trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
25.2.2008
Trần Văn Tích
Mai không phải là mai, liên không hẳn là sen
 
Khi đọc bài "Một cành mai" của nữ sĩ Thái Kim Lan trên talawas ngày 15.02.08, tôi đã định góp ý kiến ngắn nhưng thấy mình “bị" xuất hiện hơi nhiều rồi nên tôi tắc lưỡi không viết. Tuy nhiên khi vị nữ lưu họ Thái phổ biến ý kiến ngắn mới đây, ngày 23.02.08, thì tôi không... tự chế được nữa. Ðành phải viết thôi. Câu chuyện hôm nay có hai nội dung: (1) khẳng định dứt khoát cây mai trong Kiều, trong Cung oán, trong Nhị độ mai v.v... và trong thơ Ðường không phải là cây mai của miền Trung và nhất là của miền Nam nước ta, cây mai được chưng làm cảnh trong ngày Tết và (2) thương xác cùng tác giả Thái Kim Lan về tên gọi cây liên kiều.


1. Cây mai của Kiều là cây mơ

Bằng chứng là định nghĩa của từ điển:
  • Từ điển Truyện Kiều Ðào Duy Anh: Mai: cây mai, giống cây mơ, nhưng cành có vẻ khẳng khiu cứng cáp hơn
  • Từ điển tiếng Việt Văn Tân: Mai: cây mơ
  • Từ điển tiếng Việt Nguyễn Văn Ðạm: Mai: họ cùng với mơ
  • Vietamesisch-Deutsches Wörterbuch Otto Karow: Mai (Kiều): Pflaumenbaum
  • Das neue Chinesisch-Deutsche Wörterbuch: Mai (mei): Chinesische Essigpflaume, Japanische Aprikose (Prunus mume).
Bằng chứng là cách dịch câu Kiều số 17 "Mai cốt cách, tuyết tinh thần" sang tiếng Anh, tiếng Pháp:
  • Lê Xuân Thủy: Thúy Kiều and Thúy Vân were as slender as apricot-trees
  • Huỳnh Sanh Thông: Bodies like slim plum branches
  • Nguyễn Văn Vĩnh: Elles avaient toutes deux le profil gracieux des abricotiers
  • Xuân Phúc et Xuân Việt: Sveltesse d’abricotier
  • Xuân Phúc: Ossature de prunier
  • Nguyễn Khắc Viện: Grâce du prunier en fleur v.v…
Bằng chứng là những dòng thơ vịnh mai trong thi ca Hán Nôm; chẳng hạn trong Hồng Ðức quốc âm thi tập:
  • Bài "Mai thụ" (Cây mai): Nhà truyền thanh bạch dăng từng khối (hoa mai thanh nhã, trắng trẻo nở đầy cành)
  • Bài "Tảo mai" (Hoa mai đầu mùa): Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết
  • Bài "Lại vịnh hoa mai vẽ": Sương chẳng phau tung, tuyết chẳng dời
  • Bài "Lão mai" (Cây mai già): Tuyết giúp tinh thần ngọc hãy còn.
Hoặc trong thơ Trương Duyệt đời Ðường, bài "U Châu tân tuế" (Năm mới ở U Châu): Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết, Kim niên Kế Bắc tuyết như mai (Năm ngoái ở Kinh Nam mai trắng tựa tuyết, Năm nay ở Kế Bắc tuyết trắng như mai). Và trong từ Dương Vạn Lý đời Tống, điệu Ức Tần Nga: Lạc mai như tuyết, Dã đào hồng tiểu (Hoa mai rụng như tuyết, Hoa đào rừng đỏ, nhỏ). Như vậy cây mai nở hoa màu trắng, không phải màu vàng.

Ngoài ra, hoa mai trong thơ Hán Nôm có hương thơm. Như qua thơ Nôm Nguyễn Trãi: Ngày tuy gió chẳng bay hương ("Lão mai"); Lịm đưa hương một nguyệt hay ("Mai thi"); hay thơ đời Hồng Ðức: Xuân thêm cốt cách hương càng bội ("Lão mai"); Mùi hương ngậm thế khôn hay ("Lại vịnh hoa mai vẽ"); và thơ Nhị độ mai: Hương đâu phưng phức tứ bề, Hoa đâu san sát đầy khê một vườn.

Lại nữa, cây mai trong thơ Hán Nôm có trái. Trái nó khi non thì xanh và chua, khi chín thì sắc vàng và ăn được. Người thanh niên trong "Trường Can hành" của Lý Bạch, đùa với người thương, chạy quanh giếng, vừa chạy vừa tung những trái mơ xanh (nhiễu sàng lộng thanh mai). Dương Vạn Lý nghe ghê cả răng khi nếm quả mơ chưa chín, bài "Nhàn cư sơ hạ ngọ thụy khởi nhị tuyệt cú" (Ðầu hè ngồi rỗi sau khi ngủ trưa dậy): "Mai tử lưu toan nhuyễn xỉ nha" (Trái mơ để lại vị chua làm mềm cả răng). Qua thơ Lục Du, trái mơ chín vàng trong mưa, bài "Tự thương": Triều vũ mộ vũ mai tử hoàng (Mưa sáng mưa chiều trái mơ nhuốm vàng). Ðó cũng là quả mai của Truyện Kiều, câu 3075, nó là quả mơ: Quả mai ba bảy đương vừa.

Cây mai trong thơ Hán Nôm cung cấp một số vị thuốc. Nếu muối quả mơ phơi héo như muối cà thì chúng ta có diêm mai. Nếu đồ quả mơ rồi phơi, rồi đồ nhiều lần thì chúng ta có ô mai. Hạt khô cho khổ hạnh nhân. Dầu ép từ hạt là dầu hạnh nhân.

Tất cả những đặc tính vừa trình bày chứng tỏ cây mai trong thơ ta, thơ Tàu ngày trước không phải là cây mai ngày Tết miền Nam, không phải là cây mai Thái Kim Lan. Nó là cây mơ. Nó chỉ mọc và trồng được ở miền Bắc và Bắc Trung phần, nhiều nhất ở vùng chùa Hương – chẳng rõ nay còn không – ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc ở Ðà Lạt. Cây mai trong thơ Hán Nôm được dịch sang tiếng Pháp là prunier, trái của nó là prune. Nhưng hai cây lý, hạnh cũng có khi được gọi là prunier (hay abricotier nếu là hạnh). Chỉ cây đào là có tên khác: pêcher. Sở dĩ như thế là vì nếu cây mơ có tên khoa học Prunus mume (Sieb.) Sieb. et Zucc. thì cây lý có tên khoa học Prunus salicina Lindl. và một vài tên khác, tùy theo loại; cây lý tức là cây mận của miền Bắc nước ta (khác với cây mận ở trong Nam). Cây hạnh có tên khoa học Prunus armeniaca L. và một vài tên khác, tùy theo loại; còn cây đào là Prunus persica (Linn.) Batsch và một vài tên khác, tùy theo loại. Vì cả ba cây mơ, mận, hạnh đều được khoa thực vật học xếp vào loài Prunus, họ Rosaceae nên mới có chuyện người Pháp có khi gọi cả ba là prunier, không phân biệt.

Tóm lại, tất cả những hoa mai, cành mai, dáng mai, thân mai v.v… trong thi ca Hán Nôm đều không dính dáng gì đến cây mai chúng ta quen mua tại các chợ hoa Sài Gòn để chưng ngày Tết. Chỉ cây mai ngày Tết này mới có màu vàng, cùng màu với cây Forsythie của Ðức. Cây mai làm cảnh ngày Tết của Việt Nam có tên khoa học Ochna Harmandii L. Nếu chữ Forsythie có xuất xứ từ tên của nhà thực vật học người Anh Forsyth thì Harmandii là nhằm ghi danh nhà khoa học người Pháp Harmand. Alfred Pételot, trong Les plantes médicinales du Cambodge, du Laos et du Vietnam (Các cây thuốc Cao Miên, Lào và Việt Nam) ghi cây mai Ochna Harmandii L. ở Tập I, trang 175. Nó thuộc họ Ochnaceae và còn mang thêm những tên khoa học khác Ochna integerrima Merr., Eloeocarpus integerrimus Lour., Discladium Harmandii Van Tiegh. Theo Pételot, cây mai vàng này mọc ở miền Nam Ðông Dương và ở Thái Lan. “Les branches fleuries sont très recherchées à l’occasion de la fête de nouvel an vietnamien. Elles constituent des porte-bonheur." (Các cành mang hoa rất được ưa chuộng trong dịp lễ đầu năm Việt Nam. Chúng mang lại hạnh phúc.)

Ngày nay chúng ta lưu vong phiêu bạc đi khắp địa cầu, chẳng rõ đã có ai gặp được cây mai vàng ngày Tết ở vùng nào trên trái đất ngoài lãnh thổ quê hương chữ S chưa.


2. Liên kiều và Forsythie

Tác giả Vân Quốc trên talawas ngày 24.02.08 đã nhanh hơn tôi một bước: ông cung cấp về đại thể một số thông tin chính xác liên quan đến cây liên kiều; hôm nay tôi chỉ xin bổ túc thêm.

Chữ liên trong tên gọi cây thuốc liên kiều viết với bộ sước và có nghĩa là “nối liền", còn chữ liên để chỉ cây sen cũng là chữ liên đó nhưng thêm bộ thảo ở trên mà giới học chữ Hán gọi là thảo đầu. Chữ kiều là chữ tên cô Kiều của Nguyễn Du, viết với bộ còn chữ kiều nghĩa là xinh, đẹp trong yêu kiều, kiều nữ thì viết với bộ nữ. Ông Vân Quốc cho rằng liên kiều có nghĩa là “cánh liền". Tôi nghĩ hiểu như thế cũng có tính thuyết phục. Nhưng khi nữ sĩ Thái Kim Lan tán rằng liên kiều là “kiều nữ hoa sen" thì chị đã không đúng đến hai lần.

Tên gọi các cây thuốc vị thuốc trong Trung Y thường được đặt theo một số tiêu chuẩn như dựa vào tính chất (phòng phong), khí vị (cam thảo), màu sắc (tử thảo), cách sống (bán hạ), bộ phận (quế chi) v.v… và nhất là hình thái. Câu đằng là một thứ dây leo có gai cong giống như lưỡi câu (câu = lưỡi câu, đằng = dây leo). Cẩu tích là vị thuốc trông giống lưng con chó (cẩu = chó, tích = cột xương sống). Ngưu tất là vị thuốc có đốt phình ra giống đầu gối con trâu (ngưu = trâu, tất = đầu gối). Ô đầu là vị thuốc trông giống đầu con quạ (ô = quạ, đầu = đầu). Như vậy, liên kiều có thể được định danh vì các cánh hoa mọc liền nhau, chi chít.

Các sách dược liệu học chữ Hán và chữ Nhật đều viết liên kiều với liên không có thảo đầu. Ngoài ra, theo Nhật Bản dược dụng thực vật (Japanese medicinal plants) của Koiti Kimura, Tập I, trang 87, thì liên kiều còn có tên hoàng thọ đan, thay vì hoàng kỳ đan như ông Vân Quốc cho biết. Tên khoa học phổ biến của liên kiều Forsythia suspensa Vahl, họ Oleaceae; giới dược học Triều Tiên cũng dùng cây Forsythia koreanum Ohwi với tên liên kiều. Theo Trung Y, liên kiều vị đắng, tính hàn, không độc, qui vào các kinh tâm, đảm, đại trường và tam tiêu; có tác dụng tán khách nhiệt ở các kinh mạch, chữa sang thủng.

Nhà văn nhà thơ không bắt buộc phải là nhà thực vật học, càng không bắt buộc phải là nhà dược liệu học, lại càng không bắt buộc phải là nhà dược liệu học Trung Y. Cho nên "Một cành mai" vẫn là một cành mai (màu vàng) độc đáo nở trên đất München năm nay, độc đáo như một cành mai (màu trắng) của thiền sư Mãn Giác nở trước sân chùa đêm qua.

Westpreußenstr., 24.02.2008

© 2008 talawas