trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
30.4.2007
Đỗ Kh.
Thất thủ Ninh Bình
 
Tăng T54 bị bắn hạ tại Ninh Bình bởi Sư đoàn 18 BB miền Nam trên đường tiến đến Hà Nội vào ngày 11.4.1975
Ngày 20.4.1975 thành phố Ninh Bình bị bỏ ngỏ. Sau tám ngày chống cự mãnh liệt với bốn sư đoàn miền Nam và giữ vững tuyến, Sư đoàn 320 Bắc Việt đã phải triệt thoái về để bảo vệ Hà Nội. Ở Đông Nam, Nam Định đã bị các lực luợng Mặt trận (Giải phóng miền Bắc) từ “Bùi Chu đất thép” và “Phát Diệm quê hương đồng khởi” cô lập trong khi Hải Dương bị Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến đe doạ dồn dập tại ngoại vi sau khi làm chủ Hải Phòng. Tình thế không còn lật ngược được nữa, Trung Quốc quyết định hé cửa khẩu Đồng Đăng và Lạng Sơn cho dân chúng và các đơn vị Quân đội Nhân dân đang đổ xô về phía biên giới, trong khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đã an toạ tại Bình Nhưỡng cùng với lãnh tụ Khmer láng giềng, ông Pol Pot.

Sáng 30.4, tân Chủ tịch nước mới vừa nhậm chức được ba ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi trong Dinh đợi các chiến xa M48 của địch tiến vào thủ đô. Lời “thầm hẹn” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trở thành sự thật:

Hôm nao chiều mưa phơn phớt lạnh
Hiến cả đời trai với sa trường
Bao nhiêu chàng trai tay siết mạnh
Thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi!
(“Anh đi chiến dịch”)

Trên cầu Chương Dương vào lúc trưa, trung uý Cao Xuân Huy (tác giả về sau của hồi kí Tháng Ba bẻ địch thuật lại cuộc đổ bộ Vinh của Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến) ngồi trên thiết vận xa M113 đi đầu, thấy một chiếc xích lô thong thả từ thành phố ngược chiều đi ra. Trước cảnh lạ lùng này, anh nhảy xuống hỏi thanh niên ngồi trên xích lô:

“Anh đi đâu?”

“Đi đâu, đi đâu bây giờ? Xong rồi… Xong hết rồi…" Hành khách này trả lời.

Vào 10 giờ 30, trước đó hơn một tiếng, Lữ đoàn 3 Kỵ binh, Lực lượng Xung kích Quân đoàn 3 miền Nam, đã ủi sập hàng rào sắt ngoài cổng Dinh Chủ tịch và treo cờ vàng ba sọc đỏ. Chạy ngang Cột Cờ (vì đi lạc mất một lúc trong khi tìm Bắc bộ Phủ), trung uý Huy còn thấy xác một thượng tá công an tự sát nằm ngay ngắn với khẩu Makarov cạnh người. Nhưng anh không biết, người thanh niên trên xích lô vào trưa hôm đó về sau lại là nhà thơ Đồng Đức Bốn, có hai câu cảm thán:

Xong rồi chẳng biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu qua cầu Chương Dương

Ở ngõ Hàng Hành, người ta thấy một người đàn ông trung niên mang quân phục miền Nam đứng vơ vẩn một lúc lâu (cạnh căn nhà giờ là càfé Nhân) rồi ngồi sụp xuống vỉa hè ôm mặt khóc. Vài người đánh bạo rụt rè ra hỏi chuyện “giặc nguỵ” này thì ông nức nở thật sự chứ không phải chỉ vì bị hành làm cay mắt. Đó là nhạc sĩ Anh Bằng và thay vì trả lời ông run run cất giọng:

Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu thương thành khói tan trong mây chiều
(“Nỗi lòng người đi”)

Cố nhân của nhạc sĩ “Ai đứng trông ai ven Hồ/ Khua nước trong như ngày xưa” theo hàng xóm cho biết là giờ nay là nữ cứu thương trên chiến trường và đã mịt mờ tăm tích nhưng nội chiến tương tàn Nam Bắc vừa mới kết thúc và Việt Nam hoà bình, thống nhất và độc lập sau 20 năm.


*


Nếu đây là chuyện xảy ra hơn 30 năm về trước và cho là như vậy, thì để tiếp tục chuyện này cho đến 2007, cần có một số câu hỏi phải trả lời.

Việt Nam Cộng hoà trong những năm sau đó (và đến giờ này) có áp dụng chính sách lý lịch và phân biệt hay không, chẳng những đối với những người trách nhiệm và ít nhiều hệ luỵ với chế độ miền Bắc hay Đảng Cộng sản, mà đối với cả con cả cháu của họ?

Đối với những người trách nhiệm nói trên, chậm chân không sang Trung Quốc, Bắc Triều Tiên kịp (hay tị nạn Cuba), có lùa 300.000 từ cấp chuẩn uý trở lên vào các trại học tập dân chủ tư sản và gắng cải tạo họ thành doanh gia mẫu mực của kinh tế thị trường?

Ngoài hơn 100.000 người vào những ngày cuối sang lánh nạn ở các nước xã hội chủ nghĩa, có hơn triệu người phải chôn dầu, [1] đóng thuyền từ Bãi Cháy, Quảng Ninh vượt biên tìm đường sống ở Liên Xô, Hung, Ba Lan, Tiệp hay không?

Hà Nội có phải đổi tên hay không? Và đổi tên gì, tên ai?

Chuyện đổi tiền bắt buộc phải xảy ra, nhưng sẽ xảy ra như thế nào? Có chiến dịch kiểm kê tài sản, tịch thu văn hoá phẩm, đốt sách, “đánh cộng sản” đợt 1, đợt 2 hay không? Lực lượng Xung kích Quân đoàn 3 miền Nam ngày nay có làm chủ toàn thể khu vực Gia Lâm, tịch thu nhà cửa của quân nhân chế độ cũ ở Phố Lính để rầm rộ kinh doanh? Vợ con của thành phần chế độ cũ này có phải đẩy đi kinh tế mới, đào đắp thuỷ lợi để kết quả là cả nước ăn độn?

Nói chung và nói rộng, vào ngày hôm nay, 2007, thì về mặt dân chủ chính trị, tự do xã hội, quyền lợi lao động (nghiệp đoàn), về mặt giáo dục, y tế công cộng, về mặt công bằng, về cách biệt giàu nghèo, về mặt tội ác, tiêu cực xã hội… đất nước đang ở vị trí nào?

Về mặt phát triển văn hoá, nghệ thuật ?

Chương trình ca nhạc Thúy Nga Bucharest có tồn tại đến số 89 được không?

Mỗi người chúng ta hẳn có một trả lời riêng theo trí tưởng tượng cá nhân và lập trường cố định. Nhưng hỏi cũng là đã trả lời và người viết cũng xin phép được có ý kiến.

Việt Nam Cộng hoà (thống nhất), sau nhiều lần bầu cử tự do và đa nguyên, tưởng đã được quân đội để yên, lại vừa có mấy cha nội này đảo chánh. Thủ tướng là người giàu nhất nước vừa mới phải ra đi sau khi bán công ty viễn thông do ông thành lập (FPT) với giá 1,2 tỉ USD cho Singapore. Đĩ thì đầy đường, rất là vui mắt, nhưng về mặt phát triển kinh tế, chẳng ai lo hay phải ngồi bàn ra cãi vào là chẳng bao giờ hay bao nhiêu năm nữa mới đuổi kịp một quốc gia bên cạnh như là Thái Lan.

© 2007 talawas



[1]Dầu (ghe máy) thời vượt biên quý‎ như là vàng, và phải đem chôn giấu trước ở bãi biển đợi đến ngày (đến đêm) khởi hành, đào lên để sử dụng. Đình Văn đã có thể viết ca từ “Mưa bụi”, Em hỏi rằng hôm nay đi đâu/Anh trả lời anh đi… chôn dầu?