trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
12.12.2003
Thu Nga
Trường hợp N. Xu
 
Tôi xin có vài ý kiến trả lời bài viết của N. Xu. Tôi sẽ trích lại nguyên văn những gì tôi muốn nhận xét cho bạn đọc dễ theo dõi.

Trước tiên N. Xu nói:

Đọc bài trên talawas mấy tháng gần đây tôi thấy băn khoăn quá. talawas không phải là diễn đàn lớn, cũng chưa phải là diễn đàn cao cấp, vậy mà bài viết đăng trên talawas đã sặc mùi học thuật, tranh luận thì vô cùng phức tạp, các bài phân tích bình luận có rất nhiều tìm tòi công phu ...

Có thể talawas là một diễn đàn nhỏ thật, mà có lẽ là cũng "chưa phải là diễn đàn cao cấp", nhưng nếu nó chứa những bài "bình luận có rất nhiều công tìm tòi công phu" thì làm sao mà phải băn khoăn, hay là tác giả băn khoăn cái gì khác?

Chỉ một mảnh trời talawas con con mà đã có bao nhiêu vì sao lấp lánh, bầu trời cả nước có lẽ đếm không hết nhân tài. Vậy sao nước mình cứ nghèo và lạc hậu?

Tại sao tranh luận trên talawas thì lại nghiễm nhiên trở thành một "vì sao lấp lánh"? Mà có giả sử là những người trên talawas là các ngôi sao đi, thì cũng chẳng có lý gì để nói là "bầu trời cả nước có lẽ đếm không hết nhân tài." Tại sao nước mình nghèo ư? Phải chăng bởi vì những nước giàu họ có hàng vạn diễn đàn, trên đó có hàng vạn người giỏi gấp hàng vạn lần những người tranh luận trên talawas. Phải chăng bởi vì chúng ta cần phải có nhiều "học thuật" hơn nữa, phải có "nhiều tìm tòi công phu" hơn nữa, phải suy nghĩ được "phức tạp" hơn nữa?

Tôi không biết ngày xửa ngày xửa các nền văn minh Hy La, Ai Cập hay Trung Hoa đóng vai trò như thế nào cho nền văn minh nhân loại. Nhưng tôi thấy văn minh phương tây hiện nay có vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt thế giới trong nhiều lĩnh vực.

Tôi không hiểu nếu không có nền văn minh Hy-La và Ai-cập thì mặt mũi cái "nền văn minh phương tây" bây giờ nó như thế nào. Môn hình học chúng ta học trong trường phổ thông là từ đâu ra? Nền văn minh Trung Hoa giúp được gì ư? Hừm, thế trước khi ông cha chúng ta biết được mặt mũi dân Hồng mao thì họ sống theo những nguyên tắc, luật lệ gì, họ đọc sách gì, dùng chữ gì? Hay tác giả định nói là luật lệ sách vở chữ nghĩa không đóng vai trò gì trong "nền văn minh nhân loại"? Còn chuyện giờ đây ai cũng sử dụng khoa học kỹ thuật "phương tây" thì tất nhiên là đúng rồi.

Sao các nhân tài nước Việt nói riêng và Châu Á nói chung không làm được những việc mà nhân tài phương tây đã và đang làm được cho nhân loại nhỉ. Tại sao những ngôi sao văn học kiểu như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài nổi đình đám trong nước nhưng bước chân ra ngoài biên giới lại gần là số không nhỉ? Tiếng Việt ít người biết chăng? Nếu chỉ là do rào cản ngôn ngữ thì các nhạc sĩ danh tiếng của Việt nam đã bao nhiêu người nổi tiếng trên thế giới (ngoại một album của Trịnh Công Sơn đã thành công ở Nhật).

Cũng có thể là tiếng Việt ít người biết đến. Tình hình hoàn toàn có thể khác nếu ban giám khảo Nobel ai cũng thông thạo tiếng Việt. Cũng có thể là các nhà văn, nhạc sĩ Việt nam viết dở, văn kém sâu sắc, nhạc kém hay. Còn chuyện nổi đình nổi đám trong nước nhưng ra thế giới là số không thì là chuyện bình thường, nhất là đối với một nước như Việt nam, chẳng phải cường quốc hùng mạnh gì. Đố N. Xu biết nhà văn nổi tiếng nhất của Bu-tan là ai đấy.

Tôi hay thấy người ta nói "Xã hội phương tây khuyến khích phát triển tự do cá nhân còn xã hội phương đông phát triển theo hướng cộng đồng. Điều này dẫn đến cá nhân ở phương tây dễ phát triển đến đỉnh cao hơn ở phương đông, ngược sức mạnh cộng đồng ở phương đông mạnh hơn ở phương tây nhiều".

"Người ta" nói nhiều thứ lắm, nên đúng là "người ta" có thể đã nói những thứ này.

Thế thì tại sao các vĩ nhân phương tây làm ra được những tác phẩm vĩ đại không chỉ được cộng đồng bản xứ của họ mà cả thế giới ngưỡng mộ. Tại sao tác phẩm của Einstein và Freud làm thay đổi nền tảng khoa học của nhân loại. Tại sao nhạc của Beethoven (đã chết từ lâu lắm rồi), của Beatles (rã nhóm từ năm 70) vẫn được cả thế giới nghe. Tại sao bao nhiêu người say mê Mark Twain (đã khuất bóng từ lâu) đến thế. Và ngược lại đã bao nhiêu người trong nước mê Nguyễn Huy Thiệp (có thể thay tên Phạm Thị Hoài, Bùi Giáng, ... vào đây), theo thời gian số lượng fan trung thành của Nguyễn Huy Thiệp tăng lên hay giảm đi, và bao nhiêu "thằng Tây, con Tây" đã đọc và thích Nguyễn Huy Thiệp?

Hừm, tại sao Einstein, Freud và Beethoven lại nổi tiếng hơn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và Bùi Giáng ư? Có thể có nhiều nguyên nhân, và một trong số chúng có thể là vì Einstein, Freud và Beethoven giỏi hơn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và Bùi Giáng. Ai mà biết được.

Có phải xã hội phương tây khuyến khích cá nhân phát triển hết cỡ và mỗi cá nhân đã thực sự phát triển tự do theo thiên hướng sáng tạo của mình nhưng luôn hướng về phục vụ cộng đồng. Vì lý do này mà các sản phẩm trí tuệ phương tây dù cao siêu đến mấy cũng cũng có thể tiếp cận được. Và người tiếp cận dù ở tầng lớp nào hay thế hệ nào cũng có thể tự mình thấy ít nhiều cái tinh hoa của tác phẩm mà mình đang tiếp cận.

Từ từ! Tôi không nghĩ Einstein muốn phục vụ cộng đồng khi ông ngồi nghiên cứu lý thuyết tương đối hẹp. Điều duy nhất ông nghĩ tới có lẽ chỉ là làm thế nào để có được một lý thuyết đúng. Feynman và Oppenheimer cũng vậy thôi. Họ muốn giải phương trình, chấm hết. Nếu họ nghĩ đến cộng đồng loài người thì họ đã chẳng lao tâm khổ tứ làm cho bằng được quả bom nguyên tử để rồi mở rượu ăn mừng khi nhận được tin vài trăm ngàn người chết (điều này đúng, vì chính Feyman nói như vậy, tôi có thể chứng minh). Các sản phẩm trí tuệ phương tây cao siêu đến mấy cũng có thể tiếp cận được ư? Tôi khuyên N. Xu nên thử đọc Freud hay Einstein cho đến nơi đến chốn xem sao. Chắc chắn là khó tiếp cận hơn talawas rất rất rất nhiều lần, phức tạp hơn rất rất rất nhiều lần.

Có phải xã hội phương đông không khuyến khích phát triển cá nhân mà thay vào đó là định hướng cộng đồng ngay từ trước khi cá nhân có ý định sáng tạo cho nên sự phát triển cá nhân chỉ dần dà chỉ đi theo một con đường duy nhất là tự hoàn thiện mình trong môi trường hẹp. Sự tự hoàn thiện mình nhìn theo khía cạnh tiêu cực tức là biến mình thành một kẻ xa rời cộng đồng, bị cô lập về tư duy sáng tạo.

Tôi chưa nhìn ra là "định hướng cộng đồng ngay từ trước khi cá nhân có ý định sáng tạo" lại có thể khiến cho "sự phát triển cá nhân chỉ dần dà chỉ đi theo một con đường duy nhất là tự hoàn thiện mình trong môi trường hẹp", tôi chỉ thấy định hướng sáng tạo ngay từ trước khi cá nhân có ý định sáng tạo mới là nguy hiểm. Nếu trước khi sáng tác Beethoven được lệnh là phải hướng các tác phẩm của ông tới cộng đồng thì chắc ông phải phát điên lên mất.

Các vĩ nhân phương đông thường được nhìn nhận như một người rất cao siêu khó hiểu. Nói hay viết ra một câu mà cả ngàn đời sau vẫn không ai hiểu, hoặc thậm chí mỗi người hiểu một kiểu, nhưng tất cả đều đồng ý với nhau rằng những câu viết hay lời nói đấy quả là cao siêu và đầy ý nghĩa (điều này cực kỳ nguy hiểm).

Không phải câu nào cao siêu khó hiểu cũng được mọi người "đồng ý với nhau" là "đầy ý nghĩa", chỉ có rất ít câu trong số vô số câu là được hưởng cái số phận ấy, và có lẽ trước khi đi đến bất kỳ một kết luận nào về những câu đó, chúng ta nên xem lại cho kỹ xem chúng nói cái gì.

Sản phẩm trí tuệ chính vì vậy ít mang ý nghĩa xã hội hoặc biến hóa theo kiểu mị dân kiểu Khổng Tử (biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, vậy là biết đấy). Kết quả đáng buồn là người Châu Á nói chung và người Việt nói riêng rất thích chạy theo những sản phẩm trí tuệ khó hiểu và có giá trị xã hội rất mơ hồ, rất thích thần tượng những người kiểu triết gia ăn nói mơ hồ đa nghĩa.

Ai đã thử đọc Hegel, hay Heidegger, hay Lacan, đều sẽ thấy riêng về việc "thần tượng các triết gia ăn nói mơ hồ đa nghĩa", phương Tây ít nhất là phải bằng phương Đông. Còn về ý nghĩa xã hội thì tôi nghĩ cũng chỉ đến được như học thuyết của Khổng Tử là cùng. Tôi không dám phán xét những người châu Á khác, cũng như người châu Âu, hay châu Phi, vì tôi không biết gì về họ mấy. Nhưng theo kinh nghiệm bản thân thì tôi thấy dùng lý lẽ để thuyết phục một người Việt nam là một trong những việc khó, đặc biệt là khi lý lẽ đó hơi khó hiểu, và cuộc tranh luận không xoay quanh một cái gì đấy có giá trị thực tế sát sườn. Câu cửa miệng của rất nhiều người Việt nam là mày cứ nói cái gì lằng nhà lằng nhằng sốt cả ruột, hay cái này không có giá trị thực tế. Vì vậy, kết luận là "người Việt...rất thích chạy theo những sản phẩm trí tuệ khó hiểu và có giá trị xã hội rất mơ hồ" tôi e là hơi bị sai.

Có thể lấy một ví dụ rất điển hình là những ca khúc được yêu thích nhất của Trịnh Công Sơn lại chính là những ca khúc rất khó hiểu trong khi những ca khúc mang tính xã hội cao của ông lại không nằm trong lòng công chúng nhiều lắm. Hơi nghịch lý, nhưng lại là sự thực.

Chẳng có gì nghịch lý cả, khi nghe nhạc người ta quan tâm nhất đến...nhạc, chứ không phải tính xã hội của tác phẩm.

Đây chính là lý do mà Trịnh Công Sơn, được coi là nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc hiện đại Việtnam, cũng chỉ một lần thành công ở nước ngoài. Để giải thích cho việc này không còn lý do nào khác ngoài việc chính đồng bào của Trịnh Công Sơn còn không biết ông muốn diễn đạt điều gì nữa là người nước ngoài.

Thế chẳng nhẽ Britney Spears được nhiều người trên thế giới thích thế là bởi vì ai cũng biết là cô ta "muốn diễn đạt điều gì" ư?

...nếu hỏi tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có tác động như thế nào đến đời sống văn học, nền văn học Việt nam ở thời điểm chúng ra đời, ở thời điểm hiện tại, và trong tương lai thì chắc chắn câu trả lời cũng sẽ mơ hồ như tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Hơn nữa nếu hỏi về tác động xã hội của tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp thì chắc chắn câu trả lời sẽ là tịt ngóm. Tịt là cái chắc vì rất ít, rất ít các bạn trẻ trong nước dưới 24 tuổi đọc các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.

Thứ nhất, thưởng thức văn là một chuyện, phê bình văn là một chuyện khác. Thứ hai, việc ít ai nói đuợc giá trị và ảnh hưởng xã hội của Nguyễn Huy Thiệp là gì chưa đủ để ta kết luận bất kỳ điều gì về bản thân Nguyễn Huy Thiệp. Thử hỏi bất kỳ ai xem giá trị xã hội và tác động của định lý không đầy đủ (Incompleteness Theorem) là gì. Câu trả lời chắc sẽ còn mơ hồ hơn, nếu như có được câu trả lời. Điều đó không có nghĩa Kurt Gödel không phải một nhà toán học thiên tài. Còn nếu lấy các bạn trẻ dưới 24 tuổi ra để làm tiêu chuẩn đánh giá thì Nguyễn Du còn phải xách dép cho Đô-rê-môn.

Nếu tác giả Thường Quán dịch My last tiger cho chính mình, hoặc là dịch theo kiểu thử nghiệm cho một cộng đồng nhỏ thì Thường Quán thích dịch sao cũng được. Nhưng nếu Thường Quán muốn dịch một bài thơ của một tác giả nổi tiếng, qua tiếng Việt, để phục vụ rất nhiều bạn đọc người Việt thì bản dịch đó phải: đúng (so với bản tiếng Anh), có thể hiểu được (bằng tiếng Việt) và hay (có tính văn học).

Đọc những dòng này ai cũng thấy N. Xu là một người đòi hỏi cao ở người dịch, nhất là khi độc giả gồm nhiều người, trong đó có cả trí thức, như cả những dòng sau cho thấy:

Nếu dịch một bài thơ chỉ vì sĩ gái hay lấy le với anh em nghệ sĩ thì xin mời ông Thường Quán dịch kiểu gì cũng được. Nhưng nếu ông muốn lấy le với cả những trí thức nho nhỏ như bọn tôi (rất là đông đấy) thì ông nên dịch kỹ hơn.

Đây mới chỉ là việc dịch một bài thơ. Dịch những thứ khác, như triết học chẳng hạn, thì chắc việc dịch cho đúng với tiếng gốc còn quan trọng nữa. Nhưng hình như N. Xu lại không áp dụng đúng cái tiêu chuẩn này cho một dịch giả khác, Phan Ngọc.

Công việc (dịch Hegel) của Phan Ngọc giống như một ông giáo làng chăm chỉ thu thập kiến thức mới (đối với người dân trong làng của ông) rồi dạy lại cho trẻ con (và cả người lớn nữa) trong cái làng ấy bằng ngôn ngữ mà dân làng có thể hiểu được. Đối với các ông trí thức khác trong làng thì cách truyền đạt và ngôn ngữ của ông giáo làng có thể không hay, thậm chí sai, nhưng họ không được lấy những cái sai đó ra để phủ nhận giá trị công việc của ông giáo làng cũng như để mỉa mai rằng ông giáo làng dốt nát.

Xin lưu ý là không những không được động đến giá trị của bản dịch (sai), mà còn không được chê là người dịch dốt nữa. Phạm Thị Hoài, vì đã dám cả gan nhận xét, phê bình và đính chính lại nhiều chỗ trong bản dịch đầy những lỗi của Phan Ngọc, đã nhận được không chỉ câu trả lời của bản thân Phan Ngọc - điều này là tất nhiên- mà còn cả câu sau của N. Xu nữa:

Bài viết của Phan Ngọc để trả lời Phạm Thị Hoài theo tôi có thể đưa vào sách giáo khoa đạo đức dành cho người lớn.

Phạm Thị Hoài đã vi phạm đạo đức, theo như N. Xu. Chưa hết, sau khi Phan Ngọc trả lời Phạm Thị Hoài, talawas đăng bài của Phạm Việt Vinh, nhưng theo ý N. Xu thì đây là một việc làm sai trái vì:

Việc đăng bài của Phạm Việt Vinh sau khi Phan Ngọc trả lời Phạm Thị Hoài là một động tác đáng trách. Nó làm mất tính trung hòa vì chất lượng bài viết của Phạm Việt Vinh quá kém. Một bài viết kém tự nó sẽ mất tính khách quan. Đăng một bài phê bình có lý luận kém là tự mình đánh mất đi tính khách quan của mình đấy talawas ạ (tiêu chí và chất lượng nó liên quan đến nhau ở chố đấy đấy).

Đấy nó là như thế! Hiểu rồi, nhưng nếu không đăng bài của Phạm Việt Vinh thì talawas sẽ ra sao nhỉ. Không công bằng! Không dân chủ! Không khách quan!

Trên đây là những câu tôi còn đủ sức để có được nhận xét. Nhưng có những đoạn N. Xu lên cơn hỏi một loạt những câu hỏi như sau:

Phạm Thị Hoài kêu gọi thành lập một giải thưởng mang tên Bùi Giáng. Bỏ qua vấn đề cái tâm của Phạm Thị Hoài với Bùi Giáng cũng như ý định tốt đẹp đối với giới cầm bút thì tính thực tế của giải thưởng này ở đâu? Giải thưởng này sẽ có ý nghĩa tài chính hay tinh thần? Hay cả hai? Nếu là giải thưởng lớn về tài chính thì việc gây quỹ cho giải thưởng sẽ như thế nào, khi gây được quỹ rồi thì ai quản trị quỹ đấy cho nó sinh sôi nảy nở hoặc chí ít là không bị tiêu xài lãng phí.

Tôi không hiểu N. Xu có muốn tự đứng ra tổ chức cái giải thưởng này không, nhưng tôi nghĩ Phạm Thị Hoài mới đề nghị lập ra một cái giải thưởng như thế, còn những người có trách nhiệm lập giải thưởng này chắc không nhất thiết phải thông báo với từng cá nhân những chi tiết tổ chức liên quan đến giải thưởng ấy. Nhưng N. Xu còn hỏi những câu hỏi điên hơn nữa, mà có lẽ không ai biết phải trả lời như thế nào:

Nếu giải thưởng chỉ có ý nghĩa tinh thần thì thành phần ban giám khảo và tiêu chí trao giải sẽ như thế nào để người nhận giải sẽ run lên vì hạnh phúc. Các độc giả khi nghe đến giải Bùi Giáng có biết Bùi Giáng là ai không, có đọc tác phẩm của Bùi Giáng không, và nếu đọc thì có hiểu không?

Làm thế nào để một người run lên vì sung sướng được thì có trời mà biết. Còn chuyện một độc giả nào đấy có biết hay hiểu Bùi Giáng không thì...cũng có trời mà biết. Bản thân N. Xu cũng công nhận rằng:

Trả lời các câu hỏi trên không dễ.

Nhưng lý do tại sao thì mới gọi là hay:

Vì câu hỏi gốc "Phạm Thị Hoài có nghĩ đến cộng đồng (giới viết văn và giới đọc văn) không khi kêu gọi thành lập giải thưởng Bùi Giáng" cũng là câu hỏi không dễ trả lời.

Tôi xin dừng ở đây. Tôi đang rất buồn. Hy vọng trong tương lai...Mà thôi, có lẽ cũng không nên hy vọng gì cả, vì nếu những "trí thức nho nhỏ" như N. Xu "rất là đông đấy" thì tương lai quả là đen tối.

© 2003 talawas