trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
15.4.2008
Jamyang Norbu
"Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu"
Phỏng vấn của báo Neue Zürcher Zeitung (NZZ) với nhà văn Tây Tạng lưu vong về cuộc đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hóa của người Tây Tạng. Người thực hiện: Alice Grünfelder
Trương Hồng Quang dịch
 
Jamyang Norbu, sinh năm 1949, nhà văn và nhà hoạt động chính trị Tây Tạng lưu vong, hiện sống ở Hoa Kỳ. Norbu từng lãnh đạo Viện Nghệ thuật Trình diễn tại Dharamsala, Ấn Độ, trước khi ông sáng lập cũng tại đó Viện Amnye-Machen chủ yếu có chức năng nghiên cứu về các khía cạnh thế tục của xã hội Tây Tạng. Jamyang Norbu được coi là một nhà trí thức lưu vong dấn thân, các tác phẩm tiểu luận của ông phân tích lịch sử và văn hóa Tây Tạng với tinh thần phê phán. Norbu viết nhiều sách và kịch bằng tiếng Anh và tiếng Tây Tạng, trong đó có Warriors of Tibet nói về cuộc chạy trốn của người Tây Tạng và cuộc chiến đấu của du kích Tây Tạng. Tác phẩm The Mandala of Sherlock Holmes của ông dùng hình thức tiểu thuyết trinh thám tái hiện lại lịch sử Tây Tạng từ cuối thế kỷ 19 trong hoàn cảnh quốc gia này bị xô đẩy giữa ảnh hưởng của Đế chế Anh và nước Nga Sa hoàng và rốt cuộc bị rơi vào vòng kiểm soát của triều đình Trung Hoa Mãn Thanh.

NZZ: Những hình ảnh về các vị sư Tây Tạng ném đá đang được phát tán khắp thế giới và khiến cho công luận khiếp sợ. Bản thân ông vào đầu những năm bảy mươi là thành viên của một tổ chức du kích Tây Tạng chống lại sự chiếm đóng của Trung Quốc. Liệu người ta có thể đạt được một điều gì bằng bạo lực hay không?

Jamyang Norbu: Trước hết tôi muốn đề nghị có một cách hiểu thỏa đáng hơn về khái niệm bạo lực. Bạo lực đang trị vì, chẳng hạn, ở vùng Trung Đông, tuy nhiên người ta không thể so sánh nó với các quá trình đang diễn ra ở Tây Tạng. Người ta cũng không thể lý giải các cuộc nổi dậy hiện tại từ cái nhìn nhất thời, mà chỉ có thể hiểu chúng trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Công luận thế giới không hề biết gì về các cuộc nổi dậy vào những năm năm mươi, trước hết là vào năm 1956 ở vùng Đông Tây Tạng, nơi đã có hàng ngàn nguời Tây Tạng tử vong – đây là điều hoàn toàn ngược lại so với cuộc cách mạng diễn ra cùng năm ở Hungari. Mãi tới 1959, khi Đạt Lai Lạt Ma bỏ trốn sau các cuộc nổi dậy ở Lhasa với sự tham gia của người dân thành thị, các cựu quân nhân và cựu công chức Tây Tạng thì Tây Tạng mới lọt vào sự chú ý của quốc tế.

Tất cả những gì làm nên diện mạo của người Tây Tạng lưu vong đều có nguồn gốc từ cuộc nổi dậy này. Kể cả Đạt Lai Lạt Ma cũng nên ý thức rằng sở dĩ ông có thể bỏ trốn được là bởi vì có những người Tây Tạng đã cầm súng để giúp ông bỏ trốn. Suy đến cùng, sở dĩ ông có được tự do và vị thế của mình là nhờ có những người Tây Tạng sẵn sàng sử dụng bạo lực, họ đã không chỉ cứu sống sinh mạng của ông, mà còn giúp ông tránh được sự ô nhục về sau này. Thực ra Đạt Lai Lạt Ma đã bị những người Tây Tạng cưỡng chế, bắt cóc và đem ra nước ngoài. Giá như ông ở lại thì ắt ông sẽ phải chịu cùng số phận như Ban Thiền Lạt Ma – có nghĩa là ông sẽ trở thành một con rối trong tay của chính phủ Trung Quốc.

NZZ: Nếu vậy thì phải hiểu như thế nào về cái gọi là bất bạo động?

Jamyang Norbu: Để giành được độc lập phải chọn phương thức bất bạo động. Con đường “trung dung" như Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ lưu vong ở Dharamsala tuyên truyền là một đề nghị đối với chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên Trung Quốc chưa bao giờ thật sự coi trọng đề nghị này và cứ khất lần người Tây Tạng cho đến tận ngày hôm nay. Chớ có biểu tình, chớ có manh động khiến cho chính phủ Trung Quốc có thể tức giận và làm phương hại đến đối thoại – đấy là những gì mà người ta đòi hỏi người Tây Tạng chúng tôi trong những năm gần đây. Trong thời gian qua, những hành động bị bỏ lỡ như vậy bị đánh đồng với chính sách bất bạo động. Chiến lược được theo đuổi cho đến nay của Đạt Lai Lạt Ma và của Văn phòng Tây Tạng đã thất bại. Giờ đây người Tây Tạng phải trở nên to tiếng hơn, phải xuất hiện một cách quyết liệt hơn và không thể chỉ tiếp tục đóng vai trò nạn nhân. Các hình thức bất bạo động chưa hề được khai thác hết, cuộc chơi mới chỉ bắt đầu.

NZZ: Ông có thể giải thích được về việc tại sao lần này cuộc nổi dậy không chỉ giới hạn ở Lhasa mà còn lan sang cả các thành phố nằm ngoài khu tự trị Tây Tạng?

Jamyang Norbu: Vâng, rốt cuộc thì đây là một cuộc cách mạng điện thoại di động! Thậm chí các vị sư ở Lhasa đã chụp ảnh bằng máy điện thoại di động của họ và truyền ảnh không chỉ đến các tu viện đồng minh ở Ấn Độ, mà còn tới cả các khu vực Tây Tạng Amdo và Kham ngày nay là một phần của các tỉnh Trung Quốc lân cận Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam và Tứ Xuyên. Còn hơn cả Internet, những bức ảnh này đã góp phần làm cho cuộc nổi dậy trở thành một đám cháy lan rộng. Người dân ở Tây Tạng đã tìm được cách diễn đạt và thông tin cho nhau bằng công nghệ hiện đại.

NZZ: Có thể hiểu như thế nào về tội ác diệt chủng văn hóa mà Đạt Lai Lạt Ma đã tố cáo? Dù sao đi nữa thì trong hai thập kỷ cuối có nhiều tu viện đã được xây dựng lại. Du khách phương Tây cũng như du khách Trung Quốc trước sau vẫn bị mê hoặc bởi nên văn hóa cổ của Tây Tạng.

Jamyang Norbu: Tôi không dùng khái niệm diệt chủng văn hóa, đối với tôi những gì đang diễn ra ở Tây Tạng là một sự diệt tộc, có nghĩa là một cuộc thử nghiệm nhằm xóa bỏ một cách triệt để bản sắc Tây Tạng. Người ta không thật sự giết người Tây Tạng, nhưng người ta làm tất cả để không còn sót lại một dấu vết nào của Tây Tạng nữa. Tây Tạng chỉ được phép tồn tại như một thứ Disneyland, người Tây Tạng có thể được phép xuất hiện ở đó, nhưng bị biến thành các công dân hạng hai. Cho dù vậy người Tây Tạng vẫn tin vào lịch sử, vào dân tộc của họ, họ vẫn giữ niềm tin vào Phật giáo. Có thể là về lâu dài người Trung Quốc sẽ xóa sổ được nền văn hóa Tây Tạng, mà quả là họ đang tìm cách lấy đi bản sắc Tây Tạng của chúng tôi, tuy nhiên các cuộc nổi dậy như vậy cho thấy họ sẽ không dễ gì thành công.

NZZ: Trước kia trí thức Tây Tạng giữ vị trí nào, và ngày nay họ có thể đóng vai trò nào?

Jamyang Norbu: Tây Tạng xưa kia quả không phải là một xã hội hiện đại, tuy nhiên do hoạt động đào tạo ở các tu viện mà tỉ lệ người biết chữ trước đây đã khá cao nếu so sánh với các quốc gia láng giềng. Vai trò của trí thức Tây Tạng trong quá khứ do vậy cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh tôn giáo. Rốt cuộc thì vào thời Trung cổ ở châu Âu các triết gia và các nhà khoa học cũng đã được đào tạo trong các tu viện. Cho đến tận ngày nay người ta vẫn không hết ngạc nhiên về sự đa dạng trong các tiểu sử người Tây Tạng lưu vong, cho dù đấy là hồi ký của những người phụ nữ quý tộc hay các cựu du kích quân, của các công chức nhỏ hay các tù nhân trước đây.

Cả bản thân thân tôi với các tác phẩm tiểu luận của mình cũng tự coi thuộc một phần vào truyền thống này, bởi lẽ các nhà sư vẫn hằng viết các bản văn, các lời bình và tường giải, có nghĩa là tiền thân của thể loại tiểu luận. Viết và xuất bản không phải là một cái gì đó thật sự mới mẻ đối với nền văn hóa Tây Tạng, mà là một phần cố hữu của nó. Tuy nhiên chúng tôi đang cần có các tác giả trẻ đối mặt với hiện thực một cách sắc sảo và thành thực, thành thực đến mức có thể và cần thiết phải gây ra sự đau đớn. Và họ cũng phải biết sử dụng Internet một cách tích cực.

NZZ: Cuộc tranh chấp giữa David và Goliath sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào?

Jamyang Norbu: Tôi rất kính trọng nền văn minh Trung Quốc, đặc biệt là văn học Trung Quốc. Một trong những mẫu mực văn chương của tôi là nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn. Tuy nhiên nhân dân Trung Quốc đang bị đàn áp từ nhiều thập kỷ nay, người ta đã xóa bỏ một cách triệt để tình cảm trắc ẩn trong họ, cái còn lại thế chỗ là lòng hận thù và ganh tị. Không phụ thuộc vào những diễn biến ở Tây Tạng chúng ta vẫn cần phải tìm hiểu về Trung Quốc, bởi Trung Quốc đóng một vai trò trọng đại đối với hòa bình thế giới. Thứ chủ nghĩa duy lợi đang được quảng bá hiện thời ở Trung Quốc về lâu dài sẽ tạo ra những tác động hủy hoại. Và rốt cuộc thì phương Tây cũng đang lợi dụng Trung Quốc vì các quyền lợi của mình, điều này cần phải được chấm dứt.

Câu hỏi cần đặt ra là nhân dân Trung Quốc thật sự muốn gì. Đâu phải mọi người dân Trung Hoa đều có thể trở thành những nhà đa triệu phú, mà ngay cả mức thu nhập cao nhất cũng không thể đền bù cho việc khí thở đang bị ô nhiễm và nước uống đang bị đầu độc. Mọi cái đang cần phải được làm cân bằng trở lại. Thế nhưng làm sao một bộ máy chính phủ khổng lồ như vậy có thể khắc phục được tình trạng đó? Ở những đơn vị nhỏ hơn người ta có thể điều tiết nhiều việc có kết quả hơn, các chính quyền tỉnh cần phải được củng cố, và Trung Quốc có thể hòa nhập tất cả những đơn vị này trong lòng nó với tư cách một tổng thể văn hóa. Nếu vậy Trung Quốc sẽ có khả năng khôi phục lại những giá trị văn hóa thật sự của mình và không còn tiếp tục bị giới hạn vào vai trò của một cường quốc kinh tế mà nó đang thực hiện trên vũ đài thế giới hiện tại.

Bản tiếng Việt © 2008 talawas
Nguồn: Neue Zürcher Zeitung, 28 tháng Ba 2008