trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
14.6.2004
Lý Đợi
Vì sao tường lửa?
Mai Hoàng thực hiện
 1   2   3   4   5   6   7   8   9 
 
Anh có cảm giác gì khi đột nhiên độc giả tại Việt Nam không thể đọc được tạp chí điện tử talawas nữa? Liệu đây có phải sự hiểu lầm từ phía những người quản lý mạng đã đánh đồng talawas với những trang web thiếu lành mạnh khác?

Ở Việt Nam có một câu nói rất lạnh: Phép vua thua lệ làng.

Xin nói rõ, đây là lần gặp khó khăn rõ nét nhất của talawas tại một số nơi có đông người truy cập như Sài Gòn, Huế, Hà Nội... chứ không phải là lần đầu tiên gặp sự cố “lệ làng”. Ở một số tỉnh, một số nơi, một số bưu điện... lân cận Sài Gòn như Ðồng Tháp, Sóc Trăng, Long Xuyên, Tiền Giang, Long An... chính bản thân tôi đã gặp những câu kiểu như: “Xin bạn vui lòng đừng truy cập trang web này” và sau đó thì không truy cập được nữa. Ðây là tôi nói những trường hợp đã diễn ra cách đây chừng một năm và kéo dài, còn bây giờ thì những trường hợp tương tự đã xuất hiện rất nhiều ở Sài Gòn. Tại sao có tình trạng “da báo” như thế này? Tất nhiên đó là trò chơi của những kẻ ở làng muốn lập lệ. Tôi có biết một nhóm hoạ sĩ trẻ vì không ưu tính thẳng thắn, công khai của talawas đã tự viết một chương trình ngăn cản; và lén lút đi cài vào các dịch vụ công cộng. Cũng có trường hợp khác, do một số cá nhân lãnh đạo văn hoá ở một số nơi cũng là dân sáng tác, viết lách (nhưng nói thiệt là bất tài-xấu tính) nên cũng ghen ăn tức ở mà làm bậy. Ở Việt Nam, theo tôi lệ làng đang là vấn nạn ngăn trở sự phát triển. Mà khi lệ làng nhiều quá, phép vua phải thua và thay đổi.

Khi cách mạng nông nghiệp diễn ra, người ta (những kẻ săn bắt-hái lượm, thậm chí dân du mục, buôn bán) cũng chống đối kịch liệt vì họ cho rằng nó khuôn mẫu, gò bó. Nhưng rồi, nhưng kẻ ở gần dòng nước (biểu tượng của tri thức) đã chiến thắng; và nhân loại bắt đầu hết chuyện lo đói hàng loạt. Ðến cách mạng công nghiệp cũng thế, nhiều người gọi đây là thời “cừu ăn thịt người”, những điền chủ thì sợ sự biến mất của những cánh đồng, nhưng rồi mọi việc cũng ổn thoả. Công nghiệp đã đẩy nông nghiệp đi xa và nhanh hơn. Ðến cách mạng thông tin, mọi chuyện có vẻ êm thấm hơn; nhưng rồi lại xảy ra những sự cố như “bức tường lửa”; một kiểu tự kỷ ám thị, bịt mắt để không thấy kẻ thù. Nếu phải xảy ra sự tranh chấp hay cần chiến thắng, thì chỉ có thông tin mới chế ngự được thông tin; mà chơi trò đóng cửa trước thông tin thì “nhân dân” lấy đâu ra thông tin mà chiến thắng. Tôi cho rằng, lợi ích của thông tin với nông nghiệp hay công nghiệp thì quá rõ rồi; không có thông tin thì mọi sự sẽ trở thành nhảm nhí. Còn sự dã man của cách mạng thông tin không phải là ai thắng ai thua, mà là, sự tự tụt hậu của chính mình. Sự thua thiệt rõ nhất là tự đẩy mình ra đảo hoang; đẩy dân tộc đến sự tụt hậu từng giờ. Mà tụt hậu trong nông nghiệp làm cho một số nền văn minh nhân loại biến mất; tụt hậu trong công nghiệp thì các nước thế giới thứ ba mất hàng trăm năm chưa khắc phục xong; bây giờ Việt Nam đang có cơ hội để không tụt hậu về thông tin, tôi nghĩ mỗi người phải ý thức được điều này. Giới lãnh đạo thì tuyệt đối không được để đám nịnh thần xỉa xói mà sai lầm.

Anh có thể cho nhận xét của mình về những gì talawas làm được và chưa làm được trong thời gian vừa qua?

talawas nói riêng và Internet nói chung đã làm được một điều là đưa mọi người đến gần nhau, trước khi xuất hiện những trang web thì sự bí mật cũng đồng nghĩa với sự vĩ đại, còn bây giờ, thì mọi thông tin đã dần dần được chia sẻ công khai, sự vĩ đại chỉ còn nằm ở sự dân chủ. talawas, Tiền Vệ, eVăn và nhiều trang web văn chương tiếng Việt khác là một thách thức, một cạnh tranh với phần văn chương in ấn. Ðiều chưa làm được của talawas là giấy phép xuất hiện chính quy tại Việt Nam; và điều làm được duy nhất cũng là ở điểm này, bởi nếu có giấy phép thì nó cũng sẽ rơi vào tay các hoạn quan biên tập. Ðiều này có thể thấy rõ ở các trang web chính quy bây giờ, và tôi sợ cả sau này. Cái cần nhất cho người Việt lúc này là sự thật, tính công khai và dân chủ.

Trong thế giới hiện nay, những kẻ biết ít mới là kẻ cực đoan. Còn biết nhiều, biết bao quát thì mọi thứ đều ok. Tôi không tin dân Việt lại là dân tộc cuồng tín. Với lại, trình độ đi học ngày một nhiều, và một cao... ai dại gì tin theo những lời ảo ngôn của những trang web văn hoá-văn chương. Có một sự thật, chắc ai cũng thấy, thanh niên Sài Gòn tiếp xúc nhiều với các web sex (hết dần sự hiếu kỳ) trong mấy năm qua và các vụ án hình sự liên quan đến tình dục có xu hướng giảm xuống. Còn đọc talawas hai năm qua, tất cả trí thức, ai cũng thấy mình cần có trách nhiệm với văn hoá-văn chương Việt hơn.

Anh có cho rằng talawas phải đã phải "trả giá" cho việc "tranh đoạt" khá nhiều độc giả trong nước khiến cho một số diễn đàn văn nghệ trong nuớc mất đi vị trí độc tôn?

Văn chương cũng như hàng hoá thôi, kém chất lượng thì sẽ bị đào thải. Báo Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh từ tuần báo xuống bán nguyệt san và các tạp chí văn học khác đều sống dở chết dở. Còn tất cả các báo thông tin hàng ngày thì có xu hướng mở thêm các trang văn hoá-văn nghệ. Văn chương-nghệ thuật đang bị bình dân hoá bởi thị hiếu của số đông. Trí thức, nhân sĩ trở thành kẻ xa lạ, vì thế có xu hướng đi tìm sự đồng điệu. talawas là nơi rất dễ tìm sự đồng điệu, vì thế người ta tìm đến. Nếu ở Việt Nam có một trang web lành mạnh như talawas thì tôi tin người đọc (tất nhiên trên toàn thế giới) còn đông hơn; nhưng làm được thì quả không dễ, eVăn chỉ thuần về văn nhưng còn bị mấy con bò đang kéo cày văn chương húc cho méo miệng. Tôi nghĩ, muốn văn chương Việt vươn xa, tiếng Việt có được nhiều người trên thế giới quan tâm, giới lãnh đạo phải thọc huyết hết những con bò ở các cơ quan lãnh đạo văn hoá, các nhà xuất bản, tạp chí và báo đài...

Anh có thể cho biết thêm về phản ứng chung của văn nghệ sĩ trong nước khi talawas bị dựng tường lửa?

Sài Gòn đối với tôi đã quá rộng, vì cái gọi là văn nghệ sĩ chung chung thì làm sao tin họ được. Bụng họ là một kho giả dối. Còn với những người như chúng tôi, những người rời cây viết để đến bàn phím, không có internet nghĩa là không có một hoặc vài thế hệ sắp tới. Cuba cấm internet gần một năm qua, mọi sự “phát triển như mong muốn” cũng không có gì tiến triển; còn các nghệ sĩ-hoạ sĩ hàng đầu của họ thì vẫn đang khẳng định tài năng của mình ở Anh, Pháp, Mỹ, Nga và châu Âu... Việt Nam không trực tiếp theo gia cách mạng nông nghiệp và công nghiệp, không lẽ lại một lần nữa tụt hậu với thông tin, thứ đang rất phù hợp.

Sau sự kiện này anh vẫn có cách riêng của mình để đọc được talawas hàng ngày?

Tất nhiên là có, nhưng ai nói công khai ra là dã man. Bởi kẻ đó đang cố ý [hoặc vô tình] tiếp tay cho bọn diễn tiến hoà bình, đang âm mưu tước mất sự dân chủ của người đọc tại Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng thực ra ở mọi thời đại, văn nghệ sĩ không hẳn là nạn nhân của chính trị mà là nạn nhân của những đồng nghiệp đã "trục lợi" chính trị. Chỉ vì chút đố kị, tư thù, đoạt lợi mà những người đó chấp nhận hoặc sẵn sàng bóp méo sự thật để đạt được mục đích. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi rất đồng tình với ý kiến này. “Tha nhân chi nhan”- gương mặt của kẻ khác, đa phần là đáng sợ. Tại Việt Nam, loại người “địa ngục” này rất ít - vì xã hội nông nghiệp mà, họ hay làm chung với nhau, nên cũng cần một chút đoàn kết. Nhưng giới văn nghệ - kẻ có học và có tham vọng thì lại khác, họ rất giống bầy linh cẩu, đói hay no gì cũng sẵn sàng ăn thịt nhau.

Bản thân tôi, với Bùi Chát và những người bạn thơ khác ở La Hán Phòng bị PA25 và An ninh nhân dân quấy nhiễu hơn một tháng, cũng do sự trục lợi của một số linh cẩu văn nghệ như thế.


Lý Ðợi trả lời lúc 7h sáng ngày 10/6/2004 tại La Hán Phòng, Sài Gòn


© 2004 talawas