trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
4.10.2008
 
Márai Sándor và tác phẩm
Nguyễn Hồng Nhung dịch
 
Nhà văn Márai Sándor (1900-1989)
Márai Sándor sinh tại Kassa, ngày 11 tháng 4 năm 1900. Cha ông là luật sư Grosschmid Sándor, em trai ông là một đạo diễn phim có tên tuổi trên  thế giới,  tác giả bộ phim nổi tiếng Một nơi nào đó ở châu Âu với bí danh Radványi Géza.

Ông học hết chương trình trung học tại Kassa và Eperjes, sau đó đi làm ở thủ đô, tại báo Nhật ký Budapest, bên cạnh nhà văn Török Gyula. Năm 1919 các bài báo của ông xuất hiện trên tờ Vörös Újság (báo Đỏ), thơ của ông đăng trên các báo ở Kassa. 

Tháng 10 năm 1919 với sự tán thành của cha, ông qua Wien sang Berlin rồi chuyển đến Frankfurt để tiếp tục theo học đại học. Ông là cộng tác viên cho tờ Frankfurter Zeitung. Ngoài ra ông đều đặn gửi về tổ quốc các tiểu phẩm, truyện ngắn bằng tiếng Hung và các bài dịch, cho những tờ báo ở Kassa. Ông là dịch giả Franz Kafka đầu tiên, là một trong những người đầu tiên viết về Kafka. Ông có mối liên hệ đều đặn với các nhà văn Hung như Füst Milán và Komlos Aladár.

1923 ông cưới bà Matzner Ilona; họ chuyển đến Paris, từ đây ông vẫn đều đặn viết cho các báo Đức. Năm 1925, tờ Báo ra đời, từ đó các bài viết của ông xuất hiện thường xuyên nhất ở đây; ông viết với tư cách một cộng tác viên từ Paris, sau này ông trở thành người phát ngôn có tác động lớn của tư tưởng tự do thị dân. Năm 1927, được sự ủy nhiệm của tờ báo, ông tiến hành một cuộc hành trình dài hơi đến vùng Cận đông, từ các ấn tượng của chuyến đi, cuốn ghi chép hành trình Theo dấu vết Thượng đế ra đời.

Năm 1928 ông trở về quê hương, là hàng xóm của nhà văn nổi tiếng Kosztolány Dezső trong phố Mikó. Tiểu thuyết thử nghiệm đầu tiên của ông in tại Wien (Ông hàng thịt, 1924), chỉ từ cuối những năm 20 trở đi Márai mới đều đặn quan tâm đến thể loại này. Theo những lời tự thổ lộ của nhà văn, hiện thực và cách giải quyết các tình huống tạo dựng gây cho ông nhiều khó khăn nhất. Thomas Mann, người quen biết thân thiết từ khi ông còn ở Đức và thế giới mơ mộng của Krudy Gyula gây ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân sinh quan của ông.

Trong những tiểu thuyết đầu tiên thực sự thành công, ông miêu tả những khả năng nổi loạn chống lại cái truyền thống  và sự thất bại của nó, với những yếu tố tâm lý học. Năm 1930, cùng bạn bè, ông nghĩ đến việc xuất bản một tờ báo, chống đối tờ Nyugat (Phương Tây) theo mô hình báo Pháp  Marianne được ưa chuộng.

Năm 1933 tờ báo của ông được gửi đến Berlin, tại đây nó theo sát sự kiện Hitler nắm chính quyền. Bằng lòng dũng cảm đáng tin cậy, ông miêu tả hiện thực của chủ nghĩa phát xít: bài viết "Messiás trong chiếc áo choàng thể thao” là một trong những bài báo chống phát xít nổi tiếng, đồng thời là bức biếm họa về Hitler.

Năm 1934 phần thứ nhất của tác phẩm chính trong sự nghiệp Márai Tự sự của một thị dân ra đời, một tác phẩm văn xuôi tuyệt tác, được các nhà phê bình lừng danh nhất thừa nhận như một tác phẩm tiểu sử; được xếp cùng hàng với tác phẩm miêu tả xã hội học của Illyés Gyula Dân miền hoang dã và tiểu thuyết Cuộc đời một con người của Kassák Lajos.

Sau cái chết của nhà văn Kosztolányi Dezső, Márai trở thành người cộng sự của tờ Tin Tức Pest. Những phóng sự chủ nhật (tuyển tập năm 1943) được nhiều người tìm đọc. Năm 1941 sau khi Kassa sát nhập lại đất nước, ông đã về thăm quê hương, những gì thu thập được ông ghi lại trong Những đội tuần tiễu. Sau thành công của vở kịch Phiêu lưu (1940), ông được nhận  giải thưởng Vojnits.

Từ năm 1945 ông chính thức là Viện sĩ Viện Hàn lâm Hungary. Trong những năm cuối cùng của thế chiến, ông sống ẩn dật, sống chủ yếu cho văn chương. Ông viết liên tục tập Nhật ký (1946). Khi thành phố bị tấn công ông sơ tán về Leányfalu.

Năm 1945-1946 ông tiến hành một cuộc hành trình Tây Âu dài hơi. Trở về, ông cho xuất bản tiểu thuyết Những kẻ bị xúc phạm (1947-1948), nhưng phần thứ ba của tác phẩm bị tịch thu.

Năm 1948 ông sang Thụy Sĩ. 1950 ông sống ở Ý, 1952 ông định cư tại New York. Năm 1957 ông nhận quốc tịch Mỹ. Ông không tham dự vào hoạt động của các nhóm văn học Hung tại  phương Tây. Thời gian ông dành đi lại nhiều giữa châu Âu và Mỹ.

Nghe tin cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1956, ông sang München, tại đây ông nhận được tin, quân đội Nga mang xe tăng can thiệp vào đất nước Hungary của mình. Từ 1968 ông sống ở Salerno (Ý), từ 1979 ông sống ở San Diegó. Những năm cuối đời ông hoàn toàn rút vào ẩn dật, sau cái chết của vợ và con trai, ông sống trong cảnh nghèo nàn, bệnh tật, vì ốm yếu ông hầu như không tự lo được cuộc sống của mình.

Ngày 21 tháng 2 năm 1989, ông tự kết liễu đời mình tại San Diegó-Mỹ.

Năm 1989 ông được phục hồi lại danh hiệu Viện sĩ Viện hàn lâm. Năm 1990 ông được tặng giải thưởng Kossuth.

Cho dù Márai bắt đầu như một nhà thơ trữ tình, nhưng ông hoài nghi trong việc đánh giá thơ mình. Tập Thơ (1945) có những bài đặc biệt xuất sắc, nhưng phải đến bài "Tang phúng” (1950) mới thực sự là một kiệt tác của nền thi ca Hungary, đây là tiếng kêu đau đớn cùng cực của nỗi đau không tổ quốc và bị ruồng bỏ.

Trong các bài báo, ông viết theo lối truyền thống mà Kosztolányi Dezső là đại diện xuất sắc. Gần như ông viết về tất cả các sự kiện văn hóa đáng kể, và đặc biệt quan tâm đến những thay đổi của đời sống chính trị châu Âu. Truyền thống tự do của tầng lớp thị dân thấm nhuần vào thế giới quan của Márai, ông kiên trì đấu tranh bảo vệ sự sống còn của những giá trị thuộc về giai cấp tư sản thành phố.

Trong các ấn phẩm sân khấu của ông, Nhà hát quốc gia đã dựng vở Cuộc phiêu lưu (1942) và vở Những thị dân Kassa.

Các tiểu thuyết của ông đều có tầm cỡ. Những kẻ nổi loạn (1930), Tự sự của một thị dân, Những kẻ ghen tuông Những kẻ bị xúc phạm tạo ra một chuỗi tác phẩm có giá trị. Trong những tác phẩm này, ông đặt niềm tin vào vai trò của tầng lớp thị dân và miêu tả mạnh mẽ tác động tàn phá của bạo lực và của quyền lực đám đông. Cuối đời, với tuyển tập Garrenek (1-2, Toronto, 1989) ông đã tập hợp các tác phẩm trên lại thành bộ.

Giữa các tiểu thuyết của ông, người ta bắt gặp một vài cuốn thật sự mang phong cách riêng độc đáo của Márai, như Szindbád về nhà (1940), và Một vai diễn ở Bolzano (1940).

Những cuốn Nhật ký đã viết nên nhiều chương khác biệt trong sự nghiệp văn chương Márai, trong những cuốn này, bằng đôi mắt mù lòa một nửa, ông để lại cho hậu thế những phân tích sắc sảo về nghệ thuật, một lần nữa ông trực diện đối mặt với văn hóa đám đông, với văn minh quảng cáo và sự bắt chước giả dối trong văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt ông khẳng định lại tư tưởng chủ đạo của cuộc đời mình: người nghệ sĩ không thể là kẻ phản bội.

Trước hết ông kể về những hoàn cảnh, sự việc, ấn tượng sống của cá nhân ông với những suy luận về hậu quả  của chúng. Ông vật lộn nhiều khi xây dựng không gian và hành động cho tác phẩm văn xuôi của mình, trước hết vì ông rất khó khăn với việc tách rời hiện thực, cũng như với sự trung thực của cốt truyện. Cho đến tận cuối đời ông luôn bị nỗi phân vân giằng xé: không hiểu ông đã viết những tiểu thuyết và truyện ngắn có tầm cỡ thực sự hay không? Và có đúng, thể loại tự sự mới là không gian văn chương đích thực của ông?

Tiểu thuyết Hoàng hôn phương Tây chịu ảnh hưởng nhiều của Spengler, Márai cho rằng ông có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn những giá trị của thế giới thị dân. Trong những bài viết sắc sảo, ông phê phán mọi biểu hiện của chủ nghĩa quốc gia, thói phân biệt chủng tộc, ông bắt buộc mình phải giữ vững lý tưởng độc lập của một nhà văn.

Cùng lúc ấy, ông cảm nhận, các nhà nước Tây Âu tự cho mình là tự do, đã phạm những sai lầm nghiêm trọng với chính sách thuộc địa của họ. Cuốn ghi chép hành trình Theo dấu vết Thượng đế (1927) bằng cặp mắt của một người viết báo, nhưng với linh cảm tương lai thông thái, ông ghi chép lại những sự kiện của vùng Cận đông. Trong cuốn sách này đã xuất hiện lối hành văn đẹp đẽ, có chọn lựa, đầy chất thơ tuyệt tác, với sự chín muồi tài năng hoàn toàn của Márai.

Từ Pháp trở về, ông sống ở Buda, trong khu phố  Krisztina. Thành phố chôn rau cắt rốn và khu phố này nhiều lần xuất hiện trong hậu trường không gian của các tác phẩm của Márai.

Giữa các tiểu thuyết ban đầu, Những kẻ nổi loạn (1930) là tác phẩm chín muồi nhất. Ở đó ông đề cập tới một trong những đặc trưng tiểu biểu nhất của văn học châu Âu thời bấy giờ - sự nổi loạn của tầng lớp thanh niên. Ông đã từng nhận định: không thể tìm ra, đâu là nguyên nhân chính khiến ông viết tác phẩm này, bởi vậy tác phẩm này dường như khá lạ lẫm ngay với chính nhà văn.

Ông coi ngôn ngữ là tổ quốc đối với một nhà văn sáng tạo Hungary, từ quan điểm về  ngôn ngữ tiếng Đức và Slave, coi văn học là một bí ẩn thiêng liêng. Marai nghiêm túc đề cập tới vấn đề tính độc lập, qua tác phẩm Csutora (1932), cuốn tiểu thuyết quen thuộc về một chú chó nhỏ.

Từ quan điểm dân tộc, một cách khái quát hóa, Marai miêu tả sự chiếm lĩnh không gian thế giới của chủ nghĩa Hitler bằng lối viết mỉa mai châm biếm, trong các bài đăng trên tờ Báo, với nội dung cơ bản, nêu lên việc bảo vệ đời sống tinh thần đang bị đe dọa và thái độ tỉnh táo giữ khoảng cách, với tất cả các hình thức xuất hiện của sự tàn bạo.

Ý tưởng này lần đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm tiểu sử tổng quát Tự sự của một thị dân (1934-35). „Đây là một viên đá tảng trong sự nghiệp của Márai, ông đã hoàn thành điều mà Kassák Lajos trong Cuộc đời một con người, và Illyés Gyula trong Dân miền hoang dại đề cập tới: bằng những miêu tả xã hội học, bằng sự rung cảm chân thành cao độ, ông thổ lộ thái độ trung thành có tính chất nghĩa vụ đối với giai cấp thị dân của mình. Người thị dân của Márai, chăm chỉ, run rẩy, ẩn nấp sau những tháp ngà sách vở, người thị dân độc lập, muốn xây dựng một đất nước không thể mất, có lẽ chưa bao giờ tồn tại trong hiện thực cuộc sống. Trong hình bóng người thị dân này, có thể nhận ra những kinh nghiệm sống đã thu nhặt và cả nỗi hy vọng của Márai, rằng tầng lớp sáng tạo và tổ chức ra nền văn hóa ấy, sẽ không bao giờ rời khỏi sân khấu  lịch sử” (Rónay László).

Tự sự của một thị dân là bức tranh vừa tôn vinh vừa phê phán  mô hình sống thị dân. Phần thứ nhất vừa là phần miêu tả xã hội, vừa là một cuốn tiểu thuyết với những tình tiết được phát triển dần, vừa là một lời thổ lộ. Đây là một câu chuyện, phản ánh bằng những miêu tả xã hội học chính xác, về cuộc sống của một thành phố chưa đặt tên, về những mối quan hệ xã hội của nó, nhưng thực chất là về một cá nhân đi tìm con đường của mình, đích cuối cùng chính là việc, tìm ra bản thân mình.

Márai đã ”tiểu thuyết hóa” cũng những  khẳng định trên trong tác phẩm Những kẻ ghen tuông 1936. Từ phương diện khác, tiểu thuyết này đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng của nhà văn: nghệ thuật xây dựng tượng trưng trong văn của ông được bộc lộ hoàn toàn chín muồi. Trong hiện trường của các hành động, ta thấy một gia đình, người chủ gia đình hấp hối, rồi chết, điều này làm thay đổi cơ bản mối quan hệ, cũng như cuộc sống của các thành viên gia đình, cho thấy cái hệ thống quan hệ phức tạp này quan trọng biết nhường nào, ít nhất nó đã khiến các thành viên gia đình gắn bó ra sao với Thành phố, trong cả quá khứ lẫn tương lai. Dân cư Thành phố, như dân chúng được chọn lựa của Thánh kinh, bị những kẻ lạ chinh phục, cuộc sống của họ từ lúc ấy, như thể sau khi phạm tội lỗi, bắt đầu quay cuồng, nhưng người nào lấy lại được sức lực từ quá khứ, họ biết, tội ác có thể bị đánh gục, họ có thể đạt tới một trạng thái trong sạch, mà âm nhạc là biểu hiện tượng trưng. Một yếu tố quan trọng của tiểu thuyết này là những bí ẩn thấp thoáng sau thực tại, chi phối suy nghĩ và hành động của các nhân vật, như những nhân tố của cuộc sống hàng ngày.

Những kẻ ghen tuông là một trong những tiểu thuyết trữ tình nhất của Marai, nhưng đỉnh cao lại là tác phẩm Vai diễn ở Bolzano và tiểu thuyết Szindbád về nhà làm sống lại không khí đặc biệt trong ngày cuối cùng của Krudy Gyula, hai tác phẩm này đều viết trong những năm 40. Những tác phẩm khác trong khoảng thời gian này chỉ là những cuộc thử giọng của nhà văn, trong những năm chiến tranh, ông cũng không xây dựng được những tác phẩm đáng kể hơn, cho dù Những ngọn nến cháy tàn (1942) trở nên cực kỳ nổi tiếng và quen thuộc với chúng ta ngày nay. Cuốn tiểu thuyết nhỏ đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng với giới hạn là một cuộc trò chuyện thâu đêm, miêu tả lại một quá khứ, một câu chuyện tình yêu.

Trong thời kỳ chiến tranh, khẳng định của ông - đã vang lên trong ”những đội tuần tiễu” trước đó - càng ngày càng rõ nét hơn: châu Âu già nua cũ kỹ đã lĩnh đủ những vết thương chết người, giờ đây câu hỏi lớn là phải chăng cái ”mới” đã bảo vệ cái gì và bảo vệ bao nhiêu những giá trị truyền thống? Việc đặt ra câu hỏi này đã đưa ông đến việc tạo dựng bản năng một hình thức thể hiện mới, có khả năng ngay lập tức tiếp cận với các sự kiện, và bảo vệ khoảng cách tiếp cận chưa phê phán.

Tập Nhật ký (1946) đã được viết với chủ ý này. Phần đầu tiên ghi lại những biến cố từ 1943-1944, ông đã miêu tả bằng một sự chân thành không van vỉ những nhận xét, suy nghĩ ý kiến hình thành từ các sự kiện của mình. Hình thức ghi chép văn học này được ông duy trì đến tận cuối đời. Người viết nhật ký Márai cũng nổi tiếng như nhà văn tiểu thuyết Márai vậy.

Các tập Nhật ký của ông là những tác phẩm có hơi hướng văn học. Bằng chứng là ông sàng lọc rất kỹ chất liệu viết. Đấy là sự mỉa mai châm biếm đuợc ghi chép kỹ lưỡng, là những hồi tưởng ngày càng nhiều, mà ông đã nghiêm khắc phê phán khi hướng về đất nước của mình. Ghi chép lại những sự kiện ngày thường, những buổi gặp gỡ, những tác phẩm được đọc, những phản ứng của nhà văn đều mang tính văn học chân chính, cái không gian tinh thần đơn độc của ông là thành trì bảo vệ những hành vi kiên định của nhà văn. Trong thế kỷ của chúng ta có rất ít nhà văn làm được như thế.

Thành trì cuối cùng của Márai là văn học, là văn hóa, là những thứ mà giá trị thu thập hàng thế kỷ của nó bị bỏ rơi trong  một thế giới tiêu dùng và thực dụng hóa. Năm 1948 Marai quyết định rời Hungary, ông sống ở châu Âu hàng năm trời, rồi định cư tại Mỹ, nhưng ông không thể thích nghi với lối sống và quan điểm sống ở đây. Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết duy nhất được viết tại Mỹ lại gợi nhớ đến một vùng đất Ý Máu của San Gennaro (1951), trong đó một kẻ lạ mặt bí hiểm là trọng tâm, nhưng xung quanh kẻ này có thể nhận ra được những ngày thường, dân chúng, và những diệu kỳ ẩn náu của một thành phố nhỏ bên bờ biển, như máu của Thánh Januariusz trong một ngày duy nhất của năm bỗng sôi lên sùng sục. Tác phẩm này của Márai là một trong những tác phẩm cuối cùng viết theo kiểu tiểu thuyết truyền thống châu Âu.

Các tác phẩm của ông là những tư liệu đặc biệt về tình yêu đối với châu Âu và con người châu Âu.

Đất! Đất! (1971) là đầu đề cuốn tự sự của Marai, trong đó ông vẫn không xa rời khung cảnh theo lối kể chuyện truyền thống của mình, nhưng tác phẩm này được coi là một trong những đỉnh cao sáng tạo văn chương của ông, là sự chất chồng của những tập nhật ký. Trong tác phẩm này, có thể nhận ra đầy đủ, những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc, đến việc hình thành những đặc tính văn học riêng của Marai, những điều này một lần nữa chúng minh việc ra đi, việc rời bỏ đất nước Hungary của nhà văn là cần thiết, một đất nước với lối tư duy phương Đông và một nền độc tài cai trị, đã xóa bỏ lối sống thị dân, cũng như phủ nhận những truyền thống, một thời được coi là những truyền thống có giá trị tiên phong.

Bằng những hồi tưởng ký ức lặng lẽ ông chia tay với cái môi trường bị hủy diệt giá trị bởi chiến tranh, nơi vô cùng quen thuộc đối với ông, nơi gìn giữ những kỷ niệm đẹp đẽ về các đường phố, nhà cửa, quảng trường, nơi có những bạn đọc vô hình nhưng chung thủy, nơi gắn bó quan hệ một cách bí ẩn giữa nhà văn và người đọc. Chính mối quan hệ này mang ý nghĩa viết cho nhà văn. Khi ý nghĩa này bị cắt đứt, chẳng thà ông lựa chọn một tổ quốc khác, một dạng tự do day dứt, một tồn tại không đối thoại, một kiểu sống chỉ sách vở và kỷ niệm an ủi được một phần nào.

Những cuốn sách, những kinh nghiệm, ông ghi lại trong các tập nhật ký, đã làm nên một thế giới cá nhân con người cô độc. Một dạng con người không bao giờ giảng hòa với chủ nghĩa nhân đạo nhân tạo của nền văn minh hóa, và bằng hành vi sống kiên định của mình, ông bảo vệ những lý tưởng của châu Âu.

"Giờ đây tôi đã hiểu - trong môi trường này, trong giới hạn viết chật hẹp này - tôi chưa bao giờ cảm thấy mình ở nhà. Tôi tìm kiếm một cái gì đó, một cái gì luôn luôn thiếu. Cái gì vậy? trong thế giới riêng của tôi, để tôi được thở không khí riêng của tôi. Đấy là điều thiếu vắng, vì thế tôi luôn luôn hành trình trong nhiều năm, khi có thể; liên tục, hàng chục năm trời. Nhưng, giờ đây tôi hiểu, tôi đã cập bến. Và tôi chăm chú dõi theo cái không gian trống rỗng, nơi  đọng lại cái không có gì.” (Đất! Đất!)


Ban tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Nguyên bản tiếng Hungary: http://enciklopedia.fazekas.hu/palyakep/magyar/Marai.htm