trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐồng tính luyến ái trong xã hội hiện đại
14.4.2004
Lê Trần Huy Phú
Hôn nhân: Bình đẳng pháp lý cho các quan hệ đồng giới
 
Quan hệ đồng giới và hôn nhân đồng giới hiện đang được tranh cãi quyết liệt tại Hoa Kỳ, thậm chí có thể trở thành một trong những chủ đề chính của cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 này.

Thực tế, trong khi tự nhận là quốc gia đi đầu trên thế giới về dân chủ và nhân quyền, Hoa Kỳ vẫn là nơi còn nhiều định kiến trong vấn đề này, xuất phát từ các thế lực tôn giáo và tổ chức chính trị - xã hội bảo thủ. Xin nói rõ là điều này không có nghĩa luyến ái đồng giới tại Hoa Kỳ bị đối xử hà khắc. Nhưng mặc dù đã có sự thừa nhận quyền tồn tại xã hội của người đồng tính luyến ái, vẫn còn đó những chống đối gay gắt để hạn chế tối đa việc coi nó như một hiện tượng con người bình thường, hạn chế đến mức tối đa việc đem lại sự bình đẳng xã hội và nhìn nhận pháp lý đối với các quan hệ tình cảm phái tính.

Thế nhưng, trong một xã hội dân chủ, cho dù những thế lực bảo thủ có lớn mạnh đến đâu, có thể tác động đến chính sách của chính quyền đến đâu, và cho dù là bản thân chính quyền đó có bảo thủ đến đâu, thì tiếng nói và hành động của những người có lương tri đồng loại vẫn không bao giờ chấp nhận sự bất khoan dung đó, điều đã đi ngược lại sự tiến hóa đạo đức mà đến nay con người đã đạt được. Các nhà lập pháp, hành pháp tư pháp, và các công dân ủng hộ và đấu tranh cho quyền của người đồng tính luyến ái trên đất Mỹ không hề ngơi nghỉ.

Do đó, cùng với khuynh hướng chung đang diễn ra không cưỡng lại được trên thế giới, thời gian gần đây tại Hoa Kỳ đã có những thăng tiến quan trọng trong vấn đề này, dù quan điểm của chính quyền Bush và phe đa số Cộng hòa luôn muốn chống lại diễn biến đó.

Năm 2000, Vermont (một bang đông bắc, phía đông bang New York và phía bắc Massachusetts) do Howard Dean làm thống đốc lúc đó, đã đi tiên phong khi trao các quyền gia đình cho các cặp đồng giới bằng hình thức "Kết hợp dân sự" (Civil Union).

Ngày 26-06-2003, Tối cao Pháp viện Liên bang ra phán quyết thua cuộc cho bang Texas trước hai công dân John Lawrence và Tyron Garner là những người trước đó đã bị bang này tuyên phạt vì bị kết tội theo Đạo luật hành vi đồng giới (Homosexual Conduct Statute) của bang. Đây thật sự là một cơn địa chấn trong xã hội Hoa Kỳ mà dư chấn của nó vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Tối thứ sáu, 19-09-2003 Thống đốc California khi đó Gray Davis, bất chấp lời kêu gọi của tân Thống đốc sắp tiếp nhiệm Arnold Schwarzenegger rằng không nên ký các văn bản pháp lý vào giai đoạn chuyển giao, đã ký thành luật "Đạo luật về quyền và trách nhiệm đối ngẫu gia đình" (Domestic Partners Rights and Responsibilities Act of 2003) đã được các nhà lập pháp của bang thông qua trước đó. Đạo luật này khi có hiệu lực (tháng Giêng 2005) sẽ trao cho các đôi đồng giới chung sống gia đình có đăng ký của bang hầu hết các quyền và nghĩa vụ pháp lý của hôn nhân.

Thống đốc bang Wisconsin, Jim Doyle, vào ngày 11-11-2003 đã phủ quyết một dự luật đến từ các nhà lập pháp nhằm tái định nghĩ hôn nhân là duy nhất giữa nam và nữ. Doyle đã gọi "biện pháp kép" chống người đồng tính luyến ái này là "nhỏ mọn". Hội đồng lập pháp bang sau đó định lật ngược sự phủ quyết này nhưng không thành công.

Ngày 18-11-003, Tòa án tư Pháp Massachusetts ra phán quyết nhìn nhận pháp lý hôn nhân đồng giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, hôn nhân của những người cùng giới tính được nhìn nhận về mặt pháp lý tại Hoa Kỳ. Phán quyết này viết: "Dù có đi đến hôn nhân hay không và đến với ai, đến với sự thể hiện tính dục riêng tư như thế nào, dù có hay không và bằng cách nào tạo dựng một gia đình, thì những điều này vẫn nằm trong số những tự do cơ bản nhất của mỗi cá nhân, trong số những quyền pháp lý cơ bản nhất họ được hưởng.", và vì vậy "Chúng tôi tuyên bố rằng việc ngăn cản các cá nhân nhận được sự bảo vệ, những phúc lợi, và các trách nhiệm của hôn nhân dân sự chỉ vì họ muốn thành hôn với một người cùng giới tính là xâm phạm Hiến pháp Massachusetts". "Hiến pháp Massachusetts đề quyết phẩm giá và bình đẳng của mọi cá nhân. Nó ngăn cấm việc tạo nên những công dân hạng hai. Trong khi đi đến kết luận, chúng tôi đã tuân thủ trọn vẹn những lý lẽ đã có của Cộng đồng Liên bang. Nhưng có sai lầm khi định hình bất kỳ lý lẽ hiến pháp tương xứng nào cho việc từ chối hôn nhân dân sự cho các cặp cùng giới".

Phán quyết này lại là một chấn động khủng khiếp nữa. Trong hai tháng qua, từ hai phía, kể cả cấp cao nhất của ba nhánh quyền lực, tập trung nhìn về Massachusetts, đồng thời dồn lực lượng về đây để gây áp lực lên cơ quan lập pháp bang.

Vào ngày 12 tháng Giêng 2004, Thống đốc James E. McGreevey đã ký thành luật Luật đối ngẫu gia đình của bang New Jersey, và sẽ chính thức có hiệu lực 180 ngày sau.

Trong khi còn chưa đến ngày mà Tòa án Tư Pháp Massachusetts phán định sẽ phát hành hôn thú cho các đôi đồng giới nếu lập pháp bang vẫn không đưa ra giải pháp công nhận hôn nhân cùng phái, tức ngày 20-05-2004, thì đùng một cái, thật sự một "quả bom" khác lại nổ tại San Francisco, California.

Chiều ngày 12-02-2004, tại sảnh đường San Francisco, đích thân Thị trưởng Gavin Newsom cùng các quan chức thành phố đã trao hôn thú và cử hành hôn lễ cho một cặp đồng giới nữ, hai nhà hoạt động lâu năm vì quyền của người đồng giới, Phyllis Lyon, 79 tuổi và Del Martin, 83 tuổi, đã là những phối ngẫu của nhau trong 51 năm qua. Đó là đám cưới đồng giới đầu tiên được chứng nhận bởi chính quyền trong lịch sử Hoa Kỳ. Hơn 3.700 hôn sự cùng giới sau đó đã được tổ chức tại đây trước khi bị Tòa án Tối cao của bang ra lệnh ngừng lại vào ngày 12-03 vừa rồi. Cuộc đấu tranh của Gavin Newsom và quan chức thành phố nhằm bảo vệ quyết định của mình hiện đang tiếp diễn. Cuộc đấu tranh này dù còn rất cam go (thậm chí Newsom hiện trong tình trạng được bảo vệ 24/24 trước sự đe dọa đến tính mạng của ông, xuất phát từ những nguồn tin đáng tin cậy về lời đe dọa này), nhưng như Newsom đã nói vào ngày 12-02, rằng "Hôm nay, một rào cản đối với sự công bằng chân chính đã bị dỡ bỏ. Rào cản đó một khi dỡ bỏ trước một người cũng là dỡ bỏ với tất cả chúng ta", sau San Francisco đã có những nơi khác hưởng ứng theo hành động này để thúc đẩy xã hội Mỹ công nhận sự bình đẳng hôn nhân pháp lý cho luyến ái đồng giới. Đó là tại New Paltz và Nyack thuộc New York, là Portland bang Oregon.

Phía những người bảo thủ đương nhiên không khoanh tay đứng nhìn phong trào nhìn nhận pháp lý đối với luyến ái đồng giới. Tại đâu trên đất Mỹ có bất kỳ động thái nào tỏ ra bao dung đối với cộng đồng thiểu số về khuynh hướng tình cảm giới tính này, là họ đều phát đơn ra trước tòa chống lại. Hành động đỉnh điểm trong số này chính là việc xúc tiến một tu chính Hiến pháp liên bang nhằm ngăn chặn hôn nhân đồng giới.

Điều nay được phát động chính từ Tổng chưởng lý của nội các Bush, sau khi Tối cao Pháp viện Liên bang ra phán quyết ngày 26-06-2003. Họ biết rằng chỉ có Hiến pháp mới trói tay được các thẩm phán chính trực của liên bang và các bang trong việc đưa ra các phán quyết bảo vệ quyền con người và bình đẳng cho mọi công dân bất chấp khuynh hướng tính dục của họ. Tu chính này, muốn được thông qua đòi hỏi hai phần ba của cả Thượng và Hạ viện thông qua, và phải được ba phần tư các bang phê chuẩn, và điều đó được thực hiện chỉ 27 lần trong hơn 200 năm qua.

Điều này cho thấy tầm vóc của vấn đề, và chính vì thế, dù được hành pháp và phe đa số trong Quốc hội ủng hộ, nó không dễ dàng được đẩy nhanh. Người Mỹ, cho dù đa số có định kiến đến đâu, cũng khó mà chấp nhận ghi vào một văn kiện mà họ tự hào là Hiến pháp dân chủ đầu tiên tiên thế giới một điều khoản có sự phân biệt đối xử với một cộng đồng công dân. Trong số những chính trị gia chống hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cũng có một phần không nhỏ cho rằng không nên đẩy vấn đề đến tầm mức Hiến pháp liên bang, mà hãy để cho các bang tự định đoạt vấn đề hôn nhân hay kết hợp dân sự, như thẩm quyền trước nay của họ. Trước sự phản ứng đó, những người bảo trợ cho tu chính được đề nghị này đã phải "mềm hóa" nó. Mới đây họ đã phải nói rằng, dù ngăn chặn người đồng giới đi đến hôn nhân nhưng tu chính này sẽ để mở cho "kết hợp dân sự" với một số quyền lợi giống như hôn nhân dị giới cho người đồng giới. Sự giằng co vẫn đang tiếp diễn.

Trong bối cảnh những người bảo thủ xúc tiến một tu chính án như vậy, một ngày trước khi Tiểu ban Hiến Pháp của Thượng viện bước vào phiên điều trần khởi động cho một tu chính án chống hôn nhân cùng phái, Human Rights Watch, vào ngày 04-09-2003, đã phát hành một tường trình nhắm vào phiên điều trần này nói riêng và chính sách của chính quyền nói chung đối với vấn đề. Bản tường trình có tên "Không phân biệt đối xử trong hôn nhân dân sự: Nhìn từ luật pháp và thực tiễn quốc tế" (Non-discrimination in Civil Marriage: Perspectives from International Human Rights Law and Practice), sẽ được giới thiệu ở phần dưới đây.

Giới thiệu bản dịch này tôi không thuần túy chỉ đề cập đến chuyện hôn nhân đồng giới tại Hoa Kỳ, mà mong muốn thông qua đó, từ diễn đàn của talawas, kết nối đến vấn đề luyến ái đồng giới ở Việt Nam, một hiện tượng xã hội đã tồn tại thực tế và bán công khai ở một phần giới trẻ (tất nhiên không loại trừ đối tượng là người lớn tuổi) nhưng lại bị các thế hệ đi trước hoàn toàn làm ngơ hoặc lên án một cách thiếu hiểu biết và đầy định kiến.

Để trở lại với sự việc ở Hoa Kỳ, xin chuyển đến bạn đọc hai ý kiến sau.

Một là của Gray Davis phát biểu trong ngày ký Đạo luật về quyền và trách nhiệm đối ngẫu gia đình. Ông nói: "Một gia đình là gia đình không phải vì phái tính, mà vì những giá trị của nó, như sự phó thác (cho nhau), tin cậy (vào nhau), và tình yêu (của nhau)." Điều này đúng cho cả hôn nhân dị giới lẫn đồng giới.

Hai là của Diana DeGette, Nghị sĩ liên bang, tại một trong những cuộc meeting được tổ chức khắp nơi trên nước Mỹ để ủng hộ hôn nhân đồng giới nhân vào Valentine's Day vừa rồi. Bà nói: "Tôi hài lòng để nói rằng việc cho phép các đôi đồng giới đi đến hôn nhân sẽ không ảnh hưởng đến sự thiêng liêng trong hôn nhân của tôi. Bất kỳ cặp kết hôn dị giới nào nghĩ rằng hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ tổn hại đến quan hệ (dị giới) của họ thì họ nên cần đến một chuyên viên tư vấn hôn nhân".

27.03.2004

(Bài viết sử dụng nhiều thông tin và đoạn dịch sẵn từ các bài của người có nickname Angel tại forum http://www.voy.com/27186/, người mà tôi muốn được xin phép và cám ơn khi viết bài này nhưng lại không thể liên lạc.)




Tài liệu tham khảo

Không phân biệt đối xử trong hôn nhân dân sự: Nhìn từ luật pháp và thực tiễn nhân quyền quốc tế

(Tường trình toát lược của Human Rights Watch, công bố ngày 4 tháng Chín 2003)

Lê Trần Huy Phú dịch


Nhiều người thường cho rằng chính quyền thừa nhận các quan hệ yêu đương và sự chăm sóc riêng tư của họ. Nhưng thật ra một số quan hệ tình cảm lại không được công nhận một cách độc đoán. Kết quả có lẽ là phá hoại. Một đối ngẫu có thể bị chối từ các quyền:

Đưa quyết định y tế nhân danh đối ngẫu khi người này đau ốm, hay ngay cả việc viếng thăm đối ngẫu hoặc con của người này.
Đưa đối ngẫu bị mất người thân hoặc đau yếu đi chăm sóc, hay tang chế cho đối ngẫu hoặc con cái của người này.
Chia sẻ bình đẳng các quyền và trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái.

Có người đối ngẫu chăm lo các thủ tục về phúc lợi y tế và việc làm.
Đưa đơn di trú hay cư trú cho đối ngẫu sống ở nước khác.
Liên kết hồ sơ hồi thuế và thụ hưởng các phúc lợi thuế cho các cặp, liên kết lợi ích trong bảo hiểm, hay ngay cả việc cho thuê hoặc sở hữu tài sản chung.
Có sự bảo vệ chống bạo hành gia đình.
Nhận được dàn xếp công bằng về của cải khi quan hệ kết thúc.
Thừa kế từ đối ngẫu đã qua đời nếu người này không làm chúc thư.
Chọn nơi an ngủ cuối cùng cho đối ngẫu.
Nhận phúc lợi hưu trí nếu đối ngẫu qua đời.

Ở những nước từ chối đi đến hôn nhân cho các cặp đồng giới, các bất bình đẳng có hệ thống như vậy, theo lệ thường, vẫn được khoan thứ. Trong tường trình toát lược này, Human Rights Watch xem xét sự bất bình đẳng đó qua lăng kính của luật pháp và thực tiễn nhân quyền quốc tế.

Quyền hôn nhân là một quyền con người cơ bản. Việc áp dụng không thoái thác sự bảo vệ quốc tế chống đối xử bất bình đẳng phát ra một đòi hỏi rằng các cặp đồng giới nam và nữ - trong phạm vi luật pháp quốc tế chống phân biệt đối xử, - không kém gì các cặp dị giới, cần thụ hưởng quyền không có bất kỳ "loại trừ" hôn nhân dân sự nào. Hơn nữa, các dẫn chứng tóm tắt trong văn bản này cho thấy xu hướng ở nhiều quốc gia đi tới công nhận quyền này.

Nhiều phán lệnh đã đáp lại lời kêu gọi bình đẳng trong công nhận các quan hệ tìmh cảm, bằng việc tạo nên một chế định tương đương nhằm điều tiết các quan hệ đồng giới. Các luật về điều được gọi là "kết hợp dân sự" hay "đối ngẫu gia đình" được chấp nhận ở nhiều nước và vô số các vùng. Các bước như vậy thể hiện sự tiến bộ, nhưng là tiến bộ không đầy đủ. Những nỗ lực này gần như tạo nên địa vị tương đồng với hôn nhân tuy vẫn giữ những khác biệt quan trọng. Chúng có lẽ phản ánh định kiến rơi rớt lại đối với các đôi cùng giới, hay quan niệm bất bình đẳng vốn có về cái tạo nên một "quan hệ tình cảm sai phạm".

Chính quyền nào cam kết với bình đẳng thì không thể đảo ngược hợp pháp phạm vi nào đó của đời sống dân sự khi cho phép miễn trừ trước những vùng bất bình đẳng. Các nguyên tắc nhân quyền đòi hỏi chính quyền chấm dứt phân biệt đối xử trong hôn nhân dân sự trên cơ sở thiên hướng tình cảm giới tính, và để mở địa vị hôn nhân đến tất cả.


I. Công nhận các quan hệ tình cảm: Luật pháp và thực tiễn quốc tế

Trong việc quyết định ai và bằng cách nào thụ hưởng quyền hôn nhân, thì sức mạnh của những nguyên tắc bảo vệ quốc tế chống kỳ thị - gồm cả bảo vệ trên cơ sở giới tính và cả khuynh hướng tính dục - rõ ràng là thích hợp.

Hiệp ước Quốc tế về Quyền chính trị và Quyền dân sự (ICCPR), mà Hoa Kỳ là một thành viên ký kết, cấm phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính [1] . Năm 1994, trong vụ Nicholas Toonen kiện Australia, Uỷ ban Nhân quyền Liên hiệp quốc, cơ quan theo dõi sự tuân thủ và phân xử bạo hành theo ICCPR, nhận định các luật trừng phạt hành vi đồng giới ở người trưởng thành liên ứng là xâm phạm các nguyên tắc bảo vệ chống kỳ thị trong ICCPR [2] . Đặt biệt, Uỷ ban Nhân quyền cho rằng "khuynh hướng tình cảm giới tính" là một tình trạng được bảo vệ trước sự phân biệt đối xử, theo ICCPR, nhận định rằng tham chiếu đến "tính dục" trong các điều khoản 2 và 26 là đã bao gồm khuynh hướng tính dục [3] . Nên, cùng một ứng dụng đúng lý đối với hôn nhân, việc ngăn chặn những người đồng giới nam và nữ đi đến hôn nhân dân sự là một hình thức kỳ thị về thiên hướng tình cảm giới tính [4] .

Chấm dứt kỳ thị trong tiếp cận hôn nhân dân sự đã trở thành vấn đề bức bách ở nhiều quốc gia. Cơ quan lập pháp Hà Lan, năm 2001, và Bỉ, năm 2003, đã mở rộng quyền hôn nhân dân sự đầy đủ cho các đôi đồng giới. Tòa án các tỉnh Ontario và British Columbia, Canada, đã rộng mở hôn nhân đến các cặp cùng giới vào năm 2003. Quốc hội Canada có thể nới rộng sự khả dĩ của hôn nhân đồng giới trên khắp nước này trong năm nay.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những phát triển gần đây nhất và nhanh chóng nhất trong xu hướng quốc tế rộng khắp công nhận các quan hệ cùng phái. Năm 1989, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trao vị thế quan hệ có đăng ký cho các đôi cùng giới. Trong những năm tiếp theo, Na uy, Thụy Điển, Iceland, và Phần Lan đều theo bước. Và năm 1995, các nước Scandinavia đã ký kết một hiệp ước công nhận các quan hệ tình cảm có đăng ký của lẫn nhau.

Năm 1995, Hungary mở rộng việc công nhận hôn nhân "thực tế" đối với các đối ngẫu cùng giới tính. Từ đó, trên lục địa Châu Âu, Croatia, Pháp, Đức, và Bồ Đào Nha đã xây dựng các hình thức công nhận cho các quan hệ đồng giới.

Sự nhìn nhận như vậy không giới hạn ở Châu Âu. Hiến pháp năm 1996 của Nam Phi dứt khoát cấm phân biệt đối xử trên cơ sở tình cảm giới tính. Một số lớn phán quyết quan trọng trên cơ sở điều khoản này đã xác quyết quyền bình đẳng của các cặp đồng giới nam và nữ trong phúc lợi hôn nhân, con nuôi và chăm sóc con cái, và quyền di trú cho người đối ngẫu ngoại quốc. Tòa án Hiến pháp Nam Phi đã nhận định rằng "gia đình và đời sống gia đình đối với những người đồng tính ái nam và nữ là có thể xây dựng được. Có sự tôn trọng mang ý nghĩa, không thể tách biệt [mang tính kỳ thị] trước những đôi phối ngẫu này. Và các quan hệ con người càng trở nên quan trọng đối với các cặp đồng giới nam và nữ khi họ đi đến quan hệ phối ngẫu gia đình" [5] . Ngày 01/09/2003, Uỷ ban Cải cách Luật pháp Nam Phi công bố một báo cáo, lên án việc không công nhận pháp lý chính thức đối với hôn nhân đồng giới là vi hiến.

Ở cấp độ quốc gia, quan hệ cùng giới được nhìn nhận ít nhất là vì một số phúc lợi hôn nhân, như ở Brazil, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Czech, Israel, New Zealand, cùng các nước khác. Ở cấp độ địa phương, quan hệ đồng giới được nhìn nhận trong nhiều phán lệnh tư pháp, đa dạng, như tại Argentina, Australia, Brazil, Italy, Spain, và Switzerland, cũng như ở bang Vermont bên trong Hoa Kỳ.

Tại tất cả các nước này, việc mở rộng tiếp cận đến các quyền trong hôn nhân dân sự đã không làm biến đổi mà cũng không công kích vào các giá trị đạo đức và văn hóa nền tảng. Đúng ra, nó xác quyết tầm quan trọng của bình đẳng công dân mà không để lại sự quấy nhiễu đối với tự do tư tưởng và niềm tin cá nhân. Hầu hết các quốc gia, trong các thế kỷ qua, đã xây dựng phạm vi luật dân sự chi phối cả cánh cửa đi đến hôn nhân và cả sự tan rã của nó. Các nhà làm luật tìm kiếm sự bảo đảm việc bước vào hôn nhân chỉ bằng sự tự do và đồng thuận lẫn nhau hoàn toàn; bảo đảm rằng các đối ngẫu hưởng thụ các quyền bình đẳng trong hôn nhân; và để bảo vệ sự phân chia công bằng tài sản khi hôn nhân kết thúc. Theo đó, điều chỉnh nhà nước đối với hôn nhân thường phân rẽ với các quy tắc tôn giáo. Nhiều nước, chẳng hạn, cho phép cả ly dị và tái hôn dù tôn giáo phổ biến tại đó có thể lên án cả hai trường hợp. Vì thế, có tiền lệ rõ rệt là các luật hôn nhân dân sự công nhận các hôn sự mà nếu theo các tiêu chuẩn tôn giáo thì có thể không. Luật công dân về hôn nhân có thể được tu chính để chấm dứt phân biệt đối xử trên cơ sở tình cảm giới tính mà không xâm phạm quyền của các tôn giáo duy trì luật lệ và thực tế của chính họ. Và dù gì chăng nữa, chừng nào mà nhà nước nắm giữ hôn nhân với tư cách người công nhận pháp lý các quan hệ tình cảm, nó cần được chi phối bởi những nguyên tắc bảo vệ quốc tế cho bình đẳng và chống lại sự phân biệt đối xử.

Liên hiệp quốc cũng có một phạm vi rộng rãi trong việc xác thực những tiến triển - thay vì cố định - của định nghĩa về gia đình. Uỷ ban Nhân quyền LHQ đã lưu ý rằng "khái niệm gia đình có thể khác biệt trong vài khía cạnh, giữa các quốc gia, và ngay cả giữa các tôn giáo, và vì thế không thể đưa ra một định nghĩa chuẩn mực chung" [6] . Uỷ ban Quyền trẻ em LHQ đã tuyên bố điều này trong "Nhận định về môi trường gia đình", rằng cần phản ánh "những cấu trúc gia đình khác nhau, phát sinh từ các mẫu hình văn hóa và các quan hệ tình cảm gia đình đa dạng đang nổi lên" [7] .


II. Kết hợp dân sự hay Hôn nhân?

Nhiều phán quyết tư pháp đã đáp lại lời kêu gọi bình đẳng trong công nhận các quan hệ tình cảm, bằng việc tạo nên một định chế tương đương cho việc điều chỉnh quan hệ đồng giới. Các luật về điều được gọi là "kết hợp dân sự" hay "đối ngẫu gia đình" đã được áp dụng ở nhiều nước và vô số các địa phương. Trong vài trường hợp (như ở Pháp), chúng đưa địa vị này tiếp cận đến cả các cặp đồng giới và dị giới, trong khi hôn nhân thì vẫn dành riêng cho các đôi dị giới. Những trường hợp khác (như ở Đức), tình trạng này chỉ dành cho các cặp cùng giới trong khi hôn nhân là lựa chọn duy nhất cho việc công nhận chính thức quan hệ tình cảm dị giới.

Những bước như vậy thể hiện tiến bộ, nhưng là tiến bộ không đầy đủ. Phần lớn những nỗ lực này tạo nên vị thế tương tự hôn nhân tuy vẫn giữ những khác biệt quan trọng. Chúng có lẽ phản ánh định kiến còn rơi rớt lại đối với các đôi đồng giới, hay những quan niệm bất bình đẳng vốn có về cái tạo nên "quan hệ tình cảm sai phạm". Tại bang New York, Hoa Kỳ, chẳng hạn, các đối ngẫu gia đình muốn sự đăng ký chính thức phải chứng minh rằng họ đã sống với nhau hai năm liên tục; trong khi người đàn ông và đàn bà tìm kiếm hôn nhân có thể làm điều đó mà không có những vấn đề xâm phạm sự tư riêng như họ đã biết nhau bao lâu, hay họ đã cư trú ở đâu. Các đôi cùng giới phải đối mặt với gánh nặng bất bình đẳng và phân biệt đối xử, là chứng minh quan hệ của họ là "thật". Tương tự, vài phán quyết đòi hỏi các cặp đồng giới chứng minh rằng họ chia sẻ tài chính hay công khai thể hiện chính họ là một cặp. Trong hoàn cảnh mà sự khẳng định công khai quan hệ đồng giới của một người có thể dẫn đến kỳ thị hay bạo hành; hoàn cảnh mà người ta có thể mất việc hay nhà ở mà không có bồi thường pháp lý; thì gánh nặng phải chịu đựng không chỉ là phân biệt đối xử, mà còn là những nguy hiểm.

Ngoài ra, "kết hợp dân sự" không mang lại cùng sự bảo đảm công nhận từ các khía cạnh tư pháp khác mà hôn nhân thông thường có được. Đã có một hiệp ước quốc tế điều tiết việc công nhận hôn nhân xuyên biên giới [8] . Ngay cả các quốc gia không tham gia hiệp ước này thì dù sao, với học thuyết thân thiện quốc gia - được định nghĩa trong luật pháp Hoa Kỳ là "nhìn nhận điều mà một quốc gia cho phép trong lãnh thổ của họ đối với hành động lập pháp, hành pháp, tư pháp của quốc gia khác, có liên quan đến nghĩa vụ và lợi ích quốc tế, và cả đối với những quyền mà công dân của chính họ được bảo bệ theo luật pháp của họ" [9] - thường đưa các nước đến chỗ công nhận hôn sự được thực hiện tại cơ quan tư pháp nước khác. Gánh nặng biện minh việc từ chối nhìn nhận hôn nhân nước ngoài đặt trên chính phủ. Gánh nặng này thường, và không công bằng, đặt trên những đối ngẫu "kết hợp công dân" khi chứng minh việc nhìn nhận ngoài biên giới của họ. Điều này có thể đưa đến những kết quả đau đớn và nghiêm trọng khi các đối ngẫu kết hợp dân sự du hành đến một nơi mà nền tư pháp không nhìn nhận họ. Ngay cả quyền của đối ngẫu chăm sóc một đứa con cũng có thể bị đe dọa.

Cuối cùng, về sự phân liệt kết hợp dân sự thành một tình trạng pháp lý đặt biệt như một hình thức nhìn nhận "riêng biệt mà bình đẳng". Riêng biệt ra không bao giờ là bình đẳng: kinh nghiệm phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ chứng minh hùng hồn như thế nào rằng duy trì các dị biệt chỉ làm trường tồn sự kỳ thị. Cho dù các quyền được hứa hẹn trên giấy đối với sự kết hợp công dân tương ứng chính xác với những điều này ở hôn nhân dân sự, thì khăng khăng một thuật ngữ riêng biệt có nghĩa là việc xỉ nhục trước một thành phần hạng hai vẫn sẽ đeo đẳng các quan hệ này.

Chính quyền nào đã cam kết với bình đẳng thì không thể đảo ngược hợp pháp phạm vi nào đó của đời sống dân sự khi miễn trừ những vùng bất bình đẳng được cho phép. Các nguyên tắc nhân quyền đòi hỏi nhà nước chấm dứt phân biệt đối xử trong hôn nhân dân sự trên cơ sở thiên hướng tình cảm giới tính, và để mở địa vị hôn nhân đến tất cả.

6 tháng Chín 2003

© 2004 talawas


[1]Hiệp ước Quốc tế về Quyền dân sự và Quyền chính trị, (ICCPR), G.A. res. 2200A (XXI), 21 LHQ. GAOR Bổ sung. (Số. 16) tại 52, Văn bản LHQ. A/6316 (1966), 999 U.N.T.S. 171, đã có hiệu lực vào ngày 23/03/1976. Điều 26 của ICCPR tuyên bố:
Mọi người đều bình đẳng trước luật pháp và không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trước sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp. Theo đó, luật pháp phải ngăn cấm mọi sự kỳ thị và bảo đảm cho mọi người sự bảo vệ bình đẳng và có hiệu quả chống lại sự phân biệt đối xử trên cơ sở của bất kỳ điều gì, như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay tư tưởng, xuất thân xã hội hay dân tộc, tài sản, bẩm sinh, hay một tình trạng tình trạng nào khác.
[2]Nó cũng cho rằng họ xâm phạm những bảo vệ cho sự riêng tư trong Điều 17 của ICCPA. điều này viết: "Không ai phải chịu sự can thiệp độc đoán và phi pháp vào sự riêng tư, vào gia đình, chỗ ở và thư tín, cũng không ai phải chịu những công kích phi pháp vào nhân phẩm và danh dự".
[3]Nicholas Toonen kiện Australia, Uỷ ban Nhân quyền, Vụ kiện số 488/1992, Văn bản LHQ. CCPR/c/50/D/488/1992, tại 8.7.
[4]Cấm cản hôn nhân đồng giới có thể xem như sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính vì hôn nhân được mở ra cho mọi người mà không vì giới tính của đối ngẫu họ chọn lựa.
[5]Liên minh Toàn quốc vì Quyền bình đẳng của người Đồng tính Luyến ái kiện Bộ trưởng Nội vụ, Tòa án Hiến pháp Nam Phi, vụ kiện số 3988/98, tại 53.
[6]"Nhận định chung thứ 19: Bảo vệ gia đình, quyền hôn nhân và bình đẳng của các phối ngẫu", Uỷ ban Nhân quyền, Văn kiện LHQ. HRI/GEN/1/Rev.2 (1990), tại 2.
[7]"Báo cáo về Kỳ họp thứ năm", Uỷ ban Quyền trẻ em, Văn kiện LHQ. CREC/C/24, Phụ lục V.
[8]Công ước Hague Số 26 về sự Ca ngợi và Nhìn nhận Giá trị Pháp lý của Gia đình (1978).
[9]Clubb kiện Clubb, 402 Ill. 390, 399-400, 84 N.E. 2d 366 (1949), trích Hilton kiện Guyot, 159 US 113, 164, 40 L. Ed. 95, 108, 16 S. Ct. 139, 143 (1895).

Nguồn: Bản Anh ngữ tại http://hrw.org/backgrounder/lgbt/civil-marriage.htm