trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
31.5.2008
Trần Hậu Yên Thế
Trang hoàng cho cây xà cừ đường Láng
Thuận Thiên thực hiện
 
Trong triển lãm “Chuyện riêng tư và những câu chuyện theo đuổi về đêm” cuối tháng 4/2008 tại Trung tâm Văn hoá Pháp, Hà Nội, hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế [1] đã giới thiệu cho công chúng một loại hình nghệ thuật mới. “Trang hoàng cho cây xà cừ đường Láng” là tác phẩm “Nghệ thuật Dự án” gắn với một dự án phát triển đô thị đang được bàn cãi... Nhà báo Thuận Thiên có cuộc trò chuyện với tác giả về dự án thú vị này.
Nguyên do nào đưa anh đến ý tưởng về dự án này?

Ngày 15/6/2007, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam đã trình UBNDTP Hà Nội dự án “Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng và du lịch trên sông Tô Lịch’’ gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khái toán là 255 tỉ đồng. Gần như toàn bộ số kinh phí này (220 tỉ đồng) được chủ đầu tư dành để xây dựng một sàn bê-tông kê lên mặt sông Tô Lịch (từ dưới Cầu Giấy 50m đến Cầu Trung Kính, và từ 50m dưới Cầu Hòa Mục đến 300m trên Cầu Mới) tổng cộng dài khoảng gần 1km để xây dựng bãi đỗ xe, nhà hàng ăn uống, ki-ốt bán hàng, chợ ẩm thực... trên mặt sông.

Công trình này nếu trở thành hiện thực sẽ đem lại cho thủ đô một khu phố ăn chơi sầm uất. Đường Láng đã từng nổi tiếng về các nhà nghỉ, các quán karaoke, các quán tẩm quất, massage. Đặc biệt với đoạn đường khoảng 3700m đã có tới 68 cửa hiệu cầm đồ, cho thấy tiềm năng cung cấp tài chính tức thời cho dân chơi của khu vực này.

Đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở tới Cầu Giấy có chừng 390 cây xà cừ lâu năm. Những cây xà cừ nổi nhiều u mấu gợi cảm, gợi tình và giầu chất tạo hình. Việc ứng dụng nghệ thuật đường phố (graffiti) vào việc trang hoàng cho hàng cây xà cừ nơi đây sẽ tạo nên những biểu tượng hấp dẫn cho một khu giải trí sôi động.

Những phác thảo tranh Graffiti trên cây xà cừ đường Láng

Dự án này ban đầu còn có tên là “Háng Lạ Graffiti” vì phường Láng Hạ từng nổi tiếng là một trong những khu đèn xanh đèn đỏ của thành phố. Cùng với một con đường graffiti còn có khu vườn tượng rất hoành tráng. Khu vườn nay sẽ thu nạp hàng chục cây xà cừ bị chết khô, bị gió quật đổ hàng năm trong thành phố về đây. Khu vườn này có tên là “Vườn hoa H-X” (H là rau húng, X là xà cừ). Những thân cây xà cừ trần trụi phô bầy những ung bướu, những khùng khoằng là những pho tượng thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Nội. Bên dưới hàng cây khô sừng sững là những vạt rau húng Láng thơm ngào ngạt sẽ xua đi mùi hôi thối bất chợt xông lên từ lòng sông. Húng Láng, một biểu tượng của lịch sử và cùng với xà cừ Láng một biểu tượng trong thời hiện đại sẽ tạo nên một khúc ca ngày mới.

Dự án này gồm những tác phẩm cụ thể nào?

Các tác phẩm rất đa dạng về thể loại: tranh vẽ, ảnh chụp, nghệ thuật tổng hợp, sắp đặt, trình diễn... và có cả những văn bản nữa. Tôi xin nêu thí dụ: phác hoạ trình diễn “Chiến”, kịch bản video clip “Trâu húc” và văn bản “Thư gửi Công ty Công viên cây xanh”.

Tác phẩm: “Chiến”

Tác giả: Trần Hậu Yên Thế
Thể loại: Trình diễn giả tưởng

Vào những năm sau 2010, khi dự án cống hoá sông Tô đã đi vào hoàn tất, nhà nghỉ, các quán massage mọc lên như nấm. Tác phẩm này được hình thành trong bối cảnh như vậy.

Mô tả chi tiết: Nghệ sĩ trong trang phục một nam thanh niên đội mũ cối mặc áo phông đi đến tất cả các nhà nghỉ dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Vào tới nhà nghỉ nào, người thanh niên này cũng hỏi một câu: Ở đây chiến có an toàn không?

Sau khi nhận được những câu trả lời, anh ta xin nhân viên lễ tân tấm danh thiếp nhà nghỉ. Trong triển lãm sẽ trưng bày các tờ danh thiếp - mặt sau ghi những lời đáp của nhân viên lễ tân.

Kịch bản video clip cho thuốc tăng lực Trauhuc

Đây là loại thuốc tăng lực cho phái mạnh… có lúc yếu. Loại thuốc này có nguồn gốc thảo dược từ Tây Tạng được chưng cất đóng vào lon.

Cảnh quay 01: Một nhận vật bụng to, đầu hói (có lẽ là sếp), vừa bước xuống ô tô.

Cảnh quay 02: Người đàn ông lúc băng ngang qua đường, rẽ vào một nhà nghỉ tiện tay vứt lon Trauhuc vào gốc một cây xà cừ.

Cảnh quay 03: Nước còn sót lại trong lon từ từ rỉ ra, thấm xuống đất.

Cảnh quay 04: Ống kính tập trung vào thân cây. Cây bỗng nhiên rùng mình, bắt đầu có sự thay đổi từ bên trong. Thân cây hồng rực lên trong đêm tối. Các ung bướu cương cứng, ngóc lên và căng phồng.

Cảnh quay 05. Một đàn kiến đi qua, có một con vô tình giẫm phải nước tăng lực này bỗng to lên gần bằng một con cóc.

Cảnh quay 06. Con kiến (đã to bằng con cóc này) đắc ý nhìn xuống phía dưới bụng rồi lấy chân gạt lon bia ra để xem nhãn hiệụ.

Cảnh quay 07. Nhãn hiệu Trauhuc hiện lên và kết thúc.

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc

Kính gửi: Công ty Công viên Cây xanh (Hà Nội)

Tôi là Trần Hậu Yên Thế - Họa sĩ, Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Cây xà cừ là loài cây rễ nông, lá nhiều, to lớn rất dễ kềnh vào mùa mưa bão. Hàng năm trên thành phố số lượng cây xà cừ bị chết hay bị đổ không ít. Cây xà cừ ngoài giá trị làm gỗ sử dụng làm đồ nội thất, còn có giá trị thẩm mỹ rất cao. Người xưa có câu: trồng trúc trước sân dưỡng lòng ngay thẳng – trồng cỏ trước thềm để nuôi lòng nhân ái”. Cây xà cừ thân tuy không thẳng, cũng không bé nhỏ, không phải là biểu tượng cho lòng chính trực và nhân ái, nhưng trông lại rất phồn thực. Tôi xin có một đề xuất nhỏ là thu nhặt một số cây xà cừ đã chết để tạo thành một quần thể tượng ven bờ sông Tô Lịch. So với quần thể tượng ở ven sông Hương (Huế) thì chất biểu hiện của vườn tượng (bằng cây xà cừ) trội hơn hẳn. Hà Nội là thành phố duy nhất trên thế giới có nhiều cây xà cừ lâu năm đang sắp đến tuổi… kềnh. Nếu đề án này sớm được chấp nhận sẽ cho Hà Nội thêm một vườn tượng điêu khắc, mang phong cách của nghệ thuật đương đại bậc nhất ở châu Á.

Xin chân thành cảm ơn và gi tới quý vị lời chúc sức khỏe.
Nội 16/4/2008

Như vậy là dự án mang tính châm biếm khá rõ?

Không chỉ châm biếm, nó còn muốn gợi ra cho người xem những suy tư, phản ứng trước những vấn đề thiết thực của đời sống hôm nay, đồng thời những cách nghĩ, cách cảm mới về nghệ thuật, cũng như vai trò của nghệ thuật đương đại đối với xã hội. Đó chính là tác dụng của loại hình “Nghệ thuật Dự án”.

Nghệ thuật Dự án là một loại hình khá mới lạ đối với công chúng Việt Nam. Anh có thể nói rõ hơn về những đặc điểm của nó?

Nghệ thuật Dự án tiếp tục thực hiện một chu trình phủ định không ngừng nghỉ của Nghệ thuật Khái niệm; nó là đứa con cưng nhất, tập trung được cái gen tinh tuý nhất của Nghệ thuật Khái niệm. Nghệ thuật Dự án không hướng đến sự mô tả. Cống hiến lớn nhất của Nghệ thuật Khái niệm là gợi cho con người xem lại một cách triệt để bản thân nghệ thuật cũng như nền chính trị, kinh tế và văn hoá mà nó tồn tại trong đó. Hơn nữa nó còn vượt ra ngoài khuôn khổ của nghệ thuật, khuyến khích công chúng xem lại nền văn hoá hiện đại, suy ngẫm về quá khứ và hiện tại của loài người.

Phương án nghệ thuật là những câu chuyện về những dự định hài hước hoang đường và thâm thuý lấp lánh ánh sáng trí tuệ mà hết sức đời thường. Nó mãi mãi là những giả định, nếu được thực hiện phải coi đây như những siêu trình diễn, siêu sắp đặt. Từ “những câu chuyện” có nguồn gốc từ tiểu thuyết, mẩu quảng cáo, tiết mục truyền hình, tạp chí, báo, bỗng nhiên trở thành những phương án nghệ thuật.

Những đặc điểm cơ bản của Nghệ thuật Dự án:
  • Chỉ là những dự án nên nó hoàn toàn loại bỏ các hành vi thao tác.
  • Các dự án cơ bản thoát khỏi các hạn chế, các điều kiện hoàn thành tác phẩm như kinh phí, năng lực thể hiện, không gian trưng bày.
  • Các dự án trong cuộc cạnh tranh giành phần thắng chính là nhờ ở hiệu quả biểu hiện thái độ và tính quả quyết, minh bạch của phương án.
Tiêu chuẩn của các dự án: Một là căn cứ vào độ bao trùm của phương án. Hai là mức độ mới của khái niệm. Ba là chiều hướng của độ vang vọng của phương án.

Với tôn chỉ phi trình hiện, giảm thiểu tới tối đa lượng vật chất của tác phẩm, các tác phẩm Nghệ thuật Dự án chẳng những nhận được tiếng thở phào nhẹ nhõm của các giới chức mà nó được một sự hưởng ứng đông đảo của các nghệ sĩ vốn xuất thân không phải là các nghệ sĩ thị giác chính thống.

Trên thế giới, Nghệ thuật Dự án đã phát triển ra sao? Chúng ta có thể rút ra những kinh nghiệm gì từ những người đi trước?

Muốn hình dung về Nghệ thuật Dự án trên thế giới, có lẽ dễ nhất là nói về thực tế Trung Quốc, nơi có văn hoá và nghệ thuật truyền thống giống như ta, nhưng đã phát triển Nghệ thuật Dự án (Trung Quốc gọi là “Nghê thuật Phương án”) khoảng một thập niên.

Triển lãm Nghệ thuật Phương án có quy mô đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 7 năm 1994 tại nhà trưng bày nghệ thuật Hàn Mặc (Bắc Kinh). Tháng 8 cùng năm đó ra vựng tập triển lãm có tên Sách bìa đen của Ai Weiwei (Ngải Ngụy Ngụy). Ai Weiwei, người khởi xướng nền Nghệ thuật Phương án ở Trung Quốc là một nhà thơ, kiến trúc sư, nghệ sĩ thị giác, là đồng tác giả của sân vận động Olympic 2008. Năm 2001, từ 17 đến 30 tháng 11 tại Trung tâm Nghệ thuật Hải Thượng Sơn, Thượng Hải đã trưng bày cuộc triển lãm “Nghệ thuật Phương án Trung Quốc: vòng quay 360 độ”. Một trong những diễn đàn nữa của Nghệ thuật Phương án gần đây của Trung Quốc có chủ đề: “Tiêu chuẩn của kiến trúc thế kỷ 21”. Có thể tìm thấy ở đây những giả tưởng châm biếm từ hiện tượng tiêu chuẩn kiến trúc hết sức phức tạp ở một đất nước đông dân này.


Tác phẩm ví dụ 1:

Tên tác phẩm: “Gian phòng tiêu chuẩn” – Văn bản trần thuật

Nghệ thuật gia : Dương Miện

Trung Quốc hôm nay, từ thành thị tới nông thôn, từ Thành Đô tới Bắc Kinh, không ở đâu không bị sự tăng trưởng kinh tế vùn vụt thôi thúc, mọi người đều đang mô tả và mong chờ một tiêu chuẩn mới, tốt đẹp của thế kỷ 21, kiến trúc trở thành một chủ thể của tiêu chuẩn của một đời sống mới tốt đẹp. Từ hợp lực dốc sức của thương mại và truyền thông, từ góc độ hoàn mỹ của ngôn từ người viết mô tả tiêu chuẩn Mới của kiến trúc là: kính màu màu xanh, gạch ốp màu trắng, nếu kính màu lục thì gạch ốp màu lục. Tiểu khu hoá, lầu đơn nguyên, thảm cỏ trước sân. Những tiêu chuẩn đẹp đã lỗi thời kiểu “tường đỏ gạch vàng, tường trắng gạch xanh sẽ hoàn toàn bị bọc lại, chỉ có tiêu chuẩn của kiến trúc mới sẽ càng ngày càng trở thành ước vọng của mợi người. Nghệ thuật phương án “Tiêu chuẩn kiến trúc thế kỷ 21” là một phương thức dùng văn tự để xác lập một tiêu chuẩn hoàn mỹ, từ đó đem tiêu chuẩn hoàn mỹ này đi cải tạo những tiêu chuẩn cũ, nghệ thuật giúp đỡ mọi người hoàn thành tiêu chuẩn hoàn mỹ một cuộc sống mơ ước. Tường trắng, gạch ốp, những đường lượn Rococo, sàn gỗ, sô-pha, không khí mát lạnh tinh khiết của điều hoà, phòng khách bày một TV màn hình lớn, có sự khác biệt đẳng cấp đồ gia dụng.

Tác phẩm ví dụ 2:

Tên tác phẩm: “Trung thu 2006, ngẩng đầu vọng minh nguyệt, cúi đầu nhớ quê nhà”

Tác giả: Trung Kiện Phu

Trăng sáng trên thiên hạ chỉ có một, ước gì trăng đến mọi nhà cùng vui Trung thu? Trong phương án này chúng tôi muốn làm một chuyện. Tạo ý thật diệu mà giản đơn, bất luận ai trong Trung thu, khi toàn gia đoàn viên đều có thể căn cứ vào trình tự phương án này mà làm, miễn là có trăng sáng. Nếu như nhà bạn ở chỗ hẻo lánh, thường có lũ khỉ lui tới thì bản ý này lại càng thích hợp.

I. Đạo cụ


Một chiếc bát. Nếu gần đó có một cái ao cũng được, miễn sao đêm đó tốt nhất là không có gió.

II. Phương thức ngắm trăng

1. Đổ nước đầy bát, mang ra ngoài trời, xung quanh đặt hoa quả, bánh Trung thu và thắp chút nến.

2. Đợi lúc trăng sáng trên trời thì đọc đoạn Tân Đường thi: “Trước bát ánh trăng vằng vặng – Ngờ là trên đất đẫm sương, cử đầu ngắm trăng sáng - Cúi đầu nhớ quê nhà”.

3. Nếu như tâm thành tất có linh nghiệm, đọc xong thì thổi tắt nến, ánh trăng sẽ chiếu hiện trong bát, nếu quan sát kỹ sẽ thấy Hằng Nga và Ngô Cương. Nếu bạn là một du khách đang lúc máy bay cất cánh, hoặc gia đình gần phi trường mà khi thấy máy bay bay lên mà nhớ đến người thân phương xa, sẽ càng thấy “cúi đầu nhớ quê nhà”.

III. Những vấn đề lưu ý

1. Trăng khi mới lên, không dễ toả chiếu

2. Nhà ở chốn đô thị đông đúc, cao tầng, khi trăng rọi sáng trên không trung, có thể nhìn thấy những ánh trăng rọi, có thể dịch người điều chỉnh phương vị, để thông qua mặt nước mà ngắm trăng. Nếu mời được trăng nhập vào bát, năm nay hẳn sẽ đại phát.

3. Nếu lũ khỉ gần đó vào nhà thì hãy cùng mời đến quanh bát hay hồ nước, nhắc lũ trẻ không gây ầm ĩ với lũ khỉ.

4. Rượu quế hoa tửu của Ngô Cương, hương thơm nồng hậu chớ uống cạn, ngày mai còn phải đi làm. Từng có lũ khỉ, không tiết chế được, say ngã lăn xuống nước mà chết, thật cực lạc sinh bi. Nhất thiết phải huấn luyện cho kỹ-

Sự phát triển của Nghệ thuật Phương án không đơn giản chỉ vì có được sự đồng thuận của giới chức mà ở đây có lý do của internet và truyền thống nghệ thuật văn tự Trung Hoa. Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã nhanh chóng tăng số lượng người truy cập internet ở đất nước đông dân bậc nhất hành tinh này. Nghệ thuật Phương án rất giống như những câu truyện cười thâm thuý nhanh chóng lan truyền trên mạng. Tác giả của nó là kỹ sư, ký giả, nhà văn, triết gia, dịch giả, sinh viên… tóm lại là những ai có sở thích xây dựng những không gian tư tưởng. Nghệ thuật Phương án Trung Quốc được hỗ trở bởi các công nghệ hiện đại đã rút ngắn khoảng cách giữa tác giả, người nghệ sĩ với công chúng.

Tôi tin là Nghệ thuật Dự án ở Việt Nam sẽ được sự hưởng ứng của đông đảo người dân đô thị, với tư cách vừa là tác giả vừa là công chúng.

Xin cảm ơn hoạ sĩ.



[1]Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Giảng viên thỉnh giảng Đại học Bắc Kinh Trung Quốc, Đại học Umeca Thụy Điển.
Nguồn: Má»™t phần của bài này đã đăng trên Tạp chí Người Đô Thị ngày 25/5/2008