trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Cải cách ruá»™ng đất
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
14.6.2007
Đào Hùng
Ba người khác hay ba người xa lạ?
 
Đã lâu lắm mới có được một cuốn tiểu thuyết hay. Và tôi đọc liền một mạch. Nhưng gập sách lại, tôi có một cảm giác vừa mừng vừa tiếc.

Mừng vì đến mãi bây giờ, cuối cùng một vấn đề nhậy cảm, cấm kỵ đã được một nhà văn có tên tuổi dám đưa lên trang sách. Kể ra thì trước đây cũng đã có một số nhà văn đề cập đến, nhưng chỉ là nói thoáng qua hay kể lại một vài mẩu liên quan đến câu chuyện họ kể hoặc đến những nhân vật do họ dựng lên. Còn đi sâu vào chuyện cải cách ruộng đất thì chưa. Thì giờ đây nhà văn Tô Hoài đã dựng lại cả một giai đoạn của cuộc cách mạng này trong một cuốn tiểu thuyết không lấy gì làm dài lắm. Cho nên đấy cũng là một điều tiếc.

Đáng lẽ vấn đề này phải được các nhà sử học đề cập từ lâu. Nhưng tiếc thay, kể từ bài báo của cố Viện trưởng Trần Huy Liệu “Xét lại hồ sơ giai cấp địa chủ” đăng trên tập san Văn Sử Địa năm 1957 [1] , sau đó bị phê phán là mơ hồ về giai cấp, thì đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu độc lập nào về cải cách ruộng đất. Không kể là sau đó cụ Trần còn có một tập Ghi chép trong cải cách ruộng đất kể lại những điều đã chứng kiến kèm theo lời bình, nhưng chưa bao giờ được công bố. Đúng như Phạm Thị Hoài đã nhận xét: “Giới sử học – hơn tất cả mọi giới trí thức khác - gắn chặt với hệ tư tưởng chính thống. Từ Đổi mới, giới văn nghệ - đặc biệt là giới nhà văn và nhà báo – vào cuộc là chủ yếu, trong khi đó giới sử học hầu như không tham gia vào các vận động tinh thần của xã hội. Trong khi đó ai cũng biết là các nhận thức về lịch sử đóng vai trò đòn bẩy trong nhận thức chính trị-văn hóa-xã hội nói chung.” Gần đây nhất, cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam, 1945-2000 [2] , chỉ dành cho cuộc vận động chính trị, xã hội, kinh tế lớn nhất của thời đại bằng một đoạn ngắn trong chương bàn về nông nghiệp (chương 5, với vẻn vẹn có 20 trang trên 1178 trang của tập II). Mà ở đây các tác giả cũng chỉ dám đưa ra nhận xét một cách an toàn nhất là trích “Báo cáo của Bộ Chính trị năm 1956”, hay thuật lại một số hồi ký của các vị lãnh đạo cao cấp nhất hồi đó, chứ chưa có một nhận định độc lập nào của nhà nghiên cứu.

Nhưng điều đáng tiếc hơn là Tô Hoài, một người đã từng tham gia cải cách ruộng đất qua nhiều đợt, đã từng làm đến đội phó phụ trách tòa án, không lẽ chỉ viết được có thế thôi ư. Cũng không trách được ông, vì khi bước vào cuộc đấu tranh này ông còn trẻ và chưa được học hành nhiều, nên những nhận xét của ông lúc đó chắc hẳn còn rất sơ lược và công thức. Nhưng bao nhiêu năm đã trôi qua, nay hồi tưởng lại, chẳng lẽ ông không có những nhận định gì sâu sắc hơn? Và khi ông chọn ra ba con người điển hình để nói về một cuộc cách mạng to lớn như vậy, thì lại chọn ba con người cá biệt, không đại diện được cho cái chung. Đành rằng nhà văn có quyền xây dựng nhân vật của riêng mình, nói những chuyện nhỏ để đề cập đến việc lớn, nhưng ít ra những nhân vật đó cũng phải phản ánh được phần nào xã hội mà nhà văn đã sống.

Ba nhân vật mà Tô Hoài chọn, lại là ba phần tử cơ hội, có pha chút lưu manh, những phần tử đã lấy cách mạng làm con đường tiến thân, lợi dụng những đảo lộn trong cải cách ruộng đất để mưu đồ cho ham muốn của mình. Những việc làm của các nhân vật đó đã được nhà văn gói gọn lại trong mấy việc: “hủ hóa” với cốt cán, xuyên tạc các chủ trương của cải cách để thực hiện mưu đồ của mình đồng thời dùng thủ đoạn để lừa dối đe dọa nhau. Cả một cuộc vận động long trời lở đất lại được nhìn qua con mắt của ba nhân vật đặc biệt như vậy hẳn là không đầy đủ. Và cuộc đời của các nhân vật đó đã được nhà văn dẫn giắt đến một kết cục rất lôgic. Nhưng sự thật thì có biết bao người đã từng đi vào cải cách ruộng đất như đi vào một trường học cách mạng. Họ đi với tất cả niềm tin và lòng chân thành, mong muốn thật sự tự cải tạo mình và giúp cho nông dân vùng lên (hồi đó không được dùng chữ “giúp nông dân” mà phải nói là “nông dân giúp ta tự cải tạo”). Trong đó có không ít người là cán bộ trí thức, xuất thân từ những gia đình tư sản, quan lại, là những phần tử tinh hoa của xã hội. Họ đã thực hiện các chủ trương của cấp trên một cách nghiêm chỉnh và tin rằng mình đã tham gia vào công cuộc giải phóng cho nông dân, chứ không phải là những kẻ dốt nát cơ hội như ba nhân vật của Tô Hoài. Cho nên cái sai của cải cách ruộng đất không phải là chỉ do cán bộ làm sai, mà nó xuất phát từ những nhận định sai lầm của một đường lối, kể cả những áp lực mà chúng ta phải chịu qua các cố vấn nước ngoài. Và đấy mới thực sự là bi kịch của những người đã từng tham gia cải cách ruộng đất. Phải chăng vì vậy mà nhiều người đến nay vẫn tránh né không bao giờ muốn nhắc đến.

Nhắc lại những bài học của cải cách ruộng đất không phải để phê phán những việc làm tả khuynh của một thời ấu trĩ, vì việc đó đã được Đảng và Chính phủ tự phê bình trong những văn kiện từ năm 1956. Theo tôi cái chính là phải nhìn vào những hậu quả mà nó để lại trong xã hội Việt Nam với những di chứng còn kéo dài trong nhiều năm sau này. Với tư cách là nhà văn, hẳn ông Tô Hoài đã thấm thía về những lề thói suy nghĩ, về những cách làm việc và ứng xử đã được định hình từ cuộc đảo lộn lớn ở nông thôn thời đó, để sau này còn tiếp tục chi phối mọi mặt của đời sống xã hội miền Bắc. Cái vết thương mà cuộc cải cách ruộng đất để lại ở nông thôn miền Bắc còn lớn hơn những con số thống kê trong các báo cáo chính thức, mà ít ra Nguyễn Khắc Trường cũng đã phản ánh được một phần trong Mảnh đất lắm người nhiều ma. Tôi tin rằng với những hiểu biết sâu rộng của mình, nhà văn Tô Hoài sẽ còn cho ta những tác phẩm hấp dẫn hơn nữa.

© 2007 talawas


[1]Hải Khách, “Xét lại hồ sơ giai cấp địa chủ”, tập san Văn Sử Địa, số 25, tháng 2-1957
[2]Viện Kinh tế Việt Nam, Lịch sử kinh tế Việt Nam, 1945-2000, Tập II, Nxb KHXH, 2005, tr. 85-90