trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Cải cách ruá»™ng đất
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
6.1.2007
Nguyễn Trọng Tân
Tôi biết ông Cự, ông Đình hay những chuyện khác ông đội Bối chưa kể
 
Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, cùng tuổi với bố tôi. Thời kỳ cải cách ruộng đất, nhà văn Tô Hoài, ông đội Tô Hoài đã 33–34; cái tuổi từng trải, cái tuổi ở đỉnh thăng hoa của sức lực, trí tuệ. Là đội phó đội cải cách, chánh tòa án đội cải cách ruộng đất, nhà văn Tô Hoài viết Ba người khác trong thế thượng phong của người trong cuộc, kể những điều trong ký ức, những sự thật lịch sử về một thời kỳ "đặc biệt" trong tiến trình cách mạng Việt Nam – mà lâu nay chẳng ai cấm mà vẫn như cấm viết, cấm nói về nó – thời kỳ tiến hành công cuộc cải cách ruộng đất đầy hùng hổ, ngây thơ và cũng để lại bao nhiêu oan nghiệt, kinh hoàng cho nhiều vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam. Song dường như chưa có một tác phẩm văn học nào nói đích về nó. Ba người khác đã làm việc này. Ở đây tôi thực sự cảm phục cách lựa chọn chi tiết, dẫn dụ câu chuyện làm cho người đọc cảm nhận những câu chuyện cũ một cách đầy mới mẻ, hứng khởi. Ba người khác hấp dẫn, mông lung, lãng mạn, tò mò, khám phá... nó là tiểu thuyết, nó là hồi ký và nó cũng là sử ký.
 
Có thể người khác không đồng ý với nỗi hân hoan quá đỗi của tôi, nhưng thực lòng tôi ngốn ngấu nó trong bốn giờ liên tục với một tâm trạng bới tìm những lời giải về một thời mà chính tôi cũng là một thằng Vó thằng Cò con bác trưởng thôn Diệc trong Ba người khác. Một lũ trẻ ranh quần thủng đít, thò lò mũi xanh rồng rắn bám đít ông đội Bối đi xem đấu tố địa chủ.
 
Hôm nay, nhà văn Tô Hoài, ông đội Tô Hoài bước vào tuổi 87, thì tôi cũng bước vào tuổi 60, vẫn ôm trong lòng một mớ hiểu biết hổ lốn, những kỷ niệm đau buồn, uất ức của một đứa bé lên 7 tuổi bị vò cuốn trong cơn gió độc địa của cải cách ruộng đất ở quê tôi. 7 tuổi nhưng tôi phải khôn trước tuổi vì cuộc sống nghèo túng lam lũ. Tôi như tờ giấy trắng tinh bị cải cách ruộng đất hất một chậu mực đủ gam màu. Thậm chí 7 tuổi tôi đã biết phản ứng, yêu ghét, ngấm ngầm những điều sai đúng của người lớn. Với tôi đó là thời kỳ trái khoáy điêu hớt, nó xăm trổ vào ký ức, tình cảm tôi những điều méo mó không xóa đi được.
 
Bố tôi là đảng viên cộng sản, chủ tịch lâm thời ủy ban hành chính kháng chiến xã. Sau kháng chiến toàn quốc, ông thoát ly thành bộ đội chủ lực tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mẹ tôi một người đàn bà mù chữ, ở nhà làm ruộng nuôi con. Thằng em tôi ba tuổi lúc cải cách, nó bé quá. Nhà tôi nghèo đến độ, trước đó giặc Pháp đốt làng, chỉ còn sót lại có một vì kèo. Phải gác nhờ cây cái móc vào vì kèo nhà bên cạnh mới lợp được hai mái rạ che nắng mưa. Mãi rồi bố tôi mới dựng được một túp nhà riêng giữa vườn chuối cho ba mẹ con trước khi ông đi thoát ly. Ngày đội cải cách về, chẳng hiểu cơn cớ làm sao mẹ tôi bị quy là cường hào ác bá (dây mơ dễ má đâu là chỗ ông nội tôi từng làm chân lý trưởng. Ông tôi mất năm 1933, trước ngày đội cải cách về đúng hai mươi năm. Đời bố tôi đã là một bần cố nghèo rớt mồng tơi, đi theo cách mạng).

Đang là con nít mải ăn mải chơi với trẻ con hàng xóm, lúc rủ nhau chui rào hái trộm ổi xanh, khi lang thang đúc dế ở chân đê, rồi đánh nhau lôi tên cái bố mẹ nhau ra mà chửi dọc đê làng... đùng một cái mẹ lôi hai anh em tôi xuống cái ổ rạ cạnh bếp vừa khóc vừa bảo (cái đũa bếp cháy vẹt một đầu đập đập theo tiếng thổn thức): "Bầm dặn thằng Tân từ hôm nay phải ngồi đóng gông ở nhà trông em. Không được đi chơi đi học nữa. Nếu gặp đám bạn con nhà hàng xóm thì phải khoanh tay chào bằng ông bà và xưng là con..."
 
Tôi phụng phịu phản ứng. Mẹ tôi giang tay tát một cái trời giáng vào mặt khiến hai mắt tôi nổ hoa cà hoa cải. Liền đấy bà ôm hai anh em tôi khóc như mưa như gió nói những điều mà tôi không hiểu: "Nhà ta từ nay là gia đình thành phần rồi con ơi..."
 
Mãi sau này tôi mới biết phần nào nỗi oan ức nhục nhã mà bà phải chịu. Cái tát vào mặt tôi cũng thể hiện sự cứng cỏi bà phải có để vượt qua những tháng ngày kinh khiếp và phi lý ấy. Mẹ tôi lấy bố tôi được hơn một năm thì nổ ra cướp chính quyền. Bố tôi hoạt động bí mật, thỉnh thoảng lại cùng các đồng chí của ông đem súng đạn, lựu đạn về cùng mẹ tôi chôn giấu xuống bên dưới các gốc chuối trong vườn nhà. Khi đủ chuyến các ông áp thuyền vào bến sông ngoài đê, đào vũ khí rồi chuyển lên chiến khu Vạn Thắng (vùng Hạ Hòa, Phú Thọ ngày nay). Chuyện lớn thế mà cứ kín nhẹm. Năm 1945 giặc Nhật chiếm làng tôi. Chúng bắt dân ra sân đình, thằng quan Nhật giơ cao thanh kiếm bảo là kiếm thần, chỉ cần cắm xuống đất nhà ai sẽ biết có chôn giấu vũ khí hay không. Ai có vũ khí đem nộp được thưởng. Ai cố tình chôn giấu, chúng sẽ chém cả nhà. Mẹ tôi thao thức trắng hai đêm. Chuyện kiếm thần khiến bà lo lắng bồn chồn. Chồng không thấy về. Ngoài vườn vẫn còn mấy hố đạn chưa đem đi hết. Đêm thứ ba bà lẳng lặng trở dậy, đào từng hố cho vào đôi thùng gánh nước bằng gỗ đem ra sông đổ. May thế nào mới đổ được hai chuyến thì bố tôi về. Ông nhào xuống sông mò lại và đem hết số vũ khí trong vườn đi. Mẹ tôi bảo, nhìn đứa con đỏ hỏn – ấy là anh cả tôi nhưng sau này không nuôi được – nghĩ đến lời thằng sĩ quan Nhật bà chẳng biết phải làm thế nào. Thôi gà mái giữ lấy cái ổ đã. Chuyện ấy may mà sau này đội cải cách không biết.
 
Là cường hào ác bá nhưng nhà tôi chẳng đủ gạo ăn. Đã thế còn lại cấm quan hệ với anh em, họ hàng chòm xóm. Đó là nỗi nhục, nỗi uất lớn nhất của mẹ tôi. Bữa cơm chỉ có sắn khô meo mốc luộc lên nhai, nhiều bữa ăn cháo củ chuối... Đêm nào mẹ tôi cũng giật mình thon thót khi bước chân tuần tra của dân quân nện phía ngoài hàng rào. Nhưng cũng có những tiếng động làm giật mình mà bà chờ đợi. ấy là bà ngoại tôi, các dì tôi biết ba mẹ con tôi đói nên thỉnh thoảng lại gói khoai lang, bắp ngô, túm gạo... nhằm lúc không có người ném bụp vào trong vườn. Bần cố nông cứ tiếp tế lương thực cho cường hào mấy tháng liền mà không ai biết.
 
Với tôi ngoài nỗi khổ của mẹ, có lẽ in đậm nhất là trò đám cán bộ đội cải cách nghĩ ra để phá hoại nhà tôi. Ngoài mấy thước ruộng trồng lúa, nhà tôi còn có một cây hồng không hạt rất ngon, giống hồng Hạc Trì. Cây hồng cổ thụ xum xuê che rợp bóng xuống cả đoạn đê trước nhà. Mùa quả mẹ tôi hái, ngâm vào một dãy nồi đình. Khi ăn được bà đem cho hàng xóm mỗi nhà vài quả, còn thì gánh sang chợ Nhông bên Trung Hà bán. Nhìn trước ngó sau thấy gia đình tôi không có cái gì đáng giá để tịch thu, chia quả thực, cán bộ Th., một tên lưu manh mạt hạng, chuyên sờ sẩm quả trứng buồng chuối của xóm giềng được đội cải cách xâu chuỗi thành rễ cốt cán nghĩ ra trò rất ma bùn. Hắn làm hai cái cán cờ thật dài, cho hai tay dân quân cầm đi đầu đoàn mít tinh, đến ngang cây hồng nhà tôi hắn giơ thật cao. Cành hồng nào chạm vào cờ cách mạng hắn hô dân quân lên chặt. Cây hồng quý duy nhất của làng tôi bị chém xơ xác và năm đó nó chết. Bao nhiêu người tìm cách chiết cành, ươm rễ nhưng đều không sống được. Cũng hôm ấy, thấy người đi mít tinh vui quá, hùng dũng quá, tôi quên thân phận mình, quên lời mẹ dặn, chui rào trốn ra cùng đám bạn bám quanh cán cờ. Mắt tôi cũng long lanh kích động, cũng nắm tay thụi ngược miệng hô: "Đả đảo bọn địa chủ cường hào ác bá"; "đào tận củ trốc tận rễ bọn trí phú địa hào...". Chợt rễ Th. nhìn thấy tôi. Hắn túm gáy, bẹo tai tôi vặn ngược, lôi xềnh xệch ra mép đê, đạp một cú chí mạng vào ngực tôi miệng chửi: "Đ. mẹ thằng cường hào con. Ai cho mày mó vào cờ cách mạng hả". Tôi lộn mấy vòng xuống chân đê, trong lòng vừa hoảng sợ vừa uất ức cực độ. Từ hôm ấy tôi cũng công khai chửi vào mặt bọn con nhà nông dân: "Ông đút b... vào chơi với chúng bay nữa. Ông chỉ chơi với thằng Vựng thằng Khàng thôi". Thằng Vựng con nhà phú nông, thằng Khàng con nhà địa chủ... Đám cường hào, địa chủ con chúng tôi đành tha thẩn chơi với nhau.
 
Nói cho cùng thì làng tôi bé teo heo, chỉ biết sống bằng nghề trồng lúa, chẳng có ai đáng mặt để gọi là địa chủ giàu có. Đội cải cách về thấy bảo tìm mãi mới được vài nhà dư dật hơn, ngày xưa ông cha có dính dấp tí hàm sắc, đôn lên làm thành phần bóc lột. Không có địa chủ nào đáng bị bắn. Chỉ có hai địa chủ bị đem ra đấu tố giữa chợ, tôi nhớ rất lâu chuyện bà địa chủ Oanh, chính thằng cháu khốn nạn lên xỉa xói, nhổ nước bọt vào mặt bà, giật dứt cái mấm vàng trên tai bà và vu những chuyện không đâu. Còn lại vài nhà bị gọi là cường hào, phú nông như mẹ tôi hình như cho đủ tiêu chuẩn quy định. Các cụ trong làng tôi bây giờ vẫn kể cái cảnh quy địa chủ mà cứ như trò đùa. Đội cải cách tập hợp người lại bảo đấu tố, kể khổ truy bức. Có bà Tý toét ở thôn Cao bị quy địa chủ. Nghe thấy tên mình bà ta còn đứng dậy cám ơn rồi từ chối: "Nhà cháu một chữ cắn đôi không biết, lại neo lắm, cháu không làm địa chủ được đâu, cháu xin nhường anh thẽm Cửu..." Đại loại cách hiểu về địa chủ cường hào vùng tôi là thế. Đội cải cách ruộng đất về làng như một cơn gió độc, cuốn lộn tùng phèo mấy chục nóc nhà giống như mấy chục cái đụn rạ của thôn tôi lên. Mãi sau này khi trưởng thành, tôi mới thấy sự tác hại ghê gớm của nó còn di họa đến tận ngày nay, đó là sự phá vỡ cái kết cấu chặt chẽ của nông thôn Việt Nam, những mối quan hệ tốt đẹp, tương thân tương ái, hợp lý hợp tình của mỗi quần thể sống, như người xưa vẫn dạy: xóm giềng "sớm lửa tối đèn" có nhau. Nguy hại hơn nó còn phá vỡ nếp sống tốt đẹp tôn ti trật tự có trên có dưới, cái hạt nhân làm nên tinh hoa văn hóa của mỗi dân tộc, đó là gia đình, cũng như triệt hạ không ít những con người tinh hoa nhất, giỏi giang nhất trong mỗi làng xóm. Và cũng chỉ từ cải cách ruộng đất các cụ bảo mới có chuyện con cháu hỗn hào với ông bà cha mẹ, mới có chuyện con chửi cha, vợ lộn chồng như thế.
 
Rồi cũng sửa sai. Mẹ tôi xuống hàng bần nông. Cái hôm được "giáng chức" ấy, bà lại khóc một trận tơi bời. Khóc như rũ đi cái gánh đời ô nhục vơ với quàng vào cổ bà. Chẳng bóc lột ai, chẳng ân oán với ai nên mối quan hệ cũ cũng bình tâm trở lại. Chỉ có tôi là vẫn ngang bướng. Tôi nhìn đám con cái nông dân với ánh mắt khinh bạc. Tôi tìm đủ cớ để gây sự với chúng. Bố tôi nhận ra sự tổn thương trong tình cảm của tôi, sự méo mó trong tuổi thơ tôi nên ông đưa tôi về sống ở Hà Nội để cắt đứt với những ám ảnh cũ. Lúc ấy ông đang được giao phụ trách các rạp chiếu bóng Hà Nội của chi nhánh điện ảnh I, chỗ ở chính là 59 phố Cửa Nam, ngay trong rạp chiếu bóng Kinh Đô. Tôi bắt đầu đi học lớp 1 ở trường Lý Thường Kiệt, phố Sinh Từ. Hôm nhập học, bố mẹ tôi cùng đưa đi, tôi chưa quen đi dép, cứ chân đất tôi chen lấn làm dạt đám cậu ấm cô chiêu thơm tho Hà Nội để leo lên ban công tầng hai, ngang với ngọn cây xoan ở quê. Tôi thò đầu ra vẫy tay, rối rít gọi toáng lên: “Bầm ơi. Em ở đây mà!”
 
Cái khăn mỏ quạ của bầm tôi ngúc ngoắc lo tôi ngã. Còn ánh mắt ngạc nhiên và khinh bỉ của đám học trò Hà Nội cũng không làm tôi bớt vui vì một mảng cuộc đời khác đã đến sau những ngày cải cách ruộng đất đầy tối tăm.
 
Cho đến tận bây giờ tôi chỉ hiểu cải cách ruộng đất một cách lõm bõm, thật hư, đậm nhạt như thế. Ba người khác giống như một bộ phim có đầu có cuối giúp tôi giải nghĩa, lắp ghép, xâu chuỗi những mảng còn thiếu, những chỗ đứt đoạn, mờ ảo trong cái ký ức còn quá non dại thời ấy. Háo hức tìm đọc Ba người khác như tìm lại hình bóng của chính mình, những câu chuyện, hoàn cảnh giống gia đình mình. Thì ra ở đâu cũng vậy, cũng có chuyện nhốn nháo, hàm oan, cũng đĩ bợm, khốn nạn.
 
Còn cánh cán bộ đội, những chuỗi, rễ cơ hội lưu manh ở thôn tôi sau này cũng không thấy ai thành người tử tế. Riêng tay đội Xuấn gian ác nhất, người già làng tôi vẫn kể rằng vào một đêm tối trời hắn bị ai đó giết chết treo lên cành gạo cạnh ủy ban xã. Hạ bộ bị cắt, cái của quý nhét vào miệng. Chẳng biết đúng sai đến đâu nhưng rất nhiều thôn khác trong xã cũng nhận hắn là ông Đội của thôn mình – tôi đã lấy những chi tiết này đưa vào truyện ngắn "Trang gia phả viết bằng vôi" – còn bao nhiêu điều nữa người làng đồn thổi về các ông đội cải cách ruộng đất, tất cả đều kèm theo tiếng thở dài, ai oán.
 

© 2007 talawas
Nguồn: Phát biểu tại Toạ đàm về tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài do Há»™i Nhà văn Hà Ná»™i tổ chức ngày 22/12/2006