trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 123 bài
  1 - 20 / 123 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
17.10.2008
Nguyễn Phú Long
Vật đổi sao dời
 
Ở chợ Dầu có hàng cà-phê… có một cô nàng bé bé xinh xinh”, Đấy là lời mở đầu bài hát “Cô hàng cà phê” của nhạc sĩ Canh Thân, sáng tác từ lâu lắm rồi, song không những nhiều người vẫn thuộc, mà một số các vị cao niên khi nghe lại có thể vẫn thấy phảng phất vài hình ảnh kỷ niệm… ở chợ Dầu!

Chợ Dầu thời đó, cái thuở nằm trong khu kháng chiến, chưa thuộc vùng tề, không khí sinh hoạt giống như chợ Vân Đình, chợ Đại, Cống Thần thuộc tỉnh Hà Đông, ngày ngày còn sợ máy bay Pháp oanh tạc, nhưng người ta, nhất là trai thanh gái lịch, vẫn qua lại, ra vào, ăn uống nhởn nhơ, mải mê mua bán hàng ngoại, như vải vóc, đồng hồ, bút máy, bật lửa… Hàng cà phê lúc ấy là một dịch vụ thương mại hiếm hoi, văn nghệ, mới mẻ, luôn luôn hấp dẫn “mấy anh nho nhỏ thường hay đến ngồi cười với cô”.

Bây giờ, cà phê là thức uống tràn lan không thể thiếu từ nhà hàng đắt tiền, sang trọng đến quán ăn bình dân hang cùng ngõ hẻm. Nói cách khác, thực khách ngày nay dù sang hèn, sau khi ăn nhậu đâu đâu cũng có thể gọi cà phê. Cà phê được bố trí phục vụ khắp nơi. Nhưng uống cà phê trường hợp này chỉ như để thay tách nước trà tráng miệng bình thường.

Lối húp cà phê đổ ra đĩa cho bớt nóng thì không đáng nói rồi. Đến như gọi ly cà phê để trước mặt, kiểu cách, mà mục đích chỉ là ngồi nghe nhạc khi tới Hầm Gió đường Võ Tánh hay Đêm Mầu Hồng ở đại lộ Nguyễn Huệ… cũng chẳng phải để thưởng thức cà phê hoàn toàn. Thưởng thức cà phê đòi hỏi không khí yên tĩnh, thanh thản, chọn lựa… Như thế, muốn cho đúng “gu”, muốn đã nghiền, phải lần mò tới những nơi chỉ lấy cà phê làm mục đích hoạt động chính của chủ nhân may ra mới có thể kể là người sành điệu.

Trước năm 1954 Hà Nội có cà phê Nhân là một trong hai tiệm nổi tiếng nhất. Nó nằm ở ngõ Bảo Khánh, gần phố Cầu Gỗ, trông sang quán giải khát Mụ Béo bên hồ Hoàn Kiếm, mà thỉnh thoảng tôi được hân hạnh theo ra đó, bố tôi thì kêu ấm trà Tầu trầm ngâm. Độc ẩm. Tôi thì chẳng chọn lựa, lần nào cũng vậy, được gọi cho ly nước đá chanh… lặng lẽ, thờ ơ, một mình, lâu lâu nghe tiếng leng keng của tầu điện di chuyển lên xuống từ phố Huế tới chợ Đồng Xuân, ngó chung quanh toàn là người lớn, bàn ghế, tranh ảnh, đồ đạc hơi cổ, thế mà cũng nhớ mãi và thấy rất hãnh diện.

Hồi ấy tôi đang ở nhà ông chú tại Hà Nội để ngày ngày cắp sách tới trường tiểu học Sinh Từ cùng người em, trong khi gia đình cư ngụ nơi thị xã Sơn Tây. Bố tôi là nhà binh mà đi làm giống công chức, chẳng phải cắm trại trăm phần trăm mút mùa lệ thủy như sau này, cứ thứ Bẩy, Chủ nhật lại cùng người bạn thân về Hà Nội (Khoảng 30 cây số) chơi bài tổ tôm, nếu ghé thăm tôi tức là được bạc, dắt tôi đi ăn cơm Tây, cơm tám giò chả ở Hàng Buồm, cà phê Nhân ở ngõ Bảo Khánh, phung phí cho đến hết, nhưng nhiều khi đợi hoài bố chẳng tới thì bắt đầu hiểu, cái hiểu thầm lặng về sự thất bại cho cả gia đình càng ngày càng nghèo vì cờ bạc. Vấn đề này khá quan trọng mà chúng tôi còn nhỏ chẳng dám có ý kiến. Mẹ tôi thì dùng nhiều cách, nhiều phen nhưng vẫn không ngăn cản được. Mới lại nói cho cùng thì ý kiến ăn thua gì, ngăn cản sao nổi:

Nhân sinh quý thích chí,
Chẳng gì hơn vui cuộc tụ tam.
Tài kinh luân xoay dọc xoay ngang,
Cơ điều khiển quân ăn quân đánh.
Gọi một tiếng người đều phải kính,
Dậy ba quân ai dám chẳng nhường…

“Thú tổ tôm” - Nguyễn Công Trứ)

Rồi thì, may sao, cuộc tụ tam cũng qua. Vào Sài Gòn, các chiến sĩ “tụ tam” tản mác, kẻ đi, người ở, nhưng khung cảnh mới lại bầy ra những hấp lực mới.

Sức tàn phá của mặt trận mới cũng vô cùng độc hại và khốc liệt. Để thích ứng với hoàn cảnh, như con thiêu thân trước ánh lửa hồng, bố tôi lập tức nhào vô tham dự, tìm cảm giác ở Kim Chung, Đại Thế Giới, và, tình hình tuy có thể biết trước nhưng thực tế chưa kịp ngã ngũ thì ít lâu sau bố tôi qua đời. Bố tôi qua đời trước cả thời gian hai thiên đàng này bị bức tử, để lại cho chúng tôi mấy tờ biên lai của tiệm cầm đồ và một gia tài.

Tôi nghĩ đấy chính là gia tài: Mẹ tôi, một quả phụ có chồng là sĩ quan chết vì công vụ do đó ưu tiên trở nên công chức, làm thợ may trong bảo sanh viện Hùng Vương Chợ Lớn; em tôi thì gom mấy chứng từ đính kèm hồ sơ xin vào Quốc gia Nghĩa tử, rồi sau khi lấy xong tú tài, nhập khóa huấn luyện một năm sư phạm đặc biệt, thành cô giáo dạy trường công lập Xóm Củi; và tôi, cũng do biến cố bố tôi mất đi, lượm tấm giấy miễn dịch vĩnh viễn bỏ túi, an toàn xa lộ, nhưng chỉ khỏi vô Thủ Đức một thời gian trước khi có lệnh tổng động viên năm 1966.

Hồi đó, khi nhận giấy miễn dịch tôi chẳng vui, bạn hữu đi hết rồi, cuộc đời cắp ô kè kè sớm tối đâu có gì hấp dẫn, nếu không muốn nói là hơi hèn; đến lúc cầm lệnh gọi nhập ngũ cũng thế, chẳng buồn. “Tái ông mất ngựa.” Mặc đồ lính đi ra đường ít nhất cũng không sợ cảnh sát… Nhưng đó là chuyện về sau.

Trời sinh voi sinh cỏ, sau khi mất mát cột trụ gia đình, giống như căn nhà chao đảo, chịu đựng qua cơn sóng gió, cuộc sống dần dần ổn định, anh em tôi vẫn được cắp sách tới trường, hồi ấy chưa thấy khai sinh cụm từ “cái nồi ngồi trên cái cốc” song tuổi đời thì đã trộng, đã “biết cái chi chi” nên những lần có bạn thân tới chơi, chúng tôi, làm như người lớn, hay kéo nhau ra đường Lý Thái Tổ gần nhà, tìm được một nơi khá lý tưởng, đó là tiệm cà phê Nhân, mỗi thằng làm cái “phin” đặc biệt, cà phê cứt chồn Ban Mê Thuột, tha hồ nói chuyện bù khú, tự do.

Quãng đường Lý Thái Tổ từ Nguyễn Tri-Phương tới Ngã Bẩy ngắn thôi, mặt hè lồi lõm nhiều chỗ chưa trải xi măng, ngoài mấy cửa hiệu bầy bán tràn lan cả rừng xe đạp, còn lại rất nhiều quán hàng, sạp bán vé số, xe bánh mì thịt nguội, nước mía… Ai không thích phở Tầu Bay, phở Tầu Thủy, xin ghé cơm tấm bì thịt nướng. Ăn chơi phải tùy theo thời gian sớm chiều, có bánh cam, đậu phộng luộc, bắp nướng, bò viên. Ai muốn thay đổi, bồi dưỡng thì băng qua bên đường vào gọi càri dê, dê hầm thuốc bắc, hủ tíu ngầu pín; quán hủ tíu ngầu pín của chú Ba rất hẹp, nhưng thực khách đông thật là đông, ở ngay bên cạnh nhà của gia đình cụ Đỗ Đình Năm, em cụ Đỗ Đình Đạo, mặt tiền rộng thênh thang…

Chúng tôi tới khu phố này rất nhiều lần, nhưng phần lớn chỉ để vào tiệm cà phê Nhân, nhâm nhi cái café au lait, cầm điếu thuốc Ruby, rì rầm, to nhỏ, nhìn phố phường như kẻ bàng quan hờ hững.

Tiệm cà phê Nhân ở Sài Gòn tương đối sáng sủa và sạch sẽ, nằm trên trục giao thông của xe bus từ trường đua Phú Thọ tới chợ Bến Thành, giữa chốn quan chiêm tấp nập, chẳng bài trí sang trọng đèn xanh đèn đỏ, cũng không rộng lắm, bốn năm cái bàn gỗ kê song song hai bên tường, ghế đẩu cũng bằng gỗ, bây giờ hàng quán bình dân ở Sài Gòn vẫn dùng ghế đẩu nhưng là nhựa, thấp hơn, bền và tiện hơn, ngăn cách phía trong là một tủ kính chừa lối ra vô, không khí ấm cúng, quang cảnh mộc mạc, một lúc có thể tiếp khoảng hai chục khách là tối đa, giá cả phải chăng, đồ ăn thức uống hấp dẫn.

Phần lớn mấy quán cà phê đều phục vụ cả khách hàng muốn uống trà Tầu, hàng cà phê ở chợ Dầu xưa kia cũng vậy. Nay vì miền Nam khí hậu nóng bức, mục trà Tầu chẳng được ai hoan nghênh nên đã bị loại bỏ, mấy bộ ấm chén nhỏ xíu mầu da lươn nằm im lìm trong tủ kính chỉ để làm cảnh, bù lại tiệm cà phê Nhân đã khai thác thêm bánh cuốn điểm tâm, bánh đậu xanh, bánh gai, thuốc lá… làm khách hàng tới đây có thêm nhu cầu được phục vụ thoải mái, và, quan trọng là không cảm thấy phải vội vàng, đóng chốt bao lâu chủ nhân cũng chẳng để ý, vì có bao giờ tiệm hết chỗ ngồi đâu! Tuy nhiên vào những buổi trưa oi ả, đôi khi có luồng gió thổi từ phía chợ cá trước mặt ùa sang cũng làm khó chịu bởi “cái mùi nồng mặn ấy”.

Làm ngụm cà phê, rít hơi Cotab, bóc phong bánh đậu xanh Bảo Hiên, mấy cử chỉ này “đi” với nhau nhịp nhàng rất hợp, rất gần gụi, không giống như khi dùng trà. Uống trà là một nghệ thuật cao hơn, thanh nhã hơn, trịnh trọng hơn, thậm chí còn phải biết cách pha, cách uống nên nó đã được nhiều người nâng thành Đạo. Trà Đạo. Chả hiểu phải vậy không, ông Lưu Văn Vịnh đã viết trong cuốn Bốn lần leo núi Tản: “Uống trà giống như nắm tay Thúy Vân, mà uống cà phê như nằm ngủ với Thúy Kiều.” Sự ví von này gợi ra những hình ảnh thật lãng mạn, trữ tình.

Chúng tôi kéo nhau tới đóng vai khách hàng thường xuyên của tiệm cà phê Nhân nhiều năm tháng nắng mưa, nhẵn mặt, từ lúc còn ở trung học đi xe đạp cho tới khi mặc áo trận vẫn “chung thủy” lái xe nhà binh đến đậu trước cửa mỗi lần về Sài Gòn, thế nên hễ có dịp tới đều được đón tiếp thân mật, chuyện trò niềm nở, nhất là vào những lúc vắng vẻ.

“Lâu quá, không thấy ghé, lại tưởng là...” Ông chủ tiệm thường “chào” tôi một câu bỏ lửng như vậy, là vì có thể, đôi khi ít khách, ngồi nhìn mưa Sài Gòn trút nước ào ào từng chập, nhớ tôi, ổng đã nghĩ đến những màn phục kích, đến những cuộc giao tranh mịt mù khói lửa...

Một lần tôi hỏi, phải đây là tiệm cà phê từ Hà Nội “di cư” vào chăng, thì được trả lời: Không hẳn vậy, hai bên chỉ là họ hàng với nhau. Ông chủ ở Sài Gòn dáng cao lớn, khoảng hơn bẩy chục, nhưng trông còn khỏe mạnh, lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ, thẳng thắn. Là một cựu sĩ quan Tây, có thời gian phục vụ bên Tầu, nay về hưu ở Sài Gòn, mở tiệm, hoạt động cho bớt thì giờ nhàm chán, đã mượn đỡ cái tên hiệu của người nhà để mời gọi thêm khách Bắc kỳ cũ.

Sau này, theo chỗ tôi biết thì tiệm cà phê Nhân ở Hà Nội vẫn còn đó, vẫn được khách hàng chiếu cố nồng nhiệt, bây giờ càng ngày càng sầm uất với đèn ống neon nhấp nháy ngoài mặt tiền, tranh của họa sĩ nổi tiếng trang trí nội thất, lầu một, lầu hai bầy biện sang trọng, tiếp viên qua lại phục vụ nhộn nhịp. Sự phát đạt về kinh tế là điều đáng mừng chẳng những cho gia đình mà gián tiếp cho cả xã hội, nhưng, trường hợp này đối với khách nghiền cà phê, quang cảnh mới có làm hơi ngơ ngác một chút, vì nó đã mất hẳn cái không khí bình thản, mộc mạc, ấm cúng, giản dị, yên lặng quen thuộc xưa.

Tiệm cà phê Nhân Sài Gòn không “tiến nhanh, tiến mạnh” như đồng nghiệp cùng tên ở Hà Nội, lúc nào nó cũng bình bình, bơ bơ, giống cuộc sống không bon chen của người ưa thả nổi, an phận, nhỏ bé, bình thường. Tuy nhiên vì cuộc sống, nên nó cũng cần giữ những căn bản của người mua kẻ bán. Còn nhớ lúc đầu có lần bị tính tiền nhiều hơn giá biểu trên bảng thực đơn chút xíu, chưa kịp hỏi ra sao, thì đã được ông chủ thản nhiên giải thích, đó là vì gọi thêm đường bỏ vào cà phê! Nhưng về sau, mấy lần, gọi thêm đường như thế, lại chẳng bị tính tiền, nhắc ông thì ông cười đáp, cũng thản nhiên: “Người quen, có chút đường!”

Còn một điều phải kể, được coi như “người quen” bởi không bao giờ ăn uống ghi sổ, giống như một số khách hàng, cũng quen, nhưng vì cho tiện đã tích lũy để lâu lâu cộng lại trả một lần cho đỡ mất thì giờ mà chủ nhân thường không thích bởi cần vốn và cảm thấy bất trắc.

Là học trò nghèo, tối tối kiếm thêm tiền bằng cách kèm trẻ tại tư gia, ngoài khoản mua sách báo, hớt tóc, còn thì đem tới cà phê Nhân thù tạc bạn bè, chứ có biết để làm gì đâu (!) Lại nữa, thấy cô Nga, con gái ông chủ, không tỏ ý léng phéng, mắt la mày lém, mà chỉ coi như anh em tự nhiên trong gia đình. Hồi đó tôi đang trồng cây si cô cháu thằng bạn và thằng bạn thì lại bận rộn “gò” nhỏ bạn của cháu nó, nên bọn “gà què ăn quẩn cối xay” dù sao cũng phải thủ cẳng, giữ ý lẫn nhau, ra cái điều đứng đắn, chứ thả ra thì ngây thơ bé nhỏ gì, nam nữ cỡ này nhốt chung với nhau là có chửa ngay ấy chứ lỵ, một lũ tồng ngồng cả rồi, đúng như cụ Tản Đà mô tả trong bài thơ “Nhớ chị hàng cau”:

Ai đương độ ấy lăm răm mắt,
Tớ đã ngày nay lún phún râu!

Cô Nga “hay cười, hồn Xuân phơi phới”… những lúc ít việc vẫn thường nói chuyện, vô tư:

“Hai tiệm phở liền nhau, anh thích ăn phở Tầu Bay hay Tầu Thủy?”

“Tầu Bay. Nhưng đông quá, không chờ được thì sang Tầu Thủy.”

“Thế Tầu Thủy đông quá thì sao?”

“Thì đi... xe lửa!”

“Một người, sáng vẫn bưng phở cho thực khách, vừa bưng vừa la ‘Nước sôi! Nước sôi!’, ông ấy tên Huy, mới lấy vợ là cô bán chanh ở chợ Cá bên kia đường anh biết không?”

“Không.”

“Ngoài việc bưng phở, ngày ngày ông Huy còn có nhiệm vụ băng qua đường vào chợ Cá mua chanh về sửa soạn phục vụ khách hàng hôm sau, do đó quen cô bán chanh, rồi lấy cô bán chanh!”

“Chuyện cổ như trái đất, đúng là gặp nhau, biết nhau, quen nhau, yêu nhau, lấy nhau rồi… sống bên nhau.”

“Biết hết! Thôi không kể nữa!”

Đàn bà thật nhiều tự ái. Nàng nguýt tôi, có vẻ nhõng nhẹo, im lặng. Tôi cũng chưa biết tiếp tục ra sao, thì may quá vừa lúc có hai vị khách nam nữ, quấn quýt như đôi tình nhân, vừa đi vừa dựa vào nhau như say, như muốn đổ, nói chuyện âu yếm rì rầm chẳng thèm nhìn ai, Nga vội đứng lên mời vào bàn, nhanh nhẹn làm việc. Một mình, tôi tợp ngụm cà phê, chả biết làm chi lại nghĩ đến ông Huy, cô bán chanh, nghĩ đến những cuộc gặp gỡ, biết nhau, quen nhau, yêu nhau, lấy nhau rồi sống chung, mình với ta tuy hai mà một, gắn bó, thành thật, cho nhau tất cả, chẳng tiếc gì, đối với nhau còn hơn tình ruột thịt bố mẹ anh em… Cô bé trở lại, cười, tôi cũng cười:

“Anh nói có gì sai đâu, việc hôn nhân, theo phong hóa, phải thứ tự từng giai đoạn chứ.”

“Chuyện đó thì ai chẳng biết.”

“Anh xin lỗi! Hay là cặp này đốt giai đoạn?”

“Làm gì có. Khu phố quanh đây dù nhiều chuyện, nhưng mọi sự đều suôn sẻ, có điều bây giờ vợ ông Huy không còn bán chanh ở chợ Cá nữa!”

“Ủa sao vậy?”

“Ông Huy ra điều kiện lấy ổng thì ở nhà, ổng đi làm đủ rồi.”

“Thế à? Em biết không, có mấy nữ ca sĩ cũng được chồng yêu cầu nghỉ hát khi lấy nhau.”

“Song cô bán chanh chẳng muốn thế, ngược lại, còn đề nghị ông Huy nghỉ việc, thủng thẳng kiếm chỗ khác, để mình cô tần tảo, ‘quanh năm lặn lội ở ven sông’, cô mơ ước có chồng là người thợ chuyên môn, như thợ kim hoàn, thợ may quần áo tây, nhàn nhã và sạch sẽ hơn, nhưng ổng không chịu, giằng co mãi và cuối cùng cổ phải chịu.”

“Người đàn ông trong gia đình lúc nào cũng đứng mũi chịu sào, phần lớn là vậy, ngoại trừ mấy kẻ hèn hạ, mang kiếp mày râu mà nhục nhã cúi đầu núp bóng quần thâm.”

Lại có mấy người khách trẻ bước vào, ông chủ liền đứng dậy từ sau tủ kính, vừa “đề-pa” mấy bước với đôi guốc mộc nặng chình chịch, khua vang, thì Nga lại nhào ra xung phong lấy order, làm tự nhiên gián đoạn câu chuyện đang dở dang.

Tôi không biết ông chủ tiệm tên gì, ổng có hai người con gái. Cô Nga và bà vợ luôn túc trực giúp thu tiền, trông hàng, pha cà phê, dẹp bàn, nhưng cô gái lớn thì tuyệt đối chẳng bao giờ, cô chỉ xuất hiện khi dắt chiếc xe Velo Solex ra phố hay từ bên ngoài về nhà lướt qua nghiêm trang, lặng lẽ.

Thế rồi “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, vào khoảng tháng 10 năm 1975 tôi tình cờ gặp ông chủ tiệm cà phê Nhân ở trại tạm trú Indiantown Gap, Pennsylvania. Phong cảnh vùng “Anh-Đi-Ăn-Táo” lúc này như mới vào Thu, lá cây đã vàng, người di tản buồn đối diện cái lạnh đầu tiên trên đất lạ, qua lại giữa những dãy barracks co ro với mấy chiếc áo mùa Đông cũ, lòe loẹt do hội Hồng Thập tự cung cấp. Tôi bất chợt thấy ông cũng co ro trên đường. Nhìn ông thật bất ngờ, mới đó mà sọm hẳn đi, nét mặt âu sầu, chán nản, khác hẳn hồi trước. Ông được bốc sang đây bằng máy bay Mỹ theo gia đình người con gái lớn, bà vợ và cô Nga thì vẫn ở Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao ông bà lại quyết định theo kiểu Âu Cơ và Lạc Long Quân như thế!

Vũ Trọng Phụng viết: “Hạnh phúc là gì nếu chẳng phải sức khỏe của hai vợ chồng.” Câu văn này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm Số đỏ.

“Biết rồi, khổ lắm nói mãi!”

Nhưng người ta, tuổi đời đã tới xế chiều, sức khỏe hao mòn dần dần đến khi không còn nữa, thì vợ chồng vẫn có hạnh phúc chứ! Hạnh phúc vợ chồng bấy giờ là gì nếu chẳng phải gần gụi để tâm sự, an ủi, nương tựa sớm khuya. Cái hạnh phúc lúc này cũng cần thiết, rất cần thiết, vì nếu không, “lấy ai là người nghe em kể chuyện thu phong”.

Nhìn ông cụ, chợt nhớ đến người bạn vẫn cùng uống cà phê thuở nào.Nhưng hắn đang kẹt trong cải tạo nên tôi cũng chẳng có đối tượng để mà kể lể, báo tin gặp gỡ cố nhân. Lúc xuất trại, ông về Cali. Tôi xuống thủ đô Richmond Virginia, sau đó, dĩ nhiên tôi vẫn giữ liên lạc. Cô gái lớn đối với gia đình tôi đã thân thiện, quen nhau rồi mới thấy cô ấy ít nói, song rất dễ thương, qua thư từ cổ chỉ cho vợ tôi cách làm bánh cuốn vì hồi 1975 người Việt ở Mỹ chưa đông, chưa có nhiều tiệm ăn Á châu ê hề, tràn ngập làm thành cả khu phố.

Sau đó, tôi cũng như nhiều kẻ khác, cuộc sống của lớp người lót đường lúc đầu vất vả. Vừa phải gìn giữ cái căn bản của lối sống cũ, quê hương, tôi thường nhắc nhở các con tôi ở nhà phải nói tiếng Việt, vừa phải cố gắng để hội nhập, tiến bộ. Ngày ấy tôi chưa biết Valentine’s Day, Mother’s Day là cái gì. Một hôm trên đường cuốc bộ đi làm, tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ Monument và Kensington Ave, tôi chào người bán hoa ở vỉa hè như thường lệ, nhưng khác với thường lệ ông già da đen tươi cười trao cho tôi một cành hoa, đến chỗ làm, hỏi bạn mới biết hôm ấy là Father’s Day. Tôi quen thân với ổng từ bữa đó.

Từ bữa đó tới hôm nay, thời gian đã hơn 30 năm, biết bao nhiêu thay đổi, với thật nhiều bỡ ngỡ lúc ban sơ, tôi đến thành phố này rồi lang thang mấy tiểu bang khác làm việc, tha phương cầu thực, bây giờ lại trở về… Và nếu tôi chẳng tình cờ bách bộ thơ thẩn ở góc vỉa hè để chờ mẹ tôi đang khám bệnh trong phòng mạch của bác sĩ thì làm sao biết và nhớ ông già da đen bán hoa năm xưa đã chết khi nhìn một phiến đá khiêm tốn, vuông vắn, im lìm nằm trên bãi cỏ như tấm mộ bia do flower vendor and friend thực hiện với hàng chữ: “He sold flowers at this corner for half a century.”

Nhớ lại hồi mới đến đây, những ngày vất vả, mùa hè chẳng có máy lạnh, mùa đông chạy tiền đổ dầu đốt lò sưởi hụt hơi. Vợ đi làm bằng phương tiện di chuyển công cộng từ tờ mờ sáng, hôm nào cũng bới bát cơm với một món mặn mang theo để ăn trưa. Chồng mần ca đêm, tự điều khiển cái xe đạp cũ mua ở garage sale rẻ rề, chẳng phải trả tax, chẳng phải đổ xăng. Sáng đêm quần quật. Tối tăm mặt mũi. Về sau chiếc xe hai bánh giở chứng hết đứt xích lại xì hơi bèn cuốc bộ, nên mới có cơ hội quen biết với ông già bán hoa ở ngã tư giữa nhà và nơi làm việc.

Vì vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống mới mà bẵng một thời gian tôi không biết gia đình ông cựu chủ tiệm cà phê Nhân bên Cali thế nào, cho tới một hôm đột ngột tình cờ được tin, hung tín, từ một người quen: Ông cụ đã qua đời!

Tôi âm thầm với nỗi ám ảnh qua những hình bóng cũ. Tuổi già cứ đến từ từ, “tuổi già giọt lệ như sương”. Nhớ lại, sau thời gian mỗi người một hướng, thư từ lui tới với gia đình người con ở Cali cứ nhạt dần, cứ thưa dần, chẳng biết viết gì, rồi mất địa chỉ lúc nào không hay. Bây giờ cũng chẳng thể kể lể báo tin buồn này cho ai vì thằng bạn cùng tôi từng uống cà phê trước đây đã yên nghỉ đâu đó trong lòng đất trại cải tạo, không kịp đoàn tụ với vợ con bên Canada.

Sự liên hệ giữa tôi và ông chủ tiệm cà phê Nhân bắt đầu khoảng cuối thập niên 50. Khi gần, lúc xa trong một xã hội thật nhiều “nỗi truân chuyên”, cho tới thời gian gặp nhau ở “Anh-Đi-Ăn-Táo” Pennsylvania, để rồi mỗi người mỗi ngả vĩnh viễn.Tôi chẳng dám coi ông như bằng hữu, sự quen biết qua lại chỉ nhàn nhạt, gặp gỡ bao giờ cũng mừng, cũng vui, thăm hỏi chuyện trò. Xa cách thì vẫn giữ trong bụng mấy hình ảnh, kỷ niệm này nọ, để đôi khi giữa những lần làm việc cực nhọc lại nhớ đến nhau, và như thế, hẳn chúng tôi không phải chỉ là người dưng hoàn toàn, dù chưa bao giờ mời nhau được một ly cà phê.

Tôi tiếc là chuyến về thăm quê hương mới đây, tới đường Lý Thái Tổ, để ý tìm, nhưng không còn trông thấy tiệm cà phê Nhân, không định được rõ vị trí của chốn xưa từng lui tới. “Thương hải biến vi tang điền.” Bà chủ tiệm cà phê Nhân gốc người Hà Nội quý phái trôi nổi nơi đâu? Còn ở quê nhà hay đã “đoàn tụ” với người con lớn, hay đã “về” cùng người chồng mà thời cuộc làm xa cách bao năm! Ôi, “những người muôn năm cũ”.

© 2008 talawas