trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
8.8.2005
Nguyễn Văn Lục
Trí thức miền Nam - Hai mươi năm nhập cuộc (1955-1975)
5 kì
 1   2   3   4   5 
 
“Ðôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho kẻ cứng đầu, và một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả một dòng sông.”
E. Mounier


Tôi tình cờ đọc bài “Văn Miếu ở Nam Kỳ” của cụ Phan Văn Hùm viết trong tạp chí Tri Tân, số 144, ngày 01-05-1944, [1] một vài nhận xét về giới trí thức ở Nam Kỳ, xin ghi lại như sau:

“Dưới triều Nguyễn, ở Nam Kỳ có đỗ đạt chỉ lưa thưa vài bốn ông Tiến sĩ, mà Phan Thanh Giản là được sự nghiệp hiển hách hơn cả… Rồi trường Cao đẳng, rồi trường Cao học, rồi trường Ðại học, lần hồi thiết lập, đều ở cả tại Hà thành. Người đỗ đạt cao ở bên Pháp về như các ông Ngụy Như Kon Tum, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Nguyên, Ngô Ðình Nhu v.v... đều cũng là ở Trung, hoặc ở Bắc... Cho đến văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ, tài tình, tự tu sau buổi ra trường cao tiểu học hoặc trung học, cũng không phải ở Nam Kỳ mà có.

Vô duyên thay xứ Nam Kỳ. Tôi muốn nói vô duyên với sự học thời kim như thời cổ.”

Nhận xét có đôi phần chua xót này phản ánh phần nào sự thật ở vào những thời kỳ nhất định của xứ Nam Kỳ. Nhưng nó cũng cho thấy rằng, cụ Phan Văn Hùm đã hiểu nghĩa người trí thức, theo nghĩa thông tục đời thường, là người có bằng cấp cao. Trong khi đó, nếu hiểu trí thức là một thái độ, một ý thức, một suy tư, một thao thức trước hoàn cảnh xã hội, chính trị, thì cụ Phan Văn Hùm lại là người trí thức hơn ai cả. Chỉ nói về bằng cấp thôi thì cụ Phan Văn Hùm đã có bằng Cao học Triết học (Diplôme d’études Supérieures de Philosophie). Nhưng quan trọng hơn cả là cuộc đời dấn thân làm chính trị, đấu tranh cho quyền lợi của đất nước của cụ, cùng với vô số trí thức miền Nam khác.

Nói như thế thì trí thức miền Nam nào có thiếu? Họ nhiều lắm. Ðó là những Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Lê Bá Cang, Trần Văn Chiêu, Nguyễn An Ninh, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Chánh, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Thạch, Trần Văn Sĩ, Ðào Hưng Long, Lư Sanh Hạnh, Nguyễn Văn Lịnh, Trần Ðình Minh (tự Nguyễn Hải Âu), Lương Ðức Thiệp, Lý Vĩnh Khuôn, Lê Quang Lương (tự Bích Khê), Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Văn Tiền, Edgar Ganofsky (1880-1943, chủ trương tờ La voix libre, quản lý tờ La Lutte, tờ Tia Sáng, bị kết án tù 10 năm biệt xứ)... Tất cả những vị trên đều là những người trí thức hàng đầu của miền Nam vào những thập niên 1930-1955.

Bài viết này mong muốn nhìn lại người trí thức miền Nam ở một giai đoạn khá đặc biệt: giai đoạn đất nước chia đôi 1955-1975. Họ là những ai? Họ đã làm những gì? Liệu trí thức miền Nam có kiếm ra được một hòn đá có thể chuyển hóa cả một dòng sông?


1. Trí thức miền Nam giai đoạn 1955-1960

A. Thời kỳ đầu ổn định

Sau Hiệp định Genève 1954, hai miền Nam Bắc trở thành đối đầu. Danh xưng mới, miền Nam và miền Bắc, cho thấy sự ngăn cách không chỉ nằm ở biên giới sông Bến Hải, mà còn in sâu trong tâm thức mỗi người: Bên kia là Bắc, là Cộng sản, là kẻ thù. Bên này, quốc gia chống Cộng. Như thể không còn là người Việt với nhau, như thể có hai nước Việt Nam hoàn toàn riêng biệt.

Khi ông Diệm về nước nhận chức Tổng thống, miền Nam đang ở bên bờ vực thẳm về chính trị, kinh tế và chịu sự đe dọa của các thế lực khuynh đảo bên trong lẫn bên ngoài. Lúc bấy giờ, chỉ cần ổn định được tình hình thì đã là một cứu tinh. Stephen Pan, trong Viet Nam Crisis, nhận xét:

“Ngo Dinh Diem assumed the prime ministership in 1954 when his country was facing economic chaos, political instability, and external subversion, not on a massive scale, but on a scale that kept increasing intensity. He led South Viet Nam through its initial crises, changed it from a monarchy to a republic, and built up the first national loyalty its people ever knew.” [2]

(Tạm dịch: “Ngô Ðình Diệm đã đảm nhiệm chức vụ Tổng thống vào năm 1954, khi đất nước của ông đang đối mặt với những hỗn loạn kinh tế, bất ổn chính trị và những áp lực khuynh đảo bên ngoài, không phải trên qui mô toàn diện, nhưng trên một qui mô mà cường độ [áp lực] ngày một gia tăng. Ông đã lãnh đạo miền Nam qua cơn khủng hoảng ban đầu này, biến nó từ chế độ quân chủ sang cộng hòa, và đã xây dựng được một sự trung thành quốc gia mà dân chúng trước đây chưa từng thấy.”)

Sau khi ổn định được miền Nam, người ta có cảm tưởng chính thể Ngô Ðình Diệm ở thế mạnh, có thể đương đầu được với miền Bắc. Theo Giáo sư Vũ Văn Mẫu:

“Trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 23-10-1955, không ai có thể chối cãi rằng tất cả đa số, nếu không muốn nói ít nhất 80% các đồng bào đã đi bỏ phiếu cho Thủ tướng Ngô Ðình Diệm giữ chức vụ Quốc trưởng tại miền Nam Việt Nam, thay thế Cựu hoàng Bảo Ðại bị truất phế, thuộc thành phần Phật tử.” [3]

Cũng trong tinh thần đó, Giáo sư Mẫu ghi nhận người ta đánh giá cao Ngô Ðình Diệm trong cương vị một tân tổng thống; người ta cũng nhắc đến “quá khứ trong sạch của Ngô Ðình Diệm khi làm việc quan và tính tình khí khái của ông khi từ chức Thượng thư Bộ Lại trong nội các đầu tiên của Bảo Ðại.” [4]

Trong giai đoạn này, chính phủ Ngô Ðình Diệm đã giải quyết và ổn định cả triệu người di cư từ miền Bắc vào, giải quyết xong vấn đề giáo phái, ổn định kinh tế và phát triển đào tạo giáo dục. Theo GS Lý Chánh Trung, có khoảng gần 200 trường Trung học đã được xây dựng dưới thời ông Diệm cho các tỉnh lỵ và quận lỵ. Ngay cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh và nghèo nàn như Gio Linh, Bồng Sơn, Cà Mâu, Trà Oạn v.v..., đều có trường học. [5]

Về an ninh, vào năm 1956, 90% cán bộ Việt Minh ở hạ tầng bị tiêu diệt. [6] Chẳng hạn, tại trại tù Chí Lợi ở Bình Dương, đã tập trung đến 6000 chính trị phạm Cộng sản bị bắt giam. [7] Ðặc biệt ở miền Trung, cán bộ của Ngô Ðình Cẩn tiêu diệt gần như toàn bộ Cộng sản nằm vùng, chi tiết này do chính những người đi kháng chiến giai đoạn sau tiết lộ - điều mà trước đây, người Pháp đã không bao giờ làm được trong suốt 9 năm chiến tranh Việt-Pháp. Trong những năm đầu của chính thể ông Diệm, người ta có thể đi suốt từ Cà Mau đến Bến Hải một cách an toàn. Thôn quê tương đối yên lành. Trong khi đó, miền Bắc sau 1954 rơi vào tình trạng đói kém, nếu không được Liên Xô viện trợ gạo từ Miến Ðiện, hẳn đã lâm vào cảnh nguy ngập.

Trong thời kỳ đầu của thập niên 1955-1960, chúng tôi thấy rõ một điều: miền Nam và miền Bắc là biểu tượng của hai thế lực, hai thứ chủ nghĩa, đều muốn chứng tỏ cho thế giới thấy là mình có chính nghĩa. Bên này, lãnh tụ là ông Hồ với Đảng Cộng sản. Bên kia, có ông Diệm với chủ nghĩa Quốc gia. Theo nhận xét của Edward Miller, ông Diệm cũng muốn trở thành một thứ Hồ Chí Minh ở miền Nam:

“Ngo Dinh Diem was a dreamer. As ruler of South Viet Nam from 1954 to 1963, Diệm aspired to greatness as a nation builder, and he was determined to find an alternative to the path taken by Ho Chi Minh and the Vietnamese Communists.” [8]

(Tạm dịch: “Ngô Ðình Diệm là người có hoài bão. Với tư cách là người lãnh đạo miền Nam từ 1954 đến 1963, Diệm mong muốn trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu trong việc xây dựng chính quyền quốc gia, ông cương quyết tìm ra một đường lối khác biệt với con đường mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi.”)

Có thể nói, trong giai đoạn đầu 1956-1960, các nhà văn, nhà báo và giới trí thức miền Nam thực sự tin tưởng vào thể chế chính trị đương thời, vào ý thức hệ chủ nghĩa Quốc gia, và vào chủ nghĩa tự do đối đầu với chế độ toàn trị của Cộng sản. Mai Thảo, trong bài “Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam”, trên tạp chí Sáng tạo số đầu, đã viết một cách đầy hào khí như sau: “Sài Gòn thay thế cho Hà Nội, từ một đô thị miền Nam trở thành thủ đô tinh thần của toàn thể đất nước, Sài Gòn sáng tạo và suy tưởng.” [9] Cùng với Sáng tạo, vô số báo chí, nguyệt san ra đời, như tạp chí Quê hương của Giáo sư Nguyễn Cao Hách, Văn hóa Á châu của cụ Nguyễn Ðăng Thục, Tin sách của G.S Thanh Lãng, Luận đàm của Tổng Hội giáo giới với các cụ Thẩm Quỳnh và Nghiêm Toản, Bách khoa (1957) của nhóm Huỳnh Văn Lang, Hiện đại của thi sĩ Nguyên Sa và Thế kỷ hai mươi của Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch.

Trong số những nhà trí thức trong thời kỳ này, một phần khá lớn từ Bắc di cư vào Nam, bao gồm các nhà văn, nhà thơ tiền chiến như Nhất Linh, Vi Huyền Ðắc, Lê Văn Trương, Vũ Hoàng Chương, Ðỗ Ðức Thu, và lớp kế cận sau này, như Tạ Tỵ, Nguyễn Sĩ Tế, Võ Phiến, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Mặc Ðỗ, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Mạnh Côn, Lê Văn Siêu, Hoàng Minh Tuynh, Nghiêm Xuân Hồng, hoặc trẻ hơn nữa như Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Vũ Hạnh, Thảo Trường, Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Sa Trần Bích Lan và Nhật Tiến. Dù gốc Bắc, họ vẫn được coi như những trí thức tiểu tư sản tiêu biểu của miền Nam Việt Nam.

Hầu hết những báo chí trên đều chủ trương một lập trường phi chính trị. [10] Họ tránh né những vấn đề chính trị và chủ trương làm văn học thuần túy. Với họ, chính trị là chính trị, văn học là văn học. Họ không muốn dính dáng đến chế độ. Nhiều người sau này không theo chính quyền Ngô Ðình Diệm mà cũng không chống, hay muốn chống mà chưa tiện, chưa dám chống công khai. Vì thế, họ không ưa những báo do nhà cầm quyền bảo trợ như tờ Văn đàn của nhóm Tinh Việt Văn Ðàn, do Phạm Ðình Tân, Phạm Ðình Khiêm chủ trương. Tờ Văn đàn ra mặt ủng hộ ông Ngô Ðình Diệm được coi là báo chính quyền nên ít ai muốn đọc, hầu như bị tẩy chay. Báo ra bán không ai mua. Tờ Nhân loại, thân với kháng chiến, cũng chịu số phận tương tự.

Một số trí thức đã truyền bá một thứ triết lý Hiện sinh phi chính trị, được giới trẻ tin tưởng và noi theo. (Người viết đã có dịp nói tới vấn đề này trong bài viết “Những người con hoang của J. P. Sartre.”) Áp dụng lập trường phi chính trị, các trí thức, sinh viên thời đó say mê trình bày triết lý Hiện sinh trường ốc, một thứ triết lý chán đời, hoài nghi, buông xuôi, phủ nhận mọi hệ thống giá trị đạo đức, tôn giáo, và chống lại những gì họ cho là nghiêm chỉnh, cái gọi là “esprit du sérieux”. [11]

Trên đây là tóm tắt đặc điểm của trí thức tiểu tư sản miền Nam trong giai đoạn này. (Sau này, Cộng sản, do sợ hãi quá đáng, hoặc muốn đe răn cảnh cáo, đã xếp một số họ vào thành phần trí thức nguy hiểm nhất, một thứ “biệt kích Văn nghệ miền Nam”).

Do được đào tạo, được tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng văn hóa Tây phương, những người trí thức trẻ mau chóng nhận thức ra rằng chế độ cầm quyền của ông Diệm đã phạm nhiều lỗi lầm đụng chạm đến tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Từ đó nổ ra những cao trào tranh đấu, đi đến lật đổ chế độ ấy. Ðiều này cũng cho thấy rằng, không giống như chính thể miền Bắc bắt buộc mọi người phải tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Ðảng, ở miền Nam, ít ra người dân còn có quyền được tin hay không tin, có quyền được đòi hỏi, được chống đối. Bài học dân chủ mới bắt đầu làm nảy sinh ra nhiều xáo trộn không tránh được ngay sau đó.

Trong khi đó ở miền Bắc, ngoài nạn đói kém, chính quyền Cộng sản đã phạm phải một loạt các sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách ruộng đất, vụ Nhân văn-Giai phẩm, và sau đó, vụ nổi dậy ở Quỳnh Lưu. Nhưng dưới chế độ toàn trị, họ đã giải quyết và dẹp yên được những mầm mống chống đối bằng trấn áp, bạo lực và đe dọa. Ở trong Nam, chính quyền đã lợi dụng dịp này bôi đen chế độ miền Bắc, ấn hành sách Trăm hoa đua nở trên đất Bắc [12] và bộ phim Chúng tôi muốn sống. Dân chúng miền Nam khó quên được những hình ảnh đó, và bắt đầu ghê sợ chế độ Cộng sản thông qua sự tuyên truyền này.

Trong 20 năm phân chia, mỗi miền đã hình thành một sắc thái văn hóa riêng, một nền giáo dục riêng, với những thế hệ thanh niên được đào tạo khác biệt. Một sinh viên được đào tạo trong Nam khác hẳn một sinh viên ngoài Bắc về tinh thần làm việc, về ý thức dân chủ, về ý thức tự do, về quyền làm người, về những giá trị nhân bản, và nhất là một quan niệm về con người. Ðấy là một khác biệt sâu xa, đánh dấu bản sắc con người giữa hai miền mà người ta ít lưu tâm tới.

Cũng chính sự đào tạo đó ở miền Nam sau này sẽ là mầm mống và động lực dấy lên những đòi hỏi tự do, bình đẳng tôn giáo, cũng như những giá trị nhân bản khác. Bề ngoài, những cuộc tranh đấu này bị xem như xáo trộn và bất ổn chính trị bất lợi, làm lung lay thể chế chính trị. Nhiều người đã lo âu cho số phận miền Nam, trong khi thật ra, những xáo trộn đó là dấu hiệu của một sinh hoạt dân chủ, tự do. Chỉ có điều, sự lợi dụng của các thế lực chính trị và sự can thiệp thô bạo của người Mỹ đã khuynh đảo và làm tan nát thể chế miền Nam, kết thúc bằng sự bỏ cuộc vô điều kiện và sự phản bội trơ trẽn.


B. Sự thiếu vắng giới trí thức cách mạng của miền Nam

Một trong những lý do gây ra sự khủng hoảng chính trị sau này của miền Nam là sự thiếu vắng một nhà lãnh đạo, thiếu vắng một lớp người trí thức có vốn liếng cách mạng và có lòng với đất nước. Ðó là sự thiếu vắng những hòn đá tảng có thể làm chuyển hướng một dòng sông. Không có những trí thức dấn thân, làm cách mạng xã hội, đứng về phía người dân, phía người nghèo, chỉ biết chống Cộng suông, thì có ích lợi gì? [13]

Miền Nam không thiếu người tài giỏi (dư là khác so với miền Bắc), nhưng thiếu một lý tưởng, một ý thức hệ và một giới trí thức cách mạng. Lý tưởng “chống Cộng”, “tiền đồn của thế giới tự do” chỉ tồn tại được vài năm đầu, sau đó tàn lụi. Kế đến là thiếu lãnh đạo Cách mạng. Không lạ gì khi Lý Chánh Trung sau này chỉ lạy trời cho miền Nam được một nhà lãnh đạo mà cái bụng nho nhỏ một chút, đi bằng hai chân. Vậy mà không được. Ðó là tình trạng của giới trí thức miền Nam sau 54.

Có nhiều lý do để giải thích cho sự thiếu vắng này. Có thể là vì một phần trí thức miền Nam bị Pháp bắt, bị tù, đày và bị giết hại. Từ 1940 đến 1945, không cần xét xử, có khoảng hơn 2000 người bị tống giam, bị đưa vào các đoàn lao dịch đặc biệt (formations spéciales de travailleurs), hoặc bị đày đi Nôtsi-Lava ở phía Bắc Madagasca. Hồi ký của cụ Nguyễn Thế Truyền có ghi như sau:

“Vào khoảng 1940-47, chúng tôi bị thực dân Pháp phát vãng ở một hòn đảo nhỏ gần Madagascar. Cùng trong số phận này có 10 đồng bào miền Nam kể cả Ðức Giáo chủ Cao Ðài Phạm Công Tắc, 8 đồng bào miền Bắc trong số ấy có một người Thổ, một người Nùng.” [14]

Những chức sắc của các giáo phái Cao Ðài, Hòa Hảo bị tình nghi, bị xếp vào loại những phần tử nguy hiểm cho an ninh công cộng đều bị chuyển đến các trại tập trung tại núi Bà Rá và Tà Lài Biên Hòa, vùng rừng sâu nước độc, vô phương sinh sống. [15] Số phận các nhà hoạt động cách mạng khác cũng tương tự. Ðiển hình là trường hợp của Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Quá, Trần Văn Sĩ, bị chết vì kiệt sức hoặc rũ tù.

Một phần không nhỏ những trí thức miền Nam ái quốc khác thì bị thủ tiêu, chẳng hạn như Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Sương, Huỳnh Phú Sổ, Lê Kim Tỵ, Huỳnh Văn Phương, luật sư Dương Văn Giáo, nhà báo Diệp Văn Kỳ, Lê Văn Vững (sau này con của ông Lê Văn Vững là Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, giữ chức Tổng Trưởng Canh nông). Ai thủ tiêu? Cứ không theo Việt Minh thì sớm muộn cũng bị thủ tiêu. Ðó là cái sai lầm của trí thức miền Nam, dễ tin và dễ bị lường gạt. Ðể xác định cho rõ thêm trách nhiệm vể những vụ thủ tiêu, ám sát những nhà trí thức trên, ông Trịnh Hưng Ngẫu, trong một dịp gặp Trần Văn Giàu ở Thái Lan đã cho biết, ông Giàu đã khoe là ông có danh sách hơn 200 người cần thủ tiêu, nhưng chưa thi hành kịp (?) [16]

Sự tranh chấp giữa đệ tứ, xu hướng Trotsky và Đệ tam, nhóm Stalin, đã đưa đến các cuộc thanh toán nhau trong nội bộ Cộng sản. Nhóm đệ tam gồm Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo coi như có trách nhiệm về những cái chết của Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm. Tàn bạo ở đây là Cộng sản thủ tiêu Cộng sản, thủ tiêu chính những người đồng chí của mình. Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam [17] ghi lại:

“Ngoài sự bắt bớ của chính phủ, bọn Staliniens quyết đồ sát Tạ Thu Thâu. Ấy là, chính ở Paris mà bọn Staliniens mưu đồ sát hại Tạ Thu Thâu, người bạn của chúng ta chỉ còn trông cậy có chúng ta, hy vọng ở chúng ta. Ký tên Daniel Guérin.” [18]

Và sau đây là trường hợp của Phan Văn Hùm:

“Hùm lên miền Ðông gặp Dương Bạch Mai, nói hắn rằng: ‘Trước chúng ta bất đồng ý kiến về Chánh trị. Nay, nước nhà đương cần đoàn kết chống thực dân, tôi tin rằng anh sẽ bỏ qua việc cũ… Dương Bạch Mai không trả lời, nhưng lại chỉ cho Hùm vào một phòng bên trái, tức là nơi ‘một vào không ra nữa được’, người ta gọi là cửa tử. Thật vậy, hai hôm sau, Phan Văn Hùm bị thủ tiêu.” [19]

Tài liệu chính thức của đảng Cộng sản cũng gián tiếp xác nhận điều đó bằng cách lên án các hoạt động của nhóm Trotski là “phản cách mạng”: “Chính quyền nhân dân đã trừng phạt chúng để làm gương.” Chúng ở đây ám chỉ nhóm Trotsky. Trừng phạt ở đây phải được hiểu là bị ám sát, thủ tiêu. [20] (Ngay chính bản thân ông Diệm, lẽ ra cũng đã bị thủ tiêu sau khi ông từ chối hợp tác với những người Cộng sản. Nhưng không biết vì lý do gì, Hồ Chí Minh đã thả để ông ra về không giết. Sau này, Karnow, trong một buổi nói chuyện với Hoàng Tùng vào năm 1981, được cho biết: “Considérant les évènements qui suivirent, relâcher Diem fut une erreur.” [21] Tạm dịch: “Xét tình thế lúc đó, thả Diệm là một điều sai lầm.”)

Ông Nguyễn Văn Trấn, một người Cộng sản Ðệ tam, vẫn được coi là “hung thần chợ Ðệm,” đã tố cáo chính quyền Cộng sản miền Bắc: “Các ông đã ám hại bao nhiêu nhân tài miền Nam, còn đâu người để giúp các ông?” [22] Câu hỏi tố cáo tuy muộn, nhưng nhất thiết phải được đặt ra. Có thể chính ông Nguyễn Văn Trấn đã có câu trả lời. Bởi vì, ở thời kỳ đó, chính ông Trấn, với tư cách là một cán bộ thừa hành, đã có trách nhiệm trong việc thủ tiêu, ám sát các nhà trí thức miền Nam. Trong cuốn sách của ông, có vẻ như ông muốn tránh nói tới vai trò của mình trong việc thủ tiêu, ám sát, bởi vì ông không muốn nhận cái trách nhiệm bội bạc đó.

Nhìn lại giai đoạn này, tôi nghĩ rằng, những người Cộng sản Ðệ tam, theo đường lối sắt máu của Stalin, thật sự đã có tội đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Họ đã đem rao truyền một thứ chủ nghĩa bạo lực, để quyền lợi đảng mình lên trên quyền lợi dân tộc. Việc giết hại những nhà trí thức yêu nước thuộc đủ thành phần đã làm trì trệ tiến trình giải thực và hao mòn tinh lực của cả một dân tộc. Mỗi người trí thức bị thảm sát (chỉ vì không đồng quan điểm với Ðệ tam) là cộng thêm một tội đối với đất nước. Miền Nam mất những hòn đá tảng, mất những kẻ gan dạ và can đảm, có thể chuyển hóa được một dòng sông. Vậy mà, cho đến nay, những người như ông Trần Văn Giàu, kẻ trách nhiệm chính về những vụ thảm sát này vẫn giữ im lặng. Bao giờ thì các ông lên tiếng một lần cho xong?

Vì những lý do vừa nêu trên, không lạ gì có một khoảng trống trí thức miền Nam, theo nghĩa thiếu vắng những người có vốn liếng tranh đấu chính trị, có quyết tâm đem cả cuộc đời ra phụng sự đất nước.

Stanley Karnow, trong chương về ông Diệm, viết:

“Vào năm 1954, sau Hiệp định Genève, thật hiếm có một người Quốc gia nổi tiếng ở bên ngoài hàng ngũ của Việt Minh. Rất nhiều người đã bị khai trừ bởi người Cộng sản hay người Pháp, còn những người khác thì rút lui khỏi đời sống chính trị. Một số người khác thì sang lập nghiệp bên Pháp tổ chức những buổi họp vô bổ, ra những tuyên cáo vô nghĩa, dựng những âm mưu chính trị từ vỉa hè các quán cà phê. Ông Diệm là người phải lấp đầy cái khoảng trống đó. Mặc dầu ông là người có một quá khứ trong sạch, ông không có vóc dáng của một người lãnh đạo quốc gia.” [23]

Nhận xét trên của Stanley Karnow mô tả đúng thực trạng trí thức miền Nam sau năm 1954. Những vị Thủ tướng trước 1954 như Nguyễn Văn Xuân (được coi là lá bài sáng giá nhất, thậm chí, trong trường hợp cần thiết, có thể thay thế ông Diệm), Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc, đều từ chức hoặc/và bị thay thế, vì những bất cập chính trị hay khả năng yếu kém, không giải quyết được những nan đề chính trị, xã hội đặt ra. Thật khó kiếm được một nhân vật tiêu biểu có tầm cỡ và khả năng để đứng ra lãnh trách nhiệm lãnh đạo miền Nam. Nhiều người đã từng tiên đoán sau Hiệp định Genève, đó chỉ là một giai đoạn triển hạn cho một sự xâm chiếm toàn vẹn của những người Cộng sản.

Như đã nói ở trên, vì giới trí thức miền Nam sau 1955 thiếu cái vốn cách mạng, thiếu cái quá khứ dạn dày trong đấu tranh, thiếu chứng chỉ ở nhà tù, nên phần đông những người ra nắm bộ máy chính quyền đều là những chuyên viên, những người có nghề nghiệp chuyên môn như kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo sư. Hoặc một số trí thức sa-lông. Trong danh sách nội các đầu tiên của ông Diệm, ngày-7-1954, có ba bác sĩ, bốn luật sư, hai giáo sư, hai kỹ sư, một đốc phủ sứ, một cán sự công chánh, một chuyên viên phòng thí nghiệm sinh hóa ở Pháp. Những chuyên viên này có thể chỉ thích dụng trong thời kỳ đất nước thanh bình, nhưng lại tỏ ra lúng túng và bất lực trong một hoàn cảnh đất nước phân đôi, cần một cuộc cách mạng xã hội toàn diện. Ðã vậy, giữa sự đòi hỏi dân chủ, tự do và sự an ninh, ổn định của một chính quyền mới thành lập, phải ưu tiên điều nào?

Ý thức về dân chủ, về quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, về nhân quyền căn bản, về sự tranh đấu chính trị bằng những hình thức dân chủ như vận động quần chúng, biểu tình, xuống đường, đình công bãi thị, ra tuyên ngôn v.v..., so với sự sống còn của miền Nam: Ðiều nào nên chọn, điều nào nên hy sinh? Trong chừng mực nào, những hình thức chống đối trên được cho phép hoặc không cho phép? Có thể thực hiện hay không thể thực hiện được? Có thể thực hiện song hành, vừa phát triển ý thức dân chủ, bất kể là bất cập hay quá độ, vừa duy trì một tình trạng ổn định xã hội, chính trị để có thể đương đầu với một miền Bắc toàn trị? Có thể cần một thứ độc tài giai đoạn để làm công cuộc cải cách xã hội thay vì hô hào đòi hỏi thực thi dân chủ, trong khi sự sống còn của miền Nam là phải tránh cho bằng được tình trạng xáo trộn, khi miền Nam có thể mất vào vào tay Cộng sản? Ðây là bài toán nhức đầu cho những người cầm quyền ở miền Nam, và cho cả những nhà trí thức sau này dấn thân nhập cuộc bằng những hình thức chống đối chính quyền. Liệu có thể cùng một lúc tiến hành dân chủ và duy trì một thể chế, một chính quyền mạnh ở miền Nam để có thể đương đầu với chính quyền miền Bắc? Chọn lựa nào sẽ là ưu tiên hàng đầu?

Các nhà chính trị, các lãnh đạo chính quyền và các nhà trí thức miền Nam đều không có câu trả lời cho một tiến trình dân chủ, đồng thời duy trì được sự ổn định cần thiết để tránh sự sụp đổ chế độ miền Nam. Ðã có những lúc, miền Nam rơi vào tình trạng vô chính phủ, có nguy cơ xảy ra nội chiến, nhất là vào thời kỳ khủng hoảng chính trị ở Ðà Nẵng và Huế.

© 2005 talawas


[1]Trích lại trong cuốn Phan Văn Hùm: Thân thế và sự nghiệp, của Trần Ngươn Phiêu, (nxb Giải Mã, 2003).
[2]Trích Vietnam crisis của Stephen Pan. (Daniel Lyons 1966): trg 89.
[3]Trích Sáu tháng pháp nạn 1963 của Minh Không Vũ Văn Mẫu, in năm 1984. Trích lại trên Giao Ðiểm.
[4]Như trên.
[5]Xem Tìm về Dân tộc của Lý Chánh Trung. (nxb Trình bày): trg. 101.
[6]Trích Vietnam, của Stanley Karnow (nxb Presses de la cite, Paris, 1988): trg. 131.
[7]Theo Chính Ðạo, trong Việt Nam niên biểu.
[8]Trích Edward Miler điểm sách cuốn Diem’s Final Failure: Prelude to America’s War in Vietnam, của Philip E. Caton. [Lawrence, Kansas: University Press of Kansas, 2003].
[9]Sáng tạo, số 1, 1956.
[10]Thái độ phi chính trị của giới trí thức miền Nam quả thực không thích hợp cho tình thế lúc đó. Ngay sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ và sau khi ký kết Hiệp định Geneva, Hồ Chí Minh đã có ý đồ xâm chiếm miền Nam, đi tới thống nhất đất nước. Wojciech Ketrynski, thành viên Công giáo Ba Lan, được Việt Nam mời qua thăm vào mùa xuân 1955, đã kết luận trong phúc trình của mình như sau: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đương đầu với một nhiệm vụ hết sức khó khăn: ngay từ bước đầu, phải tìm cách xây dựng nhà nước, đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ nhằm thống nhất đất nước.”
[11]Xem Nhìn lại những chặng đường đã qua của Nguyễn Văn Trung (2000): trg 364.
[12]Bao gồm toàn bộ nhận định và tài liệu dẫn chứng về vụ án Nhân văn-Giai phẩm tại miền Bắc Việt Nam, do Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa xuất bản.
[13]Người trí thức là người có những xác tín (convictions) và cả đời theo đuổi nó. Thế nào là một người trí thức? Là những người đã được gọi, được chọn lựa, nhận trách nhiệm, có những thao thức trăn trở để trở thành tiếng nói của lương tâm thời đại, tiếng nói của lẽ phải. Tuân theo những điều xác tín đó, theo đuổi lý tưởng đó, họ lên tiếng phản kháng những bất công, những chà đạp lên con người. Khi một người lên tiếng, đó cũng là một hy vọng, thắp sáng một căn nhà tối tăm. Khi một người lên tiếng, sẽ giúp xóa bớt nỗi sợ canh cánh bên lòng mỗi người. Khi một người theo đuổi cuộc chiến đấu chống lại tất cả những áp bức đang đè nặng lên xã hội, gửi đi những thông điệp có chiều kích nhân loại, nói lên tình người và lòng tin tưởng không gì lay chuyển được vào điều thiện, điều đó đem lại một ý nghĩa cho đời sống. Ta gọi những người đó là trí thức.
[14]Trích lại trong Biến cố 11-1960 (nxb Ðại Nam, 1971): trg 202.
[15]Xem Việt Nam 1920-1945 của Ngô Văn, trg 284.
[16]Trích Phan Văn Hùm của Trần Ngươn Phiêu, trg 348.
[17]Trích Nguyễn Kỳ Nam, Hồi ký 1925-1964 (Tủ sách Sử liệu Việt Nam, nhà in Nam Sơn): trg. 22.
[18]Như trên: trg. 23.
[19]Trích Nguyễn Kỳ Nam, hồi ký: trg 31.
[20]Trích Tạp chí Cộng sản (Hà Nội), 2-1983: trg 50. Trích lại trong Việt Nam 1920-1945 của Ngô Văn: trg 404.
[21]Trích Viet Nam của Stanley Karnow, trg 123.
[22]Xem Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội.
[23]Trích Viet Nam của Stanley Karnow: trg 120.