trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThể thao
31.8.2004
Pascal Boniface
Thể thao, đó là chiến tranh
Quan hệ địa lý và chính trị của Thế vận hội
Phạm Toàn dịch
 
Từ ngày 13 đến ngày 29 tháng Tám, Thế vận hội Athènes sẽ được giới truyền thông bao sân, quan trọng ngang tầm những sự kiện mang tính quyết định hơn nhiều, chiến tranh Iraq chẳng hạn. Trong những trò thi đấu có người thấy được tình hữu nghị giữa các quốc gia và nỗ lực của con người. Còn có nhiều người thấy đó chỉ là thứ «thuốc phiện mới của dân chúng». Nhưng, ngoài việc tranh đua, ngoài việc xem trình diễn và khía cạnh kinh tế của vụ việc, còn có những vụ đặt cược khác thuộc về những mối quan hệ giữa Địa lý và Chính trị mang tính chiến lược.

Vào năm 1896, trong dịp Thế vận hội (TVH) thời hiện đại hồi đó cũng diễn ra ở Athènes, chỉ có vận động viên của 13 nước tham gia thi đấu, trong số đó có một đoàn thể dục Đức và một đoàn lực sĩ Mỹ. Mười một nước khác chỉ góp một hoặc hai người tranh tài. [1] Tổng cộng chỉ có 285 người tham gia 9 môn thể thao có người đại diện thi. Và số khán giả không quá con số vài nghìn.

Tại Athènes năm 2004, các cuộc thi đấu sẽ được theo dõi dồn dập bởi hơn 4 tỉ người qua truyền hình, dù múi giờ có khác nhau. [2] Tham gia thi đấu sẽ có 10.500 vận động viên, đại diện cho 201 uỷ ban olympic quốc gia. [3] TVH kể từ đây đã thật sự là của cả thế giới.

Trong suốt thời gian thi đấu luôn thường trực nỗi lo to lớn quanh chuyện Al-Qaida liệu có bất ngờ không mời mà đến. Điều đó lý giải vì sao cũng có mặt một kiểu người tham dự bất bình thường, chẳng tham gia vào bất kỳ cuộc đấu nào mà chỉ được giao nhiệm vụ canh phòng cho các cuộc đua: Tổ chức Hiệp ước Đại Tây dương. Nhiều vận động viên Mỹ cũng đã từ chối tham gia vì sợ khủng bố, và 50 % đồng hương của họ tin rằng TVH sẽ là mục tiêu cho hoạt động khủng bố. [4] Trong ký ức của người nào cũng còn nguyên hành động của bọn biệt kích Tháng Chín đen tối đã bắt cóc và giết chết 9 nhà thể thao Israel hồi TVH München năm 1972. Đối với một tổ chức khủng bố, TVH là nơi tập trung giới truyền thông toàn cầu nên sẽ là một mục tiêu hàng đầu mà bất kì một hành động nào cũng đủ sức tạo ra tiếng vang tối đa. Nhưng có thể là, chỉ riêng chuyện bóng đen khủng bố đè nặng lên tâm trí TVH cũng đã đủ thoả mãn bọn tay chân của Oussama Ben Laden [5]  chăng?

Ngày trước, Pierre de Coubertin không phải là không có những toan tính chiến lược khi đề ra sáng kiến tái tổ chức TVH. Khi đó ông nghĩ sẽ thổi được vào giới trẻ nước Pháp một tinh thần tranh đua đặng đuổi kịp nước Đức, một quốc gia mà công việc chuẩn bị thể chất đã là một nhân tố cho chiến thắng năm 1870. Ngay từ 1913, ta đã có thể đọc được trên báo chí thể thao Đức: «Tư tưởng TVH thời hiện đại biểu hiện một cuộc chiến tranh thế giới mà bộ mặt quân sự tuy được che khuất nhưng vẫn để cho người nào biết đọc các thống kê thể thao có một cái nhìn bao quát, đủ để thấy nước nào hơn nước nào.» [6]

TVH Stockholm năm 1912 cũng là một diễn đàn thể hiện những yêu cầu chính trị. Vì thế mà những dân tộc không có độc lập như Phần Lan, Tiệp và Slovac hoặc Hungary đã yêu cầu được quyền tự mình tham gia TVH chứ không đi dưới màu cờ các đế chế đang thống trị họ.
Thế nhưng chỉ sau Thế chiến I thì thể thao mới thực sự có được công chúng toàn thế giới, và các chính phủ cũng sẽ tìm cách sử dụng công chúng đó vào các mục đích chính trị. Thế là TVH trở thành nơi gặp gỡ đầy uy lực, bảo đảm cho khắp thế giới đâu đâu cũng nhìn thấy, cho phép nước chủ nhà tỏ ra cho toàn thế giới đâu là những tiến bộ công nghệ kỹ thuật và năng lực tổ chức của mình.


Diễu hành sau lá cờ

Chỉ riêng việc được tham gia TVH cũng đã là một biểu tượng rành rành. Bị khước từ tham gia là đánh dấu chàm vào mặt một Nhà nước không đáng được mời vào bàn đại tiệc thể thao và hữu nghị. Vì thế, năm 1920, các nước Áo, Bulgary, Đức, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phải trả món nợ đã tham gia Thế chiến bằng cách bị loại khỏi TVH. Ngược lại, việc chọn Berlin là nơi tổ chức TVH 1936 được coi như bằng chứng cho thấy nước Đức sau cuộc thất trận năm 1918 đã trở lại với sân khấu thế giới.

Quyết định này diễn ra trước khi Hitler lên nắm quyền. Ông ta tìm cách lợi dụng sự kiện đó để tỏ rõ cho thế giới thấy Quốc xã và “nòi Aryen” là cao hơn cả về phương diện năng lực tổ chức cũng như trong trình diễn thể thao. Về điểm thứ hai này, ta nhớ lại nỗi thất vọng của Đức trước thành công của các vận động viên da đen Mỹ và nhất là thành tích của Jesse Owens, người đã đoạt 4 huy chương vàng. [7]

Sau Thế chiến II, Đức và Nhật không được mời đến TVH 1948 ở London, còn TVH năm 1952 tại Helsinki được chứng kiến sự tái xuất hiện của nước Đức, sự tham gia của Israël và lần đầu tiên có sự tham gia của Liên Xô [8] , đoàn thể thao nước này đã không ở trong Làng Olympic để tránh tiếp xúc với “kẻ thù” và tránh những cuộc đào tẩu. Thế là một Làng thứ hai được xây dựng chung cho vận động viên của các nước phía Đông.

Ngoài ra, Uỷ ban Olympic quốc tế (CIO) vốn nhanh chân hơn Liên hợp quốc trong việc công nhận nước Trung Hoa nhân dân, nên Đài Loan đã rút lui để phản đối sự hiện diện của một phái đoàn Bắc Kinh tại Helsinki. Điều này chẳng ngăn trở nước Trung Hoa vào năm 1958 cũng rút ra khỏi CIO. Thể thao dưới thời Mao Trạch Đông vốn chỉ có chức năng giáo dục và y tế, nên khi đó không đặt ra vấn đề làm rung động chủ nghĩa dân tộc thông qua tranh đua thể thao, và phải chờ đến khi người cầm lái vĩ đại qua đời vào năm 1976 thì thể thao mới lại trở thành một yếu tố khẳng định dân tộc. Khi đó nước Trung Hoa vô cùng cần đến việc giành huy chương, đến độ họ vô cùng bị nghi ngờ đã dùng doping để các đấu sĩ của họ đạt được thành tích cao.

Năm 1981, Đài Loan lại trở lại với chiếc ghế ở CIO và từ đó luôn luôn ngồi bên Trung Hoa nhân dân. Hai nước Triều Tiên kể từ TVH 1988 tại Séoul, đã luôn luôn nói đến việc thành lập đoàn thể thao chung mà tới bây giờ vẫn chẳng thành. Thể thao có thể đi nhanh hơn mối quan hệ Địa lý và Chính trị, nhưng không thể nhiều hơn thế. Palestine, vẫn chưa có nhà nước của mình, là thành viên CIO từ 1994. Đối với người Palestine, tham gia vào TVH là khởi đầu của sự công nhận của quốc tế và, tại Athènes, họ có thể diễu hành sau lá cờ của mình.

Việc chọn Sydney làm nơi tổ chức TVH năm 2000 chứ không chọn Bắc Kinh khiến người Trung quốc coi như là không thừa nhận thể chế mới của họ trên thế giới. Sự xúc phạm đó được chữa lại bằng việc ban phát quyền đăng cai TVH 2008, điều được diễn giải như là sự long trọng công nhận vị trí đại cường quốc mà Trung Hoa đã giành lại được.

Các sự kiện TVH rất gắn bó với những thăng trầm liên quan đến những mối quan hệ giữa Địa lý và Chính trị. Vì thế mà, vào năm 1956, Ai cập, Iraq và Liban [9] đã tẩy chay TVH Melbourne để phản đối phe Pháp-Anh-Israel chiếm kênh đào Suez, trong khi nước Tây Ban Nha của Franco và nước Thuỵ Sĩ cũng hành động tương tự để tố cáo cuộc can thiệp của Liên Xô tại Hungary.
TVH năm 1976 diễn ra mà không có sự tham gia của các nước châu Phi, họ bất bình vì đã không đạt được việc đuổi Nouvelle-Zélande [10] , mà nước này can tội gửi một đoàn bóng rugby sang đấu ở nước Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Ta còn nhớ việc Hoa Kỳ huy động và dàn dựng (không có Pháp đi theo) chống lại TVH Moxkva năm 1980 để phản đối việc xâm lăng Afghanistan, khiến Liên Xô mất đi sự thừa nhận của thế giới là điều họ đang rất trông đợi. Song Moxkva lại tự an ủi vì thu về vô khối huy chương. Đối lại, chế độ Xô viết định phục thù bằng cách tẩy chay TVH Los Angeles năm 1984, song chỉ có 12 nước cộng sản theo, coi như là thất bại.
Vũ khí tẩy chay ngày nay khó có thể thực thi. Chẳng nước nào muốn mình không được chiềng ra trước vô vàn ống kính do TVH cung cấp. Ngược lại, nếu bị đuổi thì đó là đe doạ án phạt cao nhất.

Vậy là tất cả những chuyện đó đem lại cho CIO – một tổ chức phi chính phủ dạng đặc biệt – một sức mạnh đáng gờm. Với 115 thành viên, trong một thời gian dài nó nằm dưới quyền ông Juan Antonio Samaranch, một cựu quan chức dưới chế độ phát xít Franco song lại là người rất tích cực hoạt động để tránh việc huỷ bỏ TVH Moxkva năm 1980.

Ngoài đại diện của các liên đoàn thể thao quốc tế và đại diện các uỷ ban Olympic quốc gia, CIO cũng có thêm 70 thành viên mời theo tư cách cá nhân và những người này gần gụi với cánh jet-set (giàu sang ngao du – ND thêm) hơn là với phong trào thể thao.

Uỷ ban nắm toàn quyền tổ chức, khai thác và triển khai các TVH. Nó được tài trợ từ các khoản chi để truyền hình các cuộc đấu và cũng được tài trợ bởi một đối tác kếch xù gồm các tổ chức đa quốc gia đứng ra “đỡ đầu”, tổng ngân quỹ là 2,8 tỉ USD (ngang sản phẩm kinh tế quốc dân ròng của một nước như Mali chẳng hạn). CIO cũng chẳng thoát xì căng đan, vô khối thành viên của nó đã bị kết án tham nhũng hối năm 2002, vào dịp TVH Mùa đông tại Salt Lake City bên Hoa Kỳ, bảy thành viên trong số kia đã bị thải và bốn phải từ chức.

CIO rêu rao rằng nó phi chính trị. Chẳng ai tin điều đó dù chỉ một giây. Các quyết định của nó, dù là việc công nhận một uỷ ban Olympic quốc gia hoặc lựa chọn một thành phố tổ chức TVH, cơ bản đều là chính trị. Không nghi ngờ gì cả, những lý do địa lý-chính trị sẽ có vai tuồng không thể coi thường trong việc chọn nơi tổ chức TVH năm 2012 (Paris là một ứng viên), quyết định này sẽ phải có vào tháng bảy năm 2005. Theo chiều hướng đó, việc thay đổi ê kíp cầm quyền ở Tây Ban Nha sẽ thuận cho việc chọn ứng viên Madrid, nơi từ đây tỏ ra khác chăng với New York hoặc London? Paris bí mật trông chờ vào sự ủng hộ của đại chúng đối với nền chính trị quốc tế của mình để đoạt thắng lợi trong quyết định cuối cùng. [11]

Vẫn có những quốc gia thống ngự, song lâu nay đã thấy việc phân bố huy chương có khá lên. [12] Trong thời gian diễn ra một trận chung kết, có những nước nhỏ có khả năng mơ tưởng đạt được một vị trí tầm hành tinh. Ta nhớ đến trường hợp Saint-Kitts-et-Nevis, một quốc đảo nhỏ xíu vùng Caraïbes [13] , bỗng nhảy lên hàng đầu sân khấu quốc tế nhờ tấm huy chương vàng của Kim Collins môn 100 mét trong thi đấu thế giới năm 2003. Thời chiến tranh lạnh, sự đối đầu Đông-Tây cũng diễn ra ở các cuộc chọi tại TVH, Washington và Moxkva vẫn hy vọng chứng tỏ tính trội của chế độ thông qua việc đếm huy chương. Tại các cuộc thi, từng có cuộc đối đầu đặc biệt giữa hai nước Đức, trong khi Cuba luôn nhìn thấy trong các thành tựu thi đấu của họ kết quả các chính sách giáo dục và y tế.

Ngay từ khi tham gia TVH lần thứ hai vào năm 1956, Liên Xô đã vượt Hoa Kỳ với 37 Vàng so với 32. Thứ bậc cao hơn được xác nhận lại năm 1960 (43 so với 34). Năm 1964, Hoa Kỳ lấy lại thế cao hơn (36 so với 30), rồi vào năm 1968 (45 so với 29). Tại München, có cuộc thắng kép của các nước cộng sản, Liên Xô đem về 50 Vàng, Hoa Kỳ 33, Cộng hoà dân chủ Đức 20 và Cộng hoà liên bang Đức 13, vị thế cao hơn này được xác nhận vào năm 1976 và hẳn nhiên là cả vào năm 1980 khi TVH Moxkva bị các nước phương Tây tẩy chay. Kỳ TVH cuối cùng thời chiến tranh lạnh tổ chức ở Séoul một lần nữa lại là chiến công của các nước cộng sản. Liên Xô dẫn đầu (55 Vàng) tiếp theo là Cộng hoà dân chủ Đức (37). Hoa Kỳ về thứ ba với 36 Vàng.

Tại tất cả các cuộc thi thể thao, ta lấy làm tiếc là chủ nghĩa sô vanh nước lớn đôi khi bị các cuộc thi đấu kích lên. Nếu tham gia thể thao có mức độ và giới hạn trong khuôn khổ thể thao, thì đó là cái nút bấm đam mê cần thiết. Trong khuôn khổ đó, cái “Tôi khác” là cần thiết cho cuộc tranh tài. Vì thành tích của những nhà vô địch nước ngoài vẫn cứ làm rung các con tim. Không cần phải rơi vào những điều quá lời trong diễn văn mang tính đạo đức của CIO, các cuộc TVH vẫn mở một cửa sổ ra thế giới và đến các dân tộc khác.

Thể thao, có thể đó là chiến tranh, nhưng như người Hy Lạp thời cổ vẫn mong muốn, đó là một thứ chiến tranh bằng nghi lễ, không vũ khí, không có lệ tuôn và không chết người. Đó cũng là công cuộc giáo dục hoà bình. Các nhà xã hội học Norbert Elias và Eric Dunning, đã nói rất đúng khi nhận xét về điều đó: «Trên bình diện quốc tế, một cách đều kỳ và ai ai cũng thấy rõ, những cuộc biểu dương thể thao như các TVH hoặc các giải bóng đá thế giới tạo thành cơ hội duy nhất đoàn kết các quốc gia trong thời bình. Các TVH cho phép những đại diện của các quốc gia khác nhau va chạm nhau mà không giết nhau[14]



PASCAL BONIFACE Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược (Institut de relations internationales et stratégiques - IRIS) Paris; tác giả cuốn Trái đất tròn như trái banh, Seuil, Paris, 2002, và Nước Pháp chống lại Đế chế, Laffont, Paris, 2003.


© 2004 talawas


[1]Xin đọc Stéphane Pivato, Les Enjeux du sport, Gallimard, Paris, 1994, trang 59.
[2]Cao điểm của lối thể thao-biểu diễn là ta thấy công dân các nước quan tâm đến những bộ môn ngày thường họ không chú ý, miễn sao đại diện của họ có đôi chút hy vọng lĩnh huy chương hoặc đến được khu vực tuyên dương thành tích. Cf. Paul Yonnet, Systèmes des sports, Gallimard, Paris, 1998, trang 50.
[3]Liên Hợp Quốc chỉ có 191 nước thành viên.
[4]Xem Le Monde, 10 tháng 6/ 2004.
[5]Cách viết khác của Oussama Ben Laden: Osama Bin Laden
[6]Pierre Arnaud, «Tước hiệu mới trong quan hệ giữa địa lý và chính trị 1919-1939 », tạp chí Géopolitique, Paris, tháng bảy 1999.
[7]Đức giành 33 huy chương vàng, so với Hoa Kỳ 24.
[8]Liên Xô với 22 huy chương vàng đứng hàng hai sau Hoa Kỳ 40 huy chương vàng.
[9]Các cách viết khác của Liban: Lebanon, Li-băng (BBT)
[10]Các cách viết khác của Nouvelle-Zéland: New Zealand, Tân Tây Lan (BBT)
[11]Moxkva là thành phố thứ năm giành quyền đăng cai. Leipzig, La Havane, Rio và Istanbul đều đã bị loại, CIO như vậy đã phản ánh đúng cách chọn mang quan hệ Bắc-Nam, do yêu cầu tài chính thúc ép nhiều hơn là vì lý do chính trị.
[12]Tại Sydney, 80 nước được huy chương.
[13]Cách viết khác của Caraibes: Caribbean
[14]Norbert Elias, Eric Dunning, Sport et civilisation, la violence maîtrisée, Fayard, Paris, 1995, trang 307.
Nguồn: dịch từ tiếng Pháp: Géopolitique des Jeux olympiques, trong Le Monde diplomatique - số tháng 9-2004
http://www.monde-diplomatique.fr/2004/08/BONIFACE/11492