trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
29.3.2008
Lê Trọng
Ðọc truyện Gào thét của Dương Nghiễm Mậu
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về chiến tranh? Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Lê Trọng, một thanh niên Mĩ gốc Việt, sinh viên Đại học U.C. Berkeley, California.
talawas
Tên truyện:
Gào thét
Tên tác giả:
Dương Nghiễm Mậu
Nhà xuất bản:
Nguyệt san Văn Uyển
Năm xuất bản:
Tháng 1 năm 1969
Số trang:
123
Ðịa điểm:
Thôn Đoài (một thôn nhỏ ở đồng bằng Bắc bộ, cách Hà Nội khoảng 50 cây số)
Thời gian:
Vào cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp sau khi Nhật đã rút khỏi Việt Nam.


Nhân vật chính:

Thạch:
một sinh viên từ Hà Nội về thăm gia đình ở thôn Đoài;


Các nhân vật phụ:

Cai
người đi buôn Thạch gặp khi đang trên đường về quê.
Bác Thành
bác của Thạch, bị Tây cưỡng hiếp và bị “bệnh” sau sự việc này.
Anh Hiền
anh rể của Thạch.
Chị Hiền
chị ruột của Thạch, đang sống và chăm lo cho mẹ của Thạch.
Mẹ
mẹ của Thạch.
Thằng Trạch
nhân vật nam có quan hệ luyến ái lén lút với vợ thằng Tích, một du kích.
Vợ thằng Tích
là nhân vật nữ có quan hệ luyến ái với thằng Trạch.


Mở đầu truyện:

Truyện mở đầu với hình ảnh một đoàn lính Tây đi vào chợ. Dọc đường, họ đã dùng vũ lực để uy hiếp và “mua” đi một con bò của một lão nông dân với giá hai trăm đồng. Lúc đó, Thạch đang ngồi trên chiếc xe đang bị chết máy trên đường về thăm gia đình sau bao năm xa cách.


Nội dung truyện:


Truyện viết về chuyến trở về thăm quê của Thạch, một học sinh ở Hà Nội vừa mới đi di tản về. Trong chuyến về quê, Thạch đã nhận ra được sự khổ cực của người dân trong thời chiến tranh dưới sự áp bức của cả thực dân Pháp và Việt Minh. Ở quê, Thạch còn nhận ra được sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn trong thời chiến.


Kết thúc truyện:


Chương cuối cùng của truyện nói đến việc Thạch bị lính Tây bắt về sở. Trong lúc này, anh phải trải qua những giờ phút “đau khổ” nhất trong cuộc đời của một “học trò ở tỉnh”. Câu chuyện kết thúc với cảnh du kích tấn công vào sở Tây, và Thạch đang cố vùng vẫy để thoát ra ngoài cái cảnh tượng hỗn loạn ấy. Hình ảnh nổi bật nhất ở đoạn cuối truyện là trong khi Thạch đang bị kẹt giữa hai tấm hàng rào và chưa thể thoát ra ngoài được, Việt Minh và lính Pháp cứ nã đạn liên tiếp về phía đối phương. Tôi cảm thấy hình ảnh này nói lên tình cảnh của Thạch và của bao nhiêu người dân khác đang bị mắc kẹt giữa những làn tên mũi đạn của chiến tranh, mà bản thân họ chỉ là những nạn nhân vô tội.

Đặt tên truyện là Gào thét, tác giả muốn gợi lên những giông tố của cuộc đời trong chiến tranh; sự chết chóc như những con mãnh thú lúc nào cũng vây quanh, cũng gào thét, và luôn sẵn sàng lao vào và xé tan những thân xác nhỏ bé của những người dân vô tội. Trong lời mở, tác giả đã viết: “Tôi là ai?... Tôi là người Việt, một con người nhược tiểu, ở một thế kỷ những sóng gió gào thét, những phân tán đe doạ từ trời, từ biển, từ bọn sâu bọ từ bốn phía đến.” (tr. 9) Thêm vào đó, gào thét ở đây cũng có thể là tiếng gào thét của những người dân hoặc của cả dân tộc Việt Nam “vừa trải qua hai mươi năm ròng rã chiến tranh, sau một trăm năm bị xiềng xích gông cùm trói buộc trên thân thể.” Những người dân, những người nô lệ hơn một ngàn năm trong lịch sử đã kêu la, đã gào thét, nhưng cuối cùng thì họ vẫn sống trong kiếp nô lệ, đàn áp, mà không biết phải làm thế nào để chấm dứt. Tiếng nói của họ quá nhỏ bé, tiếng la của họ như bị nghẹn lại, và tiếng gào thét của họ cho dù có được nghe thấy cũng bị bỏ ngoài tai, hay được đổi lại bằng những cây dùi cui, bằng bom đạn, bằng cảnh nhà tan cửa nát hay bằng xác người nằm phơi thây trên đồng trống. Tiếng gào thét của họ cho dù có mãnh liệt cách mấy cũng chỉ là tiếng gào của một con hổ trong cũi sắt, tiếng gào thét trong tuyệt vọng.

Trong câu chuyện, có lúc Thạch đã cố nói. Thạch muốn nói cho người du kích bị thương hiểu rằng anh không có ý muốn bắt ông ta, và anh không phải là Việt gian. Nhưng những lời nói của anh đều bị cho là gian trá. Khi Thạch biện bạch với người thông ngôn về hoàn cảnh của mình, và về một thực tế là anh không phải là du kích, và anh sẽ không bao giờ qua sông, nhưng người thông ngôn chưa bao giờ tin những lời Thạch nói. Người thông ngôn đã trả lời với anh rằng: “chắc anh ở vào thành phần trung kiên lắm. Tôi hỏi thực…” (trg.94). Những lời nói của Thạch nào có ai để vào tai, bởi đó là những lời nói dư thừa trong cái chiến cuộc thời bấy giờ. Trong một xã hội mà chức sách làng đấu đá với nhau để tranh giành quyền lực, tranh giành cái cơ hội để được bợ đít Tây; còn những người du kích, những người tranh đấu vì lý tưởng, vì tự do cho đất nước lại giết nhau vì gái, thì những lời nói, những lý luận của một cậu “học trò ở tỉnh” không là gì cả.

Qua truyện này, tôi cảm nhận được sự đau khổ của những người dân trong thời kỳ chiến tranh. Tuy truyện nói về cuộc sống sau khi Nhật đã rút khỏi Việt Nam, nhưng tôi vẫn cảm thấy được hình ảnh “một cổ mấy tròng” mà người dân phải chịu. Khi Tây đi lùng bắt, bọn lính tha hồ cướp của dân chúng, “lương chính thức của họ chỉ có mấy trăm bạc… nhưng nhờ càn quét, vơ vét, trộm cắp bán ra giàu…” (trg. 43) Chưa kịp suy nghĩ về những mất mát trong ngày, khi đêm đến, người dân lại phải đối diện với lũ cướp mới. Tác giả viết, “đêm du kích về cũng bắt gà, bắt lợn, lấy tiền, thu thóc cũng đánh đập, bắt bớ nhiều vì tư thù, xem ra còn ác hơn cả Tây cả Nhật.” (trg.56) Khi đọc xong những đoạn văn này, tôi cảm thấy câu nói nôm na tưởng như đùa của những người sống trong thời chiến mà tôi đã từng nghe được, lại trở nên đúng:

“Con ơi nhớ lấy câu này,
Cướp đêm Việt cộng, cướp ngày Quốc gia.”

Mặc dù câu nói là ám chỉ khoảng thời gian sau này, nhưng cho dù đó là Việt Minh, Việt cộng, thực dân, đế quốc, hay Quốc gia thì người dân Việt đời nào cũng khổ. Trong lúc giặc Pháp xem người Việt như trò chơi, bắt đứng vào gốc cây để tập bắn, người dân cần nhất là những người du kích biết lo cho dân, bảo vệ cho dân. Nhưng những gì họ nhận được chỉ là nhiều phiền toái và lo âu.

Trong câu chuyện, Thạch còn nhận ra được mạng sống con người trong thời chiến thật rẻ mạt. Bom đạn lúc nào cũng có thể cướp lấy đi mạng sống của con người. Người đang làm ruộng có thể bị bắn chết vì lạc đạn, hay chỉ vì bọn Tây đang thử súng. Cho dù đang ở trong nhà, những người dân ấy vẫn không được an toàn. Mỗi lần đạn nổ, những người trong nhà Thạch theo phản ứng “tự nhiên” đều nằm sát xuống đất. Nhưng những “…viên đạn vô tình vẫn có thể bay tới ghim vào người… Cái chết thật vô lý và dễ dàng.” (trg. 69) Những bất hạnh lúc nào cũng có thể xảy ra với những người dân vô tội, bởi vì “…con người khác chi một con sâu dưới đế giày, một con muỗi giữa hai bàn tay vỗ của một định mệnh.” (trg. 69)

Sau khi đọc xong Gào thét của nhà văn Dương Nghiễm Mậu, tôi như thấy được cảm nghĩ của tác giả về cuộc chiến. Ông nhấn mạnh trong tác phẩm của mình rằng:

“Trong khi đó chiến tranh vây phủ trên khắp đất nước với sự có mặt của quân đội Pháp bên một chính quyền bù nhìn của Bảo Đại. Đứng về phía Pháp để chiến đấu tự nhận là có chánh nghĩa được sao? Đứng về Việt Minh? nhựng Việt Minh là Cộng Sản… chắc chắn sẽ lựa chọn đứng về phía Việt Minh dù không phải là cộng Sản… Nhưng tại sao không có một lựa chọn cho một con đường thứ ba…?” (trg. 59)

Đúng vậy! Tại sao khi người du kích bị thương biết Thạch từ thành phố mới về và không tham gia du kích thì lại gọi Thạch là Việt gian? Thạch đã chỉ điểm ai đâu, sao lại có thể gọi là Việt gian? Rồi Thạch có thực sự tham gia du kích đâu mà đã bị Tây bắt về đồn, bị bỏ đói, và gần như đã chắc chắn bỏ mạng?

Truyện là một hình ảnh chân thực về cuộc sống của người dân trong thời chiến. Một cuộc sống cực nhọc và đầy đau khổ. Chiến tranh là một cuộc tranh giành quyền lực của những người nắm quyền, và mục đích của họ không gì khác ngoài tham vọng của những loài ác thú để chiếm đoạt và thoả mãn những tư tưởng đen tối cá nhân. Và khi chiến tranh xảy ra, thì những người dân thường vẫn là những người chịu nhiều đau khổ nhất.

© 2008 talawas