trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
22.5.2008
AFP
Ðạt Lai Lạt Ma nói với dân Tây Tạng: Hãy tôn trọng ngọn đuốc Olympic
Hoài Phi dịch
 
Photo: AFP
Thứ Tư, ngày 21 tháng 5 - Ðạt Lai Lạt Ma kêu gọi người dân Tây Tạng không làm gián đoạn cuộc rước đuốc Olympic khi ngọn đuốc qua Tây Tạng trên đường về Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo tinh thần đang sống lưu vong của Tây Tạng này thậm chí còn nói ông sẽ tới dự Thế vận hội ở thủ đô Trung Quốc vào tháng Tám nếu như các cuộc thương thảo về quyền tự trị lớn hơn cho người Tây Tạng giữa các đại diện của ông và chính quyền Bắc Kinh diễn ra tốt đẹp.

Ðạt Lai Lạt Ma tới Anh vào ngày thứ Ba, 20 tháng 5, và sẽ ở đây đến ngày 30 tháng 5, trong chuyến thăm năm nước để bàn về các vấn đề nhân quyền và hoà bình, cũng như sẽ gặp với các nhà lập pháp, bao gồm cả Thủ tướng Gordon Brown. Ðuốc Olympic dự định được rước qua Tây Tạng vào ngày 19 tháng Sáu, tới Shanna Diqu (Sơn Nam Ðịa khu) trước khi ghé thủ phủ Lhasa (Lạp Tát) vào ngày 20-21 tháng Sáu.

“Ngay từ đầu tôi đã nói rõ là chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Thế vận hội và ngọn đuốc Olympic,” Ðạt Lai Lạt Ma nói với các phóng viên.

“Tôi kêu gọi (mọi người), đặc biệt là ở Tây Tạng, không làm gián đoạn cuộc rước đuốc Olympic khi đuốc ghé qua đây. Chúng ta phải tôn trọng, chúng ta phải bảo vệ ngọn đuốc.”

Khi được hỏi về khả năng tham dự Thế vận hội, ông cho biết: “Ðiều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc thương thảo. Nếu (thoả thuận được) tình hình ở Tây Tạng và một giải pháp lâu dài, tôi sẽ rất vui lòng tham dự Thế vận hội - nếu được mời.”

Ông Gordon Brown ở vào thế đi dây trong thời gian Ðạt Lai Lạt Ma viếng thăm nước Anh vì phải cân bằng giữa việc ủng hộ các quyền của Tây Tạng và đồng thời không làm mất lòng Trung Quốc.

Vị Thủ tướng này đã bị chỉ trích là “khấu đầu” trước Bắc Kinh vì sẽ gặp Ðạt Lai Lạt Ma vào ngày thứ Sáu tại Cung điện Lambeth, nơi ở của Tổng Giám mục địa phận Canterbury, thay vì tại Phủ Thủ tướng ở phố Downing.

Nhưng Ðạt Lai Lạt Ma phủ nhận những tuyên bố cho rằng Anh và các nước phương Tây “khiếp hãi” trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

“Chuyến viếng thăm của tôi không nhằm mục đích chính trị. Giới truyền thông đã chính trị hoá chuyến đi này,” ông nói.

Ðạt Lai Lạt Ma cho biết sẽ cảm ơn Brown vì “sự quan tâm chân thành” mà vị Thủ tướng này đã dành cho Tây Tạng, và ông cũng nói thêm, cô lập hoá Trung Quốc là sai; thay vì vậy, Anh nên phê bình Bắc Kinh “như (phê bình) một người bạn.”

“Tôi luôn chống lại việc cô lập Trung Quốc. Ðiều đó chẳng hay gì. Trung Quốc là một dân tộc quan trọng mà chúng ta phải tôn trọng”, ông nói. “Như người Tây Tạng nói, nếu anh là một người bạn thực sự, một người bạn thân, thì điều quan trọng là anh phải chỉ rõ cho bạn những cái sai bằng một thái độ thân thiện.” Ðạt Lai Lạt Ma cũng ca ngợi những hành động đối phó với hậu quả động đất ở Tứ Xuyên của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Quyết định không mời Ðạt Lai Lạt Ma đến Phủ thủ tướng ở phố Downing của Brown bị giới báo chí chỉ trích.

Một bài xã luận trên tờ Times viết: “Ðây là một quyết định đáng hổ thẹn… Bằng cách cố gắng được cả hai, ông Brown đã khiến mình trở thành lố bịch. … một cố gắng hèn nhát nhằm không làm mất lòng bên nào.”

Tờ Daily Telegraph viết, “Những lối tránh né ngoại giao kiểu này cho thấy một mối quan hệ khúm núm không lành mạnh với Bắc Kinh.”

Văn phòng của Thủ tướng Brown biện hộ cho quyết định này.

“Thủ tướng tiếp Ðạt Lai Lạt Ma với vị thế là tiếp một lãnh đạo tinh thần”, phát ngôn viên Phủ Thủ tướng tuyên bố với báo chí. “Ðiều quan trọng ở đây là nội dung của cuộc gặp gỡ, và thực tế là cuộc gặp mặt này sẽ diễn ra (thay vì từ chối gặp – ND).”

Thái tử Charles, người sẽ kế vị ngai vàng, sẽ có cuộc gặp riêng với Ðạt Lai Lạt Ma vào ngày thứ Năm tại Clarence House, nơi cư ngụ chính thức của Thái tử. Ở đây, nhà sư Phật giáo sẽ trồng cây để kỷ niệm chuyến thăm viếng của mình. Hai người sẽ “trao đổi mối quan tâm của họ về các vấn đề tâm linh,” một phát ngôn viên của dinh Clarence nói. Ông từ chối cho biết nội dung những đề tài có thể được thảo luận.

Quan hệ giữa Thái tử Charles và Trung Quốc không phải lúc nào cũng êm đẹp. Trong một bản giác thư bị tiết lộ do Charles viết vào năm 1997 khi ông tham dự lễ trao trả Hồng Kông cho Ðại Lục, vị Thái tử này mô tả các nhà lãnh đạo Trung Quốc là “các hình nhân bằng sáp già nua ghê sợ”.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas