trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
27.4.2006
Stanley Karnow
Cuộc chiến không ai thắng
Hoàng Nguyễn dịch
 1   2   3   4   5 
 
Gánh nặng khổng lồ và sự phức tạp trong sự hiện diện của Mỹ tại vùng vịnh Ba Tư đã chứng tỏ những tiến bộ mà người Mỹ đạt được trong việc xây dựng lại cơ cấu quân sự của mình sau thời kỳ Việt Nam. Bởi vì cuộc chiến đấu ở Đông Nam Á không chỉ làm suy yếu niềm tự tin của quốc gia mà còn hút cạn sinh lực của nó. Năm 1980, đại tướng Edward C. Meyers, khi ấy là tổng tham mưu trưởng quân đội, đã cảnh báo Quốc hội rằng ông đang chỉ huy một đạo quân “rỗng”: thiếu lính, kinh nghiệm và trang bị.

Vào đầu thập niên 1970, quân đội Mỹ đã gần như tan rã khi cuộc chiến tranh Việt Nam lắng dần xuống. Khi Nixon quyết định rút binh lính Mỹ về nước thì không ai muốn trở thành người cuối cùng hy sinh cho một lý tưởng đã không còn ý nghĩa gì nữa. Còn đối với những người chờ rút lui thì chỉ những ai còn sống mới được tính đến. Các phong trào phản chiến trong nước đã lan tới binh lính ở chiến trường, nhiều người lính đeo các biểu tượng hòa bình và thường trốn tránh việc ra trận. Quan hệ sắc tộc trong quân đội Mỹ, ban đầu vốn thân thiện khi lính da trắng và lính da đen cùng chia sẻ ý thức về một mục đích chung, bây giờ trở nên ngày càng căng thẳng. Việc sử dụng ma túy phổ biến tới mức một báo cáo chính thức năm 1971 phỏng đoán rằng có hơn một phần ba binh lính nghiện hút. Binh sĩ không chỉ bất phục tùng mệnh lệnh cấp trên mà trong một số trường hợp còn ám sát cấp trên bằng cách cho nổ lựu đạn – một hiện tượng được biết tới như là “tội cố sát bằng lựu đạn”. Tinh thần và chí khí quân đội bị thoái hóa hơn nữa sau khi sự thật về vụ thảm sát làng Mỹ Lai bị phanh phui, trong đó một đơn vị bộ binh Mỹ đã tàn sát hơn ba trăm người dân thường Việt Nam tay không tấc sắt – vụ phanh phui này đến lượt nó đã làm cho binh lính Mỹ nghi ngờ rằng các viên chỉ huy của họ đã che giấu nhiều tội ác ghê tởm.

Tác động rộng rãi của chiến tranh Việt Nam đến các lực lượng vũ trang Mỹ còn tệ hại hơn nữa. Từ năm 1965 đến khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam vào đầu năm 1973, tổng chi phí cho cuộc chiến đã lên tới hơn 120 tỉ đô-la – bình thường thì phần lớn khoản tiền này được đầu tư vào việc hiện đại hóa quốc phòng. Hậu quả là cơ cấu an ninh của Mỹ bị xói mòn; các đơn vị Mỹ tại Tây Âu không còn sánh nổi với các đối phương trong khối Warszawa. Tổng thống Johnson bị buộc phải tăng thuế hoặc đưa ra các biện pháp kiểm soát kinh tế để có tiền trang trải cuộc chiến Việt Nam và điều đó đã làm gia tăng lạm phát; lạm phát vọt lên cao trong năm 1973 khi các nước sản xuất dầu ở Trung Đông ngừng xuất khẩu dầu và sau đó nâng giá dầu lên gấp bốn lần. Chi phí xây dựng lại kho vũ khí của Mỹ vì vậy mà tăng vọt lên. Năm 1975, chi tiêu thực tế cho công tác quốc phòng của Mỹ vào khoảng 4 tỉ đô-la một năm, thấp hơn một thập niên trước đó. Rồi sau đó thì tổng thống Reagan đã hào phóng mua sắm trang bị bằng tiền vay mượn để làm hồi sinh cỗ máy chiến tranh đang hấp hối của Mỹ. Và ông đã trang bị cho tổng thống Bush những vũ khí tinh vi nhất để ông Bush tiến hành cuộc chiến tranh vịnh Ba Tư. Nhưng chi phí này góp phần tạo ra khoản thâm hụt vô cùng to lớn của ngân sách liên bang.

Không chỉ có lạm phát hủy hoại các lực lượng vũ trang Mỹ. Để ve vãn cử tri, tổng thống Richard Nixon đã chấm dứt chế độ quân dịch không công bằng và không phổ quát. Sau này ông lấy làm hối tiếc về hành động đó, cũng như nhiều chuyên viên quân sự và nhân vật chính trị, cả phe bảo thủ và phe tự do. Lấy một ví dụ, để khuyến khích thanh niên vào lính thì tiền lương, hưu bổng và các quyền lợi khác của người lính phải được nâng lên ngang bằng với giới chức dân sự và cuối cùng thì tiền lương chiếm gần hết ngân sách quốc phòng. Chỉ có thể thu hút thanh niên tình nguyện vào lính trong lớp trẻ nghèo, thiệt thòi và ít học – những thanh niên đó lại không đủ phẩm chất để điều khiển những công nghệ tinh vi của quân đội thời hiện đại. Tình cảm phản chiến cũng khuấy động các học xá đại học, phá hỏng các chương trình sĩ quan dự bị - số lượng sinh viên đăng ký các chương trình này đã rơi thẳng xuống, từ hơn hai trăm ngàn người năm 1968 xuống còn khoảng bảy mươi lăm ngàn người năm 1973. Nguồn cung cấp các sĩ quan chỉ huy sáng giá, sáng tạo đã bị thu hẹp và những tay thư lại có đầu óc cứng nhắc nắm lấy hầu hết các vị trí quản lý của quân đội.

Tuy nhiên năm tháng trôi đi, quân đội Mỹ lấy dần lại sức mạnh và hình ảnh của nó trong xã hội cũng dần dần thay đổi. Đến năm 1982, có hơn 85 phần trăm thanh niên tự nguyện đi lính đã học xong trung học, cao hơn mức 67 phần trăm hai năm trước đó. Nam nữ thanh niên, không tìm được công việc làm hoặc muốn chọn binh nghiệp, thì thích cuộc sống gò bó trong quân phục nhưng được trả lương cao hơn là bị thất nghiệp, và những người tuyển dụng tân binh đã chuyển địa bàn hoạt động từ các xóm nghèo của dân da đen sang các khu ngoại ô của dân trung lưu da trắng mà vẫn đạt được những thành quả đáng ngạc nhiên. Mướt mồ hôi vì mức học phí đại học cao ngất trời, sinh viên thường tham gia các chương trình sĩ quan dự bị như một phương cách trang trải học phí. Và mặc dù những ký ức khủng khiếp về Việt Nam chưa phai tàn hẳn, quân đội cũng đã giành lại được một phần sự kính trọng của xã hội. Thế nhưng trong danh sách các ưu tiên về quốc phòng của chính phủ Reagan, quân đội vẫn còn xếp sau rất xa so với ưu tiên phát triển vũ khí hạt nhân và những vũ khí chiến lược khác.

Những người Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam hoặc bị những người phản chiến lăng mạ là những tay giết người, hoặc bị những người ủng hộ chiến tranh chế giễu là kẻ bại trận. Trong rất nhiều năm sau đó, nhiều người cảm thấy dường như mình thuộc về một thế hệ lạc loài, vị trí của họ trong xã hội thật khó chịu, mơ hồ và đau khổ - dường như đất nước buộc họ phải chịu trách nhiệm về cái cảm giác tội lỗi, xấu hổ về cuộc chiến tranh mà đất nước đang trải nghiệm. Trong thực tế, phần lớn binh lính Mỹ từ Việt Nam trở về đã lặng lẽ và kín đáo hòa nhập vào nhân dân. Chân dung các cựu binh được trình bày trên phương tiện truyền thông thường là những bức vẽ méo mó hai chiều. Những cựu binh có vấn đề thường được tả như là những tay nghiện hút râu tóc bờm xờm gảy đàn guitar trên những hè phố California, những người đã tái hòa nhập thì được tôn xưng như là những tay chạy mánh đang hốt bạc trong nghề bất động sản ở Texas. Tuy vậy hình ảnh của họ đang dần dần được cải thiện khi công chúng Mỹ thể hiện một niềm kính trong mới đối với các lực lượng vũ trang. Họ được tôn vinh tại đài tưởng niệm ở Washington – một trong số các tượng đài nhiều người thăm viếng nhất thủ đô. Quan trọng nhất là họ cũng được miêu tả một cách đầy xót thương trong cả một trào lưu văn nghệ về Việt Nam nổi lên sau chiến tranh, từ tiểu thuyết, hồi ký, thơ ca, phim ảnh, truyền hình, kịch và thậm chí cả âm nhạc nữa. Họ được nhìn dưới một ánh sáng mới trong hàng loạt các trường trung học và đại học khắp đất nước nơi có chương trình giảng dạy về Việt Nam cho những sinh viên trẻ - những kẻ chưa sinh ra khi người lính Mỹ đầu tiên đặt chân đến Đông Nam Á. Trong nhiều trường hợp, bản thân các giảng viên là cựu chiến binh.

Nhưng chiến tranh đã làm hư hỏng một bộ phận lớn các cựu chiến binh, cả về tinh thần và thể xác. Hàng ngàn người bị nhiễm chất độc màu da cam, một hóa chất diệt cỏ được sử dụng để làm trụi lá những cánh rừng, được xác định là một nguyên nhân gây ung thư, khuyết tật bẩm sinh và nhiều căn bệnh khác. Một nghiên cứu của Ủy ban Cựu chiến binh công bố năm 1988 ước tính rằng có khoảng năm trăm ngàn trong số ba triệu lính Mỹ từng có mặt ở Việt Nam bị chứng bệnh “rối loạn tâm thần sau chấn thương” (post-traumatic stress disorder) – tỉ lệ này cao hơn nhiều so với những người bị “sốc đạn pháo” (shell shock) trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất hoặc bị “nỗi khổ chiến trường” trong Thế chiến thứ II – cách gọi một chứng bệnh tương tự trong các cuộc xung đột đó. Những triệu chứng của nó có khi phải mươi mười lăm năm sau mới xuất hiện, thay đổi từ hoảng sợ đến giận dữ tới bồn chồn, chán nản, thậm chí tê liệt cảm xúc. Trong thành phần cựu chiến binh Việt Nam, tỷ lệ ly hôn, tự tử, nghiện ma túy, tội phạm và đặc biệt là nghiện rượu đều vượt mức bình thường. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách thuộc đại học thành phố New York công bố năm 1981 kết luận rằng, họ “đau đớn vì nhiều vấn đề hơn là những người cùng trang lứa”.

Chiến tranh là chiến tranh. Thế thì tại sao chiến tranh Việt Nam lại khác?

Vì hiểm nguy lan tràn và thường trực. Tôi đã trải qua ba năm binh nghiệp trong Thế chiến thứ II, phần lớn thời gian ấy tôi phục vụ trên các sân bay và căn cứ hậu cần ở vùng đông bắc Ấn Độ, thậm chí không có dịp nghe một tiếng súng nổ gần. Nhưng ở Việt Nam không có chỗ nào là an toàn cả. Một lính Mỹ được phái tới làm việc trong một văn phòng ở Sài Gòn hoặc một nhà kho ở Đà Nẵng có thể bị giết chết hoặc bị thương bất kỳ lúc nào, bất kể ngày đêm, bằng đạn súng cối hoặc phi pháo của cộng sản. Và trong suốt nhiệm kỳ công tác một năm, một người lính bộ binh hầu như phải chiến đấu liên tục – bị quấy nhiễu vì mìn của đối phương, vì những cái bẫy chông và bắn tỉa; chưa nói đến việc tham dự trực tiếp vào các trận đánh giáp lá cà. Philip Caputo, một trong những người viết biên niên sử hùng biện nhất về chiến tranh Việt Nam đã so sánh và lưu ý rằng trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ - được ca tụng vì những chiến công lừng lẫy khi đánh Nhật trên mặt trận Thái bình dương, chỉ chiến đấu không quá sáu đến tám tuần.

Độ tuổi trung bình của người lính Mỹ ở Việt Nam là 19, trẻ hơn 7 tuổi so với cha anh họ tham gia Thế chiến II. Điều đó làm cho họ dễ bị tổn thương hơn trước sức căng tâm lý của chiến tranh mà sức căng ấy càng trầm trọng hơn do sự căng thẳng đặc thù ở Việt Nam nơi mỗi người nông dân đều có thể là một chiến binh Việt Cộng. William Ehrhart, một cựu thủy quân lục chiến, nhớ lại một khoảnh khắc quá khứ mà nhiều năm sau chiến tranh anh không thể nào quên được: “Bất cứ khi nào bạn quay đầu, bạn đều phải định thần lại. Thế rồi quân thù biến mất, và bạn chỉ còn cách trút nỗi bối rối vào các thường dân. Cái cách làm của chúng tôi là, bất cứ người Việt Nam nào bỏ chạy khỏi người Mỹ đều có thể bị tình nghi là Việt Cộng và chúng tôi có thể bắn. Đó là một nghi thức hoạt động tiêu chuẩn. Một hôm tôi đã bắn một người phụ nữ trên đồng lúa chỉ vì bà ta đang chạy – đang tránh xa những người Mỹ. Và tôi đã giết bà ấy. Một người đàn bà năm lăm hoặc sáu mươi tuổi, không vũ khí, và lúc đó tôi thậm chí không suy nghĩ về hành động của mình”.

Một nghịch lý là những diệu kỳ của khoa học hiện đại đã góp phần gia tăng tình trạng khốn cùng của cựu chiến binh Việt Nam. Các máy bay trực thăng cứu thương nhanh chóng và hiệu quả đến nỗi một lính Mỹ bị thương ngoài mặt trận chỉ mất mười lăm phút là lên được bàn giải phẫu. Số liệu thống kê sẽ kể một câu chuyện. Trong suốt Thế chiến II, bình quân cứ bốn lính thủy đánh bộ Mỹ bị thương thì có một người chết, ba người được cứu sống. Nhưng ở Việt Nam tỉ lệ người được cứu sống cao hơn nhiều, bảy trên một và những con người lẽ ra đã mục rữa trên sa trường thì nay vẫn còn sống dù rằng bị tật nguyền đến mức cần được chăm sóc suốt đời.

Lính Mỹ trong các cuộc chiến tranh khác đo lường sự tiến bộ bằng những lãnh thổ chinh phục được; việc chiếm được cái thành phố kế tiếp trên con đường chiến thắng có thể khích lệ tinh thần và ý chí của họ. Thắng lợi của họ được công chúng Mỹ hoan hô – và người Mỹ ở quê hương có thể dõi theo từng chặng đường hành quân của họ trên bản đồ. Nhưng chiến tranh Việt Nam thì trái lại, không có chiến tuyến, cho nên lính Mỹ ngày càng mệt mỏi và mất tinh thần khi cứ phải chiến đấu ở một chỗ từ ngày này sang ngày khác. Những chỉ huy của họ, có thể trong thâm tâm cũng chán nản không kém, vẫn cố nhấn mạnh vào “số xác” nhiều hơn- một thước đo thành công đầy ảo tưởng. Nhưng việc tàn sát một lực lượng quân thù đã sẵn sàng chấp nhận hy sinh vô giới hạn là một hành động không chỉ vô ích mà còn làm cho cuộc chiến tranh trở nên bỉ ổi như một lò sát sinh. Và theo kiểu đó, dân chúng Mỹ ở nhà nhìn thấy những cảnh tượng gớm guốc trên màn ảnh truyền hình, họ chỉ có thể thấy ở Việt Nam một nỗ lực vừa phù phiếm vừa là một ẩn dụ về nỗi kinh hoàng. Nhiều người từ đó đã hướng mối ác cảm và tâm trạng thất vọng của mình về hướng những người lính Mỹ hồi hương. John Kerry, sau này là nghị sĩ bang Massachussett, nhớ lại kinh nghiệm của mình sau khi phục vụ ở Việt Nam trong cương vị một sĩ quan hải quân: “Thế là tôi lên máy bay, một tuần sau khi ra khỏi rừng tôi bay từ San Francisco về New York. Tôi ngủ thiếp đi và thức dậy, la hét, có lẽ do một cơn ác mộng. Các hành khách khác tránh xa tôi – một phản ứng mà tôi còn thấy trong nhiều tháng sau này nữa. Đất nước chẳng thèm hỏi han gì những chàng trai từ mặt trận trở về, chẳng quan tâm gì tới những điều họ đã trải qua. Cái tình cảm họ dành cho chúng tôi là ‘Tránh xa ra, đừng đầu độc chúng tôi bằng những thứ anh mang từ Việt Nam về’”.

Một số cựu chiến binh kêu gào đòi công việc tốt hơn, đòi tư vấn về xã hội. Những người khác, vật lộn với những kỷ niệm bản thân, tiếp tục ủng hộ hay phản đối cuộc chiến, và nhiều người thậm chí còn không nắm bắt được những gì đã diễn ra. Trên tất cả, họ tìm kiếm công lý và sự kính trọng – món nợ mà theo truyền thống các quốc gia phải trả cho các chiến binh của mình. Các cuộc diễu hành, các đài tưởng niệm, các buổi cầu nguyện đều chưa đủ.

Sau này hồi tưởng lại, nhiều nhà kế hoạch quân sự Mỹ kết luận rằng Việt Nam là một cuộc chiến tranh sai lầm tại một nơi chốn sai lầm. Họ chắc chắn rằng trong tương lai người Mỹ chỉ nên nhúng tay vào cuộc xung đột nào mà họ hiểu rõ được – tiến hành chiến tranh trên những địa hình rộng rãi, sử dụng những đơn vị bộ binh lớn, trọng pháo nặng và xe tăng tối tân kết hợp với tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ siêu âm, chiến hạm siêu hiện đại và những phát minh mới nhất trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ cất vào kho những chương trình chống nổi dậy một thời được thiết kế để kiểm soát các phong trào du kích ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tin, và trở về với những quan niệm quy ước. Năm 1987 tôi đi thăm Fort Hood, bang Texas, căn cứ của sư đoàn kỵ binh bay số Một – một đơn vị xuất sắc trong chiến tranh Việt Nam. Ngồi trên máy bay trực thăng bay qua một mô hình chiến trường, tôi quan sát thấy những đoàn xe bọc thép mò mẫm tiến qua những thảo nguyên rất giống những đồng cỏ bằng phẳng ở Trung Âu hoặc sa mạc Trung Đông. Vị tư lệnh đi cùng tôi, một trong số ít cựu chiến binh Việt Nam còn làm việc ở sư đoàn, nói với tôi sau khi chúng tôi đáp xuống: “Đây là kiểu chiến tranh của chúng ta”. Đây là kiểu chiến tranh mà các cựu chiến binh Việt Nam khác, bây giờ đã là những chỉ huy cao cấp, sẽ chiến đấu ở vùng vịnh Ba Tư.

Trong cuộc nói chuyện tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia ở Washington cuối năm 1987, bộ trưởng quốc phòng thời tổng thống Reagan, ông Caspar Weinberger cũng phát biểu những ý kiến tương tự. Mặc dầu ông ưa thích việc gia tăng kho vũ khí chiến lược của Mỹ, ông tỏ ra thận trọng chống lại những cam kết của Mỹ muốn yểm trợ cho các chế độ thiểu số, ăn hối lộ và bất tài ở các nước đang phát triển. Ông nói, can thiệp quân sự là “giải pháp cuối cùng” chỉ có thể tính tới sau khi tất cả các nỗ lực ngoại giao đã thất bại. Hơn hết thảy, nước Mỹ phải tránh những cuộc xung đột vũ trang trừ phi nước Mỹ có thể dựa vào sự ủng hộ không gì lay chuyển được của công chúng Mỹ. Nói ngắn gọn: “Không thêm một Việt Nam nào nữa” (No more Vietnams).


*


Những khổ đau hậu chiến của Mỹ chẳng là gì so với những khốn khổ mà Việt Nam phải chịu đựng. Từ năm 1981 đến 1996 tôi đã trở lại Việt Nam bốn lần và tái khám phá một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh liên miên suốt hai thế hệ; những vấn đề của nó càng trầm trọng hơn vì những sai lầm ngớ ngẩn của tầng lớp lãnh đạo già nua, những người không biết gì hơn là chiến tranh. Họ bị phân liệt thành những phe phái đối chọi nhau – một số người bám víu những giáo điều cách mạng lỗi thời, một số người ủng hộ những thay đổi tự do hơn và một số người tìm cách thỏa hiệp. Sau khi nghiêng ngả từ lối tiếp cận này sang lối khác, cuối cùng vì tuyệt vọng họ đã chọn thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế có tính chất thực dụng. Những kết quả ban đầu tỏ ra khá ngoạn mục, làm dấy lên những đồn đoán rằng chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ bắt kịp Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan và Nam Hàn – những “con hổ nhỏ” năng động của châu Á. Nhưng mặc dù Việt Nam có các tiến bộ không thể chối cãi, tôi vẫn thấy rằng niềm lạc quan đã bị thổi phồng quá đáng – hoặc ít ra là quá sớm. Mặc dù các thành phố phát triển mạnh nhưng vùng nông thôn, nơi sinh sống của tám mươi phần trăm dân số, vẫn lẹt đẹt ở phía sau. Với thu nhập bình quân đầu người ít hơn 300 đô-la mỗi năm, Việt Nam đồng hạng với Bangladesh là một trong số các vùng đất cơ cực nhất trên thế giới. Tương lai của nó thật ảm đạm.

Xây dựng lại Việt Nam là một nhiệm vụ gian khó, kể cả trong điều kiện thuận lợi nhất. Nền kinh tế tơi tả, cơ cấu xã hội rã rời, dân chúng kiệt quệ, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam. Nhiều khu vực rộng lớn hoang tàn. Cái chết và sự tàn phá làm ly tán từng gia đình – những gia đình mà lòng trung thành chính trị càng vỡ vụn hơn nữa trong cái mà về bản chất là một cuộc nội chiến. Sau khi đã chiến đấu để sống sót trong thời chiến tranh, nay người dân lại phải chiến đấu để sống sót trong một nền hòa bình không như ý muốn. Hơn một triệu người Việt bỏ chạy ra nước ngoài, thường là chịu thập phần nguy hiểm.

Những người cộng sản làm cho sự tàn phá trở nên trầm trọng hơn. Họ theo đuổi các chính sách khắc khổ đầy tai họa cũng với lòng kiên định đã truyền cảm hứng cho họ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1981, ông Phạm Văn Đồng, khi ấy là thủ tướng chính phủ, đã kết luận nhiều điều khi chúng tôi ngồi tán gẫu trong một căn phòng trang hoàng lộng lẫy trong tòa dinh thự ở Hà Nội có thời là dinh thự của các thống đốc thực dân Pháp. Đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, ông Đồng là người hy sinh trọn đời mình cho lý tưởng cộng sản nhưng nay lại băn khoăn trước nỗi thống khổ của Việt Nam. Ông nói: “Đúng, chúng tôi đã đánh bại người Mỹ, nhưng bây giờ chúng tôi đau đớn vì những vấn đề của chính mình. Chúng tôi không có đủ ăn. Chúng tôi là một dân tộc nghèo khó, kém phát triển. Vous savez (Anh biết không), tiến hành chiến tranh thì đơn giản nhưng điều hành đất nước thì khó hơn nhiều”.

Một cố vấn hàng đầu của cộng sản, ông Trần Bạch Đằng, thì thẳng thắn hơn. Năm 1990 được một người bạn đưa tới nhà ông ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi ngạc nhiên khi thấy mình trở lại đúng cái biệt thự kiểu Pháp mà ngày xưa các quan chức Mỹ cư ngụ. Tôi có lúc ở đó một thời gian và cảm thấy dường như mình quay lại một căn nhà ma. Trong lúc ngồi uống trà ngoài vườn, tôi lại ngạc nhiên vì sự thẳng thắn của ông Đằng. Ông nói: “Niềm tin của chúng tôi vào chủ nghĩa cộng sản không tưởng không có liên quan gì đến thực tại cả. Chúng tôi đã cố gắng xây dựng một xã hội mới dựa trên những lý thuyết và những ước mơ – như xây lâu đài trên cát. Thay vì kích thích sản xuất bằng cách khuyến khích người dân, chúng tôi tập thể hóa họ. Hãy tưởng tượng xem! Chúng tôi thậm chí tập thể hóa cả người thợ cắt tóc. Thật là lố bịch và ngớ ngẩn. Chúng tôi chạy theo những thứ phù hoa. Vì chúng tôi đã đánh bại người Mỹ cho nên chúng tôi tưởng rằng mình có thể làm được mọi sự. Lẽ ra chúng tôi nên lưu ý một câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Ngươi có thể chinh phục một đất nước từ trên yên ngựa song ngươi không thể cai trị một đất nước từ yên ngựa”.

Tôi cũng đã nghe lời phân tích độc địa như vậy từ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một thầy thuốc nhi khoa nổi tiếng và một đảng viên cộng sản kỳ cựu, người đã góp phần sáng lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng – tên gọi chính thức của lực lượng Việt Cộng. Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu năm 1981 bà đã tỏ ra thẳng thắn, và chín năm sau khi chúng tôi gặp lại bà còn nói thẳng hơn nữa.

Là một phụ nữ thanh lịch, bà không hề mất đi chút duyên dáng nào ở tuổi trung niên. Bà sinh ra trong một gia đình miền Nam giàu có theo Tây học. Bà đã trở thành cộng sản khi còn ở Paris nơi bà theo học ngành y vào đầu thập niên 1950. Trở lại Sài Gòn, bà bắt đầu thu thập các mẩu tin chính trị cho cộng sản thông qua những cuộc tiếp tân xã giao với những thành viên trong nội các của tổng thống miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm và những người Mỹ bảo trợ cho chính phủ đó. Không có khả năng thăm dò chiều sâu của chủ nghĩa yêu nước ở Việt Nam, các quan chức Mỹ không bao giờ có thể tưởng tượng nổi người phụ nữ Việt Nam quý phái thuộc tầng lớp thượng lưu này lại có thể là một Mata Hari [1] .

Đầu năm 1968 khi cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân bùng nổ, bà Hoa bỏ thành phố vào chiến khu trong rừng cùng với chồng – một nhà toán học, và đứa con duy nhất của họ. Ở trong rừng, đứa con chết vì bệnh viêm não. Đó là một tai họa khiến bà không bao giờ hồi phục được. Cho dù đặt cái chết của con trong bối cảnh những mất mát khủng khiếp của dân tộc Việt Nam, bà tâm sự với tôi với vẻ cam chịu rằng “nó chỉ là một trong hàng triệu con người”. Bà được bổ nhiệm thứ trưởng bộ y tế trong chính phủ cách mạng lâm thời của Việt Cộng do Hà Nội dựng lên để hợp pháp hóa phong trào cộng sản ở miền Nam, và được phong danh hiệu “anh hùng lực lượng vũ trang”. Ngồi trong phòng khách cái biệt thự sang trọng của bà, giữa những đồ trang trí bằng sành sứ Trung Quốc và Việt Nam quý hiếm, chúng tôi trò chuyện đủ điều. Bà nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải loại bỏ đám người ngoại quốc”. Rồi bà sôi nổi hẳn lên: “Tôi đã là người cộng sản suốt đời tôi. Nhưng bây giờ tôi chứng kiến những thực tế của chủ nghĩa cộng sản và đó là một thất bại – quản lý tồi, tham nhũng hối lộ, đặc quyền đặc lợi, đàn áp nhân dân. Lý tưởng của tôi đã tan biến”.

Bà chỉ trích các cán bộ của Hà Nội đang cai trị miền Nam về sự mù quáng của họ trước các đặc tính địa phương, nhất là những biện pháp cứng rắn như tập thể hóa nông dân là những người mà chính niềm khao khát có một mảnh ruộng riêng là động lực đưa họ đến với Việt Cộng hơn là đi theo Ngô Đình Diệm – một chính phủ chỉ say mê tầng lớp có ruộng đất mà không màng tới cải cách điền địa.

Tôi ngạc nhiên sao bà không bị bắt giam vì nói ngược với chính phủ. Có lẽ Đảng Cộng sản chịu đựng bà để tỏ ra nhân từ, cũng có thể họ nghĩ rằng bịt miệng bà sẽ làm cho những người ủng hộ bà xa lánh họ. Cho dù thế nào đi nữa, khi tôi gặp lại bà năm 1990, bà còn tỏ vẻ cay đắng hơn. Bà nói: “Chủ nghĩa cộng sản là một thảm họa. Các viên chức của Đảng không bao giờ hiểu nổi cái nhu cầu phát triển hợp lý. Họ bị thôi miên bởi các khẩu hiệu mác-xít đã mất hết hiệu lực – nếu cho rằng chúng đã có thời hiệu lực. Thật là kỳ quặc”.

Lời chỉ trích chế độ gay gắt nhất là do đại tá Bùi Tín đưa ra sau này. Ông nguyên là phó tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản và là một gương mặt có thành tích thật sự của Đảng. Là con của một vị đại thần, ông được sinh ra ở Huế, cố đô miền Trung Việt Nam mà người Pháp đặt tên là Annam. Ông từ chối một cơ hội đi du học bên Pháp và năm 1945, khi mới mười lăm tuổi, ông đã gia nhập Việt Minh – phong trào dân tộc chủ nghĩa do ông Hồ Chí Minh thành lập – trước tiên là để chống sự chiếm đóng của quân phiệt Nhật tại Việt Nam suốt Thế chiến thứ II và sau này là chống thực dân Pháp. Bị thương trong trận đánh Điện Biên Phủ nhưng ông vẫn giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vào cuối năm 1963, ông làm cuộc hành trình gian khổ vào miền Nam để thực hiện nhiệm vụ bí mật là chuẩn bị cho cuộc thâm nhập của quân chính quy miền Bắc. Một thập niên sau đó, với tư cách người phát ngôn của nhóm cộng sản tại Sài Gòn sau hiệp định đình chiến, ông đã đưa tiễn người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Đó là một người Mỹ ở bang Oregon mà ông lờ mờ nhớ tên là Max Bielke. Ông kể với tôi: “Tôi đưa cho anh ta bản sao một bức tranh do ông Hồ Chí Minh vẽ [2] và mời anh ta trở lại một ngày nào đó với tư cách du khách”. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi ấy là một phóng viên báo Quân đội Nhân dân – tờ nhật báo của quân đội miền Bắc Việt Nam, ông đi cùng những lực lượng cộng sản tiến vào thành phố Sài Gòn – và là sĩ quan cao cấp nhất có mặt, tiếp nhận sự đầu hàng của chính phủ Nam Việt Nam đã bị đánh bại.

Sau chiến tranh tôi thường gặp ông ở Việt Nam. Một con người thấp bé, gân guốc, với một tính cách có vẻ hơi lãnh đạm ông nói chuyện bằng tiếng Pháp rất trôi chảy; và chúng tôi đã có nhiều giờ cùng uống trà, ăn tối và đàm đạo. Ông thân cận với tướng Giáp – và tôi nghĩ rằng ông Giáp đã không ngăn cản bước đi không thể thay đổi được của viên đại tá vào năm 1990.

Trong một chuyến công cán sang Paris, ông đã đưa cho các cơ quan báo chí phương Tây bản “Thỉnh nguyện của một công dân”, nguyền rủa chế độ Hà Nội. Ông cũng công bố rộng rãi những nỗi bất bình của mình trong hàng loạt bài trả lời phỏng vấn mà chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC Luân Đôn phát về Việt Nam. “Chế độ quan liêu, vô trách nhiệm, tính tự cao tự đại, tham nhũng, lường gạt đã trở nên thâm căn cố đế dưới sự cai trị hỗn láo của những kẻ đặc quyền đặc lợi”, ông nói. “Có một sự suy thoái đáng báo động về đạo đức luân lý truyền thống và các giá trị tinh thần, (và) sự lầm lạc trong giới trẻ về những người mà tương lai đất nước trông cậy vào”. Ông phát biểu những bất mãn của mình trong cuốn hồi ký có tựa đề Theo bước ông Hồ Chí Minh xuất bản ở Anh, Pháp và Mỹ năm 1995.

Từ trước đến lúc đó chưa bao giờ có chuyện một đảng viên cộng sản tầm cỡ như vậy công khai chỉ trích các đồng chí của mình, đặc biệt là từ nước ngoài. Ở Việt Nam, người dân hào hứng chờ nghe các buổi phát thanh có ông tham gia và ông bị khai trừ Đảng sau nhiều cơn nguyền rủa. Sau này tôi hỏi ông tại sao, sau một đời làm người cộng sản trung kiên, kỷ luật, ông lại chọn một con đường chưa có tiền lệ như vậy. Ông đáp: “Tôi phải đi theo tiếng gọi của lương tâm”.

Năm 1981, tôi mong mỏi được gặp lại người bạn, người đồng nghiệp Việt Nam từ lâu đã thân thiết của tôi, ông Phạm Xuân Ẩn. Tôi quen ông Ẩn hai mươi năm về trước, khi ông ấy còn là cộng tác viên tại Sài Gòn của hãng tin Anh Reuters. Chúng tôi thường tụ tập ở Brodard hoặc Givral, những quán café ông ấy ưa thích, và trong khi vừa đốt thuốc liên tục ông ấy vừa kiên trì giải mã những bí ẩn của Việt Nam cho chúng tôi hiểu. Là người hiểu nhiều biết rộng, phán đoán sắc sảo, sau này ông ấy được báo Time tuyển dụng và trở thành nhà báo Việt Nam duy nhất trong biên chế phóng viên của một cơ quan báo chí lớn của Mỹ. Không hiểu được tại sao ông ấy không đào thoát khỏi Việt Nam khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đoán rằng, cũng như nhiều người Việt khác, ông đã bị mắc kẹt. Tôi yêu cầu người phụ trách chuyến đi của tôi sắp xếp một cuộc gặp với ông Ẩn – và họ bảo tôi rằng: “Quên chuyện đó đi. Đại tá Ẩn không muốn gặp ông hoặc bất kỳ người Mỹ nào.” “Đại tá ư?” “Vâng, đúng thế” – viên sĩ quan gắt. “Ông ấy là người của chúng tôi”. Và như vậy đó, tôi sững sờ khi biết Ẩn từng là một điệp viên Việt Cộng suốt thời gian chúng tôi quen nhau.

Một người bạn cũ khác của tôi, ông Phạm Ngọc Thảo, một đại tá chói sáng trong quân đội miền Nam Việt Nam, dòng dõi một gia đình Thiên chúa giáo nổi tiếng, cũng đã từng phục vụ cho cộng sản. Ông Thảo đã không bị phát hiện cho đến một ngày, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ông bị mật vụ Sài Gòn ám sát trong một trận chiến. Tôi được biết về vai trò song trùng của ông vào năm 1981 tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ một thời gian ngắn sau khi thi thể của ông được phát hiện và đưa về an táng trong nghĩa trang liệt sĩ. Thảo là một người chủ mưu miễn cưỡng trong khi Ẩn là một nhà báo tài hoa nhưng dường như cả hai đều được biệt phái. Hai người đều không bao giờ tỏ vẻ tuân phục phe cộng sản, nhưng nếu họ che mắt được giới báo chí thì họ cũng lừa được các quan chức Mỹ. Cho đến mức Thảo được phân công sang đại sứ quán Nam Việt Nam tại thủ đô Washington làm sĩ quan liên lạc giữa sứ quán với CIA và Ngũ Giác Đài.

Cuối cùng, mãi cho đến năm 1990, khi không khí ở TP Hồ Chí Minh đã trở nên thoải mái hơn, tôi mới được gặp lại ông Ẩn. Tôi lái xe đến nhà ông, len lỏi qua những đường phố chật cứng xe đạp và xe máy, rồi liếc nhìn qua cánh cổng vào khoảng sân của một ngôi biệt thự cũ kỹ và thấy một gương mặt gầy gò mặc chiếc quần soóc rộng thùng thình. Chúng tôi ôm lấy nhau và Ẩn lên tiếng xin lỗi: “Lần trước anh sang đây chính quyền đã không để cho tôi được gặp anh. Họ lo lắng. Nhưng bây giờ họ đã thoải mái hơn. Dù sao họ đã không còn ảo tưởng về những gì tôi suy nghĩ”.

Ông ngồi trong phòng khách, giữa các đống sách vở, những tờ báo ố vàng và những tủ tài liệu méo mó, bên dưới chiếc quạt trần đang quay vù vù. Ông nói: “Tôi đã làm việc cho những người cộng sản nhưng động cơ của tôi là lòng yêu nước, không phải do ý thức hệ”.

Năm 1944, ở tuổi 16, ông tham gia mặt trận Việt Minh chống Nhật và ở lại trong hàng ngũ Việt Minh suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa làm giao liên vừa đi học. Sau khi đất nước Việt Nam bị chia đôi năm 1954, ông phục vụ trong quân đội của chính phủ Sài Gòn rồi sau này được cấp học bổng theo học đại học ở miền nam California. Ông trở thành một cổ động viên bóng chày – và say mê nước Mỹ. Ông nhớ lại, “Những năm tháng ấy là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi”.

Vài năm sau khi trở về nước, Ẩn được các đồng chí cộng sản cũ bắt liên lạc. Khi ấy, là một phóng viên của hãng Reuters, ông có điều kiện tiếp cận cả chính phủ Sài Gòn lẫn các quan chức Mỹ, và cả hai bên đều muốn tiếp cận những gì ông tiếp cận được. Ông chấp nhận. Mặc dù ông tôn trọng nước Mỹ, ông vẫn cảm thấy rằng người ngoại quốc không có chỗ đứng ở Việt Nam. Và như thế ông bắt đầu cuộc sống hai mặt.

Các giao liên Việt Cộng thường lẻn vào Sài Gòn để nhận những báo cáo của ông – những báo cáo mà ông viết bằng loại mực không màu chế tạo từ bột sắn. Khi được triệu tập đi họp, ông phải lái xe suốt đêm tới một căn cứ bí mật ở phía bắc thành phố trong tâm trạng kinh hoàng vì có thể bị khám xét bởi quân lính của chính phủ - hoặc trái khoáy hơn nữa, ông có thể bị Việt Cộng phục kích. Không bao giờ mang vũ khí hoặc mặc quân phục, ông đã lên tới cấp đại tá trong hàng ngũ cộng sản.

Những tiết lộ đầu tiên về quá khứ của Phạm Xuân Ẩn, do tôi và các đồng sự khác thực hiện, đã khiến cho các nhà phê bình cánh hữu vẫn thường phê phán báo chí Mỹ sướng run lên. Họ tố cáo, đây là bằng chứng hiển nhiên cho thấy báo chí Mỹ đã tự để cho Việt Cộng xỏ mũi. Bác bỏ lời tố cáo đó, Ẩn nói “Vô lý! Như thế tôi sẽ bị lộ ngay”. Phần lớn những tin tức ông chuyển cho phía Việt Cộng cũng giống với những tin tức ông gửi về ban biên tập báo Time. “Đó không phải là những thông tin tuyệt mật – chỉ là thông tin về lực lượng quân sự của chính phủ và cách thức phân bố, tướng lĩnh nào có năng lực, viên tướng nào bất tài hoặc tham nhũng. Và có cả những tin đồn – ông nào thông dâm với vợ hoặc bồ nhí của ông nào. Tôi cũng thu thập những mẩu tin chính trị lý thú, phần lớn từ các cuộc tán gẫu trong các quán café Sài Gòn”.

Mùa xuân năm 1975, nhận thấy phe cộng sản đang chuẩn bị một cuộc tổng công kích, lo lắng cho bà vợ và bốn đứa con nếu xảy ra một trận chiến đẫm máu giành lấy Sài Gòn, Ẩn gửi họ sang New York trên chiếc máy bay thuê bao của báo Time. Ông ở lại để chăm sóc người mẹ đang đau yếu rồi đưa vợ con hồi hương chỉ một thời gian ngắn sau đó. “Đó là việc ngu ngốc nhất mà tôi đã làm,” ông buồn rầu nói.

Những người cộng sản biết rõ các mối liên hệ với người Mỹ của ông Ẩn, họ đã đưa ông ra Hà Nội học tập một năm. Sau khi trở về thành phố Hồ Chí Minh, ông gần như bị quản thúc tại gia, họ cắt đường dây điện thoại của ông và ngăn không cho những người ngoại quốc như tôi đến thăm ông. Tuy vậy họ vẫn tham khảo ý kiến của ông về những vấn đề quốc tế và trả cho ông khoản lương hưu của một thiếu tướng, mỗi tháng khoảng 30 đô-la Mỹ; ông phải nuôi chó để kiếm thêm thu nhập. Ông rất buồn. “Tôi kính phục những người cộng sản như là những người dân tộc chủ nghĩa,” ông nói. “Nhưng sự ngu dốt và kiêu căng của họ chỉ có thể đem lại cho chúng tôi sự khốn cùng”.

Trong một bữa ăn tối ở Sài Gòn ông nhắc lại cho tôi rằng tình yêu đất nước Việt Nam của ông không loại trừ tình yêu ông dành cho nước Mỹ. “Anh có nhớ bài hát cũ của Josephine Baker không?”, ông hỏi và khe khẽ hát “J’ai deux amours…” (Tôi có hai mối tình…).



Về tác giả: Là một trong số ít các phóng viên nước ngoài có mặt ở Việt Nam từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh, Stanley Karnow chứng kiến tận mắt những sự kiện lớn và có mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng của các bên. Ông cũng đã trở lại Việt Nam nhiều lần để tiếp xúc, phỏng vấn các lãnh tụ chính trị, quân sự. Tác phẩm Vietnam – A History của ông là một cuốn sử về nước Việt Nam hiện đại từ khi tiếp xúc với phương Tây, trọng tâm là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc. Đây là tác phẩm chủ yếu của Stanley Karnow, mang về cho ông giải thưởng Pulitzer danh giá của báo chí Mỹ và đã có hơn một triệu bản được phát hành. Ngoài tác phẩm này Stanley Karnow còn tham gia tư liệu cho bộ phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam – một thiên lịch sử bằng truyền hình.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Nữ điệp viên xinh đẹp người Anh trong chiến tranh thế giới lần thứ II.
[2]Có lẽ là bức chân dung ông Hồ Chí Minh – ND.
Nguồn: Stanley Karnow: Vietnam – A History, Penguin Books, 1997; chÆ°Æ¡ng thứ nhất “The War Nobody Won”, trang 9-59