trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
7.3.2006
Đoàn Tiểu Long
Nhà sư có được… ăn thịt hay không?
 
Ăn thịt rất có ích cho sức khoẻ, lại giúp kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Ai ai cũng có quyền ăn thịt, hẳn thế. Vậy ta có thể lấy lý luận đó để khuyên nhà chùa cho phép các nhà sư... ăn thịt không?

Dĩ nhiên là không, vì những lý lẽ nói trên là lý lẽ của tục nhân, xuất phát từ quan điểm của người không đi tu. Còn người đi tu có quan điểm khác. Đại khái, theo họ thì sát sinh là tội lỗi; việc ăn thịt gián tiếp giúp cho hành vi sát sinh, mà như thế sẽ tạo nên nghiệp chướng, khó lòng tu thành chính quả.

Như thế giữa các nhà sư không thể đặt ra vấn đề "nhà sư có được ăn thịt hay không", đơn giản vì điều đó trái với giáo lý nhà Phật, và chưa có nhà sư nào chứng minh được rằng kiêng thịt là vô ích, có thể ăn thịt mà vẫn tu thành chính quả. Người không theo đạo Phật không thể lên báo Giác ngộ tranh luận điều này bằng lý lẽ phàm tục như trên. Nếu có tranh luận, thì đó là việc nội bộ của nhà Phật, và chỉ những bậc cao tăng đắc đạo, Phật pháp uyên thâm mới đủ khả năng tranh luận có nên thay đổi điều này điều nọ trong giáo lý của Phật tổ hay không.


*


Việc góp ý cho Báo cáo chính trị của Đảng và cuộc tranh luận "Đảng viên có được làm kinh tế tư bản hay không?" đang diễn ra rất sôi nổi ở Việt Nam cũng y như vậy. Rất nhiều người tham gia góp ý, tranh luận những vấn đề thuộc về ý thức hệ của một Đảng chính trị từ quan điểm của người... ngoài Đảng, và dĩ nhiên là trật lất. Người thường đã đành, nhưng thậm chí nhiều Đảng viên cao cấp hẳn hoi cũng lý luận như một người dân thường. Vì sao? Vì dường như từ lâu nhiều người đã bỏ qua cái đuôi "cộng sản" trong cụm từ "đảng cộng sản", chỉ còn nhớ rằng đảng ta là đảng cầm quyền, ta là đảng viên của đảng đó, mà quên hẳn bản chất cộng sản của đảng mình. Thực tế rất ít đảng viên hiểu chủ nghĩa Marx một cách sâu sắc, dù đều đã qua lớp chính trị trung, cao cấp, nên việc họ không hiểu các lý luận của giáo sư Nguyễn Đức Bình, cho rằng ông bảo thủ, là điều đương nhiên, chứ đừng nói gì đến người dân thường. Việc nhiều đảng viên hiểu sai lý tưởng của đảng cộng sản, tưởng rằng đó là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là minh chứng. Ngay cách đặt vấn đề "đảng viên có được làm kinh tế tư bản hay không" cũng cho thấy điều đó. Đúng ra phải là: "đảng viên cộng sản có được làm kinh tế tư bản hay không?". Bởi các đảng khác chẳng đặt ra vấn đề này bao giờ.

Có thể lấy ví dụ về vấn đề “bóc lột” để thấy cách nhìn của người Mác-xít và người thường khác nhau như thế nào.

Marx định nghĩa: bóc lột là việc nhà tư bản chiếm đoạt giá trị thặng dư do người công nhân tạo ra trong quá trình sản xuất.

Nhiều người không đồng ý, như anh Nguyễn Quang A chẳng hạn, cho rằng: nhà tư bản cũng lao động rất nặng nhọc, lao tâm khổ tứ, sử dụng tri thức, chất xám của mình để tạo ra giá trị, vì thế xứng đáng được hưởng khoản giá trị đó, chứ không phải họ chiếm đoạt của người làm thuê. Hơn nữa nhà tư bản còn phải trả các loại bảo hiểm cho người lao động bằng tiền túi của mình, rồi chịu rủi ro thua lỗ, phá sản, nên khó nói ai bóc lột ai.

Có thực thế chăng?

Cứ cho rằng lao động của nhà tư bản là lao động trình độ cao, và 8 giờ làm việc của ông ta tạo ra giá trị nhiều hơn 8 giờ lao động của một nhân viên bình thường. Nhưng cao hơn bao nhiêu lần? Phải chăng lao động của Bill Gates đáng giá hàng tỷ đô la mỗi năm, gấp hàng vạn lần so với các lập trình viên?

Để biết lao động của nhà tư bản đáng giá bao nhiêu, ta hãy giả thiết nhà tư bản không tự điều hành công ty, mà thuê một quản trị viên chuyên nghiệp làm giám đốc, với năng lực và hiệu quả điều hành không kém hơn bản thân nhà tư bản, và trong thực tế thì thường là cao hơn. Như vậy, nếu nhà tư bản tự tay điều hành thì giá trị lao động của ông ta không thể cao hơn giá trị lao động của giám đốc làm thuê. Câu hỏi là: nhà tư bản sẵn lòng trả cho giám đốc bao nhiêu tiền?

Chắc chắn không thể đến mức hàng tỷ đô la mỗi năm rồi.

Một khi nhà tư bản trả cho giám đốc bao nhiêu tiền đó, thì ông ta phải kỳ vọng là công ty dưới sự điều hành của giám đốc phải làm ra hơn thế nhiều lần. Khoản dôi ra là lợi nhuận. Như thế, nếu nhà tư bản tự tay điều hành thì cái khoản chênh lệch đó không phải do lao động của ông ta tạo ra, mà đích xác là giá trị thặng dư do người khác tạo ra.

Ví dụ, nếu anh Nguyễn Quang A tự điều hành công ty mỗi năm thu lợi nhuận 100 triệu, thì khi thuê giám đốc chắc hẳn anh sẽ không trả cho giám đốc cả 100 triệu, mà chỉ 10 triệu thôi. 10 triệu chính là giá trị lao động của anh Quang A. 90 triệu dư ra kia là cái gì vậy?

Rõ ràng chẳng nhà tư bản nào làm việc theo kiểu lấy công làm lãi (lợi nhuận đúng bằng giá trị lao động của mình), mà bao giờ cũng kiếm nhiều hơn, nhờ chiếm đoạt giá trị thặng dư do người làm thuê tạo ra.

Marx chưa bao giờ phủ nhận công sức cũng như sự rủi ro của nhà tư bản. Nhưng cần lưu ý: công sức cũng như sự rủi ro của nhà tư bản không làm tăng thêm giá trị của hàng hoá, vốn là một đại lượng không đổi, được xác định bằng lượng lao động xã hội trung bình cần thiết để sản xuất ra hàng hoá đó. Tài trí của nhà tư bản tập trung chủ yếu vào việc tổ chức sản xuất để giảm giá thành, nhờ đó tăng lợi nhuận, và bán được hàng để biến giá trị, trong đó có cả giá trị thặng dư, đang ở dạng hàng hóa, thành tiền. Nếu bán được hàng thì ông ta có tiền để quay vòng và đút túi phần lãi; nếu không bán được hàng thì phá sản. Tuy nhiên giá trị thặng dư vẫn do người lao động tạo ra. Và mọi thứ thuế má, bảo hiểm, phúc lợi cho người lao động thực chất cũng từ chỗ giá trị thặng dư này mà ra chứ đâu.

Tóm lại, Marx muốn làm rõ nguồn gốc tài sản của nhà tư bản ở đâu mà ra: từ trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên, do đồng vốn mang lại, do tài trí của nhà tư bản, hay do sức lao động của người làm thuê. Ngay cả hiện nay, thời của marketing, quảng cáo, thương hiệu, học thuyết của Marx vẫn không mất giá trị. Dù người ta có đề cao giá trị của thương hiệu lên đến mấy, chẳng hạn thương hiệu Coca-cola (Mỹ) có giá trị 70 tỷ đô la, còn Tribeco (Việt Nam) chỉ vài triệu đô la, thì trên thực tế một chai nước ngọt Tribeco và Coca-Cola vẫn có giá xấp xỉ nhau, tuân theo quy luật lao động của giá trị, chỉ có điều Coca-cola bán chạy hơn mà thôi. Thương hiệu mạnh hơn chủ yếu là do quảng cáo mạnh hơn, chứ không phải vì ông chủ Coca-cola tài giỏi gấp hàng nghìn lần giám đốc Tribeco.

Nếu không có hàng vạn nhân viên, đố Bill Gates kiếm ra hàng tỷ đô la mỗi năm chỉ bằng cái đầu của mình đấy! Ông ta mà đi làm thuê thì vẫn với tài năng đó bất quá kiếm được vài triệu đô la là cùng!

Như thế quan niệm của Marx về bóc lột thông qua chiếm đoạt giá trị thặng dư đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đừng nhìn như người thường mà cho rằng chủ doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, người lao động thấy hài lòng với thu nhập là không còn bóc lột. Cố chứng minh nhà tư bản không bóc lột là hành động mỵ dân, lừa bịp.

Ảnh hưởng và hậu quả của việc bóc lột như thế nào lại là chuyện khác, không nên lẫn lộn. Quả thực ngày nay nhờ năng suất lao động cao gấp hàng trăm lần thời Marx, trong khi nhu cầu của người lao động chỉ cao hơn ngày xưa vài lần thôi: chẳng ai ăn được hơn 3 bữa, mặc hơn 1 bộ quần áo, đi hơn 1 chiếc xe một lúc v.v…, nên thời gian lao động cần thiết cho việc tái tạo sức lao động giảm đi rất nhiều. Ví dụ trước kia cần 3 giờ lao động trên tổng số 8 giờ, nay chỉ cần 1 giờ. Chưa kể 1 giờ lao động hiện nay tạo ra lượng của cải gấp hàng trăm lần 1 giờ trước kia. Vì thế nếu nhà tư bản trả lương cho người lao động bằng 2 giờ làm việc, thì đã là cao lắm rồi. Khi đó giá trị thặng dư mà nhà tư bản chiếm được tương đương 6 giờ làm việc cũng cao hơn trước kia (chỉ có 5 giờ), nghĩa là người lao động thực ra bị bóc lột còn hơn trước. Tuy nhiên do lương cao, cuộc sống tương đối đảm bảo, nên người lao động không còn thấy bức xúc về chuyện bị bóc lột nữa. Họ hài lòng với vị thế của mình, và không cảm thấy thù ghét gì nhà tư bản, có khi lại thấy thương thương khi nghe tin ông chủ nào đó nhảy lầu tự tử. Rút cục mâu thuẫn giữa lao động và tư bản không còn là đối kháng, và không trở nên ngày càng gay gắt đến mức giai cấp công nhân phải nổi dậy làm cách mạng. Mà nếu đã không có cách mạng thì cũng chẳng cần đến đội tiên phong của giai cấp công nhân làm gì. Về điều này có lẽ Marx đã tiên đoán sai chăng?


*


Từ những phân tích trên có thể đưa ra mấy kết luận mang tính nguyên tắc như sau trong việc “góp ý cho Đảng”.

Thứ nhất, cũng như chuyện nhà sư có được ăn thịt hay không, vấn đề đảng viên cộng sản có được làm kinh tế tư bản hay không và nhiều vấn đề khác chỉ có thể là chuyện riêng của đảng cộng sản. Người ngoài, vốn không được trang bị thế giới quan cộng sản, góp ý dễ trật chìa. Đó là lý do vì sao giáo sư Nguyễn Đức Bình giới hạn việc tranh luận trong nội bộ Đảng. Sáng kiến mời toàn dân góp ý cho Báo cáo chính trị của Đảng đúng là chuyện… tức cười! Người dân hăng hái góp ý đến thế chẳng qua là do họ lẫn lộn giữa Đảng và Nhà nước: các ý kiến chủ yếu là góp ý cho Nhà nước, chứ không phải cho một chính đảng! Đây không phải lỗi của người dân. Chính sự nhập nhèm vai trò của Đảng và Nhà nước, và bản Báo cáo chính trị với quá nhiều nội dung lấn sang phạm vi hoạt động của Nhà nước đã gây nên sự lẫn lộn đó.

Thứ hai, khi tranh luận các đảng viên cộng sản phải dựa trên một hệ quy chiếu chung là thế giới quan cộng sản, không thể dùng thế giới quan khác, chừng nào chưa chứng minh được thế giới quan cộng sản là sai còn của người khác mới đúng. Đó là lý do giáo sư Nguyễn Đức Bình yêu cầu phải tuân theo học thuyết Marx-Lenin, chứ không phải ông bảo thủ. Nếu không, việc tranh luận sẽ chẳng đi đến đâu khi ông nói gà bà nói vịt, khác nào lấy hình học Lobaschevski để phê phán định lý “tổng 3 góc trong một tam giác bằng 180 độ” của hình học Euclid là sai!

Thứ ba, để trả lời câu hỏi “đảng viên cộng sản có được làm kinh tế tư bản hay không?”, không đơn giản chỉ định nghĩa lại khái niệm “bóc lột”, kèm theo mấy lý lẽ kiểu: tạo công ăn việc làm, giúp dân giàu nước mạnh v.v… là xong (đó là lý lẽ của người dân thường). Nó đòi hỏi trước hết phải trả lời một loạt câu hỏi rất quan trọng về mặt lý luận:

Bản chất, vai trò của các giai cấp trong thời đại hiện nay.

Mối quan hệ biện chứng giữa các giai cấp: mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động có còn là mâu thuẫn đối kháng chủ yếu, ngày một gay gắt, tất yếu dẫn đến cách mạng vô sản hay không?

Vai trò của giai cấp công nhân ngày nay: có thực sự là giai cấp tiên tiến nhất do vị thế khách quan của nó trong xã hội, có sứ mạng tiến hành cách mạng và lên nắm quyền lãnh đạo trong xã hội tương lai?

Chủ nghĩa tư bản có nhất thiết biến chuyển thành chủ nghĩa cộng sản, hay là tồn tại lâu dài, hoặc chuyển sang một hình thái kinh tế - xã hội khác không phải chủ nghĩa cộng sản?

Mục tiêu của người cộng sản vẫn là xây dựng chủ nghĩa cộng sản, hay chỉ cần làm sao cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ là đủ? Nếu vậy thì đảng cộng sản có gì khác với các đảng khác, vì đảng nào mà chẳng đặt mục tiêu như thế? Và cái mục tiêu dân giàu, nước mạnh đó có hợp quy luật phát triển của xã hội không, hay chỉ là mơ ước? Cần nhớ: người cộng sản chỉ hành động theo những gì họ cho là hợp quy luật, và phải có cơ sở lý luận khoa học đàng hoàng, chứ không chạy theo các giấc mơ dù đẹp đến mấy!

Đây chính là điều giáo sư Nguyễn Đức Bình yêu cầu đặt lên bàn tranh luận. Chỉ khi nào trả lời được chúng một cách khoa học, xác đáng, thì mới có câu trả lời cho vấn đề đảng viên làm kinh tế tư bản và nhiều vấn đề khác. Thực ra khi đó câu trả lời sẽ đến một cách rất tự nhiên, không cần phải tranh luận gay gắt như bây giờ. Chẳng qua người ta đang làm ngược quy trình: tìm cách chứng minh định lý khi chưa nắm rõ và thống nhất về các tiên đề!


*


Về nguyên tắc có thể nói như sau. Chừng nào Đảng Cộng sản còn giữ nguyên học thuyết của mình về các quy luật phát triển của xã hội, về đấu tranh giai cấp v.v…, giữ vững mục tiêu xây dựng chủ nghĩa cộng sản, thì đương nhiên đảng viên không thể làm kinh tế tư bản, cũng như thành viên hội “Chống hút thuốc” không thể kinh doanh thuốc lá – nó trái ngược hoàn toàn với mục tiêu đấu tranh của mình.

Không được làm kinh tế tư bản không phải chỉ vì lý do bóc lột. Người cộng sản ý thức rất rõ (theo cách của mình) việc làm kinh tế tư bản sẽ dẫn đến đâu. Muốn biết nó dẫn đến đâu cần hiểu sâu toàn bộ hệ thống triết học của Marx. Ví dụ: Marx cho rằng con người là sản phẩm của các quan hệ xã hội, mà mọi quan hệ trong xã hội như đạo đức, tôn giáo, pháp quyền v.v… lại đều có cơ sở là quan hệ sản xuất. Chẳng hạn, quan hệ sản xuất phong kiến sinh ra đạo đức phong kiến, coi “danh dự” là cao nhất (hơi tí là đấu kiếm, đấu súng). Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa lại coi “trung thực, chữ tín” là cao nhất (cứ việc chửi bố tôi, nhưng đừng có lừa đảo, vi phạm hợp đồng!). Tóm lại, con người là sản phẩm của quan hệ sản xuất: người nông dân rất khác với người công nhân, và cả hai đều khác với nhà tư bản. Có nghĩa là, nếu ai đó đi làm kinh tế tư bản thì sớm muộn sẽ có đầy đủ các tính cách của một nhà tư bản, không thể cưỡng lại được, bởi nếu cưỡng lại anh ta tất bị đào thải. Có thể khi đó anh ta sẽ thấy tầng lớp công nhân chẳng có gì là tiên phong, đáng để giao quyền lãnh đạo; chính quyền nên giao vào tay giới chủ doanh nghiệp, trí thức thì hơn. Ta hiểu vì sao giáo sư Nguyễn Đức Bình cứ khăng khăng không muốn người cộng sản đi làm kinh tế tư bản – sự biến chất đã thấy trước. Không nhất thiết biến thành người xấu (tốt xấu là khái niệm tương đối), chỉ đơn giản không còn là người cộng sản nữa. Quan điểm này có thể đúng, có thể sai, chỉ biết người cộng sản hiện giờ quan niệm như thế.

Bởi thế đừng ngạc nhiên hay cho việc người cộng sản khuyến khích người khác làm kinh tế, còn bản thân thì không, là mâu thuẫn. Thực ra anh ta đứng ngoài theo dõi, và tìm cách hướng sự phát triển của xã hội theo hướng cộng sản chủ nghĩa, nếu như điều đó hợp quy luật. Cũng như nhà sư ngoài mặt không phản đối việc nuôi heo, giết thịt, nướng chả, hiểu rằng điều đó cần thiết cho cuộc sống, cho xoá đói giảm nghèo, cho tăng trưởng kinh tế, nhưng trong thâm tâm ý thức sâu sắc rằng tất cả những cái đó là tội lỗi, ngăn cản đường lên Niết Bàn.

Mặt khác, đúng như giáo sư Nguyễn Đức Bình nói, các nhà tư bản không thể trở thành đảng viên cộng sản được, trừ phi anh ta thôi làm kinh tế tư bản. Đồ tể muốn vào chùa thì phải thôi mổ heo chứ!


*


Còn nếu như Đảng Cộng sản thay đổi học thuyết của mình, sửa lại những điểm không được thực tiễn xác nhận, phát hiện và chứng minh được các quy luật khác của sự phát triển xã hội, từ đó đặt lại mục tiêu đấu tranh, ví dụ không giữ quan điểm đấu tranh giai cấp và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa cộng sản nữa, thì lại là chuyện khác. Khi đó không chừng đảng viên sẽ được làm nhiều điều mà hiện đang bị cấm, chứ không chỉ kinh tế tư bản tư nhân! Có điều lúc đó đảng không còn là Đảng Cộng sản nữa. Đối với người Mác-xít chân chính điều đó không có gì là thảm hoạ cả.

Và cuối cùng, tất cả những điều nói trên là để áp dụng cho một Đảng Cộng Sản Chân Chính. Đảng Cộng sản Việt Nam có phải là một Đảng Cộng Sản Chân Chính hay không, các đảng viên có phải là Đảng Viên Cộng Sản Chân Chính hay không, xin để Đảng tự trả lời.

© 2006 talawas