trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
27.11.2006
Hoàng Giang
Kinh tế tri thức – trao đổi với ông Đoàn Tiểu Long
 
Trước hết tôi xin làm rõ vài khái niệm “hàm lượng tri thức”, “hàm lượng lao động” mà theo tôi ông Đoàn Tiểu Long đã ngộ nhận. Hàm lượng lao động là lượng lao động mà người lao động phải bỏ ra để tác động vào tư liệu sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm. Khái niệm này có thể đo đếm tương đối chính xác bằng các con số như số ngày công lao động chẳng hạn. Khái niệm hàm lượng tri thức có hơi khó đo đếm hơn một chút, nó được hiểu như trình độ tri thức, tay nghề của người lao động tạo ra sản phẩm. Trong bài viết của ông Đoàn Tiểu Long tôi nhận thấy ông đã không nhận thấy có một nhân tố nữa góp phần tạo nên sản phẩm (và như vậy được hạch toán khi tính giá trị của sản phẩm) đó là tài nguyên cần dùng trong quá trình sản xuất mà trong triết học Marx xếp vào tư liệu sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà Thomas Friedman lại đi cân đong đo đếm trong lượng của các sản phẩm hàng hóa cùng có giá (cũng tạm coi là giá trị) 500 USD. Những hàng hóa nhẹ hơn, ý tác giả muốn nói nó tiêu tốn ít tài nguyên hơn. Ví dụ giá trị của 5 tấn than là 500 USD = giá trị tài nguyên của 5 tấn than nằm trong lòng đất + giá trị sức lao động của người công nhân để 5 tấn than đó lên mặt đất và có thể bán được, 500 USD cũng bằng tổng giá trị của X kg giống lúa + Y kg thuốc trừ sâu + Z Kg phân bón (đều là các tài nguyên) + N ngày công lao động của người nông dân. Trong khi đó 500 USD lại bằng 0,01Kg Silic + 0,000001Kg vàng + lao động của kỹ sư và công nhân. Ta thấy gì ở các ví dụ trên? Ở 2 ví dụ đầu tiên phần lớn giá trị của hàng hóa được tạo ra là nhờ vào thành phần thứ nhất – tài nguyên, lượng giá trị được tạo ra do người lao động rất ít (có thể thấy người nông dân sau khi trừ chi phí tính ra ngày công chẳng được là bao). Còn trong ví dụ thứ 3 tài nguyên tiêu hao hầu như không đáng kể, cái góp phần lớn vào giá trị 500 USD được tạo ra ở ví dụ 3 là lao động. Nhưng tại sao cũng là lao động mà ở 2 ví dụ đầu không tạo ra được giá trị lớn như ở ví dụ 3, không thể nói người nông dân hay công nhân đó không chăm chỉ, cường độ lao động không cao. Cái khác nhau chính là trình độ tri thức, tay nghề của người lao động ở ví dụ 3 cao hơn. Ở đây giá trị của hàng hóa được tạo ra không phải trên nền tảng của tài nguyên mà trên nền tảng của tri thức. Chính từ đó khái niệm “Kinh tế tri thức” ra đời. Bill Gate có nhiều tài sản như vậy nhưng để đổi lấy chúng, ông hầu như không dùng chút tài nguyên thiên nhiên nào mà chỉ dùng tri thức của bản thân ông ta và đội ngũ nhân viên của mình để đổi lấy.

Sau khi đã có những hiểu biết nền như thế, chúng ta thấy các vấn đề mà ông Đoàn Tiểu Long đưa ra hoàn toàn dễ trả lời. Ông viết:

5 tấn than đá màu đen, dùng để đốt, có giá 500$, và 1 con chip nặng 0,01 kg, màu trắng (ví dụ thế), dùng để ráp máy vi tính, cũng có giá 500$, không hề có nghĩa rằng người sản xuất ra 5 tấn hàng hóa màu đen, dùng để đốt, thì ngu dốt hơn người sản xuất ra 0,01 kg hàng hóa màu trắng, dùng để ráp máy tính. Nó chỉ có nghĩa là lao động được vật hóa trong hai hàng hóa đó là như nhau, và đều đáng giá tương đương mọi hàng hoá khác có cùng giá trị 500$.»

Trong đoạn này ông chỉ thấy mỗi một thành phần tạo nên giá trị hàng hóa đó là lao động mà không thấy còn có thành phần tài nguyên. Trong ví dụ than đá nguyên 5 tấn đá nằm dưới đất đã có giá trị khá lớn rồi (có thể thấy người ta vẫn bỏ tiền ra để mua các mỏ than, sắt, vàng, dầu v.v…) còn giá trị do lao động của công nhân ít hơn nhiều. Còn chi phí tài nguyên cho 1 con chíp là gì ? Đó là 0,01Kg silic, 0,000001 Kg vàng + giá trị của máy móc chia cho hàng chục triệu con chip. Nếu xét ví dụ Microsoft thì chi phí tài nguyên là chiếc máy tính 800USD chia cho một số luợng lớn chương trình được viết ra. Như thế đối với một đơn vị hàng hóa thuộc loại này thì chi phí tài nguyên rất nhỏ so với giá trị của hàng hóa. Thế tại sao những người công nhân và nông dân kia không nhảy sang làm chip và viết phần mềm? Quả là vì trình độ của họ không bằng những người kỹ sư thật (tôi không muốn dùng từ ngu dốt của ông Đoàn Tiểu Long). Ta có kết luận là khi các hàng hóa có giá tri như nhau, cái nào tiêu tốn nhiều tài nguyên (thường nặng hơn) thì hàm lượng chất xám trong đó ít hơn và ngược lại.

Tất nhiên là ta không thể thiếu gạo để ăn, không thể chỉ có chip Intel và phần mềm Microsoft là sống được. Nhưng giờ đây như cầu ăn hay than để nấu cơm đã không chiếm phần lớn chi phí cuộc sống nữa, cả gạo, than, xe máy, ti vi, chip Intel, phần mềm Microsoft v.v… đều cần. Vấn đề là ta nên dùng các nguồn lực (gồm cả tài nguyên và con người) để sản xuất cái gì nhiều, cái gì ít. Về mặt đạo đức ta không chê trách hay mỉa mai gì người nông dân. Nhưng liệu có nên để 70% dân số làm nông nghiệp (xin lỗi có thể không chính xác về mặt con số) và tạo ra 4 triệu tấn gạo xuất khẩu để thu về 800 triệu USD hay là nên bớt vài chục nghìn từ đó đi lập trình để thu về 1 tỷ USD, vài trăm ngàn làm trong ngành công nghiệp dịch vụ để thu về X USD, và chỉ để 10% dân làm nông nghiệp để đủ nuôi sống cả nước. Tất nhiên muốn thế thì 60% nông dân bớt ra sẽ phải được đào tạo để có tri thức, 10% còn lại cũng phải được đào tạo để có tri thức. Làm như thế phỏng có nên chăng? Và khi đó cái mà ta thu được nó là kinh tế tri thức.

Khi bàn về kinh tế tri thức như thế là đã bác bỏ thêm một luận điểm nữa của ông Đoàn Tiểu Long: “Nhìn ở thế vĩ mô, do tổng giá trị trong toàn xã hội là một con số nhất định, nên nếu có người này thu được lợi nhuận siêu ngạch, thì ắt có người khác bị thua lỗ. Tóm lại, không thể có chuyện tất cả cùng tạo ra các sản phẩm “có hàm lượng tri thức cao” để cùng thu lợi nhuận cao được.” hay “Như đã phân tích ở trên, do tổng giá trị sản phẩm trong xã hội là một con số nhất định, tương ứng với tổng thời gian lao động của tất cả những người lao động trong xã hội, nên nếu có doanh nghiệp nào đó thu được nhiều lợi nhuận hơn thì ắt có một hay nhiều doanh nghiệp khác bị mất phần.»

Ông Đoàn Tiểu Long nhầm lẫn giữa tổng tài nguyên và tổng giá trị tạo ra. Trong một nước thì cái bất biến là tổng giá trị tài nguyên bao gồm rừng vàng, biển bạc, đất đai, hầm mỏ là một con số cố định. Nhưng sử dụng tài nguyên này theo những cách khác nhau ta sẽ được giá trị khác nhau. Trong đó khi sử dựng bởi những người lao động có trình độ cao hơn sẽ được tổng giá trị lớn hơn. Nước ta đang muốn tiến lên nền kinh tế tri thức để tạo ra tổng giá trị hàng hóa lớn thì rõ ràng phải nâng cao trình độ của người lao động và chuyển dần sang các lĩnh vực tiêu tốn ít tài nguyên mà làm ra giá trị lớn hay còn gọi là các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Bây giờ xin bàn về ví dụ Coca-cola và sữa đậu nành của ông Đoàn Tiểu Long:” Ví dụ, nếu có doanh nghiệp sản xuất sữa đậu nành và bán ra thị trường, và nếu có ai đó mua sữa đậu nành, thì hiển nhiên đã tiêu mất một khoản tiền lẽ ra để mua Coke hay mặt hàng nào đó khác. Như thế doanh thu của Coca-Cola và các doanh nghiệp khác đã bị hụt một phần, sao có thể coi là các bên cùng thắng được?

Cái này liên quan đến một lĩnh vực nữa trong kinh tế học là sử dụng tối ưu nguồn lực có sẵn. Nghĩa là trong ngắn hạn các đại lượng đầu vào là tài nguyên và tri thức của đội ngũ lao động là bất biến. Làm sao để có đầu ra tổng giá trị sản phẩm là cực đại ? Câu trả lời là cần tổ chức lao động xã hội sao cho mỗi người làm việc theo sở trường của mình. Nghĩa là một người vừa biết trồng lúa, vừa biết lập trình, vừa biết đào than thì hãy để cho anh ta lao động trong lĩnh vực mà giá trị anh ta tạo trong một đơn vị thời gian (chính là năng suất lao động) là lớn nhất. Theo đó việc công ty giải khát có ga không cạnh tranh với Coca-cola vì năng suất lao động của công ty này trong việc sản xuất nước có ga không cao bằng công ty Coca-cola, nhưng họ lại có sở trường (năng suất cao) trong việc sản xuất sữa đậu nành. Như vậy là mỗi công ty sẽ làm việc theo sở trường và kết quả là tổng sản phẩm trong xã hội sẽ lên cao hơn. Nếu thoạt nhìn giả sử ban đầu khi chưa có Coca-cola mỗi người dân chi 2 đồng cho giải khát và chỉ mua sữa đậu nành. Sau khi có sự cạnh tranh sẽ chi 1 đồng cho Coca-cola, 1 đồng cho sữa đậu nành. Như vậy công ty nội sẽ thiệt. Nhưng nếu nhìn trên bình diện toàn xã hội khi phân công lao động hợp lý hơn, túi tiền của mỗi người tăng lên, giá sản phẩm lại rẻ đi (vì mỗi người làm ra sản phẩm theo sở trường) thì người ta có thể chi 5 đồng cho giải khát 2,5 đồng cho Coca-cola và 2,5 đồng cho sữa đậu nành. Từ đó ta có câu trả lời cho câu hỏi “Có thể “win - win” trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không?

Về nhận định “Mặt khác, một khi nước ta đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu thì giá trị sức lao động của người lao động Việt Nam cũng sẽ dần tăng lên, tiệm cận với giá trị sức lao động ở các nước phát triển hơn, do một phần công việc ở các nước phát triển sẽ được chuyển giao cho các nước đang phát triển để giảm chi phí, đồng thời gây sức ép với giới lao động trong nước.” Tôi cho là không thỏa đáng. Giá trị sức lao động của người Việt Nam (hiểu theo nghĩa lương cho một ngày công lao động) muốn tăng thì trước hết trình độ của người lao động phải tăng, năng suất lao động của họ phải tăng chứ không phải cứ làm cho ông chủ nước ngoài là lương tăng. Muốn nhận lương cao hơn khi làm cho người nước ngoài thì giá trị làm ra cho họ cũng phải cao hơn.

Còn các nhận định của ông về hạnh phúc nằm ngoài lĩnh vực kinh tế và cũng ra ngoài quan tâm của tôi nên tôi xin không có nhiều ý kiến. Chỉ có điều theo tôi sự giàu có cũng có mối quan hệ đến hạnh phúc. Chắc là hiện nay dân Việt Nam nếu được hỏi sẽ hạnh phúc hơn khi thu nhập bình quân 200USD. Khi chúng ta đạt 7500 USD thì chắc không hạnh phúc hơn 10 lần nhưng ắt cũng sẽ hạnh phúc hơn hiện nay. Còn như ông viết “Sao không thử nghĩ khác đi, là phát triển kinh tế đến một mức nào đó thôi, đảm bảo các nhu cầu vật chất ở mức độ vừa phải, rồi thì tập trung cho các nhu cầu tinh thần vốn ít tàn phá môi trường, xã hội, có phải hay hơn không?” Thì cũng thật khó biết thế nào là đủ. Nhưng ít nhất có lẽ ông cũng đồng ý với tôi rằng với Việt Nam hiện nay thì còn khá xa mới gọi là đủ được.

Cuối bài viết tôi xin nêu một nhận xét nếu có gì sai sót xin ông Đoàn Tiểu Long bỏ qua cho. Đó là tôi thấy có vẻ ông không cập nhật các kiến thức mới về kinh tế lắm ngoài các lý luận của môn Kinh tế chính trị. Các cơ sở cho bài viết trên đây của tôi đều không có gì to tát, đều nằm trong chương trình Kinh tế vi mô và Kinh tế vĩ mô dậy cho sinh viên năm nhất ở đại học. Nếu vì lý do nào đó ông chưa xem qua các tài liệu này thì mong ông xem qua một chút để cập nhật và trao đổi thêm.

Kính chúc ông mạnh khỏe. Rất hân hạnh được trao đổi với ông.

© 2006 talawas