trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
20.9.2008
Đinh Từ Thức
Vừa bầu vừa run
 
Lịch sử Hoa Kỳ đang tiến vào một khúc quanh mới. Sau các đại hội toàn quốc của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, hàng trăm triệu cử tri Hoa Kỳ đang phải đánh vật với sự lựa chọn: nên chọn một người gốc Phi, có tên đệm là Hussein và cả bố đẻ lẫn bố ghẻ đều theo Hồi giáo, làm Tổng thống, hay nên chọn một cựu hoa hậu trẻ trung hấp dẫn như tài tử xi-nê làm nhân vật số hai trong liên danh lãnh đạo cường quốc số một thế giới? Lựa chọn nào cũng là một quyết định lịch sử lần đầu tiên được lấy, và điều này có thể làm nhiều người lo sợ đến toát mồ hôi. Nhưng không có lựa chọn nào khác. Đó là điều làm cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay vô cùng hào hứng và căng thẳng.


Vai chính

Trong hơn hai trăm năm lịch sử từ khi lập quốc, tất cả các tổng thống Mỹ đều là đàn ông da trắng, đa số có gốc gác Âu châu, và chỉ biết nhiều về Âu châu. Song lần này thì có khác: dù ai đắc cử vào đầu tháng 11 này, Tổng thống Mỹ sắp tới cũng sẽ là người đầu tiên có liên hệ nhiều với Á châu. Trong vài thế kỷ qua, Âu châu và Mỹ làm bá chủ thế giới, việc một tổng thống Mỹ có nhiều liên hệ với Âu châu là điều tự nhiên. Bây giờ, trước một Á châu đang lên, mà Tổng thống Mỹ sắp tới có liên hệ nhiều với Á châu, biết về Á châu nhiều hơn, sẽ là một ưu điểm. Đó là điều rõ nhất cử tri có thể thấy được nơi hai ứng cử viên chính. Ngoài ra, tất cả những gì còn lại về hai liên danh đều đáng lo ngại.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Hussein Obama ra đời năm 1961 tại Hawaii, một quần đảo xa lạ với lục địa Mỹ, cả về con người lẫn phong tục tập quán. Mẹ là người da trắng, quê ở Wichita, Kansas, nơi cách đây năm chục năm người da đen vẫn còn bị khinh bỉ. Bố không phải là người Mỹ gốc Phi, mà là người Phi chính hiệu, thuộc bộ lạc Luo nước Kenya, một cựu thuộc địa của Anh. Obama vẫn còn nhiều anh chị em họ hàng đang sống ở đó.

Bố Obama là một học sinh thông minh nhưng phá phách, từng bị nhà trường đuổi, và bị ông nội Obama đuổi khỏi nhà, trước khi may mắn được vài người Mỹ giúp để lấy bằng trung học theo lối hàm thụ. Sau đó, ông xin được học bổng, để vợ đang mang bầu và con nhỏ ở nhà, đi du học Hawaii. Tại đây, trong một lớp học tiếng Nga, cậu sinh viên người Phi gặp cô sinh viên da trắng. Cô mang bầu khi mới 17 tuổi, sinh ra Barack Obama.

Khi Obama mới hai tuổi, bố bỏ đi mất sau khi đã tốt nghiệp đại học và kiếm được học bổng cao học ở Harvard. Mẹ tái giá với một sinh viên du học từ Á châu. Obama theo mẹ về sống tại quê bố ghẻ ở Nam Dương năm lên sáu tuổi. Lớn lên trong một môi trường hoàn toàn xa lạ như trong các phiêu lưu ký. Làm quen với khỉ, gà, vịt, cá sấu ở vườn sau, và giải trí bằng cách xem chọi gà. Chứng kiến cảnh cắt tiết gà. Được nếm thịt chó, thịt rắn, nhắm cào cào châu chấu. Mẹ dậy chữ, bố ghẻ dậy đối phó với đời theo lối sống Á đông: phải biết đánh nhau để tự vệ; đừng cho tiền kẻ ăn xin – tốt hơn là phải dành dụm để mình khỏi biến thành kẻ ăn xin – và chặt chẽ với người làm. Mềm yếu là chuyện đàn bà. Đàn ông phải biết cứng rắn và dành ưu thế từ chỗ yếu của kẻ khác.

Trở về Mỹ năm 10 tuổi, ở với ông bà ngoại da trắng để đi học. Suốt thời gian tiểu và trung học ở Hawaii, cũng như khi ở Occidental College, Los Angeles, nhờ quen với nếp sống da trắng, nên tuy da đen, Obama không thích hợp với nếp sống của người da đen. Bên trong lớp vỏ da đen, con người Obama gần gũi hơn với người da trắng, khiến nhiều phen gặp cảnh chua cay: bị da trắng đối xử như người da đen, trong khi bị người da đen coi là kẻ mất gốc. Mặc dù đôi phen đã thử với ma túy rượu chè, Obama vẫn không thể hoàn toàn “hội nhập” với đồng chủng da mầu.

Nhờ cái vỏ da đen, Obama có cơ hội biết và cảm nhận được nỗi nhục nhã và bị đối xử bất công của người da mầu. Nhưng cái phần gần gũi da trắng bên trong không biến Obama thành người thù hận da trắng. Từ hoàn cảnh không thích hợp với cả đen lẫn trắng, Obama đã quyết tâm trở thành người có “sứ mạng cứu vớt” cả đôi bên. “Anh có thể bị đặt để trong một thế giới không do anh tạo ra, nhưng anh là một phần khi nó được tạo ra như thế nào. Anh vẫn có trách nhiệm trong đó.” Obama đã nhận định như thế, và nghĩ rằng: “Căn cước của tôi đã bắt đầu bằng những sự kiện chủng tộc, nhưng nó đã, và không thể chấm dứt tại đó.”

Đầu thập niên 80, tại California, Obama bắt đầu tham gia phong trào sinh viên biểu tình chống chính sách kỳ thị chủng tộc tại Nam Phi. Nhờ có chương trình trao đổi sinh viên giữa Occidental và Columbia, Obama xin chuyển trường và được chấp nhận. Cuộc Tây tiến trên đường giáo dục khởi đầu từ Nam Dương, cuối cùng đã tới New York. Tốt nghiệp Columbia năm 1983. Sau một năm làm công việc tư vấn, Obama đi Chicago làm người tổ chức cộng đồng, vận động dân chúng hội họp thảo luận hay biểu tình đòi hỏi giúp đỡ để cải tổ đời sống của người nghèo.

Sau ba năm lăn lộn với thành phần thấp kém trong xã hội, trước khi nhập học trường Luật tại Harvard, Obama tìm về Kenya gặp bà con họ hàng bên nội để biết rõ về thân thích của mình: bố mất trong một tai nạn xe từ năm 1982, có tới 4 vợ, và bản thân mình có 7 anh chị em cùng cha khác mẹ, hoặc cùng mẹ khác cha.

Là sinh viên da đen đầu tiên được làm chủ tịch tạp chí luật học “Law Review” tại trường Luật Harvard – chỉ những sinh viên rất xuất sắc mới đạt được địa vị này. Thay vì dễ dàng xin được việc tốt và lương cao khi ra trường, Obama đã trở lại Chicago, phát động phong trào cử tri ghi tên bầu cử, và dạy luật tại Đại học Chicago. Năm 1996 Obama đắc cử nghị sĩ tiểu bang Illinois không phải nhờ tranh cử, mà bằng lý do kỹ thuật: vô hiệu hóa tư cách ứng cử viên của bốn đối thủ khác để trở nên đắc cử. Vụ này xảy ra khá mỉa mai: sau khi vận động thành công phong trào cử tri ghi tên đi bầu, lần đầu Obama ra ứng cử, đã không để cho cử tri thực hành quyền bầu cử, mà dùng lý do kỹ thuật loại các ứng cử viên khác, để mình đương nhiên đắc cử.

Măm 2000, Obama tranh cử dân biểu Liên bang, nhưng bị thất bại ngay trong giai đoạn bầu cử sơ bộ. Cùng năm này, Obama đi dự Đại hội đảng Dân chủ ở Los Angeles, nhưng vô danh tới mức không xin được giấy vào cửa.

Cơ may đến với Obama năm 2004: nghị sĩ liên bang đương nhiệm của Đảng Cộng hoà tại Illinois là Peter Fitzerald không tái ứng cử. Đảng Cộng hoà cử Jack Ryan, một nhà giầu thuộc giới ngân hàng, có thừa tiền vận động tranh chỗ trống này. Trước ngày bầu cử, hồ sơ ly dị của Ryan từ bốn năm trước bị phanh phui. Theo đó, vợ cũ là tài tử TV Jeri Ryan tố cáo ông từng đưa bà tới những câu lạc bộ hành lạc tập thể có sử dụng dụng cụ khổ dâm. Khám phá này khiến Ryan phải rút lui, giúp Obama dễ dàng nắm chắc phần thắng.

Cơ hội ngàn vàng khác là cùng mùa hè năm 2004, Obama được ban vận động của John Kerry cho đọc diễn văn tại đại hội Đảng Dân chủ ở Boston. Khác với ngôn ngữ các lãnh tụ da đen từ trước, Obama không đứng về phía người da đen để tranh đấu cho quyền lợi của thiểu số, mà tranh đấu cho mọi người bị thiệt thòi, hay bị đối xử bất công, đề xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Obama tuyên bố: “Nước Mỹ không phải là một Hoa Kỳ cấp tiến hay một Hoa Kỳ bảo thủ, mà là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.”

Nhờ diễn văn này, Obama bỗng nhiên nổi tiếng toàn quốc. Mấy năm trước chỉ nuôi mộng có ngày làm thống đốc Illinois, bây giờ gặp cơ hội thuận tiện, bèn tuyên bố ứng cử tổng thống vào đầu năm 2007, dù mới làm nghị sĩ liên bang được hai năm. Mặc dầu biết sẽ phải đương đầu với một đối thủ vô cùng lợi hại, đã bố trí sẵn guồng máy tranh cử hùng hậu ngay trong vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, là Nghị sĩ Hillary Clinton, Obama vẫn quyết định thử thời vận, và cuối cùng đã thắng được Cựu Đệ nhất Phu nhân. Đó là một thành tích xuất chúng.

Năm 1967, trong khi cậu bé Obama 6 tuổi hàng ngày chơi trò ú tim với đám trẻ mới quen ở thủ đô Djakarta, Nam Dương, thì Trung úy John Sidney McCain đang lái máy bay phản lực, cất cánh từ hàng không mẫu hạm Forrestal ở vịnh Bắc Bộ, lẩn trốn hoả tiễn SAM và tránh né cao xạ phòng không Bắc Việt, đi tìm mục tiêu bỏ bom tại thủ đô Hà Nội.

McCain ra đời năm 1936, bằng tuổi bố Obama, tại vùng kênh đào Panama ở Trung Mỹ. John McCain có dòng dõi nhà binh nhiều đời. Ông nội McCain là tướng hải quân 4 sao, từng chỉ huy một lực lượng đặc nhiệm tại Thái Bình dương thời Đệ nhị Thế chiến. Bố McCain cũng là tướng hải quân 4 sao, chỉ huy một lực lượng tầu ngầm vào Đệ nhị Thế chiến, và chức vụ cao nhất là Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình dương (CINPAC) vào cuối thời chiến tranh Việt Nam.

McCain vào Hải quân để trở thành một tướng tư lệnh theo gót ông cha, theo mong mỏi tự nhiên của gia đình. John bị chứng nóng giận bất thường từ khi còn nhỏ. Theo lời khuyên của bác sĩ, mỗi khi “lên cơn”, John bị nhúng vào một chậu nước lạnh để hạ cơn giận. Lối chữa trị này có vẻ hiệu quả. Cùng với cố gắng tự kiềm chế khi lớn lên, John McCain đã có cuộc sống bình thường, nhưng đôi khi vẫn không hoàn toàn chế ngự được bản tính nóng giận cố hữu. Lần đầu tiên tranh cử dân biểu vào năm 1982, John McCain đã đe dọa đối thủ muốn bới móc chuyện xấu trong vụ ly dị của ông, là nếu không để gia đình ông yên, ông sẽ “đập cho vãi cứt”.

Là con một gia đình hải quân nay đây mai đó, McCain đã không có một cư sở cố định, một nền giáo dục căn bản vững chãi, và những người bạn thân từ nhỏ. Khi ra tranh cử dân biểu lần đầu tiên tại quê vợ mới ở Arizona, trước lời chỉ trích là người từ nơi khác tới ứng cử ngang xương, McCain đã trả lời rằng cả đời ông cho đến khi ra ứng cử, chỗ ở lâu nhất là Hoả Lò Hà Nội. Lớn lên như một học sinh vô kỷ luật, một thanh niên mất gốc, bạt mạng, nổi loạn, chính McCain tự nhận mình là “maverick”, một thứ ngựa hoang ngoài vòng cương toả.

Ngay khi theo học Học viện Hải quân (Naval Academy) tại Annapolis, dù trong kỷ luật khắt khe của quân trường, John McCain vẫn tiếp tục phá phách, cãi lại cả thượng cấp, bị phạt nhiều lần tới mức suýt bị đuổi. Sau cùng, ra trường xếp thứ 5 từ cuối trong một khoá học đông hơn 800 người.

Thiếu úy McCain xin đi học lái phi cơ chiến đấu, để trở thành phi công của Hải quân. Đập bể hai máy bay trong thời gian huấn luyện. Một chiếc bốc cháy trên bầu trời Virginia trong dịp cuối tuần về thăm cha mẹ, một chiếc đâm xuống biển ở Texas. Cả hai lần đều may mắn thoát chết.

Vào thập niên 60, trong khi những thanh niên khác né tránh chiến tranh, như Bill Clinton xin hoãn quân dịch bằng lý do học vấn, George Bush xin vào Vệ binh Quốc gia, John McCain tình nguyện xin sang chiến đấu ở Việt Nam.

Sau 5 phi vụ bỏ bom Bắc Việt, trước khi cất cánh phi vụ thứ 6 từ mẫu hạm Forrestal, một hoả tiễn dưới cánh phi cơ khác bất ngờ phóng ra, làm nổ bình xăng máy bay của McCain, khởi đầu một vụ cháy kéo dài hai ngày, khiến 134 người chết và 20 phi cơ bị phá huỷ. Forrestal phải về Mỹ để sửa chữa, McCain thoát chết, chỉ bị thương nhẹ.

Thay vì rời chiến trường Việt Nam, McCain xin gia nhập phi đội trên mẫu hạm Oriskany để tiếp tục chiến đấu. Sau 23 phi vụ tấn công vùng Hải Phòng trở về an toàn, McCain xin được oanh tạc mục tiêu mới là nhà máy nhiệt điện giữa Hà Nội, nơi được phòng vệ kỹ hơn bằng cao xạ và hoả tiễn SAM. Bị trúng SAM ngay phi vụ đầu tiên vào ngày 26 tháng 10 năm 1967; thoát chết nhờ dù cứu nạn rơi xuống hồ Trúc Bạch.

McCain bị thương và bị đánh gần chết, trước khi bị tống vào Hoả Lò. Tiếp tục bị hành hạ dã man thêm nữa, cho đến khi Hà Nội biết chức vụ của bố McCain mới bắt đầu cho chữa trị, coi như “bảo trì con tin”. Sau đó, nhằm mục tiêu tuyên truyền, Hà Nội đề nghị tha sớm, nhưng McCain từ chối, lấy cớ người bị bắt trước phải được tha trước. Sự từ chối này lại là nguyên do để McCain bị hành hạ thêm.

Trước đây, McCain nghĩ rằng chiến tranh là cơ hội để kiếm huy chương và được thăng cấp để nối gót ông cha. Chính trong thời gian bị tù ở Hoả Lò, McCain cảm thấy yêu nước nhiều hơn, và có dịp suy nghĩ về cuộc chiến đang diễn ra. McCain nghĩ rằng cuộc chiến có chính nghĩa, và có thể thắng được, nếu Hoa Kỳ quyết tâm để thắng. Nhưng những người làm chính trị ở Washington chỉ cho đánh cầm chừng. Do đó, thay vì chỉ biết tuân lệnh như trong quân ngũ, nếu muốn thay đổi, phải tham gia sinh hoạt chính trị. Ý tưởng rời bỏ binh nghiệp để tham chính bắt đầu manh nha.

Chống nạng về Mỹ sau Hiệp định Paris năm 1973, McCain chỉ còn nặng chừng 50 ký. Sau khi bình phục, ông bỏ ra một năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam tại Đại học Chiến tranh, trước khi được cử làm đại diện Hải quân tại Quốc hội.

John McCain giải ngũ năm 1981, đắc cử dân biểu năm 1982, làm nghị sĩ từ năm 1986 tới nay. Ứng cử tổng thống lần đầu năm 2000, nhưng không thắng nổi George Bush (con) trong vòng sơ bộ. Được Đảng Cộng hoà chính thức đề cử làm ứng viên ngày 4 tháng 9 năm 2008, cho cuộc bầu cử Tổng thống ngày 4 tháng 11 tới.


Vai phụ

Nhiều nhà báo chế diễu Thống đốc Sarah Palin là cho đến một thời gian ngắn trước khi chính thức được chọn làm ứng viên Phó Tổng thống, vẫn không biết rõ người giữ chức vụ này thực sự làm gì. Thật ra, không ai biết chắc tất cả công việc của Phó Tổng thống Hoa Kỳ là gì, vì nó thay đổi theo thời gian, và nhất là tùy thuộc vào Tổng thống.

Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ nói rõ hai việc dành cho Phó Tổng thống. Một là được trao cho quyền hạn và nhiệm vụ của tổng thống khi ông này từ trần, bị tàn phế hay từ chức. Hai là làm Chủ tịch Thượng viện, nhưng chỉ được bỏ phiếu để phá vỡ bế tắc khi có tình trạng bất phân thắng bại. Cả hai việc này đều rất ít xẩy ra, nên có thể nói nhiệm vụ chính của Phó Tổng thống là ngồi chơi xơi nước.

Hiến pháp nguyên thuỷ quy định khi bầu Tổng thống, mỗi người trong cử tri đoàn bầu hai phiếu cho hai ứng cử viên. Người được nhiều phiếu nhất sẽ là Tổng thống, người về nhì là Phó Tổng thống. Cuộc bầu cử năm 1800 gặp bế tắc, vì hai ông Thomas Jefferson và Aaron Burr ngang phiếu nhau. Cuộc khủng hoảng này đưa đến việc sửa Hiếp pháp bằng Tu chính án thứ 12, quy định bầu riêng hai chức vụ.

Cho đến năm 1940, ứng cử viên Phó Tổng thống do các nhân vật thế lực trong đảng lựa chọn, khiến đôi khi Tổng thống và Phó Tổng thống không ưa nhau, hay chống đối lẫn nhau. Từ đó đến nay, việc lựa chọn ứng viên Phó Tổng thống là quyền của ứng viên Tổng thống. Sự lựa chọn này thường phản ảnh nhu cầu kiếm phiếu, như cách chọn lựa của cả hai ông Obama và McCain năm nay.

Năm 1972, khi cậu bé Obama mới 11 tuổi, còn đang học lớp 5 ở Hawaii, thì ông Biden đã là một luật sư ở Delaware, có vợ, ba con, và đắc cử nghị sĩ năm 30 tuổi. Vừa đắc cử, chưa nhậm chức, còn đang xếp đặt văn phòng ở Washington, bà Biden ở nhà chở các con đi mua cây Giáng sinh, bị tai nạn. Về đến nhà thì vợ và con gái nhỏ đã chết, hai con trai bị trọng thương, ông Biden quyết định từ chối chức nghị sĩ, để ở nhà chăm con. Trước cố gắng thuyết phục của các nghị sĩ Đảng Dân chủ, ông đã đổi ý và tiếp tục làm nghị sĩ cho tới nay.

Xuất thân là luật sư, lại ở nghị trường liên tục 36 năm, Nghị sĩ Joseph Biden là người có tài ăn nói. Nhưng nói nhiều cũng dễ vạ miệng. Năm 1987, ông ra ứng cử Tổng thống. Không phải chỉ tại các nước cộng sản người ta mới đề cao vai trò của giới lao động, tư bản Mỹ cũng thế. Ứng cử viên Biden nói rằng tổ tiên ông làm nghề phu mỏ than, và mình là người đầu tiên được đi đại học. Ông nói về lao động rất hấp dẫn. Đến khi báo chí khám phá ra ông đã đạo văn của lãnh tụ lao động Anh quốc Neil Kinnock, và những điều nói về gia đình cũng sai sự thật, thì ông rút lui.

Vừa rồi, sau 20 năm, ông Biden lại ra ứng cử Tổng thống. Qua mấy cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ đầu năm nay, trong khi ông Obama và bà Hillary thay nhau về đầu, ông về gần chót, chỉ được 1% số phiếu. Ngoài ra, vẫn còn bị vạ miệng. Ông chê Obama là người quá ít kinh nghiệm để làm Tổng thống, và ông “hân hạnh được tranh cử với hay chống lại” ông McCain. Ông còn mô tả ông Obama như là “người Mỹ gốc Phi chính lưu đầu tiên ăn nói rõ ràng, sáng giá, sạch sẽ và dễ coi” (the first mainstream African-American who is articulate and bright and clean and a nice-looking guy). Ông đã phải xin lỗi về câu tuyên bố này, trước khi rút lui khỏi cuộc tranh cử. Nhưng cuối cùng, lại được ông Obama chọn đứng chung liên danh, qua mặt bà Hillary.

Đã có nhiều ứng cử viên Tổng thống chọn cựu đối thủ của mình làm ứng viên Phó Tổng thống, nhưng thường là những đối thủ mạnh, có nhiều phiếu, như John Kennedy chọn Lyndon Johnson, Ronald Reagan chọn George Bush (cha). Nhưng Obama không chọn người về nhì là Hillary với 18 triệu phiếu ủng hộ, mà chọn người về chót là Biden. Chính ông Biden cũng tuyên bố ngày 10 tháng 9 ở Nashua, New Hampshire rằng “Bà Hillary Clinton cũng có khả năng như hoặc hơn tôi để làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Thành thật mà nói, chọn bà ấy có thể khá hơn tôi.”

Trong khi ấy, giữa lúc trận bão Gustav hoành hành ở miền Nam nước Mỹ, ứng cử viên McCain của Đảng Cộng hoà đã gây được cơn bão dư luận, với quyết định chọn một cựu hoa khôi trẻ đẹp đứng chung với mình, là Thống đốc Sarah Palin của Alaska.

Khi McCain bị bắn rơi ở Hà Nội, Sarah mới ba tuổi. Lớn lên trong cảnh hoang dã với núi cao tuyết phủ hùng vĩ, Sarah yêu thiên nhiên, thích săn bắn và thể thao. Trái với Biden bước ngang vào sinh hoạt chính trị thượng tầng, Sarah bắt đầu từ hạ tầng, giống như Obama. Khởi thuỷ, nhờ tận tụy với sinh hoạt cộng đồng, Sarah được bầu vào Hội đồng thành phố. Là thành viên Hội đồng, cô thẳng thắn tố cáo hành vi sai trái của hội viên khác, kể cả người thuộc đảng của mình.

Nhờ thành tích tại Hội đồng, Sarah được bầu làm Thị trưởng thành phố Wasilla năm 1996, cũng là năm Obama được làm nghị sĩ tiểu bang. Việc làm đầu tiên của tân thị trưởng là tự giảm lương của mình.

Năm 2000, Obama thất bại trong cuộc tranh cử dân biểu liên bang. Hai năm sau, Sarah cũng thất bại trong cuộc tranh cử chức Phó Thống đốc Alaska. Nhưng nhờ nhiều người biết tới trong khi tranh cử, nên được cử làm thành viên một cơ quan nhiều quyền lực, là Ủy ban Bảo tồn Dầu khí Alaska. Với địa vị mới này, Sarah không ngại đương đầu ngay với nhóm cầm quyền lâu đời đầy quyền lực, bất kể những người này là cấp lãnh đạo của đảng mình.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2006, Sarah Palin đánh bại đương kim thống đốc bang để được chọn làm ứng cử viên (thống đốc bang Alaska) Đảng Cộng Hoà. Rồi tháng 11 năm đó, Sarah hạ luôn cựu thống đốc bang thuộc Đảng Dân Chủ, để trở thành nữ thống đốc đầu tiên, và trẻ nhất trong lịch sử Alaska. Việc làm đầu tiên của tân Thống đốc Alaska là bán chiếc máy bay dành riêng cho cựu thống đốc mua bằng tiền của dân, lấy hơn 2 triệu đô la xung vào công quỹ. Năm nay, mỗi người dân Alaska được tiểu bang tặng lại 1200 đô la.

Kết quả thăm dò dư luận cho biết, trong hai năm làm thống đốc, Sarah Palin vẫn được sự ủng hộ của 80% dân chúng Alaska. Trong một nước dân chủ, đó là tỉ lệ ước mơ của những người làm chính trị, và cũng là tỉ lệ cao nhất trong hàng ngũ thống đốc. Trẻ tuổi, năm con, chống phá thai, ngổ ngáo, chịu khó và ngoan đạo, Sarah Palin đã đem lại sức sống cho liên danh McCain. Điều này đã được chứng tỏ bằng sự lên điểm thăm dò, và tiền ủng hộ đạt mức kỷ lục.


Khả năng và uy tín

Nếu coi quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, thì vào đầu năm tới, quê hương của Tổng thống Mỹ sẽ ở ngoài lục địa Hoa Kỳ. Ông McCain sinh ra tại Panama, ông Obama ra đời ở Hawaii, cả hai nơi đều xa nước Mỹ gốc. Ông McCain tự nhận mình là người mất gốc (rootless), còn quê nội ông Obama ở tận Phi châu. Tiểu bang Alaska của bà Sarah Palin gần Nga hơn Mỹ, và cũng như Hawaii của ông Obama, cả hai mới sát nhập liên bang cùng năm 1959. Trong thời đại kinh tế toàn cầu, sau khi khoán cho nước ngoài như Ấn Độ lo về dịch vụ và Trung Quốc lo về sản xuất, có vẻ như nước Mỹ đang trao cho người ngoài (outsourcing) cả chức vụ tổng thống.

Một điều đáng buồn là cả hai ông McCain và Obama đều thiếu tính hài hước. Tài nói trước công chúng của ông McCain có vẻ kém ông Obama. Có người đã so sánh sự hấp dẫn của ông Barack Obama với John Kennedy và Ronald Reagan. Nhưng thử hỏi, nếu Kennedy và Reagan mà thiếu khôi hài, có còn là Kennedy và Reagan?

Có một điều trái khoáy là, đảng Dân chủ Mỹ thường có khuynh hướng cấp tiến, trong khi Cộng hoà bảo thủ. Nhưng nhìn vào hai liên danh tranh cử năm nay, Dân chủ có vẻ bảo thủ hơn Cộng hoà. Ông McCain bằng tuổi bố ông Obama, nhưng có vẻ liều lĩnh, mạo hiểm hơn ông Obama. Cứ xem cách chọn người đứng chung liên danh của hai ông cũng rõ. Phải khen cả hai ông trong việc chọn vai phụ. Ông McCain có bàn thay phù thuỷ, búng cái chóc, biến Sarah vô danh thành người lừng danh. Ông Obama không chọn bà Hillary, chứng tỏ là người khôn ngoan già dặn, biết bỏ cái lợi gần mà tránh cái họa xa. Chọn bà Hillary có thể nắm chắc phần thắng. Nhưng chủ trương chấm dứt chiến tranh Iraq, rồi sẽ phải đối phó với chiến tranh Bạch Ốc, lợi bất cập hại.

Tuy là ứng cử viên đại diện Đảng Cộng hoà, nhưng ông McCain từ lâu đã có những chủ trương khác với Tổng thống Bush, như về vấn đề phá thai và bảo vệ môi sinh. Năm 2004, ứng cử viên đại diện Đảng Dân chủ là John Kerry đã muốn mời ông McCain đứng chung liên danh. Điều này chứng tỏ ông McCain không phải là “Cộng hoà thuần thành”. Trong khi ấy, ông Obama không hề có chủ trương nào khác với đường lối chung của đảng Dân chủ. Ông hô hào thay đổi rất râm ran: “Change! Change! Yes We Can!” nhưng Đại hội Đảng Dân chủ mới đây ở Denver lại trình diễn toàn những gương mặt cũ như Ted Kennedy, Bill Clinton, Al Gore, John Kerry..., giống như quảng cáo tổ chức đại hội nhạc trẻ, nhưng ca sĩ toàn là Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Lệ Huyền...

Ông McCain có quyết định rõ ràng, dứt khoát, như kiểu “thà thất cử hơn thất trận” qua việc chủ trương tăng quân ở Iraq hồi năm ngoái, vào lúc mọi người chỉ muốn rút quân. Trong khi ấy, ông Obama do dự, sợ trách nhiệm. Trong thời gian ở thượng viện tiểu bang Illinois, ông biểu quyết “có mặt” 129 lần, không dám bỏ phiếu thuận hay chống. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận thành tích đáng kể nhất của ông Obama thời gian này, là đã cùng với phía Cộng hoà, thông qua được luật bắt phải quay phim ghi lại hình ảnh mỗi khi cảnh sát thẩm vấn bị can, tránh được tình trạng ép cung.

Ông McCain đã ở Hạ viện 4 năm và Thượng viện 22 năm, nhưng thành tích làm luật cũng không nhiều. Đáng kể nhất là luật sửa đổi quy định về quỹ tranh cử, hay luật cấm hành hạ trong quân đội, và chống lại việc các nhà làm luật bòn công quỹ cho các dự án phí phạm tại đơn vị bầu cử của mình, thường có tên thông dụng là “thùng thịt heo” (pork-barrel). Ngoài ra, ông McCain còn cùng với ông John Kerry đóng vai ân nhân của Cộng sản Việt Nam trong việc vận động tái lập bang giao Mỹ - Việt vào giữa thập niên 90.

Về khả năng cai trị, phải nói rằng người nhiều kinh nghiệm hơn cả là Sarah Palin. Ông McCain có kinh nghiệm vào sinh ra tử, nhưng nhiệm vụ của Tổng thống không giống như người lính ra trận. Tổng thống cũng không chỉ có việc nói, và thỉnh thoảng nói ẩu như ông Biden. Ông Obama bắt đầu sự nghiệp bằng công việc tổ chức cộng đồng, giúp người nghèo đòi hỏi quyền lợi. Nhưng cái cộng đồng mà một tổng thống phải đối phó lại không phải chỉ gồm có người nghèo mà tất cả mọi người, cả nước Mỹ, cả thế giới. Ông Obama có mấy năm kinh nghiệm nghị trường cấp tiểu bang và liên bang. Nhưng kinh nghiệm nghị trường không phải là kinh nghiệm quản trị. Ông Obama có tài ăn nói, thay vì chọn một thống đốc biết quản trị, lại kéo theo ông Biden cũng chỉ biết nói, và thường hay nói ẩu. Để làm gì, nếu không chủ tâm lập một cặp chuyên đánh võ mồm? Có người chê Sarah Palin chỉ là thị trưởng thành phố bảy ngàn dân, và thống đốc tiểu bang dưới một triệu dân, không đáng kể. Nhưng trong xứ mù, anh chột làm vua. Trong đám bốn ứng cử viên, chỉ một người đã từng quản trị, thì người đó có kinh nghiệm hơn những người kia.

Fred Thompson mỉa mai: “Obama là người duy nhất tin rằng chỉ riêng thành tích tranh cử đã đủ điều kiện để làm Tổng thống.” Cả hội đường của Đại hội Đảng Cộng hoà cười ồ. Tuy nhiên, cũng nên nhìn vào sự thật này: trong lịch sử Hoa Kỳ đã có 43 ông tổng thống, nhưng chỉ mới có một người đạt được thành tích vận động ngoạn mục như Obama. Da đen, tay trắng, vô danh; riêng cái tên Barack Obama cũng đã gây bất lợi khi đi xin việc; vậy mà Obama đã vượt được những chướng ngại vô cùng khó khăn, chắc phải là người có khả năng rất đặc biệt. Dầu sao, ngoài thành tích tiến nhanh trên chính trường, những khả năng khác đều chưa được chứng minh.

Không ai có thể chối cãi được những hy sinh cao đẹp cho đất nước của John McCain. Nhưng làm Tổng thống không phải để hy sinh, mà phải khôn ngoan lãnh đạo đất nước tránh được tai họa, và đưa đất nước đến chỗ tốt đẹp hơn. Trao quyền lãnh đạo cường quốc số một trên thế giới, bao gồm cả quyền xử dụng võ khí nguyên tử, vào tay một người từng có thành tích bạt mạng, nóng nảy bẩm sinh, cũng là điều đáng lo ngại.

Ông Obama đã chọn ông Biden để bù vào cái phần trẻ trung và thiếu kinh nghiệm của mình. Ông McCain đã chọn bà Sarah Palin để phòng hờ cho cái tuổi cổ lai hy và hóa giải lập trường ít bảo thủ của mình. Nhưng vai chính sẽ thực sự lãnh đạo Hoa Kỳ, và có ảnh hưởng nhiều trên thế giới trong bốn năm tới, phải là Barack Obama hoặc John McCain.

Chiến tranh bế tắc, kinh tế suy thoái, dân chúng bất mãn (80%), chỉ cần một trong ba yếu tố này, đảng đương quyền cũng ít hy vọng thắng thêm nhiệm kỳ thứ ba. Cả ba yếu tố này cộng lại, Đảng Cộng hoà hầu như vô vọng. Vì thế, Đảng Dân chủ đang cố gắng dán lên liên danh McCain-Palin cái nhãn hiệu tranh cử nhiệm kỳ ba cho đảng Cộng hoà. Trong Đại hội Đảng Dân chủ ở Denver, bà Hillary đã nói móc là ông McCain sẽ gặp ông Bush tại Đại hội Đảng Cộng hoà ở Thành phố Đôi (TwinCities: Minneapolis - Saint Paul), vì hai người giống anh em sinh đôi. Bão Gustav cho ông McCain cơ hội vàng, vì đã giữ ông Bush ở nhà. Trong khi ấy, liên danh Cộng hoà cố gây ấn tượng với cử tri là mọi việc sẽ không như cũ, sẽ làm đảo lộn Washington nếu đắc cử. Đảng Dân chủ có quá nhiều lợi thế để thắng, nhưng nếu không thắng được, thì quá tệ.

Obama đã đạt được thắng lợi quyết định vào bước đầu, hạ Hillary ở Iowa, một tiểu bang đại đa số là người da trắng. Suốt trong gần hai năm vận động tranh cử, Obama không bao giờ nhắc tới yếu tố chủng tộc của mình. Nhưng trong cuộc Đại hội chấp nhận đề cử ở Denver, trước con số tham dự kỷ lục trên tám chục ngàn người, Obama đã nhắc tới sự kiện buổi lễ trùng hợp với ngày Mục sư Luther King đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” 45 năm trước. Từ cuộc vận động để được làm đại diện cho mọi người, Obama đã nhắc nhở cái chỗ đứng của mình trong hàng ngũ thiểu số. Đeo cái nhãn hiệu thiểu số, để mưu cầu làm đại diện cho đa số, là điều quá khó.

Nếu Obama thắng, và trung thành với chủ trương đứng giữa của mình, chẳng bao lâu có thể gặp chống đối ngay từ phía da đen. Có khi còn bị gọi là “đen gian”, vì không coi trọng quyền lợi của người da mầu hơn người da trắng. Nếu Obama thua, tại một số nơi, có thể xẩy ra tình trạng những người thất vọng kéo nhau xuống đường đập phá, như thời Mục sư King bị ám sát. Nếu mọi sự yên lành là vạn phúc, và Obama sẽ có ngày trở thành Tổng thống.

Nếu McCain thắng, sẽ là một phép lạ. Những người ngoan đạo sẽ cho là nhờ Chúa giúp đỡ, nhờ Sarah Palin ngoan đạo và bảo thủ, nên được phiếu của phụ nữ da trắng. Phần khác, cũng có thể là nhờ John McCain không quá ngoan đạo, nên được phiếu của những người đã chán ngấy ông Bush. Nếu McCain thua, coi như mộng làm Tổng thống không bao giờ thành, vì sẽ quá già để tranh cử kỳ tới.

Dù Obama hay McCain thắng, nước Mỹ cũng sẽ được đưa vào một kỷ nguyên mới. Xấu hay tốt chưa thể nói chắc. Vì thế, khác với những cuộc bầu cử Tổng thống trước đây, lần này, cử tri sẽ rất hồi hộp khi sử dụng lá phiếu của mình.


Tài liệu tham khảo
  • Sách: Dreams from My Father by Barack Obama; Faith of My Fathers by John McCain with Mark Salter.
  • Tạp chí: Time, Newsweek, The Economist.
  • Báo hằng ngày: The New York Times, The Washington Post

© 2008 talawas