trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
9.11.2006
Trần Văn Trạng
Thưa chuyện với ông Đinh Từ Thức
 
Đọc hai bài viết của ông Đinh Từ Thức liên quan tới Hiệp định Genève (trong đó có một bài trực tiếp liên hệ đến tôi), tôi xin được trình bày với ông mấy suy nghĩ sau đây:


1.

Tôi thấy ông đã quá xem thường mấy ông gọi là “cựu chiến binh cộng sản” khi ông nói chuyện với họ như với những người giả định là những cán bộ thời cải cách ruộng đất cuồng tín, ngu dốt, lạc hậu giống như những kẻ mù sờ voi nay đang “tiếp tục nhắm mắt sờ lịch sử”. Nếu ông có đọc những gì mà họ viết trên talawas thì thấy điều đó không đúng. Tuy gọi là “cựu chiến binh cộng sản” nhưng họ không còn là cộng sản nữa. Nếu trong họ còn có người tỏ vẻ luyến lưu với một thứ chủ nghĩa cộng sản “lý tưởng” nào đó thì họ cũng đâu phải là cái thứ cộng sản răng đen mã tấu cách đây 5, 3 chục năm. Tuỳ theo vị trí của mình, họ đang góp phần đầu tranh cho xu hướng canh tân và dân chủ hoá xã hội Việt Nam hiện nay. Cũng chính vì vậy mà tôi thấy những lời răn dạy của ông với họ là hết sức dễ dãi, chẳng hạn như khuyên họ cần phải “cập nhật hiểu biết” về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, không nên “chống lại những thông tin với nội dung không phù hợp với nếp suy nghĩ cũ”, nên biết đến những lời lẽ của Putin nói về những tội ác của Stalin để biết lý do tại sao có người đã “hãnh diện” được đứng vào hàng ngũ những kẻ chống cộng. Ông đã làm cho chúng tôi phì cười vì những lời giáo huấn quá rẻ tiền (xin lỗi!) như vậy.


2.

Ông càng làm cho chúng tôi ngạc nhiên hơn khi ông dựa vào cái tư thế bề trên đó để răn dạy, vậy mà cái phương pháp ông đưa ra để răn dạy lại quá hời hợt, sai lầm, và quan trọng hơn hết là sự thiếu trung thực hoàn toàn trong biện luận. Tham vọng của ông khai thác bài viết của cựu thủ tướng Võ Văn Kiện tiết lộ sự kiện Lê Duẩn trở lại miền Nam để chứng minh cho “ý đồ” xâm lược của miền Bắc với miền Nam đã tan vỡ như thế nào bây giờ cũng đã rõ. Nhưng với tôi, điều đó lại không quan trọng bằng việc trong tranh luận với ông Lữ Phương, ông đã cố tình cắt xén, xuyên tạc văn bản Hồ sơ mật của Lầu Năm góc, để quyết chí bảo vệ cho được những sai lầm về Hiệp định Genève của ông. Với việc làm ấy ông đã cố ý vi phạm điều kiện tối thiểu của tranh luận là sự trung thực trong sử dụng tư liệu. Cùng một vài người bạn, chúng tôi đã kiểm tra những tài liệu do ông dẫn ra và hoàn toàn xác nhận những nhận xét của ông Lữ Phương về thái độ thiếu trung thực ấy của ông. Với việc ấy ông đã làm cho lập luận về thứ lịch sử “phi cứt chồn” của ông trở nên sai lầm trầm trọng hơn, nhất là khi nó lại gắn liền với thái độ ngạo mạn, tự thị trong đối thoại của ông như đã nói ở trên.


3.

Ông có dạy chúng tôi một câu thật hay: “Quá khứ có sáng sủa, mới biết đường đi vào tương lai”. Nhưng xin nói với ông rằng: ý kiến mà ông đưa ra để trả lời cho câu hỏi cách đây đã nửa thế kỷ (miền Bắc dùng võ lực chiếm miền Nam vào lúc nào) chẳng có gì sáng sủa như ông tưởng. Trái lại, nó đang bị ông phủ lên một lớp bụi dầy đặc những cay cú, oán giận, thiếu chân thực, không thể dựa vào đó “đi vào tương lai” được như ông đã chỉ vẽ. Tương lai có thể xây dựng từ những bài học sai lầm của quá khứ chứ không thể bằng những cách nghĩ vô minh, sân hận về quá khứ. Xin phép ông cho tôi nhắc lại một ý đã phát biểu: việc những “cựu chiến binh cộng sản” phê phán quyết liệt cái chế độ mà họ đã bỏ máu ra để tạo nên không hề có nghĩa là họ phải vo quá khứ lại thành một cục, bất kể đúng sai, đem ném vào sọt rác, sau đó thì bịt mũi lại chửi bới ồn ào để làm vừa lòng những vị chống cộng cực đoan đang khai thác những sai lầm hiển nhiên của chế độ đương quyền để biện cho những mưu tính gây lại cuộc đối đầu gọi là ý thức hệ đã qua. Thưa ông Đinh Từ Thức, thái độ ấy không chứa đựng một chút “tử tế” nào để khởi đầu cho bất cứ một chuyện nhỏ nhặt nào – nói gì đến những chuyện cao xa, mờ mịt!

© 2006 talawas