trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
30.6.2004
 
Vì sao tường lửa?
Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vĩnh Hằng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội)
Tháo những cái nút lửa

Thỉnh thoảng tôi vẫn vào talawas và đọc những thông tin có tính thời sự về văn chương trong nước. Đây vẫn là cách để “nghe hai tai”, vì đây cũng là cái nghiệp mặc dù biết câu Lập thân tối hạ… Quả thực, talawas cũng đem lại cho tôi nhiều tri thức đáng kể, nhưng, thực tình mà nói, có những vấn đề cũng khiến tôi mỉm cười.

Mấy hôm trước, Sếp tôi hỏi, này, tại sao không vào được talawas? Đúng thật, cái lỗi Error URL khiến Sếp khó chịu. Tuy Sếp là một trong những chuyên gia hàng đầu trong nước về lĩnh vực khoa học văn học nhưng việc đi vào “thế giới @” lại là một sự cố gắng vượt bực. Đối với Sếp, tìm kiếm talawas, ngoài cách vào Google thì hầu như không còn cách nào khác. Biết tính Sếp, tôi cười và chỉ sau vài thao tác, trang talawas đã được mở qua con đường vòng (hay còn gọi là vượt tường lửa). Sếp mừng lắm và đề phòng mình không tự vào được nên quyết định “giấy hóa” toàn bộ những tư liệu mình cần, mặc dù việc đăng kí qua email cũng đã được triển khai.

Trong khi chờ đợi máy in cần mẫn làm việc, Sếp pha ấm chè và hỏi những câu hỏi vô cùng “đáng yêu” về cái tường lửa. Để giải thích, tôi đành kể một câu chuyện về thế giới @.

Vốn là, tôi có biết một “cậu bạn nhỏ” làm kĩ sư máy tính (được đào tạo tại Việt Nam) đang thất nghiệp, nhưng cuộc sống không lấy gì làm “quanh quẩn” như bọn tôi. Cậu đã từng là “một hacker mũ trắng”. Đối với tôi, cậu đúng là một thiên tài (hay thiên tai?). Khi đã thân thân, cậu khoe công trình đầu đời - một con virus “tàng hình” (vì nó không tạo ra bất cứ phản ứng phụ nào khiến không gây sự chú ý của các chương trình diệt virus) khi cậu 15 tuổi. Nhiệm vụ của nó là đột nhập vào các máy tới bằng cách rất thông thường qua con đường email, rồi ghi nhớ toàn bộ Username và Password của máy đó để gửi trả về địa chỉ thư của “ông chủ”, và lúc đó, “ông chủ” mới bắt đầu “tác quái”. Cậu đầy kiêu hãnh thể hiện cho tôi xem “thịt da nội tạng” của con virus. Chỉ bằng những ngôn ngữ lập trình hết sức “baby” và “hồn nhiên” của lứa tuổi học trò, không ít các khổ chủ của các máy chủ bên Mỹ đã phải rụng rời khi thấy dòng thông báo trong máy của mình rất “đáng yêu”, ý nghĩa đại khái là an ninh máy này “hẻo” quá, có muốn “down” không? và hãy liên hệ với tôi nhé, số 84-04-xxxxxxx. Kết quả là các máy chủ Mỹ gọi điện cảm ơn và fix ngay những lỗi được chỉ ra. Còn đối với máy chủ Việt Nam, tất cả các quản lý server há hốc mồm nghe chú nhóc nói, và những hợp đồng “đủ ý nghĩa” cho sự học của cậu trong trường đại học được chi trả…

Đột nhiên, Sếp nói, thế talawas cũng bị “chú hacker” made in Việt nam nào à?

Thế mới là Sếp chứ, nhưng tôi không dám trả lời và suy nghĩ về “đề bài” này của Sếp.

Xem ra, việc talawas ở Việt Nam bị tường lửa cũng có thể do “chú” hacker nào đó thật, và nếu thật, chắc “chú” bị ai đó “bắt” làm vì chú thừa hiểu việc này là vô vọng (chỉ ngăn được những người như Sếp của tôi, mà rốt cuộc cũng không xong bởi cú vượt chán ngắt tôi vừa kể). Còn người “bắt” chú làm ấy chắc chắn không thuộc “thế hệ @” nhưng lại có một trách nhiệm nặng nề nào đó mà không thể “cãi” lại.

Tuy nhiên, các cụ cũng có câu Tiên trách kỉ, hậu trách nhân, ta hãy nhìn nhận lại chính ta một lần xem sao?

Như trên đã nói, talawas là một diễn đàn tương đối tự do, dân chủ và không ít bài có những giá trị học thuật chân chính. Nói vui một chút như lối nói trong nước, talawas đã tạo được “thương hiệu học thuật”. Tôi cầu chúc talawas luôn giữ được “thương hiệu” cho mình. Nhưng câu “giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn” luôn khiến những nhà quản trị bận lòng suy nghĩ. Chúng ta có thể cười một chút cái tinh thần “chống diễn biến hòa bình” ở trong nước nhưng ở đó không phải không có đạo lý. Những mầm mống của sự trụy lạc thoái hóa luôn bắt đầu từ chính bên trong chúng ta. Ở đây, tôi muốn nói đến những bài viết mà talawas đăng tải “khiến tôi cười”.

Tôi cũng không thể và cũng không là gì để hướng dẫn độc giả như từ trước đến nay ở Việt Nam vẫn thường làm (di chứng của tư tưởng giáo nhi trị của nhà Nho), nhưng tôi thấy một số tác giả đã lợi dụng diễn đàn để phát ngôn lập danh (một thứ ích kỉ thường thấy) chứ không vì công lợi. Qui luật cuộc sống của Thiên chúa Hãy tự nâng mình lên để rồi nâng kẻ khác dường như không đúng ở đây. Việc trích dẫn sai lạc, kiến thức lỗ mỗ, hiểu biết nông cạn và “nổi nóng”, can thiệp thô bạo vào chính trị trong nước, theo tôi nên giảm đi trên diễn đàn. Sự việc đó sẽ dẫn khởi những nhiễu loạn và mang lại những trở ngại không đáng có. Những “nổi nóng” trong tranh luận đáng hoan nghênh, nhưng một khi có trách nhiệm đối với một diễn đàn học thuật thì không nên có những hành động thuộc hành vi Hero nhằm tỏ rõ tấc lòng cuồn cuộn đêm ngày nước triều dâng. Hành động đó khiến độc giả e dè, không thích, lảng tránh, “cười” (đối với người vô can) và cấm đoán (đối với những người mang trách nhiệm) và lập tức “ban phát” kỉ luật đối với talawas (hình phạt firewall), đúng ra là đối với những độc giả của talawas trong nước.

Hình phạt đó đã đẩy talawas thành một “kênh” ngoài luồng, người muốn tiếp nhận những kênh thông tin hoàn toàn trong sáng như Sếp tôi lại không tiếp cận được, người đọc talawas vô hình lại trở thành tội phạm, những kiến thức trên talawas không được sử dụng một cách đích đáng, bị đẩy ra ngoài lề, và cái hại lớn nhất là chúng ta tiếp tục phải chấp nhận những “Tiến sĩ không ngoại ngữ” ở thời tương lai, điều mà không một chế độ chính quyền nào ham muốn.

Việc tiếp tục gửi tin qua Email cũng không phải là giải pháp dài lâu. Vấn đề là chúng ta phải tháo cho ra những cái nút để độc giả Việt Nam có thể coi talawas là chỗ dựa học thuật cho mình.

Dù sao đây cũng chỉ là một vài ý kiến có tính cá nhân, có thể chưa bao quát được hết vấn đề. Nhưng dù sao thì, đối với tôi, câu nói méo mó có hơn không của ông thầy cấp I dạy tôi vẫn có chút giá trị nào đó.

Hà Nội, những ngày nóng nực nhất năm 2004.



Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng)
Biên hạn của những “vùng nhạy cảm”

Vậy là sự kiện talawas bị tường lửa đã được xác nhận.

Cuộc tranh luận xung quanh talawas bị tường lửa trên chính talawas là cần thiết. Nhưng đáng tiếc, theo thiển ý của tôi chúng ta sẽ chẳng thay đổi được điều gì. Ðộc giả với độc giả đã đành mà ngay cả những nhà quản lý văn hóa xã hội Việt Nam có công khai tranh luận với talawas đi nữa thì hai bên cũng mỏi mồm mà chán nản bỏ cuộc để mỗi bên vẫn làm theo ý của mình: một bên vẫn cứ giăng tường lửa, một bên vẫn cứ vượt qua tường lửa để đến với bạn đọc. Chúng ta mong nhưng biết không có sự thấu hiểu và điều chỉnh của cả hai bên. Bởi lẽ hai bên không có chung biên hạn của cái khái niệm “vùng nhạy cảm”. “Vùng nhạy cảm” là một khái niệm ảo. Bởi vậy biên hạn của nó phải là ảo; và mỗi bên lại có riêng cái thước đo cũng ảo của mình.

talawas nhìn xã hội Việt nam từ bên ngoài, (dù có nhiều tác giả của nó đang sống trong nước) với cái biên hạn về tự do thông tin đã được thực thi nhiều thập kỷ, của xã hội văn minh computer; ở đó chỉ cần ngồi nhà, nhấn “một cái enter” là hình ảnh cả thế giới ngồn ngồn chuyển động về tương lai hiện ra; hiển nhiên là phải rộng hơn cái biên hạn về tự do thông tin của của những nhà quản lý xã hội trong nước, nơi mà đồng bào của họ có người còn chưa thực hiện được ước mơ sở hữu một chiếc xe gắn máy để thi thoảng được đi ra khỏi làng dăm chục cây số (dù chịu cái nóng của mặt trời nhiệt đới). Tôi có một sự liên tưởng cụ thể như thế này để không phải lý luận (Tất cả lý luận đều màu xám): Một người cận thị (do môi trường sống) mà vì để tỏ ra là người bình thường (?) nên không chịu đeo kính thì khoảng nhìn xa của anh ta rõ ràng là ít hơn người bình thường. Vậy làm sao để anh ta gạt bỏ được các lý do A, B, C nào đó mà đeo kính đặng mà nhìn được như người bình thường chứ không thì quá thiệt thòi cho thế hệ tương lai của anh ta. Qua các sáng tác thuộc thể loại văn chương, các bài viết đăng tải trên các cơ quan thông tin ngôn luận (ví dụ như talawas) nhiều nhà văn, nhà trí thức có tham vọng đeo kính cho các nhà quản lý văn hóa văn nghệ Việt Nam. Còn các vị làm công việc quản lý văn hóa văn nghệ kia lại dị ứng với các bài viết, sáng tác của họ như người bị cận dị ứng cái kính chữa khiếm thị. Còn cần gì nữa nào? Về phạm trù cá nhân: họ đã có danh, đã có ghế. Danh và ghế của họ gắn liền với phạm trù xã hội bằng lập thuyết “xã hội ta về căn bản là tốt đẹp; dân tộc ta đã qua 4000 năm lịch sử, có truyền thống chống ngoại xâm, có cần cù, thông minh, sáng tạo, v.v.”

Chẳng có điểm gì chung nối hai bên để từ đấy mà phát triển ra cả!



Không truy cập được talawas, bạn đọc đã phỏng đoán cách hành xử này của những nhà quản lý văn hóa văn nghệ Việt Nam ngay từ những ngày đầu chứ không chờ đến tận bây giờ. Tuy nhiên, thông báo này của talawas cũng làm độc giả bị sốc. Càng sốc hơn nữa khi được biết: một động thái vô tiền khoáng hậu như vậy mà ông Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương Nguyễn Khoa Ðiềm lại yêu cầu báo chí và các cơ quan truyền thông tại Việt Nam không được đưa tin và bình luận.

Lại nhớ vào chiều ngày 16.6.2004, trong buổi nói chuyện với văn nghệ sỹ Hải Phòng, diễn giả Hữu Thỉnh, tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam đã dùng gần hết thời gian (2 tiếng đồng hồ) để nói về thời sự chính trị, kinh tế, quốc tế và nước nhà, những tin tức chỉ cần đọc và hệ thống từ vài tờ báo ở quốc nội là đầy đủ mà không cần phải nghe từ một vị tổng thư ký Hội Nhà Văn (mặc dù trong giấy mời của hội văn nghệ Hải Phòng có ghi rõ là “Nghe đồng chí Hữu Thỉnh, tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam nói chuyện thời sự văn học”). Ðầu buổi nói chuyện có khoảng 70 thính giả nhưng từ giữa buổi nói chuyện chỉ còn không đầy một nửa. Gần một nửa ở lại không phải vì nhu cầu nghe mà chỉ vì nhu cầu tỏ ra “ta là người lịch sự”. Những thính giả nhà văn, nhà thơ (trong đó có nhà văn Bùi Ngọc Tấn) thất vọng với cuộc nói chuyện nháy nhau ra phòng khách và hành lang thì thầm tán chuyện riêng. Không thất vọng sao được khi những “điểm nóng” thời sự văn học nghệ thuật như cuộc tranh luận xung quanh “trò chuyện với hoa thủy tiên”, tường lửa talawas...(những điều mà người làm văn học nghệ thuật quan tâm vì bổ ích) lại không hề được đề cập đến. Ðến phần thính giả được hỏi, một nhà thơ địa phương già (đã 70 tuổi), xuất xứ là một giáo viên dạy văn, có đặt một câu hỏi. Ông cũng nhắc lại nguyên văn câu nói của Nguyễn Huy Thiệp (“80% nhà thơ Việt Nam là vô học, bất tài, lưu manh, chập cheng”), nhưng ẩn trong câu hỏi đó người nghe đã nhận ra tinh thần bài xích Nguyễn Huy Thiệp rồi. Nhà thơ này hy vọng sẽ nhận được sự tán đồng của Tổng thư ký Hội Nhà Văn, nhưng nhà thơ này cũng thất vọng nốt vì câu trả lời trung dung của diễn giả. Nhiều thính giả tự hỏi tại sao sau một bài báo phỉ báng nặng ký của Nguyễn Huy Thiệp đối với cái Hội của mình như vậy mà ông Tổng thư kí không hề bày tỏ thái độ, dù bày tỏ trong phạm vi hẹp là một hội văn nghệ địa phương. Một thính giả khác đề nghị xác nhận talawas có hay không bị tường lửa và quan điểm của lãnh đạo Hội Nhà Văn. Thính giả này phải nhắc lại lần thứ hai mới được trả lời, mà trả lời như thế nào? “Tôi không biết chuyện này. Tôi không biết talawas.

Cá nhân tôi không nghĩ rằng ông Hữu Thỉnh không biết gì về talawas. Bởi vì ông là một nhà làm văn nghệ có danh, một vị lãnh đạo văn nghệ có vị trí, mà văn nghệ ở Việt Nam luôn đi với chính trị. Một trang web “xấu về chính trị” như talawas lẽ nào ông không biết. Là tổng biên tập báo Văn Nghệ lẽ nào ông không đọc - duyệt bài phỏng vấn của phóng viên bản báo với ông thứ trường bộ văn hóa thông tin Ðỗ Quí Doãn (trong bài báo đó có đề cập đến talawas). Chỉ có một nhận định duy nhất đúng: lãnh đạo Hội Nhà Văn đã thực hiện 3 không kiểu cũ: “không thấy, không nghe, không nói”.

Cũng có thể ông Hữu Thỉnh không cần phải trả lời câu hỏi vô thưởng vô phạt này. Nhưng các vị cao hơn ông, có trách nhiệm; tỉ như ông Ðỗ Quí Doãn, ông Nguyễn Khoa Ðiềm thì phải nên trả lời. Chỉ có điều hai ông này có những phát ngôn và hành động trái ngược nhau.

Ông Đỗ Quí Doãn thì nói: “Mạng Inernet là mạng toàn cầu. Mọi người đều tự do truy cập các trang web... talawas từ Ðức thì làm sao chúng ta có thể ngăn chặn được. Chúng ta chỉ có thể cung cấp thông tin và đưa ra những quan điểm đúng đắn của mình để những người truy cập nhận ra đúng sai mà thôi...” Còn ông Nguyễn Khoa Ðiềm đã chính thức thừa nhận talawas bị ngăn chặn. Ở đây ta thấy từ lời nói của vị này đến hành động của vị kia quay ngoắt 1800. Và còn trẻ nít ở lệnh không cho báo chí và các cơ quan truyền thông đưa tin và bình luận về sự việc này.

Một nghi vấn đặt ra: nếu hành động ngăn cản talawas là “ích nước lợi dân” tại sao không được thông báo, không được bình luận?.

Ðã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng tầng lớp trí thức và một bộ phận dân chúng có trí tuệ ở Việt Nam đã nhận ra được cái gì đang làm chậm bước tiến của xã hội Việt Nam. Ðó không phải là những cơ quan ngôn luận có xu hướng “hiện thực không chính trị”, những tác phẩm văn học “đốt đít” mà là quốc nạn tham nhũng, sự kém hiệu quả của bộ máy chính quyền, sự xuống cấp tư cách, đạo đức của một số không nhỏ cán bộ, đảng viên, sự yếu kém trong ngành giáo dục, sự ít học hỏi và học hỏi quá rụt rè cái hay bên ngoài, thói quen sống ký sinh như con bọ chét bám vào lưng cộng đồng thế giới, thụ động để cộng đồng thế giới đi đến đâu sớm muộn ắt mình cũng đến đó; và còn nhiều cái khác nữa. v.v. Do tác động của tầng lớp kể trên, xã hội Việt Nam đã phải thay đổi theo hướng tích cực. Ðã có những khẩu hiệu hợp với ý nguyện của dân: “lấy dân làm gốc”; “xây dựng một xã hội công bằng dân chủ văn minh”; đã có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên quyền tự do sáng tạo, tự do phản ảnh hiện thực và tiếp nhận thông tin còn chưa bắt kịp với những chuyển biến khác mà các vụ việc đã xảy ra với một vài tờ báo trong nước, các tác giả trong nước và sự kiện tường lửa với talawas minh chứng.

Thu hẹp dần biên hạn “vùng nhạy cảm”? Nếu dị ứng với đòi hỏi có lợi cho tầm nhìn xa này thì có khác gì người bị cận dị ứng kính cận?

Hải Phòng 26.6.2004



Vĩnh Hằng (Đức)
Ở bên kia bức tường

Tôi ngạc nhiên nếu có ai đó ngạc nhiên về việc có cái tường lửa dựng lên để ngăn talawas. Đây đâu phải là sự lạ không ngờ. Khi talawas đi vào hoạt động và tự đặt cho mình cái tên đó thì chính nó phải tính rằng, một ngày nào đó nó sẽ phải đứng đối mặt trước một vật cản.

Có người cho rằng việc có bức tường lửa là do một cá nhân nào đó tác động. Thật ra một cá nhân không giữ vai trò quyết định. Cùng lắm cũng chỉ là làm một cái hích, khởi sự cho những gì thế nào cũng sẽ xảy ra.

Những ngày gần đây trên mạng Internet thấy báo chí nhiều nước “khen” Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có những biện pháp hiệu nghiệm nhất thế giới để quản lý, ngăn, lọc những trao đổi thông tin trên mạng. Cái tên Việt Nam nằm liền ngay với cái tên cháu con cụ Khổng trong cái danh bạ chả có mấy vinh quang kia. Đọc mà buồn nẫu ruột.

Một ai đó trích dẫn lời Voltaire nói về dân chủ, đọc nó tôi nhớ đến phát biểu cách đây chưa lâu của một nhà chính trị có tên tuổi của Đức. Ông này phàn nàn về tình trạng trì trệ trong các hoạt động của cái chính phủ mà đảng của ông là đảng đang nắm quyền: “Chúng ta cần có một đảng đối lập mạnh!” Thế đấy, dân chủ đâu phải là một mớ lý thyết đầu lưỡi, là cái vỏ chữ nghĩa mà ngưòi ta có thể cho vào một nội dung nào đó theo kiểu của mình. Dân chủ là máu thịt, là hơi thở, là cách nghĩ. Dân chủ là cái nguồn làm nên sức mạnh chung của cả một dân tộc, vì thế nó phải được đặt cao hơn lợi ích đảng phái.

Tại nơi mà cha mẹ cho đến lúc chết vẫn thấy mình có cái quyền trời cho để chỉ bảo, răn dạy con cái phải sống theo cách sống của họ, và rồi không ít người trong đám con cái nghiễm nhiên tin rằng đã là cha mẹ thì bao giờ cũng đúng, thậm chí coi sự phục tùng cha mẹ vô điều kiện là một đức hạnh, tại đó không có dân chủ, thì ở cái xứ ông Khổng suốt cả ngàn năm được coi là thánh, học thuyết của ông là quốc đạo, nhà nước, xã hội được hiểu như một cái gia đình lớn, cũng có việc răn dạy, trừng phạt, cũng đòi hỏi một sự phục tùng vô điều kiện... thì ở cái xứ đó nền dân chủ thật sự vẫn còn ở xa lắm.

Có ý kiến là chính trị không phải lúc nào cũng đi cùng với văn hoá còn văn hoá thì bao giờ cũng đi liền với chính trị... Còn ai đó thì nghĩ đến sự đong, đếm, gia giảm, thêm bên này, bớt bên kia, rồi đi đến khuyên ngưòi ta tránh né chính trị.

Làm văn hoá tức là làm chính trị. Và nếu anh thực sự có ý thức công dân, ý thức về quyền làm chủ các hành động của mình thì tại sao anh tránh liên can đến hoạt động chính trị-tư tưởng như tránh một tội lỗi?

Có người bênh vực talawas bằng cách thanh minh rằng talawas không có ý định đi vào «sân chơi» chính trị. Cách bênh vực này không thích hợp. Quả thực talawas là một tờ báo điện tử, không phải là một tổ chức chính trị song talawas có hướng tư tưởng của nó. Tiếp đó, hướng tư tuởng của talawas không phải là tư tưởng của chỉ một nhóm người. Chứng minh cho điều này là sự chào đón, ngưỡng mộ và ủng hộ của công chúng, là số lượng người đọc, người viết rộng rãi và đông đảo. talawas đang đại diện cho một chiều hướng mới. Và đó là một điều tốt, đáng mừng.

Dầu hết sức tránh nói ra những suy nghĩ của mình theo kiểu một nhà tiên tri, ở đây tôi vẫn muốn khẳng định rằng: Một ngày nào đó, khi không còn mấy ai nhớ đến những ngày này và bức tường lửa - giống như bây giờ chạy xe ở Berlin, không mấy ai còn biết được bức tường bê tông, dây thép gai ngày trước nay nằm ở chỗ nào - thì khi điểm đến hoạt động văn hoá của chúng ta trong giai đoạn này, người ta sẽ nói đến talawas như một tờ báo có chất lượng cao, giữ vai trò tiên phong và một vị trí không nhỏ trong sự phát triển chung của một chiều hướng văn hoá mới.

Cho tới hôm nay, dầu chưa có gì thay đổi, dầu bức tường lửa vẫn còn đó thì chí ít người ta cũng biết rằng, ở bên kia bức tường lửa là talawas.

27.06.2004

© 2004 talawas