trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
4.7.2008
Nguyễn Đình Thi
Những sai lầm về tư tưởng trong tập sách “Giai phẩm”
 
Từ trước đến nay, việc phê bình và đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ ta còn quá yếu ớt. Nhiều vấn đề căn bản chưa được soi sáng về lý luận, do đó những tư tưởng sai lầm có đất sống trong văn nghệ ta, cũng như những cây nấm độc mọc ở những khoảng thiếu ánh mặt trời.

Những tư tưởng sai lầm đó, trong một vài sáng tác ở tập Giai phẩm [1] xuất bản gần đây, đã có những biểu hiện nghiêm trọng, nhưng lại khéo núp sau những khẩu hiệu mới nghe dễ xuôi tai như là "chống công thức, đi tìm cái mới, đề cao sự thành thực của nghệ sĩ". Chúng ta cần phân tích kỹ những lời tuyên bố đó, xem thực ra nó chứa đựng cái gì?


Chống công thức hay là quay về chủ nghĩa cá nhân?

Chúng ta đều nhận rằng văn nghệ phải diễn tả sự thực của đời sống. Sự thực là cái nguồn duy nhất và cũng là vũ khí mạnh nhất của nghệ thuật. Khi sáng tác, chúng ta không thể đặt ra một cái khuôn nào đã đóng đinh sẵn, mà bắt sự thực phải gò vào đó. Bệnh công thức chính là cái bệnh của nghệ thuật khi gò ép sự sáng tác vào một cái khuôn định trước, không đúng với sự thực trong đời. Khi ấy nghệ thuật có xác mà không có hồn, có vỏ mà rỗng ruột. Thường thường đó là cái bệnh già của những nền nghệ thuật sợ sự thực, không còn đủ sức bắt rễ vào đời sống thực của xã hội và con người.

Văn nghệ ta hiện thời có mắc công thức hay không? Phải nhận rằng còn có những tác phẩm cứng nhắc, nghèo thực tế, nghèo tình cảm và dùng những hình thức giả tạo hoặc ầm ĩ, để che lấp sự nghèo nàn đó. Nguyên nhân là do các tác giả còn thiếu lòng yêu cuộc sống, thiếu hiểu biết thực tế, thiếu tôn trọng nghề nghiệp và công chúng của mình. Chúng ta cần phê bình những tác phẩm đó và giúp đỡ các tác giả đi sâu vào đời sống và nhận rõ trách nhiệm của mình hơn.

Nhưng nếu nhìn chung nền văn học nghệ thuật từ cách mạng thì chúng ta thấy chưa bao giờ văn nghệ ta sát gần cuộc sống như ngày nay. Văn nghệ ta đã bắt nguồn vào đời sống thực của nhân dân, của quần chúng lao động. Chúng ta đã có một số tác phẩm xuất sắc đầu tiên, và chúng ta có rất nhiều tác phẩm tuy chưa nổi bật lên nhưng có nội dung lành mạnh, nói đúng những nét lớn trong đời sống nhân dân.

Những khuyết điểm còn tồn tại trong văn nghệ ta không phải cái bệnh công thức già nua của những nghệ thuật đã hết hơi thở, mà trái lại đó là cái bệnh ấu trĩ, sơ lược của một nền văn nghệ còn rất trẻ. Chúng ta đang cố gắng vượt qua bước ấu trĩ đó và chúng ta phải vượt được.

Nhưng chúng ta chống công thức, chống sơ lược, nhất định không phải là để quay về thứ văn nghệ buồn thảm, ốm đau và cá nhân chủ nghĩa ngày trước. Chúng ta vượt khỏi những bệnh ấu trĩ hiện nay là để tiến lên, để sát với cuộc sống của nhân dân hơn nữa, để nâng cao hơn nữa lòng yêu nước, ý chí phấn đấu của nhân dân, để xây dựng con người mới lành mạnh của xã hội ta cho sâu sắc, rõ nét hơn nữa.

Mấy tác giả trong tập sách Giai phẩm đã không làm như thế. Trong bài thơ “Mới”, Lê Đạt đã phóng đại bệnh công thức lên như một tai nạn đang tràn ngập trong xã hội và trong nghệ thuật. Lê Đạt công kích những "công thức xỏ dây vào mũi". Và để tỏ ra mình không "công thức", Lê Đạt đã rên rỉ về những ngày sống "thảm hại" của mình, với quả tim đang đau ốm trong “Những đêm trắng tấy lên dữ dội, Không muốn nhìn mặt mình”, v.v…

Còn nhiều câu tương tự mà tôi không muốn trích dẫn dài. Đọc những câu ấy, chúng ta như thấy những bóng ma của thơ ca đồi trụy bao năm trước, nay lại từ dưới mồ hiện lên. Đó là cách nhìn khinh người và đồng thời hoảng hốt trước những khó khăn của cuộc sống. Đó vừa là tiếng thách thức vênh váo vừa là tiếng khóc òa lên thảm thiết. Dưới những lời cay chua đòi "chống công thức" ta thấy tác giả đã lén đưa ra những tình cảm ốm đau cũ kỹ của chủ nghĩa cá nhân. Nhưng cái chủ nghĩa cá nhân ấy lại đòi quyền làm vua trong đời và đập đầu ăn vạ, "cả vú lấp miệng em", vu khống chung quanh là không cho nó "làm người".

Chúng ta rất quý con người, chúng ta tôn trọng những đau thương, buồn khổ chân thành. Nhưng chúng ta không công nhận những tình cảm hèn yếu, hoài nghi, bi quan.

Không, Lê Đạt, không phải anh đã sống những "ngày thảm hại" mà anh đang sống những ngày vĩ đại và quí báu nhất trong đời. Tổ quốc ta, nhân dân ta, Đảng ta đã làm cho hàng triệu người nô lệ từ đói khổ dốt nát đứng lên, tuy còn thiếu thốn vất vả nhưng từ nay đã có thể đứng thẳng lưng, và mình làm cho mình hưởng. Chỉ có cái chủ nghĩa cá nhân mù quáng nó xòe ra trước mắt Lê Đạt những tấm đen và "xỏ dây vào mũi" nghệ thuật của anh, dắt về con đường bế tắc và tối sầm.


Cái mới thực và cái mới giả

Tình cảm cá nhân đau ốm và hèn yếu cũng hiện rõ trong bài hát “Mưa xuân” của Tử Phác. Mượn đề tài lời miền Nam nhắn ra miền Bắc, Tử Phác đã khóc từ đầu đến cuối bài hát. Nước mắt ngắn nước mắt dài, Tử Phác rên rỉ với cảnh "Mưa sao mưa mãi, như nước mắt người yêu tôi nhớ tôi", trong lúc tất cả các làng xóm của ta đang "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa", trong lúc trên báo Nhân dân còn kêu gọi đồng bào chớ vội vì được ít mưa đầu xuân mà ngừng tay chống hạn.

Mấy tác giả trong Giai phẩm gọi như vậy là "chống công thức". là "mới". Họ kêu gào “Mới! Mới! Luôn luôn mới! Bay cho cao! Bay cho xa!”. Hơn thế Trần Dần, Lê Đạt còn bắt chước giọng nói của Mai-a-cốp-ski, thậm chí đã lấy nguyên những hình ảnh trong thơ Mai-a-cốp-ski vào thơ của họ, để đưa ra làm cái giấy thông hành rằng đây là "mới". Nhưng thơ Mai-a-cốp-ski khác với mấy bài thơ Trần Dần, Lê Đạt trong tập Giai phẩm, như là trắng khác với đen, ngày khác với đêm vậy.

Mỗi lời thơ của Mai-a-cốp-ski là một tiếng mõ báo động, một viên đạn, một ngọn cờ chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Mai-a-cốp-ski nói: "Tôi muốn câu thơ của tôi như cái lưỡi lê", và Mai-a-cốp-ski đã làm đúng như lời nói. Từng hơi thở, từng ý nghĩ của Mai-a-cốp-ski là của Đảng, của nhân dân Liên Xô, Mai-a-cốp-ski khinh bỉ quân thù đến tột độ, và có lòng tự hào không bờ bến về Tổ quốc, về sự nghiệp của nhân dân mình. Thơ Mai-a-cốp-ski là lửa cháy và ánh mặt trời, là sấm sét và ca hát, là tiếng nói gan ruột của quần chúng cách mạng.

Cái mới của chúng ta là ở đấy, ở sự vùng dậy vĩ đại của hàng triệu người lao động đang được Đảng soi đường dẫn lối, làm thay đổi cả xã hội. Nhân dân đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn đứng ở mũi nhọn cuộc đấu tranh của quần chúng, phải vắt óc suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng được tâm hồn mới cho con người. Tất cả ý nghĩa công việc sáng tác của chúng ta là ở đấy. Vì vậy chúng ta hết sức quý trọng, nâng niu tất cả mọi tìm tòi chân thành của người nghệ sĩ.

Và cũng chính vì vậy chúng ta không thể để cho bất cứ ai kéo lùi cuộc sống của chúng ta quay trở về cái cũ xấu xa, lạc hậu. Mấy tác giả trong Giai phẩm khua chuông gõ mõ là họ mới, nhưng tiếng nói của họ bé nhỏ loanh quanh, họ nhìn cuộc sống bằng con mắt đen ngòm và hoài nghi của chủ nghĩa cá nhân sắp chết. Dưới những hình thức lòe loẹt, thực chất tác phẩm của họ là hơi thở tàn của xã hội và con người cũ. Không ai có thể tùy ý mà bịa ra được cái mới trong đời. Chỉ có quyết tâm lăn vào đời sống quần chúng, làm học trò quần chúng, thì mới tìm thấy cái mới vĩ đại trong đời sống ngày nay. Còn nếu chỉ ngồi dưới đáy giếng của chủ nghĩa cá nhân, cố thổi phồng cái tôi của mình, thì có muốn nói "mới, tự do, bay cao, bay xa", hay gì gì nữa, cũng chỉ là nô lệ của chính mình và bò quanh bò quẩn trong vũng bùn của những tình cảm cá nhân nhỏ nhen hoặc đồi trụy.


Sự thành thực của nghệ sĩ

Mấy tác giả trong Giai phẩm vỗ ngực kêu to rằng họ "thành thực". Họ bắc loa gọi: "Các anh đến mà xem chúng tôi đang tự phơi trần con người chúng tôi. Họ nói thế và khoe với chúng ta những bệnh tật tâm hồn đầy chất độc. Nhưng họ lại hợm hĩnh bảo: "Các anh mù lắm, có thế này mới là có can đảm ‘làm người’ chứ!" Thấy quần chúng không tin, mấy tác giả "thành thực" đó trợn mắt quát to: "Các anh không tin Đảng à. Đảng vẫn bảo là phải quý trọng con người kia mà. Đảng vẫn dạy phải đem hết sức chiến đấu cho cái mới thắng cái cũ kia mà". Đó, sự "thành thực" của mấy tác giả Giai phẩm. Nó chỉ là trắng trợn và lừa dối. Vô trách nhiệm với quần chúng khi đưa mình ra trong tác phẩm, và cho cá nhân mình có quyền không cần gì đến ai.

Chúng ta có một sự thành thực khác. Chúng ta viết mỗi câu đều lo lắng sao cho đúng sự thực khách quan của đời sống, sao cho có ích lợi cho cuộc đấu tranh của quần chúng. Có phải như vậy là giảm mất sự "thành thực" của chúng ta đi không? Có phải như vậy là chúng ta viết theo chỉ thị như kẻ thù vẫn tuyên truyền hay không?

Không! Như lời một nhà văn Liên Xô đã nói, chúng ta chỉ viết theo chỉ thị của trái tim chúng ta, nhưng trái tim chúng ta là của Tổ quốc, của nhân dân chúng ta. Mỗi dòng chữ chúng ta viết ra là máu thịt của chúng ta, nhưng chúng ta thấy đó chưa phải cái cao quý nhất của nghệ thuật. Chúng ta muốn mỗi dòng chữ của chúng ta là sự thực của mồ hôi nước mắt quần chúng, là tia sáng, nụ cười, sức mạnh cho những người lao động. Chỉ có đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, chúng ta mới có thể thật là can đảm và thành thực. Nhân dân bao giờ cũng đòi hỏi chúng ta nói đúng sự thực. Nhân dân đòi hỏi mỗi người cầm bút phải tự mình đi vào cuộc sống, nhận xét những cái tốt xấu hay dở trong đời, bảo vệ cái tốt cho kỳ được và đánh đuổi cái xấu đến cùng, tự mình nói lên tiếng nói từ đáy lòng để góp phần chiến đấu với quần chúng. Nhân dân hoan nghênh bất cứ lời nói nào thành thực và can đảm, với ý tốt là phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng.

Nhưng mấy tác giả trong Giai phẩm vì đặt cá nhân mình to hơn cả lợi ích của quần chúng, vì tôn thờ đến cả những bệnh tật trong tâm hồn mình, muốn tự đặt mình lên bàn thờ bắt mọi người phải quỳ lạy, nên họ không nhìn thấy sự thực, và cũng không nói thực.

Họ đã tự thổi phồng lên với nhiều điệu bộ, và đi tới hằn học với chung quanh. Dưới cớ chống lại một số khuyết điểm trong đời sống chúng ta, họ đã phóng đại những khuyết điểm đó, và bóp méo sự thực sao cho thổi phồng được họ lên. Hai chữ "thành thực" lúc đó chỉ che đậy cho lòng kiêu ngạo, sự buông thả vô trách nhiệm và tới một chừng mực nào đó, nó chỉ còn là một chiêu bài để ngậm mực phun vào đời sống chung quanh, vu khống người khác và phản lại lợi ích của quần chúng.

Chúng ta thường thấy văn nghệ tư sản đưa "sự thành thực" ra để che lấp cho tư tưởng "nghệ thuật vị nghệ thuật" và chủ trương "nghệ sĩ không cần gì khác ngoài cái tháp ngà của mình". Chỉ riêng sự "thành thực" chủ quan của nghệ sĩ có đủ làm cho tác phẩm có sự sống hay không, và có phải đó là yếu tố quyết định tất cả sự sáng tác hay không? Tám chín năm kháng chiến đã làm chúng ta hiểu không có bài thơ nào có thể so sánh với giọt mồ hôi, nước mắt, với giọt máu thực của con người. Đời sống vô cùng vất vả và anh dũng của quần chúng vượt xa tất cả mọi điều chúng ta vẫn tưởng tượng. Phải học từ đầu, phải thực sự hiểu biết cuộc sống, chúng ta mới viết được. Không biết anh bộ đội hay chị nông dân làm ăn, suy nghĩ, vui buồn, chiến đấu thế nào, mà viết về họ theo lối "suy bụng ta ra bụng người", thì chúng ta rất dễ lầm to. Không bắt nguồn từ sự thực của đời sống, thí dụ chúng ta có đưa ra "điệu tâm hồn" nào, tác phẩm của chúng ta vẫn nghèo nàn, giả tạo, công thức.

Chúng ta phải đem hết nhiệt tình cách mạng, không sợ gian khổ, chân thành đi vào đời sống quần chúng, phục vụ quần chúng. Đó là sự thành thực và lòng can đảm chân chính của người văn nghệ ngày nay. Có lăn vào đời sống quần chúng, mắt chúng ta mới biết nhìn, tim chúng ta mới biết đập, và dòng chữ chúng ta viết ra mới sống lên được.

Dưới chiêu bài "thành thực", mấy tác giả Giai phẩm chỉ mượn những đề trong cuộc sống của chúng ta để đề cao những tình cảm cá nhân ốm đau, lệch lạc, thậm chí đầy hằn học, nên "tác phẩm" của họ không nói đúng sự thực của đời sống mặc dù tự xưng là "thành thực". Và tiếng nói của họ không chân thành, giản dị, thẳng thắn, nó loanh quanh, úp mở, điệu bộ, nó không vươn rộng ra ánh sáng mà co mình vào bóng tối.


Từ hằn học cá nhân đi tới xuyên tạc sự thật

Trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống ngày nay, chủ nghĩa cá nhân không những làm cho tâm hồn đồi trụy và bế tắc mà còn có thể đưa tới những bước đường nguy hiểm hơn nữa. Đó là khi nghệ sĩ tự coi mình như thần thánh, vượt ra khỏi mọi người. Khi ấy người nghệ sĩ nhìn vào đời sống không thể hiểu được rằng đời sống ngày nay là do quần chúng nhân dân đứng lên làm chủ mà trái lại con mắt mờ tối của anh ta sẽ chỉ thấy hình như một đám đông vô danh và tầm thường đang tràn lan, làm chết ngập những cá tính phi thường. Nhìn quần chúng như vậy thì từ trên bờ vực rất dễ rơi xuống vực, từ chỗ hằn học với chung quanh, chỉ quá một bước sẽ rơi vào cạm bẫy của những tư tưởng thù địch. Ta thấy rõ điều đó trong bài thơ “Nhất định thắng” và truyện ngắn “Lão Rồng” của Trần Dần.

Trong bài thơ và truyện ngắn ấy Trần Dần nói giọng đàn anh, vừa chửi đổng mai mỉa, vừa quát tháo kêu gào, khác nào một siêu nhân từ trên đỉnh núi nói xuống cho người đời nghe. Trần Dần tự xưng:

Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin

Con người "vô địch" ấy cho là chưa ai theo nổi cái hay, cái đúng, cái quý trọng tâm hồn siêu việt của mình. Vì vậy Trần Dần vỗ ngực gầm gào rồi lại nức nở khóc tự thương thân. Trần Dần nhìn những người chung quanh như một bọn mù ngốc, đáng chửi đáng ghét, thậm chí nhìn chung quanh như thù địch. Và Trần Dần như muốn ném ra một lời thách thức: "Đây này, tất cả hãy vểnh tai mở mắt, bao nhiêu cái chưa ai dám nói, nay ta nói toạc ra cho mà nghe, chứ ta có sợ gì đâu." Chúng ta hãy bình tĩnh nghe xem Trần Dần nói gì về đời sống chúng ta mà giãy dụa như vậy.

Bài thơ “Nhất định thắng” xoáy vào những khó khăn trong đời sống Hà Nội ngày mới giải phóng: nạn thất nghiệp do địch để lại, và nạn nhân dân bị địch cưỡng ép di cư. Trước những khó khăn ấy, Trần Dần nói tới bọn Mỹ Diệm một cách phồng mồm trợn mắt làm ra vẻ khinh địch, nhưng Trần Dần lại kêu to: "Trời ơi, sao mà đâu cũng có chúng nó thế này!" Và Trần Dần trình bày kẻ địch như cái bóng ma vây bủa ghê gớm, đè rập đời sống của mỗi con người xuống. Trần Dần ôm mặt sụp xuống "rã rời cân não" nhìn ra đời sống chỉ thấy "những cơn mưa rơi mãi tối sầm". Trần Dần làm ra vẻ vỗ ngực hảo hán, nhưng hoảng hốt run sợ và gieo rắc cái run sợ hoang mang ấy ra chung quanh.

Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
Vẫn có những phút giây ngờ vực.

Trần Dần nhìn kẻ địch như vậy, còn nhìn quần chúng thì như thế nào? Những người bị nạn thất nghiệp và những người bị địch cưỡng ép di cư trong con mắt Trần Dần, là những người thảm hại đáng thương và đồng thời đáng giận đáng khinh. Theo Trần Dần, những người thất nghiệp thì "mưa nắng đi về lủi thủi" mong chờ chính phủ tìm việc cho, ngoài ra chỉ "sống bằng tương lai", còn những người di cư thì chỉ biết kêu những thiếu trời thiếu đất thiếu vân vân, chẳng qua là họ "thiếu quả tim, bộ óc" đến nỗi tưởng miền Nam là "non bồng của Mỹ". Về miền Nam, Trần Dần cũng vẽ ra một bức tranh khủng khiếp và bi đát "những mảng thịt, những đọi máu đào", đi biểu tình, kêu lên trời, và những bóng ma nghều ngoào đến quấy rối bữa ăn giấc ngủ của Diệm.

Rồi đến cuối bài thơ, Trần Dần nói: Chính phủ đã tìm được việc làm cho người thất nghiệp và những người di cư đã trở về. Nhưng chúng ta thấy cách giải quyết đó như "trên trời rơi xuống", vì không hiểu do đâu tình hình đen tối mà Trần Dần vẽ ra trên kia lại đưa tới cách giải quyết đó cho được.

Bức ảnh đen kịt mà Trần Dần vẽ nên có phải hình ảnh thực của đời sống nhân dân ta không? Trần Dần tự cho chỉ mình có "quả tim, bộ óc" và chửi mắng, khinh bỉ hoặc làm ra vẻ thương hại quần chúng. Nhưng thực ra Trần Dần đã đem "quả tim" khiếp sợ và hằn học cùng với "bộ óc" hoảng loạn của mình mà bóp méo hẳn sự thực. Trần Dần tưởng mình ở rất cao, nhìn xuống quần chúng như một đàn cừu, nhưng thực ra Trần Dần đã rơi xuống vũng bùn, mắc vào cả những luận điệu của địch, thọc gậy bánh xe vào cuộc đấu tranh của quần chúng.

Sự thực là chúng ta có những khó khăn to lớn, nhưng sự thực là quần chúng được Đảng lãnh đạo luôn luôn phấn đấu vượt những khó khăn ấy, và qua mỗi bước lại càng lớn lên, không sức gì cản lại nổi. Sự thực là kẻ địch điên cuồng, hung ác, nham hiểm, nhưng sự thực là chúng thất bại, đang thất bại, và còn thất bại mãi, càng thất bại chúng càng lồng lộn và càng lồng lộn chúng càng thất bại. Không những ở miền Bắc, mà cả ở miền Nam nước ta, sức mạnh của nhân dân ta đang quật bọn đế quốc và phong kiến xuống, và chính bọn chúng đang khiếp sợ, hoảng loạn vì chúng ta.

Những người công nhân bị địch đẩy ra vỉa hè hàng vạn, trước khi chúng rút khỏi miền Bắc, đâu phải những người "khổ thân" cúi đầu lủi thủi, buồn nản, chỉ "sống bằng tương lai" như Trần Dần đã "suy bụng ta ra bụng người" mà nói. Đó là những người lao động bị cực khổ nhất và cũng phải đấu tranh nhiều nhất, dưới chế độ bóc lột áp bức của địch. Đi sâu vào đời sống bình thường hàng ngày của quần chúng lao động, chúng ta thấy từ bao nhiêu năm, mỗi ngày sống của những người ấy là bao nhiêu vật lộn gan góc. Ngày nay, một nửa đất nước sạch bóng quân xâm lược, trước hết, họ thấy được đứng thẳng lên, thở một cái như chưa bao giờ được thở. Và họ vẫn tiếp tục cùng nhau phấn đấu xây dựng đời sống mới, vượt qua muôn nghìn khó khăn. Chính phủ ta giải quyết nạn thất nghiệp như thế nào? − Từ việc thống kê, xếp loại những người thất nghiệp xem ai cần giúp nhiều, ai cần giúp ít, ai cần giải quyết trước, ai cần giải quyết sau, cho tới việc tổ chức đưa những người đó đi công trường, về nông thôn, hoặc nhận những việc tạm thời ở thành phố, rồi tiến lên phát triển sản xuất, biến nền kinh tế phụ thuộc vào đế quốc thành kinh tế độc lập, tự chủ của ta, đường lối chính sách của ta trong vấn đề này cũng như trong mọi vấn đề là dựa vào sức lao động phấn đấu của quần chúng, hướng dẫn, tổ chức, phân phối, phát triển, để đem lại lợi ích cho quần chúng.

Những người bị địch cưỡng ép di cư cũng vậy, đâu phải họ cúi đầu nhắm mắt tin theo sự lừa bịp của bọn Mỹ Diệm. Đó chỉ là luận điệu tuyên truyền của địch. Trước khi bị bắt đi, trên đường bị di cư, và sau đi vào tới miền Nam, cuộc đời mỗi gia đình, mỗi con người ấy có bao nhiêu dằng xé quyết liệt, bao nhiêu nỗi đắng cay uất ức với địch, bao nhiêu vật lộn hàng ngày để đùm bọc nhau mà bảo vệ lấy đời sống, và bao nhiêu đấu tranh để về quê hương. Ánh sáng của chân lý, của chính nghĩa vẫn luôn luôn có trong "quả tim, bộ óc" những người ấy. Dù có lúc bị che lấp, ánh sáng ấy vẫn tìm cách tỏa ra. Đường lối chính sách của chúng ta chính là làm sao cho ánh sáng ấy bật lên được, làm cho quần chúng nhận rõ chính nghĩa và lực lượng to lớn của mình.

Vì tự coi mình như siêu nhân và coi khinh chung quanh, Trần Dần đã "thấy cây mà không thấy rừng", như một người bị mù mắt trước những sự thực to lớn của đời sống quần chúng. Vì chìm ngập giãy dụa trong cách nhìn cô độc, hoảng sợ và hằn học, Trần Dần đã đi tới những bước đường nguy hiểm. Bài thơ “Nhất định thắng” đã xuyên tạc sự thật, vẽ nên một bức tranh đen tối và đầy hoang mang về đời sống và cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Khách quan mà nhìn, bài thơ ấy đã làm hại cho ta. Không những nó đã phạm sai lầm nghiêm trọng về tư tưởng mà đã phạm sai lầm nghiêm trọng về chính trị.


Nhìn quần chúng bằng con mắt ăn trên ngồi trốc

Trong bài thơ “Nhất định thắng”, Trần Dần làm như mình là bậc cha mẹ của quần chúng, vừa roi vọt đánh mắng, vừa khóc thương đám đông u mê và khổ sở ấy. Trong truyện ngắn “Lão Rồng”, trái lại, Trần Dần nói giọng nịnh quần chúng, tâng bốc cả những cái thô tục xỏ xiên của một ông lão cố nông có tài đặt vè. Hai thái độ của Trần Dần có vẻ trái ngược với nhau nhưng thật ra đó vẫn chỉ là cùng một thái độ trịch thượng, khinh bỉ quần chúng.

Lão Rồng, theo Trần Dần kể, là một ông lão nghèo đói, nghiện rượu bét nhè, và vì uống rượu nhiều quá nên “làm bao nhiêu cho đủ được” (chứ không phải nông dân nghèo đói vì không có ruộng). Ông lão ấy hay làm những bài vè đâm ba chẻ củ, thô tục, xỏ xiên (“Nằm mê thấy Phật cởi quần em ra”, v.v…), khi thì chửi người chửa hoang với sư, khi thì chửi người nghiện rượu. Một lần ông lão làm vè chửi bọn cường hào, cũng lối chửi xỏ tục tằn ấy, và bị chúng đánh chết. Ngày xưa ông lão bị mọi người sợ hãi khinh bỉ, nay đến Cải cách Ruộng đất người ta mới biết nhớ và yêu. Trần Dần nói: Vì sao lão Rồng làm vè được như vậy? Vì thù riêng chăng? Hay vì ai thuê? Chắc không phải. "Hay là thù giai cấp? Lão Rồng thì biết gì giai cấp? ". Chỉ biết lão Rồng giỏi và hay như vậy đó.

Trần Dần làm ra vẻ "quần chúng" lắm, và đó chính là chỗ nguy hiểm và lừa dối của lối nhìn Trần Dần. Nhưng nhìn kỹ, ta thấy Trần Dần làm ra vẻ nịnh đến cả cái thô tục, xỏ xiên của quần chúng, mà thực ra đã coi bản chất quần chúng là thô tục, xỏ xiên, ngớ ngẩn, vô ý thức. Đó chẳng khác gì cái luận điệu "dân ngu khu đen" của bọn địa chủ khi chúng nói về nông dân. Trần Dần hiểu đời sống và tâm hồn quần chúng còn rất nông cạn. Cũng như những tên "văn sĩ" thực dân nói về người nhà quê "an nam" "ma bùn", Trần Dần túm vội lấy một đôi nét xấu bề ngoài của quần chúng, làm ra vẻ đã khám phá ra cái gì quan trọng lắm. Trần Dần đem bôi đậm những nét xấu ấy lên, và dọa chúng ta rằng: "Quần chúng đấy!"

Chúng ta không hề đòi hỏi nhà văn đánh phấn bôi son cho những nhân vật quần chúng, biến quần chúng thành những hình nhân bằng giấy hồng. Người đọc không ưa những tác phẩm thi vị hóa, tô điểm đời sống nông thôn một cách giả tạo. Những hình ảnh cứng nhắc và sáo về quần chúng không đi được vào lòng người, nên tác dụng giáo dục cũng kém, hoặc chỉ có ít, hoặc lại làm cho người ta quên mất những đấu tranh gay go còn đang đặt ra. Nhưng, dưới cớ là không đánh phấn cho quần chúng, Trần Dần lại đem trát bùn lên hình ảnh quần chúng, trình bày quần chúng như những con ngoáo xấu xí, cục cằn.

Đó là cách nhìn trịch thượng và phản động của giai cấp bóc lột.

Trong xã hội thực dân phong kiến cũ, những người nông dân không những bị thắt cổ trong nạn nghèo đói khốn cùng mà còn bị đè vào bóng tối đen đặc của nạn dốt nát, mê tín, phong tục hủ lậu. Nhưng sự u tối, có khi đến cục súc ấy đâu phải là bản chất quần chúng, đâu phải đó là điều đáng ca ngợi, như Trần Dần đã định lừa dối chúng ta? Đó chỉ là những tai nạn do bọn thống trị gây ra, những cái xấu xa do sự mục nát của giai cấp thống trị đẻ ra. Như một cái xác chết thối làm ngạt thở cả không khí, giai cấp thống trị trong bước đường tan rã, đồi bại của nó làm thối nát lây cả đời sống xã hội, và gieo rắc những bệnh tật độc địa của nó vào trong đời sống những giai cấp bị trị, và những giai cấp trung gian. Đâu phải tính nghiện rượu bét nhè, thích chửi xỏ thô tục của Lão Rồng là những tính nết điển hình, đáng ca ngợi của người bần cố nông. Cái bệnh nghiện rượu và tính xỏ xiên đâm ba chẻ củ lung tung ấy chỉ là cái tai nạn của chế độ địa chủ cường hào và lề lối xôi thịt của bọn đàn anh ở nơi đình trung trong nông thôn ta ngày trước. Nhà văn có thể mô tả những sự thực đó, nhưng phải chỉ rõ cho ta thấy bản chất quần chúng không phải ở đấy, mà trái lại ta phải căm thù cái chế độ đã đẻ ra những tật xấu ấy, căm thù cái giai cấp phong kiến mục nát nó làm thốt nát lây cả xã hội. Và đi sâu hơn vào đời sống và tâm hồn quần chúng thì bất cứ người nào tôn trọng sự thực đều phải nhận thấy dưới những bề ngoài thô tục, hoặc u tối, bên trong quần chúng có một cái gì khác. Ông Lão Rồng có phải chỉ biết đâm ba chẻ củ như thế không? Nhất định không! Ông lão ấy cũng như mọi con người, chắc chắn có bao nhiêu tình thương yêu, có bao nhiêu nỗi khao khát được sống một cuộc đời khác, sung sướng tử tế. Bản chất của ông là bản chất lành mạnh, lương thiện, thông minh và can đảm của một người lao động.


Chống lại ý thức và phủ nhận sự lãnh đạo chính trị

Dưới vẻ ca ngợi cái bản năng tự nhiên của quần chúng (mà cái bản năng ấy đã bị bôi đen đi), cách nhìn của Trần Dần có một khía cạnh cần đặc biệt chú ý là nó chống lại với ý thức và phủ nhận vai trò của ý thức cách mạng. Trần Dần nói rằng chẳng cần "biết gì giai cấp", lão Rồng vẫn biết phải trái, vẫn đấu tranh đúng như thường, đến nỗi bây giờ bà con nghe như tố khổ vậy. Chẳng qua đến Cải cách Ruộng đất mới bày ra chữ thù giai cấp. Cách nhìn ấy của Trần Dần cũng rõ rệt trong bài thơ “Nhất định thắng”. Trần Dần mỉa mai chính trị, cho là đời sống quần chúng và tình cảm con người có cần gì phải đúng chính trị (“Em biết đâu Mỹ miếc, Ngô nghê gì”). Cách nhìn đó làm ra vẻ "tả" lắm, vì nó đề cao "tự nhiên của quần chúng trên hết". Nhưng cái bề ngoài "tả" ấy đối với chúng ta cũng không lạ gì, đó chỉ là cái tư tưởng vô chính phủ đã rất cũ và đã lộ mặt, nó đi đối với cái tâm lý siêu nhân như là bóng với hình vậy. Trần Dần muốn nói rằng quần chúng không cần lãnh đạo, và sự lãnh đạo chính trị của Đảng không phải là sinh mạng của quần chúng, mà thậm chí chỉ là những "công thức" giả tạo ràng buộc đời sống thực của quần chúng. Cách nhìn ấy cũng rơi vào luận điệu của kẻ thù, nếu không kịp thời tỉnh ngộ thì nó chỉ có thể đưa tới những cách nhìn chống lại cách mạng. Thực chất tư tưởng vô chính phủ theo lối "ăn trên ngồi trốc" ấy vẫn là khinh bỉ quần chúng, cho rằng quần chúng là đàn cừu vô ý thức cần phải để cho những bậc hảo hán siêu việt chăn dắt, cứu vớt.

Những người cách mạng yêu quý và hiểu biết quần chúng thì trái lại hẳn, họ đặt tất cả tin tưởng vào khả năng vô cùng tận của quần chúng, nhưng không hề theo đuôi bản năng quần chúng. Lê-nin đã gọi bọn ca tụng "phong trào tự nhiên của quần chúng" là một bọn đi dòm cái mông của quần chúng. Lực lượng quần chúng quyết định tất cả, trong việc to cũng như việc nhỏ, cách mạng chỉ có thể thắng lợi khi quần chúng nổi dậy, tự mình nắm lấy vận mệnh của mình. Nhưng nếu chỉ có bản năng tự nhiên, thì quần chúng không tìm ra đường lối cách mạng được, mà trái lại, thường đi vào đường lối của giai cấp thống trị. Sự nổi loạn tự nhiên của quần chúng, nếu không có Đảng lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy, thì không thể làm ra cách mạng. Lịch sử nước ta đã chứng tỏ nếu nông dân chỉ tự mình nổi lên chống bọn phong kiến, thì đến cuối cùng những lãnh tụ nông dân lại lên làm những vua chúa mới mà thôi. Và lịch sử phong trào công nhân quốc tế cũng chứng tỏ nếu công nhân chỉ đấu tranh theo bản năng tự nhiên để giành quyền lợi hàng ngày thì cũng chỉ đi tới chủ nghĩa công đoàn là một cái mà giai cấp tư bản rất thích. Phải có chủ nghĩa xã hội khoa học, phải có chủ nghĩa Mác – Lê-nin là kết tinh cao nhất của khoa học, phải có Đảng của giai cấp công nhân giáo dục ý thức chính trị, ý thức giai cấp cho quần chúng, thì sức mạnh vô cùng của quần chúng mới được cởi mở, và quần chúng mới thực nắm được vận mệnh của mình. Ý thức chính trị là sinh mạng của quần chúng, và sự lãnh đạo chính trị của Đảng là lẽ sống còn của quần chúng. Đường lối, chính sách không phải là cái khuôn giả tạo ở ngoài lồng vào cuộc đời, mà chính là máu thịt, dường mối của đời sống chúng ta ngày nay.

Những người dân Hà Nội, sao lại "biết đâu Mỹ miếc Ngô nghê gì" như Trần Dần đã nói! Một em bé cũng biết phân biệt tên lính đế quốc, tên mật thám của Ngô Đình Diệm với anh bộ đội, anh cán bộ của ta. Nhân dân ta đã khởi nghĩa, đã kháng chiến thắng lợi, đã vượt qua những gian khổ to lớn nhất chính vì nhân dân ta đã hiểu rất rõ ta là ai, địch là ai, ta chính nghĩa, địch phi nghĩa, ta tiến lên, địch suy tàn. Mười năm từ cách mạng đã giáo dục mỗi người bằng hàng mấy chục năm, hàng trăm năm ngày trước.

Và những người nông dân ngày nay, chính nhờ tư tưởng Mác – Lê-nin soi sáng, mới nhận rõ được thấy giai cấp địa chủ là thế nào. Không có sự giáo dục chính sách, không có phát động tư tưởng thì không thể làm cho nông dân vùng lên được.

Trần Dần đề cao những bài vè thô tục, xỏ xiên, đâm ba chẻ củ của Lão Rồng, nhưng đã không nhận thấy những câu vè ấy có lúc đả kích bừa cả nông dân và còn lắp lại cả đạo lý phong kiến. Khi chạm đến bọn cường hào, những câu vè của Trần Dần cũng mới bới móc mấy câu chuyện vặt thô tục. Như vậy sao có thể so sánh với những lời tố khổ của nông dân ngày nay được. Tố khổ đâu phải là bới xấu, trả thù vặt bọn địa chủ. Người nông dân tố khổ chính là đem ánh sáng của chính sách, tức là tư tưởng Mác – Lê-nin, mà phân tích cụ thể đời sống của mình và sự bóc lột, áp bức của bọn địa chủ, lột mặt nạ, vạch ra tội ác của chúng, đánh ngã cả một hệ thống tư tưởng mà giai cấp địa chủ đã choàng lên xã hội từ hàng nghìn năm.

Tư tưởng vô chính phủ đối với phong trào quần chúng và sự lãnh đạo của Đảng thì tìm cách phá hoại, còn đối với địch thì làm lạc hướng đấu tranh của quần chúng. Tới khi không thể đứng nổi trong hàng ngũ quần chúng được nữa thì thường bọn vô chính phủ trắng trợn chạy sang với kẻ thù của cách mạng. Trong văn nghệ các nước tư bản, chúng ta cũng đã thấy rõ những bọn ca ngợi thứ chủ nghĩa cá nhân hảo hán, phiêu lưu như Malraux, hoặc Koestler đến cuối cùng chỉ là cái loa của bọn đến quốc hoặc phát xít. Trần Dần cần phải tỉnh ngộ mà nhìn rõ cái dốc thẳm đang ở sát bên tư tưởng sai lầm của anh.

Nhắc đến một vài sáng tác và mấy tác giả trong tập sách Giai phẩm, tôi cần nói rõ là tôi không nhận xét chung tất cả các bài trong tập sách đó, và không nhận xét toàn bộ tác phẩm hoặc tư tưởng của mấy tác giả kể trên. Tôi chỉ nói đến ba bốn bài cụ thể và một số những điều mà tôi nghĩ là sai lầm trong những bài ấy.

Sau hai bài báo đã đăng, tôi nhận được một số ý kiến của các bạn đọc và các bạn văn nghệ. Có bạn phê bình tôi còn quá nhân nhượng với những sai lầm và còn gượng nhẹ, để cho những sai lầm đó còn đất nương náu. Có bạn, trái lại, trách tôi đã phũ phàng và suy diễn, không hiểu những khó khăn mà người nghệ sĩ nhất định gặp phải, khi đi tìm một cái gì mới lạ. Những ý kiến phê bình đó đã giúp cho tôi thấy rõ những khuyết điểm trong bài báo đã quá dài này. Hôm nay, viết đoạn kết luận, tôi muốn nhân dịp mà tỏ bày một điều: những ý kiến của tôi nhất định còn bị giới hạn trong tầm mắt và tầm suy nghĩ của tôi, nên chắc chắn còn nhiều chỗ chưa tới nơi tới chốn, hoặc lệch lạc. Tôi không hề cho rằng những ý kiến của tôi có thể định đoạt tác phẩm của bất cứ tác giả nào. Tôi chỉ làm công việc của một người phê bình giữa tất cả những người phê bình. Trong một cuộc thảo luận đang còn một số ý kiến phân tranh, tôi góp những ý kiến riêng của tôi. Nếu tôi có những nhận xét không đúng, mà được tác giả hoặc các bạn chỉ cho thấy rõ, thì tôi chỉ có thể cảm tạ.

Trở về với mấy sáng tác trong tập sách Giai phẩm, tôi vẫn nghĩ rằng trong mấy sáng tác đó đã có những sai lầm nghiêm trọng, có hại cho bước đường tìm tòi của các tác giả mấy bài đó và có hại cho bước đường tiến lên của văn nghệ ta hiện nay. Chúng ta đang muốn nâng văn nghệ ta lên một bước mới, vượt khỏi những cái công thức, sơ lược nó làm cho một số tác phẩm còn cứng nhắc, khô khăn, chưa phản ảnh được đúng cuộc sống nhiều vẻ của nhân dân ta. Mấy sáng tác trong tập Giai phẩm đã cùng với chúng ta nêu lên vấn đề chống công thức. Nhưng ta hãy nhìn xem mấy sáng tác đó "chống công thức" như thế nào?

Từ trước đến nay, chúng ta thường nêu lên những phía tốt đẹp và tích cực trong đời sống, nhưng chúng ta thường coi như cái tốt đẹp ấy thắng lợi một cách quá dễ dàng, mà chưa nêu rõ được những đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái mới và cái cũ trong xã hội và con người. Nay, mấy sáng tác trong tập Giai phẩm nêu lên những khó khăn, những khuyết điểm, những phía tiêu cực trong cuộc sống chúng ta. Nhưng mấy sáng tác đó lại vẽ ra một hình ảnh tối sầm, hình như cả cuộc sống chúng ta đang bị chìm nặng vào những cái xấu xa, hủ bại.

Từ trước đến nay, chúng ta thường mô tả quần chúng có ý thức và có tổ chức, có lãnh đạo, chúng ta nêu lên những con người tích cực, những người anh hùng mới của công nông binh. Nhưng những hình ảnh quần chúng mà chúng ta xây dựng thường còn cứng nhắc một chiều, và nhiều khi bị lý tưởng hóa một cách gò ép theo con mắt chủ quan của chúng ta. Nay mấy sáng tác trong tập Giai phẩm như có ý đi ngược lại mà thiên về [2] mô tả những người lạc hậu, còn vướng mắc nhiều tật xấu của xã hội cũ, cho rằng như thế mới là tả đúng con người thực. Nhưng mấy sáng tác đó đã trình bày những con người và quần chúng thành ra xấu xa, nghiêng ngả, thậm chí vô ý thức, cục cằn, vô chính phủ.

Từ trước đến nay, chúng ta cố gắng nêu lên những tình cảm lành mạnh, khỏe khoắn, anh dũng của cuộc sống mới và con người mới. Những tình cảm ấy là những tình cảm mạnh mẽ và sáng suốt, có ý thức rõ rệt. Nhưng vì bản thân chúng ta còn yếu đuối và non tay, nên khi nói lên những tình cảm mới và đúng hướng ấy, nhiều khi chúng ta còn phải "lên gân", dùng nhiều lời sáo, có một số tác giả lại nói toàn khẩu hiệu chính trị khô khan mà không đi vào tình cảm. Và nói chung, chúng ta còn chưa mô tả được sâu sắc tình yêu, và những tình cảm trong đời sống riêng của con người. Nay mấy sáng tác trong tập Giai phẩm đưa ra những tình cảm riêng của tác giả, nhưng đó lại là những tình cảm yếu ớt, sướt mướt, hoặc quằn quại, u uất, thậm chí đi tới vô chính trị, hoang mang, bi quan, khinh miệt chung quanh, nhìn quần chúng bằng con mắt đàn anh, trịch thượng.

Cho nên nhìn chung lại, mấy sáng tác trong tập Giai phẩm nêu lên là chống "công thức" mà thực ra, theo ý tôi, trong khi muốn đi ngược lại một số khuyết điểm trong văn nghệ hiện thời, đã lầm lẫn về lập trường, mà coi hình như cả đường lối của cuộc sống mới và nền văn nghệ mới của chúng ta là "công thức". Mấy sáng tác đó không phải chỉ đi ngược lại một số "công thức", mà đã đi ngược lại cả phương hướng tiến lên của đời sống và của nghệ thuật chúng ta ngày nay. Mấy sáng tác đó nêu lên là "tìm cái mới" mà thực ra đã rơi trở lại vào những cách nhìn cô độc, khinh quần chúng và những tình cảm bi quan hoặc phá phách của nghệ thuật cũ mang nặng một chủ nghĩa cá nhân giãy dụa.

Tôi không kết luận về chủ ý của từng tác giả trong từng bài đó. Rất có thể mấy tác giả đã có ý tìm tòi cái mới về nghệ thuật. Nhưng vì vướng mắc những sai lầm trong tư tưởng, nên mấy sáng tác đó đã lệch lạc rơi vào những bước đường nguy hiểm.

Tôi cũng chưa nhận xét về công phu gọt rũa của nghệ thuật trong mấy sáng tác đó. Có thể có một số câu hoặc đoạn, về nghệ thuật thì sắc bén, nhiều màu sắc, nhưng khi nghệ thuật tinh vi ấy chứa đựng một nội dung tư tưởng sai lầm thì theo tôi chỉ càng làm hại cho người đọc.

Tôi cũng phải nói là tôi nhận thấy trong mấy sáng tác sai lầm nói trên, đây đó lác đác vẫn có một vài câu hoặc đoạn muốn cố níu lại những ý tốt, trong những câu ấy có câu hay, nhưng tiếc thay đôi ánh sáng le lói ấy vẫn bị kéo chìm vào một bóng tối nặng nè.


Vì sao mấy sáng tác trong tập Giai phẩm đã rơi vào những sai lầm như vậy?

Theo tôi nghĩ, nguyên nhân thứ nhất là cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, trải qua nhiều gian khổ mới. Từ kháng chiến chuyển sang hòa bình, từ nông thôn trở về thành thị, có nhiều vấn đề phức tạp khác ngày trước nay đang đặt ra trong xã hội và trong mỗi con người. Mấy tác giả nói trên, vì lâu ngày sống xa thực tế đấu tranh mới của quần chúng cơ bản vì lầm lẫn về lập trường vì nhận thức chính trị còn thiếu sót nặng nề, nên không nhận ra được phương hướng giải quyết những khó khăn hiện thời. Họ đã nao núng hoang mang trước những vấn đề chính trị, những vấn đề xã hội, những vấn đề tư tưởng và nghệ thuật đang đặt ra. Họ nhìn những khó khăn, những khuyết điểm trong đời sống chúng ta như một trái núi, mà không thấy rằng sức mạnh của quần chúng đang dũng cảm lao động và đấu tranh mới là trái núi đè lên kẻ thù, và đang đập vỡ những xiềng xích của xã hội thực dân phong kiến cũ.

Nguyên nhân thứ hai là trong văn nghệ ta còn nhiều khuyết điểm và nhiều vấn đề thắc mắc chưa được giải quyết, nhất là về mặt lý luận. Những bệnh công thức sơ lược làm cho anh em văn nghệ thấy cần phải vượt lên mới sáng tác cho kết quả hơn được. Nhưng trong sinh hoạt văn nghệ của chúng ta còn quá ít những cuộc thảo luận trao đổi ý kiến về những thắc mắc ấy. Cái đúng sai thật giả không được vạch rõ ràng. Do đó những tư tưởng sai lầm đã nẩy nở trong bóng tối của những thắc mắc bực dọc và đương nấp vào những chỗ còn lẫn lộn về đường lối sáng tác.

Và nguyên nhân thứ ba, theo tôi nghĩ, là mấy tác giả trong tập sách Giai phẩm còn vướng mắc vào nhiều tư tưởng sai lầm của nghệ thuật tư sản cũ. Những tư tưởng này do những sản phẩm văn chương nghệ thuật của đế quốc Pháp gieo rắc khá sâu vào văn nghệ ta trước ngày cách mạng. Đó là những thứ chủ nghĩa vô trách nhiệm, phiêu lưu, vô chính phủ hoặc đầu hàng của những "văn sĩ" tư sản như Gide, Malraux, v.v… Đó là cái chủ nghĩa cá nhân đã hết sức sống và đang tàn tạ. Một thời nó đã đẻ ra trong văn học ta một số thơ, tiểu thuyết, thi vị hóa cái bàn đèn thuốc phiện và sự trụy lạc tâm hồn, hoặc đề cao một con "người hùng" hảo hán và lưu manh mà ta chưa quên [3] . Đối với một số văn nghệ sĩ bất mãn với xã hội cũ, thì nó đưa đến một thứ nổi loạn phá phách lung tung, khinh đời và trả thù đời bằng cách chửi đổng bất lực, chán ghét cả cuộc sống, không tin ở cái gì tốt đẹp nữa, cuối cùng đi tới tuyệt vọng, muốn tự tử, hoặc là đầu hàng xã hội cũ, quay về mơ ước vàng son của thời trung cổ.

Ngày nay, sau hơn mười năm cách mạng, tất nhiên cái chủ nghĩa cá nhân tàn tạ ấy không còn thể nào hiện lên đúng hệt như xưa. Nhưng trong mấy sáng tác sai lầm ở tập Giai phẩm, nó đã ngoái đầu quật lại, thành những tình cảm quằn quại, yếu ớt, thi vị hóa những bệnh tật tâm hồn và những giọt nước mắt nhỏ bé và u uất. Nguy hiểm hơn nữa, nó đã đem cái tâm lý khinh đời, xỏ xiên và phá phách của người nghệ sĩ cô độc và bất lực ngày trước, mà nhìn vào quần chúng và đời sống ngày nay. Cái tâm lý nguy hiểm ấy làm cho bóp méo hẳn sự thực, nhìn những cái xấu, những khó khăn và những khuyết điểm không phải bằng con mắt của những con người đang vững chắc tiến lên, mà bằng con mắt bế tắc và rẫy rụa, thậm chí rơi vào cả cách nhìn hằn học, bị một số khuyết điểm trong đời sống làm cho mờ quáng mà coi cả cuộc sống như đáng thù ghét.

Không, nhất định văn nghệ ta không bao giờ quay lại bước đường đen tối ấy. Con đường của chúng ta chỉ có một hướng tiến lên, đó là cái hướng rất đúng mà chúng ta vẫn đi theo từ ngày cách mạng. Cái mới của chúng ta chính là đi vào đời sống quần chúng, diễn tả cho được những con người tích cực của quần chúng đang đứng lên làm chủ xã hội. Cái mới của chúng ta là nêu rõ được cái tốt đẹp đang lớn lên giữa những đấu tranh quyết liệt và phức tạp. Cái mới của chúng ta là soi rõ được vào ý thức con người cái phương hướng chính trị của cách mạng. Cái mới ấy là những tình cảm anh dũng, trong sạch, sáng suốt, ngay thẳng, trong đời sống chung cũng như đời sống riêng của con người lao động mới.

Nếu một số tác phẩm của chúng ta còn sáo, khô khan, cứng nhắc khi diễn tả những cái mới ấy, thì đó là vì chúng ta hiểu biết cuộc sống của quần chúng còn nông cạn, vì ý thức và tình cảm chúng ta còn chệm trễ, hoặc lạnh nhạt so với đời sống thực, và cũng vì một số chúng ta còn chưa thật can đảm nhận lấy trách nhiệm chiến đấu của người văn nghệ để diễn tả sự thực trong đời sống và tâm hồn quần chúng, do đó mà góp phần cải tạo xã hội và con người.

Nhưng chúng ta khắc phục bệnh công thức nhất định không phải bằng cách quay lưng lại những cái tốt đẹp, tích cực của quần chúng mà chỉ có thể bằng cách lăn vào cuộc sống anh dũng của quần chúng hơn nữa. Không phải bằng cách đưa bừa ra những ý nghĩ tình cảm lệch lạc, lẻ loi, đau ốm của riêng ta mà chỉ có thể bằng cách đổi mới từ con mắt, từ trái tim của chúng ta, để mỗi tiếng nói từ đáy lòng chúng ta là tiếng nói của tổ quốc, của nhân dân ta.

Văn nghệ chúng ta biểu hiện những cái mới ấy trước hết là biểu hiện lao động và đấu tranh của quần chúng, biểu hiện những con người tích cực đang đứng lên hàng vạn hàng triệu trong nhân dân ta. Những con người ấy chính là những người đã lao động, "bé nhỏ, tầm thường", bao đời bị chà đẹp khinh rẻ. Tới nay họ đang vươn mình trở thành những con người mới, có ý thức và dũng cảm, có tổ chức và có Đảng lãnh đạo. Những con người ấy đã khởi nghĩa, kháng chiến, tạo ra Điện Biên Phủ, làm cải cách ruộng đất thay đổi hẳn xã hội ta đến tận gốc rễ và đánh cho bọn đế quốc phong kiến tơi bời tan rã.

Những con người ấy không phải những ông thánh lý tưởng. Họ lớn lên giữa trăm nghìn khó khăn, mỗi bước tiến lên của họ phải mất bao nhiêu cực khổ hy sinh, bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Họ phải đấu tranh với những sự rãy rụa của bọn thống trị, họ phải đập vỡ những xiềng xích từ hàng nghìn năm đau khổ còn đè nặng trong phong tục xã hội và tâm hồn con người. Nhưng họ lớn lên như cậu bé làng Phù Đổng trong câu chuyện cũ. Văn nghệ, biểu hiện những con người ấy, phải biểu hiện đúng thực những khó khăn những đấu tranh gay go, và phải biểu hiện cái sức lớn lên vĩ đại ấy.

Văn nghệ có thể và cần mạnh dạn vạch ra những cái xấu, những cái lạc hậu còn gông cùm người ta lại, và phải quật mạnh vào những cái xấu ấy để giúp cho cái tốt nảy nở. Muốn thế, phải nhìn được rõ cái xấu ấy ở đâu sinh ra và sẽ đi tới đâu. Và ngay khi tập trung vào diễn tả một cái xấu nào của xã hội, một cái lạc hậu nào của con người, tác phẩm vẫn phải tỏ ra được ánh sáng mạnh mẽ của cái mới, cái tốt đang tiến lên, mà không sức gì cản lại được.

Đó là một vài vấn đề mà tôi nghĩ rằng mấy bài thơ và truyện trong tập Giai phẩm đã làm cho chúng ta phải nêu lại với nhau. Chúng ta còn phải thảo luận nhiều với nhau về những vấn đề này. Nhưng con đường tiến lên của chúng ta chỉ có một hướng đúng. Mấy tác giả mắc sai lầm trong tập Giai phẩm trước đây đã cùng tất cả những người sáng tác cố gắng bước theo đường lối ấy. Tôi nghĩ và mong rằng một số sai lầm trong tập Giai phẩm là những sai lầm một lúc của một vài sáng tác nhất định. Mong rằng mấy tác giả đó không đi ngược lại con đường chính mình đã chọn vì xã hội ta và nghệ thuật ta không thể quay ngược lại và cũng không đứng lại. Bên ngoài con đường ấy, nấp trong bóng tối của quá khứ, chỉ có kẻ thù đang rình mò, chăng ra những cạm bẫy và tuyệt vọng định kéo giật lùi những làn sóng khổng lồ của quần chúng.


[1]Tức Giai phẩm mùa Xuân, xuất bản tại Hà Nội cuối tháng 1.1956 và bị tịch thu, tái bản đầu tháng 10.1956. Bài viết này của Nguyễn Đình Thi đăng trên Văn nghệ trong thời gian ông là thư kí toà soạn của báo này (talawas).
[2]Ở báo gốc, chỗ này là “mà thiếu về mô tả…”, ngờ là có lỗi in, LNA tạm sửa là “mà thiên về mô tả”…
[3]Con người "cao bồi" Mỹ ngày nay, xét kỹ, chỉ là một bước đồi trụy hơn nữa của thứ tư tưởng hảo hán, phiêu lưu đó (nguyên chú của Nguyễn Đình Thi).
Nguồn: BáoVăn nghệ, Hà Ná»™i, s. 117 (19.4.1956), tr. 1, 3; s. 118 (26.4.1956), tr. 3, 9; s. 119 (3.5.1956), tr. 2. Lại Nguyên Ân biên soạn.