trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
16.3.2006
Hoàng Hạ
Một số khía cạnh của vấn đề đảng viên được phép làm kinh tế tư nhân
 
Trong dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam có một đoạn nhỏ là chủ đề tranh luận của nhiều người kể từ khi dự thảo được công bố:

“Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô phải gương mẫu chấp hành điều lệ Đảng, pháp luật, chính sách của nhà nước và quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương.”

Chúng ta sẽ nhìn vấn đề này từ nhiều khía cạnh khác nhau.


1. Khía cạnh xã hội học

Chúng ta phải hiểu đoạn văn này như thế nào? Liệu đó có phải là Đảng đã chủ động chính thức cho phép đảng viên của mình được phép làm kinh tế tư nhân? Hay Đảng chấp nhận hợp thức hóa hiện thực: nhiều đảng viên đang làm kinh tế tư nhân hay có người thân trong gia đình làm kinh tế tư nhân; nguyện vọng làm kinh tế tư nhân trong đảng viên rất lớn; đại đa số đảng viên đều ủng hộ việc đảng viên được làm kinh tế tư nhân? Nếu tồn tại những đảng viên như thế thì cụ thể số lượng là bao nhiêu % trong toàn Đảng? Họ phân bố như thế nào trong tổ chức? Ở cấp cao là bao nhiêu %, trung cấp bao nhiêu, cấp cơ sở bao nhiêu? Thiết nghĩ một đảng luôn tự cho mình là vĩ đại, có trình độ lý luận cao như Đảng Cộng sản Việt Nam không thể nào không quan tâm vấn đề quan trọng này.

Hơn nữa, để có cơ sở khoa học vững chắc khi đưa ra quyết định, Đảng cần phải nắm rõ tình hình thực tế nội bộ mình. Đảng đã nắm rõ thực tế đảng viên làm kinh tế tư nhân chưa? Nếu chưa thì Đảng nên dành thời gian nghiên cứu chứ không nên quyết định vội vã. Nếu rồi thì Đảng nên công bố những kết quả điều tra đã có. Chỉ có như vậy quyết định của Đảng mới có cơ sở khoa học vững chắc mang tính thuyết phục cao.


2. Khía cạnh pháp lý

Đối với vấn đề công dân làm kinh tế tư nhân, Hiến pháp hiện hành của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 1992) có quy định rõ:

Điều 57: Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Nếu Đảng thừa nhận rằng đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có quyền làm kinh tế tư nhân thì hành động đó hoàn toàn hợp hiến. Đảng viên cũng là công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, do đó được hưởng mọi quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp. Chắc chắn không một người tôn trọng Hiến pháp và pháp luật nào có thể phản bác điều này. Chúng ta có thể đặt vấn đề: Liệu cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân có phải là một hành vi vi phạm Hiến pháp không? Đảng không thể vi phạm Hiến pháp khi mà Hiến pháp đã ghi rõ:

Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đảng Cộng sản Việt Nam càng không thể vi phạm Hiến pháp trong khi Đảng đang là người lãnh đạo xã hội, đang nêu cao khẩu hiệu xây dựng một Nhà nước pháp quyền dân chủ, văn minh. Tôi tin rằng không một người nào có lương tri, có tâm huyết với Đảng Cộng sản Việt Nam lại muốn đẩy Đảng vào tình thế đó.


3. Khía cạnh kinh tế và chính trị

Sau khi đã xem xét khía cạnh pháp lý của vấn đề, chúng ta xem xét đến khía cạnh kinh tế. Ở đây, việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đã được chứng minh là một quyết định hợp hiến. Nếu quyết định này được Đại hội X thông qua thì xã hội chúng ta sẽ có một nhóm đảng viên cộng sản làm kinh tế tư nhân. Họ là những doanh nhân phải hoạt động tuân theo Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như bất cứ doanh nhân nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhưng vấn đề đặt ra là đảng viên doanh nhân có ưu thế nào trong hoạt động kinh doanh so với các doanh nhân không phải là đảng viên?

Bất cứ một người trưởng thành nào cũng hiểu quyền lực nhà nước chính là một yếu tố có thể làm cản trở hay thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, Đảng ta là đảng cầm quyền duy nhất hợp hiến. Phần lớn những chức vụ từ cấp cao nhất cho đến cấp cơ sở đều do đảng viên nắm giữ. Đảng có quyền quyết định nhân sự trong bộ máy nhà nước ở mọi cấp. Vậy nên những doanh nhân là đảng viên hoàn toàn có thể là những người nắm giữ quyền lực nhà nước. Hoặc ít nhất họ cũng là những người có nhiều mối liên hệ về mặt tổ chức Đảng hay mang tính cá nhân với những đảng viên đang nắm quyền. Khả năng tác động của họ vào chính sách của nhà nước rất lớn. Trong khi đó doanh nhân không phải là đảng viên không có cái ưu thế mà người đảng viên làm kinh tế tư nhân có được. Họ chỉ có thể tác động hợp pháp bằng văn bản kiến nghị hay bất hợp pháp bằng hối lộ theo cách này hay cách khác.

Liệu với một tình trạng như vậy, ở Việt Nam có thể hình thành một môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh không? Nếu bất bình đẳng thì những hậu quả kinh tế và xã hội của tình trạng này là gì?

Một điều nữa chúng ta phải nhắc đến là giữa nhà kinh doanh và người lao động làm thuê không phải lúc nào cũng tương đồng về quyền lợi. Biểu hiện là những cuộc đình công có quy mô ngày càng lớn, ngày càng có xu hướng vượt ra khỏi phạm vi doanh nghiệp. Nếu người đảng viên vừa kinh doanh, vừa tự nhận mình là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, không bóc lột, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng theo điều 1 của điều lệ Đảng thì khi có sự bất đồng về mặt quyền lợi giữa đảng viên chủ doanh nghiệp và người lao động, người chủ doanh nghiệp đồng thời là đảng viên đó phải hành xử như thế nào?

Bây giờ chúng ta xét đến quan hệ giữa chủ doanh nghiệp là đảng viên với nhà nước và người lao động làm thuê với nhà nước. Trong quan hệ này, ai có khả năng tác động vào nhà nước lớn hơn? Người lao động làm thuê hay đảng viên làm kinh tế tư nhân? Ở đây có sự bình đẳng trong khả năng tác động vào bộ máy nhà nước không? Nếu không thì chủ nghĩa Marx mà Đảng Cộng sản Việt Nam coi là kim chỉ nam có thể chấp nhận sự bất bình đẳng đó? Những hệ quả kinh tế và xã hội từ trạng thái bất bình đẳng đó?

Người lao động sẽ nghĩ gì? Liệu họ có nghĩ đảng viên làm kinh tế có cả một Đảng cầm quyền còn họ chẳng có gì ngoài một Liên đoàn lao động bị coi là không đáp ứng với tình hình mới? Ai bảo vệ lợi ích của họ? Với tình trạng như vậy, liệu quan hệ kinh tế có thể được giải quyết một cách hòa bình bằng đối thoại trong trật tự mà luật pháp cho phép không? Việc đối thoại sẽ được thực hiện như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu một trong hai phía hoặc cả hai không muốn đối thoại? Một bên có quyền lực nhà nước còn một bên không có gì cả. Ngay cả quyền lập công đoàn độc lập với Đảng, người lao động cũng không có. Hoặc nếu cả hai muốn đối thoại thì có công cụ và cơ chế nào để người lao động đối thoại với ông chủ đảng viên của mình? Tình trạng này có tạo ra một xã hội hòa hợp không? Nó có lợi hay có hại cho sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế?

Từ những cách đặt vấn đề trên ta thấy việc đảng viên cộng sản Việt Nam được phép làm kinh tế tư nhân tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn gây tai biến xã hội như thế nào. Liệu một đảng luôn tự xưng mình là đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thậm chí là toàn thể dân tộc Việt Nam có thể nhắm mắt làm ngơ trước những bất bình đẳng mà người lao động phải gánh chịu và những tiềm ẩn xã hội nguy hiểm đằng sau sự bất bình đẳng đó?


4. Kết luận

Ở đây ta thấy một mặt, Đảng không nên và cũng không thể cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân vì kinh doanh là quyền cơ bản của công dân được ghi trong Hiến pháp. Quan trọng hơn, trên thực tế nó là nhu cầu của một bộ phận đảng viên. Nó được dư luận đảng viên và xã hội tán đồng. Nhưng mặt khác việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân đặt ra những vấn đề kinh tế - xã hội không lường trước được. Đây là một bài toán chưa có lời giải. Cách giải tùy thuộc vào ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng nên giải quyết ngay bài toán này chứ không nên truyền nó lại cho các thế hệ sau như một di sản. Đến lúc đó chi phí giải bài toán sẽ vô cùng lớn, thậm chí lớn hơn mức tưởng tượng của tất cả chúng ta hiện nay. Xã hội Việt Nam tin tưởng vào sự sáng suốt và trách nhiệm xã hội của Đảng.

© 2006 talawas