trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
13.5.2008
Thạch Chương
Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật
 
J’annonce au monde ce fait-divers de première grandeur: un nouveau vice vient de naître, un vertige de plus est donné à l’homme, le SURREALISME, fils de la frénésie et de l’ombre. Entrez entrez, c’est ici que commencent les royaumes de l’instantané.
Aragon – Le Paysan de Paris

Sự kiện thứ nhất không ai còn chối cãi: triều đại vàng son của lý trí, của luận lý, đã sụp đổ trong nghệ thuật. Sự kiện thứ hai đang thành hình: một nghệ thuật, vô tình hay hữu ý, đang được bú mớm và sẽ trung thành trong nôi rực rỡ của trường siêu thực.

Trong một bài nói về Camus tôi đã có dịp vắn tắt bàn đến trường hợp này, nhưng hoàn toàn qua lập luận của Camus. Vì muốn đóng một vai khách, không muốn nêu lên những phê phán giá trị, nên ở đó tôi đã không định đặt một thái độ rõ rệt cho mình. Vì vậy có những ngộ nhận là tôi cũng đã muốn khoác lên mình một tấm áo thụng xanh quan liêu, hay tệ nhục hơn nữa, là tôi cũng đã muốn đội lên đầu một khăn xếp tím đạo đức!

Đủ rồi! Cái thái độ “ấm ớ à uôm” ôn hoà của Camus tôi đã tố cáo và có người cũng đã tố cáo mãnh liệt [1] . Vì vậy đã đến lúc phải biểu tỏ một thái độ tích cực và thành thực hơn: hôm nay tôi muốn hưởng ứng cái “nghệ thuật đen” của một người [2] , bằng cách đặt nó vào một viễn thị rộng hơn của thời đại: đó là nhận thức siêu thực về nghệ thuật vậy.

Có kẻ nào không thấy những tiếng la hét sặc sụa đầy máu trong mồm của Lautréamont? Còn kẻ nào ngu muội điên cuồng đóng vai một hoàng tử “ngây thơ” hay những kẻ luôn luôn trau chuốt bàn tay mình cho sạch sẽ giữa một thế giới mà mọi lòng tin đều là trọng tội? Chúng tôi muốn quay lại vũ trụ hoang sơ dục tình nguyên vẹn mà tâm hồn mỗi kẻ còn trinh như sữa – nhưng là cái trinh khiết đáng sợ của con bò rừng. Nghệ thuật hôm nay là sự biểu lộ một “furie du total” [3] , một tiếng gọi quay trở về rừng sâu thẳm mà ở đó còn vẳng lên những tiếng cười thé điên mé, những tiếng la cuồng dại vọng về từ trăm thế kỷ của bản năng thuần tuý. Tôi không gọi nó là nghệ thuật đen, bởi nói như vậy có thể cho phép mọi người ngộ nhận là biểu diễn một mặc cảm phạm tội, một thái độ đầu hàng những “đạo đức giả”, những hàng ngũ bảo thủ hiện hữu. Đúng hơn nó là “nghệ thuật trắng”, nghệ thuật còn tinh khôi, còn nguyên vẹn, còn trinh khiết.

Nghệ thuật trắng trước tiên phải có tính chất phản lý trí. Điều này không có gì mới lạ: đó đã là đường đi của Novalis, của Achim von Arnim, của Lautréamont, của Rimbaud. Lý trí vốn là một con diều hâu, loài ác điểu. Móng vuốt của nó đã làm nghệ thuật chảy máu, biến hình, nguyên vẹn. Sự kiện này tưởng không còn cần bàn cãi (Breton đã truất phế nó đi và đưa tưởng tượng lên ngôi từ lâu [4] .

Nghệ thuật trắng biểu tỏ sự tự do tuyệt đối của cá nhân. Đây cũng không có gì mới lạ nốt, quan niệm tự do của bản ngã đã hiển hiện từ Ficthe. Và ngày nay nó là một trong những “mythes” chung cả thời đại. Tôi được quyền chối bỏ một thiên đường bó buộc, hoặc tôi được quyền chọn ác hay thiện. Hơn thế nữa: trật tự và hỗn mang, thiện và ác là những phân biệt từ ngữ cần phải hủy bỏ: chúng ta mất hết mọi giá trị nhận thức [5] . Nghệ thuật trắng là đôi mắt của đứa trẻ con, của một dã thú, của một con người hoang sơ chưa ý thức được bộ lạc: dưới nó, thiện và ác chỉ là một, hay đúng hơn, chúng vô nghĩa.

Hơn là một phong trào, hơn là một cuộc cách mạng nghệ thuật, hơn là một triết lý [6] : nó đòi đi sâu vào mọi ngõ ngách cuộc đời, nó đòi là một tập hợp sống động. Nghệ thuật trắng chính là một lối cảm nhiệm mầu, một dụng cụ nhận thức đời sống ở trạng thái thô sơ nguyên vẹn nhất. Nó chính là một thái độ dọ hỏi, tìm kiếm – nhưng trong Nadja: nó được thành hình ở ngay ngoài phố phường, trong chợ, bên cột đèn, nơi xưởng thợ.

Lối cảm ấy, thái độ ấy là những yếu tố quan trọng trong cuộc phiêu lưu siêu hình của người làm nghệ thuật. Nghệ thuật không còn là một cứu cánh [7] , không còn là trò chơi của giai cấp trưởng giả hay trí thức, hay giai cấp văn nghệ sĩ [8] , nhưng là một phương tiện nhận thức của tất cả để cảm thông với thiên nhiên, với nhân loại, với vũ trụ. Thi ca, nói như Tristan Tzara, là hành động, là một lối sống, một đường sống [9] . Bài tính đố siêu hình, nói khác đi, chỉ có một lối giải độc nhất: nghệ thuật. Nói như Péret thi ca còn là nguồn của mọi trí thức: “Si l’on recherche la signification orginelle de la poésie, aujoud’hui dissimulée sous les milles oripeaux de la société, on constate qu’elle est le véritable souffle de l’homme, la source de toute connaissance…” [10] . Nói như Eluard, nó là một dụng cụ để chinh phục cũng như để bảo vệ [11] . Nghệ thuật trắng còn dẫn ta tới “phía bên kia” của cuộc đời, qua trung gian của một hiện tượng rực rỡ: Huyền Diệu (le merveilleux).

Bởi vậy không lạ gì mà thi ca có tính cách thần bí: thần bí đây, tôi phải vội vã thêm, không có nghĩa gạt bỏ cuộc sống ra ngoài lề. Cuộc sống chính là điều kiện cần thiết độc nhất cho thi ca, cho Huyền Diệu. Bản chất của Huyền Diệu ra sao?

Huyền Diệu là sản phẩm tất yếu của trí tưởng tượng, vị thần đây đủ quyền nghi đã choán ngôi của lý trí. Huyền Diệu còn là kết quả của ảo giác (hallucination), của hỗn loạn thần kinh được phơi bày qua phương pháp phân tâm của Freud [12] . Bởi vậy những nhà thương điên không còn một lý do nào để tồn tại nữa. Tình trạng hôn mê điên loạn của một cá nhân cũng là một hành vi nhân loại chính đáng, hợp luận lý như mọi hành vi khác, tại sao người ta dám chà đạp sự phát triển tự do ấy của con người? [13] . Trong một cuộc đời cụ thể mà tôi công nhận, sự phân biệt giữa “bình thường” và “dị thường” hay “bất thường” không có một nghĩa nào quan trọng đến độ cho phép tôi gạt bỏ một và giữ lại một. Điên và tỉnh, mộng và thực là những hình thái cần và đủ cho một cuộc đời cụ thể. Hơn nữa giữa thời đại tù ngục này con người chỉ hoàn toàn tự do trong khi điên, trong khi thần kinh thác loạn, trong khi ngủ: thì sự ca ngợi mộng và điên và say, sự đưa thành phần vô thức lên ngôi phải là những ám ảnh chính đáng của nghệ thuật hôm nay. Chính có thể chỉ khi điên hay say mà ta mới với tới được Huyền Diệu phải chăng? Mộng và mơ là nguồn cảm thông độc nhất giữa người và người là thế đó [14] .

Vì vậy nghệ thuật trắng chủ trương một cách làm nghệ thuật đặc biệt hơn: “sáng tác tự động” và dùng tài liệu thuần bằng hình ảnh. Sáng tác tự động, chẳng hạn trong thi ca hay tản văn, có nghĩa viết dưới ảnh hưởng nào đó; hoặc trong một trạng thái tâm hồn hết sức thụ động [15] , không viện đến lý trí, để nguyên cho những dòng suối ý tưởng và hình ảnh chảy tràn xuống mặt giấy, không cần sửa chữa. Nghệ thuật trắng không đòi hỏi một tác phẩm tất hữu phải có nghĩa hay không có nghĩa, a priori. Sự có nghĩa hay không, không thành vấn đề. Trong tình trạng tranh tối tranh sáng ấy của vô thức, những tâm trạng thầm kín sẽ tự ý xuất phát: hoặc là phẫn nộ, u uất, cuồng nhiệt, hoặc là bình yên, thoải mái, nhiệm mầu. Cho nên bắt buộc một tác phẩm nghệ thuật phải có “ý nghĩa” tức là đã đầu hàng lý trí, tức là đã phản bội nghệ thuật.

Còn hình ảnh? Nó là kết quả bất ngờ của sự liên kết bất cứ giữa hai, ba… sự vật hay sự kiện khác nhau. Nó chỉ là một kết quả mong manh vượt mọi giác quan, mọi giải thích luận lý, nó không tương ứng với một sự vật nào đó trong thực tại. Nó là nước chảy xuôi qua kẽ nóng tay, nó không định nghĩa được. Chính vì vậy mà nó thần bí, thần bí nên nó đẹp, nên nó là nghệ thuật: “Une telle beauté ne pourra se dégager que du sentiment poignant de la chose révélée, que de la certitude intégrale procurée par l’éruption d’une solution qui, en raison de sa nature même, ne pouvait nous parvenir par les voices logiques ordinaires”. Hơn thế nữa: “Le merveilleux est toujours beau, n’importe quel merveilleux qui est beau, il n’ya même que le merveilleux qui soit beau” [16] .

Nhưng nghệ thuật trắng không chủ trương sự độc tôn của vai trò vô thức, bởi như vậy Huyền Diệu tất yếu sẽ là một cách đào ngũ khỏi cuộc đời cụ thể, một cách đào ngủ ảo tưởng loại Chestov, hay loại lãng mạn Đức. Một chủ nghĩa duy tâm không có đất đứng trong nghệ thuật trắng. Đúng hơn, phải nhắc lại, nghệ thuật trắng là một hành động trực tiếp đi thẳng vào trọng tâm của thế giới hiện thực (mà vẫn “phản hiện thực” – cái hiện thực nước ốc kiểu Anatole France, hoặc cái “hiện thực xã hội” sàm sỡ của bọn Mác-xít); nó bắt nguồn từ mọi khía cạnh, mộng và thực, điên và tỉnh của cuộc đời [17] .

Nghệ thuật hôm nay còn được biểu tỏ mãnh liệt trong tình yêu ngọt ngào của xác thịt, hay “tình điên”. Dục tình, như có người đã nói trên mặt báo này, là động lực độc nhất của thế giới. Trong Amour Fou, Breton cho rằng đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, ông kinh nghiệm được một cảm xúc giống hệt như cảm xúc tình dâm (émotion érotique): “La beauté convulsive sera érotique-voilée” (trang 26). Một conducteur nổi tiếng một đêm điều khiển tập Tristan und Isolde” (Wagner) đã xuất tinh giữa đêm nhạc. Đọc Chants de Maldoror hay Ulysses (James Joyce) hay phần lớn những tác phẩm của D. H. Lawrence, ai mà không cảm thấy vật dục mình xao xuyến, một thứ xao xuyến rất nghệ thuật, rất siêu thực, rất trắng, rất tinh khôi? Hoặc đọc Capitale de la douleur, ai mà không thấy qua những chập chùng biến hiện của mộng và thực, một ám ảnh dục tình ngất ngư vô cùng đau đớn, vô cùng thê thiết của nghệ thuật trắng? Nói rằng nghệ thuật hôm nay lại tìm thấy được cái “masochine” huy hoàng của thi ca Đức cũng không phải là ngoa ngôn: thí dụ những tác phẩm mới đây ở Mỹ như “Suddenly Last Summer” của T. Williams, ở Anh Justine, Balthazar và nhất là Mountolive (tất cả của Durrell). Một đồ đệ của Breton là Sarane Alexandrian đã viết:

“Je crois à la possibilité pour une poginée d’homme de faire entendre dans la seconde partie de ce siècle maudit le grand cri lyrique de l’amour et d’inaugurer un culte de la femme si profondément mystique et charnel qu’il fera pâlir à jamais l’étoile des troubadours” [18] .

Có lẽ lời tiên đoán này đang được thực hiện dần. Cho nên nghệ thuật trắng có coi Sade, Freud, Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng là thần tượng cũng không có gì quá đáng.

Nghệ thuật hôm nay còn thể hiện trong loại “trào phúng đen” (humour noir): một mối trả thù số phận thích đáng nhất, một lối thoát, một giải pháp chính đáng bởi chính nó từ chối mọi lối thoát, mọi giải pháp. Không như cái trào lộng mỉa mai còi cụt của trường lãng mạn Đức bắt nguồn từ sự thất bại trong cuộc phiêu lưu siêu hình, trào phúng đen có hình thái tích cực và hoạt động hơn: nó hướng đến những mâu thuẫn trào lộng vô cùng “macabre”: nó là một loại “cười đen” đó vậy. Đó là cái cười của Vaché, bạn thân Breton trong Les Pas Perdus, của Jarry trong Surmâle.

Từ vấn đề trào lộng ấy, nảy ra một câu hỏi thúc bách hơn: người làm nghệ thuật hôm nay có bắt buộc phải “nhập thế” hay không? Sống trong cái thế giới trên đe dưới búa, một bên là tự do tuyệt đối cá nhân, một bên là áp lực chính đảng, người làm nghệ thuật phải làm gì? Trả lời: Không một giải pháp chính trị nào thích ứng với nghệ thuật ráo. Nghệ thuật trắng tất yếu sẽ phải là hư vô. Nhưng có “phi nhân đạo” hay không, là điều ta còn phải bàn xét rất nhiều. Có lẽ chỉ có thể nói: dưới đôi mắt một dã thú, một đôi mắt còn tinh khôi, thì vấn đề “nhân đạo” hay “bất nhân” không được đặt ra, và mọi thứ đều được phép. Tuy nhiên người làm nghệ thuật, như có người đã nói, không chủ ở trả lời, mà chính là một “kẻ nhìn” (“voyant”) một “écho sonore”, một “appareil enregistreur”.

Tóm lại, nghệ thuật trắng mong muốn tìm trả lại cho con người một tự do tuyệt đối, một trí tưởng tượng làm vua thay thế cái ngai vàng đã sâu một của lý trí, dắt tay con người trong cuộc phiêu lưu siêu hình đi tìm Huyền Diệu ở ngay giữa trung tâm đời sống cụ thể, ngợi ca mọi phát triển tự do của tâm hồn điên loạn, của thành phần vô thức huy hoàng trong giấc ngủ, và do đó cũng ghê gớm nhất. Nó chính là siêu thực đơn và thuần vậy, và phải thẳng thắn nhận định như thế.


[1]Mặc dù cách đây 18 năm, Sartre cũng đã dùng chính lời phê phán đó.
[2]Xem Thanh Tâm Tuyền, “Nghệ thuật đen”, Sáng tạo số 3. Th. 9, 1960.
[3]Chữ của Julien Brenda. Xem “La France Byzantine”.
[4]Xem Premier Manifeste, tr. 22-23.
[5]Đây là kết quả của trường “thực nghiệm luận lý” với những tên như Bertrand Russell, Charles A. Fritz, Rudolf Carnap v.v… cho nên nó cũng không mới gì.
[6]Nếu công nhận những kết quả của trường thực nghiệm luận lý vừa nói, ta sẽ coi nghệ thuật chính là triết lý và ngược lại. Triết học, quả vậy, chẳng qua chỉ là một “lối cảm” về đời sống, cho nên còn lối cảm nào nhiệm mầu hơn thi ca? Cố nhiên ta cần phải gạt bỏ mọi “hệ thống” khi nói tới một lối cảm siêu hình như vậy.
[7]Bàn về Chants de Maldoror, Breton nói: “On sait maintenant que la poésie doit mener quelque part… Il rôde actuellement par le monde quelques individus pour qui l’art, par exemple, a cessé d’être une fin”. Xem “Les Pas Perdus”, tr. 184.
[8]Lautréamont: “La poésie doit être faite par tous, non par un”.
[9]Xem “Essai sur la situation de la poésie” trong Le Surréalisme au service de la révolution IV, 15.
[10]Xem “Le Déshonneur des poètes”, tr. 120.
[11]Xem “Donner à voir”, tr. 85.
[12]Breton và Eluard công nhận đã tìm thấy nó trong “L’Immaculée Conception”.
[13]Breton đòi thả mọi người điên ra khỏi nhà thương theo tôi rất chính đáng: “Tous ces actes individuels sont antisociaux. Les fous sonts les victimes individuelles par excellence de la dictature sociale; au nom de cette individualité qui est le prope de l’homme, nous réclamons qu’on libère ces forçats de la sensibilité”. Xem “Lettre aux médecins-chefs des asiles de fous”, trong La Révolution Surréaliste, 15-4-1925, III, 29.
[14]Xem Breton, “La Grande Actualité Poétique”, trong Minotaure, (Th. 12, 1931), VI, 6.
[15]Xem Premier Manifeste.
[16]Id. Prermier Manifeste, tr. 29.
[17]Cf. Breton: “Le poète à venir surmontera l’idée déprimante du divorce irréparable de l’action et du rêve… Il maintiendra coùte en pré sence les deux termes du rapport humain par la destruction duquel les conquêtes les plus précieuses deviendraient instantanément lettre morte”. Vases communicants, tr. 171.
[18]Xem “Amour, Révolte et Poésie” trong Le Surréalisme en 1947, tr. 101.
Nguồn: Tạp chí Sáng Tạo, bá»™ má»›i, số 5, ra ngày 1-11-1960, trích từ trang 97 đến 102. Chủ nhiệm: Mai Thảo. Quản lý: Đặng Lê Kim. Trình bày: Duy Thanh. Toà soạn và trị sá»±: 133B Ký Con, Sài Gòn. Nhà in Nguyá»…n Đình Vượng, 38 Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Giá: 15Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.