Báo Nhân Dân vốn từ lâu đã nổi tiếng là đất dụng võ của những chiếc lưỡi gỗ, chẳng nên mất thì giờ với nó làm gì nếu như không phải cái tên Nguyễn Hoà, một cây bút từng viết một số bài phê bình văn chương khá sắc sảo, một người dám lao vào những cây đa cây đề trong làng phê bình văn học, tả xung hữu đột, chẳng khác gì chàng Đông-Ki-Sốt xưa và gần đây xuất hiện trên talawas như một Bao Công chính hiệu nhằm lật tẩy những trò giả mạo của một bạn văn. Đọc những bài báo về nhiều lĩnh vực của ông, tôi cứ thấy kì kì và tự hỏi: có lẽ đây là hai người, ông Nguyễn Hoà ấy không phải ông
Nguyễn Hoà này? Chắc rằng sau đây ông (hai ông?) sẽ lên tiếng cho tỏ tường mọi sự, còn hôm nay xin được hầu chuyện ông Nguyễn Hoà trên báo Nhân Dân về hai khái niệm mà bài báo đặt ra: 1.
Diễn biến hoà bình, 2.
Xâm lăng văn hoá; dẫu biết rằng thuyết phục người khác là một việc thiên nan vạn nan, ngay cả khi người đối thoại với mình thực sự chân thành trong suy nghĩ, chứ chưa nói họ còn cố tình hợp lí hoá những điều biết chắc là sai. Thôi thì, dù có sao... cũng coi như một lần mua vui cho độc giả.
Cũng như nhiều người khác, khi nói về
diễn biến hoà bình, ông Nguyễn Hoà đã không chỉ rõ cái sự diễn biến này (tôi hiểu là một
quá trình) đang dẫn người ta đi từ đâu đến đâu; về mặt khoa học thì đây rõ ràng là một thiếu sót: tác giả không minh định rõ khái niệm mình đang bàn. Nhưng xin hãy đọc kĩ một chút, ông Nguyễn Hoà viết như sau:
“Do vậy, một cuộc chiến tranh tổng lực theo ý nghĩa rộng nhất đã được triển khai với nội dung chủ yếu là chạy đua vũ trang kết hợp tiến công kinh tế, tiến công văn hóa, và nó đã góp phần vào quá trình tan rã vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu”. Có lẽ tôi hiểu không sai là: diễn biến hoà bình “
đã góp phần vào quá trình tan rã vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu”.
Thưa ông Nguyễn Hoà, theo tôi hiểu thì sự tan rã, sự cáo chung, hay cái chết của bất kì ai, bất kì sự kiện gì hay hiện tượng nào cũng đều do các nguyên nhân nội tại của chính người ấy, vật ấy, sự kiện ấy là chủ yếu; tác nhân bên ngoài chỉ có tác dụng như một cú hích, chỉ là tác nhân phụ. Vậy cái sự “
tan rã vào đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu” là do những nguyên nhân nội tại nào?
Các học giả nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội hiện thực đã gọi nó là
chế độ toàn trị với ba đặc điểm chủ yếu sau đây: 1) chuyên chế về quyền lực, 2) nắm trọn quyền điều khiển nền kinh tế và 3) độc quyền về tư tưởng. Chưa có chế độ nào trong lịch sử từng nắm được trong tay cùng một lúc ba tác nhân nô dịch trọn vẹn con người đến như thế, chưa bao giờ và chưa có ai, kể cả Tần Thuỷ Hoàng hay các Pharaon có được quyền lực tối thượng như Stalin. Kết quả? Đã có nhiều sách viết về vấn đề này, có lẽ khó ai liệt kê hết được các tài liệu đó, cũng khó ai có thể trình bày một cách đầy đủ và trọn vẹn. Ở đây xin nói một cách ngắn gọn những điều tôi đã thu lượm được.
Trong các chế độ xã hội chủ nghĩa trước đây, đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối xã hội, bản thân đảng là một tố chức khép kín, đảng lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc hoạt động quan trọng nhất của mình. Nhưng như cổ nhân đã dạy: quyền lực tuyệt đối dẫn đến hủ hoá tuyệt đối. Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot có thể không hẳn đã được sinh ra từ nguyên tắc đó, nhưng có thể chắc chắn rằng nếu người ta không để cho những người đó có quyền lực tuyệt đối đến như thế thì thế giới đã không phải chứng kiến cảnh nồi da xáo thịt do những người “cầm lái vĩ đại” hay “lãnh tụ kính yêu” của mình gây ra rồi. Thêm nữa, vì đảng cộng sản là một tổ chức khép kín, nó coi sự trung thành về tư tưởng là thước đo phẩm chất cán bộ nên khi người lãnh đạo rút lui, vì bất cứ lí do gì, thì bao giờ người phó cũng được lên thay. Thế mà người phó, như ta đã biết, thường được đánh giá cao nhờ khả năng thực thi nhiệm vụ chứ không phải nhờ sáng kiến, tức là người càng cúc cung thực thi nhiệm vụ, càng ít thể hiện trí tuệ của mình thì càng được đánh giá cao.
Nước mất trí (chữ của Hà Minh)
[1] là vì như thế. Đấy là nói khi tâm người ta còn trong sáng, khi quyền chưa gắn với lợi, chứ khi đặc quyền đồng nghĩa với đặc lợi, khi
đồng chí không bằng đồng tiền, khi người ta chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng, rồi thì sự thoái hoá còn muôn hình vạn trạng, không thể nào thống kê hết được. Từ những điều vừa trình bày ta có thể rút ra qui luật quan trọng nhất của các đảng cộng sản cầm quyền: Đại hội sau kém trí tuệ hơn và mất đoàn kết hơn đại hội trước, tổng bí thư sau nghèo về kiến thức và mỏng về đạo đức hơn tổng bí thư trước. Đến giai đoạn chót của quá trình thoái hoá, đẳng cấp cầm quyền ở Liên Xô đã trình diễn trước bàn dân thiên hạ những màn bi hài kịch có một không hai trong lịch sử nhân loại. Những ai đã từng chứng kiến trên màn ảnh nhỏ cuộc họp báo của Uỷ ban khẩn cấp nhà nước Liên Xô vào tháng 9 năm 1991 hẳn phải lấy làm thương hại cho các “đồng chí” ấy, trông họ thiểu não quá, thiếu sức sống quá, họ còn kém thông minh và không tháo vát bằng mấy anh lính tẩy châu Phi. Tôi mường tượng ra cảnh sau đây: Lenin bỗng sống lại và chống ba-toong đi bộ từ Hồng Trường đến cuộc họp báo, ông chỉ thẳng vào mặt những kẻ mặt mũi xám ngoét, nói không ra hơi trên Chủ tịch đoàn mà bảo rằng: “Ê chệ quá, chẳng ngờ từ đỉnh cao của trí tuệ loài người lại nảy ra mấy con chuột hôi hám như các ngươi. Cút ngay cho khuất mắt ta”. Dĩ nhiên là Lenin thì không nói được, nhưng nhân dân Liên Xô đã dứt khoát nói: cút! Thượng tầng kiến trúc của xã hội ấy là như thế đấy.
Còn hạ tầng cơ sở, tôi muốn nói đến nền kinh tế bao cấp ở
Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Đây là những nền kinh tế lãng phí và kém hiệu quả, tất nhiên là trong sự so sánh với các nền kinh tế các nước lân cận, cùng thời. Nó lãng phí không chỉ tài nguyên thiên nhiên, không chỉ vật tư, không chỉ nguyên nhiên liệu mà nó lãng phí cái quí nhất: sức người. Việc bộ máy rêu rao về sự trọng dụng con người, về chiêu hiền đãi sĩ chỉ là những luận điệu tuyên truyền dối trá: hãy xem các trí thức trẻ du học nước ngoài về không kiếm được việc làm thì thấy. Tại sao lại như thế? Lí do rất đơn giản: các cán bộ lãnh đạo, giám đốc các xí nghiệp quốc doanh đâu có cần quan tâm đến hiệu quả công việc, người ta chỉ cần được lòng cấp trên là đủ. Một nền kinh tế không quan tâm đến hiệu quả, không đặt con người với những nhu cầu cụ thể vào trung tâm của quá trình phát triển thì sẽ bị chính con người quay lưng, con người chối bỏ. Đấy là một xã hội “
Giả vờ lĩnh lương, giả vờ làm việc” như Nguyễn Duy đã viết và hậu quả tất yếu phải xảy ra: sự tụt hậu không thể nào cứu vãn được so với các nước xung quanh. Nếu trong thời kì sản xuất còn dựa vào cơ bắp, thí dụ như xây dựng trạm thuỷ điện trên sông Dnepr hay các nhà máy luyện cán thép ở Zaporogie, người ta có thể khắc phục sự tụt hậu bằng cách đưa thật nhiều công nhân đến công trường và trả cho họ đồng lương chết đói thì thời vi tính, thời Internet, cách làm ấy không còn hiệu quả nữa. Nền kinh tế Liên Xô trong những thập niên cuối cùng đã đứng bên bờ vực phá sản. Không tan rã thì mới lạ!
Sự độc quyền về tư tưởng lại là một tác nhân nữa làm cho xã hội lún sâu mãi vào vũng bùn trì trệ. Các nhà khoa học, kể cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đã bị đàn áp, đấu tố khi phát minh của họ không “nhét” vừa giáo điều mác-xít, kết quả là nhiều ngành nghiên cứu bị thui chột, nhiều nhà bác học phải lao đao. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, các nhà văn nhà thơ bị chèn ép, bị đàn áp thì nhiều vô kể, không ai liệt kê hết được. Thế mà bây giờ, khi đã bước sang nền kinh tế thị trường rồi, khi giáo điều mác-xít đã trở thành môn học mà
thày không muốn dạy, trò không muốn học nhưng người ta vẫn bắt sinh viên bỏ ra mấy học kì để “nghiên cứu” nó thì thử hỏi có phải là công dã tràng không? Có phải như thế là lấy bản đồ sa mạc Sahara nghiên cứu trước khi đi thám hiểm Bắc Cực không?
Nếu có thể dựng được một bức màn sắt thật dày, hay trên trái đất này chỉ có một hệ thống như thế thì có thể rồi người ta sẽ quen, sẽ phải chịu đựng và cứ thế mà “tin tưởng tuyệt đối” mãi, cứ hô “vạn tuế” mãi những điều mà người ở thế giới khác sẽ thấy là nhảm nhí. Nhưng thưa ông Nguyễn Hoà, bên cạnh nước Đông Đức xã hội chủ nghĩa còn có Tây Đức, bên cạnh nước Tiệp Khắc và Hungari còn có nước Áo, phía nam vĩ tuyến 38 của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên còn có Đại Hàn. Thế cho nên người ta có dịp so sánh và có nhiều người không chịu chấp nhận ú ớ mãi bằng những chiếc lưỡi gỗ hay ngậm miệng ăn tiền như những ai kia, dù biết rằng như thế là phải chịu thua thiệt, phải chịu tù đày. Lech Walesa, Václav Havel, Solzhenitsyn, Sakharov… và biết bao anh hùng hữu danh và vô danh khác đều là con đẻ của các dân tộc Đông Âu và tự nguyện cả chứ
chẳng có họng súng vô hình nào bắt họ phải phát biểu đâu. Và cái điều phải đến đã đến. Lenin gọi nó là gì? Là cuộc khủng hoảng toàn diện, bên trên không thể cai trị như cũ được nữa mà bên dưới cũng không chịu để cho cai trị như cũ nữa. Người Việt Nam mình nôm na hơn, đơn giản là: Trên bảo dưới không nghe. Đấy chính là tình huống của bùng nổ, của thay cũ đổi mới, của cách mạng chứ còn gì nữa? Ai chống đối? Muốn bị thích hai chữ “PHẢN ĐỘNG” to đùng lên trán à? Ở đây tôi xin mở ngoặc để nói thêm rằng câu “trên bảo…” còn hàm ý chế giễu các “lãnh tụ” già nua lụ khụ muốn “bảo” tất cả bàn dân thiên hạ về đủ thứ chân lí mù mờ đâu đâu, nhưng những bộ phận từ lưng quần mình trở xuống đã không “bảo” được rồi! Tội thế!
Đấy là xuất phát điểm của “…
diễn biến…”. Còn điểm đến?
Ấy, nếu
diễn biến hoà bình mà không chịu dẫn thì tự ta cũng sẽ đi đến một nền kinh tế thị trường. Điều này thì ông Nguyễn Hoà không thể nói khác được, nói khác là sai đường lối đấy! Nhưng chúng ta vẫn còn khác nhau ở một điểm: ông muốn một nền kinh tế thị trường với cái đuôi xã hội chủ nghĩa cơ! Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại có thể bất nhất đến như thế, lại có thể nhai đi nhai lại cái thuật ngữ vô hồn nhảm nhí đến như thế suốt bao năm trời! Hỡi những chiếc lưỡi gỗ có đọc sách, lòng dũng cảm và sự tự trọng tri thức của các người ở đâu? Thuật ngữ ấy đâu phải là bã mía khô và người đọc sách cũng đâu phải là bò! Làm sao còn gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa khi chính mình đang mở toang cánh cửa cho tư bản nước ngoài vào bóc lột giai cấp công nhân của mình, bóc lột đồng bào mình? Chả lẽ những nhà tư bản nước ngoài mang vốn, mang công nghệ và kinh nghiệm quản lí đến Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội để sau này các lưỡi gỗ sẽ treo cổ họ lên ư? Hay lưỡi gỗ sẽ thuyết phục được các “đồng chí” tham nhũng chưa bị lộ có hàng triệu dollar, hàng chục hec-ta đất, vài ba ngôi biệt thự ở các thành phố lớn tự treo cổ mình lên nhân danh sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội? Thế cho nên ta phải nhận rằng thị trường là thị trường, không cần kèm thêm cái đuôi nào nữa, cái đuôi ấy không và sẽ không thể lừa bịp được ai. Chính vì cái đuôi ấy mà trên trường quốc tế, Việt Nam đã trở thành
tứ cố vô thân. Người ta tìm đồng minh bằng một số cách như sau: đồng chủng, đồng văn và đồng thể chế. Ta không có đồng chủng, ta chỉ có những người đồng văn, nhưng những người ấy đã nói rứt khoát rồi:
đồng chí không đồng minh. Thế còn thể chế? Cái Quốc hiệu và thể chế của ta hẳn đã và đang gieo vào lòng các nước đối tác, các nước láng giềng sự thận trọng: nhỡ một ngày nào đó họ làm sống lại khẩu hiệu
vô sản toàn thế giới liên hiệp lại thì sao! Hay ông Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam mỗi khi gặp Bộ trưởng ngoại giao các nước, thí dụ Thái Lan chẳng hạn, lại phải ghé tai thì thầm: “Các ông đừng lo, đừng có nghe chúng tôi nói, hãy xem chúng tôi làm đây này. Cái đuôi ấy chỉ để lừa bọn dân ngu cu đen nước tôi thôi, chúng tôi đã chôn cái cái khẩu hiệu kia từ lâu lắm rồi!”. Ông Bộ trưởng ngoại giao nước đối tác hẳn phải cố nuốt cái “cục” khinh bỉ vào lòng và “nặn” ra trên môi một nụ cười thông cảm, nhưng nếu ta có “mệnh hệ” nào thì ông ấy cũng chẳng thể thuyết phục chính phủ và dân chúng hết lòng với ta được, vì trong tâm tưởng nhiều người xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vẫn còn là những khái niệm đối chọi nhau như nước với lửa, hết lòng với nhau làm sao được. Hà cớ gì không bỏ quách cái XHCN (
xếp hàng cả ngày) cho khỏi
há miệng mắc quai? Vả lại, cứ theo triết học Marx-Lenin, khi nền kinh tế, nghĩa là cái hạ tầng cơ sở của xã hội, đã là đa thành phần, đa nguồn gốc, đa lợi ích rồi thì có thể nào thượng tầng kiến trúc lại là nhất nguyên, độc đảng, độc quyền được ư? Mô hình lai ghép như thế trông có khác gì cái đầu đười ươi trên thân thể một cô gái trắng muốt, nõn nà với số đo các vòng ngực, bụng, mông… cân đối như của hoa hậu hoàn vũ? Cụ Karl Marx hẳn phải cười đến vỡ bụng về chuyện này mất thôi! Nền kinh tế thị trường hiện nay, ấy là trong trường hợp nó không bị bóp chết như đã từng xảy ra với NEP (chính sách kinh tế mới ở Liên Xô hồi đầu những năm 20 của thế kỉ trước), ắt sẽ sinh ra một tầng lớp trung lưu đông đảo, đủ sức làm chỗ dựa cho chính phủ trong tương lai. Tầng lớp trung lưu ấy sẽ chẳng bao giờ chấp nhận mấy anh, mấy chị không đủ sức thi vào đại học, chỉ “tháo vát” mỗi chuyện hoạt động Đoàn, “phấn đấu” bằng cách “ăn theo nói leo” vài năm là được “cơ cấu” vào cấp uỷ và từ đó có thể mặc sức “bảo” thiên hạ phải làm thế này hay thế kia. Chính quyền trong tương lai nhất định phải là chính quyền dựa trên tam quyền phân lập, phải trong sáng và minh bạch, đủ sức làm người nhạc trưởng công minh cho thị trường hoạt động một cách có hiệu quả để cho người giầu thì thì ngày một giầu nữa, người nghèo cũng được cải thiện điều kiện sống mỗi ngày, chứ không thể là một chính quyền tù mù với đủ thứ công ty gia đình, “quân xanh quân đỏ” hay những kẻ thiếu trách nhiệm, lắp đồng hồ đo điện giả và cung cấp nước bẩn cho dân như ở Điện lực và Cấp nước thành phố Hồ Chí Minh… cùng với nạn tham nhũng vào loại nhất thế giới như hiện nay được. Đích đến nhất định là như thế, không thế không được, không thế thì nhân dân cũng không chịu, không thế thì nhân dân nhất định sẽ chỉ tay vào mặt mà rằng: cút.
Ta sẽ tiến đến cái đích ấy bằng con đường nào? Theo những gì ta đã chứng kiến ở Đông Âu thì có ba con đường:
diễn biến hoà bình như ở Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức và Hungari, bạo lực vũ trang như ở Rumani và sự can thiệp của nước ngoài với máu chảy đầu rơi như ở Nam Tư. Xin ông Nguyễn Hoà chọn hộ cho chúng tôi một trong ba con đường ấy. Hay ông còn con đường nào khác muốn trình bày chăng?
Thưa ông Nguyễn Hoà, ông đã trộn lẫn hai khái niệm khác nhau
là diễn biến hoà bình và
xâm lăng văn hoá làm con ngáo ộp để hù doạ những người yếu bóng vía, những người thiếu hiểu biết, nhưng đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Diễn biến hoà bình là khái niệm mà những kẻ đặc quyền đặc lợi ở một vài nước mới nặn ra trong thời gian gần đây và quá trình ấy, nếu có, thì cũng mới diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn: chỉ khoảng dăm sáu chục năm, còn
xâm lăng văn hoá lại có lịch sử lâu đời hơn rất nhiều. Nếu coi hành động đập hai hòn đá vào nhau của người tiền sử để tạo ra một hòn nhọn hơn là hành động văn hoá thì có lẽ ngay từ bấy giờ đã có hành động
xâm lăng văn hoá và cuộc đấu tranh chống xâm lăng rồi. Và hiện nay cuộc xâm lăng này còn diễn ra mãnh liệt hơn bao giờ hết, nó không chỉ diễn ra ở một nước, một khu vực mà diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, thực chất của nó là Mĩ hoá đời sống tinh thần của nhân loại. Ngay đến Pháp là đồng minh thân cận của Mĩ cũng phải lên tiếng và có biện pháp chống lại cuộc “xâm lược” của tiếng Anh, của phim ảnh Mĩ mặc dù ở đó chẳng có
diễn biến hoà bình nào cả. Gán ghép hai khái niệm ấy với nhau dễ gây ngộ nhận.
Riêng ở nước Việt Nam ta, theo thiển ý, đã từng có hai cuộc
xâm lăng văn hoá lớn. Lần thứ nhất là khi, như Trần Trọng Kim viết trong
Việt Nam sử lược: “Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và tông giáo Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tầu hết cả ”
[2] . Thế là bị
xâm lăng văn hoá đứt đuôi đi rồi chứ còn gì nữa! Nhưng “nhờ” bị xâm lăng như thế mà ta mới có chữ viết để ghi chép văn thơ, mới có sử sách lưu lại đến nay. “Nhờ” bị xâm lăng như thế mà cha ông ta mới bắt chước theo người Tầu chế ra phép tắc, qui củ trị nước, phép tắc thi cử vào đời nhà Lí và lưu lại cho đến gần một ngàn năm sau. Nhưng rõ ràng trong nền văn hoá của người Việt lúc đó đã có một cái gì đó rất riêng, rất mạnh mẽ, đủ sức hấp thu, đủ sức tiêu hoá những yếu tố ngoại lai để vẫn là mình, không là người Trung Hoa. Ta học họ, thậm chí học rất nhiều, nhiều cái bê nguyên xi, nhưng ta vẫn biết: “
Đất đai bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi đã viết.
Lần thứ hai xảy ra cách đây chừng hơn thế kỉ. Hoài Thanh viết: “Chúng ta ở nhà tây, đi giày tây, mặc áo tây. Ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! cho đến những hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không giữ nguyên hình ngày trước… Đừng tưởng tôi nguỵ biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông”. Rồi ông viết tiếp như sau: “Bấy nhiêu sự thay đổi trong khoảng năm sáu mươi năm! Năm sáu mươi năm mà như năm sáu mươi thế kỉ! Nhưng cuộc Âu hoá không chỉ có thế. Nó đã đi qua hai giai đoạn: hình thức và tư tưởng; nó còn phải đi qua một giai đoạn nữa. Nó đã thay đổi những tập quán sinh hoạt hàng ngày, nó đã thay đổi cách ta vận động tư tưởng, tất nó sẽ thay đổi cả cái nhịp rung cảm của ta nữa…. Phương Tây bây giờ đã đi tới chỗ sâu nhất trong hồn ta. Ta không còn có thể vui cái vui ngày trước, buồn cái buồn ngày trước, yêu, ghét, giận hờn nhất nhất như ngày trước”
[3] . Thế là lại bị
xâm lăng văn hoá rồi chứ còn gì nữa! Nhưng nếu không có
cuộc xâm lăng ấy thì có lẽ bây giờ ông Nguyễn Hoà và tôi vẫn còn đít đóng khố, đầu búi tó củ hành, miệng nhai trầu bỏm bẻm, tranh nhau miếng cau, lá trầu hay cái đầu gà ở sân đình chứ chẳng thể nói chuyện trên In-téc-nét thế này được! Tôi không thể tưởng tượng nổi sách của cụ Karl Marx, cụ Lenin dịch ra tiếng ta, viết bằng chữ Nôm, sẽ như thế nào. Nhưng tôi có thể tưởng tượng được những cái lưỡi gỗ đã nói thế nào khi chữ quốc ngữ bắt đầu du nhập vào Việt Nam, tôi cũng mường tượng ra giọng nói của họ khi phong trào Duy Tân vận động cắt tóc ngắn, hay cách họ lên án
Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, cùng phong trào
Thơ Mới, v.v… và v.v… Thì cũng “vưỡn”: “
Mất gốc rồi! Không hợp với ta đâu!”. Bao giờ chả thế, đã bảo là lưỡi gỗ mà! Dàn đồng ca ấy hẳn đã ú ớ đến gãy lưỡi nếu họ “phát hiện kịp thời” việc Cụ Hồ sang Tây để tìm đường cứu Ta; ngay cả những tên đại ma đầu của lũ lưỡi gỗ óc bã đậu no cũng chẳng thể nào hiểu được hành động độc đáo bất thường dường ấy!
Thomas L. Friedman viết: “Không gì có thể làm cho người ta điên khùng bằng việc bị người khác chiếm mất nhà cửa và cướp mất bản sắc. Để giữ gìn bản sắc, con người có thể chết, chém giết, hát hò, làm thơ hay viết tiểu thuyết. Vì nếu không còn quê hương và bản sắc, cuộc đời sẽ mất gốc và sẽ khô cằn. Và sống đời sống của cây rong biển thì thà chết còn hơn”
[4] . Cuộc chiến đấu để giữ gìn bản sắc đang diễn ra trên toàn thế giới, nó hiện diện trong tiếng kêu gào đến khản họng của những chiếc lưỡi gỗ như đã nói bên trên, nó hiện diện trong quyết định của chính phủ nước nào đó cấm viết quảng cáo bằng tiếng Anh, nó thể hiện trong cuộc khởi nghĩa Intifada của người Palestin, nó thể hiện trong những cuộc xuống đường chống toàn cầu hoá và cả trong những cuộc đánh bom liều chết của những phần tử Hồi giáo cực đoan nữa…
Nhưng đấy là những biện pháp không có hiệu quả, bởi chỉ có thể chống
xâm lăng văn hoá bằng văn hoá, bằng nội lực văn hoá của chính mình, bằng việc chấn hưng dân khí, mở mang dân trí, chứ kêu gào, biểu tình, đánh bom hay ngăn chặn thông tin, lập các hàng rào, ngăn sông cấm chợ, lập tường lửa trên Internet đều là những biện pháp không mang lại kết quả. Trong thời đại
dân chủ hoá trong công nghệ, dân chủ hoá tài chính, dân chủ hoá thông tin như hiện nay thì mọi bức tường, kể cả bức tường bằng xi măng cốt thép như bức tường Berlin, cũng sẽ theo nhau sụp đổ mà thôi. Thế nhưng trên thực tế ta thấy gì? Ta thấy người ta cải cách chữ viết để cuối cùng con em chúng ta có những nét chữ như những sợi mì khô gãy vụn, hàng tá giáo sư tham gia cải cách sách giáo khoa để bắt đầu học với chữ E thay vì chữ A, lại hàng tá giáo sư viết sách giáo khoa một cách tắc trách đến nỗi đang có những đề nghị viết lại sách giáo khoa vật lí phổ thông. Người ta bỏ ra hàng chục tỉ đồng để tài trợ cho những bộ “phim cúng cụ”, nghĩa là những bộ phim nhân Chiến thắng Điện Biên, nhân 30 tháng 4… không dành cho khán giả mà chỉ để cho ông giám đốc và ông bí thư đảng uỷ hãng phim báo cáo thành tích với cấp trên mà thôi. Người ta tổ chức và mỗi ngày bắt hàng ngàn, hàng vạn cán bộ đi học các khoá trung cấp, cao cấp cái môn
thày không muốn dạy, trò không muốn học. Rồi vừa mới đây người ta đã tổ chức một cuộc thi mà theo Ban tổ chức thì có đến hơn mười triệu người tham gia với những câu trả lời cho sẵn và mỗi phòng ban, chi đoàn thanh niên hay tổ công đoàn phân công một người đánh máy vi tính, sau đó in ra cho mỗi thành viên một bản, người tham gia chỉ việc kí tên. Nếu chi phí cho mỗi bài thi chỉ là một ngàn (dĩ nhiên là hơn rất nhiều) thì riêng cuộc thi vô bổ này đã ngốn mất mười tỉ đồng rồi. Nhiều lúc tôi phải băn khoăn tự hỏi: Đang diễn ra một cuộc loạn thần kinh tập thể hay đây là chính sách ngu dân có chủ đích? Thưa ông Nguyễn Hoà, cứ cái đà như thế thì ta sẽ tự liệt nhược mà chết, chết về mặt văn hoá rồi, việc gì người ta phải
xâm lăng nữa cho mất công?
Như trên đã nói, chỉ có thể chống
xâm lăng văn hoá bằng văn hoá, bằng nội lực của chính mình, bằng việc chấn hưng dân khí, mở mang dân trí. Mạn phép những chiếc lưỡi gỗ, xin đưa ra đây một vài biện pháp, tin rằng nếu được thực hiện thì rồi các biện pháp khác sẽ tự đến hoặc sẽ được tìm thấy trong một thời gian rất gần sau đó. Trước hết phải thôi dùng ngân sách, tức tiền thuế của dân, bao cấp những bộ bộ “phim cúng cụ” như đã nói ở trên, phải thôi bao cấp cho các tờ báo (kể cả đài phát thanh, truyền hình) của bọn lưỡi gỗ, tức những thứ không có độc giả (khán, thính giả), không có người mua, không được bầy trên quầy báo (ông Nguyễn Hoà hẳn phải biết đấy là những tờ báo nào!). Sau nữa là tự do ngôn luận, là ngừng ngay những môn học vô bổ, là để cho các hệ tư tưởng tự cạnh tranh với nhau, tự tìm lấy đồ đệ… Chỉ cần làm được mấy việc đó thôi là dân khí sẽ được phục hồi, dân trí sẽ được nâng cao dần và ta sẽ chẳng sợ bất kì
cuộc xâm lăng văn hoá nào. Tôi chỉ là một trong tám mươi triệu dân Việt Nam, chỉ là một hạt cát, nhưng là hạt cát muốn được loé sáng một cách tự nhiên dưới ánh mặt trời chứ không phải trong ánh sáng mù mờ nhân tạo nào khác, trong cái biển cát bao la của dân tộc, các biện pháp tôi vừa đề nghị bên trên dĩ nhiên là không đầy đủ, dĩ nhiên là sẽ được những người khác đóng góp thêm, nếu, vâng, nếu có tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận là kính chiếu yêu, là thượng phương bảo kiếm bách chiến bách thắng, có nó dân ta sẽ đủ sức lột mặt nạ và chặt đứt đầu mọi thứ yêu ma quỉ quái của chế độ độc đoán chuyên quyền như giáo điều, duy ý chí, tham nhũng, hối lộ và tất cả những cách làm yếu, làm nghèo, làm ngu đất nước khác. Chỉ cần có tự do ngôn luận là những chiếc lưỡi gỗ sẽ hết đường khua môi múa mép, hết đường hù doạ nọ kia, hết luôn cả cả đất dụng võ, cả cần câu cơm nữa. Mà có lẽ các loại lưỡi gỗ cũng nên kiếm một nghề lương thiện mà làm đi thôi, kiếm ăn bằng cách làm ngu đồng bào mình, trong đó có cả vợ con, anh em, bạn bè mình kiểu đó mãi sao tiện! Kiếm ăn kiểu đó là
hơi bị đểu đấy! Các giới tinh hoa của cha ông ta ngày xưa, bất chấp tiếng gào thét đến khản cổ của những cái lưỡi gỗ, đã chủ động vượt qua những cuộc xâm lăng, đã đứng vững và giữ được bản sắc, đã tiếp thu và tiêu hoá được những thành phần văn hoá ngoại lai, biến chúng thành của mình. Lẽ nào ngày nay chúng ta hay các thế hệ sau ta lại không làm được như thế? Nghi ngờ người khác là thất đức, lấy quá khứ áp đặt cho tương lai, lấy người chết áp đặt cho người sống là bất nhân đấy ông Nguyễn Hoà ạ!
Bài viết đã dài, nhưng đọc lại sao thấy nó đơn giản quá, dễ hiểu quá, ở đâu đó đã có người nói rồi, viết ra nữa khéo thừa, có lẽ chỉ những người bị danh lợi che mờ lí trí mới không hiểu, mới phản đối mà thôi. Và một lần nữa tôi lại phân vân: ông Nguyễn Hoà viết trên báo Nhân Dân và ông Nguyễn Hoà viết phê bình văn chương trên mạng có phải là một người hay không? Nếu là một thì đây có phải là trường hợp mà cổ nhân gọi là: “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” không?
© 2005 talawas
[1]Xem mục tác giả trên talawas.
[2]Trần Trọng Kim.
Việt Nam sử lược. Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin. 1999. Trang 65.
[3]Hoài Thanh – Hoài Chân.
Thi nhân
Việt Nam. Nhà xuất bản văn học. 2004. Trang 17-18.
[4]Thomas L. Friedman.
Chiếc Lexus và cây Ô liu. Nhà xuất bản khoa học xã hội. 2005. Trang 82.
r>