trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luậtNgôn ngữ
15.6.2005
Phạm Viết Ðào
Chớ nên "mỹ viện hoá" một số ngôn từ pháp lý
(Góp ý xây dựng Bộ luật phòng, chống tham nhũng)
 
Trong hoạt động văn chương, việc sử dụng ngôn từ là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc, tài năng của nhà văn. Văn học vẫn được gọi là nghệ thuật của ngôn từ. Một nhà văn có vốn từ ngữ phong phú, càng đưa được vàp tác phẩm nhiều những "quặng" từ giàu ý nghĩa, đa nghĩa bao nhiêu, những "quặng" từ qua sự gọt rũa của ngòi bút và tâm hồn nhà văn là một trong những yếu tố làm nên giá trị của tác phẩm. Còn đối với các văn bản pháp lý thì ngược lại. Văn bản pháp lý nào chứa trong đó quá nhiều những từ đa nghĩa, giàu hình tượng là một văn bản pháp lý hỏng. Ngôn ngữ của các văn bản pháp lý đòi hỏi phải rõ ràng, rành mạch, phải gọi sự vật đúng tên của nó. Văn bản pháp lý rất kỵ sử dụng những thuật ngữ, những cụm từ quá đa nghĩa, lẫn lộn nghĩa đen với nghĩa bóng. Với cách đặt vấn đề như trên chúng tôi muốn được tham gia về một số cụm từ, thuật ngữ của một số văn bản pháp lý, theo chúng tôi đã văn chương hoá những điều khoản khiến cho luật pháp giảm đi tính nghiêm minh, giảm tính chất răn đe, giáo dục đối với công dân.

Theo chúng tôi các văn bản pháp luật ngoài việc định khung, định danh các loại tội phạm, tội ác nó còn hàm ý như một thứ "chỉ giới đỏ" để công dân nhìn thấy mà tránh. Một xã hội văn minh không chỉ là một xã hội có bộ máy luật pháp hùng mạnh mà phải là một xã hội có dân trí cao trong việc tự giác chấp hành pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà Hitler từng nói: "Ngôn ngữ là chiếc cầu đưa chúng ta đến những miền đất chưa khai phá". Ngôn ngữ vừa có thể là "chiếc cầu" và cũng vừa có thể là cái "rào chắn” để người qua đường nhìn thấy thì lập tức dừng lại, tránh đi. Ngôn ngữ trong các văn bản pháp lý cần phải rõ ràng dễ nhận biết, không mập mờ, không được "văn chương hoá", dùng những cụm từ rậm rì, đa nghĩa, giàu hình tượng khiến cho "người qua đường" lẫn lộn rào chắn lại tưởng là chiếc cầu có thể bước qua.

Chúng tôi xin bắt đầu bằng cụm từ: "Tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng" là cụm từ được thông dụng nhiều trong các bộ Luật dân sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật hình sự và nhiều bộ luật kinh tế khác. Cụm từ này theo chúng tôi là không ổn về mặt ngôn từ pháp lý, chúng tôi hiểu nó được dùng để chỉ một loại tội danh nguy hiểm phá hoại tài sản nhà nước. Khi nghe thì thấy nó có vẻ "sang", tội danh này có vẻ không xấu, chưa kể nó lại thiếu chặt chẽ về mặt pháp lý.

Văn bản pháp lý giống như các công trình toán học, nó phải mang tính khoa học: lôgích, chặt chẽ và chịu sự chi phối bởi những quy luật tự nhiên trong nội tại công trình. Trong toán học 2 + 2 = 4; và 4 - 2 = 2 không thể bằng 1 hoặc bằng 3 được. Ðối với cụm từ trên, công dân có quyền suy diễn: Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng mới thành tội danh, mới phải chịu hình phạt còn gây hậu quả nghiêm trọng nhưng do không cố ý, do "có" chứ không do "cố" thì chắc không bị tội. Như vậy đây thật sự là một khe hở, một "cái ngách", một cái cửa "cao su" có thể co dãn khi vận dụng. Ðối với một văn bản pháp luật mà tạo khả năng vận dụng nhiều kiểu khi áp dụng thì sẽ xảy ra tình trạng mỗi người vận dụng mỗi cách theo nhận thức và động cơ của mình, như vậy đó là một văn bản pháp lý hỏng. Vì pháp luật là công cụ để duy trì trật tự và sự công bằng. Khi mỗi người hiểu và vận dụng theo cách của mình thì còn gì là văn bản pháp luật mà đó là một tác phẩm văn chương.

Trở lại cụm từ trên chúng tôi muốn bàn tới cụm từ "gây hậu quả nghiêm trọng". Thế nào là hậu quả nghiêm trọng phải bị xử và thế nào là không nghiêm trọng và được cho qua? Tính từ "nghiêm trọng" là một tính từ có ý nghĩa rất bao la, nó chỉ định tính chứ không định lượng. Một vụ việc đối với người này cho là nghiêm trọng nhưng người khác có khi lại cho là "chuyện nhỏ như con thỏ" ấy mà. Một vụ án kinh tế thì thất thoát từ khoản tiền nào được coi là nghiêm trọng và từ số tiền nào và từ số tiền nào trở xuống là không nghiêm trọng. Rõ ràng cụm từ thông dụng trong nhiều văn bản pháp luật này trong đó có hai từ rất "bao la" về mặt ý nghĩa đó là từ "cố ý" và từ "nghiêm trọng" khi áp dụng. Với cách định danh, định tính như cụm từ thông dụng hiện nay trong các văn bản pháp kể trên người ta có thể vận dụng: cùng một hành vi nhưng ông quan toà này có thể khép cho tội "cố ý làm trái và gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng sang tay ông quan toà khác lại có thể cho là "vô ý làm trái không nghiêm trọng". Trong khi đó khi tham gia giao thông nếu đã vượt đèn đỏ là bị xử phạt cho dù cố ý hay vô ý. Tại sao các bộ luật kinh tế lại quy định nhập nhèm, không cụ thể rõ ràng như Luật giao thông. Tại sao lại văn chương và trừu tượng hoá một loại tội danh, tội phạm xấu xa và nguy hiểm đang diễn ra ngày càng nhiều trong hoạt động kinh tế và hoạt động công vụ. Phải chăng Luật giao thông là bộ luật giành cho dân nên được quy định sòng phẳng, rõ ràng và nghiêm minh; còn Luật phòng, chống tham nhũng là bộ luật dành cho "quan" nên các điều khoản quy định có phần du di, co dãn, nhằm giảm đi tính chất xấu xa, hình phạt của các hành vi...

Cách đặt tên của loại tội danh trên theo chúng tôi nghe nó "mỹ viện" quá, nó giảm xấu, thậm chí còn "làm đẹp" một loại tội danh, tội phạm nguy hiểm đang diễn ra trong bộ máy công quyền nhà nước. Chính vì vậy nó giảm ý nghĩa răn đe, ngăn chặn vì những kẻ cố tình vi phạm tội danh này còn có cửa để chạy: đó là cửa có thể biến sự cố ý thành vô ý, biến hậu quả nghiêm trọng thành không nghiêm trọng. Như vậy với cách duy danh định nghĩa như trên luật pháp là làm cái việc "mở đường cho hươu chạy"... Tại sao không nói trắng ra tội danh trên là tội huỷ hoại tài sản nhà nước, cố ý hay vô ý đều bị trừng phạt và định lượng cụ thể ra làm thất thoát từ khoản nào thì xử hành chính, từ khoản nào thì bị tù, từ khoản tiền nào thì bị án chung thân và từ khoản tiền nào thì vào khung tử hình. Bởi vì con người là động vật bậc cao, mọi hành vi đều do lý trí điều khiển, làm gì có hành vi vô ý như luật định.

Hiện nay Quốc hội đang chuẩn bị ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Theo chúng tôi tên luật chưa bao hàm được đầy đủ nội hàm ý nghĩa của một quốc nạn, một quốc tế nạn nghiêm trọng hiện đang được các quốc gia trên thế giới trong đó có cả Liên hợp quốc quan tâm phòng, chống.

Thuật ngữ tham nhũng mà chúng ta đang sử dụng là một thuật ngữ Hán Việt, nội hàm ý nghĩa của nó không tương đương với thuật ngữ corruption trong tiếng Pháp; một thuật ngữ hiện đang được quốc tế thông dụng. Trong tiếng Pháp thuật ngữ corruption xuất phát từ chữ corps nghĩa đen là: cơ thể, vật thể, bản thể... Theo từ điển Larousse thì thuật ngữ corruption có gốc Latin là corruptio có nghĩa đen: Sự thối rữa, sự tự phân huỷ, sự đồi bại, sự mục nát, sự tự biến chất từ trong bản thể; Nghĩa bóng của thuật ngữ này chỉ: một loại tội ác (crime) diễn ra trong việc sử dụng công vụ và quyền lực nhà nước một cách bịp bợm (trafic) nhằm thu lợi cho bản thân, gây tổn hại cho nhà nước...

Thuật ngữ tham nhũng trong tiếng Việt là một thuật ngữ nghe có phần nho nhã về một hành vi tội ác rất nghiêm trọng hiện nay, làm giảm sự xấu xa nguy hại của một loại hành vi mà tiếng Pháp gọi là corruption. Nếu dịch sát nghĩa với những khái niệm trên, luật này sẽ phải gọi là: Luật phòng, chống sự thối rữa, đồi bại trong bộ máy công quyền nhà nước.

Thuật ngữ tham nhũng chỉ tải chứa được loại hành vi của đám công chức dùng công quyền để sách nhiễu vơ vét chút xíu một chút quyền lợi xuất phát từ lòng tham vặt. Bản chất thuật ngữ tham nhũng, lãng phí là một từ trung tính. Trong khi đó thì những hành vi được gọi là corruption thì đều là những hành vi bịp bợm tàn bạo đến cực đoan. Việc một số tỉnh lợi dụng sự thông thoáng và được giao quyền tự chủ đã đẻ ra những chính sách phá rào để thu hút tiền thuế nhập khẩu, để thu hút đầu tư để rút ra hàng trăm tỷ để điều phối nội bộ, để ăn mảnh, làm thiệt hại cho quyền lợi quốc gia; việc Tổng Giám đốc PJICO Trần Nghĩa Vinh chỉ trong một vụ bồi thờng bảo hiểm bịp bợm đã có thể rút ra vài tỷ để chia nhau; việc một vị chức sắc sử dụng một con xe trị giá bằng 5000 con trâu cày lực lưỡng của nông dân, vượt 10 lần tiêu chuẩn được nhà nước quy định; những hành vi như Mai Văn Dâu, Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh, Bùi Quốc Huy... từng làm tổn hại nghiêm trọng tới uy tín những cơ quan công quyền; việc các quan chức ở ngành dầu khí, ngân hàng gây nên những thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỷ tiền ngân sách... tất cả những hành vi đó nếu gọi tham nhũng là không thoả đáng, là nương nhẹ vì vô tình đã giảm nhẹ tội danh cho các bị cáo.

Những hành vi đó phải được gọi là cưỡng đoạt tài sản nhà nước mới tạm được và còn lâu mới tương xứng với cách gọi của thế giới về loại tội ác này. Việc một số nhà máy đường, những hồ nước, những nhà máy xi măng mua mất hàng trăm tỷ về đắp chiếu không sử dụng được không thể coi là hành vi lãng phí mà phải gọi đúng tên là hành vi huỷ hoại tài sản nhà nước. Có gọi như thế mới thành tội danh, kẻ vi phạm mới thấy mình có tội và xứng đáng phải chịu hình phạt. Còn gọi những tên như tham ô, lãng phí, cố ý làm trái hay thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả đều là những từ ngữ được đặt ra để giảm nhẹ sự xấu xa của những hành vi không phải chỉ bị lên án mà phải kết án đối với một đám quan chức đang sử dụng quyền lực được nhà nước giao một cách bịp bợm. Thuật ngữ lãng phí chỉ để dùng cho các ông bố, bà mẹ mắng những đứa con thường xuyên đổi mốt áo quần, điện thoại di động, giày dép chứ không thể dùng để gọi những dự án làm thất thoát hàng tỷ đồng của nhà nước...

Nên nhớ rằng, loại tội ác này cha ông ta đã đặt tên khá chính xác, gọi chúng là bọn cướp ngày. Ðiều này thể hiện qua lời hát ru con:

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan...

Sự nguy hiểm và chậm được ngăn chặn đẩy lùi theo chúng tôi do một phần các văn bản luật pháp của chúng ta chưa duy danh định nghĩa đúng nên vô tình tạo khe hở cho kẻ phạm tội được bao che, bị bỏ lọt. Văn bản pháp luật đã làm giảm ý nghĩa răn đe, giảm tính chất xấu xa nhằm động viên dư luận xã hội vào việc tham gia phòng chống, đẩy lùi. Ðây thật sự là một nguy cơ bởi những hành vi huỷ hoại và cưỡng đoạt tài sản nhà nước ngày một lan rộng nhưng lại được phương tiện ngôn ngữ trong các văn bản pháp lý và dư luận xã hội giảm nhẹ tội, ngôn ngữ đã biến nó từ Tội thành Tật

Cách gọi tên như trên đã làm cho loại tội danh này được "mỹ viện hoá" về mặt ngôn từ.

Nguồn: Tiền Phong chủ nhật, 12.6.2005