trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
15.9.2007
Richard Pipes
Chủ nghĩa cộng sản
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6 
 
VI. Tổng kết

Chủ nghĩa Marx là một giấc mộng hão huyền vĩ đại nhất thế kỉ (XX). [1]

Đã đến lúc trả lời cho câu hỏi được nêu ra ngay trong lời nói đầu: đâu là nguyên nhân thất bại của chủ nghĩa cộng sản – thực thi sai hay nó có những khiếm khuyết thuộc về bản chất? Các bằng chứng của lịch sử nghiêng hẳn về vế thứ hai. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một hệ tư tưởng tốt, bị người ta đối xử không đúng, mà là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu.

Từ năm 1917, nghĩa là từ sau khi những người Bolshevik cướp được chính quyền ở nước Nga, mưu toan xây dựng xã hội theo các nguyên tắc cộng sản đã được lặp đi lặp lại hàng chục lần trên khắp thế giới. Moskva hào phóng giúp đỡ cả về tiền bạc lẫn vũ khí và những lời góp ý mang tính định hướng nữa. Nhưng rồi tất cả đều thất bại. Cuối cùng chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ngay tại nước Nga và hôm nay nó chỉ còn tồn tại trong mấy nước: Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba, nhưng ở đây nó cũng đang trong quá trình phân rã, để giữ chính quyền, cộng sản đã phải nhượng bộ rất nhiều. Kết quả của cuộc thí nghiệm đáng buồn đó cho phép ta giả định rằng các tiền đề hay cương lĩnh cộng sản hoặc cả hai đều có những khiếm khuyết không thể khắc phục được.

Trước hết hãy xem xét sự tan rã của Liên Xô, nhà nước cộng sản đầu tiên và cũng là động cơ chủ yếu của toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế. Các nghiên cứu được công bố sau năm 1991 đã đưa ra hàng loạt nguyên nhân: kinh tế trì trệ, công dân Liên Xô có điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin nước ngoài, thất bại ở Afghanistan, không đủ sức theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang v.v… Chính quyền bất lực trước phong trào bất đồng chính kiến ở trong nước và sau đó phong trào Đoàn kết ở Ba Lan đã làm cho tinh thần ban lãnh đạo Liên Xô suy sụp. Lời thách thức chủ nghĩa cộng sản do Tổng thống Reagan đưa ra đã làm cho ban lãnh đạo Liên Xô, những người vẫn tin rằng sau thất bại ở Việt Nam người Mĩ sẽ không còn hứng thú với chiến tranh lạnh nữa và sẽ lui về chủ nghĩa biệt lập, càng thêm lúng túng. Không nghi ngờ gì rằng tất cả các sự kiện đó đều có vai trò nhất định. Nhưng chúng không thể làm sụp đổ được một đế chế đầy tiềm lực, nếu như đấy là một cơ thể khoẻ mạnh. Chúng chỉ phát huy tác dụng với một cơ thể ốm yếu mà thôi. Chủ nghĩa Marx, cơ sở lí luận của chủ nghĩa cộng sản đã mang sẵn trong mình hạt giống của sự tự huỷ, tương tự như các hạt giống mà Marx và Engels đã nhận thấy, một cách sai lầm, trong chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Marx hình thành trên một triết lí sai lầm về lịch sử và một học thuyết tâm lí phi thực tế.

Luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx về sở hữu tư nhân là hoàn toàn sai. Luận điểm này cho rằng sở hữu tư nhân, mà nó cố gắng tiêu diệt, là một hiện tượng lịch sử nhất thời, chỉ tồn tại trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ và giai đoạn sau chót của nó mà thôi. Các chứng cớ hiện có đều chứng tỏ rằng đất đai, nguồn gốc chủ yếu của tài sản vào thời tiền sử, nếu không nằm trong tay nhà vua thì cũng nằm trong tay các bộ lạc, gia đình hay cá nhân riêng lẻ. Gia súc cũng như thương mại và vốn liếng luôn luôn và khắp nơi đều nằm trong tay tư nhân. Từ đó có thể rút ra kết luận rằng sở hữu tư nhân không phải là một hiện tượng nhất thời mà là một thành tố thường trực của xã hội và vì thế mà không thể bãi bỏ được.

Quan điểm của chủ nghĩa Marx về khả năng cải tạo ngay cái bản chất của con người cũng có khiếm khuyết không kém. Quan niệm này cho rằng bằng cưỡng ép và giáo dục có thể tạo ra những con người hoàn toàn không còn ước mơ sáng tạo, những con người sẵn sàng tan biến vào xã hội, cái xã hội mà Platon mong muốn: “riêng tư và tư hữu bị loại bỏ khỏi đời sống”. Giả sử như các chế độ cộng sản, bằng những cố gắng vô bờ bến, có đạt được điều đó thì họ cũng không thể nào giữ được thành quả. Các chuyên gia huấn luyện thú đều biết rằng sau một thời gian luyện tập các con thú có thể làm được một số trò, nhưng nếu để cho tự do thì chúng sẽ quay về với những hành vi tự nhiên. Hơn thế nữa, các đức tính tốt do học hỏi mà có không có tính di truyền, thế hệ kế tiếp sẽ bước vào thế giới với những ước mơ không phải là cộng sản và trong số đó có ước mơ sáng tạo, một mơ ước không phải là không có ý nghĩa. Cuối cùng chủ nghĩa cộng sản đã thất bại vì nó không thể làm thay đổi được bản chất của con người. Mussolini đã rút ra kết luận như thế vào năm 1920, lúc đó ông ta đã ra nhập đảng phát xít nhưng vẫn còn cảm tình với cộng sản:

Lenin là một điêu khắc gia, ông ta làm việc với con người trong khi các điêu khắc gia khác làm việc với đá hay kim loại. Nhưng con người lại cứng hơn đá hoa cương và không thể đúc được như kim loại. Chẳng có tuyệt tác nào cả. Điêu khắc gia đã thất bại. Nhiệm vụ vượt quá năng lực của ông ta [2] ”.

Tính chất của thế giới hiện thực đã buộc các chế độ cộng sản phải coi bạo lực là biện pháp quản lí thường trực. Muốn bắt người ta từ bỏ cái người ta được sở hữu và hi sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của nhà nước thì phải trao cho các cơ quan quản lí quyền lực tuyệt đối. Chính Lenin đã hiểu như thế khi nói rằng “chuyên chính vô sản” là “một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào”.

Kinh nghiệm cho thấy rằng chế độ như thế có thể tồn tại được: chế độ này đã được gán cho nước Nga và những nước nằm dưới quyền kiểm soát của nó như Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Campuchia và một loạt nước khác ở châu Phi và châu Mĩ Latinh. Nhưng cái giá phải trả là sự đau khổ không thể nào đo đếm được; những nỗi khổ đau mà nhân dân phải chịu đựng đã làm tiêu ma mục đích chính của các chế độ này, mà cụ thể là sự bình đẳng.

Khi đứng ra biện hộ cho chế độ dựa trên bạo lực, Lenin tin rằng đấy chỉ là tạm thời và sau khi đã hoàn thành niệm vụ, nhà nước chuyên chính sẽ cáo chung. Nhưng ông ta đã quên mất rằng cái khái niệm trừu tượng gọi là “nhà nước” lại bao gồm những con người mà dù vai trò lịch sử của họ có là gì đi nữa thì họ vẫn có những quyền lợi cá nhân. Mặc dù xã hội học Mác-xít cho rằng nhà nước chỉ phục vụ giai cấp hữu sản, bản thân nó không có quyền lợi gì, nhưng trên thực tế chẳng bao lâu sau các viên chức của nó đã tự tạo ra một giai cấp mới. “Đảng tiên phong”, tổ chức có sứ mệnh mở đường tiến vào thời đại mới, trở thành giá trị tự thân và mục đích tự thân.

Nhà nước, đúng hơn phải nói đảng cộng sản, không còn cách nào khác hơn là phải nuông chiều giai cấp mới này vì nó chính là lực lượng bảo vệ quyền lực cho đảng. Dưới chế độ cộng sản tầng lớp quan liêu phát triển với tốc độ chóng mặt vì một lí do đơn giản là tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó có kinh tế, đều do nhà nước quản lí, để làm được điều đó thì phải có một đội ngũ quan chức đông đảo. Tầng lớp quan liêu này thường xuyên trở thành lũ dê tế thần trong tất cả các chế độ cộng sản, nhưng không chế độ nào có thể thoát được họ. Ở Liên Xô, chỉ một thời gian ngắn sau khi cướp được chính quyền, chế độ đã cung cấp cho các cán bộ chủ lực của mình những khoản ưu đãi vô tiền khoáng hậu, chính từ tầng lớp này đã hình thành cái gọi là Nomenclatura, tức là giai tầng đặc quyền đặc lợi thế tập. Lí tưởng bình đẳng đã chấm dứt như thế đấy. Như vậy nghĩa là muốn mọi người đều được bình đẳng về sở hữu thì phải tạo ra bất bình đẳng về quyền lợi. Mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện đã ăn sâu bén rễ trong lòng chủ nghĩa cộng sản và đời sống của tất cả các quốc gia, nơi mà nhà nước nắm trọn tất cả các phương tiện sản xuất.

Phải công nhận rằng thỉnh thoảng người ta lại tìm cách giải thoát nhà nước và xã hội khỏi gông cùm của bộ máy quan liêu cộng sản. Lenin và Stalin đã tiến hành các vụ thanh trừng, dưới thời Stalin các chiến dịch như thế thường trở thành những vụ giết người hàng loạt. Mao tiến hành “cách mạng văn hoá” nhằm đập tan ảnh hưởng của các nhân vật quan liêu trong đảng. Nhưng tất cả đều thất bại. Cuối cùng bao giờ tầng lớp Nomenclatura cũng vẫn chiếm được thế thượng phong vì thiếu chúng thì chẳng thể làm được gì.

Các cuộc thử nghiệm làm cộng sản bằng con đường dân chủ cũng đều thất bại. Như kinh nghiệm của Chile dưới thời Allende cho thấy, nếu còn tự do ngôn luận, nếu còn toà án và cơ quan lập pháp dân cử độc lập thì mọi sự xâm phạm quyền tư hữu đều không thể tạo ra được kết quả mong muốn vì lực lượng đối lập, vốn bị đàn áp khốc liệt dưới chính thể “chuyên chính vô sản”, sẽ có khả năng tổ chức kháng cự. Hàng ngũ đối lập sẽ gia tăng và dễ dàng lật đổ chính phủ cách mạng. Năm 1990 ở Nicaragua, lực lượng cộng sản-sandinist đang nắm quyền tin rằng sẽ được đa số dân chúng ủng hộ nên đã tổ chức bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu; nhân dân đã loại bỏ họ.

Xu hướng quan liêu hoá, vốn là bản chất của các chế độ cộng sản, cũng là nguyên nhân dẫn tới các thất bại trong lĩnh vực kinh tế, giúp cho chế độ mau sụp đổ hoặc buộc họ chỉ giữ được cái vỏ cộng sản nhưng phải chia tay với tất cả những gì mà cái vỏ đó che đậy. Quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất chỉ dẫn đến kết quả là đã chuyển quyền quản lí tất cả các phương tiện đó vào tay các quan chức, những người không có kiến thức quản lí và cũng chẳng có nhu cầu quản lí cho có hiệu quả. Hậu quả tất yếu sẽ là: năng suất lao động giảm. Ngoài ra, sự thiếu năng động, vốn là bản chất của bộ máy quản lí tập trung, đã không cho phép nền kinh tế cộng sản phản ứng một cách nhạy bén với các tiến bộ kĩ thuật; đấy là lí do vì sao Liên Xô đã bỏ qua một loạt các phát minh công nghệ quan trọng nhất, mặc dù nước này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học. Như F. Haeyk đã chỉ rõ, chỉ có thị trường mới có khả năng nắm bắt và phản ứng tức thời trước các thay đổi trong lĩnh vực kinh tế. Và chỉ hi vọng trở thành người giàu có mới có thể buộc người ta gắng sức, tức là buộc người ta cố gắng làm nhiều hơn các nhu cầu đơn giản nhất của mình. Dưới chế độ cộng sản các tác nhân như thế đơn giản là không tồn tại, người càng tích cực thì càng khổ vì nếu nhiệm vụ năm nay hoàn thành thì năm sau sẽ được giao nhiều hơn.

Chính sách kinh tế của cộng sản gây ra những tổn thất nặng nề nhất cho lĩnh vực nông nghiệp vốn là thành phần kinh tế chủ yếu của các nước nằm dưới quyền cai trị của cộng sản. Việc tịch thu ruộng đất của tư nhân và sau đó là quá trình hợp tác hoá đã phá vỡ trật tự truyền thống và lối sống ở làng quê, dẫn đến những vụ chết đói hàng loạt với số lượng nạn nhân nhiều chưa từng có. Chuyện đó đã xảy ra ở Liên Xô, ở Trung Quốc, ở Ethiopia, ở Campuchia; mỗi nước đều có hàng triệu người chết vì nạn đói do chính con người gây ra. Ở nước Bắc Triều Tiên cộng sàn, trong những năm 1990 phần lớn trẻ em bị mắc các căn bệnh do đói ăn mà ra; theo các số liệu hiện có, trong nửa sau của thập kỉ 1990 gần hai triệu người Bắc Hàn đã bị chết vì đói. Tại nước này tỉ lệ tử vong ở trẻ em sơ sinh là 88 trên 1000, trong khi ở Hàn Quốc là 8 trên 1000; tuổi thọ của đàn ông Bắc Hàn là 48,9 trong khi ở Nam Hàn là 70,4. Thu nhập tính trên đầu người Bắc Hàn là 900 dollar, trong khi ở Nam Hàn là 13.700 dollar.

Việc chính quyền cộng sản không thể tạo được sự sung túc và bình đẳng, nghĩa là không đạt được những mục tiêu mà nó công bố, không phải là mâu thuẫn duy nhất vốn có của chủ nghĩa cộng sản. Mâu thuẫn tiếp theo phải kể là sự thiếu vắng tự do, tự do cùng với sự dư thừa về mặt vật chất và lẽ công bằng, theo Marx, là những mục đích cuối cùng của xã hội cộng sản. Quốc hữu hoá tất cả các phương tiện sản xuất đã biến các công dân thành người lao động làm thuê cho nhà nước, nói cách khác, đã biến họ thành những người ăn bám vào nhà nước. Trotsky viết trong tác phẩm Một cuộc cách mạng bị phản bội như sau: “Trong một đất nước mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất, biện pháp này có nghĩa là sẽ chết đói một cách từ từ. Nguyên tắc cũ: không làm thì không ăn đã bị thay bằng nguyên tắc mới: không tuân phục thì không ăn”.

Việc nhà nước công nhận quyền của công dân đối với tài sản mà họ sở hữu - và sự tôn trọng đối với quyền đó được thể hiện một cách rõ ràng - tạo ra giới hạn đối với quyền lực của nhà nước và là bảo đảm của tự do. Vì sở hữu tư nhân là một tiêu chuẩn pháp lí được toà án bảo vệ, điều đó cũng có nghĩa là sự công nhận tinh thần thượng tôn pháp luật của nhà nước. Từ đó thấy rằng mục đích của cộng sản là bãi bỏ tư hữu nhất định sẽ dẫn tới việc tiêu diệt tự do và tinh thần pháp trị. Việc quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất không giải phóng con người khỏi tình trạng lệ thuộc vào vật chất, như Marx và Engels hi vọng, mà còn biến họ thành nô lệ của nhà cầm quyền và vì luôn luôn ở trong tình trạng thiếu thốn nên con người càng lệ thuộc vào quyền lợi vật chất hơn bao giờ hết.

Xin chấm dứt việc khảo sát chủ nghĩa trong biên giới của từng quốc gia ở đây. Trên bình diện quốc tế chủ nghĩa cộng sản đã có những thành quả khá hơn chút đỉnh. Coi chủ nghĩa tư bản là hiện tượng toàn cầu, những người Mác-xít coi việc thanh toán nó cũng là công việc của toàn thế giới: khẩu hiệu “Vô sản các nước liên hiệp lại!”, được tung ra trong tác phẩm Tuyên ngôn của đảng cộng sản vào năm 1840 được cả những người xã hội lẫn những người cộng sản vồ vập, là phương châm đoàn kết của những người lao động trên toàn thế giới.

Nhưng sự thống nhất của giai cấp vô sản hoá ra chỉ là một điều hoang tưởng. Dù tình hữu ái giai cấp có cao đến đâu thì tình yêu quê hương và giống nòi vẫn luôn luôn giữ thế thượng phong. Hễ bị nước ngoài đe doạ là tất cả giai cấp lập tức đoàn kết lại. Những người xã hội đã học được bài học này vào năm 1914. Lúc đó, trái với mọi lời thề nguyện, tất cả các đảng thuộc Quốc tế II, gần như không có ngoại lệ, đểu ủng hộ chính phủ “tư sản” nước mình và thông qua ngân sách chiến tranh. Lenin học được bài học này vào năm 1920, lúc đó công nông Ba Lan đã đoàn kết đứng lên bảo vệ đất nước chống lại Hồng quân xâm nhập vào Ba Lan với mục đích “giải phóng” người lao động khỏi sự “bóc lột”. Những chuyện như thế còn xảy ra nhiều lần nữa.

Có điều là những chuyện như thế không chỉ xảy ra trong các xã hội gọi là còn giai cấp. Ngay trong các nước do cộng sản cầm quyền, tức các xã hội được coi là phi giai cấp thì sự thống trị của Liên Xô cũng luôn làm người ta khó chịu và hễ có điều kiện là họ lại tìm cách thoát ra khỏi tình trạng như thế. Sự kiện đó diễn ra lần đầu tiên ở Nam Tư, nhưng kịch tính nhất là ở Trung Quốc. Chưa đầy mười năm sau khi nắm được chính quyền, cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ có quyền thực hiện và tuyên truyền mô hình chủ nghĩa Marx của riêng mình và trong khi khẳng định như thế họ gần như đã đi đến đối đầu về quân sự với Liên Xô, nước được coi anh cả và mô hình cần phải theo. Khmer Đỏ còn tiến xa hơn khi họ tự coi mình là độc đáo và khẳng định rằng mô hình cộng sản của họ chẳng có gì chung với cả Nga lẫn Trung Quốc. Phong trào cộng sản châu Âu cũng hành động tương tự như thế khi đòi hỏi chủ nghĩa đa nguyên (“đa trung tâm”), mà đấy là đòi hỏi vào lúc Liên Xô đang ở đỉnh cao quyền lực của mình.

Chỉ có thể ngăn chặn các lực li tâm như thế bằng một biện pháp: giữ cho các đảng ngoại quốc đó trong tình trạng èo uột, nghĩa là buộc các đảng đó phải lệ thuộc hoàn toàn vào Moskva; hễ được cử tri ủng hộ là các đảng này lập tức đòi được tự trị, thậm chí là đòi thoát khỏi tình trạng lệ thuộc. Đây là tình thế lưỡng nan: phong trào cộng sản quốc tế sẽ phải ở trong tình trạng cô lập và yếu kém, chỉ là công cụ dễ bảo nhưng thiếu hiệu quả của Moskva, hoặc là nó phải tìm được sức mạnh và gây được ảnh hưởng, nhưng sẽ giải thoát khỏi quyền lực của Moskva và phá vỡ sự đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế. Đây chính là trường hợp mà người ta vẫn nói: không còn cách thứ ba.

Các khiếm khuyết như thế, vốn là bản chất của chủ nghĩa cộng sản, đã được nhiều môn đồ nhận ra và đấy chính là lí do cho sự xuất hiện “chủ nghĩa xét lại” đủ mọi trường phái. Nhưng những người cộng sản trung kiên lại cho rằng thất bại không phải là do học thuyết sai mà chỉ chứng tỏ rằng họ chưa quyết tâm thực hiện mà thôi. Đúng như định nghĩa của George Santayana rằng cuồng tín là những người cố gắng gấp đôi sau khi đã quên mục đích chính của mình, những người cộng sản đã lao vào những vụ chém giết điên cuồng. Kết quả là, đi từ Lenin đến Stalin, từ Stalin đến Mao và Pol Pot, chủ nghĩa cộng sản đã để lại trên đường đi của mình cả biển máu những người vô tội.

Nói chung chủ nghĩa cộng sản đã thất bại và nhất định thất bại ít nhất là vì hai lí do chính; thứ nhất, để có công bằng, nghĩa là để đạt được mục tiêu chính của mình, chế độ phải lập ra bộ máy đàn áp và đến lượt nó, bộ máy này đòi phải có đặc quyền đặc lợi và như vậy tự nó đã phủ nhận lẽ công bằng; thứ hai, mỗi khi có mâu thuẫn thì bao giờ lòng yêu quê hương và nòi giống bao giờ cũng lấn át tình hữu ái giai cấp, đấy là lí do vì sao chủ nghĩa cộng sản dễ hoà tan vào chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội dễ dàng kết hợp với chủ nghĩa “phát xít”. Nhận thức được điều đó, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, hậu duệ của Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1990, đã từ bỏ khẩu hiệu kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại.

Nhà xã hội học Đức-Ý, Robert Michels, đã dự đoán được bước ngoặt như thế và nói không sai rằng: “Những người xã hội có thể chiến thắng, nhưng chủ nghĩa xã hội thì không bao giờ”.

Còn một lí do nữa, cụ thể hơn, theo đó các chế độ cộng sản được xây dựng theo các bản vẽ của Lenin về bản chất là mâu thuẫn với việc thực thi lí tưởng cộng sản. Xuất phát từ luận điểm về sự cáo chung tất yếu của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu, Lenin đã xây dựng bộ máy quản lí của mình theo mô hình quân đội. Chế độ cộng sản ở Liên Xô và những kẻ theo đuôi họ đã thực hiện việc quân sự hoá đời sống xã hội, buộc tất cả đều phải chịu sự chỉ huy từ trung ương. Cơ cấu như thế sẽ không có khả năng động viên toàn bộ sức người sức của cho nên không thể có phản ứng hữu hiệu trước những thách thức và không thể khuyếch trương ảnh hưởng của nó ra nước ngoài. Nó còn kém hiệu quả, phải nói là tê liệt, khi phải phản ứng trước những thách thức không thể giải quyết bằng quân sự. Khi cuộc cách mạng thế giới mà người ta chờ đợi không diễn ra, chế độ Xôviết trên thực tế trở thành xơ cứng và cùng với thời gian đã chạm trán với những khó khăn và đe doạ nội tại: sự bàng quan và tính thụ động của quần chúng, dẫn tới sự tụt dốc liên tục của nền kinh tế và lực lượng quân sự. Muốn giải quyết các khó khăn đó thì phải nới lỏng dần các biện pháp quản lí.

Nhưng nới lỏng quản lí nhất định sẽ làm lung lay toàn bộ chế độ vì nó vốn là một tổ chức hoàn chỉnh, nó chỉ có thể tồn tại dưới sự quản lí tập trung nghiêm khắc nhất. Chỉ cần Gorbachev nới lỏng là trong lòng chế độ lập tức xuất hiện các vết rạn nứt và chẳng bao lâu sau thì tan vỡ hẳn. Như vậy có nghĩa là chế độ cộng sản là một chế độ không thể cải tạo được, nói cách khác, nó không có khả năng thích nghi với những điều kiện đang thay đổi. Sự thiếu năng động, vốn là bản chất của chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã dẫn nó đến chỗ sụp đổ.

Vai trò của hệ tư tưởng, hay nói đúng hơn vai trò của cái được gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học cho rằng tư tưởng chính là lực lượng dẫn dắt phong trào và các chế độ thoát thai từ phong trào đó, vì vậy họ mà họ đã gọi Liên Xô và Trung Quốc dưới thời Mao là Idiocracy, nghĩa là những hệ thống được điều khiển bởi các tư tưởng.

Tất nhiên là chủ nghĩa cộng sản không thể xuất hiện nếu không có huyền thoại về một thời kì hoàng kim và nếu không có học thuyết đề ra chiến lược đưa cái thời đại đầy hạnh phúc đó quay về trái đất, do Marx lập ra và lần đầu tiên được Lenin đem áp dụng vào cuộc sống. Công nhận điều đó không có nghĩa là công nhận khái niệm Ideocracy, đơn giản là vì mọi tư tưởng, dù là kinh tế hay chính trị, một khi đã được áp dụng vào cuộc sống thì nhất định chúng sẽ tạo ra quyền lực và sẽ nhanh chóng trở thành công cụ của quyền lực đó. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã được Adam Smith mô tả trong tác phẩm Wealth of Nations. Nhưng không ai có thể khẳng định rằng trong hai thế kỉ gần đây các nhà tư bản đã lựa chọn phương thức hành động dưới ảnh hưởng của quan điểm về “bàn tay vô hình” của Smith hay đã được dẫn dắt bởi bất cứ luận điểm nào khác trong lí thuyết của ông. Cảm hứng của ông phù hợp với quyền lợi của các nhà tư bản và vì thế mà họ chấp nhận, đơn giản chỉ có thế.

Không có cơ sở để khẳng định rằng điều đó cũng đúng đối với chủ nghĩa Marx-Lenin. Quan điểm cho rằng hàng triệu đảng viên thường cũng như các quan chức nhà nước tin tưởng tuyệt đối vào lí thuyết do một nhà kinh tế học người Đức nghĩ ra từ thế kỉ XIX chỉ là quan điểm của một số trí thức, trong đó dường như có người quả thật tin rằng nhân loại thường bị các hệ tư tưởng xui khiến. Trong buổi đầu, các đảng cộng sản thường có ít đảng viên và họ cũng luôn bị săn đuổi; đảng viên là người chịu nhiều hiểm nguy chứ không mong quyền lợi vì vậy mà đa số hoàn toàn có thể là do được tư tưởng thúc đẩy. Nhưng sau khi đã giành được chính quyền, sau khi có quyền phân chia quyền lợi cũng như quyết định hình phạt, các đảng đó sẽ tìm được vô số cảm tình viên chỉ ủng hộ hệ tư tưởng thống trị trên đầu môi chót lưỡi. Cuộc khảo sát được thực hiện ở Liên Xô vào năm 1922 cho thấy chỉ có 0,6 phần trăm đảng viên có bằng tốt nghiệp đại học và 6,4 phần trăm có bằng tốt nghiệp trung học. Trên cơ sở các số liệu đó, một nhà sử học Nga đã đưa ra kết luận là 92,7 phần trăm đảng viên không đủ kiến thức ngõ hầu thực hiện các nhiệm vụ mà đảng giao phó (4,7 phần trăm đảng viên là người mù chữ). Lenin đã phải cay đắng công nhận sự thật này vào năm 1921, khi ông ta hạ lệnh tiến hành “làm trong sạch” để loại bỏ những kẻ “ăn bám”. Cuộc chiến đấu chống lại cái tất yếu chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu. Nhà nước càng mở rộng quyền lực thì lại có nhiều những kẻ háo danh, những kẻ mà danh hiệu đảng viên chỉ có nghĩa là địa vị và tiền bạc, tìm các chui vào đảng. Quyền lực và sự tồn vong của đảng trở thành mục đích chính. Tư tưởng chỉ còn là chiếc là nho che đậy bản chất thật sự của chế độ: trong khi ba hoa về lòng trung thành với những lí tưởng cao cả chính là lúc người ta đang theo đuổi những mục đích ích kỉ và thực hiện những hành động xấu xa.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nomenclatura, tức là những người vẫn được coi là vệ binh cho sự trong sáng của hệ tư tưởng, đã đầu hàng vô điều kiện và lập tức lợi dụng “tư hữu hoá” để thu vén và biến tất cả tài nguyên cũng như phương tiện sản xuất của đất nước thành tài sản của mình. Chuyện đó thật khó xảy ra nếu bộ máy thực sự trung thành với hệ tư tưởng Marx-Lenin.

Sergey, con của Nikita Khrushchev, người kế tục Stalin từ năm 1953 đến năm 1964 đã kể lại câu chuyện về thời thanh niên của mình như sau:

Tôi luôn cố gắng nhưng vẫn không thể hiểu nổi chủ nghĩa cộng sản là gì… Tôi đã xin bố giảng cho nghe nhưng ông cũng chẳng đưa ra được câu trả lời rõ ràng gì cả. Tôi hiểu rằng chính ông cũng chưa thông lắm. [3]

Nếu ngay cả lãnh tụ của khối cộng sản, nhà tiên tri không mệt mỏi về sự thắng lợi của nó trên toàn thế giới, còn không biết giải thích cho con mình bản chất của chủ nghĩa cộng sản thì còn mong gì ở những đảng viên thường?

Thái độ vụ lợi - cá nhân và nhà nước – là động lực của các chế độ cộng sản và cũng chính điều đó đã thủ tiêu lí tưởng bình đẳng của họ. Các lãnh tụ Liên Xô và Trung Quốc vẫn thường xuyên né tránh các giáo lí Mác-xít nếu quyền lợi của họ đòi hỏi phải làm như thế! Năm 1917 Lenin cho phép công nhân chiếm nhà máy, còn nông dân thì chiếm ruộng đất, mặc dù những hành động vô chính phủ như thế là hoàn toàn trái với học thuyết Mác-xít. Năm 1921 ông ta cho tái lập thị trường lương thực, thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng theo lối tư bản chủ nghĩa. Stalin giao cho nông dân một phần ruộng đất và cho họ được bán sản phẩm theo giá thoả thuận. Trong những năm 1930 ông ta khuyến khích thành lập ở nước ngoài các mặt trận đoàn kết dân tộc, nghĩa là khuyến khích cộng sản hợp tác với những người xã hội-dân chủ, kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa cộng sản. Khrushchev chuyển từ chiến tranh giai cấp trên toàn thế giới sang “chung sống hoà bình”. Mao tuyên bố ý chí của con người có thể thắng được hiện thực khách quan, trong khi những người kế nhiệm ông ta kêu gọi dân chúng làm giàu. Tất cả đều nhân danh chủ nghĩa cộng sản. Trong tất cả các trường hợp, hệ tư tưởng đã bị hi sinh, dù là tạm thời, cho quyền lợi tối thượng của đảng, mà bao giờ và ở đâu cũng chỉ là: giữ vững và mở rộng quyền lực không hạn chế.

Các thí nghiệm xây dựng xã hội không tưởng đòi hỏi những chi phí vô cùng tốn kém, không có cách nào thống kê được hết số nạn nhân. Stephane Courtois, trong tác phẩm Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản cho rằng có từ 85 đến 100 triệu người thiệt mạng, nghĩa là gấp 1,5 lần số người chết trong cả hai cuộc thế chiến. Người ta đã đưa ra nhiều lí lẽ để biện hộ, trong đó lí do: không đập vỡ trứng thì làm sao có món trứng rán. Người dĩ nhiên không phải là trứng, nhưng tai hoạ ở chỗ là sau những cuộc tắm máu kinh hoàng đã chẳng có món trứng rán nào hết.

Những người sống sót cũng phải gánh chịu nhiều mất mát. Nhằm tạo ra cho được sự đồng nhất các chế độ cộng sản đã bỏ tù, bắt lưu đầy và bịt miệng tất cả những người không chấp nhận cái thể chế áp đặt đó, mà đây lại thường là những người có năng lực và tháo vát nhất. Kết quả là đã diễn ra một cuộc tiến hoá giật lùi: những kẻ không thể tự lực, những kẻ chỉ biết vâng lời lại có xáx suất sống còn cao nhất. Trong khi những người tháo vát, trung thực và có suy tư về xã hội thì bị giết hại. Xã hội cộng sản đã đánh mất những công dân ưu tú nhất của mình như thế đấy, và vì vậy mà họ phải lún sâu mãi trong cảnh đói nghèo.

Nga là nước bị chế độ cộng sản cai trị lâu nhất và một trong những hậu quả của nó là nhân dân mất hết lòng tin vào năng lực của chính mình. Vì dưới chính quyền Xôviết mọi hoạt động đều phải được cấp trên chuẩn y, còn sáng kiến thì bị coi là tội lỗi cho nên dân chúng đã đánh mất khả năng tự quyết định, dù là việc lớn hay việc nhỏ (trừ việc phạm pháp); người ta luôn sống trong tình trạng chờ đợi mệnh lệnh. Sau giai đoạn hồ hởi chào đón tiến trình dân chủ hoá, người ta lại cảm thấy thiếu một bàn tay sắt. Nhân dân không có khả năng mà cũng chẳng có ước muốn được đứng trên hai chân của chính mình và tự quyết định lấy số phận của mình. Và đây là thiệt hại không nhỏ mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho nhân dân Nga cũng nhân dân các nước đã bị chế độ cộng sản thôi miên trong một thời gian dài. Nó cũng giết chết cả sự tôn trọng đối với lao động và tinh thần trách nhiệm trước xã hội của các công dân.

Mong muốn có sở hữu là thuộc về bản năng, còn tôn trọng tài sản của người khác thì phải được giáo dục mới có. Các nghiên cứu về tâm lí trẻ em cho ta thấy rõ điều đó. Nếu một người nào đó phát hiện ra rằng quyền sở hữu của anh ta không được tôn trọng - dù đấy là từ phía chính quyền hay từ phía xã hội – thì người đó chẳng những không còn tôn trọng quyền lợi vật chất của xã hội và chính quyền nữa mà còn trở thành người truyền bá những bản năng tham tàn nhất. Chính điều đó đã xảy ra sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ và đấy cũng là cản trở cho quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường thực thụ; một nền kinh tế dựa trên sự tôn trọng quyền tư hữu.

Marx khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản có những mâu thuẫn nội tại không thể nào giải quyết được và các mâu thuẫn này tất yếu sẽ đưa nó đến chỗ diệt vong. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản là một hệ thống có khả năng thích nghi với các điều kiện luôn luôn thay đổi và đã học được cách vượt qua các cuộc khủng hoảng. Trong khi đó chủ nghĩa cộng sản là hiện thân của một học thuyết cứng nhắc - một giả khoa học, được cải biên thành một giả tôn giáo rồi hoá thân thành một chế độ chính trị thiếu uyển chuyển – đã chứng tỏ là không có khả năng giải thoát khỏi những ngộ nhận ăn bám vào nó và cuối cùng đã trở về với cát bụi. Việc tái sinh của nó, nếu quả thật sẽ có một ngày như thế, là trái ngược hoàn toàn với bản án mà lịch sử đã tuyên và chắc chắn sẽ lại có một thất bại nữa. Hành động theo hướng đó đồng nghĩa với sự điên rồ, như người ta đã nói: làm đi làm lại một việc với hi vọng là kết quả sẽ khác.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Kolakowski, Main Current, vol. III, 523
[2]Mussolini, Opera omnia, vol, XV (Firenze, 1954), 93
[3] Sergei Khrushchev, Nikita Khrushchev, 701
Nguồn: dịch từ Bản tiếng Nga