trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
15.3.2007
Đỗ Nhuận
Bộ mặt thực của Trần Dần trong nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm
 
Có một số người trong Giai phẩm–Nhân văn trước kia, tự cho mình là kẻ đi phát hiện “sự thật”, nhưng chính họ đã ngờ vực cả bản thân mình nên đã rủ nhau đi xem tướng số [1] .

Tôi không làm ông thầy tướng để đoán tiền vận, hậu vận cho các vị đó nhưng, tôi biết họ hơn thầy tướng vì tôi đã đọc họ trong Giai phẩm–Nhân văn và có người tôi đã gần nên tôi nhận rõ chân tướng họ hơn ông thầy tướng. Nay tôi nói riêng một vài nét trong con người Trần Dần.

Xuất thân từ một gia đình địa chủ kiêm tư sản có nhiều ruộng muối, có nhiều nhà cho thuê ở Nam Định và cho thuê xe tay, bản thân lại đi thầu khoán, Trần Dần đã ăn chơi trụy lạc từ hồi còn ít tuổi.

Trần Dần đọc nhiều sách Tây trụy lạc, và đã nhiễm phải những tư tưởng phản động của sách báo tư sản phản động Pháp từ hồi đó.

Năm 1946 sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Dần cùng bạn bè lập ra nhóm “thi sĩ tượng trưng” và tờ báo Dạ đài. Nhóm này chuyên hút thuốc phiện, chơi gái và làm thơ trụy lạc, bế tắc điên cuồng, giữa không khí cách mạng sôi nổi, lại có một tờ báo lạc điệu như vậy, có người đã phải gọi tờ báo này là tờ Dạ đái, ra được một số rồi chết.

Toàn quốc kháng chiến, Trần Dần về Nam Định làm công tác thông tin. Nhờ hoàn cảnh kháng chiến và nhờ sự dìu dắt của Đảng, năm 1948 Trần Dần vào bộ đội Sơn La, làm cán bộ tuyên truyền mặt trận Sơn La, nộp đơn xin vào Đảng và được Đảng kết nạp.

Do hoàn cảnh kháng chiến, không có điều kiện ăn chơi, nhưng với cái đuôi nghệ thuật tư sản cũ vẫn thòi ra trong thời kỳ ở nhóm văn nghệ “Sông Đà” ví dụ: làm thơ bí hiểm, vẽ tranh theo lối góc cạnh rất bị quần chúng phản đối.

Năm 1951, sau khi dự một lớp chỉnh huấn có kết quả, Trần Dần được điều về ban phụ trách đoàn văn công quân đội, có địa vị, sinh ra độc đoán, đả kích cán bộ sáng tác, chụp mũ diễn viên, khi định yêu một chị nữ diễn viên Trần Dần nói bịp là: “tôi rất trong sạch về chuyện ái tình”. Bị thi hành kỷ luật, Trần Dần về cục tuyên huấn viết báo và trong chiến dịch Điện Biên Phủ viết được quyển truyện Người người lớp lớp.

Khi hòa bình lập lại, Trần Dần hiện nguyên hình là con người trụy lạc phản động. Trần Dần đã tự thú trong lớp học văn nghệ vừa qua là: anh ta đã nỗ lực chống đối Đảng, có người cho rằng sự sai lầm về tư tưởng chống Đảng của Trần Dần đã hiện rõ nhưng còn cho là cả cuộc đời của Trần Dần bốc cháy như một ngọn lửa. Đúng! Hồi tiền vận Trần Dần có thể là một ngọn lửa nhưng không phải là ngọn lửa của một bó đuốc mà chỉ là một ngọn lửa của chiếc đèn dầu lạc tù mù trên khay đèn thuốc phiện của nhóm Dạ đài trụy lạc, sa đọa về tâm hồn, gồm những tên Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Trần Dần v.v… Giữa lúc bao nhiêu thanh niên đang sôi nổi đi theo lý tưởng cao quí do Cách mạng tháng Tám đem tới, nhóm Dạ đài đã có những lời tuyên ngôn:

“Lũ chúng tôi, bọn người vong gia thất thổ.
Trót sinh ra lạc ánh sao mờ”.

Nhóm này không những đã sa đọa về tâm hồn mà còn là những người có khuynh hướng chính trị “tờ-rốt-skít”. Trần Dần là một trong nhóm này nhưng đã may mắn được phong trào cách mạng lôi cuốn. Trong những năm kháng chiến, bệnh tật xấu của xã hội cũ không có điều kiện nảy nở thêm trong con người Trần Dần nhưng tư tưởng xấu xa đó vẫn mai phục và nó đã tấn công Trần Dần khi trở về đô thị vừa được giải phóng còn đầy rẫy nạn cao bồi, gái điếm, lưu manh.

Có người cho là tôi định đem bôi đen Trần Dần. Vâng, tôi có ý như vậy. Nhưng việc tôi bôi đen Trần Dần khác với việc Trần Dần dùng ngòi bút viết lên bao thứ bài thơ như “Nhất định thắng”, chuyện “Cò Lấm”, “Lão Rồng”, “Em bé làm văn” v.v…, để bôi đen miền Bắc và con người của chế độ ta. Tôi bôi đen Trần Dần khác với việc nhóm Nhân văn đã bôi đen chế độ. Bọn họ đã ngậm mực phun người; tôi không ngậm mực phun Trần Dần mà chỉ có ý định lấy hắc ín quét Trần Dần như người thợ sơn quét hắc ín vào chân cột đèn để con sâu con mọt nếu ở trong sẽ chết đi, nếu ở ngoài nó sẽ không đục khoét vào được. Tất nhiên chân cột phải thui đi và cần quét hắc ín luôn luôn. Trong kháng chiến Trần Dần có một số thành tích nhất định nhưng nay chưa phải là lúc tôi kể ưu điểm của Trần Dần. Không phải là tôi cố ý quên, trái lại Trần Dần và các anh viết Nhân văn–Giai phẩm đã tự xóa công lao của mình; chính các anh là những người đã vỗ nợ của nhân dân.

Anh Trần Dần! Những ai đã hy sinh ở Điện Biên Phủ để anh viết ra được chuyện Người người lớp lớp? Chắc anh còn nhớ những ngày tôi với anh cùng hành quân ra trận địa, mắt thấy tai nghe những con người anh dũng đã chiến đấu để giữ từng tấc đất, có đồng chí đã chết gục ở chân đồi, có đồng chí đã lấy thân mình ra lấp lỗ châu mai cho đồng đội tiến lên. Lúc đó anh cũng như tôi, là những người bình thường, làm nhiệm vụ của một chiến sĩ văn nghệ; anh viết thành văn, tôi ghi thành nhạc.

Khi trở về Hà Nội, anh in ra sách, lĩnh mấy triệu nhuận bút có biết đâu rằng: trong lúc đó có những người mẹ người vợ còn chít khăn tang đã đi bộ hàng bốn, năm chục cây số ra tỉnh, đến ty thương binh, báo tên chồng con chết trận, lĩnh một món tiền tử tuất nhỏ đem về dành dụm để có thêm miếng cơm manh áo. Trong lúc đó, số tiền nhuận bút lớn kia anh dùng để làm gì?

Chính mồm anh nói khi trờ về Hà Nội điều trước tiên là đi tìm gái nhà “thổ”, hoặc tìm một con gián điệp để cưỡi đầu voi dữ. Anh lại lấy cớ đó tìm đề tài hoặc có ý định tổ chức tập hợp một số gái điếm để mở “dạ hội liên hoan”. Trong lúc đó anh vẫn còn ở trong quân đội mặc quân phục, đeo sao. Anh lại đặt tên cho chiêu đãi sở của quân đội là cái nhà “phe” (!)? Lối ăn nói thấp hèn đó phải chăng là tư tưởng của các vị đi tìm sự thật? Sự thật là vợ chồng bộ đội đã xa nhau trong mấy năm kháng chiến, hòa bình lập lại quân đội đã tổ chức nơi chiêu đãi cho anh em? Việc làm này có ý nghĩa yêu thương giai cấp, yêu thương đồng đội, yêu thương con người; anh nói như thế mà dám tự nhận là người đi tìm sự thật? Sự thật dễ hiểu và nhân đạo như thế mà sao anh không hiểu nổi? Sao anh lại đi chửi vào quân đội? Chửi vào những “người người lớp lớp” đã cung cấp cho anh những đề tài trong sáng tác?

Trong lúc cơ quan đang khó khăn về nhà cửa, nhiều cán bộ văn nghệ còn thành tích hơn anh, ở mười người một buồng: trong lúc chưa giải quyết được buồng riêng cho người sáng tác, anh được ở một buồng riêng, anh gọi cái buồng này là cái nhà “thổ”. Khi Hoàng Cầm viết về anh trong báo Nhân văn đã bịa đặt gọi cái buồng này là nhà giam để cố ý vu cáo cho quân đội đã bắt anh; (hiện nay gian buồng này là nơi làm việc của thủ trưởng cao cấp). Ai chẳng biết anh “tay trắng làm nên” kiếm được người vợ ở phố Sinh Từ, có vài nóc nhà cho thuê do cha cô đi Nam để lại.

Khi các đồng chí trong cơ quan khuyên anh nên cảnh giác về việc vợ con, anh cố tình không chịu nghe và còn bào chữa bằng câu nói: “đi đạo lấy gạo mà ăn”. Lúc đó anh là người của quân đội, sao lại tán thành việc thu tiền, không phải do công sức lao động của vợ anh? Đã thế, anh lại còn làm thơ trong Giai phẩm mùa Xuân, nói là: Miền Bắc nghèo đói, dùng ngòi bút bịa đặt, kể rằng: “vợ chồng anh có con chó mực gầy, nhà hết gạo, định giết cả nó đi để ăn thịt”. Thật là một thái độ không lương thiện của một tên đầu cơ, kiếm chác nhiều mà vẫn kêu là giả nghèo giả khổ hay là thái độ vừa đánh trống vừa ăn cướp. Anh tự cho mình là người đi tìm sự thật mà không hiểu rằng: chính đế quốc và chiến tranh đã gây ra nạn thất nghiệp, gây khó khăn cho dời sống vật chất của nhân dân ta. Trong lúc nhân dân đang đổ mồ hôi sôi tiết, nỗ lực phục hồi sản xuất thì anh làm thơ chửi lại Đảng, chống lại chế độ:

“Hai vạn miền Nam ra chưa có việc
đói cơm ăn… ”

Đời sống sinh hoạt và tư tưởng sa đọa của anh có thể đảm bảo cho ngòi bút của anh trong sạch được không? Không thể được! Bọn các anh muốn bảo vệ cho cái cuộc sống xấu xa đó đã đưa ra luận điệu, nào là “dédoublement” nào là “Sáng tác là một việc, đời tư là một việc”. Các anh toàn nói láo và lòe bịp. Thực ra những nhân tài vĩ đại của thế giới đều có một đời sống vĩ đại, cái vĩ đại nhất là tinh thần chiến đấu cho chính nghĩa; không những chỉ chiến đấu bằng ngòi bút mà còn chiến đấu bằng gươm súng, bằng sức lao động chân tay của mình nữa. Ở nước ta các triết lý này đã phổ thông bằng phương ngôn: “Người làm sao, bào hao làm vậy”, “Người thế nào văn thế nấy”, “Khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra chân tay”, cho nên “Lòng dạ quắt quay nó hiện ra chữ nghĩa”. Bụng dạ các anh không ngay thẳng nên văn chương chữ nghĩa của các anh có tính chất hai mặt.

Bây giờ nói đến chuyện chữ nghĩa văn chương của Trần Dần đã bị tư tưởng nào chỉ đạo?

Năm 1952 anh đi theo đường lối văn nghệ của Đảng và theo kinh nghiệm của đường lối văn nghệ Trung Quốc, nên anh đã có một số sáng tác dùng được; vài năm sau anh nói với tôi rằng: “Không nên theo đường lối Trung Quốc vì như thế là đi đường vòng quanh, phải đi đường thẳng”. Đường thẳng là thế nào? Khi anh sang Trung Quốc, anh rất thích cái lý luận của tên phản động Hồ Phong ở Trung Quốc, anh nhập cái tư tưởng phản động của Hồ Phong vào người và ban phát nó cho một số người bạn của anh vì theo anh đó là con đường thẳng. Hồ Phong dùng hình ở mũi dao cắm vào lưng người văn nghệ sĩ để mạt sát và chống lại sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì trong bài thơ “Nhất định thắng” anh cũng dùng hình ảnh “Con dao dựa cùn chém trộm ngang lưng” để vu khống, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam.

Đường lối đúng của Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô anh nhất định không theo và anh tin là đường lối của anh nhất định thắng. Bản thân anh không có lý luận gì nên đã vay tạm của Hồ Phong vài ngón và lục những trang sách báo của bọn văn nghệ tư sản phản động, hít lại cái sái nhị, sái ba một số luận điệu của bọn “trốt-kít”. Anh đưa ra một loạt sáng tác tư tưởng là mới, nhưng loại sáng tác này bọn văn nghệ sĩ phản động quốc tế và Việt Nam đã viết để chống cộng từ mấy mươi đời, cho đến nay bọn Mỹ-Diệm ở miền Nam vẫn thường dùng lối sáng tác này để chống cộng. Dưới chiêu bài “chống sùng bái cá nhân”, “chống quan liêu”, anh và bọn các anh đã ban phát bằng mồm và bằng ngòi bút những tư tưởng sặc mùi “trốt-kít”.

Chính các anh đã sùng bái cá nhân tên phản động Trotsky và Hồ Phong, Trương Tửu, tôn Trần Đức Thảo làm thầy về triết học phản động, đồng lõa với bọn Nguyễn Hữu Đang. Chính các anh là những tên đại đặc quan liêu chỉ nằm một xó buồng hút thuốc phiện mà bịa đặt, dựng đứng thành những câu chuyện xấu để bôi đen chế độ, không đếm xỉa gì đời sống của nhân dân lao động và không hiểu họ đã nghĩ gì, nói về Trần Dần và nhóm Nhân văn. Các anh cố tình bịt tai, nhắm mắt như vậy tôi còn biết nói sao? Tưởng “mới” thế nào? Té ra mới tìm được một cái giẻ rách cũ trong một đống giẻ rách của xã hội tư sản cũ để lại. Những tư tưởng trụy lạc và quá khích đó đã thúc đẩy Trần Dần làm gì?

Trước hết là chủ động tấn công vào Đảng bằng tổ chức với khẩu hiệu “trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ”, “bãi bỏ hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công”. Đánh vào lãnh đạo những đòn bất ngờ thật mạnh, đánh toàn diện và lâu dài. Khi có một số anh em nhận rõ tính chất đấu tranh của Trần Dần có tính chất quá khích, phá hoại đã rút lui, anh cho họ là hèn, xui giục một số anh em nộp đơn ra khỏi quân đội. Bản thân anh xin ra Đảng để tấn công vào Đảng, xét về những tai hại anh đã gây ra trong quân đội nên anh đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Khi cơ quan bắt anh kiểm thảo, anh đã thú nhận là không còn phương sách gì để chống đối Đảng nữa nên đã giả vờ tự tử để tấn công vào Đảng một lần nữa.

Sau khi ra khỏi quân đội, Trần Dần lại tiếp tục viết lách để tấn công vào Đảng một cách ráo riết hơn. Anh ta đã dám ngạo nghễ làm những câu thơ “tôi dán mắt cho lãnh tụ”.

Chính cách mạng đã đem lại cách nhìn cho những người văn nghệ sĩ biết yêu ai, ghét ai: cách mạng đã đem lại đất cho các anh đi, đem trời cho các anh đội mà dám nói hỗn xược. Chính mắt các anh mù mịt cho nên không nhìn rõ được sự thật, mới đặt mình cao hơn Đảng, cao hơn lãnh tụ. Trí thức của Trần Dần và nhóm Nhân văn không bằng một em nhi đồng; các em nghe đài còn biết đâu là địch; đâu là ta, còn các anh luôn mồm dùng luận điệu của địch; không muốn sống ở đất này, muốn đi sang miếng đất của một nước tư sản hoặc một miếng đất của địch, thảo nào Trần Dần làm bài thơ “Hãy đi mãi”. Đi đến đâu? Người ta đi đến giới tuyến tạm thời, phải ngừng lại vì đầu cầu bên kia đồn bốt của địch, còn anh? Nếu không kìm chân anh lại thì có thể anh đã bắt tay với địch một cách dễ dàng; nếu anh có thể đi được, âu cũng là một điều may cho xã hội chủ nghĩa, bớt đi được một cục đá cản trở bánh xe lịch sử.

Lối sáng tác hai mặt nhóm Nhân văn gọi là “Symbole équivoque” thực chất là “đòn xóc hai đầu”, chửi địch cũng được mà chửi ta cũng được, nhưng chửi địch thì ít mà chửi ta thì nhiều. Chẳng thế mà bọn Mỹ-Diệm ở Sài Gòn đã cho in lại các bài báo Nhân văn–Giai phẩm để làm tài liệu chống cộng. Nhóm Nhân văn đã mắc nợ của nhân đân. Các anh nói sao? Các anh ăn cơm của nhân dân mà nỡ đi đầu độc cả nhân dân miền Bắc miền Nam, đầu độc lẫn nhau chưa đủ, lại còn âm mưu đầu độc cả một thế hệ nhi đồng bằng những chuyện trẻ em nguy hại như “Em bé viết văn”, “Ông tiên thông minh” của Trần Dần, “Chiếc gậy thần”, “Chuyện Thánh Gióng” của Hoàng Cầm, “Phê bình cuốn sách chụp mũ” của Hoàng Huế. Thủ đoạn của các anh chẳng khác gì thủ đoạn đầu độc trẻ em của đế quốc Mỹ bằng sách báo “cao bồi”.

Báo Nhân văn và Hoàng Cầm đã tôn Trần Dần lên làm một vị anh hùng. Nhưng qua đấu tranh, người ta đã thấy rõ: nay Trần Dần lại hiện nguyên hình là con người trong nhóm Dạ đài cách đây mười mấy năm, lại có điều lại nguy hiểm về tư tưởng chính trị và quyết tâm phá hoại hơn trước.

Khi Cách mạng tháng Tám, bọn họ là “một lũ người vong gia thất thổ” nay tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, Trần Dần cũng lại là “người vong gia thất thổ” vì không thừa nhận chế độ này, vì ngột ngạt với chủ nghĩa này. Mặc dầu thâm tâm anh ta thì đen tối và độc địa như vậy nhưng trong bài thơ “Nhất định thắng” anh ta cũng bịp một câu: “Tôi yêu chủ nghĩa này, cờ đỏ cãi cho tôi”. Các bạn hãy nhìn vào hành động của anh ta, xem có thực như vậy không? Anh nói “Cờ đỏ cãi cho anh” mà tại sao anh bôi xấu lá cờ đỏ trong truyện “Cò Lấm” như thế này:

“Nhà anh Cò Lấm… lá cờ lụa đỏ giắt mái nhà, rủ trước mặt bức ảnh Hồ Chủ tịch, một đứa bé, cổ chân bị buộc dây vào cột nhà, tay nó có cái gì vàng vàng, à ra cứt, nó ỉa một đống còn kia” hoặc trong bài thơ “Nhất định thắng” anh viết: “Em treo lá cờ đỏ đầu nhà, lá cờ trừ ma.” Về lá cờ thiêng liêng anh tả như vậy, còn về chủ nghĩa, anh nói rằng: “yêu chủ nghĩa này”. Nhưng sự thực là anh rất căm thù chủ nghĩa này vì xã hội này rất chuyên chính đối với bọn phá hoại như các anh. Các anh là bọn “treo đầu dê, bán thịt chuột” không thể lừa bịp được quần chúng! Yêu chủ nghĩa này phải yêu cả khối xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc, các anh đã nói xấu Liên xô, Trung Quốc bằng ngòi bút và bằng lỗ miệng.

Sáng tác là công việc cao quý mà bọn các anh và Trần Dần đã hạ thấp nó đến mức xuyên tạc trắng trợn như vậy. Anh lại còn có ý khoe là sáng tác say sưa, nhiều và nhanh. Đúng! Say sưa như những tên lính “tẩy” vào làng bắn giết dân ta, nhiều và nhanh như những nhát dao của kẻ cướp rình lúc người ta ngủ mà chém trộm, chính anh chém trộm lại vu người khác chém trộm ngay lưng anh. Nhưng, khi dân làng đã tỉnh dậy, quần chúng thấy rõ bộ mặt thực của các anh thì họ có cả nước ủng hộ; chỉ mỗi người một bãi nước bọt cũng đủ làm thành những làn sóng cuộn cái rơm cái rác ra bể, chìm xuống vực thẳm. Nhưng, Đảng còn nhân đạo, không muốn các anh chìm, các anh đã chìm xuống bùn rồi, Đảng còn muốn cứu vớt các anh lên.

Nghe anh báo cáo, có người cho anh là chỉ sai lầm về tư tưởng chống Đảng nhưng về phương diện bút pháp thì là một người có tài. (không biết là có tài hay có “tai”). Nói đến đây, tôi sực nhớ một câu chuyện cổ Hy Lạp: “Ngày xưa có anh chàng muốn mình nổi tiếng nhưng văn dốt, vũ dát; không có cách nào để nổi tiếng được. Anh ta bèn nghĩ ra một kế là: đốt cái nhà thờ đẹp nhất của Hy Lạp hồi đó là nhà thờ Diane, để sau này lịch sử sẽ phải ghi tên anh ta là kẻ đã thiêu hủy nhà thờ. Nhưng, sau khi đốt nhà thờ, nhân dân đã biết rõ âm mưu của anh ta nên không thèm gọi tên anh ta nữa mà chỉ gọi là thằng đốt nhà thờ”.

Lại có ví dụ: Có một anh chàng nào đeo trước ngực một tấm biển “chống công thức”, rồi cởi truồng ra, đi hiên ngang ở đường phố, tôi tin là hắn ta sẽ được nổi tiếng ngay nhưng người ta sẽ không cần hỏi tên hắn ta là gì để gọi cho hắn nổi tiếng, cũng không nhìn tấm biển gọi là thằng chống công thức chỉ gọi là thằng cởi truồng. Tôi biết trong nhóm Nhân văn–Giai phẩm có một số người chưa có tiếng tăm gì mấy nhưng muốn nổi một cái tiếng thật to theo kiểu đốt nhà thờ và kiểu cởi truồng. Điển hình là Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Chính Phùng Quán đã nói ra mồm rằng: “Tôi muốn vác phèng la đi khắp đầu đường xó chợ, đọc thơ để thiên hạ biết đến thơ Phùng Quán” nhưng, thưa với Phùng Quán rằng: “Nếu anh muốn nổi tiếng theo kiểu làm quan tắt như vậy thì dân phố cũng không gọi anh là Phùng Quán nữa mà chỉ gọi anh là “thằng đánh phèng la”.

Trần Dần muốn ăn một cái tiếng to hơn. Không những chỉ muốn nổi tiếng ở Việt Nam mà còn muốn nổi tiếng cả thế giới nữa. Bởi vậy Trần Dần đã bắt chước lối thơ của Mai-a-cốp-ski nhưng, trắng đen rõ rệt. Mai-a vì trung thành và chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản nên trở thành một nhà thơ vĩ đại, còn Trần Dần thì làm ngược lại, hình thức thơ leo thang, bắt chước Mai-a nhưng nội dung thì chống Đảng cho nên cũng có được một cái tiếng đời rửa sao cho sạch!

Tôi can các vị! Đừng nên làm một tiếng bom để dội vào đầu người, hãy nên làm một tiếng trống để thúc giục nhân dân đánh giặc, hộ đê, hoặc làm tiếng trống giúp cho người ta múa hát cũng là một tiếng trống vui lành mạnh. Trong các vị có Văn Cao cũng muốn mở một con đường sang nước láng giềng để được nổi tiếng to hơn. Nhưng, trống đã thủng không chịu khó bưng lại, đánh ở nhà cũng không kêu, vác sang nhà hàng xóm mà khua cũng vẫn không kêu, lại còn đèo thêm một cái tiếng xấu cho bà con hàng xóm nữa.

Bởi vậy người xưa đã có câu “Nếu rắp tâm làm anh hùng thì không thể trở thành người hùng được” . Trừ phi muốn làm “yêng hùng” theo kiểu cao bồi nhưng, hiện nay thanh niên đang gây phong trào “Ba nên, Hai chống” thì cao bồi cũng hết đất.

Lối văn thơ của Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán trong Giai phẩm–Nhân văn tôi có thể ví như một lối văn cao bồi, đao to búa lớn, chụp mũ vào lãnh đạo khiến cho một số người lầm tưởng là họ có tài. Không ai khen cái tài nói lớn, nhưng nói khoác, nói vu, nói phá hoại mà chỉ khen cái tài nói nhỏ nhưng nói thật.

Trong lớp học, Trần Dần chỉ mới nhìn thấy tội lỗi, chống Đảng của mình một phần nào. Đối với bản thân, Trần Dần và một số người gây ra chuyện Giai phẩm–Nhân văn, họ đã làm cái việc “kiếm củi mười năm, thiêu một giờ”.

Chúng tôi không nỡ khoanh tay nhìn nhà cháy. Cần phải dập tắt ngọn lửa tai hại đó đi! Sau đó các anh hãy, cần cù mà dựng lại ngôi nhà, làm lại cuộc đời để trả nợ nhân dân.

Cách ngôn có câu: “Yêu cho vọt, ghét cho ăn”, vì hy vọng Trần Dần và các anh khác còn có khả năng là người bạn cùng đi con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa cho nên, tôi mong rằng: nếu có thực là giúp nhau xin các bạn đừng vuốt ve nhau, đừng thổi phồng nhau nữa, mà hãy thực hành câu: “Yêu cho vọt”.

3.1958



[1]Chuyện có thật
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 12, tháng 5 năm 1958 – Số đặc biệt thứ hai chống Nhân văn-Giai phẩm, trang 52-58. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.