trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
24.6.2006
Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
3.

Chúng tôi được bố trí nghỉ trong khu tập thể trung tâm của Hồng quân, các sĩ quan Liên Xô về Moskva công tác cũng thường nghỉ ở đây. Ăn uống và các điều kiện khác đều tuyệt vời. Chúng tôi được giao một chiếc ô tô có tài xế riêng, lái xe tên là Panov, một người đàn ông trung niên có suy nghĩ độc lập dù tính khí có vẻ thất thường. Thông qua sĩ quan liên lạc, đại úy Kozlovski, một anh chàng đẹp trai, luôn tự hào về nguồn gốc Cô-dắc của mình - nhờ cuộc chiến tranh này mà người Cô-dắc đã “rửa” sạch được quá khứ phản cách mạng rồi – chúng tôi có thể đi xem hát, xem phim bất cứ lúc nào.

Nhưng chúng tôi không thể nào tiếp xúc được với các cấp lãnh đạo, mặc dù tôi đã xin gặp Molotov V. M., bộ trưởng ngoại giao và Stalin I. V., Chủ tịch chính phủ và Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang ngay từ hôm mới đến. Tôi cố gắng thông báo nguyện vọng cũng như các nhu cầu của chúng tôi theo đường vòng, nhưng cũng không ăn thua.

Đại sứ quán Nam Tư cũng không giúp được gì. Về mặt hình thức, đây vẫn là sứ quán của hoàng gia nhưng ông đại sứ Simich và các nhân viên ở đây đều ngả về phe nguyên soái Tito. Bề ngoài, người ta tỏ ra tôn trọng sứ quán nhưng thực ra, họ còn bất lực hơn cả chúng tôi.

Tổ chức đảng của kiều dân Nam Tư cũng không làm được gì. Các cuộc thanh trừng đã giết mất khá nhiều người, nhân vật nổi bật nhất còn lại lúc đó là Velko Vlakhovik. Chúng tôi gần bằng tuổi nhau, cả hai đều là dân Trernogoria, cùng tham gia phong trào sinh viên chống chế độ độc tài của hoàng đế Aleksander. Anh là thương binh chiến tranh Tây Ban Nha, còn tôi vừa ra khỏi cuộc chiến tranh còn khủng khiếp hơn. Anh là người có học vấn cao, thông minh, rất có tư cách nhưng giữ nguyên tắc thái quá và không dám suy nghĩ độc lập. Lúc ấy anh đang lãnh đạo đài phát thanh Nam Tư tự do, hợp tác với anh sẽ rất có lợi. Nhưng anh cũng chỉ quen đến Dimitrov G. mà thôi; ông này, vì lúc đó Comintern đã bị giải thể, cùng với Manuilski đang lãnh đạo một Phòng của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô chuyên về quan hệ với các đảng cộng sản khác.

Chúng tôi được đối xử rất tử tế, ăn uống đàng hoàng nhưng những vấn đề cần thảo luận và giải quyết thì giẫm chân tại chỗ. Tôi muốn nói thêm rằng trong quan hệ với chúng tôi, mọi người đều tỏ ra cực kì nhã nhặn và thận trọng. Nhưng sau khi chúng tôi đến chừng một tháng, tôi và tướng Terzich được Stalin và Molotov tiếp, báo chí có đưa tin về sự kiện này, thì như có phép thần, mọi cánh cửa của bộ máy hành chính to lớn và giới thượng lưu Liên Xô đều rộng mở.

Ủy ban đoàn kết Slav, mới được thành lập trong thời kì chiến tranh là cơ quan đầu tiên đứng ra tổ chức lễ đón tiếp và chiêu đãi chúng tôi. Không cứ gì người cộng sản, ai cũng thấy ngay rằng đây là một tổ chức giả tạo và chẳng có mấy giá trị. Nó chỉ là một chiêu bài phục vụ cho mục đích tuyên truyền và ngay trong việc đó vai trò của nó cũng rất hạn chế. Mục tiêu cũng không rõ ràng: đa số thành viên ủy ban là đảng viên cộng sản lưu vong từ các nước Slav ở Moskva; đối với họ, tình đoàn kết Slav chẳng có ý nghĩa gì. Mọi người đều hiểu rằng họ phải khôi phục một điều đã trở thành quá khứ, để nếu không tập hợp được mọi người Slav xung quanh nhà nước cộng sản thì ít ra cũng vô hiệu hoá được các trào lưu bài Xô của người Slav.

Chủ tịch ủy ban là tướng Gundorov, một người già trước tuổi, quan điểm rất hẹp hòi; với ông ta, ngay cả vấn đề đoàn kết giả tạo cũng không thể thảo luận một cách nghiêm túc được. Thư kí ủy ban là Motralov, một người có uy tín vì những mối liên hệ mật thiết với các cơ quan an ninh - ông ta có thói khoe khoang nên không giấu được chuyện này. Cả Motralov và Gundorov đều đã là sĩ quan Hồng quân, bị giải ngũ vì thói quân phiệt đối với cấp dưới và được cử vào một công việc không phù hợp với họ chút nào. Chỉ có cô thư kí tên là Nazarova, người có khuôn mặt rỗ hoa và rất nhã nhặn, là tỏ ra có tình yêu và thông cảm với những đau khổ của người Slav mà thôi, mặc dù sau này, ở Nam Tư, chúng tôi đã phát hiện ra cô ta là nhân viên tình báo Liên Xô.

Trong ủy ban, người ta chỉ ăn, uống và nói là chính. Những câu chuyện lê thê và rỗng tuếch sau bàn ăn có nội dung không khác gì thời Sa Hoàng nhưng kém văn hoa hơn. Nói cho ngay, lúc đó, tôi đã lấy làm ngạc nhiên vì sự thiếu vắng các ý tưởng mới mẻ.

Ủy ban là con đẻ của một chính sách vụ lợi, nhỏ nhen và thiển cận.

Để độc giả có thể hiểu đúng, tôi xin nói thêm: lúc đó, tôi đã ngộ được nhiều điều, nhưng tôi không ngạc nhiên, cũng không hốt hoảng. Việc Ủy ban là công cụ gây ảnh hưởng của chính phủ Liên Xô lên các tầng lớp người Slav ở bên ngoài Liên Xô và các nhân viên của nó có liên hệ với các đại diện, cả công khai và bí mật, của chính quyền hoàn toàn không làm tôi băn khoăn. Tôi chỉ lấy làm ngạc nhiên là nó quá yếu và không nghiêm túc, đặc biệt là nó không thể giúp tôi tiếp xúc với chính phủ Liên Xô và không giúp đỡ được gì cho Nam Tư cả. Vì tôi, cũng như tất cả mọi người cộng sản, đã học thuộc rằng giữa Liên Xô và các dân tộc khác, chứ chưa nói một đảng mang tinh thần cách mạng và mác-xít như Đảng cộng sản Nam Tư, không thể có bất kì mâu thuẫn nào. Và mặc dù tôi cho rằng Ủy ban Slav là công cụ không phù hợp đối với các mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản nhưng tôi chấp nhận nó chủ yếu là vì lãnh đạo Liên Xô đòi hỏi như thế. Còn mối liên hệ của nó với các cơ quan an ninh thì chính tôi cũng nghĩ rằng đấy là vũ khí của đảng, là phương tiện bảo vệ cách mạng.

Tôi tìm mọi cách để tiếp xúc được với giới chức cao cấp Liên Xô. Mặc dù rất sốt ruột, nhưng tôi không quấy rầy và hoàn toàn không có ý phiền trách chính quyền Xô Viết. Tôi đã quen coi đấy là lực lượng lãnh đạo toàn bộ phong trào cộng sản, cao hơn cả lãnh đạo Đảng tôi, cao hơn chính cuộc cách mạng của tôi. Tito và những người khác đã từng cho tôi biết rằng bắt những người cộng sản ngoại quốc chờ đợi hình như cũng là một phong cách làm việc của Moskva vậy. Tôi chỉ băn khoăn và sốt ruột vì người ta không hiểu được tính cấp bách của sự nghiệp cách mạng ở Nam Tư mà thôi.

Những người cộng sản Nam Tư không nói nhưng tất cả đều biết rằng ở nước chúng tôi đang diễn ra một cuộc cách mạng. Khắp nơi ở phương Tây, người ta đã viết như thế rồi. Nhưng ở Moskva, người ta lại cố tình lờ chuyện ấy đi, ngay cả những người có trách nhiệm trực tiếp cũng làm như thế. Mọi người vẫn ngoan cố nói về cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Đức, họ còn ngoan cố hơn trong việc nhấn mạnh tinh thần yêu nước của cuộc đấu tranh và vai trò lãnh đạo của Liên Xô nữa. Tôi không bao giờ có ý định tranh cãi về vai trò của Đảng cộng sản Liên Xô trong phong trào cộng sản quốc tế hay vai trò của Hồng quân trong cuộc chiến đấu chống bè lũ phát xít Hitler. Nhưng trên quê hương tôi và trong những điều kiện ở đấy, trước mắt mọi người, những người cộng sản Nam Tư đã tiến hành cuộc chiến tranh mà không lệ thuộc vào những thắng lợi hay thất bại tạm thời của Hồng quân; không những thế, cuộc chiến tranh này còn làm thay đổi cả cơ cấu chính trị và xã hội của đất nước nữa. Cuộc cách mạng Nam Tư nói chung và tình hình trong nước nói riêng đã vượt qua nhu cầu của chính sách đối ngoại của chính phủ Liên Xô và khả năng thích nghi của nó. Tôi đã tự lí giải những khó khăn và trở ngại mà mình gặp phải như thế đấy.

Thật là kì khi thấy những người không thể không hiểu chuyện đó nhưng lại nhẫn nhục chịu đựng và làm ra vẻ không hiểu. Tôi vẫn chưa quán triệt được rằng ở Moskva, không nên vội vã phát biểu, đặc biệt là về tình hình chính trị, khi Stalin hay ít nhất là Molotov chưa có ý kiến. Đấy là luật bất thành văn, đối với ngay cả những yếu nhân như Manuilski hay Dimitrov, những cựu bí thư Comintern.

Tito, Kardel và các đảng viên cộng sản đã từng ở Moskva đều nói rằng Manuilski rất có cảm tình với người Nam Tư. Trong giai đoạn thanh trừng những năm 1936-1937, khi hầu như tất cả kiều dân Nam Tư đều bị đe doạ, thái độ như thế có thể trở thành tai hoạ đối với ông, thì nay, khi người Nam Tư đã đứng trong mặt trận chống phát xít, thái độ đó có thể được coi là nhìn xa trông rộng. Dù sao mặc lòng, trong tình cảm ngưỡng mộ cuộc đấu tranh của người Nam Tư, có niềm tự hào của chính ông, mặc dù ông không quen một người lãnh đạo mới nào, trừ Tito, mà ngay Tito, ông cũng chỉ mới sơ giao mà thôi.

Chúng tôi gặp ông vào một buổi chiều. Có cả G. F. Aleksandrov, một triết gia nổi tiếng của Liên Xô lúc ấy và quan trọng hơn, ông còn là trưởng Ban tuyên truyền và cổ động trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản (bolshevik).

Aleksandrov không tạo cho tôi một ấn tượng đặc biệt nào. Sự mờ nhạt, gần như không có cá tính là đặc điểm nối bật nhất của ông ta. Không cao, đậm, hói, nước da tái và cái bụng phệ chứng tỏ ông ta không bao giờ ra khỏi văn phòng. Ngoài một vài nhận xét chung chung và nụ cười xã giao, ông ta không nói một câu nào về tính chất và tương lai của cuộc khởi nghĩa của những người cộng sản Nam Tư mặc dù tôi đã cố ý nhấn mạnh vấn đế ấy. Rõ ràng là khi Ban chấp hành trung ương chưa xác định được quan điểm thì những người làm tuyên truyền Liên Xô phải tiếp tục nói về cuộc đấu tranh chống quân xâm lược và lờ đi các vấn đề nội bộ và quan hệ quốc tế của Nam Tư

Manuilski cũng không có thái độ rõ ràng. Nhưng ông tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề này. Tôi biết ông là một diễn giả có tài, chỉ cần đọc các bài viết của ông là rõ, câu chuyện của ông lúc nào cũng đầy hình ảnh và súc tích. Ông là một người nhỏ nhắn, lưng đã hơi còng, da ngăm đen, chòm râu được cắt tỉa gọn gàng. Giọng của ông hơi đớt, dịu dàng và có vẻ lạ là hoàn toàn không mạnh mẽ như ta có thể tưởng. Ông là người chu đáo, nho nhã, có vẻ thượng lưu.

Nhân câu chuyện về sự phát triển của cuộc khởi nghĩa ở Nam Tư, tôi đã nói rằng một chính quyền mới đã hình thành, về thực chất là chính quyền xô viết. Tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giai cấp nông dân: đối với tôi cuộc khởi nghĩa ở Nam Tư là sự hoà quyện của cuộc nổi dậy của nông dân với vai trò tiên phong của Đảng cộng sản. Mặc dù Manuilski và Aleksandrov không phản đối, nhưng họ cũng không ủng hộ quan điểm này.

Tôi cho rằng việc Stalin có vai trò quan trọng trong mọi vấn đề là chuyện bình thường nhưng dù sao, tôi cũng nghĩ Manuilski phải tự chủ hơn trong tư duy và có nhiều sáng kiến hơn trong hành động mới phải. Lòng nhiệt tình và sự khâm phục cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Tư của Manuilski đã làm tôi xúc động nhưng cuộc gặp gỡ đã chứng tỏ rằng ông ta không tham gia vào việc xác định chính sách của Moskva nói chung, trong đó có quan hệ với Nam Tư nói riêng.

Về Stalin, ông ta cố gắng khoác cho những từ ngợi ca quá đáng một hình thức “mác-xít” và “khoa học”. Đại khái như sau: “Đồng chí biết không, thật không thể tưởng tượng nổi là một cá nhân lại có thể có vai trò to lớn trong giờ phút quyết định của chiến tranh đến như thế. Làm sao trong một cá nhân lại có thể có nhiều tài năng đến như thế: một nhà hoạt động nhà nước, một nhà tư tưởng và một chiến sĩ!”.

Ý nghĩ của tôi về vai trò của Manuilski sau này đã được khẳng định. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Ukraine – ông là người Do Thái, nhưng sinh trưởng ở Ukraine - điều đó chứng tỏ ông đã bị đẩy ra khỏi chính trường. Ngay cả khi còn là bí thư Comintern, ông cũng chỉ là công cụ của Stalin mà thôi, vì trước đây ông không phải là bolshevik toàn tòng mà thuộc nhóm gọi là “những người liên khu vực” do Trotsky cầm đầu. Phải đến sát Cách mạng Tháng Mười năm 1917, nhóm này mới sát nhập vào phe bolshevik.

Tôi còn gặp Manuilski vào năm 1949 ở Liên Hiệp Quốc. Thay mặt Ukraine, ông đăng đàn tố cáo bè lũ “đế quốc” và “phát xít” Tito. Tài hùng biện của ông đã biến thành sự tráo trở, ý kiến sắc bén đã biến mất, chỉ còn là những câu nói sáo rỗng. Lúc ấy, ông ta đã già yếu và chẳng bao lâu sau, thì trượt khỏi các nấc thang quyền lực Liên Xô và biến mất hẳn.

Dimitrov thì lại khác.

Tôi gặp ông cả thảy ba lần, hai lần trong bệnh viện của chính phủ Liên Xô và một lần tại nhà nghỉ của ông ở ngoại ô Moskva.

Lần nào cũng thấy ông có vẻ ốm yếu. Hơi thở khò khè, da thì chỗ đỏ, chỗ tái, khu vực mang tai thì khô như bị hắc lào. Tóc ông thưa đến nỗi không che được cái sọ vàng vọt bên dưới.

Nhưng ý kiến của ông thì sắc sảo và có vẻ mới, khác hẳn với những động tác chậm chạp, mệt mỏi của ông. Đấy là một người già trước tuổi, một người đã bị suy sụp về mặt thể chất nhưng vẫn đầy trí tuệ và nhiệt tình. Trí tuệ ấy thể hiện rõ trên nét mặt, đặc biệt là đôi mắt lồi màu xanh nhạt luôn chăm chú quan sát người đối thoại, cái mũi cao và cái cằm bạnh của ông. Dù ông không nói tất cả những gì mình nghĩ, nhưng ông luôn nói công khai và kiên định. Dĩ nhiên là ông hiểu bản chất các sự kiện ở Nam Tư nhưng ông cũng cho rằng nói đến tính chất cộng sản lúc này thì hơi sớm. Để tránh rắc rối cho quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây, tôi cũng nghĩ rằng trong tuyên truyền, trước hết, chỉ nên nói đến cuộc đấu tranh chống lại quân đội chiếm đóng mà không nên nhấn mạnh bản chất cộng sản của nó. Nhưng tôi muốn nói thêm để ban lãnh đạo Liên Xô và chính Dimitrov hiểu rằng, ít nhất là trong trường hợp của Nam Tư, đòi hỏi liên minh giữa những người cộng sản và các đảng tư sản là việc làm vô nghĩa vì cả trong cuộc chiến tranh này cũng như trong nội chiến, Đảng cộng sản đã chứng tỏ là lực lượng chính trị duy nhất có thực lực. Hệ quả của luận điểm này là sự phủ nhận chính phủ hoàng gia lưu vong và chế độ quân chủ nói chung.

Ngay tại cuộc gặp đầu tiên, tôi đã kể cho Dimitrov nghe về các sự kiện và tình hình ở Nam Tư.

Ông không ngờ, Dimitrov chân thành công nhận như thế, rằng Đảng cộng sản Nam Tư lại là đảng có tinh thần chiến đấu và linh hoạt nhất. Ông vốn đặt hi vọng vào Đảng cộng sản Pháp nhiều hơn. Ông nhắc lại lời hứa của Tito khi rời Moskva rằng những người cộng sản Nam Tư sẽ rửa được vết nhục của tệ bè phái và sẽ chứng minh rằng họ là những người xứng đáng. Chính ông đã khuyên Tito đừng có thề bồi mà phải hành động một cách khôn khéo và kiên quyết. Ông kể như sau:

“Đồng chí biết không, khi bàn việc cử bí thư Đảng cộng sản Nam Tư thì xảy ra bất đồng, nhưng tôi ủng hộ Valter [1] , đồng chí ấy xuất thân công nhân, là người mà tôi cho là kiên định và nghiêm túc. Tôi rất mừng là mình đã không lầm”.

Dimitrov tỏ vẻ như xin lỗi khi nhắc lại việc chính phủ Liên Xô đã không thể giúp được gì cho các du kích quân Nam Tư trong những giai đoạn khó khăn nhất. Ông đã đề nghị chính Stalin quan tâm đến chuyện đó. Đúng là như thế, ngay trong những năm 1941-1942, các phi công Liên Xô đã cố gắng thâm nhập vào các căn cứ du kích Nam Tư nhưng vô vọng. Một số kiều dân Nam Tư nhảy dù xuống đất đã bị chết cóng hết.

Dimitrov cũng nhắc lại chuyện chúng tôi đàm phán với quân Đức về việc trao đổi tù binh. Ông bảo: “Chúng tôi rất lo cho các anh nhưng may là mọi chuyện đều kết thúc tốt đẹp”.

Tôi lặng thinh và nếu ông ép thì tôi cũng không nói nhiều hơn những gì chính ông đã nói. Nhưng sẽ nguy hiểm nếu ông hỏi hay nói một điều gì đó không phù hợp, may là chuyện đó đã không xảy ra – trong chính trị, mọi thứ sẽ được quên ngay miễn là kết thúc tốt đẹp.

Dimitrov không ép bất cứ chuyện gì, thực ra là Comintern đã giải tán rồi, công việc của Dimitrov bây giờ là thu thập tin tức về các đảng cộng sản và làm cố vấn cho Đảng và chính phủ Liên Xô, khi cần mà thôi.

Ông kể cho tôi nghe rằng ý tưởng về việc giải tán Comintern xuất hiện lần đầu tiên sau khi các nước vùng Baltic sát nhập vào Liên Xô. Rõ ràng lúc này, ngọn cờ của chủ nghĩa cộng sản là Liên Xô và vì vậy, mọi nguồn lực đều phải tập trung xung quanh nước này. Nhưng việc giải tán bị hoãn do tình hình quốc tế. Phải làm thế để người Đức không nghĩ rằng giải tán là do áp lực của họ: quan hệ Xô - Đức lúc đó khá tốt.

Dimitrov là một trong số rất ít người được Stalin tôn trọng. Ông còn là lãnh tụ tối cao của phong trào cộng sản Bulgaria nhưng chuyện này ít ý nghĩa hơn.

Hai cuộc gặp sau khẳng định thêm ý kiến ấy của tôi. Tại cuộc gặp thứ nhất, tôi thông báo cho các ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Bulgaria về tình hình Nam Tư; tại cuộc gặp thứ hai, chúng tôi thảo luận về khả năng hợp tác giữa hai Đảng và cuộc đấu tranh ở Bulgaria.

Tham gia cuộc gặp gỡ với Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Bulgaria, ngoài Dimitrov, còn có cả Kolarov, Chervenkov và một số người khác.

Tôi đã gặp Chervenkov ngay tại buổi tiếp kiến đầu tiên, mặc dù ông không nói câu nào và tôi nghĩ ông là thư kí riêng của Dimitrov. Trong lần gặp thứ hai, ông cũng không xuất đầu lộ diện. Ông là người kiệm lời và điềm tĩnh nhưng sau này, ông lại tạo cho tôi cảm giác hoàn toàn khác. Vlakhovich và mấy người nữa đã nói với tôi rằng Chervenkov là em rể của Dimitrov và trong giai đoạn thanh trừng, đáng lẽ ông đã bị bắt. Trong trường chính trị, nơi ông dạy học, người ta đã thông báo về việc “lật tẩy” ông nhưng ông đã kịp trốn đến chỗ Dimitrov. Dimitrov phải can thiệp với Ủy ban an ninh quốc gia thì mọi sự mới yên.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch thanh trừng những đảng viên cộng sản nhập cư, đảng viên các đảng bí mật bị thiệt hại nhiều nhất vì họ không có ai che chở. Người Bungaria đã gặp may: Dimitrov, một người rất có uy tín, là bí thư Comintern và ông đã cứu được nhiều người. Các đảng viên người Nam Tư không được may mắn thế, họ tự đào huyệt cho nhau trong khi tiếp tục đấu tranh để giành quyền lực và tìm cách chứng minh lòng trung thành của mình với Stalin và chủ nghĩa Lenin.

Kolarov đã ngoài 70. Ở ông có nhiều dấu hiệu của tuổi già và nhất là dấu hiệu của nhiều năm thiếu hoạt động. Ông chỉ còn là kỉ vật của quá khứ, của những ngày khởi nghĩa xa xưa. Đầu ông to, giống đầu người Thổ Nhĩ Kì hơn là đầu người Slav, mũi ông cũng lớn, đôi môi đa tình. Các ý kiến của ông đều hướng về quá khứ và những chuyện vụn vặt cụ thể, có phần hằn học nữa.

Trong phần trình bày, tôi không chỉ phân tích mà còn vẽ lên cảnh tượng khủng khiếp của ngọn lửa chiến tranh và những cuộc tàn sát: mười ngàn đảng viên trước chiến tranh may ra còn lại được hai ngàn; tôi cho rằng có một triệu hai trăm ngàn binh sĩ và thường dân đã hi sinh. Sau khi tôi nói xong, Kolarov chỉ hỏi một câu duy nhất: “Thế theo đồng chí thì tiếng Makedonia giống tiếng Bulgaria hay tiếng Serbia hơn?”.

Lãnh đạo Đảng cộng sản Nam Tư cũng đã gặp rắc rối với Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Bulgaria vì họ cho rằng Bulgaria hiện đang chiếm đóng Makedonia thì tổ chức đảng ở đó phải được chuyển cho Đảng cộng sản Bulgaria. Cuộc tranh cãi chỉ chấm dứt sau khi Comintern can thiệp. Comintern ủng hộ quan điểm của phía Nam Tư, nhưng đấy là sau khi quân Đức đã tấn công Liên Xô. Nhưng sự xích mích xung quanh vấn đề Makedonia và cuộc khởi nghĩa còn tiếp tục và càng gần đến ngày thất bại của quân Đức cũng như của chính phủ Bulgaria thì mâu thuẫn giữa hai Đảng lại càng tăng. Tuy ở Moskva nhưng Vlakhovich cũng nhận thấy rằng những người cộng sản Bulgaria đòi nắm quyền tại Makedonia thuộc Nam Tư. Nói cho ngay, Dimitrov có quan điểm khác: vấn đề đầu tiên đối với ông là tình đoàn kết Bulgaria - Nam Tư. Nhưng tôi cho rằng ông không coi người Makedonia là một dân tộc đặc biệt, mặc dù mẹ ông là người Makedonia và ông tỏ ra có cảm tình với họ.

Tôi đã trả lời Kolarov như sau: “Tôi không biết tiếng Makedonia gần tiếng Bulgaria hơn hay gần tiếng Serbia hơn nhưng người Makedonia không phải là người Bulgaria và nước Makedonia không thuộc Bulgaria”.

Dimitrov không vui, mặt ông đỏ lên, ông phẩy tay và bảo: “Chuyện này không quan trọng!” và chuyển sang đề tài khác.

Tôi không nhớ những người tham gia trong buổi gặp lần thứ ba với Dimitrov nhưng nhiều khả năng là Chervenkov cũng có mặt. Cuộc gặp diễn ra vào đầu tháng 4 năm 1944, ngay trước ngày tôi lên đường quay về Nam Tư. Chúng tôi thảo luận về sự hợp tác giữa những người cộng sản hai nước. Nhưng hiệu quả thì gần như không có vì ở Bulgaria chưa có một đội quân du kích nào.

Tôi kiên quyết đề nghị thành lập ở Bulgaria các đội du kích, bắt đầu cuộc đấu tranh võ trang và coi hi vọng vào cuộc đảo chính của quân đội hoàng gia là ảo tưởng. Tôi lấy kinh nghiệm từ Nam Tư: rất ít sĩ quan quân đội hoàng gia tham gia vào phong trào du kích, Đảng cộng sản phải tự xây dựng lực lượng vũ trang, bắt đầu từ các đơn vị nhỏ, dù có phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Rõ ràng, Dimitrov cũng có ảo tưởng như thế, mặc dù ông cho rằng phải nhanh chóng bắt tay vào việc thành lập các đơn vị du kích.

Nhưng thật sự, có những chuyện ông biết mà tôi không biết. Khi tôi nói rằng ngay ở Nam Tư, nơi mà sự chiếm đóng đã đập tan bộ máy nhà nước cũ, vẫn cần nhiều thời gian mới có thể phá bỏ được tất cả các tàn tích của nó thì ông nhận xét:

“Sau ba bốn tháng nữa sẽ có đảo chính ở Bulgaria, Hồng quân sắp tiến đến biên giới rồi”.

Mặc dù Bulgaria không đánh nhau với Liên Xô, nhưng như thế có nghĩa là Dimitrov coi Hồng quân là tác nhân quyết định. Ông không nói rõ là Hồng quân sẽ tiến vào Bulgaria nhưng chắc chắn lúc đó, ông đã biết và thông báo cho tôi như thế.

Nếu Dimitrov có quan điểm và tính toán theo cách đó thì việc đòi thành lập các đội du kích của tôi đã mất hết ý nghĩa. Cuộc nói chuyện chuyển sang phần trao đổi ý kiến và gửi lời chào anh em đến Tito và các chiến sĩ Nam Tư.

Cần phải ghi nhận quan hệ của Dimitrov đối với Stalin. Ông cũng kính trọng và khâm phục nhưng không có vẻ tán dương và nịnh hót quá đáng. Đối với Stalin, ông giữ thái độ của một nhà cách mạng có kỉ luật, tuân thủ lãnh tụ nhưng độc lập suy nghĩ. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Stalin trong chiến tranh. Ông kể:

“Khi đó quân Đức đã ở ngoại ô Moskva, niềm tin nói chung đã lung lay và xảy ra lộn xộn. Một số cơ quan chính phủ và Ban chấp hành trung ương cũng như ngoại giao đoàn đã chuyển về Kuibyshev. Nhưng Stalin thì vẫn ở lại Moskva. Tôi đã đến chỗ ông ấy tại Điện Kremli, lúc đó người ta đang chuyển hồ sơ tài liệu ra khỏi Điện Kremli. Tôi đề nghị với Stalin cho Comintern ra lời kêu gọi quân lính Đức. Stalin đồng ý, tuy ông cho rằng chẳng có tác dụng gì. Chẳng bao lâu sau đó, tôi phải rời Moskva. Stalin vẫn ở lại để bảo vệ thành phố. Trong những ngày kinh hoàng đó, vào dịp lễ kỉ niệm Cách mạng tháng Mười năm ấy, chính ông đã chỉ huy cuộc duyệt binh trên Hồng trường: từng sư đoàn tiến thẳng ra mặt trận. Thật khó nói hết tác động vô cùng to lớn đối với nhân dân Liên Xô khi họ hay tin rằng Stalin vẫn còn ở Moskva, được nghe giọng ông truyền đi từ đó, điều đó mang lại cho người ta niềm tin, gieo vào lòng người ta sự tự tin và đáng giá cả quân đoàn thiện chiến”.

Trong lần gặp này, tôi được làm quen với vợ của Dimitrov. Bà là một người gốc Đức, chuyện này lúc đó không nên nói vì lòng hận thù chung với người Đức mà một người Nga bình thường dễ tiếp thu hơn là công tác tuyên truyền chống phát xít vẫn làm.

Nhà nghỉ của Dimitrov được bày biện rất sang trọng và có gu. Mọi thứ đều có, chỉ trừ niềm vui. Người con trai duy nhất của ông đã chết, bức chân dung cậu bé treo trong phòng làm việc của cha. Như một chiến sĩ, Dimitrov còn có thể chịu đựng được các thất bại và hân hoan với mỗi chiến công, nhưng như một con người thì đấy đã là một ông lão, sức vóc đã không còn và không thể thoát ra khỏi sự thương cảm không nói thành lời của những người xung quanh.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Valter là bí danh của Iosif Bros ở Comintern trước khi ông lấy bí danh là Tito