trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
25.4.2008
Ben Stocking
Hoa Kỳ tố cáo nạn mua bán trẻ sơ sinh tại Việt Nam
Lã Việt dịch
 
Việt Nam đã không kiểm soát được hệ thống cung cấp (cho/nhận) con nuôi của mình, để mặc tham nhũng, gian lận và nạn mua bán trẻ em lộng hành, toà Đại sứ Hoa Kỳ đã nói trong một bản báo cáo mới mà hãng tin Associated Press vừa nhận được.

Bản báo cáo dài chín trang miêu tả việc những kẻ môi giới săn lùng trẻ em tại các làng xã, bệnh viện bán trẻ sơ sinh vì mẹ chúng không có tiền trả viện phí, và một người bà đã cho đi cháu của mình mà không nói cho mẹ đứa trẻ biết.

“Tôi thật sự bị sốc và bức xúc về những trường hợp tồi tệ nhất trong những trường hợp tồi tệ”, Joathan Alosi, phó tham tán Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói.

Viên chức cao cấp của cơ quan về con nuôi của Việt Nam nói những quan ngại trên là “không có cơ sở”. Nạn hối lộ những quan chức của các trại mồ côi có thể xảy ra, nhưng những tội phạm nghiêm trọng như buôn bán trẻ em hoặc bắt cóc thì không đến nỗi như thế, theo lời Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Con nuôi Quốc tế.

Việc tranh cãi đang xảy ra trong giai đoạn bùng nổ về con nuôi tại Việt Nam. Người Mỹ, trong đó có nữ tài tử Angelina Jolie, đã nhận nuôi hơn 1.200 trẻ em Việt Nam trong vòng 18 tháng qua, tính đến ngày 31 tháng 3. Trong năm 2007, việc cho nhận con nuôi đã tăng lên hơn 400 phần trăm so với năm trước, với 828 trẻ em Việt Nam được những gia đình Mỹ nhận nuôi.

Trong khi Trung Quốc vẫn là quốc gia phổ biến nhất trong việc xin con nuôi, ngày càng có nhiều người Mỹ đang tìm đến Việt Nam vì luật lệ dễ dàng hơn. Thời gian chờ đợi để được chấp thuận xin con nuôi tại Trung Quốc cũng kéo dài hơn sau khi giới hữu trách thắt chặt qui định.

Những cơ quan con nuôi của Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam nói rằng mặc dù có những trường hợp sai phạm, đa số các trường hợp con nuôi tại đây theo đúng đạo lý.

“Chúng tôi đã có những kinh nghiệm tốt đẹp”, bà Susan Cox nói. Bà là phó chủ tịch về chính sách công của cơ quan Holt International Children's Services, có trụ sở tại Eugene, tiểu bang Oregon. Cơ quan này đã hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1970. “Chúng tôi rất quan tâm về những trường hợp vô đạo đức, nhưng tôi không nghĩ là những trường hợp ấy phản ánh hiện tình (cho/nhận) con nuôi tại Việt Nam.”

Một cơ quan con nuôi khác là Families Thru International Adoption đặt tại Evansville, tiểu bang Indiana, nói rằng tham nhũng xảy ra ở mọi nơi, và trách nhiệm của những cơ quan (môi giới việc cho/nhận) con nuôi là giám sát những ai làm việc với mình tại Vệt Nam cũng như ở những nước khác.

“Luôn có những người tìm cách mua chuộc hối lộ, và khi việc này liên quan đến trẻ em thì hậu quả càng khủng khiếp hơn”, Salome Lamarche, giám đốc chương trình nói. “Là một cơ quan (môi giới việc cho/nhận) con nuôi, chúng tôi có trách nhiệm phải thật cẩn trọng đối với những người giao dịch với mình trong một nước nhất định nào đó, và chỉ làm việc với những tổ chức hoạt động với tinh thần đạo đức và trách nhiệm.”

Bà nói tổ chức của bà vừa ngưng việc tiếp nhận đơn của những gia đình mong muốn xin con nuôi người Việt - nhưng không phải vì mối lo ngại về nạn tham nhũng.

“Chúng tôi ngưng vì danh sách chờ đợi đang quá dài và chúng tôi cho rằng không phải đạo khi tiếp tục nhận đơn của những gia đình mà chúng tôi không biết được rằng mình sẽ tìm được trẻ thích hợp cho họ hay không”, bà Lamarche nói.

Hoa Kỳ đã ngưng mọi trường hợp (cho/nhận) con nuôi từ Việt Nam vào năm 2003 vì những quan ngại về nạn tham nhũng. Chương trình con nuôi được mở lại vào năm 2006 với một thoả thuận chung nhằm bảo đảm những tiêu chuẩn căn bản.

Thoả thuận trên sẽ hết hạn vào ngày 1 tháng 9 năm nay, và nhiều cơ quan con nuôi cho rằng chương trình con nuôi tại Việt Nam sẽ bị ngưng một lần nữa, ít nhất là tạm thời.

“Tôi không thấy được có một giải pháp nào để thoả thuận này có thể tiếp tục”, Tad Kincaid, thuộc cơ quan Orphans Overseas in Portland, tiểu bang Oregon nói. “Chắc chắn là sẽ có gián đoạn.”

Báo cáo của Đại sứ quán Hoa Kỳ dựa trên việc kiểm chứng từ hàng trăm trường hợp con nuôi kể từ khi chương trình này tái hoạt động ở Việt Nam vào năm 2006.

Sự quan tâm của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã làm cho một số trường hợp con nuôi lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi những gia đình người Mỹ chờ đợi chính phủ họ cho phép đem những em bé về nhà.

Bà Victoria Krebs ngụ tại Chapel Hill, tiểu bang North Carolina nói rằng hai vợ chồng bà đã đợi trên bốn tháng về việc thị thực nhập cảnh của hai bé gái mà họ định nhận nuôi được chấp thuận hay không. Họ giữ những bức ảnh của hai đứa bé và cảm thấy rằng chúng đã là một phần của gia đình.

“Họ không trả lời những e-mail của tôi,” bà Kreb nói về những quan chức nhập cư Hoa Kỳ. “Tôi không hề có một thông tin cụ thể nào về trường hợp của mình.”

Việc đình hoãn chương trình con nuôi tại Việt Nam không những làm cho các gia đình phải chờ đợi mà còn đe doạ những công tác nhân đạo mà phần lớn được tài trợ bởi những cơ quan về con nuôi, như việc bảo dưỡng trẻ mồ côi và những chương trình giúp đỡ các thành viên gia đình chung sống với nhau, bà Cox nói. Bà cho biết điều này đã xảy ra vào năm 2003, khi Mỹ tạm ngưng chương trình (cho/nhận) con nuôi. “Vì việc cho/nhận con nuôi không được thực hiện, các tổ chức này không có điều kiện để tiếp tục ở lại [Việt Nam] và giúp đỡ.”

Các viên chức Hoa Kỳ cho biết, đa số những người liên quan đến chương trình con nuôi tại Việt Nam đã chấp hành triệt để những luật lệ về con nuôi.

Nhưng một số khác đã lũng đoạn hệ thống bằng tiền bạc để đưa trẻ đến cho những cha mẹ người Mỹ, những người đã trả đến 25.000 đô-la cho một đứa con nuôi.

Với 42 hãng dịch vụ (môi giới việc cho/nhận) con nuôi Hoa Kỳ được phép hoạt động tại Việt Nam, cường độ cạnh tranh đã tăng mạnh.

Một số dịch vụ đã phải trả cho những giám đốc trại mồ côi đến 10.000 đô-la cho một lần giới thiệu, bản báo cáo nói, và một số khác đã đưa những giám đốc trại mồ côi sang Mỹ mua sắm và du hí thoải mái để được bảo đảm nguồn cung cấp trẻ em được ổn định.

“Những dịch vụ cung cấp con nuôi đã báo cáo rằng tiền và quà đã bị các quan chức trại mồ côi ăn chặn để dùng vào việc mua sắm của cải cá nhân, xe riêng, nữ trang, và có một trường hợp được dùng để đầu tư vào một dự án phát triển bất động sản,” bản báo cáo cho biết.

Aloisi cung cấp cho phóng viên AP một danh sách của 10 trường hợp nghiêm trọng nhất, trong đó có việc một người bà đã cho cháu của mình.

Người mẹ đang làm việc tại một tỉnh khác trong vài tuần lễ và đã để con mình cho mẹ chồng trông nom. Khi người mẹ quay về thì biết được rằng đứa con mình đã bị cho đi làm con nuôi. Cuối cùng thì chị cũng nhận lại được con mình sau khi các viên chức Hoa Kỳ khám phá ra âm mưu này trong quá trình điều tra xét duyệt thị thực nhập cảnh Hoa Kỳ.

Trong một trường hợp khác, một đứa bé được cho là đã bị các viên chức của bệnh viện cho đi làm con nuôi vì người mẹ không thể trả số tiền 750 đô-la viện phí.

Những viên chức bệnh viện đã tăng khống số tiền viện phí, họ bảo rằng đứa bé bị bệnh hiểm nghèo. Các viên chức Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng họ khám phá ra rằng đứa bé hoàn toàn mạnh khoẻ. Lần này cũng vậy, đứa bé được giao lại cho mẹ ruột.

Bản báo cáo cũng nói rằng một số trại mồ côi đã gây áp lực đến những bà mẹ để họ bỏ con của mình để đổi lấy 450 đô-la - gần một năm lương của nhiều người.

Những tiêu cực này đã thúc đẩy các viên chức Hoa Kỳ tìm cách bổ túc lại thoả thuận của chương trình (cho/nhận) con nuôi trước khi tái ký, trong đó có việc thử nghiệm DNA cho những người mẹ ruột và quyền được điều tra bất chợt những tỉnh đang cho phép con nuôi đến Hoa Kỳ.

Cả hai điều kiện trên đều không thể chấp nhận được, ông Long, vị quan chức Việt Nam nói.

Luật lệ Việt Nam yêu cầu các viên chức người Việt có quyền phê chuẩn và tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào, ông nói. Và việc yêu cầu thử DNA thì không thực tế tại một quốc gia mà chuyện con nuôi được xem là vấn đề riêng tư.

“Phía Hoa Kỳ đang tìm cách làm ra vẻ thoả thuận này bị đình hoãn là do những vi phạm từ phía Việt Nam”, ông Long nói. “Thật không công bằng khi họ đổ lỗi cho chúng tôi.”

Các quan chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ bắt đầu đặt vấn đề từ năm ngoái, sau khi những điều tra thường lệ của họ cho thấy quá nhiều bất cập trong hồ sơ con nuôi.

Họ cũng để ý thấy là con số trẻ bị cho là bỏ rơi tăng mạnh một cách đáng ngờ trong các hồ sơ con nuôi. Điều này làm cho việc kiểm chứng, theo yêu cầu của luật pháp Hoa Kỳ, những trẻ sơ sinh có thật sự là mồ côi, hoặc cha mẹ chúng tình nguyện cho chúng làm con nuôi hay không trở nên vô cùng khó khăn.

Trong những trường hợp con nuôi trước năm 2003, 20 phần trăm là trẻ bị bỏ rơi. Kể từ khi chương trình tái hoạt động với luật lệ nghiêm khắc hơn, tỉ lệ này đã lên đến 85 phần trăm, bản báo cáo cho biết.

Các viên chức Hoa Kỳ cho rằng con số sai phạm giấy tờ và những báo cáo về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tăng lên một phần là do những nhân viên tham nhũng đang tìm cách che đậy việc mua bán trẻ em.

Họ nói rằng nỗ lực điều tra của họ đã bị ngăn chặn tại sáu tỉnh, làm ngưng trệ quá trình xin con nuôi của khoảng 70 gia đình Mỹ đã tìm được trẻ thích hợp.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas