trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
2.4.2008
Laurie Taylor
Khi nhà lý luận Mác-xít nghỉ hưu
Lê Hải dịch
 
Lời giới thiệu của người dịch: Stuart Hall [1] (1932–) là người sáng lập ra ngành ‘cultural studies’ (tạm dịch là ‘nghiên cứu văn hóa’) trên cơ sở phép biện chứng Marxist kết hợp với lý thuyết ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure. Hệ thống này đã trở thành nền tảng lý luận cho ngành phê bình ở Anh, có ứng dụng rộng rãi từ điện ảnh cho đến truyền thông. Dưới đây là bài phỏng vấn của Laurie Taylor từ tạp chí lý luận New Humanist, được người dịch lược bớt các phần quá chi tiết về cuộc sống và chính trị nước Anh.
Tôi bị muộn giờ trên đường tới nhà Stuart Hall [vì người tài xế taxi phải vất vả tìm đường. Đến lúc nhìn qua kính hậu thấy cái biển tên đường Agamemnon thì tôi tin là đã đi đúng. Và cái tên đó đã trở thành câu chuyện giữa hai chúng tôi ngay từ chỗ cửa ra vào...] [2] Không biết những người đã từng sống nửa cuộc đời trên con đường mang tên Agamemnon có một ngày nào đó vì vậy mà ra thư viện mượn tác phẩm của Homer về đọc không nhỉ?

Stuart bật cười. Đó là tín hiệu tốt. Mấy năm nay tôi nghe nhiều về bệnh tình ông bạn già, đến nỗi trên đường đến đây tôi đã lo ông ta sẽ khó thể hiện nổi nụ cười mà ngày xưa từng chiêu dụ được biết bao nhiêu là chiến hữu và đồng nghiệp – từ thời làm tạp chí New Left Review [3] hồi thập niên 1950, cho đến giai đoạn Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đương đại ở Birmingham [4] hồi những thập niên 1960 và 1970, rồi sau đó là ba chục năm ở Open University [5] .

Tôi luôn thích cái nụ cười đó. Nhiều năm trước, trong những buổi hội thảo trên giảng đường, khi Stuart còn bận dồn sức vào ngành học ‘cultural studies’ mà ông mới sáng lập, hay còn cố gắng đem lăng kính hậu-cấu-trúc vào đọc lại Marx, nụ cười đó luôn là tín hiệu thân thiện ngay cả trong trường hợp tôi không phải là người đầu tiên ông ta muốn thảo luận những phát kiến mới về quá trình mã hóa của truyền thông, hay về quan điểm của Althusser [6] về quyền lãnh đạo (hegemony).

Tôi nói với Stuart là tôi mừng thấy ông bạn vẫn còn khỏe mạnh, nói thêm là nhiều bạn bè cũng lo lắng. Bề ngoài thì họ hỏi về những chi tiết bệnh tật, nhưng từ rất nhiều câu hỏi đã nghe, tôi thấy họ thực ra quan tâm coi Stuart có còn sức làm việc như trước hay không, có còn khả năng đưa ra những phân tích chính trị sắc bén như đã từng giúp chúng tôi nhận biết tầm quan trọng thực sự của chủ nghĩa Thatcher và Trào lưu Mới trong Đảng Lao động [7] hay không.

“Laurie, nói chung tôi khỏe một cách đáng ngạc nhiên. Tôi bị suy thận, hư hỏng hoàn toàn. Nếu không chạy thận thì tôi đã chết từ lâu. Cả một quá trình dài. Bác sĩ chẩn bệnh từ những năm 80 và bệnh tình ngày càng gia tăng”.

Vậy bệnh tật có làm Stuart gặp khó khăn khi tham gia ở một mức độ nào đó vào chính trị?

“Mỗi tuần tôi mất ba ngày đi chạy thận (dialysis). Cả ngày Thứ Hai tôi dành trọn cho các dự án ở Trung tâm Mỹ thuật. Tôi không còn thời gian để giao tiếp xã hội nữa. Tôi không đi dự hội thảo và không đến những chỗ mà tôi phải gặp nhiều người.”

Cho nên ông dừng viết lý luận chính trị?

“Tôi chỉ đủ sức quán xuyến một số chuyện thôi. Nếu viết về chính trị thì người ta sẽ mời đi nói chuyện, mà tôi thì không thể đảm đương nổi nữa rồi. Không đủ sức. Tôi đang chuẩn bị cho ba bài giảng lớn. Sáng nào cũng thức từ 4 giờ để suy nghĩ. Tôi có thể đi nói chuyện không chính thức, nhưng khi giảng bài trước cử tọa đông người thì adrenaline trong người tôi tăng lên, và làm tiêu tốn nước trong cơ thể. Kết thúc bài giảng cũng là lúc tôi lăn ra ốm, thực sự ốm.”

Tôi phần nào cảm thấy bối rối khi nghe mô tả cặn kẽ đến thế. Không phải bệnh tình của Stuart làm tôi băn khoăn, mà chủ yếu là cái ý nghĩ – mà có lẽ một số bạn bè và đồng nghiêp cũ của ông cũng nghĩ như vậy – không cho rằng ông ta im lặng về chính trị là do bệnh tật. Người ta đồ rằng đó là vì Stuart dành hết thời giờ cho cái trung tâm mỹ thuật mới lập. Tôi quyết định đề cập vấn đề một cách gián tiếp. Tại sao Stuart lại quan tâm tới nghệ thuật tạo hình?

“Khi nghỉ hưu tôi muốn làm một cái gì đó mới. Tôi thích cái ý tưởng trở thành nhà khoa học không cần viện nghiên cứu. Trước đó tôi chỉ toàn làm việc với các thể loại viện khoa học mà thôi. Và tôi cảm thấy lạc lõng khi không còn sống trong môi trường kiểu như vậy. Khi thử làm việc trong gian phòng trên lầu tôi không cảm thấy thoải mái. Cho nên tôi trở thành chủ tịch của hai tổ chức hoạt động nhằm đa dạng hóa văn hóa trong nghệ thuật: một về mỹ thuật và một về chụp ảnh. Tôi nhập hai hội vào làm một và xin tài trợ từ quĩ xổ số, vì cho rằng cần phải có trung tâm cho rất nhiều hoạt động thuộc loại này. Đó là câu trả lời ngắn. Câu trả lời dài hơn có thể bắt đầu từ thập niên 1980, khi tôi viết về bản sắc văn hóa, và rất nhiều vấn đề có thể thể hiện qua mỹ thuật của các cộng đồng thiểu số.”

Và người ta đã sai khi nghĩ rằng ông thay đổi môi trường vì vỡ mộng về chính trị?

“Cũng không hoàn toàn sai. Tôi không từ bỏ chính trị. Tôi vẫn còn rất quan tâm đến các câu hỏi chính trị. Nhưng đúng là tôi không còn ảo tưởng chính trị nữa. Đó là điều chắc chắn. Đúng là tôi đã viết rất nhiều về chủ nghĩa Thatcher. Cũng đúng là tôi đã chứng kiến sự trưởng thành của Tân đảng Lao động. Và tôi không thích nó, hoàn toàn đúng với những gì tôi đã dự đoán, nhưng bây giờ tôi không thể làm được gì cả. Tôi có thể làm được gì bây giờ.”

Có đáng thất vọng không nhỉ? Chính ông ta từng kiên quyết đòi phải phân tích hiện tại. Tôi nhớ như in câu trích dẫn mà hồi năm 1989 Stuart lấy lại từ Antonio Gramsci [8] rồi xây dựng thành chủ thuyết cho bài luận nổi tiếng Out of Apathy: “Gramsci từng nói ‘hãy nhìn một cách hung bạo vào những gì đang tồn tại’, không phải như những gì bạn muốn như vậy, cũng không phải theo cách bạn nghĩ nó như vậy cách đây mười năm, cũng không phải theo cách mà nó được mô tả trong kinh điển, mà như nó thực sự tồn tại: những cơ sở đầy mâu thuẫn và chai đá của tình hình hiện tại.”

Stuart có ngay một câu trích Gramsci để trả lời tôi. “Tôi bi quan về tri thức và lạc quan về ý chí. Đúng là tôi từng nghĩ rằng bạn phải phân tích những gì đang xảy ra trước mặt và cố gắng tìm hiểu bản chất của nó, chứ không phải ghép nó vào cái kiểu bạn muốn. Và rồi thử tìm các khả năng thay đổi và ứng dụng. Đó chính là chiến lược của tôi.”

Nhưng ông có còn theo đuổi con đường đó nữa hay không? Tôi nhắc lại cái thời mà Stuart nổi tiếng về những phân tích nâng chính sách của chính phủ Thatcher [9] lên thành một thứ chủ nghĩa, đóng góp rất nhiều cho chính trị học. Trong lúc người ta chỉ coi uy thế của bà thủ tướng chỉ đơn thuần là một công cụ chính trị đặc thù, Stuart lại nhận thấy những thay đổi vô cùng cơ bản. Đường lối chính trị theo kiểu Thatcher rất thu hút giai cấp công nhân truyền thống, cũng là cử tri của Đảng Lao động, giống như Stuart từng quan sát thấy trong giai đoạn trước đó, rằng những cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt dần nhường chỗ cho lối sống mới và chủ nghĩa tiêu dùng. Còn bây giờ là thời đại gì?

“Có lẽ tôi bắt đầu cảm thấy mình giống như khủng long rồi. Không phải đề cập đến vấn đề cụ thể nào, hay chính sách cụ thể nào mà tôi từng đặt lòng tin. Nhưng có một sự chuyển dịch nhất định. Những điểm tựa cơ sở cho thế giới chính trị và hi vọng chính trị của tôi không còn nữa. Tân đảng Lao động đã triệt tiêu các khái niệm truyền thống về xã hội và quốc doanh.” [...]

[... Stuart phân tích một loạt các thay đổi và những đặc điểm mới của nước Anh hiện tại, và] tôi bắt đầu thấy bớt thất vọng, nhưng bỗng nhiên chợt nhớ lại bài viết gần đây của Stephen Howe, cho rằng quyển sách mới của Perry Anderson [10] hầu như không còn quan hệ gì với chủ nghĩa Marx nữa cả. Vậy còn Stuart thì sao? Cũng thấy Karl Marx không còn là điểm tựa đắc lực như trước nữa?

“Tôi vẫn còn là nhà Mác-xít nếu xét những gì Marx nói về chủ nghĩa tư bản. Tư bản vẫn còn là động lực tiến hóa phi thường. Nó làm thay đổi cuộc sống loài người. Chúng ta đang chứng kiến thêm một trào lưu toàn cầu hóa, tạo ra một thế giới là thị trường cho tư bản. Đây gần như là quá trình thứ bảy rồi. Chúng ta đã trải qua đủ mọi loại hình của toàn cầu hóa: chủ nghĩa đế quốc, công cuộc xâm chiếm thuộc địa, cuộc Chiến tranh Lạnh, xu hướng bá quyền của Mỹ. Bây giờ đến lượt Thủ tướng Tony Blair ước mong giai cấp tư bản sẽ chăm sóc sức khỏe cho mấy đứa cháu của tôi, còn Barclays (tập đoàn ngân hàng toàn cầu gốc ở Anh – N.D.) và Tesco (tập đoàn siêu thị toàn cầu gốc ở Anh – N.D.) thì quản lý trường học của tôi. Đó là những mong ước đáng kinh ngạc, chỉ xảy ra khi tư bản biến thành một lực lượng toàn cầu hùng mạnh đến như vậy.”

Nhưng chẳng phải là trên thế giới cũng đang có một lực lượng toàn cầu hùng mạnh khác mà ngay cả những ai cực đoan nhất hồi thập niên 70, rồi 80 và 90 cũng không dám dự đoán hay sao – đó là sự gia tăng và tiếp tục gia tăng của trào lưu tôn giáo cực đoan? Không phải chính Stuart đã từng tiên đoán sao?

“Tôi không dám nói mình đã từng nhắc nhở, mà có lẽ nên nói là tôi không ngạc nhiên về hiện tượng đó. Tôi cho rằng chủ nghĩa tự do không biết gì về văn hóa, và tất nhiên là trong đó bao gồm tôn giáo. Tôi cho rằng văn hóa đã chờ để trả thù sau trào lưu thế tục hóa, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa hiện đại. Ngay cả trong một thế giới thế tục hiện đại đã được chia thành khối đồng nhất lắm rồi, chúng ta vẫn còn cần có một số tập hợp ý niệm chung để hiểu cuộc sống và đối thoại với những người khác về sự khác biệt.”

Với tôi, phát biểu này mang âm hưởng giống như một đánh giá gần đây của John Gray [11] , cho rằng sự thế tục hóa và tư tưởng nhân văn tự do chứa đựng những ý niệm về quá trình tự hoàn thiện và tiến bộ, hướng tới một thế giới tốt hơn, cũng giống như mục tiêu của tôn giáo. Nếu hiểu như thế thì quá trình gia tăng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan chẳng qua chỉ là sự trở lại của những gì từng bị đè nén. Thế nhưng Stuart không chịu khoanh tay khi bị tôi cố xếp vào cùng nhóm những người bi quan như Gray.

“Tôi thấy cần phải nói một chút về quan điểm cho rằng tư tưởng nhân văn tự do bao hàm một sắc thái tôn giáo nào đó, cũng mong đợi một đấng cứu thế nào đó đến từ vật chất thay cho từ trên trời phái xuống. Tôi nghĩ khác. Chủ nghĩa nhân văn tự do thất bại vì chỉ ứng dụng với một phần ba, một phần tám, một phần mười thế giới mà thôi. Nó không có khái niệm về sự khác biệt, không nghĩ rằng khi phần còn lại của thế giới trở thành lịch sử thì bản thân không còn cách nào khác là cũng trở thành như vậy qua cùng con đường như vậy. Hệ tư tưởng đó không có khả năng hiểu những nền văn hóa khác biệt. Quí vị cần phải biết mình khác với người khác như thế nào trước khi hình thành nên bản sắc cho riêng mình.”

Như vậy có lẽ Stuart cũng không muốn được xếp chung nhóm với những học giả như Stephen Eric Bronner [12] , coi sự lan tỏa của tư tưởng tôn giáo cực đoan và những cấm đoán mới đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp như cơ hội để vận dụng trở lại hệ tư tưởng Khai Sáng?

“Tôi thực sự lớn lên trong thời Khai Sáng. Tôi biết Khai Sáng đã làm gì để giải phóng con người khỏi mê tín, khỏi tôn giáo. Tôi biết Khai Sáng đã làm gì để dựng những mường tượng (fiction) về hệ thống luật pháp, chỉ là tưởng tượng nhưng rất cần thiết và thực sự có hiệu lực ngăn cấm con người ăn thịt lẫn nhau. Đó là những điều vô cùng tiến bộ. Nhưng Khai Sáng cũng còn chỗ khiếm khuyết là vấn đề chủng tộc. Tất nhiên thời đó người ta không nói như thời tiền Khai Sáng, rằng những người khác là giống loài khác hoàn toàn, rằng họ kém tiến hóa hơn, và nô lệ là một phân loài khác. Khai Sáng đúng là có xếp tất cả con người vào một loài, nhưng lại chia ra thành các bậc tiến hóa khác nhau, phân biệt giữa những đứa trẻ của văn minh và người mới chỉ biết suy nghĩ. Sự phân biệt đó chưa hề biến mất. Tôi từng thử nghĩ xem nếu phát triển tư tưởng Khai Sáng trong thời nay thì nên thực hiện thế nào, và nhìn thấy bi kịch của Hồi giáo là ở chỗ chưa có giai đoạn Khai Sáng riêng, cho nên không có điểm tựa để nảy mầm và định dạng một hình thức Hồi giáo cho thế giới hiện đại.”

Stuart Hall luôn làm cho người nghe phấn khích. Sau khi đọc hoặc nghe ông nói chuyện người ta không chỉ cảm thấy hiểu thế giới hơn, mà còn muốn dâng hiến cho sự nghiệp thay đổi thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta muốn tuyên truyền cho bất kỳ chủ thuyết chính trị nào. “Tôi không biết cách tư duy sáng tạo theo kiểu người làm chính sách,” ông từng nói như vậy hồi năm 1998 trong một phỏng vấn dành cho tạp chí Marxism Today [13] , “Tôi là trí thức và tôi có thể chiến đấu cho cuộc đấu tranh tri thức.”

Cũng có thêm một nguyên nhân về mặt lý thuyết khiến Hall không thể gắn kết với những phong trào cụ thể là do ông liên tục ý thức rằng sự can dự của con người (human agency) phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nói theo Marx, “con người làm ra lịch sử nhưng không có khả năng tạo ra chính bản thân.” Stuat khẳng định đây không phải là quan điểm bi quan.

“Tôi không tin vào khả năng của con người trong một chừng mực nào đó có thể đơn phương tạo ra biến chuyển lịch sử. Sự can dự của con người trước tiên phải phục tùng cái logic chung và qui luật địa phương ở nơi hoạt động. Phát biểu nguyên thủy nhất phải được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ mà thành phần luôn chứa đựng dấu vết của các ngôn ngữ khác.”

Tôi không định hỏi chuyện Stuart về ngành nghiên cứu văn hóa, nhưng tôi nhận thấy ông ta đòi được công nhận thích đáng trong phạm vi nói chuyện, mà cũng là lối tranh luận quyết liệt trong khoa học để giành sân, mà Stuart có vẻ muốn chiếm toàn bộ cho lý thuyết nghiên cứu văn hóa. Không hiểu ông ấy có còn tiếp tục quan tâm tới đề tài này?

“Đúng là tôi vẫn muốn tiếp tục tư duy cho ngành nghiên cứu văn hóa, nhưng không phải trong phạm vi một lãnh vực (field). Tôi chưa bao giờ coi đây là một lãnh vực. Tôi cho rằng nếu được là lãnh vực thì nó chứa đựng quá nhiều điều nhảm nhí.”

Vậy bây giờ ông còn tiếp tục ngồi trước TV để giải mã các thông điệp và phân tích độ giữa đài truyền hình và khán giả hay không?

“Tôi vẫn đi nói chuyện và lên truyền hình suốt. Tôi vẫn nói với họ rằng ‘điều này không đúng’‘quí vị nói dối’‘không thể làm như vậy’. Tôi vẫn tiếp tục đối thoại và phê bình với những người viết báo và tạp chí mà tôi đọc. Trong đầu tôi luôn có sẵn nguyên cớ. Tôi muốn biết tại sao không có ai đưa ra quan điểm triết học về khả năng các xã hội hiện đại có thể làm gì để tạo ra một kiểu sống nào đó khác hơn. Rồi về khả năng quốc doanh quản lý tư nhân hơn là tư nhân quản lý tất cả mọi thứ. Một số xã hội có tổ chức khác với Anh quốc, ví dụ điển hình nhất là Thụy Điển. Nhưng xã hội đó đang phải chịu áp lực và không thể duy trì lâu hơn nữa. Nếu không được bảo vệ thì nó sẽ bị toàn cầu hóa đè nát bằng thị trường, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng kinh doanh và cạnh tranh.”

Cho đến lúc này tôi quá chú tâm vào câu chuyện mà không để ý thấy Stuart bắt đầu mệt. Nhưng bây giờ, khi ông bạn già phải ngừng để ho thì tôi chợt thấy mình ích kỷ quá. Có được cái cơ hội mà quá nhiều người mơ ước cho nên tôi như đứa trẻ được nuông chiều. Tôi tìm cách kết thúc câu chuyện trong không khí lạc quan. “Vậy có cơ sở nào để hi vọng không?”

“Tôi nghĩ mọi chuyện đang trong tình trạng vướng mắc. Tôi không thất vọng đến nỗi nghĩ rằng lịch sử đã kết thúc. Nhưng tôi nghĩ rằng trạng thái từng được Gramsci mô tả là sự cân bằng giữa các lực lượng xã hội sẽ mạnh hơn hi vọng rất nhiều.”


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Là người gốc da đen sinh ở Jamaica, sang Anh năm 1951 và theo học ở Đại học Oxford, có thêm chi tiết ở http://vi.wikipedia.org/wiki/Stuart_Hall.
[2]Các đoạn bỏ bớt được thay bằng ký hiệu [...]. Trong trường hợp cần lược lại ý chính thì câu văn do người dịch viết sẽ được đặt bên trong ký hiệu đó.
[3]Tạp chí dành cho phe tả (Đảng Lao động Anh) theo xu hướng mới, xuất hiện cuối thập niên 1950, sau cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez và đặc biệt là sự kiện Liên Xô đem quân vào Hungary, khiến hàng ngàn đảng viên cộng sản Anh trả lại thẻ đảng.
[4]Birmingham Centre for Contemporary Cultural Studies: nơi Stuart Hall cùng các đồng nghiệp sáng lập ra ngành ‘cultural studies’.
[5]Đại học Mở, là trường đại học có nhiều sinh viên nhất nước Anh. Học viên đăng ký rồi tự học từ nhà, nhận giáo trình qua đường bưu điện, hoặc thu lại chương trình phát trên kênh truyền hình BBC. Trong thời gian này Stuart Hall tiếp tục viết và biên soạn nhiều công trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng lý thuyết ngữ nghĩa vào nhiều mặt của cuộc sống, đặc biệt là giáo trình năm 1997 Representation: Cultural Representations and Signifying Practices.
[6]Louis Althusser (1918–1990): triết gia Mác-xít, người Pháp gốc Algeria.
[7]Hay còn gọi là Tân đảng Lao động (New Labour Party), là nhóm khởi xướng những chính sách mới vào đầu thập niên 1990 mà sau đó đã dẫn đến thắng lợi cho Đảng Lao động và Thủ tướng Tony Blair.
[8]Antonio Gramsci (1891–1937): người sáng lập Đảng Cộng sản Ý, bị chính quyền Mussolini tống giam nhưng đồng thời cũng nổi tiếng nhờ những công trình lý luận trong thời gian này, trong đó có các nghiên cứu về quyền lãnh đạo trong văn hóa.
[9]Chính phủ của Đảng Bảo thủ do bà Magaret Thatcher làm thủ tướng từ 1979 đến 1990.
[10]Perry Anderson (1938–) là nhà lý luận Mác-xít và cũng là giáo sư sử học ở UCLA (Đại học California – Los Angeles), Hoa Kỳ, trong thập niên 1960 từng tiếp quản vai trò tổng biên tập tạp chí lý luận New Left Review từ tay Stuart Hall.
[11]John Gray (1948–) từng là cố vấn cho chính phủ Thatcher hồi thập niên 1980 nhưng sau lại chuyển sang ủng hộ Tân đảng Lao động trong thập niên 1990.
[12]Stephen Bronner (1949–): giáo sư chính trị học và quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ.
[13]Tờ báo của Đảng Cộng sản Anh, giải thể cùng với đảng này năm 1991.
Nguồn: “Culture’s revenge: Laurie Taylor interviews Stuart Hall”, New Humanist, số 121 #2, tháng Ba/TÆ° 2006