trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngPhương Đông và Phương Tây
21.11.2006
Phan Khôi
Cách ngôn luận của người Á Đông
 
1.

Có người Tàu bẻ cái học thuyết Tôn Văn mà lại nhè kêu Tôn Văn là con heo, là ngu xuẩn. Người Á Đông ta, Tàu cũng vậy mà An Nam cũng vậy, không tinh thông luận lý học, cho nên trong khi ngôn luận, chẳng noi theo khuôn phép mà cứ nói già miệng để cầu hơn, nhiều khi lại nói hỗn ẩu vô lễ nữa. Sự đó, nói thiệt tình mà nghe, tỏ ra các dân tộc Á Đông ta còn chưa thoát hết cái tánh tình dã man, thật là một điều mà ta đáng lấy làm xấu hổ vậy.

Sự biện luận là để mà tìm cho ra chơn lý. Muốn biện luận mà cho đạt tới cái mục đích ấy thì phải thông hiểu luận lý học. Người nghe cũng vậy, nghe lời biện luận mà nếu chẳng biết dùng luận lý học để phán đoán thì nhiều khi bị họ phỉnh mình, họ làm cho mình cũng ngu đi như họ. Người biện luận mà lại dùng đến cái giọng hàng tôm hàng cá, vọt miệng mắng chửi người ta, tỏ ra người ấy chẳng có cái óc luận lý học chút nào hết. Vì không hiểu luận lý học, nên khi muốn phản đối kẻ khác mà chẳng có dự lẽ để phản đối, phải dùng đến cái khẩu khí của “nậu rỗi” [1] . Những người ấy, không đợi ai công kích hết, tự mình cung khai ra mình là vô giáo dục, dốt nát, ngu muội, tự nhiên bị đẩy ra ngoài làng học vấn, ngoài đám người trí thức, rốt lại, nhập làm một với bọn hạ lưu xã hội.

Vừa rồi tôi đọc một bài kêu là “Chỉ chánh những chỗ sai lầm của Tôn Văn học thuyết”, đăng trong Quần báo là một tờ báo chữ Tàu ở Chợ Lớn, ra ngày 5 Juin, mới phát ra những lời trên đó.

Cái học thuyết Tôn Văn, độc giả chắc có nhiều người biết, ấy là một cái thuyết phản đối lại cái thuyết “tri dị hành nan” (biết dễ làm khó) của người Tàu ngày xưa. Cái học thuyết ấy chưa biết có đúng với chơn lý hay không, song Tôn Văn đã làm ra thành sách, nói có đầu có đuôi, lý sự đầy đủ, là một cái thuyết đứng được. Dầu rằng năm ngoái đây Hồ Thích, một nhà đại học giả bên Tàu, có viết một bài dài, dùng phương pháp khoa học mà nghiên cứu lại cái thuyết của họ Tôn đó, thì thấy có chỗ không được đúng, vậy mà nó cũng vẫn chưa mất cái giá trị của nó, vì trong đó có nhiều phần hình như gần với chơn lý.

Cái bài đăng trong Quần báo mà tôi nói trên đây ký tên người viết là Mộng Điệp. Chẳng biết tên đó là của người nào, nhưng đọc qua cái bài thì thấy người ấy là một nhà biện luận chẳng theo khuôn phép chi cả, giống kiểu những người mà tôi vừa nói trên kia.

Cái bài ấy dưới có để chữ số II và sau có chữ “chưa hết” nghĩa là trước đó đã có một bài rồi và sau nầy cũng còn tiếp nữa. Tuy vậy coi nội một bài II nầy cũng đủ chứng rằng tác giả nói bậy.

Bất kỳ biện luận về vấn đề gì, cũng đều nên lấy lời lẽ mà nói, cho bình tâm tịnh khí thì mới thủng thẳng mà tìm thấy chơn lý được. Huống chi là biện luận về một vấn đề triết học của người ta, lại nên thận trọng là dường nào. Vậy mà người viết đó như là chẳng kể chi hết, nói như dùi đục chấm mắm, thiệt tôi đọc đến mà lấy làm khinh bỉ quá. Tôi trách ông chủ bút Quần báo sao lại đăng bài ấy làm chi! Vẫn biết Quần báo bây giờ phản đối họ Tưởng nên cũng phản đối luôn họ Tôn; nhưng sự phản đối thì tôi không trách chi; trách cái bài dùng giọng nậu rỗi kia mà được đăng lên thì là làm dơ tờ báo!

Tôi trách một ông chủ bút báo Tàu thì cũng như trách một ông chủ bút báo Tây, một là vì ngôn ngữ bất đồng, hai là vì làm phách, họ có thèm nghe đến hạng mình đâu. Nhưng mặc kệ họ. Tôi nói đây là cốt muốn cho bà con Việt Nam mình nghe với nhau. Mà nghe câu chuyện họ, là có bổ ích cho mình lắm.

Ai có đời cái ông Mộng Điệp nào đó, trong bài II của ổng bắt đầu kể một đoạn trong Tôn Văn học thuyết dẫn chứng về sự ăn uống, rồi tiếp đấy ổng viết rằng:

“Cái ngài độc giả, nếu các ngài cũng giống như Tôn Văn là con heo, cũng giống như Tôn Văn là ngu xuẩn, thì các ngài sẽ bị Tôn Văn phỉnh mình. Song tôi tưởng các ngài chắc không đến nỗi như va vậy nếu cái thuyết của Tôn Văn chỉ đủ sắm cho các ngài một trận cười mà thôi!” (Tôi dịch đúng nguyên văn).

Hỡi độc giả An Nam! Họ nói như vậy đó, mà liệu có nghe đặng không?

Xin độc giả An Nam trước phải hiểu ý tôi. Tôi không nói ông Mộng Điệp nói như vậy là vô phép. Đối với Tôn Văn là một nhà thủ xướng cách mạng Tàu, là một ông cựu tổng thống của Dân quốc, không nên nói như vậy. Tôi cũng không hề coi Tôn Văn là thần thánh mà chẳng cho ai đụng chạm tới. Tôi cũng không hề tinh quyết rằng trong người của Tôn Văn chẳng còn có một chút nào thú tánh như cái tánh của con heo, và là khôn ngoan tột bậc mà chẳng còn có một chút nào ngu xuẩn đâu. Những sự trên ta hãy để riêng ra. Tôi nói đây là nói cái “láo” “xỏ lá”, cái “hèn” của người viết bài ký tên là Mộng Điệp đó.

Người ấy không hiểu luận lý học, không đủ lẽ để biện bác cái học thuyết của Tôn Văn mà lại có cái dã tâm muốn đánh đổ cái thuyết ấy. Cho nên bắt đầu kêu Tôn Văn là con heo là ngu xuẩn rồi lại bợ độc giả của mình lên mà nói rằng: “Chắc các ngài không đến nỗi như Tôn Văn”. Như vậy là muốn cho độc giả trước có lòng khinh Tôn Văn đi và đắc ý vì Mộng Điệp khen mình, rồi sẵn đó tin luôn những lời của Mộng Điệp. Đó, cái láo, cái xỏ lá, cái hèn là ở đó.

Cách lập ngôn như vậy là một điều cấm kỵ lớn trong luận lý học. Lấy chứng cớ gì mà kêu người ta là con heo, là ngu xuẩn? Chẳng có chứng cớ gì hết. Chỉ có ỷ rằng tờ Quần báo ở ngoài phạm vi thế lực của chánh phủ Nam Kinh và Tôn Trung Sơn chết rồi, nên nói láo cũng không ai chém! Cái tâm lý hèn mạt thay mà chó má thay!

Bài sau tôi sẽ nói đến cái lý sự cùn của ông Mộng Điệp cho bà con nghe.


2.

Những lẽ mà tác giả trưng ra, chẳng đủ làm núng cái học thuyết Tôn Văn chút nào hết.

Như bài trước đã nói, chẳng dựng ra chứng cớ gì hết mà thình lình kêu người ta là con heo, là ngu xuẩn, sự vô lễ đành rồi, chẳng nói làm chi; chỉ nói về phương diện luận lý học, cũng là phạm vào sự cấm kỵ vậy.

Trong luận lý học kể các điều mậu vọng (les erreurs) trong sự nghị luận, có một điều kêu là “cái luận chứng hãm người”, nghĩa là nhè cái hạnh kiểm hoặc nghề nghiệp của người kia mà công kích, đặng nhơn đó công kích luôn cái lời nói của người ấy. Ví dụ: Tên Mít ghiền á phiện, một hôm làng nhóm, nó cũng ra nhà việc bàn bạc nọ kia. Ông cả Xoài nổi lên nạt nó rằng: “Thứ đồ hút xách, bàn đèn ống điếu thì hay việc bàn đèn ống điếu, nói nhằm gì mà nói!” Ấy đó là cái luận chứng hãm người, nghĩa là lấy sự hãm hiếp người ta mà làm luận chứng (argument) vậy.

Theo lẽ thì tên Mít ghiền gập mặc kệ nó, nếu nó có quyền ăn nói giữa làng thì làng nên để mà nghe thử nó nói quấy phải làm sao. Ví bằng nó nói phải thì dẫu nó có ghiền, làng nghe nó cũng vô hại. Cái nầy ông cả Xoài lấy cớ nó hút xách mà giày đạp cả lời nói của nó đi thì là trái lẽ.

Người viết bài trong Quần báo, ký tên Mộng Điệp, kêu Tôn Văn bằng con heo, ngu xuẩn, tức là cái lối ông cả Xoài nạt thằng cha Mít. Huống chi, tên Mít thiệt ghiền nên ông Xoài kêu là đã hút xách, dầu sai đằng nọ mà còn trúng đằng kia; chí như Tôn Văn, đã có cái gì tỏ ra là ngu xuẩn, giống con heo, mà tác giả lại dám kêu ngang như vậy, thật là vô lý quá.

Bài trước tôi đã nói, bởi không đủ lẽ cãi, nên mới dùng cái cách cả vú lấp miệng em. Dưới đây bà con sẽ thấy cái lý sự của Mộng Điệp thế nào.

Nguyên trong học thuyết Tôn Văn có trưng ra sự ăn uống để chứng rằng sự làm là dễ, sự biết là khó. Đại ý nói cách nấu ăn của Tàu đã khéo mà lại hiệp vệ sanh, có nhiều ông bác sĩ Tây phương đã chứng nhận điều ấy. Vậy mà người Tàu từ trước có biết đến đâu. Không biết mà vẫn làm. Bởi vậy nói làm là dễ.

Muốn đánh đổ cái thuyết ấy, chỉ có khi nào chứng minh ra được rằng người Tàu đời xưa đã có phát minh ra cái phương pháp nấu ăn hiệp vệ sanh ấy, tỏ ra sự biết ở trước sự làm, sự biết là dễ, thì mới đánh đổ được. Cái nầy, Mộng Điệp không tìm ra được cái chứng cớ ấy, nên kiếm đường nói quanh nói quất, nói sai cái nguyên ý họ Tôn đi, để tiện bề công kích cho mình. Thế là Mộng Điệp đã bắn chỉ thiên, đã công kích đâu đâu, chớ chẳng công kích chi cái học thuyết Tôn Văn vậy.

Nó vặn tắc vặn rì cái nguyên ý họ Tôn đi, nói họ Tôn bảo rằng người ta mới sanh ra không biết chi hết mà tự nhiên làm cái sự uống ăn được, ấy là biết khó làm dễ (!) Rồi nối tiếp rằng nếu nói như Tôn Văn thì nó nói mấy chả được, dẫn chứng mấy chả được: con mắt hay thấy, lỗ tai hay nghe, lỗi mũi hay ngửi, lỗ miệng hay nói, tay chơn hay cử động, đằng trước đằng sau hay đái ỉa (nguyên văn), đó chẳng phải là những cái chứng cớ sự làm là dễ hay sao? (!) Đó, lý sự của Mộng Điệp đó, thật chẳng những tỏ ra là dốt, mà lại tỏ ra là tiểu nhân, không có lòng ngay thật nữa.

Nó lại nói họ Tôn nhận cho sự uống ăn là sự “làm” ấy là bậy, không biết “tri” và “hành” là gì. Tự nó thì nó cho uống ăn là sự “tri”. Song le, họ Tôn có hề nói như vậy đâu ? Theo như trên kia, nấu ăn khéo, hiệp với vệ sanh, ấy là sự “tri” trong ý họ Tôn đó. Người Tàu từ xưa không có sự “tri” ấy mà tự nhiên “hành” được, cho nên nói “hành” là dễ. Nguyên ý họ Tôn như vậy, thế mà nó cố ý xây quanh cho sai đi hầu để bác bẻ, thiệt là quỷ quái không xiết kể.

Nguyên cái Tôn Văn học thuyết in trong sách Kiến quốc đại cương về phần đầu hết là phần “tâm lý kiến thiết”. Mộng Điệp mới lấy cớ ấy mà trách rằng sao họ Tôn lại đem việc uống ăn tầm thường nhỏ mọn mà sánh với việc dựng nước, là cái sự nghiệp to lớn khó khăn?

Nhưng mà có phải vậy đâu. Họ Tôn cử sự ăn uống ra để làm chứng cho sự thi hành, chớ chưa hề đem sự ấy mà sánh với việc kiến thiết quốc gia. Đem sự ẩm thực mà chứng minh cho sự tri hành, thì là thiết thiệt lắm, chẳng có chỗ nào đáng chỉ trích hết. Thế mà Mộng Điệp cũng vặn câu bẻ mấu đi để mà chỉ trích. Như vậy thôi thì hết chỗ nói!

Tóm lại, cái học thuyết Tôn Văn nếu có bị đánh đổ là bị cái tay nào kia; chớ cái tay ngu muội, dốt nát, xấc láo mà lại hèn mạt như Mộng Điệp đây thì dầu có dùng hết cái thủ đoạn chó má lung lay mấy đi nữa là nó cũng chẳng sờn một mảy. Mà con người đã mất lương tâm dám ngậm máu phun người như vậy, thì mình cũng chẳng nên nói làm chi cho uổng tiếng.

Tôi chỉ than cho cái thời đại nầy, cái thời đại tự do, lắm điều đáng mừng mà cũng lắm điều đáng ghét. Thứ đồ còn thua con bò cặp sừng [2], ỉa không biết đàng hướng gió, mà cũng dám đứng ra lên tay xuống ngón trên chốn diễn đàn, nhè cái người đáng làm thầy dạy cả ông già nó mà nó mắng, thì thật gai con mắt mình quá! May ra còn có người nghe mà phân biện phải quấy được, chẳng nói làm chi, muôn một mà cái người ấy cũng không có đi nữa, thì nói thiệt, tôi cũng chẳng lấy làm vui gì mà sống ở cái đời tự do nầy!

Chỉ mong một điều ở xã hội Việt Nam ta. Coi lấy đó, chúng ta nên coi lấy đó, cái sự dốt nát nó làm gương cho chúng ta là vậy đó. Bởi dốt nát không có học không có thức, muốn chê người mà không biết đường chê, nên mới đâm ra nói hỗn. Nói hỗn như vậy có được cái lợi ích gì? Chẳng lợi ích gì mà lại làm cho kẻ khác chướng tai gai mắt, sôi gan lên, ngồi đứng không yên.

Trung lập, Sài Gòn, s. 6168 (11.6.1930) ; s. 6170 (13.6.1930).



[1]nẫu rỗi: bọn buôn cá (theo H.T. Paulus Của, sđd)
[2]Người ta thường nói dốt như bò. Đây nói còn thua con bò cặp sừng nghĩa là còn dốt hơn bò nữa (nguyên chú của Phan Khôi).
Nguồn: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sÆ°u tầm và biên soạn, NXB Há»™i Nhà văn & Trung tâm Văn hoá và Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Ná»™i, 2006