trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
23.6.2006
Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
Lời nói đầu của tác giả: Trí óc con người ta thường tự xoá đi những cái vô ích, chỉ giữ lại những điều cần thiết nhất cho những mối quan hệ về sau. Nhưng đây cũng chính là thiếu sót của nó. Trí óc luôn luôn thiên vị, nó luôn luôn cải biến hiện thực đã qua cho phù hợp với nhu cầu của hiện tại và hi vọng của tương lai.

Biết rõ những điều đó, cho nên, trong tập sách này, tôi cố gắng trình bày các sự kiện một cách trung thực nhất. Mặc dù vậy, cuốn sách có thể vẫn không thoát khỏi những quan điểm của tôi ngày hôm nay, nhưng đấy không phải là tôi cố ý hay thiên vị mà là do bản chất của đầu óc con người ta như đã trình bày ở trên, mà cũng có thể là do người ta thường có xu hướng xem xét những cuộc gặp gỡ hay sự kiện trong quá khứ bằng kinh nghiệm của hiện tại.

Gần như tất cả những điều được trình bày ở đây cũng đã được nói tới trong các cuốn hồi kí hay các thể loại văn học khác của tôi rồi. Nhưng sự kiện sẽ càng nổi bật và rõ ràng hơn nếu nó được mô tả một cách kĩ lưỡng và được xem xét từ nhiều quan điểm khác nhau, cho nên tôi nghĩ rằng những điều tôi viết ở đây không phải là thừa. Tôi cho rằng con người và các mối quan hệ của họ quan trọng hơn các sự kiện trần trụi, và vì vậy mà được tôi chú ý nhiều hơn. Một đôi chỗ có thể gọi là cố tình trau chuốt cho có văn vẻ, nhưng đấy không chỉ là cách diễn đạt của tôi mà còn là ước muốn trình bày vấn đề cho thật hay, cho thật rõ ràng và sáng sủa.

Trong quá trình viết hồi kí, khoảng năm 1955 hay 1956, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ ghi chép những cuộc nói chuyện với Stalin thành một cuốn sách riêng, trước khi viết xong hồi kí. Chẳng bao lâu sau, tôi bị bắt giam; trong tù, dĩ nhiên, tôi không thể tiếp tục được vì tuy nó liên quan đến quá khứ nhưng nhất định sẽ động chạm với những mối quan hệ chính trị hiện nay.

Chỉ sau khi ra tù, tháng 1 năm 1961, tôi mới có điều kiện quay trở lại với dự định cũ. Dĩ nhiên là lần này do điều kiện đã thay đổi cũng như diễn biến tư tưởng của cá nhân, tôi phải tiếp cận vấn đề theo cách khác. Tôi chú ý đến khía cạnh tâm lí, khía cạnh nhân văn của vấn đề nhiều hơn. Và thêm: mặc dù trong nhiều vấn đề, chúng ta từ bỏ cách làm của Stalin nhưng người ta vẫn tiếp tục viết những điều mâu thuẫn nhau về ông ta đến nỗi con người này còn như rất sống động; tôi cho rằng mình cần, dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, đóng góp thêm ý kiến về con người bí hiểm đó.

Nhưng trước hết là nhu cầu nội tâm được viết ra tất cả những điều có ích cho người làm sử và đặc biệt là cho các chiến sĩ đấu tranh cho cuộc sống tự do của con người.

Dù sao, bạn đọc và tôi, chúng ta cần phải hài lòng nếu sự thật không bị xuyên tạc dù nó đã khoác lên mình tình cảm và ý nghĩ của tôi. Cần phải chấp nhận rằng sự thật về những con người và quan hệ giữa con người với nhau, dù đã được trình bày đầy đủ đến mức nào, thì đấy vẫn là sự thật của những con người cụ thể, con người của thời đại mình.


*


Đam mê

1.

Lần đầu tiên nước Anh gửi phái đoàn quân sự đến Bộ tổng tham mưu quân giải phóng và du kích Nam Tư là vào tháng 5 năm 1943. Mười tháng sau, tức tháng 2 năm 1944, phái đoàn quân sự Liên Xô mới tới.

Ngay sau khi đoàn Liên Xô tới thì có quyết định gửi đến Moskva phái đoàn Nam Tư vì trong Bộ chỉ huy quân Anh cũng đã có một phái đoàn như thế rồi. Bộ tổng tư lệnh, đúng hơn là các ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nam Tư lúc đó đang công tác tại Bộ tổng tư lệnh, rất muốn gửi một phái đoàn như thế đến Moskva. Tôi cho rằng Tito đã nói với trưởng đoàn Liên Xô, tướng Korneev, như thế; nhưng không nghi ngờ là vấn đề được giải quyết bằng một bức điện của chính phủ Liên Xô.

Đối với người Nam Tư, việc gửi một phái đoàn đến Moskva mang nhiều ý nghĩa, còn chính phái đoàn thì lại có tính chất và nhiệm vụ khác với phái đoàn trong Bộ chỉ huy quân Anh.

Như mọi người đều biết, phong trào du kích và kháng chiến ở Nam Tư chống lại quân chiếm đóng và bè lũ tay sai của chúng là do Đảng cộng sản Nam Tư tổ chức và lãnh đạo. Trong khi giải quyết các vấn đề dân tộc trong cuộc đấu tranh vũ trang khốc liệt, Đảng vẫn coi mình là thành viên của phong trào cộng sản quốc tế, liên hệ mật thiết với Liên Xô – “Tổ quốc của chủ nghĩa xã hội”.

Bộ chính trị cũng là bộ phận lãnh đạo trực tiếp của Đảng vẫn giữ được thông tin liên lạc với Moskva trong suốt thời gian diễn ra chiến tranh. Về danh nghĩa thì đấy là liên lạc với Quốc tế cộng sản – Comintern, nhưng thực chất là với chính phủ Liên Xô.

Các điều kiện đặc thù của cuộc đấu tranh và sự tồn tại của phong trào cách mạng đã tạo ra nhiều xích mích với Moskva.

Tôi xin ghi lại mấy vụ lớn sau đây.

Moskva không thể hiểu được toàn bộ thực tiễn cách mạng Nam Tư, mà cụ thể là ở đây, bên cạnh cuộc đấu tranh chống lại quân chiếm đóng còn diễn ra cuộc cách mạng nội bộ nữa. Cơ sở của sự thiếu hiểu biết này là do chính phủ Liên Xô sợ rằng các đồng minh phương Tây, mà trước hết là Anh, sẽ tỏ ra bất bình về việc Liên Xô lợi dụng những khó khăn của các nước bị tạm chiếm, thông qua các cơ sở cộng sản, mở rộng ảnh hưởng và xuất khẩu cách mạng. Cuộc đấu tranh của những người cộng sản Nam Tư, các hiện tượng mới thường đều như thế cả, đã phá vỡ các khuôn mẫu tư duy và quyền lợi nhãn tiền của chính phủ Liên Xô.

Moskva cũng không hiểu tính chất đặc biệt của cuộc đấu tranh ở Nam Tư. Mặc dù cuộc đấu tranh của người dân Nam Tư đã làm nức lòng không chỉ những chiến sĩ đang chiến đấu để bảo vệ bản sắc của dân tộc Nga khỏi hoạ xâm lược phát xít mà còn góp phần động viên cả những người cầm quyền Xô Viết nữa nhưng nhà cầm quyền đã không đánh giá đúng cuộc đấu tranh đó, vì họ đã so sánh nó với phong trào du kích và chiến thuật du kích tại Liên Xô. Du kích ở Liên Xô là lực lượng phụ trợ của Hồng quân và không trở thành quân đội thường trực. Từ kinh nghiệm của mình, giới lãnh đạo chóp bu Xô Viết không thể hiểu được rằng những người du kích Nam Tư, không giống như những chiến sĩ du kích ở Liên Xô, có thể biến thành quân đội thường trực, thành chính quyền nhà nước và như vậy, sẽ có đặc điểm và lợi ích riêng, nghĩa là có thể tồn tại độc lập.

Nhân đây xin kể một câu chuyện rất có ý nghĩa, mà có thể là có ý nghĩa quyết định đối với tôi.

Trong thời kì gọi là Trận công kích thứ tư, tháng 3 năm 1943, đã diễn ra những cuộc đàm phán giữa Bộ tổng tham mưu và ban chỉ huy quân Đức tại mặt trận. Lí do đàm phán là để trao đổi tù binh, nhưng thực chất lại là buộc quân Đức phải công nhận du kích là một bên tham chiến để có thể chấm dứt tình trạng giết hại tù binh và bệnh binh của nhau. Ngoài ra, Bộ tổng tham mưu, lực lượng chủ lực của quân cách mạng và hàng ngàn thương binh đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, một chút xả hơi cũng là rất quí đối với chúng tôi. Cần phải thông báo mọi chuyện với Moskva. Nhưng chúng tôi hiểu, Tito thì đã biết quá rõ Moskva rồi, còn tôi và Rankovik thì chỉ lờ mờ nhận ra rằng: không được nói hết sự thật. Cho nên chúng tôi chỉ thông báo rằng đang đàm phán với quân Đức về việc trao đổi tù binh.

Nhưng Moskva không thèm đặt mình vào địa vị của chúng tôi, lúc đó máu chúng tôi đã chảy thành sông, họ lập tức tỏ vẻ nghi ngờ và phản ứng rất gay gắt. Tôi nhớ lúc đó chúng tôi đang trú đóng trong một cái cối xay gió trên bờ sông Rama, gần chỗ vượt sông Neretva vào tháng 2 năm 1943, thì nhận được tin. Tito phản ứng: “Chúng ta phải lo cho quân và dân của mình trước”.

Đây là lần đầu tiên một ủy viên Ban chấp hành Trung ương công khai bày tỏ sự bất mãn đối với Moskva. Đây cũng là lần đầu tiên, không phụ thuộc vào câu nói của Tito, mặc dù không phải không liên quan đến nó, trong tôi bừng lên ý nghĩ rằng nếu muốn sống còn trong cuộc tỉ thí giữa hai thế giới thù nghịch thì không thể nào có chuyện hoàn toàn đồng ý với Moskva được. Chúng tôi không thông báo gì thêm cho Moskva về chuyện này nữa, và tôi, sau khi thay tên đổi họ, đã cùng với hai đồng chí nữa lên đường tham gia đàm phán với Bộ chỉ huy quân Đức.

Ngày 29 tháng 11 năm 1943, tại Iase, Hội nghị lần thứ hai của Hội đồng chống phát xít đã đưa ra những quyết định mà thực chất là đặt cơ sở pháp lí cho việc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Nam Tư. Đồng thời Hội đồng dân tộc, tức chính phủ lâm thời Nam Tư, cũng được thành lập. Trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị này, Ban chấp hành trung ương Đảng đã họp và quyết định không thông báo cho Moskva trước khi mọi vấn đề đã được giải quyết xong. Từ kinh nghiệm và qua đường lối tuyên truyền của nó, chúng tôi biết rằng Moskva không thể hiểu được những gì đang diễn ra ở đây. Và đúng thế, Moskva đã có phản ứng tiêu cực đối với các quyết định được đưa ra ở Iase đến mức đài Nam Tư tự do đặt trên đất Liên Xô đã không đưa lên sóng phát thanh một số nghị quyết của Hội nghị này. Như vậy là chính phủ Liên Xô không hiểu được bước đi quan trọng nhất của cách mạng Nam Tư, bước đi đã biến cách mạng thành nhà nước mới và đưa nó lên vũ đài chính trị thế giới. Chỉ sau khi phương Tây tỏ ra thông cảm với các quyết định ở Iase, Moskva mới thay đổi thái độ và chấp nhận sự việc.

Dù đã có kinh nghiệm cay đắng như thế nhưng những người cộng sản Nam Tư chỉ thực sự hiểu được ý nghĩa của nó sau khi đã cắt đứt quan hệ với Moskva vào năm 1948, hình thức tuy khác nhau, nhưng chúng tôi coi mình không chỉ gắn bó với Moskva về mặt tư tưởng mà còn là những đồ đệ trung thành nhất của họ nữa. Mặc dù hiện thực, hiện thực cách mạng và hiện thực đời sống càng ngày càng làm cho những người cộng sản Nam Tư tách khỏi ảnh hưởng của Moskva, nhưng họ lại coi những chiến thắng cách mạng của mình là sự khẳng định mối liên hệ với Moskva, với những sơ đồ tư tưởng chỉ đạo của nó. Đối với họ, Moskva không chỉ là trung tâm tư tưởng và chính trị mà còn là hiện thân của lí tưởng trừu tượng về một “xã hội phi giai cấp”, cái lí tưởng không chỉ làm cho những đau khổ và hi sinh của họ trở thành nhẹ nhàng và chấp nhận được mà còn biện hộ cho sự tồn tại của chính họ nữa.

Đây không chỉ là một đảng thống nhất về mặt tư tưởng, giống như Đảng cộng sản Liên Xô, mà còn trung thành với ban lãnh đạo Xô Viết và đấy chính là một trong những thành tố mang tính sáng tạo và tích cực nhất của nó. Stalin không chỉ là một lãnh tụ thiên tài mà còn là hiện thân của chính tư tưởng và ước mơ về xã hội mới trong tương lai. Sự thần thánh hoá Stalin và chấp nhận vô điều kiện những sự kiện xảy ra ở Liên Xô đã đạt đến những hình thức và mức độ phi lí. Mọi hành động của chính phủ Liên Xô, thí dụ như tấn công Phần Lan hay các hiện tượng tiêu cực như các vụ thanh trừng và đàn áp đều được biện hộ, kì lạ hơn nữa là những người cộng sản không chỉ tự thuyết phục mình tin vào mục đích và tính chính đáng của những hành động ấy mà đơn giản hơn, họ cố tình quên các sự kiện có thể gây phiền phức, không cho chúng lọt vào ý thức của mình.

Trong số các đảng viên cộng sản chúng tôi có cả những người có đầu óc thẩm mĩ, có hiểu biết sâu sắc về văn chương và triết học, thế nhưng tất cả chúng tôi đều say mê không chỉ quan điểm của Stalin mà còn khâm phục cả “sự hoàn thiện” trong cách diễn giải chúng nữa. Trong các cuộc tranh luận, chính tôi cũng thường nhấn mạnh sự trong sáng của ngôn từ, tính vững chắc của lập luận và sự hài hoà của văn phong của Stalin và coi đấy là biểu hiện của một trí tuệ cực kì sâu sắc, mặc dù nếu đấy là một tác giả khác thì tôi có thể dễ dàng chỉ ra được những hạn chế và sự pha tạp không đúng chỗ giữa văn phong báo chí tầm thường và Kinh thánh. Có cả những chuyện nực cười: người ta cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc vào năm 1942 vì Stalin đã nói như thế. Khi chuyện đó không xảy ra thì lời tiên tri cũng bị quên ngay, còn nhà tiên tri thì chẳng mất gì, vẫn là siêu nhân như cũ. Với những người cộng sản Nam Tư đã xảy ra cái đã từng xảy ra, trong suốt lịch sử nhân loại, với tất cả những người gắn bó số phận của mình và số phận của thế giới với một tư tưởng duy nhất. Họ đã không nhận ra rằng chính họ đã tạo ra trong trí tưởng tượng của mình hình ảnh Liên Xô và Stalin phù hợp với nhu cầu và biện hộ cho cuộc đấu tranh của họ.

Như vậy là phái đoàn quân sự Nam Tư mang theo trong mình, một mặt, quan niệm lí tưởng về chính quyền Xô Viết và Liên Xô; mặt khác, họ cần phản ảnh được những nhu cầu sống còn của chính mình. Bên ngoài, nó không khác gì phái đoàn bên cạnh quân Anh, nhưng về thành phần và quan điểm thì lại là mối liên hệ không chính thức với ban lãnh đạo chính trị của những người đồng chí hướng. Tóm lại: phái đoàn vừa mang tính quân sự vừa mang tính đảng.


2.

Vì vậy, ngoài tướng Velimir Terzich, Tito còn cử tôi, một cán bộ cao cấp của Đảng – tôi đã nằm trong ban lãnh đạo tối cao của đảng được mấy năm rồi – tham gia phái đoàn. Những người khác cũng được lựa chọn theo cách đó, hoặc là quân nhân hoặc là cán bộ đảng, có cả một chuyên viên tài chính nữa. Trong đoàn còn có nhà vật lí hạt nhân tên là Pavle Savich. Ông đến Moskva để tiếp tục công tác nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên, tất cả chúng tôi đều mặc quân phục, tôi đeo lon tướng. Tôi được chọn có thể vì biết tiếng Nga mà tôi học trong thời gian đi tù và vì tôi chưa đến Liên Xô bao giờ, chưa bao giờ bị coi là phần tử lệch lạc hay bè phái. Những người khác trong đoàn cũng chưa từng đến Liên Xô và không có ai giỏi tiếng Nga cả.

Đấy là tháng 3 năm 1944.

Phái đoàn phải dành mấy ngày để tập trung và chuẩn bị. Trang phục của chúng tôi vừa cũ vừa không thống nhất và vì không có đủ số vải cần thiết, chúng tôi phải sửa những bộ quân phục chiến lợi phẩm của quân Italy, phải làm giấy tờ để có thể đi qua vùng do quân Anh và quân Mĩ kiểm soát. Chẳng bao lâu sau người ta đã cho ra những tấm hộ chiếu đầu tiên của nhà nước Nam Tư với chữ kí của chính Tito.

Chúng tôi nghĩ ngay đến việc chuẩn bị quà cho Stalin. Nhưng quà gì và lấy ở đâu? Các làng mạc xung quanh Drvare, nơi Bộ tổng tham mưu trú đóng lúc đó, đều đã bị đốt phá, cướp bóc hết. Cuối cùng, chúng tôi quyết định: mang tặng Stalin một khẩu súng trường được chế tạo vào năm 1941 tại nhà máy của du kích quân ở Ugitse, tìm được nó cũng là cả một kì công. Các làng lân cận cũng gửi quà tới: túi đựng thức ăn, quần áo, giầy dép dân tộc. Chúng tôi chọn những cái tốt nhất, trong đó có một đôi dép da đi trong nhà, còn lại đều rất xấu. Nhưng chính những món quà như thế lại là biểu hiện của lòng chân thành của người dân nên chúng tôi quyết định mang theo.

Nhiệm vụ của phái đoàn là cố gắng nhận được càng nhiều viện trợ của Liên Xô cho Quân đội Giải phóng nhân dân Nam Tư thì càng tốt. Đồng thời Tito còn giao nhiệm vụ cho chúng tôi, thông qua chính phủ Liên Xô hay qua các kênh khác, vận động UNRRA (Cơ quan của Liên hiệp quốc về trợ giúp và tái định cư) viện trợ cho các khu vực đã giải phóng của Nam Tư. Cần phải vay chính phủ Liên Xô hai trăm ngàn dollar cho những phái đoàn của chúng tôi đang hoạt động ở phương Tây. Tito nhấn mạnh và dặn chúng tôi phải tuyên bố rằng số tiền này, cũng như số tiền viện trợ về thuốc men và vũ khí, sẽ được hoàn trả sau giải phóng.

Phái đoàn cũng phải mang theo tài liệu lưu trữ của Bộ tổng tham mưu và của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Nam Tư.

Và điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu khả năng công nhận Ủy ban dân tộc là chính phủ hợp pháp và thông qua Moskva, tạo ảnh hưởng đối với các nước đồng minh phương Tây.

Liên lạc với Bộ tổng tham mưu được thực hiện thông quan phái đoàn Xô Viết ở Nam Tư. Có thể sử dụng cả các mối quan hệ cũ ở Comintern (quốc tế cộng sản).

Nhưng ngoài những nhiệm vụ của đoàn, khi chia tay, Tito còn giao cho tôi nhiệm vụ tìm hiểu qua Dimitrov hay Stalin, nếu tôi có dịp gặp ông ta, xem họ có phê bình gì Đảng chúng tôi không.

Nhiệm vụ mà Tito giao chỉ là để khẳng định tinh thần kỉ luật đối với Moskva mà thôi. Dĩ nhiên là Tito tin tưởng tuyệt đối rằng Đảng cộng sản Nam Tư đã vượt qua mọi thử thách một cách đầy vinh quang. Chúng tôi nói đến cả chuyện các kiều dân Nam Tư. Tito cho rằng không nên dây dưa vào những chuyện tố cáo lẫn nhau, nhất là nếu liên quan đến các tổ chức đảng và cán bộ Liên Xô. Đồng thời, Tito cũng căn dặn phải thận trọng với các cô thư kí. Tôi coi đấy không chỉ là sự quan tâm đối với đạo đức của người chiến sĩ du kích mà còn là biện pháp ngăn chặn tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến uy tín và phẩm chất của người cộng sản, của Đảng cộng sản Nam Tư nữa.

Cả người tôi rạo rực, xốn xang trước niềm vui gặp gỡ với Liên Xô, đất nước công nông đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Niềm tin của tôi vững hơn sắt đá, đấy là niềm tin trong sáng của những người mộng mơ, những chiến binh, những thánh tử đạo. Tôi đã bị tra tấn, tù đầy, căm thù và đổ máu, không tiếc máu xương những người anh em của mình vì niềm tin ấy.

Nhưng cũng có nỗi buồn. Tôi phải để lại ở đây những người đồng chí khi chiến sự đang diễn ra ác liệt nhất, phải bỏ lại phía sau mảnh đất quê hương đã biến thành bãi chiến trường đầy khói lửa.

Cuộc chia tay với phái đoàn quân sự Liên Xô bịn rịn hơn những lần gặp gỡ trước đây, tôi ôm những người bạn, họ cũng có vẻ buồn, rồi đi về phía sân bay dã chiến ở gần Bosanski Petroves. Chúng tôi ở đây cả một ngày trời, đi xem sân bay, nói chuyện với các nhân viên phục vụ và bà con nông dân, những người đã kịp làm quen với chính quyền mới và tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của nó.

Thời gian gần đây máy bay Anh thường đáp xuống sân bay này, không phải ngày nào cũng có và nhiều nhất cũng chỉ một, hai chuyến một đêm; họ mang thương binh đi, đôi khi cả hành khách nữa, còn khi đến họ mang theo hàng, thường là thuốc men. Họ vừa đưa tới một chiếc xe zeep, quà của bộ chỉ huy quân Anh tặng Tito. Tháng trước, ngay giữa ban ngày, phái đoàn quân sự Xô Viết đi trên một chiếc máy bay có trang bị phương tiện hạ cánh trên tuyết đã đáp xuống sân bay này. Đây không những là một chiến công mà đồng thời còn là một cuộc biểu dương lực lượng vì có rất nhiều máy bay tiêm kích hộ tống phái đoàn.

Tôi coi việc cất và hạ cánh chiếc máy bay của mình cũng là một chiến công vì để hạ xuống một thung lũng vừa hẹp vừa gồ ghề như thế, máy bay phải bay sát những mỏm núi đá cực kì lởm chởm.

Nhưng quang cảnh quê hương tôi bên dưới mới buồn và tăm tối làm sao! Những ngọn núi tuyết xám ngoét, những hẻm núi đen ngòm, rồi những dải đồng bằng như chìm trong bóng đêm, không một tia sáng nào, kéo dài đến mãi tận biển. Và chiến tranh, một cuộc chiến tranh khủng khiếp, khủng khiếp nhất trong những cuộc chiến tranh với ngay cả mảnh đất đã quen với các cuộc hành quân, đã quen với chiến trận và bạo loạn từ lâu. Nhân dân đã quần thảo với quân thù và những người anh em đã từng giết nhau. Khi nào thì lửa bếp lại được nhóm lên trong các làng quê tôi? Liệu quê hương tôi có qua khỏi hận thù và chết chóc để đi đến bến bờ hạnh phúc và bình an?

Đầu tiên chúng tôi đỗ lại ở Bari, nước Italy, căn cứ địa - bệnh viện và kho tàng của quân du kích Nam Tư. Từ đây, chúng tôi bay qua Tunis, phải đi đường vòng như thế là để tránh các căn cứ của quân Đức ở đảo Crete và Hi Lạp; chúng tôi cũng ghé qua đảo Malta và làm khách của tư lệnh quân quản thành phố trong một thời gian ngắn.

Hôm sau, chúng tôi đến Cairo. Người Anh đưa chúng tôi vào khách sạn và cho mượn một chiếc ô tô. Những người bán hàng và nhân viên phục vụ nhìn thấy sao năm cánh trên phù hiệu thì cho rằng chúng tôi là quân Nga. Nhưng thật vui khi chúng tôi giải thích rằng chúng tôi là người Nam Tư và nói tên Tito thì họ bảo rằng họ có biết cuộc đấu tranh của chúng tôi.

Biết người đứng đầu UNRRA ở Cairo là Leman, tôi đề nghị đại sứ Liên Xô đưa đến gặp ông ta để trình bày quan điểm. Quan chức người Mĩ này tiếp chúng tôi ngay nhưng thái độ khá lạnh lùng. Ông ta nói rằng yêu cầu của chúng tôi sẽ được xem xét trong cuộc họp tới của UNRRA nhưng về nguyên tắc, UNRRA chỉ cộng tác với những chính phủ công khai mà thôi.

Dường như những khái niệm sơ đẳng đã được tôi học thuộc về chủ nghĩa tư bản phương Tây, về kẻ thù không đội trời chung của tiến bộ và của các dân tộc bị áp bức đã được khẳng định ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên này: Leman nằm tiếp chúng tôi. Chân ông ta bị bó bột, vết thương và cái nóng đã hành hạ ông ta, nhưng tôi lại cho rằng đấy là do ông ta không thích sự có mặt của chúng tôi. Thêm nữa, tay thông ngôn từ tiếng Anh sang tiếng Nga trông hung dữ, có dáng đầu trộm đuôi cướp, giống hệt những tên du thủ du thực trong các phim cao bồi vậy.

Thực ra thì chẳng có gì đáng phàn nàn. Leman đã nghe và hứa sẽ xem xét đề nghị của chúng tôi.

Chúng tôi đã dùng ba ngày ở Cairo cho việc tham quan các danh lam thắng cảnh cũng như tiếp xúc với thiếu tá Dikin, trưởng phái đoàn quân sự Anh ở Nam Tư. Ông ta mời chúng tôi đi ăn trưa với một vài người bạn.

Từ Cairo, chúng tôi bay đến căn cứ Khabbania của quân Anh ở gần Damaskus. Đại diện Bộ chỉ huy quân Anh ở đây không muốn đưa chúng tôi vào Damaskus vì cho rằng không thật an toàn. Nhưng chúng tôi lại nghĩ họ muốn che giấu việc đàn áp dân thuộc địa không kém phần dã man so với quân chiếm đóng Đức đang làm ở đất nước chúng ta.

Người Anh mời chúng tôi xem các trận thi đấu thể thao của binh sĩ đồn trú tại đây. Chúng tôi ngồi cạnh ông trưởng ban quân quản. Cúc cài tận cổ, dây da thắt chặt, ăn mặc chỉnh tề như thế, chúng tôi đã tự trở thành trò cười cho chính mình và có lẽ là cho cả những người Anh hiếu khách và cư xử rất tự nhiên kia.

Người ta giới thiệu cho chúng tôi một viên thiếu tá trung niên vui tính, suốt ngày xin lỗi vì nói tiếng Nga không được tốt. Ông ta quên cả những câu đã học được trong thời gian tham gia cuộc can thiệp vào Arkhangensk. Ông ta rất khâm phục người Nga, phái đoàn của họ cũng dừng lại ở Khabbania. Nhưng không phải khâm phục hệ thống xã hội của họ mà là sự chất phác và cả quyết trong việc uống cạn những chiếc li lớn rượu vodka hay whisky: “Chúc sức khỏe Stalin, chúc sức khỏe Churchill!”.

Với thái độ bình thản, có pha chút tự hào, viên thiếu tá kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến đấu chống lại những cuộc bạo loạn do tình báo Đức khích động. Chúng tôi thấy các nhà kho để máy bay lỗ chỗ vết đạn.

Bị tiêm nhiễm nặng tư duy giáo điều, chúng tôi cho rằng hi sinh cho “chủ nghĩa đế quốc” – chúng tôi gọi cuộc đấu tranh của phương Tây như vậy - là điều vô nghĩa, thậm chí là thiếu thông minh. Nhưng thâm tâm chúng tôi khâm phục lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của người Anh: với quân số ít ỏi và không có hi vọng được giúp đỡ, họ đã chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến trên sa mạc cháy bỏng ở vùng Á châu xa xôi này. Nếu lúc đó tôi chưa thể rút ra được những kết luận sâu sắc hơn thì điều đó cũng có ảnh hưởng đối với tư tưởng của tôi về sau này, rằng: chân lí không chỉ có một và trên trái đất này có nhiều, rất nhiều hệ thống giá trị khác nhau.

Chúng tôi không tin và tìm cách tránh tiếp xúc với người Anh, chúng tôi đặc biệt lo ngại và có quan điểm ấu trĩ về cơ quan tình báo gọi là “Intelligence Service” của họ. Đây là kết quả của sự pha tạp giữa những hiểu biết sơ lược có tính sách vở của văn chương giật gân và sự bối rối của những anh nhà quê ra tỉnh.

Dĩ nhiên là chúng tôi đã không phải lo lắng đến thế nếu không có mấy bao tải tài liệu của Bộ tổng tham mưu. Trong đó có cả những bức điện trao đổi với Comintern. Việc các nhân viên quân sự Anh coi những bao tải này chẳng khác gì bao chứa giầy hay đồ hộp cũng làm chúng tôi lo lắng. Tôi luôn giữ chúng bên cạnh và để không phải ngủ một mình, tôi và Marko biệt hiệu “Piper”, người Trernogoria, một đồng chí đảng viên từ trước chiến tranh, rất dũng cảm và trung thành, ở chung một phòng.

Một lần, giữa đêm khuya, tôi thấy có người mở cửa phòng. Tôi cảm thấy thế dù cánh cửa không hề kêu gì cả, tôi nhìn thấy cái bóng lờ mờ của một người địa phương dưới ánh trăng và dù bị vướng vào màn, tôi vẫn lôi được khẩu súng lục từ dưới gối và hét lên. Marko nhảy ra, anh vẫn mặc nguyên quần áo khi ngủ nhưng kẻ kia đã biến mất.

Có lẽ người này đi lạc hay định ăn cắp gì đó. Dĩ nhiên, chúng tôi cho rằng có bàn tay của tình báo Anh và càng tăng cường cảnh giác thêm. Chúng tôi rất vui vì ngay hôm sau, người Anh đã cho chúng tôi bay đi Tehran.

Tehran, đúng hơn là phần đường mà chúng tôi đi từ Ban quân quản Liên Xô đến đại sứ quán Liên Xô, đã coi như là lãnh thổ Liên Xô rồi. Các sĩ quan Liên Xô đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu, đấy không chỉ là tính hiếu khách của người Nga mà còn là tình đoàn kết của những người chiến sĩ đấu tranh vì sự nghiệp chung trên những vùng đất khác nhau của thế giới nữa. Tại đại sứ quán Liên Xô, chúng tôi được dẫn đi xem cái bàn tròn nơi diễn ra hội nghị Tehran và thăm căn phòng ở tầng một nơi Roosevelt đã nghỉ lại, mọi thứ vẫn được giữ y nguyên như ngày ông còn ở đây.

Cuối cùng, máy bay đưa chúng tôi đến Liên Xô, hiện thân cho lí tưởng và niềm mơ ước của chúng tôi. Càng đi sâu vào vùng trời xanh xám của nó, một tình cảm hoàn toàn mới, chưa từng có càng hiện rõ trong tôi; tôi thấy mình như đang trở về ngôi làng, trở về quê hương chưa từng quen biết của mình.

Tôi vốn không ưa tinh thần đại Slav. Tôi coi tinh thần đại Slav đang thịnh hành ở Moskva lúc đó là biện pháp động viên các lực lượng bảo thủ cho cuộc chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của quân Đức mà thôi. Nhưng cảm giác này có vẻ khác, sâu sắc hơn, không nhét vừa khuôn khổ tư duy cộng sản của tôi. Đã ba trăm năm nay, những người tranh đấu và mơ mộng Nam Tư, những nhà hoạt động nhà nước và những người cầm quyền, các lãnh chúa của Trernogoria vẫn thường hành hương đến nước Nga để tìm sự cảm thông và trợ giúp. Có phải tôi cũng đang đi trên con đường của họ không? Có phải đây chính là quê hương của tổ tiên tôi, những người đã bị một lực lượng bí ẩn ném đến vùng Balcan lộng gió không? Nước Nga không bao giờ hiểu được những người Slav miền Nam vì đây là đất nước của Sa Hoàng và các đại điền chủ, tôi thường nghĩ như thế. Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng nguyên nhân xã hội, cũng như nhiều nguyên nhân khác của tất cả các cuộc xung đột giữa Moskva với các dân tộc khác rồi cuối cùng cũng sẽ được khắc phục. Lúc đó tôi coi đấy chính là “tứ hải giai huynh đệ” và sự trở về với gia đình Slav xa xưa.

Nhưng đây không chỉ là quê hương của tổ tiên tôi mà còn là quê hương của những người chiến sĩ đang hi sinh vì tình huynh đệ và quyền làm chủ không gì cưỡng được của con người trước hoàn cảnh.

Tôi tan hoà với sóng nước Volga, với những cánh đồng màu xám kéo dài đến tận chân trời, như tan hoà vào kiếp trước của chính mình, tan hoà vào những bí ẩn chưa hề được biết tới của chính tâm hồn mình. Tôi nghĩ mình phải hôn lên mảnh đất của nước Nga Xô Viết ngay khi tôi bước chân lên đó, tôi chắc chắn đã làm thế nếu điều đó không mang vẻ tôn giáo hay tệ hơn, không có vẻ đóng kịch.

Trưởng ban quân quản Bacu, một viên tướng khổng lồ, ít nói, đã bị trại lính, chiến tranh và công việc biến thành thô kệch - hiện thân của một đất nước vĩ đại trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù hung bạo. Là người cởi mở, ông tỏ vẻ ngạc nhiên trước cách cư xử thận trọng của chúng tôi: “Dân gì kì nhỉ, không ăn, không uống! Người Nga chúng tôi khác, ăn nhiều, uống lắm, đánh nhau còn ghê nữa!”

Trời Moskva âm u tối và có rất nhiều nhà thấp tẹt.

Nhưng điều đó thì có ý nghĩa gì? Lấy gì so sánh với cuộc đón tiếp long trọng và chân thành, tuy có kiềm chế theo đúng tinh thần cộng sản của chúng tôi? Lấy gì so sánh với cuộc chiến tranh vĩ đại mà chúng tôi coi là thử thách cuối cùng của loài người, là cuộc đời và số phận của mỗi chúng tôi? Có phải mọi thứ đều là không đáng kể khi so sánh với hiện thực đang thoát thai từ ác mộng để trở thành sự thật hạnh phúc an bình trên đất nước Xô Viết, đất nước của chúng tôi và cũng là của toàn thể loài người?


Bản tiếng Việt © 2006 talawas

Cùng một tác giả trong Tủ sách talawas: Giai cấp mới, bản dịch của Phạm Minh Ngọc