trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
23.10.2007
Nam Dao
Cao Xuân Hạo, những nỗi niềm và trăn trở…
 
Tôi gặp anh lần đầu khi cùng Trịnh Công Sơn đến thăm anh ở Phú Nhuận. Trưa hôm đó, con gái anh và chị Thanh đang còn tuổi ô mai, đòi chú Sơn hát "Ở trọ" cho nghe. Anh ngồi, gật gù, cười nửa miệng với phong cách nho nhã ngày càng ít thấy. Sơn hát xong, anh ôm đàn, đáp lễ. Anh cũng hát, một bài thời anh tham gia kháng chiến, giọng trong và khoẻ, ngân nga luyến láy như ai. Hình như đó là bài có những câu như "chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều, bên đèo tiếng suối reo… đạn bay vèo". Năm đó, năm 1982. Trên tập Về Kinh Bắc chỉ được in chính thức năm 94 tặng tôi, tức là 12 năm sau, anh Hoàng Cầm ghi: để nhớ một năm đầy hạnh phúc và oan nghiệt. Hạnh phúc, tôi yêu, rồi tôi quýnh quáng lấy vợ, quà tặng của anh Cầm là tập Về Kinh Bắc anh nắn nót chép tay cho tôi. Oan nghiệt, khi ra phi trường Tân Sơn Nhất, người ta cộp tôi lại, rà soát xem tôi có mang văn hoá phản động ra ngoài không? Tập thơ anh Cầm tặng, tôi gửi lại một người bạn. Bạn tôi gửi lại một người bạn khác. Và cuối cùng, chính Cao Xuân Hạo là người giữ để sau này trả về cho nhà thơ, người bị tù chẳng phải vì tuồn tập thơ ra hải ngoại mà vì cái tội bán rượu lậu (?!). Chuyện xưa, xưa như Diễm. Nhắc lại, vì nhớ Hạo, và cái không khí nặng nề của những năm tháng ngột ngạt thời cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên… "thiên đường mù", tên một cuốn tiểu thuyết vào những năm đổi mới sau này.

Đổi mới, tôi thôi bị (được?) cấm cửa, về Hà Nội năm 88. Lại có dịp gặp Hạo từ Sài Gòn ra, và lê la với Dương Tường, Phan Ngọc. Thời đó, báo chí hô khẩu hiệu thời thượng "đậm đà bản sắc dân tộc". Tôi không nhớ Hạo hay Phan Ngọc dí dỏm dịch qua tiếng Pháp là "imbus du caractère national!". Với Hạo, tôi có dịp gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, khi đó chưa tiếng tăm. Hẹn nhau, tôi đến nơi Hạo ở tạm thì đã có TM, một người bạn của anh. Lát sau, Thiệp và một anh bạn vào. Chuyện trò với TM, tôi không để ý lắm đến người mặt mũi khắc khổ sần sùi thì thào to nhỏ với Hạo. Khi anh ta và bạn về, Hạo bảo: "… Đặc biệt đấy! Viết rất hay!". Thì ra nhà văn đến trao đổi với Hạo về dăm ba tác phẩm chưa in. Tôi hỏi, Hạo cho mượn bản thảo (trí nhớ tôi nay tồi, nhưng có thể là "Thương nhớ đồng quê" và "Ngọn gió Hua Tát"?). Đọc và dăm ngày sau tôi đi tìm Thiệp ở một cơ quan phát hành sách gần nhà Dương Tường ngõ Phan Huy Chú, sau tôi còn rủ rê nhà văn đi "rượu chè" ở tư gia đạo diễn Thanh Tú nhân dịp chị làm lễ cúng sao giải hạn. Ngày ấy, nhà văn còn rất dễ mến, hồn nhiên thủ thỉ: "Anh lôi tôi, tôi mới đi chứ tôi ít giao du!", chứ ai ngờ ít lâu sau "người" trở thành chủ quán nhậu Hoa Ban danh trấn giang hồ.

Phải bốn năm sau tôi mới gặp lại Hạo, lần này ở Paris. Oan nghiệp thế nào mà tôi đã tưởng "mút mùa" khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, nên gặp nhau, mừng mừng tủi tủi những chuyện xưa, chuyện nay, chuyện người, chuyện ngợm. Collège de France mời, anh đi và bảo đây là lần đầu được qua một xứ Tây Âu, có lẽ vì cuốn Phonologie et linéarité. Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine (1985) anh in bên Pháp đã có tiếng vang. Trong những ngày nghỉ, chúng tôi lang thang, khi trên bờ sông Seine khu Quartier Latin, khi thì Monmartre, gần một cái appartement cô em Hạo để Hạo trú ngụ. Thời đó, Hạo rất năng động, viết lách khá nhiều, hăng hái làm việc với Tiểu ban Việt học Đại học Tổng hợp TPHCM, hào hứng thúc đẩy và xây dựng Hội Nghiên cứu Ngôn ngữ… Tâm sự, anh bảo nay chỉ mong ước một chuyện, là tiếp tục nghiên cứu và góp phần đào tạo một số anh em quan tâm đến tiếng Việt. Và như mọi lần, anh lại than tiếng Việt bây giờ ngọng nghịu bởi viết với ngữ pháp tiếng Tây. Anh cho rằng chữ Quốc ngữ ABC giữ được âm nhưng làm mất nghĩa, học thì lợi là nhanh nhưng hại ở chỗ mù mờ khiến kiến thức thường dàn trải mà không sâu. Anh lan man qua những vấn đề chuyên môn, cho rằng âm vị học khai triển ở phương Tây không thể dùng để phân tích những ngôn ngữ như tiếng Việt ta, vốn đơn âm, và cứ mỗi âm tiết (tiếng) là một đơn vị ngôn ngữ, không thể phân tích ra thành những âm tố, rồi nhiều âm vị, trong một cấu trúc ngữ pháp châu Âu mà mỗi tiếng có thể gồm nhiều yếu tố có ý nghĩa khu biệt. Trước niềm say mê của anh, tôi nghe. Dĩ nhiên như vịt nghe sấm, nhưng chẳng sao, cái anh truyền đạt được cho những người nghe anh nói là sự trân quí tiếng mẹ đẻ và tấm lòng trung trinh với văn hoá. Học thầy không tầy học bạn. Học giá trị sống, học cách làm người, lòng đam mê. Học những niềm hy vọng. Và cả những nỗi trăn trở.

Cuối 98 đầu 99, tôi lại hồi hương thời mình thôi bị "cấm vận". Gặp Hạo, vẫn trẻ măng, vẫn phong nhã, vẫn cứ một niềm say mê. Kể chuyện vui: sau giờ lên lớp của Hạo, chúng tôi ngồi uống bia ở một cái quán trong khuôn viên Đại học Tổng hợp TPHCM. Cô tiếp viên quen mặt Hạo, gọi bằng thầy, đi qua đi lại "phục vụ" khá chu đáo, cứ như "khách hàng là Thượng đế", ngay cho đám thầy trò nghèo rớt chỉ biết thưởng thức bia hơi và đậu phọng. Đợi Hạo vào toa-lét, cô đến gần hỏi: "Anh công tác ở Hà Nội?". Tôi gật, đá lông nheo, cái thói cứ có dịp là đùa nghịch. "Anh dzô luôn hay đi công tác ngắn hạn?" Tôi đáp: "Dzô luôn, sống ngoải cực lắm!". Thấy tôi bắt chước tiếng Sài Gòn, cô cười: "Chắc ngày trước ông bà già đi tập kết hả?" Tôi lại gật. Khi đó, Hạo ra và cô tiếp viên lui về đứng tựa quầy hàng. Cô liếc tôi, cứ tần ngần, lát sau mang ra mấy điếu ba số, lúng túng: "Em mời thầy, mời anh, hút cho vui!". Hạo ngạc nhiên. Đợi cô tiếp viên đi, Hạo cười tinh quái, bảo cô ta nhẵn mặt thầy mà nay mới mời thuốc, chắc chẳng phải vì thầy mà vì anh. Nhìn tôi dò hỏi, thấy tôi lắc đầu: "Nghịch ngợm ấy mà, kiểu anh hùng thấy chuyện… qua đường… chẳng tha, nhưng chỉ thế thôi!", Hạo hỏi: "Ông có đọc Zorba the Greek chưa?". Cười ha hả, Hạo tiếp: "Zorba nói, khi một người đàn bà đến anh dâng hiến tình yêu mà anh quay lưng, thì anh có biết thế là anh báng bổ thần linh không?". Ôi chao, nhưng tôi biết làm chi đây? Nhìn lên, ảnh Bác vẫn đó, Bác sống mãi trong sự nghiệp chúng ta. Nhìn xuống, cái thân mình Việt kiều bước đi một bước giây giây lại dừng và… nhìn về đàng sau, tôi ngậm ngùi lẩy Kiều: "Zorba thì mặc Zorba. Quan trên trông xuống, người ta trông vào… Thôi ông ạ, ta đi…"

Hoà hợp trong-ngoài tuỳ giá máy bay về nước, thời gian thoát được chuyện áo cơm, lại phụ thuộc vào độ phập phồng mở ra đóng vào trong "hoàn cảnh" đối ngoại nên năm năm sau tôi mới gặp anh. Lần này, Công ty Văn hoá Phương Nam đã mua lại tác quyền toàn bộ tác phẩm của anh, hẳn đời anh "tươi" hơn ít nhiều. Anh không còn ở đường Huỳnh Văn Bánh quận Phú Nhuận mà dọn đến phố Phạm Văn Chiêu ở Gò Vấp. "Lạ thật, ông Bánh rồi ông Chiêu lấy làm tên đường, nhưng ông có biết họ là ai không?", tôi hỏi. Hạo lắc đầu, đăm chiêu "… Chuyện lạ thì đất nước này nhiều lắm!". Anh mang ra cuốn Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (Nxb Trẻ, 2003), giở trang 333, bài nói về tính hiếu học…, đọc một đoạn cho tôi nghe: mục Viết nhịu trong tạp chí Ngôn ngữ & đời sống của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam kê ra vài trăm lỗi viết về tri thức cơ bản thường thấy. Trong các sách giáo khoa đại học, có thể tìm ra 2000 câu lỗi như thế, và trên căn cứ có kiểm kê, khoảng 72% sách đại học đều chứng tỏ người viết không biết đến những tri thức ngôn ngữ sơ đẳng. Cuốn Nhập môn ngôn ngữ học được mang giảng dạy ngang nhiên phủ nhận tất cả thành tựu của ngành ngôn ngữ học của toàn nhân loại, và lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM, năm 1997, Hạo gửi thư cho ông Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo một thư dài kèm 200 trang tư liệu minh chứng, để kiểm tra và kết luận về tác hại của cuốn sách đó. Nhưng đến nay, tức 7 năm sau, vẫn chẳng có hồi âm, kể cả công văn báo đã nhận thư cũng không có!

Hôm đó là ngày mồng hai Tết. Đáng lẽ phải vui xuân, chúng tôi lại lẩn thẩn nói những chuyện cực lòng. Ngay cả đối với những giáo sư ngôn ngữ, chẳng lẽ họ lại coi thường tiếng mẹ đến thế sao? Họ chắc phải biết ngôn ngữ là lớp trầm tích sâu nhất của văn hoá, khai quật thì có thể soi rọi cách sống, từ tư duy, cảm nhận đến những quan hệ ứng xử giữa người với người, giữa cá nhân và cộng đồng… Lơ là để cho ngôn ngữ thành một thứ tạp nham dị dạng vô hồn, có thể nào, tôi nói liều, cả dân tộc này mắc chứng trầm cảm tập thể, giải quyết bệnh tâm thần bằng cách xô nhau làm giầu ăn xổi để khỏi suy nghĩ, hệt như trong một xã hội tiêu thụ vinh danh khách hàng như Thượng đế, tha hoá biến chính mình thành một món hàng không hơn không kém?

Trong tương quan giữa ngôn ngữ và văn hoá, tôi đặc biệt quan tâm đến những đại từ nhân xưng, trao đổi với Hạo dịp đó, và hứa sẽ đào sâu sau này. Ở ngôi thứ nhất dạng đơn, ngoài tôi, ta, tao, tớ, mỗ có tính hồi chỉ chính danh thì có lẽ đến 90% chúng ta dùng ngôi vị thân tộc và tuổi tác (con, cháu, anh, em…) để xưng hô. Ở dạng phức, ta ghép thêm từ chúng vào ta, tôi, tao. Ở ngôi thứ hai, ngoài từ mày, mi, bay xưng hô phần lớn tuỳ tuổi tác (cụ, ông, cha, mẹ, anh, em), chức năng hoặc cương vị (bác sĩ, giáo sư, ngài…), thường ở dạng đơn, thêm những hoặc các hoặc tụi hoặc bọn để chỉ dạng phức (nhưng xin lưu ý các anh, chứ chúng anh lại chỉ ngôi thứ nhất). Với hai ngôi này, rất ít đại từ có tính trung hoà được dùng trong đời sống, khác hẳn với những ngôn ngữ phương Tây (je, moi, tu, toi, nous, vous trong tiếng Pháp, I, you trong tiếng Anh) hoặc trong tiếng Trung Quốc (ngổ, nỉ… áp dụng một cách phổ biến ngay trong quan hệ gia đình giữa bố mẹ anh em). Nếu mày, tao được sử dụng giữa bè bạn thì chúng (tụi, bọn) bay, chúng (tụi, bọn) mày, chúng (tụi, bọn) tao (ta) thường chỉ những quan hệ những nhóm có ít nhiều đối kháng cành cựa với nhau. Đặc biệt hơn hết là nhân xưng trên cơ sở tuổi tác, địa vị, và liên hệ trên-dưới có tính thân tộc vừa miêu tả tạo ra một tương quan bất bình đẳng giữa những con người. Tác động tốt của nhân xưng thân tộc (cha mẹ cô chú anh em) một cách đại trà như thể mọi người cùng thuộc một gia đình là tạo ra liên kết tình cảm, nhưng mặt tích cực đó có thể bị triệt tiêu vì hai yếu tố. Thứ nhất, cái liên kết trên ảo; nó thể hiện một sự mong đợi trông chờ chứ không phải một hiện thực, và đẩy đến một cực nào đó, nó là sự giả trá chấp nhận như một qui ước. Thứ nhì, nhân xưng ở ngôi thứ nhất tự thân bị những ràng buộc trên-dưới, ảo-thực… nên khó có thể phát huy trọn vẹn cái tôi cá thể bị kiềm toả trong ngôn từ xưng hô phản ánh trật tự (thậm chí, đạo đức) của xã hội dựa trên nền tảng gia đình thị tộc [1] . Cái nền tảng đó do truyền giống nên tự nhiên và bất biến, hệ luận là từ cách xưng hô đó, cái trật tự kia cũng vậy, và con người sử dụng nó vô hình chung bị vi khuẩn "bảo thủ" ngấm vào đến tiềm thức, ứng xử thụ động trước mọi quyền lực ngoại tại.

Nhưng đáng chú ý là những đại từ nhân xưng ở ngôi thứ ba. Tôi rất khó chịu khi phải sử dụng nàngchàng, nghe nó cứ như "làm sao ấy", hơi "sên sến", lắm khi dùng không khéo thì phá tan nát cái không khí văn chương. "Thiếu gì từ khác", Hạo đáp. Hết thời gian nên tôi phải chia tay, hứa sẽ "lạm" bàn với Hạo lần gặp sau.

Ở ngôi thứ ba, ngôn ngữ ta quả không thiếu gì đại từ nhân xưng ở dạng đơn: giống đực: y, hắn; giống cái: ả, thị; trung tính: nó, va(?), nghỉ… chẳng hạn. Từ va nghỉ hoặc là tiếng địa phương, hoặc là tiếng cổ, nay không còn thông dụng. Ở dạng phức, chỉ còn chúng (bọn, tụi) nó. Nhưng mỗi đại từ trên đều mang một nghĩa hàm ẩn, thường là nghĩa xấu. Thị, ta liên tưởng đến tôi đòi, quê kệch. Ả, tất ả giang hồ, đám xướng ca. Y, có vẻ gì như hiểm hóc, tối tăm. Còn hắn, đỡ hơn, nhưng chắc chắn xa lạ. Tóm lại, với những đại từ nhân xưng ngôi thứ ba vừa nêu lên, tính cách và thậm chí bản chất khác với chủ thể hiển ngôn ở ngôi thứ nhất. Nó thường hàm ẩn sự đánh giá, từ khinh miệt đến xa lánh, vì chuẩn mực "đạo đức" gắn vào danh xưng tưởng như trung hoà nhưng chính ra không phải vậy. Tưởng tượng một cuộc thoại giữa tôi với anh về một đệ tam nhân ở ngôi thứ ba. Danh xưng không thôi cũng có khả năng chia rẽ: gọi là y, là hắn, là nó… đều hàm chứa đánh giá đối tượng này. Bây giờ, giả thử có ba người và những cuộc đối thoại song phương về một người thứ ba. Đánh giá hàm ẩn qua đại từ nhân xưng gấp lên ba lần, tỉ lệ thuận với khả năng chia rẽ. Và có phải chính vì thế mà cứ có một người Việt thì công việc chạy hơn với hai người người ngoại quốc (người Nhật chẳng hạn), trong khi có ba người Việt thì lại không bằng chỉ với một người (như người Nhật chẳng hạn) như trong chuyện tiếu lâm tân thời. Ngôi thứ ba dạng phức cũng vậy. Chúng (bọn, tụi) nó có cái gì đó không thiện cảm chút nào, chẳng những xa lạ mà còn như đe doạ. Và chính vì vậy mà chúng ta lúc nào cũng phải đối phó với chúng nó, khi thì lao vào chiến tranh, lúc hoà bình thì ta dùng mẹo trong ngoại giao, trước sau bất tất cứ phải như một. Ở ngoài nước, tình trạng phân chia phe nhóm chúng ta hầu như có trong tất cả mọi cộng đồng rải rác khắp nơi. Chỉ khi chúng nó là một đe doạ thực sự thì chúng ta mới đoàn kết được.

Tôi vừa đưa ra giả thiết rằng tính chất của đại từ nhân xưng ngôi thứ ba có thể là một (một thôi, xin nhấn mạnh) trong những yếu tố giải minh tính chia rẽ giữa người Việt với nhau. Giả thiết này không đề đạt một hệ luận nhân-quả, thuần là một giả thiết về tương quan giữa ngôn ngữ với văn hoá và xã hội mà thôi. Trong tham luận "Ngôn ngữ học có thể đóng góp gì vào việc tìm hiểu tư duy và văn hoá Việt Nam?" đọc tại Hội nghị Quốc tế về các giá trị văn hoá phương Đông ở Hà Nội năm 1999 [2] , Cao Xuân Hạo đề nghị bảy vấn đề, hoặc hệ vấn đề, mà khi được giải quyết thích đáng sẽ dẫn đến những tìm tòi xa hơn. Anh viết: 1… 2… nhưng tôi xin chỉ kể:

7. Tại sao, và tự bao giờ, các thuật ngữ chỉ quan hệ thân thuộc được dùng thay cho các đại từ nhân xưng, các đại từ nhân xưng hồi chỉ chính danh trở thành vô lễ, và rốt cuộc trong tiếng Việt không còn có đại từ nào (kể cả đại từ hồi chỉ) có tính trung hoà… nữa? Hệ thống đại từ này có ảnh hưởng như thế nào đối với các quan hệ giữa người với người trong xã hội Việt Nam?

Là người "ngoại đạo" ngành ngôn ngữ, tôi vẫn đánh liều thử "lạm" bàn, lẽ ra là chỉ với Hạo lúc sinh thời, nhưng nay quá muộn nên đành viết ra để thay một nén hương thắp lên cho bạn. Đó là cách cá nhân tôi trả nợ, nhưng điều này nhỏ, tôi chỉ hy vọng làm xúc tác cho một cuộc tìm tòi nghiêm túc và có hệ thống.

Chuyện lớn hơn, tôi nay xin thưa. Tháng 8 năm ngoái, năm 2006, tôi lại gặp Hạo. Lần này, rõ là anh hơi tiều tuỵ, trầm ngâm hơn, nhưng lúc chuyện trò, anh vẫn giữ được chất lửa khi nói về những nỗi niềm và trăn trở. Trăn trở, anh lo chuyện lạm phát phi mã những mảnh bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ. Những chức danh giáo sư, phó giáo sư. Anh sợ định luật Graham, như với tiền giấy hồi thế kỷ thứ 17 bên châu Âu, "la mauvaise monnaie chasse la bonne" [3] . Anh than vãn, báo chí tự thân có trách vụ văn hoá và giáo dục, nhất là với ngôn ngữ vì phần lớn người ta có đọc là đọc báo. Nhưng khốn thay, đội ngũ làm báo tắc trách, đáng lẽ nâng lên thì lại làm ngôn ngữ xuống cấp, mất ngữ nghĩa, mất trong sáng… mà tôi lấy một thí dụ điển hình trong phụ lục dưới đây.

Còn về nỗi niềm của anh, tôi xin chỉ kể ra đây một. Hỏi Hạo về khả năng nhóm cộng sự và môn sinh tiếp tục đào sâu những vấn đề học thuật anh chưa giải quyết được, anh trầm ngâm rất lâu, lát sau nói: "Mình cũng kỳ vọng ở họ rất nhiều, nhưng khả năng đâu chỉ tuỳ thuộc họ, nhất là ở cái buổi ‘hội nhập’ này, anh em làm khoa học đâu mang rao bán được cái gì trong kinh tế thị trường!". Mắt sáng lên, anh nói về một bộ những cuốn sách giáo khoa anh đã cùng họ soạn thảo với hy vọng thay thế những cuốn sách quái dị kiểu Nhập môn Ngôn ngữ học đã kể ở trên, hy vọng đem tiếng Việt thuần khiết chứ không sao chép ngữ pháp châu Âu trả về cho người Việt. Theo một bài phỏng vấn Cao Xuân Hạo trong báo Xuân Lao Động năm 2003 [4] thì:

Hỏi: Thời hội nhập, tiếng Việt có cần tuân theo những quy tắc truyền thống quá cứng nhắc nữa không; hay cần đơn giản hoá, thưa ông?

Đáp: Làm sao tiếng Việt chấp nhận những kiểu nói của tiếng châu Âu? Tôi không hẹp hòi, nhưng rõ ràng có một điều kiện tiên quyết và quyết định là đừng làm mâu thuẫn những quy tắc ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt. Duy nhất trước đây có Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặt vấn đề về một trong những quy tắc mà ngay chính các nhà ngôn ngữ học cũng không giải thích được, chỉ dùng theo bản năng. Nhiệm vụ của nhà ngôn ngữ học là hiển ngôn hoá những gì mà em bé năm tuổi chưa hiển ngôn được. Tôi đã viết gần xong 300 quy tắc như thế cho riêng tiếng Việt.

Tôi không biết các anh đã soạn xong bộ sách chưa, và nếu xong, những cơ quan có chức trách khu xử thế nào. Riêng mình, tôi cầu mong cho nó đến được tay những sinh viên, học sinh, những nhà văn nhà thơ, những biên tập viên, những nhà báo, ngài Chủ tịch Nước, ngài Thủ tướng, và vân vân.

Chia tay Hạo năm ngoái, tôi leo lên ngồi sau Honda của một người bạn, quay lại vẫy. Anh đứng trên lề đường, nhìn theo, và cười, vẫn cái cười phong nhã. Hẹn hò gặp nhau nay khép lại, vĩnh viễn. Mở cuốn sách anh đề tặng, … để nhớ những lần gặp nhau (về rất nhiều phương diện), tôi không khỏi bùi ngùi. Nhưng Hạo ạ, sống ở thác về. Sống thế nào, anh đã sống toàn vẹn. Còn thác, thì chuyện dĩ nhiên ấy mà. Và nơi về với một con người đã sống toàn vẹn là lòng những người ở lại.

Quebec 21-10-2007




Phụ lục
Nhặt cỏ dại trong một bài báo trên web của BBC tiếng Việt ngày 19-10-2007

Theo truyền thống nhặt cỏ dại, còn gọi là bắt sâu, trong báo chí, tôi xin làm công việc này với một bài báo (có thể đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ). Những chữ hoặc câu in đậm là để lưu ý, phần trong ngoặc là cách tôi hiểu và đề nghị thay thế, hoặc giản dị là tôi không hiểu! Không phải có hậu ý phê phán BBC mà tôi đã được đọc những bài viết công phu và có chất lượng, tôi làm cái việc nhổ cỏ dại này chỉ nhằm thể hiện nỗi lo âu của những người thấy "tiếng Việt xuống cấp tới mức trầm trọng", trong đó có Giáo sư Cao Xuân Hạo, người đã lên tiếng đánh động nhiều lần.

Người tiên phong DNA bị đình chỉ

Tiên phong cho cái gì? Phải chăng: người tiên phong trong nghiên cứu về DNA?

Đình chỉ gì? Công sự, hợp tác? Đọc tựa, tôi không thể đoán ra nội dung. Đọc cả bài báo, tôi hiểu thế này:

Đình chỉ cộng sự của người tiên phong trong nghiên cứu về DNA

Cái tựa đề thêm 7 chữ, nhưng rõ nghĩa và tóm lược được nội dung bài báo.

Ông Watson nhận được những lời chỉ trích gay gắt vì những nhận xét của mình trên một tờ báo của (có cần không?) Anh vào cuối tuần trước.

Trong bài phỏng vấn, ông được trích dẫn đã nói rằng người Châu Phi kém thông minh hơn người Châu Âu.

Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor đã cho biết họ không có liên quan gì những lời nhận xét của ông, nhưng hội đồng quản trị đã đình chỉ ông.

(Đình chỉ một sự việc nào đó, chứ đình chỉ một người thì là gì? Bắt, giam, thải…? Có thể là: đình chỉ sự cộng tác với ông?)

Hoàn toàn xin lỗi

Ông Watson theo lịch sẽ có một bài diễn thuyết tại bảo tàng Khoa học ở Luân Đôn hôm thứ Sáu trong tour lưu diễn (lần ra mắt?) sách của ông. Nhưng bảo tàng này đã huỷ bỏ hoạt động này (vì?) cho rằng nhà khoa học đã đi quá xa trong cuộc tranh cãi.

Liên hoan Ý tưởng tại Bristol cũng huỷ bỏ sự có mặt của ông Watson.

Ông Watson cũng nhận được lời chỉ trích gay gắt từ phía giáo sư Craig Venter, một nhà khoa học và cũng là một doanh nhân đã có những nỗ lực cá nhân trong việc giải mã gen (gien, chuyển âm cho đúng với tiếng Việt) và cũng tình cờ tới thăm Anh để quảng bá một cuốn sách. (Trong 1 câu mà 3 lần cũng!)

Ông Venter nói: “Màu da đại diện cho chủng tộc là một khái niệm xã hội, không phải khoa hoc”.. “Không có cơ sở khoa học nào về việc gen quy định màu da ở người ảnh hưởng tới trí tuệ.”

Trong bài phỏng vấn với tờ Sunday Times, giáo sư Watson giữ nỗi ảm đạm cố hữu về triển vọng của Châu Phi vì “tất cả những chính sách xã hội đều dựa vào việc họ có chung trí tuệ với chúng ta – trong khi các thí nghiệm không cho thấy điều đó”. (ảm đạm là một tĩnh từ, và tôi hiểu thế này: giáo sư Watson giữ sự bi quan cố hữu về…)

Ông còn cho biết thêm ông hi vọng mọi người đều bình đẳng nhưng “có lẽ những người phải đối phó (đối phó cái gì?) với những nhân viên da đen thì đã không tìm thấy điều này”.

Kể từ đó (?, sau đó?) nhà khoa học đã nói “Tôi có thể hiểu được tại sao những người đọc những lời lẽ đó lại phản ứng như vậy”.

“Gửi tới tất cả những người đã hiểu rằng Châu Phi, với tư cách là một châu lục, có phần thấp kém hơn về mặt di truyền, tôi hoàn toàn xin lỗi”.

“Tôi không có ý như vậy. Quan điểm của tôi là, không có (cơ?) sở khoa học nào cho việc tin tưởng (như) vậy”.

Nỗ lực khoa học

Trong các lời phát biểu trên tờ The Independent hôm thứ Sáu, giáo sư Watson cố gắng làm trong sạch tình thế (ông ta đi tắm? Chắc không phải thế, có thể là ông ta cố gắng làm minh bạch ý kiến) của mình.

Chúng ta chưa hiểu rõ cách thức các môi trường khác nhau lựa chọn gen quyết định năng lực làm việc của chúng ta”. (môi trường không thể lựa chọn! Tôi ngầm hiểu rằng thiên nhiên lựa chọn, và câu trên có thể viết như sau: Chúng ta chưa hiểu phương thức lựa chọn gien, điều quyết định năng lực làm việc, trong những môi trường khác nhau.)

“Đây không phải là những thảo luận về việc hơn hay kém mà là để hiểu nguyên nhân của sự khác biệt, rằng tại sao một số người trở thành các nhạc sĩ tài ba trong khi số khác lại trở thành những kỹ sư giỏi”.

Giáo sư Watson là người đã cùng (với ai?) giành giải Nobel năm 1962 vì khám phá cấu trúc DNA.

Gần 40 năm sau, các nhà khoa học đã có thể đọc được tất cả DNA trong tế bào của chúng ta và cho thấy không có cơ sở khoa học nào cho khái niệm chủng tộc.

Con người từ những nhóm chủng tộc khác nhau có thể giống nhau hơn về mặt gen so với những người trong cùng chủng tộc. Các nghiên cứu về gen cũng cho thấy có nhiều đa dạng trong gen của Châu Phi hơn bên ngoài. (… cho thấy gien ở châu Phi đa dạng hơn ở những châu lục khác.)

© 2007 talawas



[1]Tham khảo bài “Mấy vấn đề về văn hoá trong cách xưng hô” trong Tiếng Việt, văn Việt, người Việt của Cao Xuân Hạo (Nxb Trẻ, 2003), trang 315-322, trong đó tác giả chỉ ra cái sắc thái khiêm tốn cùa đại từ nhân xưng tôi, do nghĩa gốc "tôi tớ", nhưng nay đã khá phai mờ. Cũng ở đây, xin trích (trang 320): (Xưng hô kiểu "gia tộc chủ nghĩa")… "đưa đến một không khí gia tộc hoàn toàn nhân tạo trong môi trường không cần đến không khí gia tộc. Thậm chí không thể chấp nhận thứ không khí này, vì nó quá thuận lợi cho chủ nghĩa con cháu (nepotism) và cho những thái độ kẻ cả của người này và thái độ khúm núm nịnh bợ của người kia."
[2]Sách đã dẫn, trang 305-313.
[3]Tiền xấu (giả, rách) đuổi tiền tốt (thật, lành)
[4]"Tiếng Việt: xuống cấp hay hội nhập?", Lao Động, 27-01-2003