trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
3.7.2008
Trần Bình
Việt Nam trước những thách thức hội nhập
 1   2 
 
Mức lạm phát hằng năm hai con số từ năm 2006, bột phát mạnh hai quý đầu năm 2008 đã gây không ít khó khăn cho đời sống dân chúng và làm xôn xao giới đầu tư nước ngoài, có thể thấy được qua những bản tin, các bài bình luận trên các tạp chí lớn The Economist, Herald Tribune, The New York Times... Dưới tựa đề “Lạm phát thử thách sự phát triển của Việt Nam”, trong bài báo đăng trên Asia Times ngày 18/3/2008, Andrew Symon nhận định: “Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường đang đối đầu với thử thách mới – nạn lạm phát phi mã. Thành bại của chính sách cải cách, cho đến nay được đánh giá là thành công, sẽ còn tùy thuộc vào sự khéo léo của các biện pháp kinh tế và tài chính đối phó với nạn lạm phát của các nhà làm chính sách.” [1]

Các biến chuyển của lạm phát đã trở nên phức tạp hơn khi nó cộng hưởng với các vấn đề kinh tế vĩ mô khác, và mối quan ngại hiện nay không chỉ dừng lại ở lạm phát, mà ở bình diện rộng lớn và nghiêm trọng hơn là sự ổn định của nền kinh tế. Tháng 5/2008, các hãng đánh giá định mức tín nhiệm Standard & Poor’s của Hoa Kỳ và Fitch Ratings có trụ sở tại London đã hạ triển vọng định mức tín nhiệm nợ ngoại tệ của Việt Nam, phân tích rằng “những rủi ro kinh tế vĩ mô và sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài của Việt Nam là những lý do chính dẫn tới sự tụt hạng này” và “Phản ứng chính sách của Việt Nam vừa chậm, vừa không đủ. Lạm phát tăng tốc có thể gây ra những rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng” [2] .

Qua tài liệu Toàn cầu hoá và điều hành kinh tế vĩ mô tại Việt Nam: vài bài học từ kinh nghiệm của Thụy Điển của các chuyên gia Ari Kokko (Đại học Kinh tế Stockholm), Kerstin Mitlid (Ngân hàng Trung ương Thụy Điển) và Arvid Wallgren (Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Chính sách – Thuỵ Điển), ấn hành tháng 7/2007, từ sau đây sẽ ký hiệu là tài liệu [Ari] [3] , vấn đề lạm phát được thảo luận trong khung khổ rộng lớn hơn – sự ổn định kinh tế vĩ mô (macroeconomic stability) trong mối tương quan với phát triển và trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập – với bốn luận điểm quan trọng, được giới thiệu ở phần dẫn nhập [Ari, p. 1–2] và bổ sung trong phần kết [Ari, p. 25–27]:
  • Mặt dù đã trải qua nhiều thử thách và những biến động bên ngoài nghiêm trọng (external shock), nền kinh tế Việt Nam đã duy trì được mức phát triển khá cao và tương đối ổn định từ hai thập niên qua. Song, những thách thức mà Việt Nam phải đối đầu ngày càng trở nên phức tạp, và trên nhiều phương diện, cũng tương tự như những vấn đề của các quốc gia có mức phát triển cao hơn. Vào thời đại mà tiến trình toàn cầu hóa diễn ra một cách nhanh chóng, thì trọng tâm của việc điều hành kinh tế vĩ mô là nhằm thực hiện được sự cân đối bên ngoài (external balance) và bên trong (internal balance) – với hai vấn đề then chốt là ổn định giá cả và tỷ giá hối đoái (exchange rate) – và đồng thời đạt được mức phát triển cao, khả dĩ đáp ứng được các yêu cầu chính trị của nền kinh tế.

  • Trong khi yêu cầu chính trị của Thụy Điển liên quan đến việc duy trì sự phồn thịnh của quốc gia và mức thất nghiệp thấp, thì tại Việt Nam, nỗ lực đạt mức phát triển cao không chỉ để đáp ứng đòi hỏi cải thiện mức sống, bắt kịp và hòa nhập với nền kinh tế khu vực Đông Á, mà còn nhằm biện minh (justify) cho hệ thống chính trị một đảng, duy trì khu vực kinh tế nhà nước, trong bối cảnh quốc tế với nhiều nền kinh tế chỉ huy khác đang trải nghiệm những cải cách trên cả hai mặt kinh tế lẫn chính trị.

  • Nhưng Việt Nam lại khác biệt với các nước có trình độ phát triển cao hơn về công cụ điều hành kinh tế vĩ mô. Trong khi hai mục tiêu chính của việc điều hành kinh tế vĩ mô, kể từ khi công cuộc cải cách khởi đầu, vẫn không thay đổi, là nhằm duy trì giá cả ổn định và mức phát triển cao, thì việc thực hiện những yêu cầu này ngày càng trở nên khó khăn hơn vì những thách thức mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi và toàn cầu hoá nền kinh tế. Ngày nay, sau những cải cách mở cửa nền kinh tế và những cam kết qua các hiệp uớc quốc tế, Việt Nam chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế các biện pháp can thiệp trực tiếp, rất hiệu quả vào những thập niên trước đây khi nền kinh tế còn tương đối đơn giản và khép kín; trong khi đó, hệ thống những công cụ chính sách gián tiếp, vốn thường được sử dụng trong các nền kinh tế thị trường tại các quốc gia phát triển, ngày càng trở nên cần thiết cho việc điều hành nền kinh tế mở và hội nhập của Việt Nam hôm nay, thì vẫn còn yếu kém.

  • Trên tiến trình hoàn thiện và hoàn tất công cuộc cải cách nền kinh tế theo định hướng thị trường, đặc biệt trên lĩnh vực tài chính, trong bối cảnh toàn cầu hoá, Việt Nam sẽ phải đương đầu với sự bất ổn gia tăng.
Từ góc độ này, [Ari] điểm lại những kinh nghiệm của Việt Nam liên quan đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trên những chặng đường phát triển, thảo luận các vấn đề hôm nay, xem xét và đối chiếu với một vài kinh nghiệm của trường hợp Thụy Điển. Những phân tích của [Ari] sẽ được cập nhật và bổ sung trong phần kết, với những số liệu, các phân tích gần đây, đặc biệt từ các chuyên gia nước ngoài với bề dày nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam.


I. Các vấn đề kinh tế vĩ mô trên những chặng đường phát triển

Cuộc tấn công vào Campuchia năm 1978 khiến nền kinh tế thêm suy yếu và lệ thuộc nặng nề hơn vào Liên Xô khi các nước phương Tây cắt hầu hết viện trợ. Vào đầu của thập niên 80, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm những cải cách mới, cho phép nông dân và doanh nghiệp được bán phần sản phẩm tự quản. Kết quả đạt được tuy chỉ rất hạn hẹp, song những trải nghiệm ban sơ này cũng đã gợi lên được khái niệm và viễn cảnh của nền kinh tế thị trường, làm động lực cho những cải cách sâu rộng hơn sau này.

Phát triển và ổn định (1986–1992) [Ari, p. 2–5]: Chính sách cải cách của thời kỳ đổi mới bắt đầu giữa thập niên 80, đánh dấu bước đầu quan trọng của tiến trình chuyển đổi nền kinh tế, từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, và đồng thời đối phó với căn bệnh lạm phát đã trở nên trầm kha. Vì vậy, lạm phát là vấn đề, ổn định và phát triển là mục tiêu chính của kinh tế vĩ mô trong giai đoạn này. Khi chính sách đổi mới ban hành năm 1986 với chủ trương nền kinh tế nhiều thành phần, phi tập trung hoá (decentralization) và giải thể chế độ bao cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thì trên thực tế, nhiều biện pháp cải cách quan trọng đã được thử nghiệm. Nhưng nỗ lực ổn định nền kinh tế trong những năm đầu cải cách đã không đạt kết quả: tín dụng trong nước tăng đến 430% năm 1986 mà hầu hết là các khoản vay của DNNN, mức lạm phát vẫn ở con số 400% năm 1988, và tình trạng sản xuất, đặc biệt khu vực nông nghiệp, vẫn trì trệ. Tuy nhiên, nhờ vào viện trợ của Liên Xô và hoạt động sản xuất của các DNNN có phần gia tăng với cơ chế phi tập trung, mức phát triển kinh tế của Việt Nam vào năm 1988 đã đạt được 6%.

Song biến cố Liên Xô sụp đổ, kéo theo việc bị cắt nguồn viện trợ vào năm 1989, đã buộc Việt Nam phải tiến hành cuộc cải cách quyết liệt hơn, với ba biện pháp chính: tăng lãi suất để thu hút tiền gửi tiết kiệm và định mức trần tín dụng (credit ceiling) nhằm hạn chế tín dụng – cắt giảm thâm thủng ngân sách bằng cách cho phép thu chi phí học đường, bệnh viện, và cắt giảm “biên chế” (= nhân lực hưởng lương, được đãi ngộ suốt đời và không thể bị sa thải) – thắt chặt ngân sách trợ cấp và cho vay đối với các DNNN. Các biện pháp tài chính này được thực hiện dễ dàng vì hệ thống ngân hàng hoàn toàn do nhà nước quản lý. Đồng thời, nhiều quyết định quan trọng nhằm kích thích phát triển cũng đã được thực hiện, bao gồm việc giải thể các nông trường, từ bỏ kiểm soát giá cả, tăng cường quyền tự quản cho các DNNN, phá giá đồng bạc, bãi bỏ một số hạn chế đối với hoạt động xuất nhập khẩu, và ban hành luật khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Những biện pháp cải cách năm 1989 đã có tác dụng nhanh chóng, với sự giảm mức lạm phát từ 400% xuống còn 74% năm 1989, và 32% năm 1992. Nền nông nghiệp cá thể chuyển mình mạnh mẽ, từ một nước nhập cảng lương thực nặng nề vào giữa thập niên 80, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất vào đầu thập niên 90. Hoạt động của các DNNN cũng bắt đầu phục hồi, nhờ tận dụng cơ chế phi tập trung và nền kinh tế mở cửa, sự tiếp cận và liên doanh với đầu tư nước ngoài, và sự kiện Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất dầu [thô] đáng kể. Năm 1991, các định mức tín dụng bắt đầu được nới lỏng, và đầu tư xã hội cho giáo dục và y tế được phục hồi. Mức phát triển GDP cũng tăng dần, đạt khoảng 7–8% năm 1992.

Chính sách cải cách theo định hướng thị trường và mở cửa nền kinh tế, song song với việc rút quân khỏi Campuchia năm 1989, có tác dụng quan trọng trên cả hai phương diện kinh tế lẫn chính trị: bang giao với Trung Quốc, với các nước khối ASEAN và phương Tây được bình thường hoá, và nguồn viện trợ phát triển (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bắt đầu tăng dần từ năm 1989, mở đầu cho một thời kỳ phát triển cao hơn, nhưng đồng thời, cũng làm bộc phát những vấn đề kinh tế vĩ mô mới.

Cơ cấu kinh tế và cán cân bên ngoài (1992–1997) [Ari, p. 5–11]: Với sự ổn định kinh tế vĩ mô và tiến trình chuyển đổi bước sâu dần vào cơ chế thị trường, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh trong giai đoạn 1992–1997, đạt mức tăng trưởng trung bình 8,8%, và lạm phát cũng giảm dần xuống mức bình thường, dưới 10% từ 1995. Những chỉ dấu kinh tế quan trọng của thời kỳ này cho thấy tiết kiệm và đầu tư nội địa tăng cao, ngoại thương mở rộng, xuất nhập khẩu tăng nhanh, nguồn vốn và công nghệ FDI tiếp tục gia tăng, đạt 2,4 tỷ USD năm 1996. Giai đoạn này cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trên quá trình hội nhập, với sự kiện Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận năm 1994, Việt Nam trở thành hội viên tổ chức ASEAN và nộp đơn xin gia nhập WTO năm 1995. Và không kém quan trọng, cũng vào năm 1995, Việt Nam đã tái lập quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB).

Nhưng những thành quả ấn tượng trên cũng không che giấu được những mặt yếu kém về cơ cấu kinh tế và sự mất quân bình trong cán cân thanh toán (balance of payment):

Chính sách công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu (import-substituting industry) được thực hiện qua hệ thống các rào cản phức tạp và thiếu minh bạch, mà hậu quả là nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, do phải lệ thuộc nặng nề vào nhập cảng máy móc, nguyên liệu, và bán thành phẩm. Vào năm 1996, cán cân vãng lai thâm hụt 2.6 tỷ USD, chiếm 13% GDP, và điều này đã đặt lên hai nghi vấn là liệu Việt Nam có khả năng đối phó với thâm thủng tài chính mà không để xảy ra tình trạng bất ổn định kinh tế, và có thực tâm tiếp tục tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa nền mậu dịch quốc tế?

Một vấn đề khác liên quan đến cơ cấu là nền kinh tế bị lệ thuộc nặng nề vào khu vực nhà nước và sự liên đới giữa các DNNN với chính sách thay thế nhập cảng. Các nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh năm 1996 cho thấy hầu hết các DNNN hoạt động thua lỗ, với công nghệ lạc hậu, gây ra khoảng nợ lớn đáng kể, và doanh thu tùy thuộc nặng nề vào các biện pháp bảo hộ. Nguy cơ là nếu cứ tiếp tục duy trì tình trạng cô lập đối với sự cạnh tranh trên thị trường thế giới bằng cách dựa vào chính sách thay thế nhập cảng, các DNNN có thể tồn tại mà không cần phải tiếp tục cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, vào giai đọan phát triển này, tình trạng yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân, hoạt động trong một môi trường cạnh tranh rất khó khăn, và sự hình thành của các nhóm lợi ích đặc quyền trên cơ sở những mối liên kết giữa các DNNN, các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp liên doanh, và các viên chức có quyền thế, là những thế lực đang thụ đắc lợi lộc từ chính sách thay thế nhập cảng, có khả năng ảnh hưởng đến chính sách, đã trở thành những nguy cơ mới đối với quá trình chuyển đổi và phát triển.

Cuộc khủng hoảng châu Á (1997–1997) [Ari, p. 11–14]: Khác với nhiều nước châu Á, Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng nhẹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra hồi năm 1997. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam vững mạnh, mà chỉ vì nền kinh tế vẫn đang ở thời kỳ chuyễn đổi, được chi phối bởi các biện pháp kiểm soát mang tính định lượng, chẳng hạn, tỷ giá hối đoái cố định, hoạt động ngoại thương được qui định chặt chẽ, và Việt Nam vẫn chưa có thị trường chứng khoán. Hai yếu tố bị ảnh hưởng đáng kể nhất từ cuộc khủng hoảng là gánh nợ quốc gia gia tăng, và nguồn vốn FDI giảm mạnh, khiến cán cân thanh toán trở nên bị thâm thủng nghiêm trọng.

Do kinh doanh kém hiệu quả, các DNNN tiếp tục vay mượn, làm gia tăng mức nợ trong nước lẫn nợ nước ngoài. Các quyết định đầu tư của các DNNN và cho vay của hệ thống ngân hàng thường bị chi phối vì các mục tiêu chính trị, và một phần của đầu tư bị phân tán vào các hoạt động kinh doanh mang tính đầu cơ nhiều rủi ro, mà hậu quả là tình trạng nợ xấu lan rộng, làm suy yếu hệ thống ngân hàng, do hơn phân nửa dòng chảy tín dụng có liên quan đến các DNNN. Vào cuối năm 1996, nợ nước ngoài lên đến 8,3 tỷ USD, hay 35% GDP, và nợ đáo hạn nước ngoài tăng lên 12,7% trên tổng số nợ, hay bằng 100% dự trữ ngoại tệ thực có (capital and reserves) vào lúc đó.

Vấn đề thứ hai là nguồn vốn ngoại tệ FDI bắt đầu giảm dần từ 1996, trong khi đó nhập siêu lại tăng dần, chiếm 15% GDP năm 1996. Để bù đấp khoản thiếu hụt trên cán cân thanh toán, do chi tiêu gia tăng (nhập siêu) và nguồn ngoại tệ giảm (FDI), VND được phá giá 30% (depreciation) trong hai năm 1997–1998, với mục đích là đẫy mạnh xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ.

Các biện pháp khác đối phó với tình trạng nợ xấu và các cân thanh toán mất cân đối được ban hành như hạn chế tín dụng và thắt chặt nhập khẩu. Biện pháp cắt giảm nhập khẩu thực hiện dễ dàng thông qua hệ thống cấp phép (licensing system) đã đạt hiệu quả khá nhanh chóng, với mức tăng nhập khẩu giảm xuống chỉ còn vài % năm 1997, trong khi mức tăng xuất khẩu ở khoảng 20%, nên mức nhập siêu đã giảm xuống dưới mức 10%. Nhưng đồng thời, các biện pháp kiểm soát mậu dịch cũng làm lung lay niềm tin các nhà đầu tư về chính sách hội nhập, mà hậu qua là FDI giảm mạnh vào những năm 1997–1998, và đà tăng trưởng kinh tế cũng giảm theo, với mức tăng trưởng những năm 1998, 1999 chỉ bằng khoảng phân nửa của mức tăng trưởng trên 8% vào năm 1997.

Từ những vấn đề kinh tế vĩ mô phát sinh trên những chặng đường phát triển, có thể rút tỉa những bài học quan trọng:
  • Giai đoạn của những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 cho thấy tầm quan trọng của cán cân bên trong, với sự điều hoà hợp lý giữa phát triển và ổn định giá cả.

  • Nguồn ngoại tệ dồi dào đổ vào trong những năm đầu thập niên 90 đã tạo ấn tượng rằng cán cân bên ngoài không đáng phải quan tâm. Nhưng khi cuộc khủng hoảng xãy ra – nguồn ngoại tệ FDI giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thanh toán quốc tế – cho thấy rằng cán cân bên ngoài không những quan trọng trong dài hạn, mà còn cả trong ngắn hạn.

  • Ngoài ra, kinh nghiệm phát triển của khu vực, đặc biệt là “phép màu” Đông Á, chứng minh ích lợi to lớn có thể mang lại từ hội nhập quốc tế.
Vì vậy, chính sách phát triển kinh tế hiệu quả cần phải cân đối được cả cán cân bên trong lẫn bên ngoài. Và trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập, những vấn của Việt Nam hôn nay cũng tương tự như những thử thách của các nền kinh tế nhỏ và mở.


II. Những vấn đề hôm nay [Ari, p. 14–18]

Nền kinh tế Việt Nam phát triển khá thuận lợi trong những năm gần đây, với nhiều vấn đề của thập niên trước dường như đã đi dần vào ổn định. GDP tăng trưởng trung bình hàng năm trên 7% từ năm 2000, tương đương với 40% lợi tức đầu người. Xuất khẩu tăng hơn gấp đôi tính từ 2001. Việt Nam cũng đạt những bước quan trọng trong quá trình hội nhập nền mậu dịch quốc tế. Năm 2000, đã hoàn thành mục tiêu hạ thấp mức quan thuế xuống 5% thể theo qui định của hiệp ước thương mại AFTA với khối ASEAN. Cũng trong năm này, Hiệp ước Thương mại Song phương (BTA) được ký với Hoa Kỳ theo những điều kiện rất thuận lợi; Việt Nam được nhanh chóng xâm nhập vào thị truờng rộng lớn này, trong khi chỉ phải mở cửa mậu dịch theo từng giai đoạn. BTA cũng mở đường cho Việt Nam bước xa hơn trên lộ trình hội nhập, với việc gia nhập WTO vào tháng giêng năm 2007. Về sản xuất, khu vực FDI không ngừng tăng trưởng, chiếm 15% GDP, một phần năm (1/5) vốn đầu tư, và hơn phân nửa (1/2) giá trị xuất khẩu. Sự phát triển của kinh tế tư nhân cũng rất đáng khích lệ, đặc biệt trong vai trò tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động hàng năm, trong các ngành sản xuất đòi hỏi ít vốn, thâm dụng lao động, là lãnh vực mà Việt Nam hiện có lợi thế cạnh tranh.

Song mặc dù nền kinh tế đang trên đà phát triển thuận lợi và những thành quả đạt được là khá ấn tượng, Việt Nam hiện vẫn phải đối đầu với những vấn đề kinh tế vĩ mô ngày một phức tạp và tinh vi hơn, trong đó, hai vấn đề nổi cộm nhất là nạn lạm phát, và tình trạng quá tải, kém hiệu năng của khu vực công.

Mức lạm phát bắt đầu leo thang từ năm 2003, không những tác động đến giá cả trong nước, mà còn cả cán cân bên ngoài, là hai yếu tố then chốt giữa cho nền kinh tế được ổn định. Việt Nam duy trì tỷ giá cố định với USD (fixed exchange rate). Khi đồng USD mất giá đáng kể từ năm 2002, đồng bạc Việt Nam (VND) cũng giảm giá theo, và điều này thuận lợi cho chính sách đẫy mạnh xuất khẩu, vì hàng xuất khẩu giảm giá, tăng tính cạnh tranh. Nhưng với xu hướng tăng tốc của lạm phát, [Ari] nhận định rằng Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được tỷ giá ổn định khi mức lạm phát của Việt Nam đang tiếp tục cao hơn mức lạm phát của Hoa Kỳ một cách đáng kể. Điều này có nghĩa là VND mang giá trị cao hơn giá trị thật (appreciation), khiến hàng xuất khẩu đắt, hàng nhập khẩu rẻ, làm gia tăng thâm thụt của cán cân vãng lai (current account) và tăng áp lực phá giá đồng bạc (VND). Mặt khác, sự phá giá VND có thể tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng giá nhập khẩu và gây thêm áp lực lạm phát.

Nguy cơ về sự bất ổn định kinh tế vĩ mô trong thời kỳ mở cửa và hội nhập ngày càng gia tăng. Một thập niên trước đây, kim ngạch xuất và nhập khẩu chỉ chiếm 70–80% GDP, tỷ lệ này nay đã vượt quá 130%, và điều này có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn nhiều trưóc mọi biến động trên thị trường mậu dịch thế giới. Thứ nữa, vào thập niên trước, Việt Nam có thể kiềm chế hữu hiệu những biến động bên ngoài bằng những biện pháp kiểm soát định lượng về tín dụng, mậu dịch, cũng như hối đoái. Ngày nay, những biện pháp này ngày nay đã không còn mang lại hiệu lực mong muốn, vì sự hạn chế ở mức độ được cho phép sử dụng, cũng như hiệu quả, do những ràng buộc của các hiệp ước thương mại quốc tế, việc mở rộng nền mậu dịch và hệ thống tài chính. Trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế mở, lãi xuất và tỷ giá hối sẽ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc điều hành nền kinh tế quốc gia.

Thêm vào đó, chính sách đặt nặng phát triển trong mối tương quan phát triển và ổn định – vì lý do chính trị – cũng đã góp phần tạo thêm áp lực lạm phát. Ngày nay, những áp lực đầu tư nhằm giảm mức chênh lệch lợi tức trong các tầng lớp xã hội và giữa các vùng, miền ngày một gia tăng. Tình trạng bất bình đẳng này là hậu quả sau nhiều thập niên “xã hội hoá” chi phí các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế và giáo dục lên vai người dân, và việc tập trung đầu tư hạ tầng quanh hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn.

Tình trạng quá tải và kém hiệu quả của khu vực công là vấn đề nổi cộm thứ hai của kinh tế vĩ mô, đã được [Ari] đưa vào phân tích.

Sự khống chế của khu vực công và hiệu năng của khu vực này vẫn luôn là mối quan ngại của các nhà tài trợ và các nhà quan sát. Khu vực này chiếm tới 55–60% vốn đầu tư và gần 40% GDP, nhưng chỉ cung cấp khoảng 10% lực lượng lao động. Nguồn tài lực quốc gia rất lớn vẫn tiếp tục chảy vào DNNN và các công trình hạ tầng qua những dự án, mà hầu hết được đánh giá là yếu kém từ khâu hoạch định cho đến thực hiện, khiến các nhà phân tích không thể không đặt dấu hỏi về khả năng nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, là mạch nghẽn chính của nền kinh tế hiện nay, và khả năng tồn tại của các DNNN trước tình hình cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt của thời kỳ hội nhập, từ hàng hoá nhập cảng, đến các doanh nghiệp FDI, và khu vực kinh tế tư nhân.

Nguồn vốn đầu tư trong và nước ngoài hiện ở mức độ cao, tương đương với Trung Quốc, không làm giảm mối quan ngại về sự đầu tư quá tải và kém hiệu năng của khu cực công, mà trái lại, nó còn giúp cho sự hình thành các nhóm quyền lợi (interest group), được hưởng lợi nhờ vào các dự án đầu tư đến từ nguồn vốn rất lớn này, và do đó sẽ tìm mọi cách duy trì nguyên trạng, ngăn chặn mọi thay đổi cần thiết từ các chính sách cải cách. Vì vậy, việc thiết lập cơ chế hiệu quả nhằm bảo đảm cho nguồn đầu tư công đạt kết quả cao nhất là ưu tiên hàng đầu của kinh tế vĩ mô hôm nay.

Một hệ thống ngân hàng có hiệu năng cao và hoạt động độc lập có thể giúp cho việc điều hợp nguồn vốn và đầu tư một cách hợp lý và hiệu quả, là định chế tài chính quan trọng trong các nền kinh tế phát triển. Tại Viêt Nam, hệ thống ngân hàng nhà nước mặc dù đã được cải thiện, song vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự chi phối chính trị, dẫn đến các dự án kém hiệu quả và những khoảng nợ xấu rất lớn. Do đó, cải thiện hiệu năng và tăng cường tính độc lập bằng cách “biến Ngân hàng Nhà nước thành một ngân hành trung ương thực thụ” là một trong những đề xuất quan trọng của nhóm Havard trong chiến lượt phát triển Việt Nam năm 2010–2020 [LC, Phần 5, VII.4] [4] .

Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ phần tín dụng cấp cho các DNNN thông qua ngân hàng thương mại nhà nước giảm dần, do hệ thống ngân hàng nhà nước đang chịu áp lực ngày một mạnh mẽ phải cải thiện năng lực quản lý và tính độc lập. Song, đây không phải là một chuyển hướng tích cực, mà ngược lại, vì việc cấp tín dụng cho khu vực công đang được chuyển dần qua các tổ chức tài chính phi quốc doanh – nơi mà sự kiểm soát càng ít chặt chẽ và kém minh bạch hơn. Quỹ Hỗ trợ Phát triển được thành lập 1999, chiếm đến hơn 10% GDP và trên chiều hướng gia tăng, cung ứng vốn cho các DNNN và công trình hạ tầng, từ nguồn viện trợ phát triển ODA, trái phiếu chính phủ, và quỹ Bảo hiểm Xã hội (SIF). Năm 2006, IMF đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro của việc sử dụng nguồn vốn rất lớn này và đề nghị các biện pháp công khai hóa và minh bạch hóa tài chính. Một nguồn tài trợ không thông qua hệ thống ngân hàng khác nữa là trái phiếu phát hành trên thị trường quốc tế, mở đầu tại New York vào cuối năm 2005, với trị giá 750 triệu USD. Nếu không phải do nhà nước bảo đảm, mà được phát hành bởi chính Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam), thì theo [Ari], trái phiếu này ắt phải được xếp hạng kém (junk bond) và khó mà bán ra hết được. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn đã là một vấn đề; việc phát hành trái phiếu trên thị trường thế giới còn đi ngược lại với mục tiêu duy trì ổn định giá cả, vì không những tốn kém hơn trái phiếu USD phát hành từ trong nước, mà còn tạo ra tiền lệ vay mượn, lệ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài, trong trình trạng mà lạm phát đang xấu dần.


III. Vài bài học từ kinh nghiệm của Thụy Điển [Ari, p. 18–25]

Nền kinh tế vĩ mô của Thụy Điển vào thập niên 70 có nhiều nét tương đồng với Việt Nam ngày nay, được điều hành bằng qui định (regulations) trên nhiều phương diện, đặc biệt ở lĩnh vực tài chính. Những qui định này đã từng rất hiệu quả cho công cuộc điều hành nền kinh tế Thụy Điển từ nhiều thập niên, trở thành trở lực cho sự phát huy các lợi ích của thời kỳ thị trường tài chính tự do hóa, và hiệu lực của chúng cũng bị mất dần khi các thành phần kinh tế đã tìm được cách luồn lách sự kiểm soát của hệ thống. Những hạn chế và ràng buộc đã làm giảm tính năng động và cạnh tranh của nền kinh tế, và khiến hệ thống ngân hàng không phát triển được khả năng ứng phó với các biến động và rủi ro. Đầu tư khu vực công chiếm đến khoảng 50% dòng chảy tín dụng toàn quốc, tập trung cho các dự án xây nhà rẻ tiền cho người dân có lợi tức thấp, trợ cấp thất nghiệp, và bù thâm hụt ngân quỹ quốc gia, đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, và làm phát sinh lạm phát. Các biện pháp kiểm soát lạm phát, như định mức trần tín dụng và trần lãi suất, dự trữ bắt buộc, kiểm soát đầu tư nước ngoài, và duy trì hệ thống tỷ giá hối đoái cố định để bảo vệ tín dụng trong nước và điều tiết nguồn vốn nước ngoài, đã không đạt kết quả. Lợi tức đầu người đứng hàng thứ 3, 4 trên thế giới vào đầu thập niên 70 đã tụt dần xuống hạng 20 vào đầu thập niên 90. Cuộc cải cách kéo dài gần hai thập niên, trải qua nhiều biến động, thăng trầm, đã chuyển đổi Thụy Điển từ một nền kinh tế chịu sự kiểm soát nặng nề bởi qui định, sang một nền kinh tế mở, tự do hoá (với sự dỡ bỏ các quy định, deregulation), qua sự tháo gỡ các hạn chế định lượng trong nước vào giai đoạn 1980–1985, chuyển qua chế độ tỷ giá thả nổi năm 1992, và những cải cách trong qui trình thiết lập và kiểm soát ngân sách, đã giúp Thụy Điển phục hồi nền kinh tế, trở lại vị trị là thành viên của nhóm 10 quốc gia có lợi tức đầu người cao nhất. Những kinh nghiệm này được trình bày chi tiết trong bài viết của Ari Kokko, Kerstin Mitlid và Arvid Wallgren [Ari], và được tóm lược vào ba điểm (bài học) chính dưới đây:
  1. Bài học thứ nhất là về tự do hoá thị trường tài chính. Cuộc cải cách trên lĩnh vực tài chính diễn ra khi hệ thống ngân hàng chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm đương đầu với các biện pháp kiểm soát rủi ro, hoạt động trong môi trường cạnh tranh của một nền tài chính được tự do hóa. Hệ quả xảy ra cũng tương tự như tình trạng của các nước châu Á trước thời kỳ khủng hoảng 1997, là dòng chảy tín dụng gia tăng rất nhanh, đặc biệt giá cổ phiếu và nhà đất dâng cao, gây tác dụng lan truyền đến giá cả, và làm gia tăng áp lực lạm phát.

    Tự do hoá thị trường tài chính sớm muộn sẽ phải diễn ra tại Việt Nam: nền kinh tế thị trường ngày một mở rộng, song song với sự phát triển của nền ngoại thương, do đó Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục duy trì sự kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính.

  2. Bài học thứ hai là về công cụ điều hành kinh tế vĩ mô. Với hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, cán cân trong và ngoài nước bị lệ thuộc vào chính sách tài khoá (ngân sách, đầu tư công, thuế), đồng thời hạn chế phạm vi và hiệu lực của việc thực thi chính sách tiền tệ (lãi suất, cung cầu tiền tệ). Chính sách tài khoá kém hiệu quả dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao, tạo nguy cơ cho đồng bạc tăng giá (appreciation), khiến thâm hụt cán cân thương mại gia tăng. Lãi suất leo thang do lạm phát dẫn đến việc gia tăng vốn vay từ nước ngoài với lãi suất thấp hơn, nhằm quân bình cán cân vãng lai và đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, khiến tình trạng lệ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài thêm trầm trọng.

    Sự phá giá đồng bạc (devaluation) thông thường sẽ giúp cải thiện cán cân mậu dịch trong ngắn hạn, do khuyến khích xuất khẩu (giá hàng xuất khẩu giảm) và giảm nhập khẩu (hàng nhập khẩu đắt hơn). Nhưng mặt khác, việc phá giá đồng bạc có thể làm gia tăng áp lực lạm phát vì hàng nhập cảng tăng giá, dư nợ nước ngoài tăng, và nghiêm trọng hơn, là một khi bị lạm dụng, nó có thể sử dụng thường xuyên như một phương thuốc chữa chạy căn bệnh mãn tính là năng lực cạnh tranh kém, và do đó, khuyến khích sự trì hoãn các nổ lực cải cách cần thiết để chữa trị dứt điểm gốc rễ căn bệnh – là cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

    Với tỷ giá hối đoái thả nổi, một số vấn đề trên đây có thể được giải quyết. Tuy nhiên, việc thực thi tỷ giá thả nổi hiệu quả đòi hỏi ngân hàng trung ương phải hoạt động độc lập, theo đuổi mục tiêu rõ rệt là duy trì sự ổn định giá cả. Nhưng Việt Nam hiện đang thiếu một ngân hàng nhà nuớc độc lập và những công cụ duy thị trường của chính sách tiền tệ.

  3. Bài học thứ ba là Thụy Điển đã cân bằng một cách uyển chuyển hai vế của phương trình phát triển. Mối tương quan giữa mục tiêu phát triển và cải cách dài hạn với việc duy trì sự ổn định đã được điều chỉnh, cân đối theo từng thời kỳ, theo điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép. Về phương diện này, [Ari] nhận định rằng chính sách của Việt Nam nghiêng nặng về vế phát triển.

    Từ những thập niên qua, sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn đính, cho phép tập trung nổ lực vào phát triển. Nhưng quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế còn chịu sự kiểm soát chặt chẽ sang hệ thống kinh tế thị trường, trong bối cảnh toàn cầu hoá, tình hình bất ổn định sẽ gia tăng. Những phân tích và tiên đoán của [Ari] gần một năm trước đã xảy ra. Lạm phát và sự ổn định kinh tế vĩ mô đang là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam hôm nay.


IV. Phần kết

Song song với phần nghiên cứu của nhóm Ari Kokko, các phân tích của các nhà nghiên cứu, các tổ chức tài trợ, và các nhà đầu tư về các biến động gần đây có thể giúp làm rõ nét hơn các vấn đề mấu chốt khá phức tạp của tình trạng lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam:
  1. Tại buổi tọa đàm Lạm phát tại Việt Nam ngày 3/4/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cấp cao của UNDP tại Việt Nam cho rằng “nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại Việt Nam là tỷ lệ đầu tư công chiếm quá phân nửa, trong khi suất sinh lời của khu vực này rất thấp (ước khoảng 3%) và vì thế chu kỳ đốt nóng nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn. So sánh giá trị gia tăng theo từng khu vực kinh tế, lấy mốc 2000 – 2005, khu vực tư nhân và khu vực có vốn FDI là những khu vực có giá trị gia tăng cao nhất (164% và 56%) so với khu vực nhà nước (10%).” (Từ sau đây, nguồn dẫn liệu này sẽ được ký hiệu là [UN] [5] .) Tình trạng quá tải, hiệu quả thấp, năng lực cạnh trạnh yếu kém của khu vực công và tác động của nó đối với lạm phát cũng được nhấn mạnh trong bài phân tích Lựa chọn Thành công của nhóm Havard, và là một trong hai trọng điểm phân tích của [Ari].

    Trong cuộc giải trình trước Quốc hội đầu tháng 6 vừa qua về các nguyên nhân chính của lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thừa nhận “do đầu tư kém hiệu quả, làm cho sức cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế thấp; đây là nguyên nhân sâu xa gây lạm phát và đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chậm được khắc phục” [Báo cáo] [6] và đặt ra mục tiệu cắt giảm 10% đầu tư công. Song, điểm khác biệt cơ bản với các nhà phân tích / nhà tài trợ về chiến lược phát triển là nhà nước chủ trương tiếp tục duy trì khu vực công với qui mô lớn, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, trong khi các chuyên gia kinh tế / các nhà tài trợ nhấn mạnh đến việc công khai hoá, minh bạch hoá, thu gọn và chuyển giao dần khu vực kinh tế nhà nước qua khu vực tư nhân.

    Về những biến chuyển phức tạp của kinh tế vĩ mô, Jonathan Pincus đã nhận định: “Nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến những bất ổn định kinh tế vĩ mô là do sự bùng nổ luồng vốn vào Việt Nam, giá lương thực và lạm phát tăng, cùng với thâm hụt thương mại tăng dẫn đến nền kinh tế phát triển quá nóng. Sự bùng nổ của luồng vốn đầu tư vào cũng tạo nên hiện tượng bong bóng tại thị trường bất động sản.” [UN]

  2. Yếu tố “bùng nổ luồng vốn” cũng là trọng điểm trong phân tích của tập đoàn Merill Lynch ngày 23/5/2008, qua nhận định: “Nền kinh tế đã nhận một lượng vốn vượt quá khả năng hấp thụ của nó. Sau khi gia nhập WTO, vốn FDI năm 2007 tăng nhanh chiếm 8,1% GDP (5,7 tỷ USD), vốn ngoài FDI đạt 12,7 % GDP (8,9 tỷ USD) [Merrill] [7] . Sự cộng hưởng của luồng ngoại tệ này với tín dụng trong nước năm 2007 tăng đến 54% (25% năm 2006), và vốn đầu tư trong nước (khu vực công khoảng 20% GDP), khiến cung tiền tệ tăng quá nhanh so với mức tăng trưởng GDP. Theo nhóm Havard, tốc độ tăng cung tiền ở mức trên dưới 25% trong khi cung hàng hóa chỉ tăng dưới 10% đã tạo ra áp lực lạm phát [LC, Phần 3 IV.4.1].

    Một phần quan trọng từ luồng ngoại tệ này đổ vào thị trường bất động sản và chứng khoán cũng là mối quan ngại của nhóm Havard: “một lượng tiền lớn có nguồn gốc tham nhũng, rửa tiền, và đầu tư nước ngoài đang đổ vào thị trường bất động sản và chứng khoán, tạo nên bong bóng tài sản.” [LC, Phần 3 IV.4.2] Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/5/2008, chưa kể 3,91 tỷ USD đầu tư vào 16 dự án khách sạn, du lịch, FDI về bất động sản được cấp phép trong 5 tháng đầu năm 2008 lên tới 7,97 tỷ USD [8] .

  3. Về tình trạng thâm hụt thương mại, nhóm nghiên cứu của Merill Lynch có đồng quan điểm với Jonathan khi cho rằng thâm hụt thương mại là một trong những nhân tố quan trọng của tình trạng bất ổn định hiện nay, nêu lên con số thâm hụt cán cân vãng lai năm 2007 tăng lên 6,4 tỷ USD, chiếm 9,1% GDP.

    Theo số liệu cập nhập trên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam tháng 5/2008, thâm hụt thương mại năm 2007 bằng 29,1% kim ngạch xuất khẩu (14,1 tỷ USD); riêng bốn tháng đầu 2008, thâm hụt tăng vọt lên 11,4 tỷ USD, bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu [9] . Theo báo cáo của Thủ tướng Dũng trước Quốc hội đầu tháng 6, kim ngạch nhập cảng hiện gần bằng 90% GDP [Báo cáo].

    Mặc dù mức thâm hụt thương mại là nghiêm trọng, cán cân thanh toán tuy giảm mạnh so với năm 2007 (8,2 tỷ USD) [Merrill], song hiện vẫn mang dấu dương (700 triệu USD), và dự trữ ngoại hối ở khoảng 20 tỷ USD [Báo cáo] nhờ vào sự gia tăng liên tục mấy năm qua của dòng vốn FDI, đầu tư gián tiếp (FII), viện trợ phát triển (ODA), và kiều hối. Trong khi luồng ngoại viện ODA và kiều hối tương đối ổn định, thì luồng vốn FDI và nhất là vốn gián tiếp có khả năng biến động và ảnh hưởng quan trọng đến sự ổn định của nền kinh tế.

  4. [Ari] cho rằng có mối quan hệ rõ rệt giữa dòng vốn FDI và cán cân thương mại. Giai đoạn 1995–1996 là thời điểm FDI tăng mạnh nhất của thập niên 90, cũng là những năm cán cân vãng lai thâm hụt lớn nhất, khoảng 13% GDP, vì nhu cầu nhập khẩu thiết bị và bán thành phẩm gia tăng. Song về lâu dài, vì đầu tư FDI có hiệu quả cao và chiếm tỷ lệ quan trọng trên tổng xuất khẩu, do đó góp phần tích cực cho việc quân bình cán cân thương mại [Ari, p. 9]. Ông Sean Doyle, Đại sứ Phái đoàn Ủy ban Châu Âu (EC), trong buổi công bố báo cáo đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế 2008 Việt Nam ngày 30/5/2008, cũng đã làm rõ mối quan hệ giữa FDI và thâm hụt thương mại, nhưng cho rằng “một phần lớn vốn vào Việt Nam không được triển khai ngay là yếu tố cộng hưởng gây lạm phát” [10] .

    Mặt khác, nhóm Havard qua tài liệu Lựa chọn Thành công cũng đã nhắc nhở: “Nên nhớ rằng sự bùng nổ FDI cũng đã từng xảy ra và chấm dứt ở nhiều nơi khác trong khu vực Đông Nam Á.” [LC, Phần 4 V.2] Tờ The Economist, trong bài bình luận “Những con hổ bặt tiếng gầm”, số tháng 3/2008, còn cảnh báo xa hơn về những bất trắc của sự quá lệ thuộc vào FDI ở các nước Đông Nam Á: “Họ sẽ luôn phải gánh chịu những rủi ro vì những xí nghiệp [FDI] này có thể dời đến một nơi nào đó ở Trung Quốc, nơi mà giá thành thấp hơn và thị trường nội địa lớn hơn.” [11] Tại Việt Nam, vốn FDI cũng đã từng tụt mạnh khi cuộc khủng hoảng Á châu xảy ra năm 1997–1998, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thanh toán.

    Vốn đầu tư gián tiếp, theo phúc trình của chính phủ, hiện khoảng 8 tỷ USD [Báo cáo], là nguồn vốn ngắn hạn và dễ biến động. Hiện đang có những lo ngại là dòng vốn này sẽ chảy ra nước ngoài truớc tình trạng VND đang mất giá. Nhóm nghiên cứu Merrill Lynch ước tính Ngân hàng Nhà nước sẽ mất khoảng từ 1 đến 2 tỷ USD dự trữ mỗi tháng [Merrill].

  5. Cơ cấu nhập khẩu là một mối quan ngại khác, theo tác giả Ngọc Minh trên tờ Thanh Niên, khi cho rằng một phần quan trọng của nhập khẩu được xử dụng vào các dự án công kém hiệu quả và để đáp ứng với tình trạng yếu kém của ngành sản xuất nguyên liệu và bán thành phẩm cho hàng xuất khẩu [12] . Sự yếu kém của ngành công nghệ sản xuất phụ kiện và nguyên liệu cho hàng xuất khẩu không những gia tăng nhập xuất đáng kể mà còn làm suy yếu khả năng cạnh tranh với các nước trong vùng.

  6. Khả năng quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô cũng đã được nhóm nghiên cứu Merrill Lynch nêu lên: “Việc có phải chính sách vĩ mô đã gây ra tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam hiện nay hay không là một câu hỏi gây tranh cãi.” Đây cũng là một trong hai vấn đề quan yếu được nhóm Havard điểm đến khi đề xuất các biện pháp cải cách nhằm giảm phát và cải thiện hệ thống tài chính: “Phân tích của bài viết này đã chỉ ra rằng lạm phát ở Việt Nam là kết quả của những chính sách sai lầm của chính phủ, chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém trong quản lý - điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động đầu tư công kém hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cần phải tái lập sự kiểm soát về các chính sách kinh tế vĩ mô. Để hoạch định chính sách một cách thích hợp trong bối cảnh môi trường vĩ mô của Việt Nam đã trở nên hết sức phức tạp đòi hỏi phải có một đội ngũ các chuyên gia kỹ trị. Có vẻ như trong chính phủ hiện nay đang thiếu các chuyên gia như vậy một cách trầm trọng, hay giả sử có một nhóm chuyên gia như vậy thì tiếng nói của họ cũng không đến được tai công chúng cũng như những nơi cần đến.” [LC, Phần 5 VII.4]

    Trên một phương diện khác, sự thiếu phối hợp giữa các bộ và giữa các chính sách biểu lộ những mặt yếu của việc điều hành kinh tế vĩ mô. [Ari] nêu lên trường hợp khối lượng trái phiếu quốc gia phát hành bởi Bộ Tài chính lớn hơn đáng kể khi so với khối lượng trên thị trường mở của ngân hàng nhà nước [Ari, p. 17]. Jonathan ví von nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (chính sách tiền tệ) nhằm giảm khối lượng tiền tệ lưu hành như là động tác “đạp phanh”, thì đồng thời Chính phủ (chính sách tài khoá) lại “đạp ga” (chi tiêu nhiều hơn), khiến lạm phát càng gia tăng [UN].

  7. Biến động về giá cả đã gây xáo trộn không ít cho nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Jonathan nhấn mạnh “Việt Nam cần phải nhận thức rằng bên cạnh những vấn đề chung của toàn cầu, cũng tồn tại những vấn đề rất riêng của Việt Nam và cần được giải quyết tại Việt Nam.” [UN] Trong hai mặt hàng chịu nhiều biến động nhất là dầu và gạo, thì Việt Nam là nước sản xuất với sản lượng lớn. Đại sứ Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu (EC) tại Việt Nam, ông Sean Doyle, nhận xét: “Tôi cũng xin lưu ý, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực chủ chốt.” [13] Nhóm Merrill Lynch cũng đã nêu lên sự kiện Việt Nam là nước sản xuất dầu, vì thế, khi giá cả chịu chịu ảnh hưởng của giá dầu gia tăng, thì dồng thời Việt nam cũng được hưởng lợi nhờ vào giá dầu tăng mạnh. Và nhóm Havard cũng đã lưu ý rằng mức lạm phát của các quốc gia trong khu vực thấp xa khi so sánh với Việt Nam [LC, Phần 3 IV.4.1].
  8. Sau cùng, những nét tương phản về kinh tế vĩ mô của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, qua sự phân tích của nhóm Merrill Lynch (xem Phụ lục), có thể giúp làm rõ thêm một số vấn đề của Việt Nam hôm nay:

    • Trong khi cán cân vãng lai của Việt Nam đang bị thâm hụt lớn, thì tại phần lớn các nước đang phát triển châu Á, cán cân này đang thặng dư. Điều này sẽ giúp cho các nước trong vùng dễ dàng hơn trong việc nâng giá đồng nội tệ để chống lạm phát, giảm nhẹ bớt yêu cầu phải tăng cao lãi suất.

    • Vốn ngoại tệ ngoài FDI tại các nước này không lớn như tại Việt Nam (12,7 % GDP), do đó thuận lợi hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, và mức rủi ro của luồng vốn này chảy ra nước ngoài đột xuất cũng thấp hơn.

    • Những lợi thế quan trọng khác sẽ giúp cho các quốc gia trong khu vực dễ dàng hơn trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô: nguồn dự trữ ngoại hối cao hơn, nợ nước ngoài thấp hơn, và ngân sách quốc gia cân đối hơn.

*


Những nỗ lực của Việt Nam hiện đang tập trung trên hai vấn đề trọng điểm – giảm lạm phát và giảm thâm hụt thương mại – với các biện pháp tăng lãi suất, tiết giảm dòng chảy tín dụng, thắt chặt đầu tư công, nhà đất, và gần đây nhất là tăng tỷ giá hối đoái (giảm giá VND). Những biện pháp này có thể tạm thời hạ nhiệt cơn sốt lạm phát, nhưng để nền tài chính được thực sự khoẻ mạnh, đủ sức đương đầu với cạnh tranh và những biến chuyển của thời kỳ kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập, thì căn bệnh kinh tế Việt Nam ắt phải cần liều thuốc mạnh, trị tận gốc rễ những tồn đọng đã lâu năm, là những vấn đề mang tính cơ cấu, và những vấn đề vượt ra ngoài phạm vi chuyên môn.

Theo [Ari], những công cụ tài chính áp đặt định lượng và can thiệp trực tiếp vào thị trường tài chính, ngoại thương và hối đoái đã từng giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua những biến động và duy trì được mức phát triển khá cao trong những thập niên trước đây, thì nay không những chỉ có tác dụng giới hạn, mà còn kìm hãm tính năng động và cạnh tranh của nền kinh tế, và khiến hệ thống ngân hàng không phát triển được khả năng ứng phó với các rủi ro và biến động của thời kỳ toàn cầu hóa và khi thị trường tài chính đang trên tiến trình tự do hóa.

Đồng quan điểm với [Ari], Jonathan Pincus cho rằng Việt Nam “cần phải tái cơ cấu (hệ thống tài chính), vì nó đã được thành hình trong một hệ thống kinh tế khác... Mô hình kinh tế hiện đại hôm nay cần một ngân hàng trung ương hiện đại, có khả năng ứng phó kịp thời và hiệu quả với những biến động trên thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam.” Jonathan Pincus khuyến nghị: “Nên tăng tính đầu tư hơn tính chính trị đối với các dự án vĩ mô mà suất sinh lời hiện rất thấp”, vì rằng “có một nghịch lý tồn tại từ năm 2005 đến nay, là gần như Việt Nam cho vay chủ yếu theo diện chính sách chứ không cho vay vì lãi suất, vì thương mại.” [UN]

Qui mô của khu vực kinh tế nhà nước và hoạt động thiếu độc lập của các định chế tài chính không những đã làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, do tình trạng đầu tư công thiếu minh bạch, kém hiệu quả, và những khoản nợ xấu to lớn, mà còn khiến hệ thống tài chính trở nên xơ cứng và yếu kém; trong khi đó, năng lực cạnh tranh và khả năng điều hành kinh tế vĩ mô là những nhân tố thiết yếu cho sự phát triển bền vững, khi nền kinh tế ngày càng trở nên phức tạp trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập.

Song, cải cách đầu tư công và hệ thống tài chính nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả lại là một vấn đề hết sức nhậy cảm và cực kỳ khó khăn, vì rằng cả qui mô của đầu tư công lẫn tình trạng kém minh bạch và thiếu kiểm soát chặt chẽ chính là đầu mối của nguồn lợi lộc kếch xù mà các nhóm đặc quyền đặc lợi, rất có thế lực trong guồng máy nhà nước, đang thụ đắc. Các nỗ lực cải cách của WB và IMF, thông qua “Chương trình Hành động” nhằm tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp nhà nước từ năm 1995, theo [Ari], đã không mấy thành công [Ari, p. 10].

Và trong khi những thách thức của thời kỳ hội nhập ngày càng phức tạp và khó khăn, thì sự thành bại của công cuộc cải cách sẽ không chỉ là những thay đổi hạn hẹp ở lĩnh vực chuyên môn, mà chủ yếu là ở thực tâm và quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam, như nhóm Havard đã nhấn mạnh trong tài liệu Lựa chọn Thành công: “Rõ ràng là rào cản lớn nhất trên con đường phát triển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á không phải là những khó khăn mang tính kỹ thuật, mà là quyết tâm chính trị.” Đó là “quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đoạn tuyệt với sức trì kéo của nguyên trạng”, “quyết tâm chống lại những lực lượng phản đối cải cách”, “là ý chí thực hiện cho bằng được những quyết sách tuy khó khăn về mặt chính trị, nhưng có lợi cho quốc kế dân sinh – chất xúc tác cần thiết cho cải cách ở Việt Nam.” [LC, Phần 5 VI ]

Tháng 6/2008

© 2008 talawas



[1]Andrew Symon, “Inflation tests Vietnam’s growth”, Asia Times.
[2] Kiều Oanh, “Fitch Ratings hạ triển vọng định mức tín nhiệm của Việt Nam” và Mai Phương, “S&P hạ triển vọng định mức tín nhiệm của Việt Nam”, Thời báo Kinh tế Việt Nam.
[3] Ari Kokko, Kerstin Mitlid and Arvid Wallgren, “Internationalization and macroeconomic management in Vietnam: Some lessons from Swedish experiences”, S-WoPEc (Scandinavian Working Paper in Economics); ký hiệu nguồn: [Ari].
[4] Nguồn trích dẫn được tham chiếu từ tài liệu Lựa chọn Thành công – Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai Việt Nam, Nhóm chuyên gia Đại học Harvard, www.diendan.org; ký hiệu nguồn: [LC].
[5] Xuân Thái, “Khuyến nghị chống lạm phát của UNDP”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, và “UNDP economist urges Vietnam to reduce inflation to single digit”, English.VietNamNet.vn; ký hiệu nguồn: [UN].
[6] Nguồn trích dẫn được tham chiếu từ tài liệu “Chúng tôi đủ khả năng giữ ổn định VND” của Nguyễn Hoài, Thời báo Kinh tế Việt Nam (ghi lại cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn JP Morgan Chase, ông David Fernandez, ngày 5/6/2008; một số ý kiến của Thủ tướng Dũng trong cuộc trao đổi này đã được phản ánh trong bản Báo cáo của Chính phủ VN tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII); ký hiệu nguồn: [Báo cáo].
[7] Nguồn trích dẫn được tham chiếu từ tài liệu “Vietnam: anatomy of an inflation shock”, đăng trong tuần san The Asian Macro Weekly do Merrill Lynch & Co. bảo trợ; ký hiệu nguồn [Merrill].
[8]Gần 8 tỷ USD vốn ngoại rót vào bất động sản”, FastMoney.vn
[9] Ngọc Minh, “Thâm hụt thương mại không thể coi thường!”, ThanhNien.com.vn
[10] Mạnh Chung, Hương Loan, “EU vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam”, Thời báo Kinh tế Việt Nam.
[11]Những con hổ bặt tiếng gầm”, The Economist, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Gia Thưởng đăng trên ThongLuan.org
[12] Ngọc Minh, “Thâm hụt thương mại không thể coi thường!”, ThanhNien.com.vn
[13] Mạnh Chung, Hương Loan, “EU vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam”, Thời báo Kinh tế Việt Nam.