trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
21.8.2008
Phạm Toàn
Hỡi loài người, hãy lớn khôn lên!
 
Nếu ta muốn có một định nghĩa khác cho khái niệm triết học, coi đó muôn đời như là biểu hiện khôn ngoan của một hoặc những ảo tưởng, thì có thể chứng minh ý đó qua cuốn sách Dân chủ và Giáo dục đầy tính triết học của nhà giáo dục Mỹ John Dewey vừa được dịch và in trang trọng ở Việt Nam.

John Dewey mơ tưởng chấm dứt hiện tượng chiến tranh trong đời sống loài người bằng những cuộc thi đua thể lực, từa tựa như những cuộc tranh tài từ thời Cổ đại Hy Lạp cho tới những trò đùa tiêu tốn 45 tỷ Đô-la Hoa Kỳ như đang diễn ra quanh cái tổ chim ở Bắc Kinh tháng 8 năm 2008 này.

Ảo tưởng được thấy rõ trong hai “hoạt động” song song, một hoạt động diễn ra ở Bắc Kinh qua những cuộc tranh tài và một diễn biến khác xảy ra ở quốc gia xinh xắn Gruzia qua những cuộc đọ súng giữa một bên có 82 cái xe tăng chống lại bên kia có 6717 chiếc, giữa một bên có 7 cái tàu bay chiến đấu với bên kia có 1206 cái, giữa một bên có 95 khẩu pháo với bên kia có 7550 khẩu…

Người ta có quyền đòi hỏi với không chút tin tưởng gì về sự liêm sỉ của một chính khách có bộ mặt không biết cười và có con mắt lúc nào cũng gườm gườm như quân dò la thám báo. Nhưng người ta khó có thể ngờ sự thiếu liêm sỉ lại có trong cả tâm hồn những con người không có ý định làm chính khách. Ta thấy cái tâm lý đám đông ngu xuẩn đến vô lý được phản ánh và được phê phán khéo léo trong bài báo trên tờ Le Monde số ra ngày 11-8-2008 “Laure Manaudou thua cuộc. Bắt đầu cuộc thiêu sống cô gái đó” (Laure Manaudou perd. Son lynchage débute) của tác giả Birenbaum.

Tác giả đã điểm báo Le Figaro và bêu ra bài báo có tựa đề “Manaudou bị làm nhục”. Bài báo này nói sỗ sàng “Hôm nay Laure Manaudou bị ăn một cái tát.” Bị ăn một cái tát ở cuộc chơi tại Bắc Kinh? Sao vậy? “Cô gái Pháp này đã về cuối trong vòng chung kết 400 mét bơi tự do và bơi hết những 4 phút 11 giây 26.

Tác giả điểm tờ báo điện tử Pháp 20 minutes với bài của đặc phái viên viết về “cuộc đại thất bại”, mô tả kỹ cảnh sau cuộc thi, khi cô gái mảnh mai kia từ bể bơi bước lên bờ: “Cô ta chuồn nhanh, hai hàm răng cắn chặt. Laure Manaudou không nói một lời với giới báo chí sáng nay ở Bắc Kinh (hồi 11 giờ 40, tức 5 giờ 40 giờ Paris). Không một lời giải thích để ta có thể hiểu vì sao lại để đến nỗi như vậy trong cuộc đua 400 mét bơi tự do. Cái khoảng cách 400 mét đã đem lại Vàng cho cô ta ở Athènes, cái kỷ lục dường như chẳng ai phá nổi của cô, thế rồi hôm nay trên cái khoảng cách đó cô lại trở thành một người bơi lội tầm phào.”

Cũng theo lược thuật của Le Monde, thì tờ Aujourd’hui cùng với tờ Le Parisien đồng loạt nói tới “Nỗi thất vọng có tên Manaudou”. Nhiều tờ báo khác tự cho mình cái quyền nói năng hỗn hào trước một cô gái đơn độc và trước những độc giả biết rõ mình bơi kém nên không hề đòi hỏi gì ở cô, mấy tờ báo đó nói đến “Manaudou bị chết chìm”, đến “Manaudou đang chết trôi”. Và tờ Le Post thì giật tít “Thất trận tan tành”.

May sao, thời đại ngày nay còn có những trang blog. Và bạn đọc đã phẫn nộ “có lời” lại với báo chí (hoặc “dư luận”), trong đó có ý kiến của một bạn như sau: “Đợi đấy, rồi sẽ còn nhiều khoảnh khắc tồi tệ hơn nữa kia!” Và blogger này phẫn nộ nói: “Đập tan tành cái gì từng ngợi ca, thiêu cháy cái gì từng tôn thờ, giẫm cho nát cái gì từng được đưa lên tột đỉnh vinh quang, chẳng hóa ra ‘truyền thống’ của nước Pháp chúng ta là như vậy hử?” Rồi cũng blogger đó hỏi mọi người: “Sao không ai chịu đọc những gì cô gái đó nghĩ và viết ra (trên trang blog của cô)? Chỉ cần đọc mấy lời ngắn ngủi đó là đủ hiểu vì sao sáng nay cô không thể về đích như mọi người trông đợi.

Trên trang blog tiêu đề “Không đơn giản” (chủ nhật 10-8-2008, hồi 18 giờ 26), Laure nói thật giản dị: "Ngày mai trận 400 mét sẽ là cuộc chung kết rất nhanh, các đấu thủ khác đều mạnh hơn tôi..." Nếu ta hiểu chữ “mạnh” (trong khẩu hiệu bằng tiếng Latin fortius) gồm cả hai mặt là vững vàng về tinh thần và mạnh mẽ về vật chất, hẳn ta sẽ thấy cô gái có những điều không nói ra hết được thành lời. Còn những kẻ mang tâm lý bầy đàn thì lại càng không sao đủ tinh tế để hiểu. Đúng thế, sao lại cứ bắt buộc người ta phải thắng kia chứ?

Chuyện của cô Laure Manaudou chỉ là một tiểu tiết lòi ra từ toàn bộ câu chuyện dài có tên là nền thể thao mang tính ăn thua thời hiện đại. Thật lòng, ta khó mà nhìn thấy vẻ vui tươi trên nét mặt các lực sĩ và các vận động viên, chỉ vì họ bị căng thẳng quá. Ngay khi lĩnh huy chương, nom họ vẫn có vẻ tội nghiệp thế nào ấy. Mà tại sao lại cứ bắt họ phải thay mặt cho cả một dân tộc kia chứ, trong khi họ chỉ có thể là một cá nhân và là một cá nhân đã đủ khó đối với họ rồi? Còn cái cách nói năng “màu cờ sắc áo” liệu có khiến ta phải gọi đâu đó là một dân tộc nói dối vì bị bắt quả tang con em công nhiên hát nhép trước loài người?

Cái ranh giới “có văn hóa” và “không có văn hóa” trong mọi cuộc thi đấu nằm ở chỗ này: con người vượt lên được chính bản thân mình, chứ không phải con người vượt hơn lên kẻ khác. Và suy cho cùng, đó là vấn đề của một nền giáo dục.

Một nền giáo dục mà cũng có tổ chức “thể thao thành tích cao” thì vô cùng tai họa. Tổ chức đó khiến cho trẻ con từ tấm bé đã học cách bằng mọi giá vượt lên hơn kẻ khác – những bạn học của mình. Suy cho cùng, nó nằm ngay từ cách cho điểm ở trong lớp học hàng ngày. Đứa nhỏ được 7 điểm ba phần tư vênh vang với đứa bạn 7 điểm hai phần tư. Tai họa hơn nữa còn nằm chờ trong những phần thưởng của gia đình giành cho những “tài năng lớn” hơn bạn những một phần tư điểm! Cũng đứa nhỏ với tư duy ăn thua hơn kém chút xíu đó đi Hội khỏe cấp huyện cấp tỉnh cấp quốc gia… Nó sẽ bắt chước người lớn, sau khi lập thành tích, cũng quỳ xuống lấy cánh tay huých huých ngược mấy nhát lên trời, và không hề biết rằng đó là ngôn ngữ cơ thể biểu tượng cho hành vi tính dục mà chỉ những người lớn vô học mới khoe “thành tích” riêng tư đó trước công chúng!

Chữa như thế nào? Phải chữa từ trong nhà trường thôi! Phải chữa từ một sự nghiệp giáo dục thôi! Phải chữa từ tư duy của những ai cầm đầu một sự nghiệp giáo dục!

Trước hết, các môn học sẽ không cho điểm. Nhà giáo dục sẽ phải thiết kế ra cả một chuỗi việc làm để học sinh tự làm việc hoặc làm việc theo nhóm để tự tìm ra những tri thức cơ bản cần cho các em vào đời. Khi chiếm lĩnh được khái niệm đó, các em đều có điểm A như nhau. Khi trong lớp còn có em bị điểm B, đó là lỗi của nhà thiết kế hoặc của giáo viên tổ chức việc thực hiện thiết kế (việc học) còn có điều chưa đúng, và nhiệm vụ của các giáo viên là phải làm lại cho kỹ cái gì mình làm chưa kỹ. Việc đánh giá học sinh ở đây thực chất là đánh giá nhà giáo dục, chứ không biến việc học thành cuộc chạy đua lấy điểm, tệ hơn, cuộc chạy đua để hơn bạn một phần mười điểm! Cái tâm lý “thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly” cần được tẩy rửa, vì nó sẽ biến tướng sang “thua thầy bao nhiêu cũng được, nhưng phải hơn bạn, dù là hơn chỉ một ly”!

Khi thi thể thao trong nhà trường cũng thế: những em nào đã đạt tới cùng một thành tích nào đó, thì nhà trường trao Huy chương vàng cho chúng, và tất cả các Huy chương vàng đều có giá trị như nhau, không cần hơn nhau cái một phần mười giây có khi dẫn tới chất kích thích bằng ma túy, có khi dẫn tới ăn gian hoặc chơi đểu, khiến cho cái huy chương dù bằng vàng thì cũng chẳng khác gì những đống vàng tham nhũng khi trở thành người lớn.

Chúng ta quen kêu gọi trẻ em hãy lớn lên đi.

Lớn lên về tinh thần ấy, chứ đừng có lớn mà chẳng có khôn!

Nay tới lúc nên nghĩ lại và kêu gọi người lớn trong toàn khối người lớn – tức là Nhân loại – hãy khôn lên đi!

Chứ đừng có lớn mà chẳng có khôn!

Hà Nội, 12-8-2008

© 2008 talawas