trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
30.6.2008
Thuận Văn
Vài lời về lẽ công bằng và tính xác thực
 
Khổ, chỉ mon men xuất hiện với mục đích là đưa ra một góc nhìn khác về ông Nguyễn Trọng Văn, tôi đã bị các thổ công của “Ý kiến ngắn” chiếu cố tận tình.

Bảo rằng tôi “đỡ đòn” cho ông Nguyễn Trọng Văn thì nghe còn tàm tạm, nhưng suy diễn rằng tôi làm “văn phúng điếu” để ca ngợi Võ Văn Kiệt thì quả là hơi có mùi Hồng Vệ binh.

Chuyện làm tôi nhớ tới một ca khúc của Paul McCartney, ngắt tới ngắt lui để khác ý tác giả may ra cũng có thể áp dụng vào chuyện này:

Hey Jude, don't make it bad
Take a sad song and make it better
[...]
Hey Jude, refrain
don't carry the world upon your shoulders
For well you know that it's a fool
who plays it cool
By making his world a little colder
Na na na na na
na na na na

Chuyện về ông Nguyễn Trọng Văn có cái gì đó rất “bad”, như một “sad song” và tôi cố làm cho nó “better” phần nào nhưng các “ý kiến giả” phân tính lung tung, tứ phương, tám hướng. Nhỏ nhỏ thì “na na na na”: đọc trước, đọc sau, ba năm, năm năm, khẩu khí bình dân hay “đã từng diện kiến Võ Văn”. Trung trung thì “plays it cool”: chuyện thuờng thôi, sau những lập luận kiểu “có thể đã”, “nếu như mà”. Còn xa hơn, “carry the world upon shoulder”: hậu ý chính trị của “văn phúng điếu”, gương sáng Lê Thị Công Nhân v.v...

Thiển nghĩ đã bàn chuyện gì thì nên tập trung vào chuyện ấy, “mang vác cả thế giới lên vai” kiểu “vui tranh luận không quên nhiệm vụ” chẳng đi tới đâu cả. Để khỏi mất thì giờ tôi xin đi ngay vào trọng tâm của vấn đề.

Thứ nhất là lẽ công bằng.

Muốn đánh giá một con người, chúng ta cần phải nhìn đủ mọi khía cạnh, nhìn hết điểm sáng và điểm tối của con người ấy. Nếu khăng khăng rằng “đối thủ của ta không có khả năng làm việc tốt” thì đây là tranh luận hay đấu tố?

Tôi không có quan hệ gì với ông Nguyễn Trọng Văn mà chỉ là, thấy cuộc tranh luận sa đà vào nhân cách của Nguyễn Trọng Văn, thấy số đông thi nhau đào bới những mặt tối của Nguyễn Trọng Văn, tôi cảm thấy ông ta cần phải được đối xử công bằng hơn. Tại sao tôi không thể thuật lại một câu chuyện gián tiếp nói lên nhân cách của ông ta mà mình tình cờ phát hiện?

Thứ hai là tính xác thực của câu chuyện.

Tôi thuật lại một câu chuyện và nêu rõ xuất xứ, xác thực hay không thì người và việc hãy còn đó. Tại sao không bình tĩnh phân định mà suy diễn lung tung?

Thêm nữa, nếu muốn chứng minh rằng câu chuyện không đáng tin thì phải chứng minh sao cho thuyết phục, cho hay. Lằng nhằng nói tới nói lui sự bất nhất ở chi tiết “ba năm” và “năm năm” ở những nguồn khác nhau thì có hay gì? Nêu ra một lần để biết là đủ, nhai đi nhai lại mãi thì e là sẽ tạo nên cảm tưởng rằng, ngoài cái chi tiết vặt ấy, những kẻ bác bỏ chẳng có lý lẽ nào hay hơn, thuyết phục hơn.

Không nói gì nhiều nguồn, một nguồn như nhau mà cũng lắm sự bất nhất, như trường hợp ông Nguyễn Tiến Hưng chẳng hạn. Ông Hưng là phụ tá của ông Nguyễn Văn Thiệu, đã hai lần xuất bản cuốn sách rồi nói về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hoà. Chỉ riêng chi tiết Toà Đại sứ Mỹ sắp xếp ông Thiệu di tản ngày 25.4.1975 để đi từ cư xá Bộ Tổng tham mưu ra Tân Sơn Nhất thôi, mỗi lần xuất bản ông Hưng kể mỗi khác. Ông Hưng bất nhất thật, thế nhưng sự bất nhất ở tiểu tiết vặt này đâu thể nào phủ nhận cái thực tế rành rành là ngày hôm đó ông Thiệu đã lén lút lỉnh ra phi trường với sự giúp đỡ của người Mỹ để bay ra nước ngoài?

Nhưng nếu câu chuyện của ông Huỳnh Kim Báu không đáng tin thì cho qua, xin đánh dấu chấm hết. Để công bằng hơn với ông Nguyễn Trọng Văn, tôi thuật một chuyện khác.

Trong Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản (Văn Nghệ, California 1996) Nguyễn Hưng Quốc đã viết về Nguyễn Trọng Văn như là “Người phát ngôn công khai sự hoài nghi và bất mãn của giới văn nghệ sĩ, trí thức miền Nam”. Trong Phần II, Chương 3 (tr. 214 – 21) Nguyễn Hưng Quốc viết:

Năm 1980, nhân kỷ niệm năm năm giải phóng miền Nam và 35 năm Cách mạng tháng Tám, Trường Đại học Tổng hợp tổ chức hội nghị khoa học trong từng tổ, từng khoa. Tại tổ nghiên cứu và tư liệu, Nguyễn Trọng Văn đọc bản tham luận nghiên cứu về tình hình trí thức miền Nam sau năm 1975. Theo ông, trong năm năm ấy, tâm trạng của giới trí thức miền Nam diễn biến qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, ông gọi là giai đoạn của phạm trù “Là”: giới trí thức coi cách mạng là mình, vì thế, lúc cách mạng vào họ đã hân hoan chào đón. Nhưng chỉ một hai năm sau, phạm trù “Là” biến mất, nhường chỗ cho giai đoạn thứ hai là giai đoạn của phạm trù “Bạn”: giới trí thức dần dần nhận ra những khoảng cách giữa mình với cách mạng. Cả hai chỉ gặp nhau ở lý tưởng chung chung nhưng càng ngày càng xa nhau ở những quan điểm cụ thể. Những sai lầm quan trọng trong chính sách xây dựng kinh tế, trong quy chế sử dụng người, trong phương thức quản lý xã hội của Đảng đã làm cho phạm trù “Bạn” biến thành phạm trù “Thù nghịch”. Phạm trù “Thù nghịch” là đặc điểm của giai đoạn thứ ba, theo Nguyễn Trọng Văn, bắt đầu từ năm 1978 với hiện tượng trí thức miền Nam không chỉ giữ khoảng cách vừa phải với cách mạng mà còn có ý hướng chống đối lại cách mạng. Cách chống đối tiêu cực và phổ biến nhất là vượt biển, bỏ nước ra đi.

Trong bài tham luận của mình, Nguyễn Trọng Văn kể, những người trí thức miền Nam còn ở lại đất nước tự xưng mình là “những tín đồ của chủ nghĩa 3N”. Chủ nghĩa 3N là gì? Nguyễn Trọng Văn giải thích: đó là Ngu, Nghèo và Nhát.

Theo tác giả thì sau khi bài tham luận đến tai Thành uỷ, đích thân Trưỏng ban Tuyên huấn Trần Trọng Tân đã đến Đại học Tổng hợp chủ trì một “hội nghị mở rộng” để đả phá quan điểm của Nguyễn Trọng Văn. Thực ra đây là một cuộc đấu tố vì, theo tác giả, hội nghị là cơ hội để “Hết người này đến người khác lên phê phán Nguyễn Trọng Văn”. Sau đó thì Nguyễn Trọng Văn bị “cảnh cáo nghiêm khắc” và tắt tiếng ca.

Đem hành động này của Nguyễn Trọng Văn so với “nhà văn lớn” tự nhận là “con chó sủa theo lệnh Đảng”, Đảng đúng mình sủa đúng, Đảng sai mình sủa sai thì quả là khác nhau một trời một vực. Với tôi thì, trong chuyện này, Nguyễn Trọng Văn là người can đảm, bản lĩnh.

Với những kẻ “play it cool” cho rằng chuyện đó “thường thôi”, chỉ là ông Nguyễn Trọng Văn “đủ khôn ngoan” để tháu cáy mấy bậc quan quyền đỏ mà thừa cơ “lên tiếng” chứ chẳng bản lĩnh gì, tôi thực sự bái phục họ ở trái tim và con mắt hơn đời.

Hey Jude, don't let me down...

© 2008 talawas