trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
28.10.2006
Margaret Nguyen
Hẹn gặp lại!
(Đôi lời cùng Từ Huy và Đào Trung Đạo)
 
I. Trước hết, tôi xin trả lời thắc mắc của Từ Huy

Kristeva viết: «Comme il m’arrive aussi, lorsque la xénophobie de ce vieux pays me blesse, de caresser l’idée de m’installer définitivement à l’étranger», và tôi đã dịch như vầy: «Tương tự, khi sự bài ngoại ở cái đất nước già nua này làm tổn thương tôi, tôi cũng đôi lần ve vuốt ý nghĩ là sẽ định cư hẳn ở nước ngoài».

Tôi vẫn giữ cách dịch của mình vì ba lý do:

1. Cụm từ «l’idée de» đứng trước một động từ không chia bao giờ cũng chỉ một hành động chưa xảy ra, hay một viễn cảnh (perspective).

Ví dụ: «L’idée de se retrouver dans cette chambre vide l’attristait horriblement» (Daudet).

Tạm dịch: «Ý nghĩ sẽ về lại trong căn phòng trống đó làm nó buồn ghê gớm».

2. Điều đó càng được nhấn mạnh khi Kristeva sử dụng động từ «caresser» ở đây đồng nghĩa với «entretenir», «nourrir» (nuôi dưỡng), thường đi kèm các danh từ «un projet» (một dự án), «une idée» (một ý nghĩ), «un espoir» (một hy vọng), «un rêve» (một giấc mộng), dùng để chỉ một cái gì không thiệt hoặc sẽ xảy ra trong tương lai.

Thi sĩ Musset viết như vầy: «Je caressais une folle chimère» (Tôi ôm một ảo tưởng điên cuồng).

3. Câu của Kristeva «…il m’arrive (…) de caresser l’idée de…» được xây trên cấu trúc «il arrive à quelqu’un de faire quelque chose», trong đó động từ «arriver» chia ở thể «không ngôi» (impersonnel), có nghĩa là «đôi lần, (ai) làm điều gì đó».

Ví dụ: «Il m'arrive de penser que cette réforme (…) est l'ultime chance de survie de notre système universel et gratuit» (Jacques Dufresne).

Tạm dịch: «Đôi lần tôi nghĩ rằng cuộc cải cách đó là dịp may sống sót cuối cùng cho hệ thống phổ cập và không mất tiền của chúng ta».

Để nhấn mạnh ý trên, cụm từ này cũng có thể đi kèm trạng từ chỉ thời gian như «parfois» (thỉnh thoảng, đôi khi). Chính Kristeva cũng viết ngay trong câu trên: «…il m’arrive parfois (…) de me prendre moi-même pour une intellectuelle… française» (… đôi khi (…) tôi tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp).

Trong bản dịch của mình, Từ Huy đã không nhìn ra cấu trúc này. Cách dùng động từ ở thể «không ngôi» rất thường có trong Pháp văn, ví dụ như «il faut», «il pleut», «il vaut mieux», «s’il vous plaît»…

Tóm lại, cách dịch của tôi hoàn toàn chính xác, chặt chẽ. Nhân đây, tôi cũng mời dịch giả Từ Huy đọc chính Kristeva: «Il m'arrive aussi, lorsque la xénophobie de ce vieux pays me blesse, de caresser l'idée de m'installer définitivement en Amérique, ou peut-être au Canada, plus européen et plus francophone» (trích trong cuốn L’Avenir d’une révolte, NXB Calmann-Lévy, 1998, tr. 88-89).

Tạm dịch: «Đôi lần, khi sự bài ngoại ở cái đất nước già nua này làm tôi tổn thương, tôi cũng ve vuốt ý nghĩ là sẽ định cư hẳn ở Mỹ, hoặc cũng có thể ở Canada, vì xứ này mang tính châu Âu và sử dụng Pháp ngữ nhiều hơn».


II. Trả lời Đào Trung Đạo:

Kristeva viết: «De telle sorte qu’il m’arrive parfois, en rentrant de New York, après le feu des débats autour de mon travail de représentante de la french theory, de me prendre moi-même pour une intellectuelle… française. Comme il m’arrive aussi, lorsque la xénophobie de ce vieux pays me blesse, de caresser l’idée de m’installer définitivement à l’étranger.»

Tôi đề nghị dịch: «Đến mức mà, đôi khi, trở về từ nước Mỹ sau những cuộc tranh luận nảy lửa về công trình của tôi như là người đại diện cho french theory, tôi tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp. Tương tự, khi sự bài ngoại ở cái đất nước già nua này làm tổn thương tôi, tôi cũng đôi lần ve vuốt ý nghĩ là sẽ định cư hẳn ở nước ngoài».

1. Đào Trung Đạo nhắc tôi phải dịch là «trở về từ New York» chớ không «trở về từ nước Mỹ». Đương nhiên Mỹ không nhất thiết là New York, và không phải là tôi đã không nhận ra điều đó khi đọc bản dịch của Từ Huy, nhưng quan điểm của tôi khi «dọn vườn» là chỗ nào thật sai nghĩa thì mới sửa, để tránh mắc vô tiểu tiết.

2. Ông đề nghị chữ «représentante» phải dịch là «người đại diện phái nữ» vì «sẽ chứng tỏ đã thực sự đọc và hiểu Julia Kristeva. Vì ở Mỹ, «chữ «French theory» được hiểu rất chung chung, không chính xác, để chỉ một nhóm những nhà tư tưởng phần đông thuộc nam giới như Jacques Derrida, Michel Foucault, Jean-Francois Lyotard, Jacques Lacan, Roland Barthes… và Julia Kristeva. Ở đây Kristeva muốn nhấn mạnh điểm bà là một đại biểu thuộc phái nữ, là một nhà tư tưởng nữ quyền.»

Nhưng theo tôi, không có dấu hiệu văn phạm nào chứng tỏ Kristeva muốn nhấn mạnh «bà là một đại biểu thuộc phái nữ, là một nhà tư tưởng nữ quyền.» Nếu từ «représentante» Kristeva dùng ở giống cái, thì đơn giản là về mặt cú pháp bà không thể viết ở giống đực, Pháp văn rất chặt chẽ ở điểm này. Mặt khác, quan điểm của tôi là không suy diễn «ý muốn» của tác giả, mà chỉ tìm cách chuyển tải câu một cách chính xác nhứt, dựa trên văn bản, và nếu cần, dựa trên những thông tin khách quan (tôi nhấn mạnh hai chữ «khách quan»). Vì nếu tiếp tục suy diễn, thì tôi cũng có thể tưởng tượng một ý muốn hoàn toàn khác của Kristeva: dù là một nhà tư tưởng nữ quyền, nhưng trong lãnh vực french theory, Kristeva, rất kiêu hãnh, lại muốn được coi là một đại diện ngang hàng với cánh mày râu, không muốn bị phân biệt đối xử nam nữ chi hết, và càng không muốn được gọi là «người đại diện phái nữ»! Vậy ai biết được đâu là ý muốn thực của bà trong câu này? Tóm lại, theo tôi, nên tránh suy diễn.

3. Ông đề nghị dịch đoạn trên như vầy: «Trong lúc rời New York trở về, sau khi đã dự những cuộc tranh luận nảy lửa xoay quanh công trình của tôi được coi như của một đại diện phái nữ của french theory, đến nỗi đôi khi tôi toan tự xem mình là một nữ trí thức… Pháp.»

Thưa ông, câu trên của ông là một câu cụt!

4. Kristeva viết: «C’est alors que René Girard, qui m’avait entendue présenter Bakhtine au séminaire de Roland Barthes, m’a invitée à partir enseigner à l’université de Baltimore».

Tôi đề nghị dịch: «Chính lúc đó René Girard mời tôi về giảng dạy tại đại học Baltimore, ông đã từng nghe tôi giới thiệu về Bakhtine trong xê-mi-ne của Roland Barthes.»

Đào Trung Đạo bình luận: «Người đọc sẽ thắc mắc: «Lúc đó» là lúc nào?».

Thưa ông, chỉ cần đọc toàn văn bài viết, sẽ hiểu «lúc đó» là lúc nào. Ngay câu trên Kristeva viết: «Khi tôi tới Paris, cuộc chiến tranh Việt Nam đang căng thẳng, chúng tôi đã biểu tình chống lại những trận ném bom của Mỹ. Chính lúc đó…». Vài câu sau, bà lại nói như vầy: «Lúc đó là năm 1966». Ở đây bà giải thích vì cuộc chiến đó mà bà đã từ chối lời mời của René Girard.

Đào Trung Đạo lại thêm: «Ngoài ra, ở đây dịch «présenter» là «giới thiệu» thì không đúng nghĩa với công việc của một giáo sư đại học là «trình bày» về một học thuyết hay một tác giả chứ không thể là «giới thiệu về» được».

Thưa ông, tôi đã chọn chữ «giới thiệu», vì chính nhờ Kristeva (và T. Todorov) mà tác phẩm của Bakhtine mới được biết đến ở phương Tây. Hai chữ «giới thiệu» đó vì vậy có ý nghĩa của nó. Và đương nhiên, muốn «giới thiệu» thì phải «trình bầy».

5. Linda Lê, trong một truyện ngắn có tên «Le visiteur» in trong cuốn Autres jeux avec le feu (Christian Bourgois, Paris 2002) p. 33, viết: «La dernière phrase de mon roman, adieu définitif au pays où je suis né, me donnait du remords. En l’écrivant, j’avais éprouvé un sentiment de libération, une joie de transfuge. Et voilà que tout le plaisir sauvage goûté au moment de rompre avec mes origines se transforma en angoisse diffuse».

Tạm dịch: «Câu cuối trong quyển tiểu thuyết của tôi là lời chào vĩnh biệt xứ sở tôi đã sinh ra. Nó đã làm tôi hối hận. Trong lúc viết câu đó, tôi đã cảm thấy được giải thoát, cảm thấy niềm vui của kẻ phản bội. Và thế là tất cả sự sung sướng man rợ nhấm nháp trong lúc cắt đứt với nguồn cội của mình đã tự biến thành cơn hoảng sợ triền miên».

Qua lời của một nhân vật (dù là nam giới nhưng có nhiều điểm tương đồng với cô), Linda Lê mô tả trạng thái phức tạp, thậm chí mâu thuẫn, khi viết về quê hương Việt Nam. Điều đó giải thích nhận xét của tôi: «Khi nói lời chia tay, cô không chỉ có cảm giác tiếc nuối (như các tác giả khác thường có) mà còn bị cảm giác sung sướng giày vò đến «hoảng sợ triền miên». Chính mâu thuẫn đó làm nên nét độc đáo trong văn phong của Linda Lê. Với cô, vô xứ vừa là định mệnh lại vừa là lựa chọn».

Đào Trung Đạo khi phân tách tác phẩm của Linda Lê, đã bỏ cả đoạn văn in đậm. Đương nhiên, như ông nói: «người viết khảo luận có quyền chỉ trích dẫn câu hay đoạn văn nào cần thiết để chứng minh cho luận điểm của mình, miễn là trong văn cảnh toàn đoạn không có ý nào trái nghịch với luận điểm của mình». Nhưng ở đây, rất tiếc, Đào Trung Đạo đã bỏ trúng đoạn mang ý «trái nghịch với luận điểm» của ông, nhưng lại làm nên cái độc đáo trong văn của Linda Lê: đó là «niềm vui của kẻ phản bội», «sự sung sướng man rợ nhấm nháp trong lúc cắt đứt với nguồn cội của mình», «cơn hoảng sợ triền miên». Điều đó dẫn đến gượng ép khi ông xếp Linda Lê vô nhóm các nhà văn «vô xứ» nói chung. Xin ông chú ý cho hai chữ «nói chung».

6. Linda Lê viết trong tiểu luận có tên «Littérature déplacée»: «La tâche serait donc d’inventer une parole qui dessille les yeux. Une parole qui donne à voir. Une parole à rebours de la rhétorique. Une parole déplacée, puisqu’elle se place au coeur de la douleur sans chercher à lénifier cette douleur avec la panacée des mots». (Tu écriras sur le bonheur, Paris, PUF, 1999, tr. 336).

Tạm dịch:  Nhiệm vụ sẽ là sáng tạo ra một tiếng nói làm mở mắt. Một tiếng nói trưng ra. Một tiếng nói đi ngược lại tu từ. Một tiếng nói không đúng chỗ, bởi lẽ nó tự đặt mình ở trung tâm của nỗi đau khổ mà không tìm cách xoa dịu nỗi đau khổ đó bằng thuốc ngôn từ».

Ở đây tôi xin lưu ý mấy điểm như vầy:

Nếu «Littérature déplacée» có thể được hiểu là «văn học vô xứ» (như chính Linda Lê đã nói trong bài, tr. 329), thì trong đoạn trên, khi viết «parole déplacée», cô cố tình chơi chữ «déplacée», theo nghĩa đen là «không đúng chỗ». Tại sao Linda Lê lại muốn một «tiếng nói không đúng chỗ»? Vì nó «làm mở mắt», nó «trưng ra», giúp người ta tỉnh ngộ, nó vứt bỏ «tu từ», nó không «xoa dịu nỗi đau bằng thuốc ngôn từ». Tóm lại, cô đề nghị xây dựng một thứ tiếng nói trái ngược với thứ văn chương vô xứ cải lương vỗ về thường có, thứ văn chương mà, vài trang trước đó, cô gọi là «fait appel à l’émotion» (gợi xúc động), «(fait) tant vibrer la fibre paternaliste de la critique» (làm sợi dây gia trưởng của giới phê bình rung lên bần bật). Ý chơi chữ cũng bộc lộ khi cô đặt gần nhau hai từ: «déplacée» (không đúng chỗ) và «se place» (được đặt ở chỗ, tự đặt mình).

Trong bài trên Gió ô, Đào Trung Đạo viết: «Nói như Linda Lê, nhà văn vô xứ là kẻ có tiếng nói mở mắt người. Một tiếng nói vô xứ, bởi vì tiếng nói đó tự đặt mình ngay trong trái tim của sự khổ đau mà không tìm cách xoa dịu sự khổ đau bằng ngôn từ hoa mỹ.» (Linda Lê, Tu écriras sur le bonheur, p. 336).

Tôi đoán Đào Trung Đạo đã không hiểu hết đoạn trên của Linda Lê (cô nói rằng «tiếng nói» đó chưa có và cần phải được sáng tạo ra, trong khi ông làm như nó có sẵn rồi). Tôi cũng đoán ông không thấy được cách chơi chữ của nữ văn sĩ, nên mới dịch «parole déplacée» máy móc thành «tiếng nói vô xứ». Vì vậy tôi mới hỏi (ghẹo): «Trong cả đoạn này, tôi không hiểu Đào Trung Đạo dịch «một tiếng nói vô xứ» từ cụm từ nào trong nguyên bản tiếng Pháp?»

Hẹn gặp lại [1] !

© 2006 talawas 



[1]Để đáp lời cho câu «Adieu définitif!» của Đào Trung Đạo. Nhân đây tôi xin phép lưu ý cách dùng hai chữ «adieu définitif». Khi Linda Lê viết: «La dernière phrase de mon roman, adieu définitif au pays où je suis né…», câu của cô hoàn toàn đúng văn phạm. Còn nếu Đào Trung Đạo muốn nói vĩnh biệt ai đó, dù ông ngán người đó nhiều lắm đến độ vẽ chữ bự như con gà mệ mà ca thán, thì ông cũng không thể nói: «Adieu définitif!» được. Nói vậy sai ngữ pháp: dân Tây chỉ nói «Adieu!», bất cứ một tính từ nào thêm vô cũng trật hết.