trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
22.8.2008
 
Vì sao nước Mỹ không quản lý hộ tịch mà không loạn?
Tam Dương dịch
 
Dưới đây là chuyện kể của một người Mỹ gốc Hoa về vấn đề này:

Từ khi quen Surens năm 1997 đến năm 2007, trong 11 năm đó Surens đã chuyển nhà 5 lần, trung bình hơn hai năm một chút là đã chuyển nhà. Người Mỹ đều như vậy, không chỉ chuyển nhà luôn mà hình như thích chuyển nhà.

Khi mới tham gia công tác, do thu nhập chưa cao, nói chung người Mỹ thuê căn hộ nhỏ để ở; khi thu nhập cao lên một chút sẽ đổi thuê căn hộ lớn hơn; khi có điều kiện mua nhà lại dọn đến nhà mới; khi thu nhập tăng lên, lại bán nhà cũ mua nhà mới rộng đẹp hơn; giầu có hơn nữa sẽ mua nhà ở những khu có điều kiện sinh sống tốt hơn, khi về già, nhà cửa không để lại cho con cái, mà bán đi rồi đến nhà dưỡng lão. Trước khi đi chầu Thượng đế còn bao nhiêu tiền tiêu hết .

Người Mỹ cũng thay đổi việc làm tương đối nhiều, đến một thành phố khác, một bang khác, thậm chí từ miền Tây sang miền Đông làm việc, đối với người Mỹ xem ra là một việc rất đơn giản. Tổ tiên đầu tiên của người Mỹ, khi từ châu Âu đến Bắc Mỹ đã có câu nói nổi tiếng: “Ở đâu có bánh mì, ở đó là tổ quốc”. Người Mỹ hiện đại thừa kế tinh thần này: ở đâu cuộc sống tốt ở đó là nhà mình. Có xí nghiệp Mỹ khi muốn tìm nhân viên công tác tại ngoại tỉnh, thậm chí đã trả cả tiền dọn nhà.

Lý do chuyển nhà của người Mỹ còn nhiều nữa, địa phương này có môi trường tốt, địa phương kia thu thuế ít, địa phương nọ trường học tốt, địa phương kia nhiều người cùng dân tộc với mình, địa phương này có nhiều quán ăn ngon v.v…, đều có thể là lý do để chuyển nhà. Nghe nói trong một đời, người Mỹ trung bình chuyển nhà mười mấy lần.

Người Mỹ rất yêu cuộc sống, rất yêu gia đình. Người đi tới đâu thì gia đình phải chuyển theo tới nơi đó. Quyết không có chuyện sinh sống ở hai nơi, quyết không thể vì sự nghiệp mà không để ý tới gia đình. Có thể đổi nhà cửa, có thể dọn nhà, nhưng vợ chồng không thể phân cư, trẻ con chưa đến tuổi trưởng thành không thể sống xa. Người Mỹ không thể hiểu nổi việc những người nông dân Trung Quốc vào thành phố làm thuê mỗi năm chỉ về thăm gia đình một lần, họ cho rằng như thế là rất không nhân đạo.

Có thể khẳng định, nếu có một Tổng thống Mỹ quyền uy nào đó dám ra một mệnh lệnh tước đoạt sự tự do di dân của người Mỹ, mang một chế độ tương tự như chế độ hộ tịch Trung Quốc cưỡng ép lên đầu họ, nhất định người Mỹ sẽ đàn hặc ông ta, nếu đàn hặc không xong, nhất định họ sẽ làm một cuộc chiến tranh độc lập hoặc chiến tranh giải phóng.

Vấn đề là, nước Mỹ không có chế độ hộ tịch, người Mỹ không có hộ khẩu, và cũng không có cơ cấu quản lý như công an phường, xã của Trung Quốc, thế mà vì sao xã hội lại không loạn khi dân chúng cứ dọn lui dọn tới như vậy? Chính quyền quản lý thế nào?

Tôi đã hỏi Surens vấn đề này.

Anh ta rất phản cảm với khái niệm “chính quyền quản lý”, và nói, ai quản lý ai? Chính quyền không quản lý công dân mà phải phục vụ công dân, phải là công dân quản lý chính quyền mới đúng. Mỗi lần tôi dọn nhà tới địa phương mới, đều là quan chức chính quyền hoặc chính khách muốn tiến vào chính quyền đến nhà thăm tôi, một công dân mới đến sẽ quản lý họ chứ không phải họ đến quản lý tôi.

Đúng như vậy, tại nước Mỹ không có nhà chính trị hoặc quan chức nào dám nhận mình là người lãnh đạo, là cấp trên, là người quản lý nhân dân và cũng không có công dân Mỹ nào chấp nhận ý thức đó, người muốn lãnh đạo nhân dân, quản lý nhân dân tuyệt đối không có cơ hội đặt chân được vào lĩnh vực chính trị, chỉ có cung cung kính kính, thực thực thà thà phục vụ cử tri thì mới có cơ hội.

Công dân Mỹ mỗi khi chuyển tới một địa phương mới là tự động trở thành cư dân của nơi đó, tự động có quyền lợi của chính quyền địa phương quản lý nơi đó - quyền bầu cử và quyền tham gia chính trị khác, tự động được hưởng đãi ngộ phúc lợi xã hội nơi đó. Không cần phải xin hoặc phê chuẩn, không cần phải làm thủ tục hộ tịch nào. Chỉ cần bạn đến ở nơi đó, ví dụ như thuê nhà, là chính quyền địa phương sẽ chủ động tìm đến bạn, mời bạn thực thi quyền lợi, ví dụ như làm đăng ký cử tri, đăng ký tư cách làm người ứng cử đoàn bồi thẩm… Khi bầu cử, tổ tranh cử của những người ứng cử sẽ chủ động gửi cho bạn tư liệu tranh cử, tìm sự ủng hộ và “quản lý” của bạn.

Vấn đề là không có chế độ hộ tịch, không có sự chuyển đi chuyển lại hộ khẩu thì chính quyền nơi cư trú làm thế nào biết được bạn - “người quản lý” - đã đi nơi khác? Chính quyền nơi ở mới làm thế nào mà biết được có “người quản lý” mới đã đến? Đặc biệt là chính quyền mới làm thế nào biết được bạn ở nơi nào, làm thế nào hiểu được tình hình cơ bản của bạn? Bạn không báo cho chính quyền là mình đã tới làm sao chính quyền tìm được bạn?

Surens cho tôi biết, chính quyền các cấp ở Mỹ thu được tin tức của công dân từ DMV (phòng xe cơ động). Ở nước Mỹ dường như mọi công dân đều có giấy phép lái xe; qui định về giấy phép lái xe của Mỹ là, người lái xe mỗi khi đến một địa phương nào sau 15 ngày là phải đến DMV đăng ký, nếu không sẽ bị coi là lái xe không có bằng. Vì vậy mỗi một công dân khi dọn nhà đều đến DMV đăng ký những thông tin về thay đổi chỗ ở, và như vậy, DMV sẽ có thông tin đầy đủ về người lái xe đến hoặc đi, chính quyền bản địa cũng do đó mà biết được tình hình đi, ở của cư dân nơi mình.

Ở nước Mỹ bằng lái xe là chứng minh thư, đi máy bay trong nước phải có bằng lái, ở khách sạn cũng phải có bằng lái, phàm là những nơi cần chứng minh thư đều cần phải trình bằng lái.

Thế thì những người không biết lái xe, không có bằng lái thì làm thế nào? Ví dụ như người tàn tật suốt đời không lái xe hoặc như người già mới di cư đến v.v… Những người này phải làm chứng minh thư. Chứng minh thư cũng làm ở DMV. Đến phòng quản lý xe cơ động làm chứng minh thư, hơn nữa hình dạng bằng lái xe và chứng minh thư là như nhau, không coi trọng chứng minh thư, sợ rằng chỉ có người Mỹ mới thế.

Một kênh khác để chính quyền Mỹ biết được những thông tin về công dân của mình là những ghi chép an sinh xã hội của cư dân. Mọi cư dân hợp pháp tại Mỹ đều có thẻ an sinh xã hội, số hiệu an sinh xã hội (còn được dịch là số hiệu an ninh xã hội) là duy nhất, nó theo mỗi một con người từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Công ăn việc làm, kê khai tiền lương, nộp bảo hiểm, nộp thuế và có được an sinh xã hội hay không đều phải căn cứ vào số hiệu này, đó là căn cứ bảo đảm phúc lợi của người Mỹ, là mệnh sống. Mỗi khi đến một địa phương mới, người Mỹ đều phải tới cơ quan an sinh xã hội làm thủ tục thay đổi nơi ở nhằm bảo đảm sự liên hệ giữa bộ môn bảo hiểm và mình không bị cắt đứt, có thể nhận được tài liệu cho mình, có sự việc gì tốt mình không bị bỏ sót.

Người Mỹ rất tự tư, không có chuyện đại công vô tư. Định vị của họ đối với quốc gia và chính phủ là chủ nghĩa danh lợi. Họ quyết không có ý chí lớn lao xây dựng tổ quốc vĩ đại, cũng chẳng có nguyện vọng cao cả chấn hưng dân tộc American, càng không có tinh thần hiến thân hy sinh hạnh phúc của mình hôm nay cho cuộc sống tốt đẹp của thế hệ sau. Vì vậy xưa nay không bao giờ họ cho rằng nhân dân cần một nhà lãnh đạo có sức mạnh chi phối họ, dắt dẫn họ đi tới tương lai. Họ quyết không chịu dùng danh nghĩa nộp thuế để giao tiền cho một bộ phận người khác tùy ý chi phối. Chính phủ là do họ thuê để phục vụ toàn thể công dân, mưu cầu lợi ích hiện thực nhất cho toàn thể công dân. Chính quyền là do mọi người góp tiền vì mọi người làm việc. Mỗi công dân bỏ tiền, góp tiền không chỉ có quyền ủy nhiệm các nghị sĩ các cấp thay mặt cho mình tiến hành thẩm tra, phê chuẩn và giám sát việc tiêu tiền như thế nào, hơn nữa còn phải thu lại một phần tiền đã giao cho chính phủ qua việc chính phủ dùng hình thức an sinh xã hội trả lại cho mình. Tiền công dân giao cho chính phủ ghi chép như thế nào? Công dân dựa vào cái gì để được báo đáp lại? Đó là những ghi chép trong phiếu an sinh xã hội.

Vì thế tình hình lưu động, tình hình biến động công tác, tình hình biến động thu nhập, tình hình nộp thuế v.v… của người Mỹ đều được ghi chép kịp thời, rõ ràng, bất kể là anh đi đến đâu.

Bằng lái xe và phiếu an sinh xã hội làm cho tình hình lưu động nhân khẩu của Mỹ, quốc gia có số nhân khẩu lưu động lớn nhất trên thế giới, luôn được nắm vững kịp thời. Vì thế xã hội không mất khống chế.

Có khả năng sẽ có người nói, nắm chắc tình hình không có nghĩa là có trật tự. Bao nhiêu người hễ nói dọn nhà là dọn nhà, nói di chuyển là di chuyển, chẳng lẽ trật tự xã hội lại không loạn à? Mọi người đều chuyển tới các thành phố lớn, làm thế nào? Đều tới các vùng kinh tế phát triển, làm thế nào? Nhân khẩu lưu động mà không khống chế, không quản lý không thể không loạn.

Thế nhưng trên thực tế, nước Mỹ không loạn. Nước Mỹ với việc tự do di chuyển, tùy ý di chuyển, thậm chí thích di chuyển, không hề loạn chút nào. Trên thế giới hiện chỉ còn mấy nước có chế độ quản lý hộ khẩu, phần lớn các nước khác đều có thể tự do di chuyển, và phần lớn các nước này cũng đều không loạn.

Vì sao vậy? Đó là vì tự do. Trong lĩnh vực tự do trước sau vẫn có một “bàn tay vô hình” có tác dụng điều tiết, nói chung, tự do so với khống chế hành chính trong việc điều tiết cân bằng cung cầu là có hiệu quả hơn, hợp lý hơn, tự nhiên hơn, bảo đảm không thể loạn.

Mọi người đều chen vào các thành phố lớn, giá nhà đất và vật giá ở đó sẽ nâng cao, cơ hội kiếm việc làm sẽ giảm bớt, ngưỡng cửa bước vào sẽ càng ngày càng cao. Các xí nghiệp sẽ lựa chọn các vùng có giá thành thấp để phát triển, và như thế sẽ hướng người ta di chuyển đến địa phương mới.

Lại nói đến các vùng hoang vắng không ai muốn đến, nhưng người bản địa tự nhiên sẽ tìm cách thu hút người. Phần lớn bang Nevada của Mỹ là sa mạc, tài nguyên công, nông nghiệp đều kém. Nghèo thì phải nghĩ cách thay đổi, thế là luật của bang này cho phép lập sòng bạc, lấy đánh bạc lôi kéo du lịch. Bang này có hai thành phố đánh bạc nổi tiếng là Las Vegas và Rino, trong đó Las Vegas là thành phố đánh bạc cấp thế giới. Trong lĩnh vực đạo đức, người Mỹ vô cùng thực tế, đánh bạc đã là một tồn tại khách quan thì so với việc để cho người Mỹ đến nộp tiền tại các sòng bạc ở Ma-rốc, làm sao tốt bằng cuốn hút các con bạc toàn thế giới đến Mỹ nộp tiền. Thế là trong sa mạc hoang vu đã dựng nên mấy đô thị náo nhiệt nhất, không chỉ ngành đánh bạc, ngành du lịch phát triển mà Las Vegas và Rino còn trở thành trung tâm triển lãm thương mại.

Từ đó có thể thấy, tự do về kinh tế, về chính trị là cơ chế điều tiết có hiệu quả nhất. Bảo đảm không loạn, không phải là thi hành khống chế, quản lý và cưỡng chế mà là tự do, là “vô vi nhi trị” của Lão Tử.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas