trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 89 bài
  1 - 20 / 89 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
25.7.2005
Nguyên Trường
Ngàn năm bia miệng
 
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi

(Thơ Nguyễn Trọng Tạo)


Trong bài viết ngày 21 tháng 7 ông Đỗ Minh Tuấn lại nhắc nhiều đến nhóm Nhân văn – Giai phẩm và so sánh hoàn cảnh của mình vào những năm 1976-1977 với cái sự kiện xảy ra cách đó chừng hai chục năm, rồi cho rằng mình cao tay hơn, thông minh hơn, biết lựa thời thế hơn các nhân vật chủ chốt của vụ án ấy. Nhiều người trực tiếp tham gia Nhân văn – Giai phẩm nay đã không còn, số còn thì có lẽ đã già yếu quá chẳng thể lên tiếng trả lời được. Tôi, một kẻ hậu sinh, hiểu biết về vụ án cùng những người Nhân văn – Giai phẩm không nhiều nhưng cũng xin có đôi lời thưa lại như sau: Hoàn cảnh của ông vừa giống lại vừa rất khác hoàn cảnh của họ, nhiều việc họ không thể làm, dù có muốn, chứ không phải những người đã từng vào sinh ra tử như vậy lại sẵn sàng thúc thủ, sẵn sàng chấp nhận những bản án khắc nghiệt dành cho mình một cách dễ dàng đến thế. Nhưng xin được trình bày từng vấn đề cụ thể.

Mọi cuộc cách mạng đều ăn thịt những đứa con của mình. Đấy không chỉ là một câu nói có tính tượng trưng. Tất cả các cuộc cách mạng tư sản đã từng như thế: Các lãnh tụ cách mạng đều bị giết hoặc phải rút khỏi vũ đài chính trị, các đảng phái cách mạng đều bị giải tán hoặc thay đổi đường lối hoạt động, các phương pháp trấn áp trong cách mạng được thay bằng biện pháp ôn hoà, pháp trị vân vân và vân vân. Các cuộc cách mạng ấy phải ăn thịt những đứa con của mình vì phương pháp bạo động trong giai đoạn cách mạng đã không còn phù hợp nữa, công cuộc xây dựng trong thời bình cần những con người khác, những phương pháp khác. Nhưng cách mạng cộng sản thì không thế. Nó cũng ăn thịt những đứa con cưng của mình, nhưng khác với các cuộc cách mạng trong quá khứ: Trên cái bàn tiệc đẫm máu và nước mắt của nó có những món được chừa lại, có những “hạt giống” được để dành cho “mùa sau”. Cách mạng Nga đã ăn thịt Dinoviev, Kamenev, Bukharin, Trotski… và chừa lại Stalin. Cách mạng Trung Quốc đã ăn thịt Lưu Thiếu Kì, Bành Đức Hoài… nhưng chừa lại Mao Trạch Đông. Vì sao lại như thế? Vì rằng cách mạng cộng sản là một cuộc cách mạng trường kì, miên viễn; các biện pháp trấn áp không phải là nhất thời mà phải trở thành thường trực. “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn” đã trở thành câu nói cửa miệng của các lãnh tụ cộng sản. Sau cách mạng những người tin tưởng tuyệt đối vào lời rao giảng về một thiên đường trên cõi thế, về một cuộc sống hạnh phúc và tự do muôn đời của nhân dân lao động đã trở thành những con chiên ghẻ, bị nguyền rủa và phải bị loại bỏ. Chỉ những kẻ có ích cho việc xây dựng một bộ máy với đầy đủ các thang bậc, với tôn ti trật tự và đặc quyền đặc lợi của một giai tầng mới là được sống, được đẩy lên cao mãi, được trở thành “tiếng nói và lương tâm” của giai cấp, của nhân dân và của thời đại. Người cộng sản chân chính lúc này phải là người có hai phẩm chất quan trọng: cuồng tín và hám quyền. Một người tham gia cách mạng mà lại không có hai phẩm chất nổi trội ấy thì chỉ nên tự trách mình mà thôi, lịch sử luôn luôn tiến về phía trước, nó không biết và cũng không quan tâm đến các nạn nhân. Nền chuyên chính đỏ sau cách mạng đã “một phân thành hai”, nó không thể không “phân thành hai” theo đúng lô-gích nội tại của các cuộc cách mạng ấy. Lại nữa, người tham gia cách mạng thì đông quá mà số lượng chức vụ thì ít quá, kẻ còn người mất cũng là cái lẽ đương nhiên vậy. Đấy là lí do phát sinh những bữa dạ tiệc đầy ắp thịt người và nhầy nhụa máu tươi sau các cuộc cách mạng ở Nga và Trung Quốc. So với những bàn tiệc vĩ đại ở hai nước nói trên thì Nhân văn – Giai phẩm chỉ là một bữa điểm tâm nhẹ, không đáng kể.

Vào những năm 1955-1956, Nguyễn Hữu Ðang, Ðặng Ðình Hưng, Lê Ðạt, Trần Dần... đã ngây thơ tin rằng cách mạng đã thắng lợi. Từ nay trở đi phải vui, phải được tự do sáng tác, tự do ca hát. Hà cớ gì: Đem bục công an đặt giữa tim người? Thưa ông Đỗ Minh Tuấn, chỉ cần một câu đó là mọi sự đã chấm hết. Nó chính là cái dấu chìm, không thế nào tẩy xoá được, trên bản án lưu đầy của tất cả những người tham gia Nhân văn – Giai phẩm. Không hồ sơ phản bác nào, cũng như không ai có thể cứu được họ nữa. Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Chí Thanh có thể có cảm tình với nhóm Nhân văn – Giai phẩm như những cá nhân với cá nhân, nhưng đứng trước sự lựa chọn sống còn, đứng trước sự lựa chọn “to be or not to be” nhất họ định sẽ chọn và họ đã chọn Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phan Cự Đệ... vì đấy chính là những người cần cho bộ máy. Họ có thể yêu thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan nhưng cái ghế của họ lại cần những kẻ coi thơ chỉ là những bậc thang tiến thân, địa vị của họ lại cần những kẻ dùng thơ làm mũi kim để tiêm mãi vào đầu óc dân chúng rằng: “Trời mỗi ngày lại sáng” và Bác chính là: “Trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ” như Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên hay Xuân Diệu chẳng hạn. Cán cân nghiêng về phía nào hẳn đã rõ. Không có vụ kiểm điểm ở Thái Hà thì sẽ có những vụ kiểm điểm ở chỗ khác với những cái cớ khác. Vấn đề là bộ máy phải rũ bỏ những người đã trở thành thừa, đã trở thành vật cản trong quá trình quan liêu hoá của chính nó. Đấy là một trong những sự khác biệt giữa ông cùng với Vĩnh Quang Lê và nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Một bên là những người ở trong bộ máy, những người nhìn thấy kết quả chỉ là “mưa sa trên màu cờ đỏ” còn bên kia lại thấy “Đảng đang hái hoa cho cả dân tộc”. Một bên cố đặt những con tàu vào đường ray đã có sẵn còn bên kia là những người cho rằng đường ray đã bị đặt chệch hướng ngay từ đầu, tầu càng chạy thì càng thêm xa đích. Một bên là một nhóm người có tổ chức và tuyên bố công khai, đe doạ lật đổ cả một chính quyền; bên kia là một cuộc biểu tình mini, chỉ cố vận động cho những thay đổi vụn vặt (ấy là trong trường hợp những điều ông nói về mình phù hợp với sự thật!). Giả sử như cái tổ chức bảo vệ trí thức gì đó của ông mà được thành lập, có chân rết ở khắp nơi và hoạt động “ì xèo” nữa thì sẽ như thế nào? Tôi đã mường tượng ông trong vai ông Nguyễn Hộ với biết bao hệ luỵ... Ấy chết, cầu cho ông được bằng an! Nhưng ông Phạm Văn Đồng đã không cho cái tổ chức ấy ra đời, lí do vì sao thì chắc ông đã rõ. Về điểm này thì sự khác biệt giữa hai bên chỉ có thể sánh với sự khác biệt giữa đêm và ngày mà thôi.

Còn một sự khác biệt căn bản nữa. Ấy là vào những năm giữa thế kỉ XX “phe ta” đang cực kì hùng mạnh, mọi biểu hiện chống đối đều bị coi là phản bội lại ước mơ ngàn đời của người lao động về một thế giới tự do, bình đẳng và bác ái. Các đồng chí đang vung tay múa chân trên diễn đàn kia vừa mới cùng ta trải qua biết bao gian nguy, vừa mới cùng ta trở về từ chiến khu Việt Bắc. Trong tâm tưởng của rất nhiều người thì chống họ tức là chống lại chính mình, tất nhiên là có những kẻ cơ hội, nhưng nhiều người đã tin tưởng một cách tuyệt đối rằng chống đối bây giờ tức là phá bĩnh, là phản bội. Có thể cái tình cảm đó cũng đã từng len lỏi vào một góc khuất nào đó trong tâm tưởng những người Nhân văn – Giai phẩm, nhất là khi bị đám đông áp đảo. Họ đã chạy trốn tự do, đã đầu hàng vô điều kiện vì cảm giác cô đơn, cảm giác bị đẩy khỏi cộng đồng. Có nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ bị trở thành kẻ lưu đầy ngay giữa đồng loại? Ta chỉ có thể ngậm ngùi, thương cho thân phận những con người phải chịu chung một cộng nghiệp, những con người bị “ma đưa lối quỉ đưa đường”, phải lặn lội mãi trong chốn “lầu xanh” của nhân tình thế thái ngày ấy, chứ bảo rằng mình khôn hơn họ khi hoàn cảnh đã khác thì chẳng phải là thái độ huênh hoang quá “lố” ư? Thời đã thế thế thời phải thế, có phải người xưa đã nói vậy không? Hai mươi năm sau tình hình đã khác rất nhiều. “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, “Tướng tấn, tá tạ, úy yến, lính chiến hai búp bê” đã là câu nói cửa miệng của rất nhiều người. Bạn bè ông có thể lảng tránh các ông vì họ sợ liên luỵ và cho rằng đấy là việc “châu chấu đá xe” nhưng chắc chắn trong thâm tâm họ nể các ông hay ít nhất họ cũng không khinh các ông, còn chính các ông thì cho rằng mình thuộc về phe chính nghĩa một trăm phần trăm, không một chút dao động nào. Đây có phải là khác biệt căn bản trong tâm lí, trong tình người không? Ông Đỗ Minh Tuấn đã không trở thành biểu tượng, nhưng nói đúng ra thì những người cầm quyền lúc đó cũng đã cố tình không tạo ra biểu tượng nữa vì họ biết rằng biểu tượng là một mối đe doạ, biểu tượng sống đã nguy hiểm mà biểu tượng chết còn nguy hiểm hơn. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên là như thế chăng?

Còn về chuyện: “Cái gì đã khiến họ không gửi đơn đến Hội nhà văn, không đến gặp những người có trách nhiệm để đòi được in sách, in báo và phục hồi như một Hội viên? Không thèm, không tin, hay đòn dư luận quá nặng, quá dã man đã đánh gục ý chí của họ, đào một vực thẳm giữa họ với toàn xã hội?”, thì xin được thưa như sau. Khoảng năm 1992 người viết những dòng này có được nhà thơ Phùng Quán nói cho nghe đại ý: “Có lúc các ông ... (để tỏ lòng kính trọng những người đã chết và những người còn sống xin không nêu tên cụ thể) đã bảo: hay là chúng ta đầu hàng đi. Bọn mình cùng viết đơn xin họ. Nhưng tôi nói rằng họ không tha cho chúng ta đâu. Nhất định họ phải giữ một số người như chúng ta để khi cần có thể chỉ vào chúng ta mà doạ: Xem đấy!”. Sự thực đã là như thế, họ hiểu rằng có đòi, có xin cũng không được, xin làm chi cho thêm bẽ bàng. Giữa họ và xã hội đã có một vực thẳm không thể nào vượt qua được. Hẳn rằng đòn dư luận xung quanh ông Đỗ Minh Tuấn không thể dã man đến thế, vực thẳm giữa ông và xã hội không thể sâu đến thế. Nhưng thôi, kẻo bạn đọc lại bảo: “Biết rồi, khổ lắm!”

Thưa ông Đỗ Minh Tuấn, câu chuyện về những người Nhân văn – Giai phẩm mà tôi được nghe là như thế. Họ không phải là những người “điếc không sợ súng” như ông nói đâu, họ là những người lãng mạn, những người tin vào sự trong sáng của cách mạng, tin vào tình đồng chí, tin vào tình người, tin vào công lí, tin vào lòng thành của những người đứng trên ông Tố Hữu và các cộng sự của ông ta. Mà họ không đơn độc, lúc đó rất nhiều người đã tin như thế. Những người ấy đã lầm, nhưng đấy là sự lầm lẫn của cả một thời đại, sự lầm lẫn không của riêng ai. Sao nỡ nhẫn tâm đem ra chế giễu? Có thể nói họ là những Ðông Ki-Sốt trong thời đại của chúng ta. Tôi phục những người làm việc có hiệu quả, nhưng tôi cũng ngưỡng mộ những người lãng mạn, những Ðông Ki-Sốt sống động giữa đời thường, bởi vì thiếu họ thì cuộc đời sẽ chỉ còn là một màu bàng bạc, một màu xám chán ngắt. Và vì thế để kết thúc bài viết ngắn này, tôi xin được chia sẻ ý sau đây của ông Phan Xuân Lâm:“Tôi thấy ông anh hùng, tôi bái phục lắm, nhưng tôi cũng bái phục những anh hùng khác. Liệu có cần luận anh hùng bằng cách chỉ có mình là anh hùng nhất, những người khác anh hùng không thấm vào đâu so với mình, hay không?”. Hữu xạ tự nhiên hương, ông chẳng nói thì rồi xã hội cũng sẽ biết, nhân dân cũng sẽ biết, sẽ nhớ. Nhưng trí nhớ của nhân dân vốn là một tấm bia, bia miệng, như câu ngạn ngữ: “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Xin hết!

© 2005 talawas