trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
7.10.2006
PhÆ°Æ¡ng Duy
Trao đổi để thông cảm, không phải để hận thù
 
Khoảng một năm trước đây, tôi đã có dịp đóng góp một số ý kiến với ông Tiêu Dao Bảo Cự khi ông viết trên mạng Đàn Chim Việt online bài “Về một diễn đàn dân chủ. Sau đó đầu năm nay lại có dịp được đọc toàn bộ tập Tôi bày tỏ của ông, mặc dù ông đã viết tập sách này hơn mười năm trước. Tuyển tập Trên cả hận thù thì tuy chưa được đọc, nhưng qua bài phân tích của Bảo Trâm, một người có liên hệ bà con với ông, tôi cũng có thể gọi là biết qua một chút quan điểm của ông những ngày tháng sau này. Dù có rất nhiều ý bất đồng, tôi vẫn ngưỡng phục ông trong tư cách một người dấn thân cho sự chuyển đổi dân chủ hoá Việt Nam. Từ đó đến nay, tôi vẫn có ý mong ngóng ông trả lời về một số vấn đề còn đang tranh luận. Hôm nay, nhân bài viết “Tỉnh thức, cảng giác nhưng thông cảm và bao dung” trên talawas, tôi xin mạo muội coi đây là một phần những giải đáp của ông. Và như thế, trên cùng một tinh thần đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam bằng các phương tiện hoà bình bất bạo động, đối thoại nhưng không đối đầu, tôi xin được góp thêm một số ý kiến để mong rằng, dù có nhiều đường hướng khác nhau, người Việt Nam chúng ta vẫn có thể chung lưng góp sức xây dựng được một con đường tự do dân chủ cho Việt Nam mau chóng đạt kết quả hơn, hoặc ít nhất chúng ta có thể cùng đồng ý về những bất đồng, có nghĩa rằng, dù khác nhau về tư tưởng và đường lối, những người yêu chuộng độc lập, tự do, dân chủ, hoà bình và phát triển cho Việt Nam vẫn có thể cùng nhau hợp tác ở một vài phương diện.

Tôi xin không bàn luận về quan niệm “chống Mỹ cứu nước” như ông diễn tả: không phải do bị cộng sản tuyên truyền, mà là do những dữ kiện thực tế như cảm thấy nhục nhã cho dân tộc vì chứng kiến cảnh một toán lính Mỹ tắm truồng ngay bờ sông, một bọn Mỹ khác thì say rượu đi chọc ghẹo đàn bà con gái hay lái xe cán chết người hay thậm tệ hơn, bắn giết người bừa bãi như vụ Mỹ Lai (một đám lính vô kỷ luật, thời nào nơi nào chả có, đâu phải chủ trương của một quân đội); sự quyết đoán của ông (qua suy luận) về một người con gái Việt Nam đi làm việc cho một trại giam mới của Mỹ (qua lời đồn của tù) và từ đó trí tưởng tượng của ông hình dung ra những nghiệt ngã của cuộc đời những người con gái bản xứ, khiến lòng tự ái dân tộc trong ông bùng lên thành tư tưởng đấu tranh chống Mỹ; hoặc như trước đây ông từng viết, lòng dũng cảm của một người du kích cộng sản trong tù đã thuyết phục và lôi cuốn ông đến với cộng sản và trở thành đảng viên, cho dù những chuyện như cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn-Giai phẩm, cuộc di cư của gần một triệu người từ Bắc vào Nam mà ông cũng biết nhưng cho là quá xa vời… Đó là những quan niệm riêng của ông ở một thời tuổi trẻ. Mà tuổi trẻ thì ai mà không bồng bột, không lỗi lầm?

Ở đây, tôi xin bàn luận về một số vấn đề có tính cách rộng rãi, tập thể hơn, đó là ý niệm về thể chế Việt Nam Cộng hoà, các chính quyền miền Nam Việt Nam, quân cán chính Việt Nam Cộng hoà, những suy nghĩ và nhận định hiện tại (không phải quá khứ) của những người trí thức phản kháng miền Nam về các tập thể đó. Đưa ra những vấn đề này không phải để phê phán, khơi dậy hận thù như một số người thường ngộ nhận. Chúng ta cần đi vào tranh luận để mọi vấn đề sáng tỏ hơn và chúng ta có thể hiểu nhau hơn. Tranh luận càng sâu, càng nhiều chi tiết được mổ xẻ, đồi thoại càng rõ ràng, con người càng gần nhau hơn, những tồn đọng càng dễ giải quyết, tránh được những nghi kỵ hiểu lầm.


*


Trước hết, chế độ Việt Nam Cộng hoà và các chính quyền của Việt Nam Cộng hoà là hai thứ hoàn toàn khác biệt mà tôi cho rằng ông Tiêu Dao Bảo Cự cũng như nhiều người khác hiện vẫn còn lẫn lộn. Chế độ hay thể chế, theo tôi, là tinh thần chính trị của một tư tưởng được một quốc gia chấp nhận để tiến đến cái lý tưởng mà quốc gia ấy muốn đạt tới. Sự chấp nhận chế độ như vậy được quy định trong Hiến pháp do Quốc hội Lập hiến soạn thảo và toàn thể nhân dân đồng ý qua một cuộc trưng cầu dân ý. Trong khi đó, chính quyền là một guồng máy được tạo ra từ chế độ với nhiệm vụ thi hành và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, có thể có sự thay đổi nhiều chính quyền trong một chế độ, người ta có thể bảo vệ chế độ mà không bảo vệ chính quyền. Nói khác đi, chế độ có thể vẫn tồn tại trong khi chính quyền bị lật đổ, đó là trường hợp của Việt Nam Cộng hoà trong thời gian chiến tranh.

Hiểu chính quyền và chế độ như thế, chúng ta sẽ thấy rõ chế độ là linh hồn mà chính quyền chỉ là bộ mặt. Bộ mặt có thể thay đổi nhưng linh hồn thì không. Tác giả Trần Trung Đạo, một người viết mà tôi rất gần gũi quan điểm (và ông Tiêu Dao Bảo Cự cũng có nhiều cảm tình), đã viết rõ ràng về điều này trong “Khám nghiệm một hồn ma”. Trần Trung Đạo đã gọi những chính quyền đó là những hồn ma với nhiều nhà lãnh đạo bất tài, thiếu đức, tham nhũng và hưởng thụ trên xương máu của đồng bào mà ông không muốn vực dậy. Tôi cũng thấy không cần thiết phải biện minh cho họ, dù trong đó có người tài đức, đơn giản vì một guồng máy đã cũ, dù tốt đẹp thì sau hơn ba mươi năm ngưng chạy cũng đã lạc hậu, già nua và không còn hợp với xu thế thời đại. Nhưng dù tình trạng tham nhũng, thối nát bất xứng đến độ hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ, với một cái nhìn khách quan, người ta cũng có thể phần nào thông cảm cho cái khó khăn hạn chế của sự ra đời một nền dân chủ non trẻ lúc bấy giờ. Vạn sự khởi đầu nan. Trần Trung Đạo cũng đã nhận định rõ về điều này trong “Những người đi tìm Tổ Quốc”.

Mặc dù các chính quyền miền Nam thì chập chững và non kém trong bước đầu thực thi nền tự do dân chủ thì ít nhất qua bản Hiến pháp 1967, chế độ Việt Nam Cộng hoà, về mặt lý thuyết, tự nó đã khá hoàn chỉnh và tốt đẹp. Các quyền độc lập tự chủ của đất nước, quyền căn bản về tự do dân chủ của người dân, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân được xác định khá rõ ràng và trong sáng. Vậy chế độ Việt Nam Cộng hoà ấy có phải là một hồn ma? Theo tôi, chế độ ấy dù đã mất nhưng cái tinh thần và lý tưởng cao đẹp trong bản Hiến pháp của nó vẫn nên được coi là nền tảng cho một nền tự do dân chủ đích thực. Nếu có một sự đồng thuận về tách rời hai khái niệm chế độ và chính quyền, và tham khảo lại bản Hiến pháp 1967, chúng ta có thể thấy, sau khi xoá bỏ điều 4 chương I (cấm đoán sự hoạt động của đảng cộng sản), bản Hiến pháp này là một tài liệu tốt cho việc dự thảo một hiến pháp mới cho một nước Việt Nam theo chiều hướng độc lập, tự do, dân chủ và đa đảng.

Thứ hai, về những người trí thức miền Nam tự nhận là những người phản kháng dấn thân, còn được mệnh danh là những người thiên tả hay thiên cộng: Cho rằng họ hiểu biết không thấu đáo về chủ nghĩa cộng sản; họ chưa có một tầm nhìn lịch sử về sự độc hại của thể chế cộng sản sau này trên đất nước, chưa có quá trình kinh qua bản chất của mỗi chế độ như sau ngày thống nhất để mà so sánh; rằng nếu biết trước là đã góp phần đạp đổ một chế độ tồi tệ để xây dựng một chế độ tồi tệ hơn thì chắc không ai dại dột điên rồ dấn thân vào chốn hiểm nguy đầy bất trắc như họ đã lựa chọn…, thì tôi e rằng lời bào chữa đó không có tính thuyết phục. Khi mặc nhiên tự nhận mình đứng trong hàng ngũ những người trí thức thì nên dùng khối óc suy luận để hướng dẫn cho mọi hành động, chứ không nên hành động chỉ bằng cảm xúc của con tim. Một vài tên lính ngoại quốc làm bậy trên đất nước mình, dù sao đó chỉ là hành vi đơn lẻ cá nhân, vậy mà đã làm máu nóng của người trí thức bùng lên ý thức bài ngoại, trong khi đó phong trào cải cách ruộng đất long trời lở đất dẫn đến chiến dịch đấu tố hãi hùng là một chủ trương, chính sách của cộng sản Việt Nam thì lại cho là xa vời và không thực tế? Chẳng lẽ không cần để ý đến những vụ án như Nhân văn-Giai phẩm, đến cuộc di cư vĩ đại năm 54? Chẳng lẽ đó không phải là những câu trả lời hùng hồn về sự sợ hãi của người dân dưới chế độ cộng sản hay sao? Chẳng lẽ những biến cố to tát như vậy lại không gây ấn tượng gì cho óc suy luận của người trí thức miền Nam?

Tôi đã là một trong gần một triệu người di cư đó, nhưng khi ấy mới là một đứa bé lên ba nên cũng không hiểu biết cặn kẽ giai đoạn lịch sử này. Có điều, qua báo chí sách vở và những trải nghiệm thực tế khi lớn lên, thấy rõ trên 90% những người trốn chạy cộng sản không phải là trí thức, nhưng họ đã nhận rõ bản chất tàn bạo tồi tệ của cộng sản ra sao qua kinh nghiệm trước mắt để mà ghê sợ, để tránh càng xa càng tốt.

Còn cho phong trào phản kháng thiên tả là lãng mạn cách mạng ư? Vào đầu những năm 60, tôi lớn lên ở một vùng đất mang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”; với tôi Cách Mạng là khi đêm về có những người lạ mặt từ đâu đó xuất hiện trong làng, dùng loa phóng thanh cầm tay để kêu gọi tuyền truyền hằng đêm, dùng sức mạnh vũ khí ép dân đi phá đường đắp mô, giựt sập cầu cống, là những cảnh xe đò bị trúng mìn, chợ búa bị gài lựu đạn, là cảnh người dân vô tội bị thương vong nằm rên xiết, và hãi hùng nhất là cảnh hành hình một người hàng xóm ngay cạnh nhà. Nạn nhân là một viên chức hộ tịch xã, ông này nghĩ đơn giản rằng mình chỉ là một cán bộ hành chánh tầm thường, trong tay không tấc sắt và không hề hà hiếp hãm hại ai. Bởi thế, sau những giờ làm việc ban ngày ở xã, ông về nhà ăn ngủ sinh hoạt bình thường ban đêm. Một buổi tối, cộng sản đem quân đến tận nhà bắt ông đi. Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác ông cách nhà non cây số với hai tay bị trói giật cánh khuỷu. Ông đã chết vì bị đánh nát mặt, thân hình thêm hàng chục vết dao đâm, trên ngực còn gắn một mảnh giấy kết án tử hình tội Việt gian. Cái cảnh tượng ấy vẫn còn ám ảnh tôi, một thằng bé hơn mười tuổi, cho mãi đến bây giờ, không hiểu những người trí thức thiên tả miền Nam tìm thấy nét lãng mạn cách mạng trong máu và nước mắt của người dân ở khía cạnh nào?

Có lẽ chủ trương của những đảng phái chính trị và thành phần đối lập với các chính quyền của Việt Nam Cộng hoà mới là tiêu biểu cho tính cách lãng mạn cách mạng này. Sự khác nhau giữa họ và Đảng Cộng sản là ở chỗ họ đấu tranh phản kháng trong ôn hoà, không có lực lượng trang bị vũ khí, chỉ chủ trương giành chính quyền trong phạm vi luật pháp, trong khi cộng sản quyết tâm dùng bạo lực, sự đàn áp và gây rối phá hoại làm những phương tiện đấu tranh. Điều này giải thích tại sao các Hiến pháp của Việt Nam Cộng hoà đã phải đặt Đảng Cộng sản Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật. Cũng thế, khi ông Tiêu Dao Bảo Cự và các nhà trí thức thiên cộng cho rằng sở dĩ các chính quyền miền Nam không triệt để đàn áp đối lập không phải vì có ý thức dân chủ cao mà vì không đủ sức mạnh để làm, thì nhận định này chỉ đúng ở vế trên. Các chính quyền Việt Nam Cộng hoà chưa có ý thức dân chủ cao vì nền dân chủ Việt Nam lúc đó còn đang chập chững ở những bước đầu, đất nước vừa mới bước ra khỏi thể chế quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm và một chế độ thực dân tồi tệ không kém, do đó còn đang ở tình trạng vừa thực thi dân chủ vừa học hỏi. Tuy nhiên, chính Hiến pháp và luật pháp trong cái nền dân chủ dẫu non kém này đã ngăn cản chính quyền đàn áp quá thẳng tay các thành phần đối lập. Họ không dám làm một cách lộ liễu, vì bản chất của một chế độ dân chủ không cho phép, chứ không phải do họ không đủ sức mạnh để làm.

Chủ nghĩa cộng sản có lý tưởng cao đẹp nhưng quá xa vời và không thực tế đến nỗi hoang tưởng. Nhưng bi kịch là ở chỗ nó triệt để sử dụng bạo lực để xây dựng và áp đặt một xã hội chuyên chính kiểu xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt không khoan nhượng các thành phần giai cấp không phải là vô sản để cướp lấy tất cả mọi thứ kể cả quyền hành. Bi kịch biến thành thảm hoạ khi Đảng Cộng sản nhất quyết giữ độc quyền lãnh đạo không chia sẻ cho ai. Trong số những người quan tâm tới đất nước với rất nhiều khuynh hướng khác nhau, cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại, có người mong Đảng Cộng sản Việt Nam giải thể, có người đòi hỏi xoá bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong tinh thần bất bạo động, trong sự thi đua tranh cử công bằng hợp pháp, có nghĩa là Đảng CSVN vẫn tồn tại bên cạnh các đảng phái khác, chưa có ai đòi tiêu diệt hết tất cả các đảng viên cộng sản. Vậy mà những người đấu tranh cho một Việt Nam tự do không cộng sản vẫn luôn bị gán cho cái danh hiệu “chống cộng cực đoan” và “hận thù mù quáng”. Chúng ta hãy nhìn lại quá khứ để thấy rằng không ai trong những người bị mang những danh hiệu như vậy dùng thủ đoạn đê hèn như thanh toán, thủ tiêu để trả thù.

Ông Tiêu Dao Bảo Cự và một số người cho rằng những hậu quả tàn khốc mà dân tộc ta đã và đang gánh chịu chỉ do một nhóm lãnh đạo cộng sản cao cấp có thẩm quyền trong việc hoạch định đường lối, chính sách, còn tất cả những người khác chẳng qua là bị lôi theo dòng cuốn của lịch sử, của chiến tranh; nhưng khi nhắc đến những người trong guồng máy của chế độ Việt Nam Cộng hoà cũ, ông lại phê phán ngược với ý trên. Có thực sự là những quân cán chính miền Nam, những người có lòng quan tâm đến tự do dân chủ cho miền Nam mà không chống lại việc các chính quyền Việt Nam Cộng hoà đàn áp tự do dân chủ là một điều mâu thuẫn? Trước hết, phải nói rõ, quan điểm cho rằng các chính quyền Việt Nam Cộng hoà đàn áp tự do dân chủ chỉ là quan điểm riêng của một thiểu số tự nhận mình là thành phần trí thức, không phải là quan điển của toàn dân miền Nam, nhất là đại đa số quân cán chính. Những dân quân bình thường như chúng tôi thời đó không quan tâm nhiều đến lãnh vực chính trị, không thấy có sự đàn áp nhân dân thô bạo dã man như quý vị diễn tả. Là công dân bình thường trong một chế độ bình thường, chúng tôi hiểu quyền lợi và nhiệm vụ công dân của mình khi tham gia những lực lượng quân cán chính, gồm hàng triệu người phục vụ khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam, từ chốn rừng sâu núi cao, địa đầu giới tuyến đến thôn xã làng mạc, mục đích là để bảo vệ quê hương xứ sở và cuộc sống an bình hạnh phúc của người dân chứ không phải chỉ với mục đích bảo vệ chính quyền. Một sự thật không thể chối cãi là trong 20 năm chế độ Việt Nam Cộng hoà tồn tại, các chính quyền cứ liên tục thay đổi, nhưng các lực lượng quân cán chính miền Nam vẫn là một khối đồng nhất cho đến thời điểm 1975. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, bản tính con người có xấu có tốt, các tập thể đó không tránh khỏi một số cá nhân hay dăm ba nhóm nhỏ có hành động gây tội ác, những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng đó không phải là những chủ trương chính sách của chế độ miền Nam như các chính sách tàn bạo có chủ trương của chính quyền miền Bắc đã làm. Như thế, không thể nói các lực lượng quân cán chính này phải liên đới chịu trách nhiệm. Chiến tranh là tàn ác, huỷ diệt. Tôi không muốn bào chữa cho tội ác chiến tranh, nhưng là những người tự nhận mình là trí thức, hãy tìm những bằng chứng cụ thể như những vụ Mậu Thân, Cai Lậy của những người cộng sản để chứng minh tội ác của tập thể quân cán chính Việt Nam Cộng hoà trước khi lên án, hay quanh đi quẩn lại cũng chỉ là vụ Mỹ Lai của Mỹ, vụ cá nhân của ông tướng Nguyễn Ngọc Loan… Cũng trong chiều hướng này, xin đặt thêm một câu hỏi với ông Tiêu Dao Bảo Cự trong vị thế một người đang đấu tranh cho dân chủ: hơn 80 triệu người dân Việt Nam không hoặc chưa có biểu hiện nào chống lại chính quyền cộng sản tham nhũng độc tài thối nát hiện nay, như thế nghĩa là họ mặc nhiên chấp nhận và vẫn bảo vệ củng cố chính quyền đó chăng? Ông cho đó là mâu thuẫn không?

Thứ ba, xin được bàn rộng thêm về câu hỏi của ông rằng có cần thiết tiếp tục kéo dài sự hận thù và thế đối đầu Quốc - Cộng theo tinh thần thời chiến tranh không? Trong thời chiến, những người không cộng sản coi mình là thành phần quốc gia để đối lại những người cộng sản, tức những người lấy quốc tế vô sản làm lý tưởng, coi việc xoá bỏ biên giới các quốc gia là nhiệm vụ phải đạt tới. Ngày nay, chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã sụp đổ, lý tưởng vô sản hoá toàn cầu không còn nữa. Đảng CSVN chỉ còn là một đảng độc tài chuyên chế, tha hoá dưới vỏ bọc cộng sản. Bối cảnh đấu tranh của những người không cộng sản trong và ngoài nước cũng đã thay đổi, họ không còn thuần tuý là người Việt Quốc gia nữa, mà là người Việt Tự do. Bởi vậy không còn thế đối đầu Quốc - Cộng như trong quá khứ nữa.

Một điều đáng tiếc là, không kể những người quyết tâm bảo vệ chế độ độc tài đảng trị hiện nay bằng mọi giá, chính một số người dấn thân đấu tranh cho tự do dân chủ, công bằng xã hội, cũng vẫn lên tiếng chỉ trích các thành phần cũ của Việt Nam Cộng hoà, đặc biệt các thành phần đang ở hải ngoại có cơ hội nói lên quan điểm của mình, là những người “chống cộng quá khích”, còn “hận thù mù quáng”, điển hình như trong các bài viết trước đây của bà Dương Thu Hương, của ông Tiêu Dao Bảo Cự từ trước tới nay. Xin nói thẳng, nói thật một lần chót, mặc dù chính bản thân và gia đình tôi là nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản với những mất mát về nhân mạng, tài sản đất đai, tù đày cải tạo, gia đình ly tán, tương lai vô vọng, không phải chỉ cuộc đời mình mà cả đời con đời cháu, nhưng đã từ lâu tôi không còn hận thù những người cộng sản thừa hành đã gây ra những thảm cảnh đó cho cá nhân gia đình tôi nữa. Sự căm thù chỉ dành cho cái chế độ bạo tàn và đám lãnh đạo bảo thủ nhất quyết bám lấy quyền lực của Đảng, củng cố địa vị cá nhân, mặc cho sự tồn vong của đất nước, sự điêu linh của dân tộc.

Không chất chứa sự hận thù, nhìn lại một cách khách quan lịch sử của cuộc chiến 20 năm của hai miền mà tôi đã từng là người trong cuộc, tạ ơn trời đất đã cho mình trở về nguyên vẹn sau cuộc chiến, tôi thấy mình cần phải cúi đầu kính cẩn tiếc thương những anh hùng liệt sĩ ở cả hai phía. Tôi tỏ lòng kính trọng biết ơn đứa em trai, bạn bè, các anh linh tử sĩ Việt Nam Cộng hoà đã nằm xuống cho tôi sống sót trở về. Tôi thông cảm và ngưỡng mộ những anh em đã ra đi ở phía bên kia, dù chúng ta từng là địch thủ, từng mang vũ khí cố tiêu diệt nhau. Cái chết nào cho Tổ quốc cũng đáng khâm phục, dù rằng chúng ta đã hiểu Tổ quốc theo những ý nghĩa khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Trong khi tôi tuyên dương các anh hùng miền Nam vị quốc vong thân: Lê Văn Đương, Đặng Đình Bảo, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Bá, Hoàng Cơ Minh… đã hy sinh vì một Việt Nam tự do, thì cũng không quên cảm phục tinh thần của những anh Thạc, chị Trâm, những người khác chiến tuyến với đầy ắp niềm tự hào về lý tưởng cộng sản làm hành trang trên con đường xâm nhập vào miền Nam, một lý tưởng mà tôi cho là ngây thơ khờ khạo vì bị bưng bít tuyên truyền, với niềm ước mơ tưởng là giải phóng miền Nam khỏi sự kềm kẹp của đế quốc, mà thực ra là phá rối sự an lành ổn định của người dân miền Nam. Dù sao, họ cũng đã chết cho cái lý tưởng của họ. Họ cũng phải được tưởng nhớ là những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Và không một người có nhân cách nào lại đi hận thù những người hy sinh cho Tổ quốc.

Tôi tôn trọng những người đã một thời hiến mình cho chủ nghĩa cộng sản với một lý tưởng trong sáng, nhưng khi nhìn rõ thực tế về sự tác hại, không tưởng của nó đã sẵn sàng chấp nhận lầm lạc của mình, công khai hay lặng lẽ thoát ra khỏi ảnh hưởng của nó và dũng cảm phê phán những biến chất, sai trái lừa bịp của nó. Đối với những người một thời bị mê hoặc vì lý tưởng ấy, nay cảm thấy bị phản bội, bẽ bàng ray rứt, nhưng đành nhắm mắt đưa chân, xuôi theo dòng chảy, bỏ mặc vận nước xoay vần nổi trôi, tôi chỉ xin có một lời trách cứ nho nhỏ và sự thông cảm mà không hận thù, bởi những hèn yếu cá nhân và ràng buộc của gia đình là chung của con người, ai mà không trải nghiệm. Tuy thế, tôi vẫn ước mong họ có lại được cái hào khí thuở nào để trở lại đóng góp cho tiến trình dân chủ hoá đất nước đang ngày một dâng cao. Đối với những người tự nhận là sĩ phu trí thức, nhìn thấy rõ sự gian trá tồi tệ mà Đảng Cộng sản đã gây ra cho Tổ quốc nhưng vẫn tự hào ở trong hàng ngũ của phe chiến thắng, nắm quyền lực trong tay với những đặc quyền đặc lợi mà quên đi lý tưởng ngày trước, quay lại hà hiếp nhân dân, đàn áp những người bạn vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ cho đồng bào, không hề có lý tưởng mà chẳng qua chỉ là một bọn cơ hội giả hình, thì thái độ của tôi không phải là hận thù mà là khinh chê nhạo báng.

Riêng với ông Tiêu Dao Bảo Cự và những trí thức miền Nam đã có cơ hội sống để so sánh giữa hai chế độ rồi cuối cùng có được một kết luận rằng mình đã góp phần đạp đổ một chế độ tồi tệ để xây dựng nên một chế độ còn tồi tệ hơn, và vì thế lại tiếp tục con đường đòi hỏi dân chủ hoá đất nước, tôi xin tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ tinh thần phục thiện đó. Tiếc rằng, ông Tiêu Dao Bảo Cự đã cố lý luận để biện minh cho một thời bồng bột của những trí thức miền Nam như ông, như một lời nhắn nhủ rằng nếu phải làm lại từ đầu, ông cũng vẫn làm y như cũ.

Về lời trách “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” mà ông cho là thứ ngôn ngữ mạt sát, xin bình tâm suy xét lại, lời trách ấy dù làm tổn thương mấy cũng đâu thể so sánh với đau thương tan nát mà dân tộc đã phải gánh chịu vì cái lý tưởng đặt không đúng chỗ của các ông. Vả lại, chính những người trí thức miền Nam các ông đã hưởng thụ nhiều nhất bổng lộc của các chính quyền miền Nam mà các ông thường kết án là được ngoại bang nuôi dưỡng, viện trợ, để làm tay sai. Biện minh rằng các bổng lộc đó là sự đóng góp của nhân dân là rất nực cười và phi lý. Miền Nam thời chiến tranh, ruộng đồng bỏ hoang, kinh tế trì trệ không đủ sức nuôi dân, ngay hạt gạo cơ bản của người dân cũng phải nhập từ nước ngoài, mọi kinh phí chiến tranh, kể cả lương bổng cho công nhân viên chức đều trông chờ vào ngoại bang, thu nhập thuế má từ dân chúng coi như số không, vậy mà có những người cứ xin cấp học bổng đi nước ngoài, cứ tháng tháng lãnh lương của một viên chức Việt Nam Cộng hoà rồi quay lại chống phá và hoạt động tiếp tay cho phía bên kia, xin gọi là hành động gì? Lời trách cứ trên dù có nặng nề, cũng đâu có quá oan khiên, phải không? Các ông có thấy mâu thuẫn khi lý luận rằng mình ăn cơm của nhân dân chứ không phải của quốc gia nào cả, nên chẳng có gì phải hối hận hay mặc cảm? Hay nhắc nhở như thế là mạt sát, là còn nuôi dưỡng hận thù? Sự thực nhiều khi đau lòng, nhưng khi uất ức trong lòng được phát ra, nỗi đau cũng được giải toả, dù mất mát thì chẳng bao giờ lấy lại được.

Thế hệ của chúng tôi, ở cả hai miền Nam Bắc, là một thế hệ bất hạnh. Thế hệ của sự mất mát, sinh ly tử biệt. Ra đời và lớn lên trong thời kỳ khói lửa tương tàn, trưởng thành vào đúng giai đoạn tàn khốc nhất của cuộc chiến, người thanh niên không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hoà nhập vào chiến tranh, có người vì lý tưởng bên này hoặc bên kia, nhiều người khác đơn giản chỉ đi làm nhiệm vụ một công dân. Cuộc huynh đệ tương tàn ấy là thảm kịch đáng nguyền rủa nhất trong lịch sử nước nhà. Chúng tôi đã không có cơ hội được đi trọn con đường học vấn giáo dục để tạo dựng một nghề nghiệp vững chắc cho mình và đóng góp xây dựng đất nước. Bị tung vào cuộc chiến, săn lùng tiêu diệt nhau bạo tàn hơn thú dữ, lớp lớp người thay nhau ngã xuống, mộ phần rải khắp nẻo quê hương, biết bao kẻ đến nay còn biệt tích không cả một nấm mồ. Nhiều người sống sót trở về cũng đã để lại một phần thân thể, sống một kiếp tật nguyền tàn tạ. Một số bị trả thù, trù dập dã man trong các nhà tù, cải tạo. Có những người như tôi, may mắn vượt thoát đến những vùng trời mới, hít thở không khí tự do, nhưng đa số còn ở lại vẫn đang chịu sự nghiệt ngã của cảnh “rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.

Đúng như ông Tiêu Dao Bảo Cự nói, mọi người Việt Nam cần sám hối, vì hầu như ai cũng dự phần vào cái bi kịch đau thương của Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, sự sám hối của mỗi người mỗi khác. Tôi sám hối không phải vì đã tham dự vào guồng máy chiến tranh trong quá khứ, mà vì trong quá khứ ấy tôi đã không làm tròn trách nhiệm của một công dân, cũng như không làm đầy đủ nhiệm vụ một người chiến đấu bảo vệ tự do, vì sự thiếu trách nhiệm ấy đã để xảy ra biến cố đau thương 1975, đưa đến thảm hoạ cho Tổ Quốc và dân tộc hiện nay.

Tóm lại, trong tinh thần đối thoại để tìm hiểu và thông cảm, mọi vấn đề, mọi sự kiện của bối cảnh lịch sử cần được nhìn dưới nhiều góc cạnh, nhiều lăng kính để tìm ra sự thực. Đó không phải là những lời phê phán chỉ trích có tính cách bêu xấu mạ lỵ. 60% người Việt hiện tại sinh ra sau những biến cố lịch sử đó, họ cần biết sự thật. Sự thật vẫn chưa thể có, khi mà ở trong nước chưa có tự do ngôn luận, các phương tiện truyền thông báo chí vẫn chỉ là công cụ tuyên truyền một chiều của Đảng. Tiếng nói của người dân trong nước, đặc biệt của những người trong chế độ miền Nam cũ cho đến nay vẫn còn câm nín, họ vẫn đang bi bịt miệng, thì tiếng nói ngoài nước, trong thời đại thông tin toàn cầu, cần là một lực đối trọng cho việc đưa sự thực ra ánh sáng. Qua đó, giới trẻ Việt Nam có sự đối chiếu trong ngoài, qua nghiên cứu tài liệu sách vở và bằng lý luận khôn ngoan có thể hiểu rõ và viết lại những trang sử trung thực hơn. Quá khứ dù đau xót tủi nhục cũng vẫn là một phần lịch sử, một phần máu thịt của quê hương. Mọi mổ xẻ để tìm ra sự thực về một quá khứ lịch sử đều đau đớn và vật vã, nhưng là cần thiết để cắt đi những ung nhọt của xung đột tư tưởng, để giảm thiểu những tự tôn và tự ti đáng lẽ không nên có, để hạn chế những hiểu lầm vụn vặt dẫn đến việc mạ lỵ vu khống lẫn nhau.

Nếu ông Tiêu Dao Bảo Cự và những trí thức miền Nam có cùng quan điểm đối thoại với tôi, chúng ta có thể cùng chấp nhận những lý luận của ông và của những người có cái nhìn tương tự như tôi, không phải hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai, mà có đúng sai lẫn lộn. Nhưng nhờ đối thoại, ít ra mỗi ngày quan điểm của hai bên càng tiến gần nhau hơn và con đường tới dân chủ hoá Việt Nam có chiều hướng tích cực hơn.

Mong quí vị thông cảm cho những suy nghĩ lòng vòng dông dài của tôi và cố hiểu được trong đó những thành tâm thiện ý.

Australia, 23/09/2006

© 2006 talawas