trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
17.4.2007
Vy Huyền
Xem Sống trong sợ hãi – Những điều đáng sợ hơn cả bom mìn
 
Ngày 9 tháng 4.2007, bộ phim Sống trong sợ hãi (Living in Fear), đã đoạt giải Phim hay nhất trong cuộc thi “Giải thưởng tài năng mới Châu Á” tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần 9, của đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên, được trình chiếu tại Pacific Film Archive Theater, thành phố Berkeley. Sau phần chiếu phim là phần trao đổi giữa khán giả và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Sống trong sợ hãi là câu chuyện xảy ra tại miền Trung Việt Nam (tỉnh Ninh Thuận) vào năm 1975, một thời gian ngắn sau ngày kết thúc cuộc chiến. Phim xoay quanh cuộc sống của nhân vật Tải, một người lính Việt Nam Cộng hòa trong xã hội mới. Năm 1975, sau một thời gian đi tù cải tạo, Tải trở về quê của mình tìm kế sinh nhai. Vì “hoàn cảnh chiến tranh,” Tải có đến hai người vợ; hai người đàn bà này hoàn toàn khác nhau. Thuận, người vợ đầu của Tải, xuất thân từ gia đình có người anh theo cách mạng. Anh của Thuận, Hai Dân, là bạn thời thơ ấu của Tải; khi lớn lên, hai người đi theo hai chiến tuyến khác nhau. Sau năm 1975, Hai Dân trở thành cán bộ cao cấp của huyện, còn Tải trở thành một kẻ thua cuộc, lâm vào thế bần cùng. Út, người vợ hai của Tải, không có xuất thân “đặc biệt” như người vợ đầu; cô đại diện cho hình ảnh người phụ nữ bình thường ở các vùng quê miền Nam Việt Nam.

Để tìm kế sinh nhai, Tải theo học Năm Đực, một người lính du kích cộng sản, cách tháo gỡ bom mìn. Công việc hằng ngày của Tải là đi cắt dây kẽm gai và tháo gỡ bom mìn, bán phế liệu kiếm tiền nuôi sống anh và hai gia đình nhỏ của anh. Xuyên suốt phim là cảnh Tải phải đương đầu với những sợ hãi khi làm công việc nguy hiểm này.

Ðặc điểm đầu tiên và nổi bật của Sống trong sợ hãi, khác với nhiều phim xã hội chủ nghĩa khác, là đã “chọn” một người lính Việt Nam Cộng hòa làm nhân vật chính, nhưng không “phản diện”.

Sống trong sợ hãi khai thác nhiều “cảnh nóng”. Bùi Thạc Chuyên đã thành công khi biến những “cảnh nóng” này thành một phần bình thường của cuộc sống. Trong phim, có bao nhiêu cảnh của những sinh hoạt đời thường, cảnh bữa cơm gia đình, thì cũng có bấy nhiêu cảnh ân ái của Tải với hai người vợ của anh. Những cảnh nóng (thực sự) là điều không mới trong điện ảnh, nhưng đối với điện ảnh Việt Nam, đây vẫn là điều hiếm thấy, và nếu có, thì vẫn hết sức “gượng gạo.” Nhưng trong Sống trong sợ hãi, tình dục là một phần của cuộc sống, điều đó bình thường như những bữa cơm gia đình.

Bùi Thạc Chuyên cũng đã thành công trong việc nhấn mạnh rằng tình dục là một phần quan trọng của cuộc sống. Tình dục là nhục cảm, nhưng cũng chính nó là sức mạnh tinh thần cho Tải trước những lần phải đi vào nguy hiểm và để giải tỏa căng thẳng sau những lần đi gỡ bom mìn về. Tình dục trong Sống trong sợ hãi là hình ảnh của sự “khát” sống. Mỗi lần Tải bước vào nhiệm vụ nguy hiểm, là một lần anh phải sống với tất cả bản năng của một con người, sống và truyền sự sống, mầm sống của mình vào trong thế giới này. Bên cạnh đó, việc Thuận, người vợ đầu của Tải, luôn bảo vệ Tải mỗi khi anh phải đương đầu với người anh cách mạng, Hai Dân, với lý do đơn giản là “vì Tải thương con”. Nhưng đó có phải là lý do duy nhất và chính yếu không? Nhiều lần trong phim, Tải quay về ngủ với Thuận. Người xem thấy Tải có khả năng thỏa mãn cả hai người đàn bà của anh, và họ đều yêu thương anh. Điều đó cho thấy, đối với người phụ nữ, tình dục, tình yêu thương, quan trọng hơn cả lý tưởng cách mạng. Đây là một cách nhìn “hiện đại” của Bùi Thạc Chuyên về vai trò của tình yêu và tình dục trong cuộc sống.

Trong phim, Hai Dân, một cán bộ cấp cao của huyện, phải lòng một cô cán bộ xã tên Uyên. Tuy nhiên, ở đoạn kết, Uyên lấy chồng và sinh con, nhưng người chồng của cô lại không phải là cán bộ Hai Dân. Nếu theo thông lệ của phim Việt Nam, sẽ có một kết cuộc “có hậu” cho Hai Dân và Uyên; nhưng Bùi Thạc Chuyên đã phá cách, tạo nên một kết cục mới hơn cho phim. Kết cuộc đó không tuân theo một “nguyên mẫu” có sẵn, và thoát ra được cái nhàm chán thường thấy trong những phim Việt Nam khác.

Bên cạnh thành công của việc khai thác những “cảnh nóng” trong phim, và một đoạn kết mới lạ, Sống trong sợ hãi vẫn còn rất nhiều điều bất hợp lý. Không biết vì thiếu tư liệu, hay vì cường điệu hóa thực trạng, Sống trong sợ hãi đã không diễn trọn vai trò của một bộ phim phản ảnh hiện thực xã hội, nếu có chăng, thì đó là “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, cái hiện thực “giả” mà hầu hết những người làm nghệ thuật Việt Nam dưới chế độ cộng sản đã “thấm nhuần”. Có những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ, nhưng nếu để ý, có thể thấy, đằng sau những cảnh quay đó, là những con người đang làm phim theo một “khuôn lề nghệ thuật” được định sẵn, và thấy được một cái bóng (kiểm duyệt) khổng lồ vô hình đang kìm cặp sự thăng hoa của nghệ thuật.

Bối cảnh phim là vào thời điểm đất nước Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn kinh hoàng của lịch sử, với bao nhiêu đổi thay sau tháng tư năm 1975. Nhưng trong phim, người xem không tìm thấy được sự hoảng loạn hay những cảnh khó nghèo mà người dân đang phải đương đầu. Theo như cốt truyện, nguyên nhân chính dẫn đến việc Tải, và những người khác, bất chấp mọi nguy hiểm trong cuộc sống, để đi đào bom mìn bán phế liệu, là vì họ đang đứng trước thảm cảnh nghèo đói. Tuy vậy, người xem thấy các nhân vật đều có quần áo rất tươm tất. Đặc biệt là nhân vật chính, Tải. Những lần xuất hiện liên tiếp nhau, Tải thường mặc những chiếc áo “mới”, không hề toát lên vẻ khó nghèo; với thân hình vạm vỡ, Tải không gợi hình ảnh của một người đang đứng trước cảnh chết đói để phải lao mình vào công việc đào bom mìn tột cùng nguy hiểm. Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam trong giai đoạn này, những ngày sau năm 1975, miền Trung và miền Nam Việt Nam đã phải gánh chịu cảnh nghèo đói, cảnh “khoai mì, cơm độn” dai dẳng, kéo dài mãi cho đến khi xóa bao cấp, thì hình ảnh “gạo trắng nước trong” như những gì được chiếu trong phim là không đúng sự thật.

Phải chăng vì là người lớn lên sau cuộc chiến (theo lời đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), vì hoàn cảnh địa lý, vì thiếu tư liệu, hay vì thiếu những trải nghiệm, mà đạo diễn đã xây dựng hình ảnh Tải, một người lính “ngụy” như đã thấy trong phim? Là người lính trong chiến tranh, cảnh Tải, lần đầu tiên được Năm Đực, một du kích cộng sản, chỉ cho cách gỡ mìn, cầm trái mìn trên tay, run run hỏi rằng “Cái kít này sập xuống là nổ phải không anh Năm?” thì người xem sẽ phải đặt ngay vấn đề: Nếu “ngụy quân” (như đã và luôn bị gọi như vậy) Tải đã từng tham gia cuộc chiến, thì đối với anh (và với rất nhiều những thường dân miền Nam Việt Nam khác), bom mìn không phải là những vật quá xa lạ. Xin nhớ rằng, những trái bom mìn đó bắt nguồn từ “kẻ thù” đấy, và do đó, không thể có việc kẻ bị gọi là “tay sai của kẻ thù” ngắm nghía chúng một cách lạ lẫm như một đứa trẻ đang ngắm nghía viên “kẹo (chì)” như vậy.

Những chuỗi bất hợp lý tạo nên những mảng đứt khúc, và từ đó, phá vỡ sự chặt chẽ của phim. Cảnh Tải run rẩy chỉ bước được một hai bước trong bãi mìn, nhưng lại có thể len lỏi (không biết bằng cách nào?) để thu nhặt hết những mảnh thịt của con bò bị mìn nổ và đem trả lại cho người chủ bò. Hay cảnh những người đàn ông đang ngồi cưa cưa đẽo đẽo một trái bom 500kg, (người xem đã biết được kết cục bi thảm của những con người đó). Nhưng, có thật không khi một trái bom 500kg nổ tung mà không làm choáng nổi Tải, người đang đi cách đó chỉ chừng 10m, và sau tiếng nổ, chỉ lóe lên một đám cháy nhỏ, bập bùng? Sức công phá của trái bom kia, cũng như của cuốn phim này, hẳn sẽ rất lớn nếu nó không đi từ những bất hợp lý này đến bất hợp lý khác.

Nếu Sống trong sợ hãi đã tạo ra được một hoàn cảnh độc đáo, “dở khóc dở cười” - hai người vợ của Tải cùng chuyển dạ một lúc trong cùng một nhà hộ sinh - thì cũng chính những chi tiết không hợp lý trong chuyển biến tâm trạng giữa hai người đàn bà này, càng làm phô thêm những sự bất hợp lý của phim. Một bên là hình ảnh của Thuận, người thuộc “gia đình cách mạng”, luôn “hiền hòa”, “yêu thương”, “nâng đỡ”, “chia sẻ”… với người vợ hai, ngay cả trong lúc cô đang chuyển dạ. Trái ngược lại, là hình ảnh cô Út, một cô gái quê miền Nam, lúc nào cũng trong tâm trạng “giận hờn”, “ghen tức”, và luôn sẵn sàng tuôn ra những lời “thô lỗ” đã tạo nên một bức tranh trắng đen giữa hai thái cực. Phải chăng, những gì thuộc về “cách mạng” đều “tốt” cả? Hay chúng đều “dở khóc dở cười” như cảnh hai người đàn bà đang chuyển dạ kia?

Trong phim, người xem thấy hình ảnh một người lính cộng hòa run rẩy, “bò lê lết” nhiều hơn đi, bên cạnh Năm Đực, một người lính cộng sản, lúc nào cũng “hiên ngang” trên các bãi mìn. Nhưng những “cảnh bò lết” đó không mang lại chút cảm giác sợ hãi nào. Có chăng, chúng chỉ làm phô thêm sự bất hợp lý của việc xây dựng hình ảnh nhân vật thiên lệch của đạo diễn. Lịch sử cho thấy, trong giai đoạn này, người dân miền Nam, đặc biệt là những người lính miền Nam, e ngại chính quyền cộng sản hơn cả bom mìn. Nhưng trong phim, người xem không thấy được điều đó. Tải sợ cán bộ huyện, Hai Dân (anh ruột của Thuận), chỉ vì Tải có đến hai vợ, chứ không phải nỗi sợ của “kẻ thua cuộc” trước một chính quyền mới. (Việc Tải lặp đi lặp lại mình là một “thằng hèn”, “thằng ngụy”, “tay sai của kẻ thù”, và “tự hạ mình” thành một “thằng ngụy khốn nạn” là mục đích của đạo diễn về một con người đã “nhận thức” được “sự sáng suốt” của chính quyền mới?)

Sống trong sợ hãi mang hai hàm ý chính - sự sợ hãi trước nguy hiểm của bom mìn, và sự sợ hãi của người dân miền Nam thất thế về chính trị trong một chế độ mới - nhưng người xem lại không thấy được những nỗi sợ hãi này (vì sợ không qua được bức tường kiểm duyệt, nên phim đã không thể làm rõ hơn các chi tiết?) Phải chăng, sâu xa hơn cả những sợ hãi trước bom mìn, là nỗi “sợ hãi” của những con người, đang sống dưới cái bóng ngầm nào đó, đã, đang và còn tiếp tục bóp méo đi những sự thật đáng và cần/phải được nói ra?

Đây là bộ phim đầu tay của Bùi Thạc Chuyên. Chúng ta hy vọng, như niềm hy vọng và tin tưởng của Bùi Thạc Chuyên [1] , điện ảnh Việt Nam sẽ không còn phải “sống trong sợ hãi”, và sẽ có được những phim nghệ thuật, phản ánh đúng thực trạng của xã hội, chứ không phải là những bộ phim vẫn còn đậm màu “quốc doanh” như thế này.


*


Phần thảo luận giữa đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và khán giả

Khán giả: Đây có phải là một câu chuyện có thật hay không?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi làm bộ phim này dựa trên một câu chuyện có thật. Trước khi làm bộ phim này, tôi đã làm một bộ phim tài liệu về một người đàn ông gỡ mìn ở tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Tôi biết ông ấy qua một bài báo và tôi đã đi tìm ông ấy. Sau khi bộ phim tài liệu hoàn thành, tôi vẫn còn ám ảnh và rất ấn tượng với những câu chuyện tôi được nghe. Và tôi rất cảm phục và quý trọng ông ấy. Và tôi nghĩ rằng ông ấy có một hành động rất đặc biệt với bối cảnh của Việt Nam, với một cuộc chiến rất lâu dài. Sau đó, tôi đã có điều kiện để làm bộ phim này.

Bom mìn có phải là một vấn đề của Việt Nam hay không? Nếu còn, vấn đề này xảy ra nhiều ở miền Bắc hay miền Nam?

Việt Nam bây giờ vẫn còn rất nhiều vùng còn bom mìn. Trên khắp đất nước, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam. Năm 2001, tôi đi từ Bắc vào Nam để tìm các vùng đất có bom mìn, và tôi đã biết được rằng có rất nhiều vùng đất còn bom mìn. Tôi biết có những tổ chức của Mỹ và Đức đang giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này. Như quý vị biết, để đặt một trái mìn thì rất nhanh, nhưng để gỡ nó lên thì rất lâu, và rất đắt tiền. Và tôi nghĩ, sẽ còn nhiều năm nữa trước khi chúng ta giải quyết được vấn đề này.
Cảm ơn ông về một cuốn phim rất nhạy cảm. Ông đã tự tay đào mìn hay đã xem ai đó gỡ mìn chưa?

Tôi đã được, khi gặp người gỡ mìn. Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy, ông dẫn tôi tới vùng mà ông đã đào mìn. Mặc dù đây là vùng ruộng ông ấy đã trồng cấy lên rồi, tôi vẫn rất sợ. Ông ấy dắt tôi đến ranh giới, một bên đã sạch mìn, và một bên còn mìn, cách nhau bởi cái hào. Ông ấy nhảy qua cái hào đó và đi qua bên vùng có mìn, còn tôi thì thụt lùi lại. Ông ấy moi trong bụi rậm ra một quả mìn và đưa cho tôi. Chắc mọi người có thể hiểu cảm giác của tôi lúc đó.

Tôi còn nhỏ khi chiến tranh kết thúc và không có nhiều kinh nghiệm.

Theo tôi biết, nhiều khi vì kế sinh nhai họ phải đào và cưa bom mìn để bán đồ phế thải, hiện giờ, với những giúp đỡ của các tổ chức chính phủ, nhà nước Việt Nam có những chương trình giáo dục gì để giúp người dân hiểu được độ nguy hiểm của việc gỡ bom mìn hay không?

Theo tôi biết, cho đến hai mươi, ba mươi năm sau chiến tranh, việc người dân đi thu nhặt bom mìn về làm phế thải là một điều thường thấy. Nhà nước nghiêm cấm, nhưng mà không thể nào ngăn cấm, vì đó là một nguồn sống của người dân Việt Nam, nhất là với những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, họ quá nghèo, họ phải làm. Cho đến hôm nay, tất cả những gì dễ lấy thì họ đã lấy hết rồi. Càng ngày người ta càng đi sâu hơn, càng đào bới đất nguy hiểm hơn. Và khi tôi làm bộ phim này, tôi được biết là lệnh cấm đã được giữ gìn rất triệt để. Năm 2000, tôi gặp một người đàn ông ở Quảng Trị, ông ấy làm máy dò mìn và kim loại bán cho những người dò mìn. Và ông ấy đã phải bỏ nghề vào năm 1999, không làm nữa.

Ông đã học đạo diễn ở đâu? Bây giờ, Việt Nam có nhiều đạo diễn phim hay không?

Tôi học ở Trường Sân khấu Hà Nội. Điện ảnh Việt Nam hiện giờ vẫn còn khiêm tốn và nhỏ bé, chỉ khoảng từ mười lăm đến mười bảy phim mỗi năm. Rất nhiều đạo diễn sau khi học xong thì làm truyền hình, rất ít người theo làm điện ảnh. Năm vừa rồi, có một số đạo diễn trẻ, trẻ hơn tôi rất nhiều, đã làm những bộ phim nhựa thành công. Tôi hy vọng và tin tưởng vào tương lai của điện ảnh Việt Nam.

Những người dân nghèo có cách nào khác để sinh sống hay không và động cơ nào thúc đẩy ông làm nên bộ phim này?

Ở Việt Nam sau chiến tranh, rất nhiều người lính đã trở thành những người nông dân, nhưng không đủ đất đai. Tôi nghĩ rằng, đây là một cách họ bắt buộc phải làm để sống. Câu chuyện người thanh niên gỡ mìn và bán phế liệu tôi nghe được ở Thủ Đức, Sài Gòn. Làng đó là làng mà tất cả mọi người đều đi tìm bom mìn. Anh ấy đã mất một tay và cụt một chân, không phải cùng một lúc nhưng từ những lần khác nhau. Anh ấy nói anh ấy mất một chân vẫn còn chân kia để đi, mấy tay này còn tay kia để làm. Và anh ấy vẫn phải làm vì đó là cuộc sống.

Còn việc tôi làm phim này là vì tôi rất ấn tượng về việc làm của anh ấy. Tôi thấy câu chuyện này rất hay, hay hơn cả bộ phim của tôi.

Chuyện người đàn ông có hai vợ là có thật hay không? Tại sao ông lại xây dựng một nhân vật như vậy?

Thật sự ông ta còn nhiều vợ hơn vậy nữa.

Berkeley, California 2007

© 2007 talawas


[1]Xem phần thảo luận giữa đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và khán giả trong bài viết này.