trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
13.6.2005
Julia Kristeva
Nghĩ về tự do trong thời khốn quẫn
Từ Huy dịch
 1   2 
 
Ngày 1.7. 2003, chính phủ Na Uy thành lập Giải thưởng Quốc tế Holberg. Mục đích của giải thưởng này là nhằm khôi phục giá trị của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, luật học và thần học; bổ sung cho thiếu sót của giải Nobel đối với các ngành này. Giải mang tên Giáo sư đại học, nhà soạn kịch nổi tiếng Ludvig Holberg (1684-1754). Ông được xem là Molière của các nước Bắc Âu, và đã giảng dạy siêu hình học, logic học, tu từ học Latin, và lịch sử tại trường Đại học Copenhague.

Ngày 3.12. 2004, lần đầu tiên giải thưởng trị giá 540.000 Euro này được trao cho Julia Kristeva, nhà phân tâm học, nhà văn, nhà phê bình, nhà nữ quyền luận và là Giáo sư Đại học Paris 7 Denis Diderot.

Tham luận dưới đây của Kristeva được đọc trong cuộc hội thảo do Đại học Bergen tổ chức nhân dịp bà nhận giải Holberg.

Julia Kristeva
Thưa quý ông quý bà,

Tôi xin cảm ơn các thành viên của Hội đồng Giải thưởng Holberg đã hào hiệp chọn tôi là người đầu tiên để trao tặng giải thưởng này, một giải thưởng nhằm tôn vinh các ngành khoa học xã hội và nhân văn, luật học và thần học. Tôi xin cảm ơn sự tham gia của quý vị trong hội thảo này, cảm ơn đã quan tâm đến các công trình của tôi, cảm ơn quý vị tham gia báo cáo và sẽ tham gia thảo luận với tinh thần khoa học và bằng hữu.


Tôi nói từ vị thế nào?

Đứng trước quý vị là một nữ công dân Châu Âu, gốc Bulgarie, quốc tịch Pháp, và là người tự xem mình là một trí thức theo chủ nghĩa thế giới: chỉ riêng từ này cũng đủ khiến cho người ta bị lên án ở nước Bulgarie thời tôi còn thơ ấu. Thế giới đã thay đổi, và mặc dầu đất nước cội nguồn của tôi vẫn tiếp tục vật lộn với những khó khăn kinh tế và chính trị, con đường từ nay đã mở rộng phía trước, không chỉ vì nó tham gia vào khối NATO mà còn vì nó sắp là một thành viên đặc biệt của Cộng đồng Châu Âu. Đấy là điều mà chúng ta không thể hình dung ba mươi chín năm trước, khi tôi rời khỏi Bulgarie, năm 1965, để đến học ở Paris, do được nhận một học bổng nhờ sự sáng suốt của tướng De Gaulle, người đã dự kiến một Châu Âu trải dài từ Atlantique đến Oural.

Trong năm 2004 này, vào lúc tôi nhận được sự công nhận quý giá của quý vị, tôi nghĩ đến thời kỳ đó, hoàn toàn chưa quá xa xôi, tôi nghĩ đến những nỗ lực không ngừng, có lúc thận trọng có lúc mạo hiểm, của những người đàn ông và đàn bà, và không chỉ riêng giới trí thức, dưới chế độ cộng sản, để cho ngày hôm nay chúng ta đạt tới sự kỳ diệu, nếu ta muốn nói vậy, là việc Bulgarie gia nhập vào câu lạc bộ những nước dân chủ. Nhưng cũng sẽ là kỳ diệu nếu ta nghĩ đến nỗi đau, niềm hy vọng và công việc âm thầm của sự suy tư đã không ngừng làm tiêu tan chế độ cực quyền.

Trong những dịp trọng thể như thế này, kỷ niệm về các bậc thân sinh thường hay được gợi nhắc đến. Thực sự tôi nghĩ đến cha tôi, Stoyan Kristev, con người học thức thuộc dòng chính thống ấy đã phát triển tính chất Byzance đến mức cho tôi học tiếng Pháp ngay từ lúc còn rất nhỏ, bằng cách ghi danh cho tôi vào trường mẫu giáo nữ tu Pháp để truyền cho tôi tinh thần hoài nghi và tự do mà nền văn hoá Pháp hằng biểu dương cùng với tinh thần duy lý. Và tôi nghĩ đến mẹ tôi, Christine Kristeva, tinh thần khoa học kết hợp với sự dịu dàng, ý thức sâu sắc về nghĩa vụ của bà đã truyền lại cho tôi sự nghiêm khắc rất cần thiết cho tất cả mọi người trong suốt quá trình xây dựng nhân cách cá nhân, và hơn nữa đặc biệt cần thiết cho một người phụ nữ, trong những thử thách của cuộc sống lưu đày. Chính trên cơ sở gia đình này, được củng cố bởi sự giáo dục và nền văn hoá được bảo tồn và phát triển ở Bulgarie qua những thăng trầm của lịch sử, mà tôi đã xây dựng nên những gì mà nền văn minh Pháp đến lượt nó mang lại cho tôi. Trong thế giới toàn cầu hoá của chúng ta hôm nay, chính là với một cảm giác mắc nợ và tự hào mà tôi mang những sắc màu của Cộng hoà Pháp đến nhiều đất nước và lục địa khác nhau.

Tôi đã viết điều đó trong cuốn Là người ngoại quốc ngay cả đối với chính mình (Etrangers à nous mêmes) và tôi xin phép được nhắc lại ở đây: “Không ở đâu ta thấy rõ thân phận người ngoại quốc của mình như là ở nước Pháp, không ở đâu ta thấy rõ thân phận người ngoại quốc của mình mà lại dễ chịu bằng ở nước Pháp”. Bởi vì, vượt lên trên sự nhập nhằng của thuyết phổ biến, truyền thống tra vấn của nước Pháp, địa vị của giới trí thức và tầm quan trọng của diễn đàn chính trị - mà thời kỳ Khai sáng là một ví dụ điển hình tiêu biểu cho văn hoá Pháp - cho phép phục hồi cuộc tranh luận giữa trí thức và chính khách, mỗi lúc một căng thẳng hơn, sáng suốt hơn là ở những nơi khác. Đó chính là phương thuốc thực sự cho chứng trầm cảm của quốc gia, cũng là phương thuốc cho chứng hưng cảm, tức là chủ nghĩa quốc gia. Tôi tỏ lòng kính trọng đối với nền văn hoá Pháp, nền văn hoá đã tiếp nhận tôi, và nó chưa bao giờ mang tính chất Pháp hơn là khi nó tự đặt lại vấn đề, tới mức cười nhạo cả bản thân nó (biết bao sức sống trong cái cười này!), và tới mức kết giao với những nền văn hoá khác. Tôi đã thay đổi biết bao trong nền văn hoá này, trong ngôn ngữ Pháp này, mà tôi nói và viết đã từ năm mươi năm nay, đến mức mà tôi gần như tin theo người Mỹ, những người đã coi tôi là một trí thức và là một nhà văn Pháp.

Giải Holberg tặng thưởng cho những công trình của tôi, những công trình được đánh giá là “cách tân và tập trung vào những vấn đề nằm ở giao điểm giữa ngôn ngữ, văn hoá và văn học”, và quý vị cho rằng chúng có “tác động chủ yếu” trong “nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn”, cũng như đối với “lý luận của chủ nghĩa nữ quyền”. Quả thực, sau khi tôi đến nước Pháp, vào Noel năm 1965, lúc mà phong trào nữ quyền phát triển lên một bước mới, tôi đã không ngừng suy nghĩ về đóng góp của phụ nữ vào dòng tư tưởng đương đại, và công việc này đã kết tinh trong bộ ba công trình mới đây của tôi về Thiên tài nữ: Hannah Arendt, Melanie Klein và Colette. Có thể quý vị sẽ tự hỏi mối quan hệ giữa bộ ba tác phẩm này và nguồn gốc của tôi là như thế nào?

Có lẽ tôi sẽ nói rất dài về khả năng chịu đựng và trí thông minh của những người phụ nữ ở đất nước nơi tôi sinh ra, nhiều người trong số họ đã được minh hoạ trong văn học, cũng như trong những cuộc chiến đấu giành tự do. Nhưng Thiên tài nữ của tôi không dành cho họ, bởi vì tôi muốn dùng những ví dụ mà cả thế giới không thể phủ nhận được để lôi cuốn sự chú ý vào những gì, nếu không phải là chưa được biết đến, thì ít nhất cũng đang còn là một câu hỏi: “có một thiên tài nữ hay không?”

Việc nghiên cứu dẫn tôi tới chỗ phát hiện ra rằng người phụ nữ trí thức đầu tiên - của Châu Âu - không phải là một vị thánh như Hildegarde de Bingen (1098-1179) hay Angèle de Foligno (1248-1309), không phải là một nhà văn (nhà văn xuất hiện muộn hơn) chẳng hạn như Bà de Sévigné (1626-1696) hay Bà de Staël (1766-1817) (bà là một nhà thần học, một nhà văn và có tinh thần chính khách, ngày nay bà đã có thể được xem như là nữ trí thức đầu tiên, theo nghĩa chặt chẽ của từ này); mà nữ trí thức đầu tiên là một phụ nữ của quê hương tôi, một phụ nữ Byzance. Đó là Anne Comnène, con gái của Hoàng đế Alexis đệ nhất, tác giả của một cuốn lịch sử tuyệt vời về những cuộc thập tự chinh (chủ đề thời sự đặc biệt nóng bỏng), và về triều đại của cha mình. Sinh năm 1083, Anne Comnème bắt đầu viết vào năm 1138, ở tuổi 55, và hoàn thành tác phẩm của mình năm 1148: là sử gia nữ đầu tiên, bà đề xuất với chúng ta một cách diễn giải về thời kỳ này hoàn toàn khác với cách diễn giải của các nhà chép sử biên niên Phương Tây như Guillaume de Tyr hay Foucher de Chartres. Được nuôi dạy theo tinh thần Hy Lạp, là một độc giả hâm mộ Homère và Platon, tín đồ của đạo Thiên chúa mà về sau người ta gọi là Chính giáo, bà là một phụ nữ nhạy cảm, u sầu, thậm chí lãng mạn; người con gái đáng tự hào của cha mình, một triết gia, một chính trị gia, và bà đã viết như một nhà chiến lược quân sự lo lắng cho sự thống nhất của Châu Âu, vấn đề đã được đặt ra ngay từ thời đó.

Niềm tin của tôi vào một Châu Âu mở rộng chỉ có thể được thực hiện với điều kiện là phải thiết lập được sự đối thoại thực sự giữa Tây Giáo hội và Đông Giáo hội, và xây được những cây cầu bắc qua cái vực thẳm ngày nay đang ngăn cách Chính giáo và Công giáo, vực thẳm rất đau xót ở phía Đông. Tôi cũng tin rằng những tác phẩm đặc biệt như là những tác phẩm của Anne Comnène là cần thiết cho những suy tư của chúng ta trong thời kỳ đương đại. Chính vì vậy tôi đã lấy bà làm nhân vật chính trong trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi, Vụ giết người ở Byzance. Và nhân vật này không theo chủ nghĩa sô vanh, vì Anne Comnène không phải là một phụ nữ Bulgarie mà là một công chúa xứ Byzance, kể cả khi bà có một người bà thuộc dòng dõi quý tộc Bulgarie, và kể cả khi hôn nhân không phải là hiếm giữa vương quốc Byzance và gia đình hoàng gia của các Nhà nước mới, những nhà nước này từng quấy nhiễu biên giới của Đế chế; ngoài ra những cuộc đụng độ và bình định luân phiên nhau trong vùng Balkan, biến vùng này thành một ví dụ điển hình của sự bất hoà (mà từ nay được gọi là “kiểu ban-căng”), nhưng đồng thời cũng là ví dụ cho khả năng chung sống giữa các dân tộc và tôn giáo (cũng được gọi một cách đặc thù là “kiểu ban-căng”), tất cả những điều đó đã được nhìn thấy, được tiên đoán trước trong tác phẩm của Anne Comnène, thiên tài nữ mà Châu Âu tương lai có nhiệm vụ phải phát hiện ra. Bản thân tôi đến từ Balkan và được đào tạo bởi nền văn hoá Pháp đặc biệt coi trọng phụ nữ, có lẽ tôi tự hào đã góp phần vào sự phát hiện này. Và tôi xin mời quý vị đọc Anne Comnène, cùng với Arendt, Klein, và Colette - tại sao không chứ? Châu Âu vẫn chưa thôi dành cho chúng ta những điều bất ngờ.

Vì thế mà không tách kinh nghiệm của phụ nữ như một “đối tượng” riêng biệt, tôi đã cố gắng đặt nó vào trong tính hiện đại mới và trong những cuộc tranh luận chính trị, triết học và văn học, những cuộc tranh luận đã thúc đẩy việc giải phóng những người đàn ông và đàn bà. Như vậy để nói rằng tôi chỉ thừa nhận mình là một nhà nữ quyền luận với điều kiện đưa những suy nghĩ của tôi về tác phẩm và giới tính nữ trong chủ đề làm nên tiêu đề buổi hội thảo của tôi hôm nay: “Suy nghĩ về tự do trong thời khốn quẫn”. Với khoảng lùi này, tôi tin có thể nói rằng tiêu đề này có lẽ thích hợp với cái mà ở nước ngoài mọi người đồng tình gọi là: “lý luận Pháp” hay “french theory”: một ảnh hưởng mà tên tôi luôn được gắn liền với nó, một thuật ngữ được hình thành trong các trường đại học Mỹ và về sau được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi khác. Nếu như hôm nay, tại Na Uy này tôi nhấn mạnh sự đón tiếp nồng nhiệt mà giới đại học Mỹ và công chúng nói tiếng Anh dành cho các công trình của tôi, thì chính là vì tôi bị thuyết phục rằng, nếu không có những bản dịch sách của tôi ra tiếng Anh và chúng không được tiếp nhận ở Mỹ thì thử nghiệm của tôi sẽ không bao giờ đến được với độc giả của đất nước quý vị cũng như độc giả trên thế giới, và do vậy chính trong bối cảnh của sự tiếp nhận này mà tác phẩm của tôi được lưu ý và có vinh dự được trao giải Holberg. Trong khi cố gắng nói với quý vị rằng làm thế nào tôi nhận được chỗ của mình ở đây, vượt lên trên câu chuyện cá nhân, tôi hy vọng làm sáng tỏ một vài mục tiêu đạo đức, chúng là kết quả của công việc này, và chúng làm sáng tỏ cuộc đối thoại thường là khó khăn, đôi khi dẫn đến xung đột, giữa hai quan niệm về tự do.

Khi tôi tới Paris, cuộc chiến tranh Việt Nam đang giữa lúc căng thẳng, chúng tôi đã biểu tình chống lại những trận ném bom của Mỹ. Chính lúc đó René Girard mời tôi về giảng dạy tại Đại học Baltimore, ông là người đã muốn giới thiệu Bakhtin với tôi trong cuộc hội thảo của Rolland Barthes. Tôi hầu như không thấy mình có thể hợp tác được với lực lượng “sen đầm quốc tế”. Và mặc dù có được lời khuyên rất biện chứng của thầy tôi là Lucien Goldmann, ông đã nói với tôi: “bạn thân mến, cần phải nắm lấy đế quốc Mỹ từ bên trong”, thực sự, tôi cảm thấy mình không có sức mạnh đó: tôi đã ở lại nước Pháp. Đó là năm 1966. Vài năm sau, 1972, trong hội thảo Cerisy về Artaud và Bataille, tôi đã gặp Léon Roudiez, Giáo sư của trường Đại học Columbia. Tôi thực hiện chuyến đi đầu tiên tới New York năm 1973, và từ năm 1976, tôi trở thành giáo sư thỉnh giảng thường xuyên cho khoa tiếng Pháp của trường đại học này - việc này có thể không cải thiện khả năng tiếng Anh của tôi, nhưng đã cho phép tôi gặp gỡ với nhiều bạn bè và đồng nghiệp trong thế giới rất đặc biệt của đại học Mỹ. Ngày nay, tôi có vinh dự được giảng dạy ở Khoa Sau đại học của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mới - trường đại học đã tiếp nhận Lévi-Strauss, Roman Jakobson và Hannah Arendt, trong và sau Đại thế chiến hai.

Từ kinh nghiệm mà tôi có thể tóm lược ngày hôm nay và tôi đã viết những phần chủ yếu trong cuốn tiểu thuyết Samouraïs, tôi chỉ muốn giữ lại ở đây hai hình ảnh-biểu tượng gắn chặt với đời sống tâm lý của tôi, và tôi hy vọng chúng sẽ mang lại cho quý vị ý niệm về sự gắn bó của tôi với nước Mỹ.

Hình ảnh thứ nhất là một tấm ảnh đen trắng nhỏ, do Léon Roudiez chụp, trong tấm ảnh đó tôi đứng cạnh mạn xe lửa sắp đỗ lại ở chỗ những ngôi nhà chọc trời của Mahattan; tôi còn là một nữ sinh để tóc dài. Vì tôi không có ảnh chụp lúc đến Paris, nên bức ảnh này đối với tôi là dấu tích duy nhất và tuyệt vời nhất của sự tái sinh trong “thế giới tự do”. Nó được in lại trong cuốn Phỏng vấn Kristeva do Columbia University Press xuất bản. Một lần nữa tôi xin bày tỏ sự trân trọng đối với những người làm việc ở nhà xuất bản này vì sự cộng tác trung thành của họ, nhờ sự cộng tác đó mà công trình của tôi mới có thể được phát hành bằng tiếng Anh và đến được với công chúng trên toàn thế giới.

Hình ảnh thứ hai là căn hộ của Morningside Drive trên Công viên Harlem, nơi tôi ở trong thời gian dạy học tại Columbia. Nó ngập trong thứ ánh sáng Mỹ lạ lùng này, vừa làm loá mắt vừa ấm áp niềm nở, ở đó tôi đã viết, chủ yếu là theo ý mình, những trang của Câu chuyện tình yêu (1983) và Mặt trời đen (1987). Trong huyền thoại của cá nhân tôi, căn phòng này là nơi đỉnh cao của nỗi cô đơn hạnh phúc.

Cùng với Philippe Sollers, chúng tôi đã dành tạp chí Tel Quel số 71/73, mùa thu 1977 cho New York, khi đó rất nhiều độc giả đã ngạc nhiên. Rõ ràng là nó dành một sự biện hộ cho thứ dân chủ kiểu Mỹ, đối lập với sự tập trung kiểu Pháp, mang tính chất nhà nước và tính cộng hoà cố chấp. Thực sự, với tôi, luôn luôn đó là sự biết ơn đối với đặc tính dường như là phẩm chất đầu tiên của nền văn minh Mỹ, và điều đó giải thích sự gắn bó của tôi với công việc mà trường đại học Mỹ đã đề nghị với tôi (từ nay phải kể thêm các nước láng giềng của Mỹ ở phía bắc: Canada và các trường đại học ở Canada): phẩm chất này chính là lòng hiếu khách.

Lòng hiếu khách là khả năng mà một vài người có được khi họ đem một căn hộ cho những người không có nhà ở, hoặc tạm thời không có nhà ở. Tôi bị trục xuất khỏi đất nước của chủ nghĩa cộng sản và được đón nhận ở nước Pháp, tuy nhiên không phải ở Pháp tôi cảm nhận được sự hiếu khách này - mặc dù nước Pháp đã cho tôi quốc tịch - sự hiếu khách mà không bao giờ tôi có thể cảm ơn cho đủ được. Được củng cố bởi truyền thống hành chính và văn hoá, đất nước đón nhận tôi đã đẻ ra những cách tân cực đoan (như các phong trào tiền phong khác nhau trong nghệ thuật, triết học, lý luận) để rồi sau đó không màng đến chúng nữa, những cách tân này đã cuốn hút tôi và chúng đã thành công ở nước ngoài, nhưng đất nước này cũng đẻ ra những bài xích dữ dội, nếu không muốn nói là nỗi căm ghét kịch liệt chống lại những cách tân ấy.

Nhưng sâu xa, chính là quý vị đón nhận một phụ nữ Pháp ở trong tôi, đó chính là một phụ nữ Châu Âu đã Pháp hoá, biểu hiện cho tinh hoa của tính cách Pháp: một điều ngạc nhiên lớn cho bản thân những người Pháp, những người không tự nhiên xem tôi là một trong số họ. Đến mức mà, đôi khi, trở về từ nước Mỹ sau những cuộc tranh luận nảy lửa về công trình giới thiệu french theory của tôi, tôi tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp. Điều tương tự cũng xảy đến với tôi khi mà sự bài ngoại ở cái đất nước già nua này làm tổn thương tôi, và ve vuốt ý nghĩ là tôi đang thật sự ở nước ngoài.

Trong cái thế giới hiện đại được đặt dưới “trật tự mới của thế giới”, chúng ta không thực sự có một định nghĩa tích cực để định giá nhân tính (không phải theo nghĩa “nhân loại” mà theo nghĩa “phẩm chất của loài người”). Đúng hơn là chúng ta bị đưa tới chỗ tự hỏi: “nhân tính là gì?” khi chúng ta đương đầu với những… “tội ác chống lại nhân tính”. Kinh nghiệm cá nhân khiến tôi nghĩ rằng định nghĩa tối thiểu về nhân tính, cái “độ không” (như Roland Barthes đã nói) của “nhân tính” chính là khả năng hiếu khách. Vả chăng người Hy Lạp đã không nhầm khi chọn từ “ethos” để chỉ thiên tư cơ bản nhất của nhân loại, đó là thiên tư mà từ nay ta gọi là đạo đức, nó góp phần tạo ra một sự lựa chọn - sự lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, nhưng cũng là tất cả những lựa chọn khác. Thế mà, từ ethos này có nghĩa là nơi ở quen thuộc, chỗ ở của động vật; và qua sự phái sinh của ý nghĩa chỉ điều kiện cư trú này, nó đã dần dần chuyển sang chỉ thói quen, tính cách, tính chất đặc thù ở mỗi cá nhân, ở mỗi nhóm xã hội.

Ý nghĩa hiếu khách này, tôi đã tìm thấy ở nước Mỹ, và bất chấp vô số nhược điểm của lối sống Mỹ, đất nước này về nhiều phương diện là hiện thân cho tương lai của xã hội toàn cầu hoá được thực hiện bởi những người ngoại quốc đang chia sẻ cuộc sống với những người ngoại quốc khác.

Lòng hiếu khách, mà tôi được ban tặng, mà tôi sung sướng tìm thấy lại ở đây, tại Na Uy, trước hết dành cho những ý tưởng, cho công việc của tôi. Khắp những nơi tôi đến hoặc sách của tôi đến - chừng nào còn có thể - tôi đều mang tới một ký ức văn hoá, mang tính chất Pháp và Châu Âu, trong đó trộn lẫn truyền thống Giéc-manh, Nga và Pháp: Hegel và Freud, chủ nghĩa hình thức Nga, chủ nghĩa cấu trúc Pháp, các nhà tiền phong Tiểu thuyết mới và Tel Quel. Có thể người Mỹ, và có thể quý vị ở đây, ở Bergen, có cảm giác rằng nhân cách di trú của tôi ít tính chất Pháp, với nghĩa khép kín, đôi khi kiêu kỳ hoặc khinh khỉnh, mà người ta thường hiểu khi nghe nói đến từ này. Và rằng, qua trung gian một người nước ngoài là tôi, quý vị, những người ngoại quốc khác, quý vị có thể tiếp cận với nền văn hoá Pháp này, cũng là nền văn hoá Châu Âu, nó thường tỏ ra là không thể tiếp cận được và tha thiết với sự thuần khiết của mình. Điều chắc chắn là một số nghiên cứu của tôi đã được tiếp nhận niềm nở trong các trường đại học Mỹ - tôi muốn nói đến sự cộng hưởng và sự phát triển - sự tiếp nhận niềm nở đó luôn mang lại cho tôi niềm vui và động viên tôi rất nhiều. Đôi khi hình ảnh được chuyển lại cho tôi khiến tôi ngạc nhiên, tôi không nhận ra mình trong đó. Nhưng tôi chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ có ý định tranh cãi. Vì đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau: hoặc những diễn giải này là những điều hiểu sai vô ích, tự chúng sẽ cạn kiệt - như là một vài cách thức sử dụng mang tính tranh luận và phù hợp với quy phạm chính trị - hoặc chúng ở trong phạm vi của một nghiên cứu cá nhân của những người đàn ông hoặc phụ nữ Mỹ, độc đáo và đầy tinh thần sáng tạo, những người đã đồng hoá công việc của tôi với công việc của họ, và ngay lập tức đụng phải những nguy cơ trong chính những tác phẩm của họ; bất chấp những hiểu nhầm, chắc chắn đó là cách tuyệt vời nhất để biểu hiện tinh thần hiếu khách. Sự “lai ghép” liệu có phải là việc chấp nhận những hậu quả không thể dự kiến? Thậm chí đối lập với “sao chép”? (“clonage”: thuật ngữ dùng trong công nghệ sinh học - ND). Tuy nhiên tôi không có cảm giác rằng sự áp dụng phù hợp với quy phạm chính trị đã được thực thi một cách rộng rãi trong các trường đại học Châu Âu, nơi sử dụng nhóm ngôn ngữ rô-man, nhóm ngôn ngữ Giéc-ma-ni, tiếng Anh hoặc nhóm tiếng Bắc Âu, chắc hẳn chúng thích hợp hơn với tính chất nhạy cảm của Châu Âu, tính chất này chính là nền tảng cho tác phẩm của tôi, tôi sẽ còn trở lại với nó.