đổi thay may mắn đưa lên chỗ đứng cao và vẫn đang thầm run sợ trước một “cách mạng màu sắc” nào đó xảy ra có thể xô đổ xuống. Nhưng điều có thể biện hộ ở cách nghĩ trên chính là sự quan tâm đến con người: ý thức về giá trị đời sống không lặp lại của mỗi con người hiện kiếp không cho phép ai dùng nó làm phương tiện mưu cầu bất cứ thứ gì, kể cả những điều gọi là tương lai tốt đẹp cho chính nó. Có thể, đối với một dân tộc chưa từng học được cách tranh đấu bất bạo động kiểu Gandhi, chưa học được cách hợp tác với kẻ thù kiểu Mandela, thì vẫn còn có khả năng bị lôi kéo vào những vận động bạo lực đổ máu nào đó; nhưng liệu có công bằng không cho một dân tộc đã suốt nửa thế kỷ chìm trong bạo lực chiến tranh, giờ lại bị cuốn vào những bạo lực mới, dù lần này nhân danh những thứ tốt đẹp hơn như là dân chủ, nhân quyền?
Ông Bùi Tín sống giữa châu Âu, có lẽ hiểu rõ nội dung dân chủ ngày nay là gì, khác với “dân chủ” trong quan niệm “cách mạng dân tộc dân chủ” xưa kia ra sao; nhưng ông quay lại khái niệm ấy, có lẽ là vì muốn tác động đến những người từng sống và hoạt động dưới ngọn cờ “cách mạng dân tộc dân chủ”. Thế nhưng những người ấy nếu nay còn sống cũng đã vào tuổi thất thập, bát thập; nếu họ có được nhận thức mới cũng chỉ có ích cho bản thân họ, ít có thể chuyển thành hành động để ảnh hưởng đến cuộc sống chung rộng lớn. Và nên nhớ trong số họ những người có thể nghĩ mới là ít, số người “kiên định” với khuôn nhận thức cũ hẳn nhiều hơn. Vậy thì, trong chuyện này, thay vì đánh thức, nên chăng, hãy để cho những quan niệm và lý tưởng ấy theo họ về thế giới bên kia, hãy để thứ di sản chết đi cùng người chết về cõi chết?
15.4.2007
© 2007 talawas