trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
Loạt bài: World Cup 2006
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11 
14.7.2006
François Weyergans
Tấm thẻ đỏ
Phạm Toàn dịch
 
Dù ta khoái chí theo nó hoặc ta đành chịu đựng nó, song một khi thử tìm hiểu đôi chút cái cơn cuồng điên định kỳ bóng đá trên toàn hành tinh, cái sự mê mệt không sao hiểu nổi hoặc có thể hiểu nổi đối với một vài chân sút đã thành biểu tượng, khi đó ta có việc mà làm! May mà người ta mới chỉ cuồng nhiệt đối với các chân sút thôi: ít ra thì cho tới lúc này các chân sút vẫn còn dư sức. Nhưng chẳng dư đạo đức: lởn vởn thăng hoa hoặc hiển hiện tường minh trong một trận đấu vẫn có chất hung hãn hiếu chiến (hình như là vào thời khởi đầu bóng đá thì chẳng hề có trọng tài, và cũng phải lâu lâu về sau này thì các dàn nhạc mới có nhạc trưởng!). Một đội bóng đá giống như một bầy chó săn. Quan hệ cá thể với bầy đoàn là một trong những điều phải được thoả mãn trong cái bầy ấy. Liệu thiên hạ có cần đọc lại Cuốn sách rừng rậm? Để mà phát hiện ở một anh đeo số mấy nào đó có chút gì giống như chú ếch Mowgli, ngay cả đôi khi có những anh đeo số mấy nào đó làm ta nghĩ đến chú Hoàng tử nhỏ đã thành kẻ to xác? So sánh như vậy thật chẳng vững khi ta tận mắt thấy, tận tai nghe mọi điều diễn ra tại Giải Bóng đá Thế giới kỳ này. Lấy trường hợp Zinédine Zidane ra coi. Anh ấy là Mowgli sao? Hay anh ấy là Hoàng tử nhỏ về già?

Nhân chuyện tuổi tác, tôi muốn nhắc tới cầu thủ người Anh Stanley Matthews, người được cha tôi bái phục từ khi tôi còn nhỏ, rằng chính cái anh Matthews đó vào những năm 1950, khi anh ba mươi tám tuổi, lúc đội bóng mình đang thua 3-1 thì anh đã đưa được tỷ số lên 3-3, và đến tuổi năm mươi anh mới chấm dứt sự nghiệp. Nhờ cuốn sách tuyệt với của Ken Bray: Cách gì để đưa bóng vào lưới (nhà xuất bản Lattès), sách gối đầu gường của tôi từ mười lăm hôm nay, mà tôi tìm được tên của Matthews và đọc lại câu chuyện trận chung kết giữa hai đội Blackpool và Bolton, nhưng thôi, hãy quên Matthews đi để quay về với chuyện Zidane. Ta cũng có thể nói tương tự về các anh giữ gôn. Khi nhìn thấy anh chàng Fabien Barthez âu sầu thiểu não sau trận thắng đá luân lưu của người Italia, tôi tự nhủ: "Khó mà có anh diễn viên nào giỏi đến vậy".

Ta hãy trở lại với Zidane, chàng nghệ sĩ hút hồn người chứ không phải Zidane nhà quỷ thuật... Đó không phải là một người Anh như Ken Bray - còn là một tiến sĩ cơ học lượng tử, người hẳn là đã coi Zidane là đại thiên thần, là thánh hoặc là ông giời -, cũng chẳng là đương kim tổng thống Cộng hoà Pháp ngẫu hứng trước micrô gọi Zidane là "hiện thân những phẩm chất người cao quý nhất ta có thể hình dung nổi". Có cái gì đó thật tởm trong mọi thứ tôi đọc được về Zidane, tởm hơn là lối nói chung chung vô nghĩa: một hợp xướng những lời khen, nhưng thôi, nói xấu làm gì những người đã nói quá nhiều điều tốt về Zidane. Lỗi không tại anh. Liệu anh có đọc tất cả những thứ đó không? Đọc hết thì hẳn là phải ngạt thở. Nếu người ta nói đến anh như một chân sút hiếm và tuyệt diệu, thì chẳng đến nỗi tệ lắm. Người ta đã đánh giá anh như một (nghệ sĩ múa) Nijinski của làng bóng đá. Do chỗ chẳng còn ai đương thời từng nhìn thấy Nijinski múa, nên người ta cũng có thể nói Zidane là nghệ sĩ ba-lê (đương thời) Noureev trong làng bóng đá, nhưng một chân bóng đá lại không phải là một nghệ sĩ múa, đôi bên không cùng chung quy cách, cũng chẳng gặp phải những vấn đề như nhau trong không gian và thời gian.

Zidane nhận một thẻ vàng trong một trận nào đó tôi chẳng còn nhớ nữa, và thế là anh bốc lên và ngay lập tức đưa một quả bóng vào lưới cực kỳ hào hoa, hệt như một chương sách tuyệt bút, như một câu văn rất thoáng (của Morand, hay của Cocteau?). Nếu tôi nói đến văn chương, thì đó là vì người tuyển chọn có tên là Domenech, người vào giờ nghỉ giữa hai hiệp nào đó đã tuyên bố: "Hiệp bóng không được viết trong 45 phút, phải viết trong 90 hoặc 120 phút." Dùng động từ "viết" kiểu ấy còn xa mới gọi là ngốc. Và đột nhiên xuất hiện những hình ảnh thuộc phong cách, thuộc tu từ, Aristote, thuần tuý Aristote và luận điểm giải toả nghệ thuật của ông...

"Trên tư cách tiểu thuyết gia", Zidane làm tôi quan tâm rất nhiều vì mọi người phỏng đoán những bất ngờ ở anh hơn là những gì anh bộc lộ ra. Chơi bóng đấy, mà anh vẫn giữ kín lối chơi của mình. Dường như có một thứ bí ẩn chẳng ai đoán nổi hoặc một thứ thách đố kiểu Pascal đã thuyết phục được anh trở lại với đội tuyển Pháp. Trong một lần phỏng vấn, anh nói anh sẽ chẳng khi nào kể ra điều bí ẩn đó "cho tới khi trút hơi thở cuối cùng". Người ta bàn về anh như về bi kịch Hy Lạp, và thế là với chiếc thẻ đỏ ngày 9 tháng Bảy, anh cho thấy Sophocle đã đúng: ta chỉ có thể xét đoán cuộc đời một con người vào đoạn cuối đời (trong trường hợp Zidane có lẽ đó là sự nghiệp và đoạn cuối sự nghiệp được báo trước là "đang bị đe doạ").

Tấm thẻ đỏ này là một thời điểm to tát. Phản ứng tức thời là: "Chuyện số phận, chuyện rủi may thôi, ta hãy làm ngơ đi, quên đi." Ngược lại, ở đây có một thứ xung động tự huỷ mà tôi muốn suy nghĩ theo một câu ngạn ngữ hơi có tính chất phân tâm học: "Chính là khi trục trặc thì mới là không trục trặc." Một thời điểm vô cùng hệ trọng mà trọng tài phải là người đứng ra xử trí, không phải tôi, cũng chẳng phải chúng ta.

(François Weyergans là nhà văn Pháp)


Bản tiếng Việt © 2006 talawas