trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
Loạt bài: TÆ° liệu văn học
 1   2   3   4   5   6   7   8 
27.11.2004
Mao Trạch Đông
Bàn về văn học nghệ thuật
Nam Mộc dịch
 1   2 
 
Lời nhà xuất bản

Bản dịch Bàn về văn học nghệ thuật này gồm hai bài diễn văn, một bài khai mạc và một bài kết luận Hội nghị văn nghệ Diên-an của Chủ-tịch Mao-Trạch-Đông tháng 5 năm 1942.

Hai bài đó là những văn kiện quý báu trong kho lý luận căn bản về văn hóa nói chung và văn nghệ nói riêng, của các vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Nó nêu rõ đường lối chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Mao-Trạch-Đông trong công tác văn nghệ. Nó giải quyết một cách sáng suốt và đầy đủ những vấn đề thái độ, vấn đề đối tượng, vấn đề học tập để tự bồi dưỡng, tự cải tạo, vấn đề quan hệ giữa công tác và sáng tác, vấn đề phê bình, vấn đề quan hệ giữa chính trị và nghệ thuật, giữa nội dung và hình thức, v.v… Nó sẽ soi đường cho giới văn nghệ chúng ta căn cứ vào thực tiễn Việt-nam hiện nay để khắc phục những khó khăn mới đang xảy ra trong quá trình xây dựng văn nghệ dân tộc và nhân dân của chúng ta. Đồng thời nó giúp mọi người văn nghệ chúng ta, cũ và mới, trước đây đã sống ngoài vùng tự do hay trong vùng tạm bị chiếm, hiện nay đang sống ở miền Bắc hay miền Nam, đào sâu suy nghĩ về nhiệm vụ trước mắt và tiền đồ lâu dài của mình, tự giải đáp những thắc mắc cá nhân, hạ quyết tâm thử đem tài nghệ của mình ra phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mạnh dạn bước trên con đường gian khổ nhưng vinh quang đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của toàn quốc, đấu tranh cho hòa bình tiến bộ của nhân loại, đấu tranh cho một nền văn học nghệ thuật chân chính, tươi mạnh.
Diễn văn khai mạc Hội nghị văn nghệ Diên-an ngày 2-5-1942

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, mời các đồng chí hội họp ở đây, mục đích là để cùng các đồng chí trao đổi ý kiến, nghiên cứu về mối quan hệ đúng đắn giữa công tác văn nghệ và công tác cách mạng nói chung, để làm cho văn nghệ cách mạng phát triển thật đúng, làm cho văn nghệ cách mạng giúp đỡ nhiều hơn cho các công tác cách mạng khác, và do đó, để đánh đổ kẻ thù dân tộc của chúng ta và làm trọn nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Trung-quốc, chúng ta có nhiều mặt trận, trong đó có thể nói có hai mặt trận văn võ, tức là mặt trận văn hóa và mặt trận quân sự. Muốn thắng kẻ địch, trước hết chúng ta phải nhờ một đội quân có súng trong tay; nhưng nếu chỉ có đội quân ấy thôi thì chưa đủ, ta còn cần phải có đội quân văn hóa nữa. Đó là một ngành quân đội không thể thiếu được trong việc đoàn kết để đánh đổ kẻ thù. Từ khi có cuộc vận động “Ngũ tứ” [1] đến nay, đội quân văn hóa đó đã thành hình ở Trung-quốc, giúp đỡ cho cuộc cách mạng Trung-quốc, khiến cho văn hóa phong kiến Trung-quốc và văn hóa nô lệ thích ứng với chủ nghĩa đế quốc xâm lược ngày càng thu hẹp địa bàn lại, ngày càng yếu dần đi, đến nỗi làm cho bọn phản động ngày nay chỉ có cách đẻ ra biện pháp “lấy lượng thắng chất” để đối phó với văn hóa mới, nghĩa là chỉ còn cách vung tiền ra vơ vét tất cả các tài liệu vô giá trị, xuất bản bừa bãi cốt sao cho nhiều hòng chống lại nền văn hóa mới của ta.

Trên mặt trận văn hóa, từ cuộc vận động “Ngũ tứ” đến nay, văn nghệ trở nên một ngành quan trọng, có thành tích. Trong thời kỳ nội chiến, công cuộc vận động văn nghệ cách mạng đã phát triển rất nhiều. Hồi đó công cuộc vận động ấy tuy đã nhằm theo một hướng chung với cuộc chiến tranh của Hồng quân; nhưng về công tác thực tế thì lại chưa kết hợp được với Hồng quân; cả hai bên đều tác chiến một cách riêng rẽ; vì bọn phản động bấy giờ hết sức tìm cách chia rẽ hai đạo quân anh em đó. Sau khi cuộc chiến tranh bùng ra, các nhà văn nghệ cách mạng lũ lượt đến Diên-an và các căn cứ kháng Nhật. Đó thật là một điều đáng mừng. Nhưng các nhà văn nghệ cách mạng đến các căn cứ chưa phải là đã kết hợp được với cuộc vận động của nhân dân ở đó. Muốn thúc đẩy công tác cách mạng tiến tới, chúng ta phải đem hai cái đó kết chặt lại với nhau. Hôm nay, chúng ta hội họp ở đây là để tìm cách làm sao cho văn nghệ trở thành một bộ phận trong toàn bộ guồng máy cách mạng, một vũ khí sắc bén để đoàn kết nhân dân, giáo dục nhân dân đánh lại kẻ thù, tiêu diệt kẻ thù, giúp đỡ nhân dân quyết cùng nhau một lòng vật lộn với kẻ thù. Muốn đạt mục đích ấy, chúng ta có những vấn đề gì cần phải giải quyết? Có những vấn đề này là: Vấn đề lập trường, vấn đề thái độ, vấn đề đối tượng, vấn đề công tác và vấn đề học tập.


Vấn đề lập trường

Chúng ta đứng trên lập trường giai cấp vô sản, đại chúng nhân dân. Người đảng viên cộng sản lại còn phải đứng trên lập trường của Đảng, đứng trên lập trường Đảng tính và chính sách của Đảng nữa. Vấn đề này, trong những người công tác văn nghệ chúng ta, có còn những nhận thức chưa đúng đắn hoặc chưa rõ ràng không? Tôi thấy còn, nhiều đồng chí thường thường bỏ mất lập trường đúng mực của mình.


Vấn đề thái độ

Tùy theo lập trường mà sinh ra thái độ cụ thể của chúng ta đối với sự vật cụ thể chung quanh ta. Ví dụ nói: Ca tụng à? Hay chỉ trích? Đó là vấn đề thái độ. Những thái độ ấy chúng ta có nên không? Tôi nói hai thái độ đó, đều cần cả; nhưng vấn đề đặt ra là đối với ai. Có ba hạng người: Một là thù; hai là bạn; ba nữa là mình, nghĩa là giai cấp vô sản và đội tiền phong của nó. Đối với ba hạng người đó, chúng ta phải có ba thứ thái độ. Đối với quân thù, đối với phát xít Nhật và hết thảy kẻ thù của nhân dân, ta có nên “ca tụng” chúng không? Tuyệt đối không nên, vì chúng là bọn phản động ăn thịt người không tanh. Về kỹ thuật, tuy chúng có ít nhiều chỗ hơn ta, ví dụ chúng có súng đạn tốt; nhưng súng đạn ấy ở trong tay chúng là phản động. Nên nhiệm vụ quân đội võ trang của ta là phải giật lấy súng đạn ấy của chúng, để đánh lại chúng. Còn nhiệm vụ của đội quân văn hóa chúng ta là bóc trần hết thảy những hành động dã man, giả dối của quân thù, vạch rõ con đường thất bại tất nhiên của chúng, cổ động cho quân dân kháng Nhật một lòng một dạ đánh đổ chúng. Đối với bè bạn, vói tất cả những người liên minh với ta, ta phải liên hiệp, phải phê bình; nhưng phải có những cách liên hiệp khác nhau, phê bình khác nhau. Họ kháng chiến thì ta tán thành, nếu kháng chiến có thành tích tốt thì ta khen ngợi. Nhưng nếu kháng chiến không tích cực, ta phải phê bình. Kẻ nào cố ý chống cộng sản hay chống nhân dân, cố ý dần dà bước vào con đường phản động, ta phải phê bình, phải phản đối. Còn đối với quần chúng nhân dân, đối với sự lao động và đấu tranh của nhân dân, đối với quân đội của nhân dân, chính đảng của nhân dân, tất nhiên ta phải tán dương, ca tụng. Nhân dân cũng có khuyết điểm: trong giai cấp vô sản, có rất nhiều người còn có đầu óc tiểu tư sản; nông dân và giai cấp tiểu tư sản đều có tư tưởng lạc hậu. Đó là những gánh nặng của họ trong cuộc đấu tranh; chúng ta phải kiên tâm, bền bỉ chỉ bảo họ, giúp đỡ họ để họ có thể trút bỏ cái bướu trên lưng, để họ có thể mạnh bước tiến lên. Trên bước đường đấu tranh, họ đã tự cải tạo hay đương tự cải tạo. Văn nghệ của ta phải tả quá trình cải tạo ấy của họ, không nên chỉ nhìn thấy một phía để chế nhạo, thậm chí thù ghét họ một cách sai lầm. Chúng ta phải viết những cái gì để giúp cho họ đoàn kết tiến bộ, để giúp cho họ một lòng một dạ bước lên đường phấn đấu, để họ bỏ những điều lạc hậu của họ đi. Chúng ta viết những cái gì để mở rộng cách mạng, chứ không được viết những điều chống lại cách mạng.


Vấn đề đối tượng

Đó là vấn đề văn nghệ làm ra cho ai xem? Người xem (độc giả) là đối tượng. Vấn đề đó ở biên khu và các căn cứ kháng Nhật Hoa-bắc, Hoa-trung, khác với ở đại hậu phương, [2] khác với ở Thượng-hải trước khi kháng chiến. Ở Thượng-hải, những tác phẩm văn nghệ cách mạng chỉ để cho một phần học sinh, viên chức và một số người làm công các xí nghiệp xem. Ở đại hậu phương, sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ, thì phạm vi đọc sách báo có rộng ra đôi chút; nhưng về căn bản vẫn những người trên đây là độc giả chính, vì chính phủ những nơi ấy đã chia rẽ công, nông, binh với văn nghệ cách mạng. Ở những căn cứ của ta thì khác hẳn. Người đọc tác phẩm văn nghệ là công, nông, binh và các cán bộ Đảng, chính quyền quân sự. Trong các vùng căn cứ cũng có học sinh. Nhưng học sinh ở đây cũng không giống học trò lối cũ. Ở đây, học sinh nếu không phải là cán bộ trước kia, thì cũng đương trở thành cán bộ sau này. Ở đây, các hạng cán bộ, các chiến sĩ trong bộ đội, công nhân các xưởng, nông dân ở nông thôn, ai biết chữ thì xem báo, xem sách; ai không biết chữ cũng xem kịch, xem tranh, ca hát, nghe âm nhạc. Họ là những người tiếp thụ những tác phẩm văn nghệ của chúng ta. Chỉ nói riêng cán bộ, các đồng chí không thể cho là ít; so với số độc giả của một quyển sách ở hậu phương, họ còn đông hơn nhiều lắm. Ở hậu phương, xuất bản một quyển sách mỗi lần thường chỉ độ hai nghìn quyển, ba lần mới được sáu nghìn quyển. Nhưng ở những nơi căn cứ, riêng cán bộ ở Diên-an, những người biết xem sách cũng đã tới hơn một vạn. Vả chăng, những cán bộ này phần đông là những người cách mạng đã được rèn luyện lâu ngày, họ từ khắp nơi trong nước đến, họ lại sẽ đi công tác khắp nơi, cho nên công tác giáo dục họ có một ý nghĩa rất quan trọng. Những người công tác văn nghệ chúng ta phải hướng vào họ mà công tác cho thật khá.


Vấn đề công tác

Chúng ta đã biết rằng đối tượng tiếp thụ của văn nghệ là công, nông, binh và cán bộ của họ. Do đó nẩy ra vấn đề phải hiểu thấu họ, phải thông thuộc họ. Muốn hiểu thấu họ, thông thuộc họ, hiểu rõ tình hình và các hạng người trong các cơ quan Đảng, chính quyền, ở nông thôn, ở công xưởng, ở Bát lộ quận, ở Tân tứ quân, chúng ta phải cố gắng công tác nhiều lắm. Các nhà văn nghệ cố nhiên là phải làm công tác văn nghệ, nhưng việc thuộc người hiểu người, lại là công tác đầu tiên của các nhà văn nghệ. Trở về nước, các nhà văn nghệ đã đối với công tác đó như thế nào? Tôi nói trở về nước, họ không hiểu, không thuộc, anh hùng không có đất dụng võ. Thế nào là không thuộc? Không thuộc người. Các nhà văn nghệ đã không thuộc đối tượng mình miêu tả và đối tượng tiếp thụ văn nghệ của mình, hay có thuộc chăng nữa cũng chỉ là lờ mờ thôi. Các nhà văn nghệ chúng ta không thuộc công nhân, không thuộc nông dân, không thuộc binh sĩ, ngay đến cán bộ của họ, các bạn ấy cũng không thông thuộc. Thế nào là không hiểu? Ngôn ngữ không hiểu. Ngôn ngữ của nhà văn nghệ là ngôn ngữ của những người trí thức; ngôn ngữ của công, nông, binh là ngôn ngữ của quần chúng. Tôi đã thường nói nhiều rằng đồng chí thích nói “đại chúng hóa” nhưng “đại chúng hóa” là gì? Đại chúng hóa nghĩa là tư tưởng và tình cảm của nhà văn nghệ phải hợp thành một khối với tư tưởng và tình cảm của công, nông, binh. Muốn hợp thành một khối, trước hết phải học tập lời ăn tiếng nói của quần chúng. Nếu ngay lời ăn tiếng nói của công, nông, binh mà cũng không hiểu, thì còn nói gì đến sáng tác văn nghệ? Nói anh hùng không có đất dụng võ, tức là nói cái tài của các bạn, tác phẩm của các bạn, quần chúng không thưởng thức. Trước mặt quần chúng, tác phẩm của các bạn càng có vẻ “yêng hùng”, thì quần chúng càng không muốn mua. Nếu muốn quần chúng hiểu được mình, muốn hợp với quần chúng, thì phải quyết tâm rèn luyện thật lâu và có khi đau khổ nữa. Về chỗ này tôi xin đem kinh nghiệm thay đổi tình cảm của tôi, nói các bạn nghe. Trước kia, tôi vốn là học trò. Ở nhà trường, tôi thường nhiễm phải những tính xấu của học sinh. Ở trong cái nhóm người “dài lưng tốn vải” đó, hễ tôi động làm một việc lao động nào, như tự vác hòm xiểng của mình chẳng hạn, cũng đã lấy làm xấu hổ rồi. Hồi đó, tôi cho rằng những nhà trí thức là những người sạch sẽ nhất trên đời; còn công, nông, binh, thì đều bẩn thỉu cả. Hồi đó, tôi có thể mặc được quần áo của những nhà trí thức khác, tôi cho rằng quần áo của họ sạch sẽ; còn quần áo của công, nông, binh thì không dám mó đến, vì tôi cho là bẩn thỉu. Sau khi được giác ngộ cách mạng, kết thành một khối với công, nông, binh, tôi mới dần dần quen thuộc họ, mà họ cũng dần quen thuộc tôi. Đến lúc đó, mà chỉ đến lúc đó, tôi mới thay đổi hẳn được cái tình cảm tư sản và tiểu tư sản mà nhà trường của giai cấp tư sản đã tiêm nhiễm cho tôi. Đến lúc đó, nếu so sánh những trí thức chưa được cải tạo với công, nông, binh, thì thấy rằng chẳng những tinh thần của người trí thức có nhiều chỗ nhơ bẩn, mà ngay đến thân thể của họ cũng chẳng sạch sẽ gì. Sạch sẽ nhất là công, nông, binh; dầu họ luôn luôn chân lấm tay bùn, họ cũng vẫn sạch sẽ hơn giai cấp tư sản. Như thế là cảm tình của tôi đã thay đổi, từ giai cấp này đổi sang giai cấp khác. Những nhà văn nghệ chúng ta xuất thân từ những phần tử trí thức, nếu muốn cho tác phẩm của mình được quần chúng yêu chuộng, thì phải thay đổi và cải tạo hẳn tư tưởng và tình cảm của mình đi. Nếu không có sự thay đổi đó, không có sự cải tạo đó, thì sẽ không làm nên được công chuyện gì cả.


Vấn đề cuối cùng là vấn đề học tập

Học tập đây là học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin và học tập xã hội. Đã mang danh là một nhà văn nghệ cách mạng Mác-Lê-nin, nhất là một nhà văn nghệ của Đảng, chúng ta phải biết những điều thường thức của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Vậy mà ngày nay vẫn có một số đồng chí còn thiếu quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Ví dụ một quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin là khách quan quyết định chủ quan, những sự thật khách quan như giai cấp đấu tranh, dân tộc đấu tranh quyết định tư tưởng và cảm tình của ta. Nhưng có một số đồng chí lại đặt ngược lại vấn đề. Họ chủ trương rằng làm việc gì cũng phải lấy “lòng yêu” làm gốc. Nhưng dù có lấy “lòng yêu” làm gốc đi nữa, thì trong xã hội có giai cấp cũng chỉ có “lòng yêu” của từng giai cấp. Các đồng chí lại không hiểu như thế. Họ muốn tìm lòng yêu đứng trên giai cấp, lòng yêu trừu tượng và tự do trừu tượng, chân lý trừu tượng, nhân tính trừu tượng, v.v… Điều đó tỏ rằng các đồng chí trên đã chịu ảnh hưởng rất sâu của giai cấp tư sản. Các đồng chí ấy phải gột sạch ảnh hưởng đó đi, phải cố gắng học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin là một khoa học mà hết thảy các nhà cách mạng, đều phải học tập. Những người làm công tác văn nghệ không thể đứng ra ngoài không học tập. Ngoài ra, nhà văn nghệ còn phải học tập xã hội, nghĩa là phải nghiên cứu các giai cấp trong xã hội, tình trạng riêng của mỗi giai cấp, và những mối quan hệ giữa các giai cấp, tâm lý và diện mạo của từng giai cấp. Có hiểu rõ những điều đó, văn nghệ của ta mới có một nội dung phong phú và một phương hướng chính xác.

Hôm nay tôi chỉ nêu lên mấy vấn đề đó để mở đầu câu chuyện, mong các đồng chí phát biểu ý kiến về các vấn đề đó và về những vấn đề khác có liên quan đến nó.


*


Diễn văn kết luận hội nghị văn nghệ Diên-an ngày 23-5-1942

Thưa các đồng chí,
Trong vòng một tháng, chúng ta đã họp nhau tới ba lần. Mấy mươi anh em, vừa đảng viên vừa không phải đảng viên, đã tranh luận nhiệt liệt để tìm chân lý. Anh em đã làm cho vấn đề văn nghệ được mở rộng và rõ ràng thêm nhiều. Tôi cho rằng như thế đã giúp ích không ít cho công cuộc vận động văn học và nghệ thuật của ta.

Khi thảo luận một vấn đề, chúng ta phải bắt đầu từ thực tế, chứ không được bắt đầu từ định nghĩa. Nếu ta lấy định nghĩa của văn học nghệ thuật trong các sách giáo khoa để theo đó mà quy định ra phương châm cuộc vận động văn nghệ ngày nay, để phê phán những điểm tranh luận và kiến giải về văn nghệ đã nảy ra hôm nay, thì thật là sai lầm. Chúng ta là những người theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin dạy chúng ta rằng: Khi xét một vấn đề, không được căn cứ vào định nghĩa lông bông, trừu tượng, mà phải căn cứ vào sự thật khách quan, phải phân tích rõ ràng sự thật đó để tìm thấy phương châm, chính sách, biện pháp. Khi thảo luận về cuộc vận động văn nghệ, chúng ta phải theo đúng như vậy.

Lúc này, sự thật là gì? Sự thật là: cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung-quốc đã kéo dài 5 năm, cuộc chiến tranh chống phát xít của thế giới; chính sách không kiên quyết trong chiến tranh chống Nhật và chính sách đàn áp bên trong của giai cấp đại tư sản và đại địa chủ nước ta; phong trào văn nghệ cách mạng từ sau cuộc vận động “Ngũ tứ” đến nay - những kết quả tốt đẹp, lợi cho cách mạng và những khuyết điểm của cuộc vận động đó trong 23 năm; trong những căn cứ dân chủ kháng Nhật của Bát lộ quân và của Tân tứ quân, rất nhiều văn nghệ sĩ đã kết hợp với hai đạo quân đó; nhiệm vụ và hoàn cảnh khác nhau giữa những văn nghệ sĩ ở các nơi căn cứ; hiện giờ những vấn đề tranh luận đã nảy ra trong công tác văn nghệ ở Diên-an và ở những nơi căn cứ kháng Nhật - đó là những sự thật rành rành không ai chối cãi được. Chúng ta phải căn cứ vào đó mà suy nghĩ đến vấn đề văn nghệ của ta.

Cuối cùng trung tâm vấn đề của chúng ta là gì? Theo tôi thì vấn đề của chúng ta về cơ bản là vấn đề mưu lợi ích cho quần chúng, và mưu lợi ích cho quần chúng như thế nào? Nếu không giải quyết vấn đề đó, hay giải quyết không thích đáng, thì có thể làm cho các nhà văn nghệ của ta đi không sát với nhiệm vụ và hoàn cảnh của mình, có thể làm cho họ gặp nhiều khó khăn bên trong và bên ngoài. Trong bản kết luận của tôi, tôi lấy vấn đề đó làm trung tâm để nói rõ thêm, và đồng thời cũng nói cả đến những vấn đề khác có liên quan đến nó nữa.


I. Vấn đề thứ nhất: văn nghệ của chúng ta mưu lợi ích cho ai?

Đối với các đồng chí công tác văn nghệ trong các nơi căn cứ kháng Nhật của chúng ta, vấn đề đó hình như ai ai cũng hiểu, không cần phải nhắc lại. Nhưng thật ra, còn rất nhiều đồng chí chưa giải quyết đúng được vấn đề đó. Chính vì thế mà trong tâm lý, trong tác phẩm, trong hành động, trong ý kiến về phương châm văn nghệ của các đồng chí ấy không khỏi hoặc ít hoặc nhiều có chỗ không hợp với nhu cầu của quần chúng, với nhu cầu của cuộc đấu tranh thực tế. Cố nhiên, trong những nhà văn hóa, nhà văn học, nhà nghệ thuật và những người công tác văn nghệ nói chung hiện nay đương sống chung với Đảng cộng sản, Bát lộ quân, Tân tứ quân lăn lộn trong cuộc sống đấu tranh giải phóng vĩ đại, cũng có thể có một số người là những kẻ đầu cơ tạm thời, thậm chí có cả quân thù và những tên gian tế đội lốt văn nghệ do cơ quan đặc vụ của Quốc dân đảng phái đến. Nhưng trừ bọn này ra còn tất cả đều hết lòng hết sức với sự nghiệp chung. Nhờ những đồng chí đó mà công tác văn học, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật của chúng ta đều có nhiều kết quả tốt đẹp. Các đồng chí này, có người mới công tác sau khi xẩy ra kháng chiến, có người đã tham gia cách mạng từ trước khi xẩy ra kháng chiến và đã trải qua nhiều gian lao, đem công tác và tác phẩm của mình ảnh hưởng đến quảng đại quần chúng. Nhưng tại sao tôi lại nói còn có đồng chí chưa rõ văn nghệ của mình mưu lợi ích cho ai? Nói như thế thì hình như tôi cho rằng các đồng chí ấy chủ trương văn nghệ cách mạng không phải là để mưu lợi cho dân mà là để mưu lợi cho bọn đi áp bức bóc lột hay sao?

Cố nhiên, có nhiều lối văn nghệ mưu lợi ích cho bọn đi áp bức bóc lột. Văn nghệ mưu lợi ích cho giai cấp địa chủ gọi là văn nghệ phong kiến. Văn học nghệ thuật của giai cấp thống trị trong thời đại phong kiến Trung-quốc chính là lối văn nghệ phong kiến đó. Đến nay, văn nghệ phong kiến đó vẫn còn nhiều thế lực tại Trung-quốc. Văn nghệ mưu lợi ích cho giai cấp tư sản gọi là văn nghệ tư sản. Lối văn nghệ của bọn Lương-Thực-Thu bị Lỗ-Tấn chỉ trích, chính là lối văn nghệ tư sản. Bọn này ngoài mặt thì nêu lên rằng văn nghệ đứng trên giai cấp, nhưng thật ra họ chủ trương văn nghệ của giai cấp tư sản và phản đối văn nghệ của giai cấp vô sản. Còn lối văn nghệ đế quốc nữa. Bọn Trương-Tư-Bình, Chu-Tác-Nhân chính là đại biểu cho lối văn nghệ này. Đấy là một thứ văn nghệ nô lệ, văn hóa nô lệ. Còn một lối văn nghệ của các cơ quan đặc vụ nữa. Chúng ta có thể gọi đấy là “văn nghệ đặc vụ”. Thứ văn nghệ này, ngoài mặt nhiều khi rất “cách mạng”, nhưng trong ruột cũng chẳng khác gì ba lối kể trên. Văn nghệ của chúng ta nhằm mưu lợi ích cho nhân dân, chứ không phải để mưu lợi ích cho những hạng người bóc lột. Chúng ta đã nói văn hóa mới của Trung-quốc trong giai đoạn này là văn hóa phản đế, phản phong của đại chúng nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo. Ngày nay, những cái gì chân chính nhân dân phải do giai cấp vô sản lãnh đạo. Những cái do giai cấp tư sản lãnh đạo không thể là của nhân dân được. Văn học mới là nghệ thuật mới trong văn hóa mới tất nhiên cũng phải như thế. Đối với những hình thức cũ của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản, chúng ta cũng có thể lợi dụng được. Những hình thức cũ này một khi đã đến tay chúng ta, chúng ta phải cải tạo, đưa nội dung mới vào để biến thành lợi khí cách mạng phục vụ nhân dân.

Vậy nhân dân đại chúng là ai? Là đông đảo nhân dân, là nhân dân chiếm 90 phần 100 nhân khẩu, là công nhân, nông dân, binh lính, giai cấp tiểu tư sản. Văn nghệ của chúng ta trước hết phải mưu lợi ích cho công nhân, vì công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Thứ hai là phải mưu lợi ích cho nông dân, vì nông dân là đồng minh đông nhất và kiên quyết nhất trong cách mạng. Thứ ba là phải mưu lợi ích cho công nông võ trang tức là Bát lộ quân, Tân tứ quân và các đội nhân dân võ trang khác, đó là chủ lực của chiến tranh. Thứ tư, phải mưu hạnh phúc cho giai cấp tiểu tư sản; giai cấp này cũng là bạn đồng minh của cách mạng; họ có thể hợp tác với chúng ta lâu dài. Bốn hạng người đó là bộ phận lớn nhất của dân tộc Trung-hoa, họ là nhân dân đại chúng. Còn đối với giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản kháng Nhật, chúng ta phải liên hợp với họ, nhưng họ không tán thành nền dân chủ của quần chúng nhân dân. Họ có thứ văn nghệ mưu lợi ích riêng cho họ. Văn nghệ của chúng ta không phải là để mưu lợi ích cho họ, mà họ cũng không ưa gì văn nghệ của chúng ta.

Văn nghệ của chúng ta phải mưu lợi ích cho bốn hạng người nói trên. Trong đó công, nông, binh là chủ yếu. Còn giai cấp tiểu tư sản thì là số người ít hơn, lòng kiên quyết cách mạng kém hơn, trình độ văn hóa cũng hơn công, nông, binh. Cho nên văn nghệ chúng ta, thứ nhất là mưu lợi ích cho công, nông, binh thứ hai mới đến giai cấp tiểu tư sản. Chúng ta không được để giai cấp tiểu tư sản lên trên công, nông, binh. Đó là điều then chốt mà một số đồng chí chưa hiểu rõ. Tôi nói như thế không phải là nói về lý luận. Về lý luận, tức là ngoài miệng thì nhất định trong hàng ngũ chúng ta chẳng có ai coi trọng giai cấp tiểu tư sản hơn công, nông, binh. Tôi muốn nói về thực tế, về hành động, một số đồng chí có coi trọng giai cấp tiểu tư sản hơn công, nông, binh không? Tôi thấy là có. Có nhiều đồng chí chỉ thích nghiên cứu những phần tử trí thức, phân tích tâm lý họ, chú ý biểu hiện họ, tha thứ và bênh vực những chỗ xấu của họ, chứ không biết đưa đường chỉ lối cho các phần tử trí thức xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản ấy cùng với mình gần gũi công, nông, binh, giáo dục công, nông, binh. Có nhiều đồng chí vì xuất thân ở giai cấp tiểu tư sản, vì chính mình là phần tử trí thức, nên chỉ tìm kiếm bè bạn trong đám trí thức và đem hết tâm trí ra nghiên cứu, miêu tả những phần tử trí thức thôi. Nếu đứng ở lập trường giai cấp vô sản để nghiên cứu và miêu tả những phần tử đó, thì cũng chẳng sao. Nhưng các bạn đó lại không làm như thế, có làm chăng nữa cũng chỉ nửa vời thôi. Các đồng chí đó đứng ở lập trường giai cấp tiểu tư sản để tạo những tác phẩm có tính chất tiểu tư sản. Chúng ta thấy rất nhiều những tác phẩm văn nghệ như thế. Có nhiều khi các đồng chí ấy gửi cả ruột gan mình cho các phần tử trí thức xuất thân ở giai cấp tiểu tư sản. Ngay đến những điều xấu xa của giai cấp tiểu tư sản, các đồng chí ấy cũng đồng tình, thậm chí lại ca tụng nữa. Còn đối với công, nông, binh, thì các đồng chí ấy thiếu gần gụi, thiếu am hiểu, thiếu nghiên cứu, thiếu tình bè bạn, không khéo miêu tả họ. Mà có miêu tả chăng nữa, thì cũng “đầu cua tai ếch”, bên ngoài thì đội lốt công, nông, binh, mà trong thì đầy rãy đầu óc tiểu tư sản. Có nơi cũng thấy các đồng chí ấy mến công, nông, binh; nhưng cũng có nhiều nơi nhiều khi họ không ưa tình cảm của công, nông, binh, không thích dáng dấp, thái độ của công, nông, binh (như báo tường, tranh dán tường, bài hát của nhân dân, chuyện cổ của nhân dân, ngôn ngữ của nhân dân, v.v…). Có khi các anh em cũng yêu mến những cái đó, nhưng lại yêu mến cả những điều hủ lậu của công, nông, binh; chẳng qua chỉ muốn làm cho tác phẩm của mình có vẻ mới lạ hơn mà thôi. Có khi các anh em lại công khai khinh bỉ văn nghệ công, nông, binh; yêu văn nghệ của những phần tử trí thức, của giai cấp tiểu tư sản và cả của giai cấp tư sản nữa. Những đồng chí đó thật còn bị ảnh hưởng của giai cấp tiểu tư sản rất nhiều, - hay nói một cách văn vẻ hơn, chỗ sâu kín nhất trong linh hồn của các đồng chí ấy vẫn còn là một “vương quốc” tiểu tư sản. Chính vì thế mà các đồng chí không hiểu hay chưa hiểu rõ vấn đề văn nghệ của chúng ta mưu lợi ích cho ai. Chẳng những các đồng chí mới tới Diên-an, ngay đến một số đông đã ra mặt trận hay đã làm việc lâu năm trong Bát lộ quân, Tân tứ quân ở căn cứ địa cũng không hiểu rõ. Muốn triệt để giải quyết vấn đề đó, phải công tác hàng tám năm, mười năm. Thời gian tuy dài, chúng ta cũng phải cố giải quyết, phải giải quyết triệt để và rõ ràng. Những người công tác văn nghệ nhất định phải làm tròn nhiệm vụ đó, phải bỏ đầu óc tiểu tư sản đi, phải đi sâu vào công, nông, binh, vào phong trào đấu tranh thực tế, phải học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin và học tập xã hội, dần dần đi hẳn với công, nông, binh. Chỉ như thế, chúng ta mới có một nền văn nghệ công, nông, binh chân chính.

Vấn đề văn nghệ mưu lợi ích cho ai là một vấn đề căn bản, một vấn đề nguyên tắc. Trước kia, giữa một số đồng chí, có sự tranh luận, chia rẽ, đối lập, thiếu đoàn kết, chẳng phải vì vấn đề căn bản, nguyên tắc đó, mà lại vì những vấn đề thứ yếu lắm khi vô nguyên tắc nữa. Còn đối với vấn đề nguyên tắc đó, thì hai bên tranh luận cũng gần được nhất trí, cũng không có gì đến nỗi chia rẽ nhau lắm, cũng đều có những khuynh hướng mức độ khác nhau khinh miệt công, nông, binh tách rời quần chúng. Tôi nói mức độ khác nhau vì nói chung, lối khinh miệt công, nông, binh, tách rời quần chúng của những đồng chí ấy có thể không giống với lối khinh miệt và tách rời quần chúng của Quốc dân đảng. Nhưng dầu sao khuynh hướng ấy vẫn có, nếu không giải quyết được vấn đề cơ bản đó thì nhiều vấn đề khác cũng khó lòng giải quyết nổi. Ví dụ chủ nghĩa bè phái trong giới văn nghệ chẳng hạn. Đó cũng là vấn đề nguyên tắc. Nhưng muốn bỏ được chủ nghĩa bè phái, chỉ có cách là đề cao những khẩu hiệu vì công, nông vì Đệ Bát lộ quân, vì Tân tứ quân, đi với quần chúng, và hết sức thiết thực thực hành những khẩu hiệu đó. Có như thế mới đạt tới kết quả, nếu không, vấn đề bè phái vẫn không sao giải quyết nổi. Lỗ-Tấn đã nói rằng: Mặt trận văn nghệ cách mạng không thống nhất là vì thiếu mục đích chung mà mục đích chung ấy là mục đích vì công nông. Tình hình này trước kia ở Thượng-hải đã có, nay ở Trùng-Khánh cũng có. Ở hai nơi trên, vấn đề đó rất khó giải quyết triệt để. Vì bọn thống trị ở đây đè nén những nhà văn nghệ cách mạng, không cho họ được tự do gần gụi quần chúng công, nông, binh. Nhưng ở những vùng của chúng ta, thì khác hẳn. Chúng ta khuyến khích các nhà văn cách mạng ra sức gần gụi công, nông. Chúng ta để họ được hoàn toàn tự do đi sâu vào quần chúng, chúng ta để cho họ hoàn toàn tự do sáng tạo một nền văn nghệ chân chính cách mạng. Cho nên ở những vùng của chúng ta, vấn đề này đã gần giải quyết xong xuôi. Nhưng gần giải quyết xong xuôi, không phải là đã hoàn toàn triệt để giải quyết. Chúng ta phải học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin và học tập xã hội, mục đích là để hoàn toàn triệt để giải quyết vấn đề đó. Nhưng chủ nghĩa Mác-Lê-nin mà chúng ta nói đây là chủ nghĩa Mác-Lê-nin sống, hoàn toàn hợp với sinh hoạt và đấu tranh của quần chúng, chứ không phải chỉ là chủ nghĩa Mác-Lê-nin trong sách vở chuyển vào trong quần chúng thành chủ nghĩa Mác-Lê-nin sống, thì sẽ không còn chủ nghĩa bè phái nữa. Như thế chẳng những có thể bỏ được chủ nghĩa bè phái mà nhiều vấn đề khác cũng có thể giải quyết xong xuôi.


II. Mưu lợi ích bằng cách nào?

Vấn đề thứ nhất: “Văn nghệ của chúng ta mưu lợi ích cho ai?”, như thế là đã rõ ràng rồi. Vấn đề thứ hai là: “Mưu lợi ích bằng cách nào? Theo lời các đồng chí, thì ta phải hết sức nâng cao hay hết sức phổ cập?

Trước kia, có một số đồng chí đã, hoặc nhiều hoặc ít, bỏ qua hay coi nhẹ việc phổ cập và đã quá chú trọng nâng cao một cách không thích đáng. Vẫn biết cần phải chú ý nâng cao, nhưng nếu quá độ thì tất nhiên hỏng việc. Trong vấn đề này, chúng ta cũng phải để ý tới vấn đề tôi vừa nói ở trên là văn nghệ của chúng ta mưu lợi ích cho ai. Vì nếu không hiểu rõ mưu lợi ích cho ai, thì tất nhiên sự phổ cập ngày càng nâng cao của chúng ta không có tiêu chuẩn xác đáng, cũng không tìm được những quan hệ đúng mực giữa hai điều đó. Văn nghệ của ta, về cơ bản, đã là vì công, nông, binh mà phổ cập; khi ta nói đến càng cao, tức từ trong công, nông, binh mà nâng cao. Chúng ta dùng cái gì để phổ cập trong công, nông, binh? Dùng những cái của phong kiến ư? Tất nhiên là đều không thể được, mà phải dùng những cái của công, nông, binh, chúng ta phải có nhiệm vụ học tập công, nông, binh trước đã. Vấn đề nâng cao cũng vậy. Nâng cao, phải có một cơ sở. Ví dụ một thùng nước, nếu không từ dưới nâng lên, thì từ không trung nâng lên hay sao? Vậy về văn nghệ, phải nâng cao từ cơ sở nào? Từ cơ sở giai cấp phong kiến? Từ cơ sở giai cấp tư sản? Từ cơ sở giai cấp tiểu tư sản? Đều không thể được. Mà nhất định phải từ cơ sở công, nông, binh, đứng ở cơ sở trạng thái văn nghệ mới nảy nở và trình độ văn hóa hiện có của công, nông, binh mà nâng cao. Và cũng không phải nâng công, nông, binh lên trình độ các giai cấp phong kiến, tư sản, tiểu tư sản; mà phải nâng cao theo phương hướng tiến tới của chính công, nông, binh. Muốn vậy, công việc của ta trước hết vẫn phải là học tập công, nông, binh, chúng ta mới hiểu đứng đắn được cách phổ cập và nâng cao mới tìm được những quan hệ đúng mực giữa sự phổ cập và sự nâng cao.

Phổ cập cũng vậy, nâng cao cũng vậy, ta phải biết nguồn gốc của sự phổ cập và nâng cao ở đâu mà ra? Vô luận một tác phẩm văn nghệ ở hình thái quan niệm của một tầng lớp nào, cũng đều là kết quả của sinh hoạt nhân dân phản ánh và gọt rũa trong đầu óc nhà văn nghệ cách mạng. Trong sự sinh hoạt của nhân dân, bao giờ cũng có một kho tàng về văn học và nghệ thuật. Nó là những hình thái tự nhiên, tuy thô sơ nhưng lại linh động nhất, phong phú nhất vô cùng vô tận của văn học và nghệ thuật ở hình thái gọt rũa. Nó là nguồn gốc duy nhất, vì chỉ có thể có nguồn gốc ấy thôi, ngoài ra không còn nguồn nào khác nữa. Có người bảo rằng các tác phẩm văn nghệ trong sách vở, các tác phẩm văn nghệ của người xưa và của người ngoài chẳng phải là một nguồn nữa sao? Vâng, thì cũng có thể gọi là nguồn được; nhưng đó chỉ là nguồn phụ thôi. Vì nếu ta cho là nguồn chính, tức là ta đã hiểu lầm. Nói cho đúng ra, sách vở của người xưa và của nước ngoài chỉ là một luồng [3] chứ không phải là một nguồn; chỉ là những cái mà người xưa và người nước ngoài đã căn cứ vào những điều đã thấy trong sự sinh hoạt của nhân dân trong thời đại trước và ở nơi mình, rồi gọt rũa mà thành ra thôi. Đối với những sách vở văn nghệ đó, chúng ta phải hấp thụ lấy, nhưng đồng thời cũng phải phê bình, để làm tài liệu cho ta khi ta đem văn học nghệ thuật trong sinh hoạt nhân dân ở nơi ta và trong thời đại ta gọt rũa thành tác phẩm văn học nghệ thuật ở hình thái quan niệm. Có những tác phẩm của người xưa và người nước ngoài làm tài liệu cho ta, thì văn học nghệ thuật của ta sẽ tốt đẹp hơn, tinh tế hơn, cao rộng hơn, cho nên ta không khinh thị. Ngay đến văn học và nghệ thuật của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản, ta cũng phải lấy tài liệu. Nhưng chúng ta chỉ lấy đó làm tài liệu thôi, chứ không phải đem nó thay hẳn vào văn học nghệ thuật của ta, vì nó quyết không thể thay vào được. Trong văn học nghệ thuật, lối bắt chước xưa và của người nước ngoài, mà không biết suy xét, phê bình thì thật là tai hại, đó là bệnh giáo điều trong nghệ thuật giống như bệnh giáo điều trong quân sự, chính trị, triết học, kinh tế. Các nhà nghệ thuật và văn học cách mạng Trung-quốc phải đi sát với quần chúng, phải đi vào quần chúng công, nông, binh thật lâu dài không điều kiện, toàn tâm toàn trí, phải dấn mình vào những cuộc đấu tranh gay gắt, phải bước vào cái nguồn gốc lớn lao và phong phú duy nhất đó để quan sát, thí nghiệm, nghiên cứu, phân tích mọi người, mọi giai cấp, mọi hạng quần chúng, mọi hình thức sinh hoạt và hình thức đấu tranh linh động về mọi văn học và nghệ thuật ở hình thái tự nhiên, rồi sau mới có thể bước vào quá trình gọt rũa, nghĩa là quá trình sáng tác. Đó là lúc nhà văn nghệ thống nhất nguyên liệu và sản xuất, thống nhất quá trình nghiên cứu và quá trình sáng tác với nhau. Không thế thì sự “lao động” của ta sẽ không có đối tượng, không có nguyên liệu hoặc nửa chế phẩm để ta gọt rũa, và như thế thì ta chỉ là những nhà văn học và nghệ thuật đầu óc rỗng tuếch mà Lỗ-Tấn, trong lời di chúc, đã căn dặn con cháu không bao giờ nên làm.

Văn học nghệ thuật dưới hình thái tự nhiên tuy là nguồn duy nhất của văn học và nghệ thuật dưới hình thái quan niệm, tuy có một nội dung linh động, phong phú nhiều hơn văn học và nghệ thuật dưới hình thái quan niệm, chứ không thích văn học nghệ thuật dưới hình thái tự nhiên. Các đồng chí có hiểu tại sao không? Tại vì tuy hai thứ cùng đẹp cả, nhưng văn nghệ gọt rũa rồi bao giờ cũng có tính chất tổ chức hơn, có tính chất tập trung hơn, điển hình hơn, lý tưởng hơn văn nghệ tự nhiên, vì vậy mà có tính chất phổ biến hơn. “Lê-nin sống” bao giờ cũng linh động và phong phú gấp trăm ngàn lần Lê-nin trong các tiểu thuyết, vở kịch và cuốn phim. Nhưng Lê-nin lúc sống bận rộn suốt ngày và ngoài ra lại còn phải làm những công việc mọi người thường nữa. Vả chăng rất ít người được thấy Lê-nin, và đến lúc Lê-nin quá cố thì còn ai trông thấy được nữa. Đối với những người ấy thì Lê-nin trong tiểu thuyết, kịch, phim lại mạnh hơn “Lê-nin sống” nhiều. Các vở kịch, cuốn phim, tiểu thuyết cách mạng có thể căn cứ vào sinh hoạt thực tế để sáng tạo các thứ nhân vật giúp đỡ quần chúng thúc đẩy lịch sử tiến tới. Ví dụ một sự thật mà ở đâu cũng thấy; như một bên thì người áp bức người, người bóc lột người. Đối với sự thật đâu đâu cũng có ấy, mọi người đều xem thường. Nhưng văn nghệ đem những hiện tượng đó tổ chức lại, tập trung lại, điển hình hóa, tạo thành tác phẩm văn học hay nghệ thuật, do đó có thể làm thức tỉnh được quần chúng, làm náo nức được quần chúng, thúc đẩy quần chúng bước tới con đường đoàn kết và đấu tranh để cải tạo hoàn cảnh của mình. Nếu chỉ có văn nghệ dưới hình thái tự nhiên mà không có văn nghệ gọt rũa, thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ đó, hay không thể hoàn thành được nhanh chóng và mạnh mẽ nhiệm vụ đó.

Văn nghệ phổ cập và văn nghệ nâng cao đều là những thứ văn nghệ đã gọt rũa qua rồi. Vậy giữa hai thứ đó còn có gì khác nhau? Có khác nhau về trình độ. Văn nghệ phổ cập là văn nghệ gọt rũa ít hơn, thô thiển hơn, vì đông đảo quần chúng nhân dân lúc này có thể tiếp thụ được mau hơn. Văn nghệ nâng cao là văn nghệ gọt rũa nhiều hơn, tinh tế hơn, vì vậy mà đông đảo quần chúng nhân dân lúc này khó tiếp thụ được mau chóng. Vấn đề thiết thực cho công, nông, binh lúc này là công, nông, binh đương phải đấu tranh tàn khốc với quân thù; nhưng vì đời đời bị giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản đè nên họ mù chữ, dốt nát, không có văn hóa. Cho nên bây giờ họ chỉ tha thiết muốn có những tri thức văn hóa và những tác phẩm văn nghệ nào cần thiết làm họ mau tiếp thụ được, để phổ thông mở mang đầu óc họ, để nâng cao tinh thần đấu tranh và lòng tin tưởng thắng lợi của họ, làm cho họ càng ngày càng thêm đoàn kết, làm cho họ có thể một lòng một dạ đấu tranh với quân thù. Đối với công, nông, binh, bước đường đầu tiên không phải là vấn đề “thêm hoa trên gấm”, mà phải là vấn đề “áo ấm cơm no”. Cho nên đối với nhân dân lúc này, nhiệm vụ đầu tiên, trung tâm, quan trọng nhất là công tác phổ cập, chứ không phải công tác nâng cao. Đồng chí nào coi thường hay lãng quên công tác phổ cập là sai lầm.

Nhưng công tác phổ cập và công tác nâng cao không thể cắt rời nhau được. Người đi phổ cập, nếu trình độ không hơn người được phổ cập, thì sự phổ cập còn có ý nghĩa gì? Nếu vì phổ cập mà cứ đứng ỳ một chỗ, một, hai, ba, tháng, một, hai, ba năm rồi mà vẫn y nguyên như cũ, vẫn hệt như “chú bé chăn trâu”, vẫn “thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn”, thì hỏi rằng người đi phổ cập và kẻ được phổ cập cũng giống nhau, người kia tám lạng, kẻ này nửa cân sao? Phổ cập như thế thì thật không còn ý nghĩa gì nữa. Nhân dân muốn được phổ cập và luôn đó nhân dân muốn được nâng cao hàng tháng và hàng năm. Phổ cập đây là phổ cập nhân dân, nâng cao đây cũng là nâng cao nhân dân. Sự nâng cao đó không phải là nâng cao vu vơ, đóng cửa mà nâng cao, mà phải nâng cao ở ngay cơ sở phổ cập. Sự nâng cao đó do sự phổ cập quyết định, nhưng đồng thời lại chỉ đạo sự phổ cập. Ở trong phạm vi Trung-quốc, cách mạng và văn hóa cách mạng phát triển không đều nhau và cứ dần dần mở rộng ra. Ở nơi này đã được phổ cập rồi, ở nơi khác thì còn chưa được bắt đầu phổ cập. Cho nên những kinh nghiệm do phổ cập mà nâng cao ở nơi này có thể đem dùng cho nơi khác, để những công tác phổ cập và nâng cao ở nơi đó được chỉ đạo, khỏi vấp phải những khó khăn cản trở. Ở phạm vi quốc tế, những kinh nghiệm nước ngoài, nhất là của Liên-xô, nếu là những kinh nghiệm tốt thì cũng có thể chỉ đạo công tác phổ cập và công tác nâng cao của chúng ta được. Cho nên nâng cao của ta là nâng cao trên cơ sở phổ cập; phổ cập của ta là phổ cập dưới sự chỉ đạo của nâng cao. Nhưng hết thảy tác dụng chỉ đạo của công tác nâng cao đó không thể gò ép mượn liệu mượn lĩnh được, gò ép mượn liều mượn lĩnh chỉ tổ hỏng việc mà thôi.

Ngoài sự nâng cao trực tiếp cần ngay cho quần chúng, còn có một cách nâng cao nữa, gián tiếp cần cho họ, ấy là sự nâng cao cần thiết cho các cán bộ. Cán bộ là những phần tử tiên tiến của quần chúng. Nói chung họ đều đã hấp thụ giáo dục quần chúng rồi, năng lực hấp thụ của họ cao hơn quần chúng, vì vậy họ không thể nào vừa lòng với công tác phổ cập cùng một trình độ với quần chúng nữa. Họ rất cần văn học và nghệ thuật cao hơn. Nếu ta quên điều đó thì cũng lại sai lầm nốt. Nhưng trong lúc này, sự cần thiết đó tạm thời chỉ là sự cần thiết của cán bộ thôi, chứ không phải là sự cần thiết phổ thông của quần chúng. Thỏa mãn sự cần thiết đó của cán bộ cũng là một phương châm của ta, nhưng không nên cho đó là phương châm trung tâm. Đồng thời ta cũng phải hiểu rằng: vì cán bộ cũng tức là vì nhân dân, bởi vì phải đi qua cán bộ mới giao dục được quần chúng và chỉ đạo được quần chúng. Nếu ta làm trái mục đích đó, nếu ta cung cấp cho cán bộ những cái không giúp họ giáo dục nhân dân, chỉ đạo nhân dân, thì bao nhiêu công tác nâng cao của ta cũng đều là bắn tên không nhằm mục đích, như thế tức là lìa bỏ nguyên tắc căn bản vì quảng đại nhân dân của chúng ta.

Nói tóm lại, những nguyên liệu về văn học nghệ thuật lấy trong sinh hoạt của nhân dân, phải trải qua sự gọt rũa của các nhà văn cách mạng để trở thành văn học và nghệ thuật của đại chúng nhân dân dưới hình thái qua niệm. Trong nghệ thuật và văn học đó, có thứ tương đối cao, phát triển từ cơ sở văn học nghệ thuật quần chúng trình độ thấp, cần thiết cho những quần chúng đã được nâng cao, hay trước hết cần thiết cho các cán bộ trong đại chúng. Trong nghệ thuật và văn học đó, lại có thứ tương đối thấp hơn (không phải là thấp về ý vị, hứng thú) dưới sự chỉ đạo của văn nghệ quần chúng cao hơn vừa nói trên đây, trước hết cần thiết cho quảng đại quần chúng lúc này. Nhưng bất cứ là cao hay thấp, văn học và nghệ thuật của chúng ta cũng đều là phụng sự đông đảo nhân dân và trước nhất là phụng sự đông đảo nhân dân và trước nhất là phụng sự công nhân, nông dân và binh sĩ, vì công, nông, binh mà sáng tác để cho công, nông, binh dùng.

Chúng ta đã giải quyết vấn đề quan hệ giữa nâng cao và phổ cập rồi, tất nhiên chúng ta cũng giải quyết được vấn đề quan hệ giữa những nhà văn nghệ chuyên môn và những đồng chí công tác phổ cập văn nghệ. Những nhà chuyên môn của ta chẳng những phải chú ý tới cán bộ, mà còn phải chú ý đặc biệt tới quần chúng nữa. Những nhà đại văn học như Goóc-ki và Lỗ-Tấn cũng vậy. Goóc-ki làm chủ biên, viết lịch sử xưởng thợ, chỉ đạo thông tin tuyên truyền ở nông thôn, chỉ đạo những em bé lên mười. Lỗ-Tấn đã dùng nhiều thì giờ để viết thư cho những học sinh thường. Những nhà văn chuyên môn của ta nên chú ý tới những báo tường của quần chúng, nên chú ý tới lối văn học thông tin tuyên truyền trong quân đội và nông thôn. Những kịch sĩ chuyên môn của ta nên chú ý tới những đoàn kịch nhỏ trong quân đội và nông thôn. Những nhà âm nhạc chuyên môn của ta nên chú ý tới những lối hát của quần chúng. Những nhà mỹ thuật chuyên môn của ta nên chú ý tới nền mỹ thuật của quần chúng. Hết thảy những đồng chí đó đều phải liên lạc khăng khít với những đồng chí công tác phổ cập văn học và nghệ thuật thấp nhất trong quần chúng, để một mặt giúp họ, chỉ đạo họ, và một mặt nữa học họ, nhờ họ để hấp thụ được những điều bổ ích trong quần chúng; do đó, rèn luyện mình, trau dồi mình, khiến cho công việc chuyên môn của mình không đi xa quần chúng, không tách rời thực tế, không trống rỗng và thiếu sinh khí, ngất ngưởng trên tháp ngà. Chúng ta phải tôn trọng những nhà chuyên môn, vì họ rất quý đối với sự nghiệp của chúng ta. Nhưng các nhà chuyên môn ấy nên biết rằng hết thảy những nhà văn học và nghệ thuật cách mạng phải khăng khít với quần chúng, biểu hiện quần chúng, phải là một người phát ngôn nhân trung thực của quần chúng thì công tác của mình mới có ý nghĩa. Họ phải là đại biểu cho nhân dân thì họ mới giáo dục được nhân dân. Họ có đại biểu cho quần chúng thì họ mới giáo dục được quần chúng. Họ có làm học trò quần chúng thì mới làm được thày dạy quần chúng. Trái lại, nếu họ tự coi mình là ông chủ của quần chúng, là những người quý tộc ngồi trên đầu trên cổ “những kẻ hạ đẳng”, thì dầu cho tài năng của họ có thừa đi nữa, quần chúng cũng không cần đến họ, mà bao nhiêu công việc họ làm chẳng có tiền đồ gì.

Thái độ của chúng ta có phải là thái độ của chủ nghĩa công lợi không? Những người duy vật không phản đối chủ nghĩa công lợi nói chung, mà chỉ phản đối chủ nghĩa công lợi của giai cấp phong kiến, tư sản và tiểu tư sản phản đối những kẻ giả dối, ngoài miệng thì chống chủ nghĩa công lợi, nhưng thật ra lại theo chủ nghĩa công lợi cận thị và tự tư hơn ai hết. Ở trên đời, không có cái gì là đứng lên trên chủ nghĩa công lợi. Trong xã hội có giai cấp, nếu không phải chủ nghĩa công lợi của giai cấp khác. Chúng ta là những người theo chủ nghĩa công lợi cách mạng của giai cấp vô sản, chúng ta vì sự thống nhất lợi ích hiện tại và lợi ích tương lai của đông đảo quần chúng chiếm trên 90 phần trăm nhân khẩu, nên chúng ta là những người theo chủ nghĩa công lợi cách mạng, có mục tiêu cao xa và rộng rãi nhất, chứ không phải là những người theo chủ nghĩa công lợi cục bộ và cận thị kiểu phường hội. Ví dụ như đem xuất bản và tuyên truyền với quần chúng một tác phẩm chỉ được riêng mình và một số bạn bè hay một nhóm người ham mê, còn đa số nhân dân không cần tới, để mưu công lợi cho cá nhân hay một nhóm người hẹp hòi, đồng thời lại công kích chủ nghĩa công lợi của quần chúng thì chẳng những đã làm nhục quần chúng, mà còn tự mình không hiểu chính mình. Bất cứ một tác phẩm nào, càng ích lợi cho nhiều người thì tác phẩm đó mới càng hay. Tác phẩm nào dầu có thanh cao, nhưng quần chúng không hiểu thì chung quy cũng chỉ để cho bọn quý tộc hưởng thôi. Trong lúc này, điều cần là phải thống nhất việc nâng cao với việc phổ cập. Nếu không thống nhất hai việc đó, thì nghệ thuật cao nhất của các nhà chuyên môn cũng không khỏi hóa ra chủ nghĩa công lợi hẹp hòi, và dù có nói là thanh cao, thì đó cũng chỉ là mình tự cho là thanh cao thôi, chứ quần chúng không hề nhận là thanh cao.

Sau khi chúng ta đã giải quyết vấn đề phương châm cơ bản văn nghệ mưu lợi ích cho công, nông, binh và mưu lợi ích cho công, nông, binh bằng cách nào, thì hết thảy những vấn đề khác như vấn đề lập trường, vấn đề thái độ, vấn đề đối tượng, vấn đề đề tài, vấn đề miêu tả những cái quang minh hay hắc ám, vấn đề đoàn kết hay không đoàn kết, vấn đề theo chủ nghĩa công lợi hay đứng lên trên chủ nghĩa công lợi, vấn đề chủ nghĩa công lợi hẹp hòi hay chủ nghĩa công lợi xa rộng, cũng không còn là những vấn đề khó khăn nữa. Nếu chúng ta cũng đồng ý về phương châm cơ bản đó, thì những người công tác văn học nghệ thuật của chúng ta, trường văn học nghệ thuật của chúng ta, báo chí văn học nghệ thuật, các đoàn thể văn học nghệ thuật và hết thảy mọi hoạt động văn học nghệ thuật đều phải phụng sự theo đúng phương châm đó. Lìa bỏ phương châm đó là sai. Nếu có những chỗ không đúng phương châm đó thì phải sửa đổi cho đến nơi đến chốn.



[1]Cuộc vận động ngày 4 tháng 5 năm 1919 (N.D)
[2]Vùng Tưởng-Giới-Thạch tạm thống trị (N.D)
[3]Chữ Trung-quốc là “lưu” - N.D

Nguồn: Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hà Ná»™i, 1955